Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

20220122. BÀN VỀ CẢI CÁCH TƯ PHÁP

 ĐIỂM BÁO MẠNG


CHỦ TỊCH NƯỚC: XÂY DỰNG CƠ CHẾ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, CHỐNG TIÊU CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ
TTXVN /VNN 11-1-2022

Ngày 11/1, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” dự và phát biểu chỉ đạo. 

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Dự hội nghị còn có  Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về pháp luật và tư pháp.


Chú thích ảnh

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo, sáng 11/1/2022. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Hội thảo đánh giá, sau 20 năm thực hiện cải cách theo các Nghị quyết của Đảng, công tác cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân - cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của tòa án. Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của người dân. Công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Các chuyên gia cho rằng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cải cách tư pháp đang là xu thế tất yếu, liên tục và phổ biến không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả ở tất cả các quốc gia. Cải cách tư pháp được tiến hành với quyết tâm cao, nội dung phong phú, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng nền tư pháp minh bạch, hiện đại, thuận tiện cho nhân dân.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc phân tích, đánh giá những định hướng, giải pháp cải cách tư pháp tại tòa án làm căn cứ đề xuất Chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án đã có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo và uy tín, xứng đáng với vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.

Nổi bật là việc tổ chức hòa giải, đối thoại tại tòa đã bước đầu thành công; trang phục các cán bộ tham gia phiên tòa, bố trí vị trí ngồi chức danh trong phiên tòa bước đầu thực hiện tốt. Tranh tụng tại tòa là vấn đề quan trọng trong cải cách tư pháp, nhiều phiên đã tranh tụng mạnh mẽ; kết quả phán quyết của phiên tòa là toàn diện trên cơ sở chứng cứ và tham khảo, lắng nghe ý kiến Viện kiểm sát các cấp, luật sư. Tổ chức bộ máy tòa án các cấp ngày càng hoàn thiện theo hướng tinh gọn và chuyên nghiệp. Tòa án nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ việc.

Năm 2021, theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, số lượng bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án chỉ chiếm 0,81%, giảm 0,25% so với năm 2020, đáp ứng Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Sắp xếp đội ngũ cán bộ tòa án bước đầu coi trọng chất lượng, năng lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng, thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp. Nhiều đạo luật quan trọng liên quan thủ tục tố tụng tư pháp đã được xây dựng và ban hành. Tòa án cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường cơ sở vật chất. 

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nêu rõ một số bất cập của nền tư pháp nước ta: Chưa có sự thống nhất trong nhận thức về nội hàm quyền tư pháp, chủ thể thực hiện quyền tư pháp. Một số nhiệm vụ được Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhưng chưa được triển khai thực hiện hoặc đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.


Chủ tịch nước: Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực trong hoạt động xét xử

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tòa án cũng còn những tồn tại cần được tháo gỡ như: Mâu thuẫn về chế độ chính sách và điều kiện bảo đảm; mâu thuẫn giữa áp lực công việc và biên chế...., một bộ phận nhỏ cán bộ của tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ cũng như phẩm chất. Nhiều vấn đề mới phát sinh do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách để ngày càng thích ứng tốt hơn với tình hình mới, thúc đẩy và bảo vệ quá trình phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đó là xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chiến lược cải cách tư pháp có ý hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ta, của chế độ ta trong giai đoạn mới, nhất là đối với hệ thống bộ máy Nhà nước, gồm cả hệ thống Toà án nhân dân các cấp.

Đặt vấn đề, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, còn có những khó khăn, thách thức, đặt ra cho nền tư pháp nước ta những yêu cầu mới, Chủ tịch nước đề nghị ngành Tòa án và cả nền tư pháp phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ nhằm thích nghi và đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới, để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với trình độ chung của thế giới. Cải cách tư pháp cũng chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của Toà án, Chủ tịch nước chỉ rõ.

Trên tinh thần đó, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương yêu cầu cần phân tích những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho Chiến lược cải cách tư pháp mới của Toà án với quyết tâm chính trị cao, khẩn trương, đồng bộ; xác định rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm; có chương trình, kế hoạch, lộ trình cải cách phù hợp. Tập trung một số nội dung trọng tâm là nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quan điểm, định hướng cải cách tư pháp  đã được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW theo tinh thần Kết luận 84 của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, đề xuất những giải pháp cải cách mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển chung của thế giới.

Tập trung vào các giải pháp cải cách về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân; phân định rõ quyền quản lý hành chính của tòa án để bảo đảm quyền độc lập giữa các cấp tòa án; đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp chuyên nghiệp, hiệu quả. Xây dựng chế độ xét xử độc lập, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, tăng quyền của tòa án trong xét xử các vụ án xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước, phối hợp các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan tố tụng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật. Nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là chức danh tư pháp, có chế độ chính sách phù hợp dành cho cán bộ Tòa án.

Ngoài ra, cần tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án chính quy, hiện đại, hoạt động hiệu quả; chú trọng phát triển Tòa án điện tử ngang tầm với trình độ phát triển chung của thế giới… ; vấn đề xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động xét xử của tòa án; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.

Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn chỉnh Chuyên đề được giao, đề xuất xây dựng chiến lược cải cách tư pháp mới, báo cáo Ban chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”  để trình Bộ Chính trị, Trung ương cho ý kiến, quyết định trong năm 2022.

Theo TTXVN


LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC CHỦ TRÌ HỘI THẢO QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN
TTXVN/VNN 17-1-2022

Sáng 17/1/2022, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức Hội thảo quốc gia.

Hội thảo với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đồng chủ trì.

Tham dự hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật. 


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì hội thảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước: Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực trong hoạt động xét xử

Chủ tịch nước: Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực trong hoạt động xét xử

Ngày 11/1, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến ....

Theo TTXVN


THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH: TIẾP TỤC

 ĐỔI MỚI ĐỒNG BỘ, TOÀN DIỆN CÔNG TÁC

 XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

VGP/VNN 25-05-2021

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, phải nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng pháp luật trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác này. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng pháp luật
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, tập trung cho nhiệm vụ hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Sáng ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.

Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ gợi ý các đại biểu phát biểu về những điểm “trăn trở, day dứt nhất” trong công việc; công tác phối hợp với các bộ, ngành; phân tích các nguyên nhân, các bài học kinh nghiệm; các nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới… trên các lĩnh vực hoạt động của ngành tư pháp như xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, bổ trợ tư pháp và hợp tác quốc tế về pháp luật.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong bối cảnh nhiệm vụ được giao ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, nguồn lực còn nhiều hạn chế, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự tâm huyết, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, bám sát phương châm hành động, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt được nhiều kết quả cụ thể, có những lĩnh vực trở thành điểm sáng.

Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Tư pháp và các ý kiến tại cuộc làm việc cũng cho rằng, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chi phí tuân thủ pháp luật nhìn chung còn cao.

Các đại biểu cho biết, trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được tiếp thu, giải trình đầy đủ. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương trong thực hiện công tác tư pháp vẫn còn hạn chế.

“Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, mới chỉ có 5 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Các ý kiến đề nghị đẩy mạnh triển khai “tư pháp điện tử”; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (chiếm 2/3 trường thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); tăng cường cử cán bộ nghiên cứu, học tập về luật pháp quốc tế tại các cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới, các tổ chức quốc tế; một số kiến nghị liên quan đến đào tạo nhân lực ngành tư pháp…

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật là nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Tư pháp, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Bộ đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, trong hoạt động có những chuyển biến quan trọng, góp phần rà soát, khắc phục các quy định chồng chéo, khắc phục cơ bản tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh…

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Xây dựng và hoàn thiện thể chế đòi hỏi các bộ, cơ quan cùng vào cuộc, nhưng Bộ Tư pháp phải đóng vai trò “tham mưu trưởng” cho Chính phủ, phối hợp với các bộ, cơ quan trong công tác này, nhất là Bộ phải quyết liệt hơn nữa trong khâu thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…

Nhiều nơi nhận thức chưa đúng tầm và đầu tư chưa ngang tầm

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, công tác tư pháp, ngành tư pháp có vị trí, vai trò rất quan trọng. Bộ Tư pháp là cơ quan tham mưu chiến lược, chủ lực của Đảng, của Chính phủ trong bối cảnh chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; trong thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nguyên tắc hoạt động của Đảng; triển khai 3 khâu đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bảo vệ, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt trong thời gian sắp tới là phải nâng cao nhận thức, thống nhất hành động để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đầu tư, kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn lực con người cho hoạt động tư pháp.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, Bộ và ngành tư pháp đã đạt được những thành tích, thành tựu lớn, có tính chất quyết định, cơ bản. Để đạt được kết quả này, Bộ và ngành đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện các mục tiêu lớn về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, các nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược. Đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu vượt qua những khó khăn thách thức, trong sáng, vô tư trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng tình với các hạn chế, yếu kém, bất cập được nêu tại buổi làm việc, Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân chính: Quy trình xây dựng, phê duyệt, thông qua các quy định pháp luật còn nhiều thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian, cầu toàn, trong khi thực tiễn cuộc sống diễn biến rất nhanh, khó dự đoán, khó lường. Nhiều nơi nhận thức chưa đúng tầm và đầu tư chưa ngang tầm nhiệm vụ cho công tác tư pháp, các quy định về chi tiêu, bố trí nguồn lực cho công tác này còn bất cập. Sự phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chưa tốt, Bộ Tư pháp cũng chưa thực sự chủ động trong công tác này. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật chưa rõ ràng, chặt chẽ, chưa cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; công tác thi đua, khen thưởng kỷ luật chưa được coi trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, trước hết là phải bám rất sát chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và các quy định của pháp luật có liên quan để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

“Các đồng chí phải lao vào tháo gỡ vướng mắc cùng các bộ, ngành, địa phương, điều này sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò, tầm quan trọng của ngành tư pháp”, Thủ tướng chia sẻ và nêu ví dụ cụ thể về một số vướng mắc hiện nay trong các quy định pháp luật. “Trách nhiệm không chỉ của các bộ chuyên ngành, mà có cả trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Quá trình thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải thực sự vì lợi ích quốc gia dân tộc, thực sự có trách nhiệm thì mới thấy được bất cập”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một bài học kinh nghiệm khác là phải coi trọng nguồn lực con người, đầu tư cho con người; dành sự đầu tư, quan tâm thích đáng từ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ sở vật chất… cho công tác tư pháp. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học, bám sát thực tiễn để tiếp tục đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ.  “Xây dựng chính sách thì mời các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu là đúng, là cần thiết, nhưng cũng phải mời các nhà hoạt động thực tiễn”, Thủ tướng lưu ý.

Giữ vững đoàn kết thống nhất, chân thành, cởi mở nhưng phải tránh tư tưởng “xuôi chiều”, không có đấu tranh. Coi trọng công tác truyền thông về chính sách pháp luật để người dân biết, hiểu rõ, có ý thức tham gia xây dựng và thực hiện pháp luật.


Lấy thực tiễn làm thước đo, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, việc lớn nhất là phải hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược.

Trên cơ sở nhiệm vụ lớn nhất này, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành và của môi trường pháp lý với sự phát triển của đất nước ta để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quan trọng.

Thứ hai, tiếp tục kế thừa, phát huy và nhân rộng khí thế, thành tích, thành tựu, kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, nhất là truyền thống đoàn kết, yêu nghề, trách nhiệm, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức qua các thời kỳ. Thủ tướng lưu ý trong công việc, Đảng, Nhà nước tạo điều kiện nhưng phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, trăn trở, “không ai làm thay, không ai làm tốt cho mình hơn mình”.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng pháp luật trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược với tinh thần phải rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng lưu ý làm tốt việc lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, bị tác động khi xây dựng pháp luật, “quy định ban hành tối qua mà sáng nay thấy bất cập rõ ràng thì cũng phải sửa, không cứng nhắc”. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn cho các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những vấn đề đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.

Thứ tư, tập trung sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học, nâng cao lý luận phát triển ngành tư pháp sát với tình hình thực tế Việt Nam, nhất là phục vụ xây dựng môi trường pháp lý.  

Thứ năm, coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành. Thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng bộ với thực hiện các quy định nêu gương.

Xây dựng bộ máy, tổ chức, biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; chuẩn bị xây dựng Nghị định mới về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp theo tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm trung gian, xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đầu mối bên trong và trên cơ sở đó, xây dựng vị trí việc làm, miêu tả khung năng lực để xác định biên chế, gắn với việc nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, một người làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một người. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…

Sửa đổi ngay các quy định về chi tiêu ngân sách trong xây dựng pháp luật

Thứ sáu, coi trọng công tác đào tạo và nâng  cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức; lưu ý dùng chung nguồn lực, tránh tình trạng phân tán nguồn lực tại các cơ sở đào tạo.

Thứ bảy, coi trọng công tác hội nhập và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, xử lý các vấn đề luật pháp liên quan đến lợi ích hợp pháp của công dân và của đất nước ta.

Thứ tám, coi trọng đầu tư hơn nữa cho công tác hỗ trợ tư pháp, nhất là coi trọng xây dựng đội ngũ luật sư, phát huy tối đa trí tuệ, phẩm chất, lòng yêu nước và trách nhiệm của đội ngũ luật sư, kiên trì lắng nghe các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, các phản biện có lý, có tình của họ trên tinh thần khiêm tốn học hỏi và giữ đúng nguyên tắc.

Thứ chín, coi trọng và đầu tư cho công tác truyền thông chính sách, những kinh nghiệm quý, bài học hay, những điển hình tiên tiến; truyền thông phải đi trước một bước, đóng vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng cho người dân, tạo đồng thuận xã hội, theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Thứ mười, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, coi trọng xây dựng, củng cố, hoàn thiện bộ máy của các cơ quan tư pháp các cấp. 

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Bộ Tư pháp. Trong đó, Thủ tướng bày tỏ “rất tâm đắc, tán thành ngay” và cho biết sẽ có ngay văn bản giao các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách – một trong ba khâu đột phá chiến lược.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp sửa đổi ngay các quy định về chi tiêu ngân sách trong xây dựng pháp luật và nghiên cứu khoa học. Bộ Tư pháp làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nhiệm vụ đầu tư liên quan đến xây dựng môi trường pháp lý, như vấn đề cơ sở dữ liệu dùng chung. Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc về pháp luật, cơ chế, chính sách, sớm trình Chính phủ báo cáo Quốc hội và các cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết.

Theo VGP

CHỦ TỊCH NƯỚC HỌP HOÀN THIỆN 

MÔ HÌNH BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP

 TRUNG ƯƠNG

TTXVN/ VNN 20-8-2021

Việc kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ, là điều kiện quan trọng giúp Ban Chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Chiều 8/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì cuộc làm việc hoàn thiện dự thảo Đề án “Tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương”.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 20 năm qua, qua mỗi nhiệm kỳ, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đều đạt được những kết quả quan trọng trong tham mưu giúp Bộ Chính trị chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án “Tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương” đảm bảo chặt chẽ, khoa học

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp... Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, kết luận của BCH Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 10 năm qua, Đề án “Tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương” đã tích cực được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Nội chính Trung ương tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án đảm bảo chặt chẽ, khoa học, sớm trình Bộ chính trị cho ý kiến.

Việc kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ, là điều kiện quan trọng giúp Ban Chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; thực hiện đúng tinh thần nghị quyết, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cải cách tư pháp.

Từ đó, tiếp tục đóng góp vào thành tựu của công cuộc Đổi mới, sự phát triển của đất nước, nhất là trong bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo TTXVN


TÒA ÁN MUỐN ĐỘC LẬP CẦN CÓ NGAY LUẬT

 CẤM BẤT CỨ AI, KỂ CẢ CẤP CAO NHẤT, CAN

 DỰ VÀO CÁN CÂN CÔNG LÝ


LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 20-1-2022


Có thể là hình ảnh về 1 người


17.1.2022 tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chánh án Toà Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng chủ trì hội thảo có chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp”.

Chưa từng có một hội thảo về cải cách ngành tư pháp nào lại có sự tham dự của hầu hết lãnh đạo nhà nước, chính phủ, quốc hội, đảng... như vậy.

Thật ra chuyện cải cách tư pháp luôn là khúc xương khó gặm nhất của thể chế một đảng từ... gần 70 năm nay. Khó gặm vì mâu thuẫn cơ bản ai cũng biết nhưng không ai bén mảng động chạm vào nó, đó là: Đảng chỉ đạo, chi phối toà án hay toà án độc lập?

Đụng đến vấn đề này tức là đụng đến thể chế tam quyền phân lập hay thể chế nhất... nguyên - đảng túm tư pháp, hành pháp, lập pháp trong một rọ.

Mọi mắc mớ của ngành tư pháp - toà án đều từ mâu thuẫn này mà ra cả.

Rất mừng là, trong hội thảo mà cả ba nhà lãnh đạo cao nhất Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đều xuất thân học về kinh tế, có xu hướng kỹ trị, cùng tỏ ra rất quan tâm tới xu hướng chủ trương cải cách:

"Tiếp tục thúc đẩy nhận thức thống nhất, khẳng định vị trí của tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp. Ở đó, nguyên tắc tư pháp độc lập và chỉ tuân theo pháp luật cần tiếp tục được nhận thức, khẳng định như một vấn đề nguyên tắc…".

Vấn đề cần làm ngay để thúc đẩy xu hướng mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thực hiện từ lâu này là: Quốc hội phải có ngay Luật cấm bất cứ cá nhân, tổ chức nào can thiệp vào việc xét xử của toà án. Luật cũng chế tài nghiêm những quan toà nào để cho các cá nhân, tổ chức can dự vào cán cân công lý.

Bước đầu cứ thế đã. Cứ thế đã mới có niềm tin của Dân rằng "Cải cách tư pháp là câu chuyện hội thảo không phải cho vui giữa mùa đại dịch".

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

VỤ VIỆT Á LÀM LỘ HẠN CHẾ TRONG CUỘC

 CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG CỦA VIỆT NAM

LÊ HỒNG HIỆP/NCQT/BVN 20-1-2022



Kể từ năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ. Chiến dịch này đã dẫn đến việc truy tố và bỏ tù hàng trăm quan chức cấp cao, tướng lĩnh quân đội và công an, cũng như nhiều giám đốc điều hành cấp cao tại các doanh nghiệp nhà nước. Chiến dịch được ghi nhận là đã góp phần làm giảm mức độ tham nhũng được cảm nhận trong khu vực công. Tuy nhiên, một vụ bê bối tham nhũng gần đây liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á cho thấy, bất chấp tất cả những thành tựu đạt được, chiến dịch đã thất bại trong sứ mệnh răn đe tham nhũng.


Việt Á không được nhiều người biết đến trên thị trường cho đến tháng 4 năm 2020, khi Việt Á công bố trước sự ngạc nhiên của nhiều người là đã sản xuất thành công một bộ kit xét nghiệm Covid-19 thông qua hợp tác với Học viện Quân y. Kết quả kinh doanh của Việt Á nhanh chóng tăng mạnh. Đến cuối năm 2021, doanh thu lũy kế của công ty đến từ việc bán các bộ kit xét nghiệm Covid-19 cho các bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) địa phương đã đạt 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 2021, các cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố Việt Á vì thổi giá bộ kit xét nghiệm 45% và chi trả tổng cộng 800 tỷ đồng tiền hối lộ để giành được các hợp đồng cung cấp bộ kit xét nghiệm cho các bệnh viện và CDC trong nước. Cùng với giám đốc và nhân viên chủ chốt của Việt Á, một số quan chức nhà nước cũng bị khởi tố, trong đó có người đứng đầu CDC Hải Dương, người đã nhận lại quả 27 tỷ đồng để phê duyệt việc mua số bộ kit xét nghiệm trị giá 151 tỷ đồng từ Việt Á. Cuộc điều tra hiện vẫn đang tiếp tục, và thêm nhiều quan chức có thể sẽ bị bắt và truy tố trong thời gian tới.

Vụ bê bối đã gây phẫn nộ cho công luận, khi người dân lên án Việt Á và các quan chức liên quan đã tham lam trục lợi từ đại dịch, bòn rút trên những khó khăn, mất mát của cả nước. Trước mức độ nghiêm trọng của vụ án và phản ứng mạnh mẽ của dư luận, các cơ quan chức năng trung ương đã quyết định đưa vụ án vào diện chịu sự giám sát trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhằm đảm bảo điều tra vụ án một cách toàn diện và đầy đủ, không để lọt người lọt tội.

Đối với nhiều người, đặc biệt là những người trong ngành y tế, vụ bê bối của Việt Á không có gì đáng ngạc nhiên vì tham nhũng được biết là đã phổ biến và ăn sâu vào lĩnh vực này từ lâu. Trả tiền lại quả cho các giám đốc bệnh viện để giành hợp đồng là một thực tế phổ biến trên thị trường. Đối với một số đơn hàng đặc biệt, như những thiết bị mà bệnh viện có thể không cần gấp nhưng vẫn mua để sử dụng hết ngân sách được phân bổ hàng năm, khoản lại quả có thể lên đến 30% tổng giá trị hợp đồng hoặc hơn. Do tình trạng tham nhũng này, các nhà cung cấp thường phải thổi giá sản phẩm của họ lên đáng kể. Việc Việt Á thổi giá bộ kit xét nghiệm của mình thêm 45%, tuy thô thiển và không thể chấp nhận được, nhưng không phải là chưa từng có tiền lệ.

Điều gây sốc hơn đối với công chúng là vụ bê bối xảy ra ngay trong đại dịch và ở quy mô lớn, bất chấp chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra cũng như việc tăng cường truy quét tham nhũng trong lĩnh vực y tế kể từ năm 2020. Việc tăng cường xử lý tham nhũng trong lĩnh vực y tế thời gian qua đã dẫn đến việc bắt giữ và truy tố hàng chục quan chức nhà nước, các quản lý bệnh viện và nhân viên tại các công ty cung cấp trên khắp Việt Nam, bao gồm cả một vụ án liên quan đến việc thổi giá máy PCR để xét nghiệm Covid-19 tại CDC Hà Nội hồi cuối năm 2020. Cùng với các vụ án tham nhũng lớn khác gần đây, chẳng hạn như các vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và cựu Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang, vụ bê bối Việt Á cho thấy rằng chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam phần lớn đã không răn đe được tham nhũng.

Thất bại này hầu như không gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát Việt Nam. Gần một thập niên trước, ngay trước khi Việt Nam thông qua luật sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng năm 2012, tôi đã lập luận rằng nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam sẽ không thành công nếu Việt Nam không thực hiện các cải cách nhằm tăng cường tính độc lập của các cơ quan tư pháp và thực thi pháp luật, đồng thời thúc đẩy vai trò của truyền thông và xã hội dân sự trong việc vạch trần tham nhũng. Do Đảng không sẵn sàng áp dụng các biện pháp như vậy vì sợ rằng chúng sẽ làm xói mòn sự cầm quyền của Đảng, tình trạng tham nhũng tràn lan sẽ vẫn tồn tại bất chấp những nỗ lực chống tham nhũng mới của đảng.

Mười năm trôi qua, trong khi Đảng đã nỗ lực thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của mình (thể hiện qua việc hàng trăm quan chức cấp cao đã bị bỏ tù từ năm 2016), thì đồng thời Đảng cũng tiếp tục né tránh các cải cách thể chế thực chất để làm cho các nỗ lực chống tham nhũng của mình hiệu quả và bền vững hơn.

Điều khó hiểu là Đảng thậm chí còn nới lỏng các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng. Một ví dụ điển hình là việc bổ sung một khoản mới trong Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, quy định rằng án tử hình sẽ được thay thế bằng án tù chung thân nếu một người “bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ”. Quy định này là nhằm tạo điều kiện cho việc thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng vô hình trung lại tạo động lực cho các quan chức thực hiện các hành vi tham nhũng lớn, vì biết rằng nếu họ thực hiện được trót lọt thì gia đình họ sẽ giàu có suốt nhiều đời, còn nếu bị bắt, họ có thể dễ dàng thoát án tử hình bằng cách trả lại một phần những gì họ đã đánh cắp.

Chắc hẳn các ông chủ của Việt Á và các quan chức tham nhũng trong vụ án sẽ sớm bị đưa ra xét xử và chịu án tù dài hạn. Nhưng không sớm thì muộn, những trường hợp khác tương tự như Việt Á cũng sẽ xuất hiện. Khi không có các cải cách thể chế thực chất, việc thắt chặt các quy định pháp luật và áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn để răn đe các quan chức, khiến họ không dám tham ô và nhận hối lộ, có lẽ là cách đơn giản nhất để Đảng có thể giảm tham nhũng một cách có ý nghĩa và bền vững.

Bài viết được đăng lần đầu bằng tiếng Anh trên Fulcrum.sg.

L.H.H.

Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét