Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

20220102. HỘI NGHỊ VỀ XÂY DỰNG CHỈNH ĐỐN ĐẢNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG: 

TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG

TTXVN/GDVN 4-10-2021

GDVN- Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái,...

Sáng 4/10, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc.

Hội nghị đã dành một phút tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong đại dịch COVID-19.


Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; tình hình kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến,""tự chuyển hóa" trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và một số vấn đề quan trọng khác.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc hội nghị, nêu một số vấn đề liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của hội nghị, có tính chất gợi mở để Trung ương quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định.

Sớm kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ việc Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, hoàn thiện các nội dung liên quan đến quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước, thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm nay có ý nghĩa quan trọng đặc biệt do bối cảnh, tình hình diễn biến phức tạp, biến động bất thường; bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới, gay gắt và nặng nề hơn so với dự báo.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Ủy viên Trung ương dành thời gian nghiên cứu thật kỹ các tài liệu đã gửi và căn cứ vào thực tế tình hình ở các ngành, lĩnh vực, địa phương mình để thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2021, nhất là dự báo về tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới.

Chú ý tổng kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua.

Tổng Bí thư lưu ý cần chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Đối chiếu, phân tích khả năng hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã dự kiến cho năm 2021, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ sớm kiểm soát được dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, nhất là tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở Việt Nam trong thời gian tới; nắm bắt thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, cần xác định rõ quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới; mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022, bảo đảm sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thực sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm 2021 và trong cả năm 2022.

Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng

Tổng Bí thư nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương 4 lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến,""tự chuyển hóa" trong nội bộ."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc


 hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với tên gọi, chủ đề và phạm vi mới của dự thảo Kết luận.

Chỉ rõ có gì cần bổ sung, điều chỉnh; nên chăng phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Từ đó, đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề, nhất là những giải pháp có tính đột phá trong nhiệm kỳ này.

“Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII, đề nghị các đồng chí nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa yêu cầu phòng, chống không chỉ tham nhũng mà còn cả đối với tiêu cực; những biểu hiện tiêu cực là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?,"Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, đi sâu phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu.

Cho ý kiến cụ thể đối với việc Đề án kiến nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao nhất Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; đồng thời tập trung ưu tiên thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng chính trị, tự phê bình và phê bình; về tập trung hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

“Những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình chưa? Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì? Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp nào cần có thêm quy định, hướng dẫn và cách thức tổ chức thực hiện thế nào?," Tổng Bí thư gợi mở.


Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Về việc sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các Ủy viên Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực, có tính khả thi, sửa trực tiếp vào dự thảo Quy định, tạo sự thống nhất cao trong Trung ương để ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới.

Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Ủy viên Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 7/10/2021.

Theo TTXVN
NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG: CHỐNG DÂN CHỦ HÌNH THỨC
TTXVN/ GDVN 27-12-2021
GDVN- Ở nhiều nơi, sự mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm rất khó được nhận diện vì núp dưới vỏ bọc hoàn hảo là “đoàn kết” - sự đoàn kết xuôi chiều, giả tạo.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (từ ngày 4-7/10/2021) đã thảo luận và cho ý kiến về nhiều nội dung hết sức quan trọng, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm.


Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng xem xét, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới; đồng thời, coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Đoàn kết xuôi chiều nguy hại như mất đoàn kết

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã nhìn nhận một cách rất rõ ràng về tác hại của sự "đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức.”

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng do Bộ Chính trị đã tổ chức vào ngày 9/12 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, "ngậm miệng ăn tiền" hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ đều là không đúng.”

Tổng Bí thư yêu cầu các tổ chức Đảng phải “khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá," "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng.”

Như vậy, đoàn kết xuôi chiều được nhận diện là căn bệnh đáng báo động ngang hàng với sự mất đoàn kết nội bộ. Đoàn kết xuôi chiều được coi là sự suy thoái trong nhận thức và trong hành động của cán bộ, đảng viên.

Nó nguy hiểm ở chỗ không gây tác hại tức thì, không biểu hiện rõ ràng như tình trạng mất đoàn kết để có thể “kích hoạt sự miễn dịch” của tổ chức Đảng. Nó phá hoại sức mạnh của Đảng một cách từ từ, lặng lẽ.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra hơn 20 cấp ủy đảng có dấu hiệu vi phạm, trong đó có Ban Thường vụ Đảng ủy các đơn vị: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Quân chủng Phòng không-Không quân (Bộ Quốc phòng), Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật (Bộ Công an), Huyện ủy Hướng Hóa (Quảng Trị), Huyện ủy Ba Vì (Hà Nội), Thành ủy Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), Thanh tra Bộ Xây dựng, Công an tỉnh Đồng Nai...

Kết quả các cuộc kiểm tra cho thấy nhiều tổ chức đảng và người đứng đầu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ các tổ chức đảng không thực hiện nghiêm túc chế độ phê bình và tự phê bình, đội ngũ cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần đấu tranh với những hành vi vi phạm của đồng chí, đồng đội.

Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị để cho những khuyết điểm, yếu kém kéo dài nhiều năm, không giải quyết thấu đáo, xử lý dứt điểm mà còn có biểu hiện bao che, dung túng bởi nội bộ tập thể gần như bị tê liệt do thái độ “im lặng đáng sợ” của số đông cán bộ, đảng viên trong đơn vị, cơ quan.

Nhận diện sự “im lặng là vàng… thau”

Đoàn kết xuôi chiều được biểu hiện phổ biến dưới hình thức “nương theo” ý kiến của lãnh đạo, của những người có tầm ảnh hưởng. Tại không ít các tổ chức đảng, những đảng viên “bình thường” e ngại thể hiện chính kiến, sợ mất lòng, sợ va chạm, sợ bị đánh giá là không ủng hộ cấp trên, không ủng hộ đồng nghiệp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị cán


 bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy


 định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn


 Đảng theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đoàn kết xuôi chiều về lâu dài sẽ gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, tiềm ẩn hình thành nhóm lợi ích, tác động tiêu cực đến tư tưởng và tâm lý xã hội, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đoàn kết xuôi chiều là “mẹ đẻ” của thái độ nể nang, không dám đấu tranh vì chính nghĩa, vì cái tốt, cái thiện, cản trở sự tiến bộ của chi bộ, cơ quan. Đoàn kết xuôi chiều nhiều khi còn được che đậy dưới lập luận “mỹ miều” là biểu hiện của sự đồng thuận, sự nhường nhịn, không cần ganh đua nhỏ nhặt.

Ẩn sau sự đoàn kết giả tạo là thái độ yếu hèn, ích kỷ, vụ lợi, mũ ni che tai, thờ ơ với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, thờ ơ với vận mệnh của đất nước, của Đảng.

Tại nhiều chi bộ, cơ quan, đơn vị sự mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm rất khó được nhận diện vì núp dưới vỏ bọc hoàn hảo là “đoàn kết” - sự đoàn kết xuôi chiều, giả tạo. Sự “im lặng là vàng… thau” của một cán bộ, đảng viên đã nguy hại, nhưng sự “im lặng đáng sợ của tập thể” có sức tàn phá gấp hàng chục, hàng trăm lần.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong toàn Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng. Nguyên nhân quan trọng khiến cả một tổ chức đảng bị kỷ luật chính là sự đoàn kết xuôi chiều, thái độ thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

Đoàn kết xuôi chiều và dân chủ hình thức là “anh em sinh đôi,” thường đi kèm với nhau, làm nảy sinh ra tình trạng “dân chủ mà không có dân chủ.”

Dân chủ hình thức là sự mất dân chủ dưới vỏ bọc “đúng quy trình,” “đúng quy chế,” nên khó phát hiện. Mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong công tác cán bộ đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, không những bản thân cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm khó khăn, lúng túng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, mà nguy hại hơn là làm nản lòng những cán bộ có đủ tài, đức; là môi trường dễ nảy sinh sự thiếu thống nhất, mất đoàn kết trong nội bộ.

Quy định 37-QĐ/TW bổ sung một số quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, Điều thứ 3 quy định đảng viên không được “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ," đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyển quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.”

Như vậy là lần đầu tiên khái niệm “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” được đưa vào nội dung của Quy định “19 điều đảng viên không được làm”.

Theo TTXVN
PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH LÀ NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT, NÓI SỰ THẬT ĐỂ TỐT LÊN
TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 16-12-2021
GDVN- Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, sắp tới các tổ chức đảng cần thực hiện công tác phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh hơn và đi vào thực chất hơn.

Ngày 9/12, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Các vấn đề được nêu ra trong bài phát biểu nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã đánh giá rất cao bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều ý mới mà các cấp ủy, chi bộ phải tổ chức quán triệt học tập ngay.

Việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được bàn rất kỹ ở Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Do đó, có thể thấy nội dung này đã được tập hợp đầy đủ trí tuệ và được bàn rất kỹ, việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải nắm vững những quan điểm cơ bản từ những hội nghị này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng 


Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). 


Ảnh: Báo Lao động

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những điểm cơ bản, điểm mấu chốt nhất của công tác Xây dựng và chính đốn Đảng hiện nay là vấn đề gì, để tất cả các cấp và các đảng viên, các cán bộ đảng viên chủ chốt ở tất cả các cấp quán triệt để thực hiện.

“Nhiều vấn đề đã được đề cập rất thẳng, thật, nếu chỉ nghe thôi, các tổ chức đảng không tổ chức quán triệt, học tập, nghiên cứu thì tôi tin là hiệu quả sẽ rất thấp.

Chính vì vậy, sắp tới các tổ chức đảng cần thực hiện công tác phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh hơn và đi vào thực chất hơn.

Vừa rồi chúng ta cũng tổ chức thực hiện công tác phê bình và tự phê bình theo tình thần chỉ đạo của các cấp, các ngành Trung ương, tuy nhiên, như trong phát biểu của Tổng Bí thư, công tác phê bình và tự phê bình còn hình thức và chưa đi vào thực chất.

Thậm chí là thông qua công tác phê bình và tự phê bình, biến đó thành buổi nịnh nọt nhau, tâng bốc nhau, dung túng, che lấp những sai phạm của đồng chí mình. Đây là cách nhìn nhận rất chân thực vào thực tế.

Sắp tới, khi Trung ương có những chỉ đạo cụ thể để công tác phê bình và tự phê bình trong cấp ủy các cấp, thậm chí trong Trung ương nữa sẽ có sự chuyển biến trong công tác phê bình và tự phê bình.

Phê bình và tự phê bình ở đây được hiểu là không phải là chúng ta đi bới móc khuyết điểm của người khác rồi lấy đó làm cái cớ thực hiện việc này, việc nọ. Quan niệm như vậy là không đúng.

Phê bình và tự phê bình phải được thực hiện với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để mà được mặt tốt, mặt mạnh của cán bộ đảng viên, của tổ chức đảng để mà phát huy.

Nhưng cũng phải chỉ ra thẳng thắn những hạn chế, yếu kém để mà sửa đổi. Đặc biệt là những biểu hiện suy thoái về đạo đức, tư tưởng lối sống, không giữ được phẩm chất của người cộng sản.

Nhất là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị như Tổng Bí thư đã nhắc đến, đây là vấn đề quan trọng nhất.

Đây là vấn đề đe dọa đến tồn vong của Đảng của chế độ, vấn nạn tham nhũng cũng bắt nguồn từ cái gốc là suy thoái đạo đức, lý tưởng chính trị.

Cán bộ đảng viên mà phai nhạt lý tưởng, không tin vào con đường của chủ nghĩa xã hội, mục tiêu lý tưởng của Đảng là rất nguy hiểm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, cái gốc của tham nhũng bắt nguồn từ suy thoái tư tưởng, đạo đức của cán bộ đảng viên. Ảnh minh hoa: Báo Thanh tra

Nếu không thực hiện tốt công tác phê bình và tự phê bình, xây dựng và chỉnh đốn Đảng sẽ tiếp tục đi vào con đường mơn trớn nhau, rồi tâng bốc nhau, không thực chất.

Vừa qua, Tổng Bí thư cũng đã chỉ rõ bệnh hình thức trong công tác phê bình và tự phê bình dẫn đến tác dụng của công tác này rất hạn chế.

Vì thế từ kỳ này trở đi, công tác này phải được thực hiện sao cho đi vào thực chất hơn. Đặc biệt là phải chú ý 2 mặt của xây dựng Đảng là xây và chống.

Xây là xây dựng những giá trị chuẩn mực trong Đảng.

Chuẩn mực trong Đảng bây giờ là phải có trình độ trí tuệ, lý luận, phải có phẩm chất, bản lĩnh chính trị, cương lĩnh đường lối đúng đắn và chuẩn mức đạo đức, kỷ luật...

Tổ chức phải chặt chẽ, kỷ luật phải nghiêm minh. Cán bộ phải thể hiện được vai trò của người đảng viên", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết.

Phân tích thêm về vấn đề xây dựng Đảng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho biết: "Nói về xây dựng Đảng, như tôi được biết thì còn nhiều người thậm chí còn chưa nắm vững, chưa hình dung xây dựng Đảng là xây cái gì, đấu tranh phê bình ra làm sao...hiểu cứ ào ào. Thậm chí có cả những cán bộ đảng viên giữ chức vụ nhưng vẫn còn lơ mơ chưa nắm vững về công tác then chốt này.

Đi liền với xây là chống, vì thế xây là vấn đề chiến lược lâu dài, coi cái chống là bức thiết, thường xuyên.

Tức là phải phê phán kịp thời những sai trái những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, nham nhũng, phai nhạt lý tưởng, biến chất về mặt phẩm chất...

Đây là những cái chống mà phải chống làm sao phải làm cho tốt".

Chỉ ra một thực tế còn tồn tại ở một số chi bộ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, công tác phê bình và tự phê bình cuối năm hầu hết các chi bộ đều được đánh giá là trong sạch vững mạnh nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vẫn có những cán bộ sai phạm, suy thoái cho thấy công tác này vẫn chưa được thực hiện tốt.

Các chi bộ đã chưa tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Có một thực tế là việc sinh hoạt chi bộ ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, những chi bộ tồn tại vấn đề này cũng không ít .

Công tác phê bình còn chưa đi vào thực chất, xuê xoa, né tránh...còn bị chi phối ở nhiều điều kiện khác nhau. Do vậy công tác sinh hoạt ở chi bộ, các tổ chức đảng còn bị hạn chế. Kỳ này, Tổng Bí thư đã chỉ đạo công tác xây dựng chỉnh đốn đảng phải làm rất nghiêm.

Tất nhiên, cần nhìn thẳng vào sự thật là việc này cũng khó chứ không phải dễ bởi việc này đã thành cái nếp tồn tại một thời gian dài, do vậy, trong phát biểu của Tổng Bí thư có ví von: “có nghị quyết rồi, rằng hay thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề”.

Bởi đây là đụng chạm đến con người cụ thể, con người có chức, có quyền cho nên nói ra phải nghĩ trước, nghĩ sau, nhìn trên nhìn dưới...

Nhưng cũng như Tổng Bí thư nói, khó đấy nhưng không thể không làm.

Việc quán triệt này theo tôi phải kiên trì, nói như vậy cũng không có nghĩa là một lúc, một chốc bốc đồng lên đòi giải quyết ngay được. Cũng không phải thấy khó là bỏ.

Kinh nghiệm xây dựng Đảng của các thời kì là phải rất kiên trì, thậm chí phải chờ đợi nhau. Từ thực tiễn rút kinh nghiệm để đi đến một sự thống nhất, nhất trí.

Như mong muốn của Tổng Bí thư, mỗi đảng viên phải tự mình soi xét, tự sửa mình xem mình làm được điều gì, không làm được điều gì để thẳng thắn và sửa chữa. Dù sửa chữa một chút thôi nhưng cũng đã đóng góp vào việc xây dựng Đảng rồi.

Cán bộ đảng viên phải tự giác ở điều đó. Người có chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn và phải làm nghiêm túc.

Như Tổng Bí thư đã nói, cán bộ đảng viên là phải biết trọng danh dự, trong liêm sỉ. Mỗi người biết trọng danh dự, trọng liêm sỉ của cá nhân mình cũng đã tốt lắm rồi. Một cá nhân, một công dân bình thường cũng phải tu dưỡng, rèn luyện cá nhân, tôn trọng liêm sỉ rồi, thì đảng viên phải làm tốt hơn nữa. Tự mình phải giữ gìn nhân cách của người cộng sản.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng có những đảng viên bất chấp danh dự, bị chi phối về những thứ quyền lưc vật chất... quên đi liêm sỉ mà có những hành động xấu làm phương hại đến lợi ích của Đảng của nhân dân, tất nhiên là số này không nhiều.

Chính vì thế, mỗi cá nhân, mỗi đảng viên phải tự mình rèn luyện mình thì công tác xây dựng đảng, công tác phê bình và tự phê bình mới có thể đi vào thực chất được. Nếu không người ta chỉ nghe qua, vâng vâng, dạ dạ rồi đâu lại vào đấy cả.

Theo tôi, các đảng viên, tổ chức đảng phải nghiên cứu kỹ bài phát biểu này của Tổng Bí thư, biến thành hành động của từng đảng viên, từng cấp ủy...

Ngay cả với chúng tôi là những cán bộ về hưu rồi nhưng nghe vẫn thấy thấm thía, đọc kỹ càng thấy thấm thía để rồi mình suy nghĩ, cố gắng điều chỉnh hành động, nhận thức, phát ngôn, không làm những gì sai trái làm hại cho Đảng cho nhân dân.

Với những người đương chức, có chức vụ trong tay thì những điều này là tuyệt đối cần thiết. Những việc như vậy, tất nhiên là khó chứ không dễ dàng gì. Thế nhưng như Tổng Bí thư đã nói, khó nhưng không thể không làm mà cần phải làm quyết liệt hơn nữa".

Trần Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét