Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

20220103. NHỮNG SUY NGHĨ ĐẦU NĂM

ĐIỂM BÁO MẠNG

10 SỰ KIỆN 

CHÍNH TRỊ XÃ HỘI  NỔI BẬT NĂM 2021

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 1-1-2022


Minh họa: Luật Khoa

1. Sài Gòn và các tỉnh lân cận “toang” Covid-19

SG bị toang là yếu tố bất ngờ với đảng và Chính phủ. Do trước đó Việt Nam được coi là chống dịch thành công với số ca dương và tử vong rất ít. Nhưng biến chủng Delta đã phá hỏng thành tích đó của Chính phủ.

Cách chống dịch lúng túng của các tỉnh, việc thay thế liên tục người đứng đầu tổ chức chống dịch ở HCM cũng như T.Ư thể hiện điều đó.

Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến khoảng 30 ngàn người tử vong do dịch là vì tốc độ tiêm vaccine quá chậm và không đúng thành phần (người già và bệnh nền bị tiêm vét). Sau đó là cách chống dịch kiểu cực đoan và coi thường pháp luật của cơ quan chức năng khiến dư luận bất bình.

2. Nghị quyết 128 thay đổi giải pháp chống dịch

Khi dư luận bất bình vì cách chống dịch cực đoan theo mô hình Zero Covid của TQ thất bại, Chính phủ đã thay đổi khá triệt để giải pháp chống dịch theo hướng sống chung với virus, sau khi độ phủ vaccine cho người lớn ở mức trên 80%.

Đây là sự thay đổi đáng ghi nhận vì lâu nay Việt Nam vẫn là cái bóng của TQ. Nhưng sự thay đổi này đã theo xu hướng chung của phương Tây cũng như đa số các nước trong khi TQ vẫn duy trì Zero Covid.

3. Đại hội đảng CS Việt Nam

Lần đầu đại hội diễn ra quá mức nhạt nhẽo do gần như toàn bộ ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, tứ trụ, đều đã được tiết lộ trên Facebook. Trái ngược với đại hội trước khi gay cấn đến những ngày cuối khi trang Chân dung quyền lực tụt quần anh em quan lại, đại chiến Ba-Tư, đồng chí X về làm người tử tế ở những phút gay cấn nhất.

Lần đầu các đảng viên đi dự Đại hội đảng phải “cách ly tập trung”, nội bất xuất ngoại bất nhập, để tránh có những biến cố diễn ra vào phút cuối.

Đột biến duy nhất là trường hợp trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính được chọn làm Thủ tướng vào hội nghị T.Ư gần cuối của nhiệm kỳ trước.

4. Vụ án Việt Á

Tuy diễn ra vào những ngày cuối năm nhưng sự kiện này đã gây chấn động đội ngũ chống dịch cả nước, bao gồm cả một số bộ, địa phương đang vào tầm ngắm.

Nếu điều tra không có vùng cấm như lời TBT thì nguy cơ toang hầu hết đội ngũ chống dịch và cả hệ thống chính trị, vì Việt Nam chống dịch bằng cả hệ thống chính trị.

5. Xử án rất nặng cho những người bất đồng chính kiến

Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Cấn Thị Thêu, Đỗ Nam Trung đều bị xử với mức án cao, thậm chí cao hơn đề nghị của VKS. Điều đó cho thấy chính quyền quyết tâm siết rất chặt tiếng nói trái chiều. Hầu hết những bị cáo trên đều liên quan đến vụ Đồng Tâm.

Song song với đó là tòa xử y án tử hình hai con trai ông Lê Đình Kình và xử nặng các bị cáo liên quan khác trong vụ án Đồng Tâm.

Các nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Tuấn cũng bị xử nặng với mức án từ 11-15 năm tù, với lý do tương tự.

6. Bộ đội cụ Hồ bị tự tử và ngã chết trong trại

Hai cái chết cho thấy bộ đội ta hiện nay quá mong manh, dễ chết. Người thì ôm gốc cây để treo cổ mà chết, người thì ngã cũng tèo. Cả hai đều có những vết thâm tím khắp người, không rõ có phải do đồng đội massage quá tay hay không?

7. Người được cho là Bộ trưởng Công an ăn thịt bò vàng

Bộ trưởng Pháp đã rất hào phóng để mời người giống bộ trưởng Công an Việt Nam tiệc ngoại giao, ban đầu thì ở Paris, sau đó chuyển sang London, bằng món thịt bò mạ vàng. Người trông giống ông Tô Lâm đã há mồm cắn miếng thịt bò ngay trên lưỡi dao của chủ nhà hàng. Bộ trưởng ta không xác nhận sự việc nên chắc là video clip do “thế lực thù địch” làm giả bôi nhọ cán bộ.

8. Vaccine và quỹ vaccine

Chiến dịch tiêm vaccine thần tốc bởi các “ông ngoại”. Giá tiêm chợ đen có thể từ 2-4 triệu/mũi vaccine. Điều này cũng khiến cho HN dễ dàng thoát hiểm Covid trong đường tơ kẽ tóc, tiêm vét hoàn thành cho 80% dân HN chỉ trong vòng khoảng một tuần dưới sự hỗ trợ của team ông ngoại trước đó.

Vaccine Vero cell được xếp ngang hàng với các vaccine Anh Mỹ, với lý do vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. Tuy nhiên, những ai được tiêm loại vaccine này mới được khuyến cáo là tiêm mũi 3 sớm bằng loại khác, cùng với vaccine Sputnik V (đúng là loại có mặt sớm nhất ở Việt Nam).

Việt Nam là nước duy nhất (?) trên thế giới huy động được quỹ vaccine từ mọi thành phần xã hội. Tuy nhiên, đa số vaccine đã có là nhờ tài trợ bởi các nước phương Tây qua hệ thống Covax và được Doanh nghiệp tư nhân tài trợ.

9. Hiện tượng bà Nguyễn Phương Hằng đại chiến giới showbiz và hiện tượng trục lợi từ thiện

Lần đầu có hiện tượng một người không thuộc giới nghệ sỹ nhưng có lượng người theo dõi live streams vượt cả số lượng người hóng VTV.

Bằng cách kể lại các giấc mơ, bà Hằng đã gây sức ép để giới nghệ sĩ phải tự sao kê tài khoản, tự bộc lộ những góc khuất về đời tư (như một ca sỹ lái máy bay hàng chục năm mà không ai biết). Cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra giới showbiz và những người làm từ thiện lậu, ban hành nghị định kiểm soát việc làm từ thiện.

Nhân dịp dịch bệnh, các nhóm từ thiện trỗi dậy khắp nơi, cả tổ chức lẫn cá nhân. Nhân dân cũng đua nhau xin tiền cứu trợ với các fake news câu nước mắt. Điển hình nhất trong phong trào này là BS Khoa, người sẵn sàng rút ống thở bố mẹ mình để cứu 1 thai phụ mắc covid. BS Khoa đã kịp xin mấy cái máy thở cho BV Chợ Rẫy thì bị bóc “phốt” nên “trốn sang Singapore”!

10. Thu ngân sách vẫn cao trong bối cảnh dịch bệnh

Thu ngân sách Nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng và bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế và là quốc gia xuất siêu liên tục 6 năm. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng 2,85%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục 48,6 tỷ USD.

Tuy không có số liệu chính thức nhưng việc thu ngân sách từ việc bắt và thu tiền từ quan lại vào lò, các tổ chức cờ bạc online, các doanh nghiệp sân sau bị bắt tính tới hàng ngàn tỷ đồng. Dự đoán là thuế có thể giảm nhưng tiền do Bộ Công an thu sẽ bù lại.


ĐIỂM SON CỦA GIÁO DỤC NĂM  2021, VƯỢT KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC

PHAN TUYẾT / GDVN 31-12-2021

Năm 2021 được xem là một năm học thật đặc biệt chưa từng xảy ra trong lịch sử của ngành giáo dục Việt Nam. Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid bùng phát dữ dội trước thời điểm kết thúc năm học 2020 ở nhiều địa phương trong cả nước.

Khai giảng online (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Lao


 động thủ đô)

Toàn ngành thực hiện nhiệm vụ kép

Học sinh được nghỉ hè sớm, nhiều trường học đã không kịp kết thúc năm học trực tiếp mà tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Chưa bao giờ học sinh lại có một kỳ nghỉ hè dài đến như vậy. Toàn ngành giáo dục gồng mình thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch an toàn, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Giáo viên được huy động cùng với ngành y tế tham gia các điểm test Covid, tiêm vắc-xin, làm tình nguyện viên mua đồ giúp dân, tiếp tế đồ ăn, thức uống cho các khu vực cách ly.

Cùng với đó, các trường học lên kế hoạch sẵn sàng dạy học trong bối cảnh dịch bệnh vẫn ngày một diễn biến phức tạp.

Linh hoạt trong việc tổ chức dạy học mùa dịch

Năm học mới đến nhưng nhiều địa phương vẫn không thể tựu trường. Lần đầu tiên nhiều tỉnh thành trong cả nước phải tổ chức lễ khai giảng online.

Bộ Giáo dục đã rất linh hoạt, phát huy tinh thần chủ động của các địa phương bằng việc giao quyền điều tiết thời gian năm học một cách linh động.

Từng sở giáo dục cũng để mỗi địa phương tự đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có kế hoạch tổ chức năm học một cách hiệu quả và an toàn nhất.

Đó là việc, vừa dạy trực tiếp trong thế sẵn sàng nếu phát sinh dịch bệnh sẽ chủ động chuyển sang trực tuyến và khi địa bàn trở lại vùng xanh lại trở về dạy học trực tiếp.

Cùng lúc, kết hợp nhiều hình thức dạy học vừa dạy online, dạy học trên truyền hình, gửi bài trên zalo, email, giao bài tại nhà… với quyết tâm không để học sinh nào ở lại phía sau.

Đồng hành cùng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn

Việc dạy và học trực tuyến gặp không ít khó khăn như nhiều địa phương chưa có internet, đường truyền chậm, học sinh nghèo, khó khăn không có phương tiện theo học.

Bao khó khăn do dịch Covid đem lại, nhiều gia đình cạn kiệt kinh tế khi liên tục bị phong tỏa vì dịch, khó khăn lại chồng khó khăn ngỡ không thể triển khai hình thức học trực tuyến.

Bộ Giáo dục đã phát động phong trào “Sóng và máy tính cho em”, nhằm huy động mọi nguồn lực trong toàn xã hội chung tay ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập cho những học sinh nghèo, khó khăn.

“Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hướng tới phủ sóng 100% toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến.

Dự kiến huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc; hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thực hiện học trực tuyến.

Miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; Miễn phí 100% cước Internet di động khi sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến.

Kho học liệu của Bộ đang được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước”.[1]

Các địa phương đều hưởng ứng lời kêu gọi tổ chức quyên góp trong toàn ngành. Hàng trăm thiết bị được trao tận tay những học sinh cần giúp đỡ.

Giáo viên vừa dạy vừa học

Không chỉ lo cho việc học của các em, mỗi giáo viên cũng bắt đầu vừa dạy, vừa học để nâng cao trình độ công nghệ thông tin để những bài dạy hấp dẫn học sinh hơn. Chưa bao giờ, tinh thần học tập của giáo viên lại trở nên sôi nổi như vậy.

Giáo viên lớn tuổi học giáo viên trẻ, người rành công nghệ chỉ người mới biết sơ sơ. Những lớp tập huấn tại trường tại phòng cũng liên tục được mở để hỗ trợ các thầy cô.

Những cuộc thi thiết kế giáo án, bài giảng hay để bổ sung vào kho học liệu của Bộ Giáo dục với mục đích kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.

Tại thời điểm này, một số địa phương vừa sơ kết giữ kỳ 1, đã có những địa phương sơ kết học kỳ 1 với chất lượng giáo dục khá khả quan.

Năm 2021 sắp qua đi, nhìn lại chặng đường vừa qua của ngành giáo dục cũng có sự tự hào. Toàn ngành đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại về cả vật chất, tinh thần, điều kiện thực hiện để thích ứng, duy trì tốt việc dạy và học. Cùng với đó, là việc đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đã có bước chuyển dài chưa từng có.

Có thể thấy, không thách thức nào là không thể vượt qua, không khó khăn nào không thể thực hiện. Toàn ngành vẫn đang nỗ lực hết mình trong các nhiệm vụ giáo dục. Hơn lúc nào hết, giáo dục vẫn đang rất cần sự chia sẻ, chung tay của toàn xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/thoi-su/phat-dong-chuong-trinh-song-va-may-tinh-cho-em-se-ho-tro-cho-15-trieu-hoc-sinh-952815.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

DÂN TRÍ VÀ VĂN HÓA ỨNG XỬ 

THỜI DỊCH CORONA

NGUYỄN QUANG DY/ viet-studies 1-1-2022

“Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tham nhũng tuyệt 

đối” (Lord Acton)

Hai năm qua, đại dịch Corona đã làm đảo lộn rất nhiều, nhưng khó thay đổi nhận thức và thể chế. Trong khi hô khẩu hiệu 4.0, nhiều người vẫn tư duy và hành động theo thói cũ 0.4. Trong thời kỳ quá độ, lợi ích nhóm vẫn là động lực chính. Người ta có thể làm bất cứ điều gì để trục lợi. Vụ đại án Việt Á là một ví dụ điển hình (case study). Test kits của Việt Á có thể đã góp phần làm dịch bùng phát lần thứ tư, với hàng vạn người thiệt mạng. Nhưng liệu Việt Á và các đối tác liên quan sẽ chịu trách nhiệm hay đổ lỗi cho nhau?  

Biến thể Delta chưa qua thì biến thể Omicron đã tới, thách thức dân trí và thái độ ứng xử. Tôi viết bài này với dự cảm sang năm 2022, quá trình đổi mới thể chế sẽ được thúc đẩy mạnh hơn theo quy luật cùng tắc biến. Hy vọng đại án Việt-Á làm lay động lòng người. Khi trời đất xoay vần chuyển mùa, con người cũng trăn trở mong thoát khỏi đại dịch. Nếu Việt Nam muốn biến nguy thành cơ, phải nâng cao dân trí và thay đổi văn hóa ứng xử. Muốn chống dịch, các nước không chỉ có ngoại giao vaccine, mà cần ngoại giao văn hóa.

Văn Hóa ứng xử  

Vào dịp cuối năm, nhân Hội nghị Ngoại Giao thường niên lần thứ 31 (15-18/12/2021), nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ suy nghĩ của mình trong bài Đôi điều suy ngẫm về văn hóa ngoại giao Việt Nam (TG&VN, 18/12/2021) trước yêu cầu “đổi mới, sáng tạo, hướng tới một nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, trong kỷ nguyên số”. Đó là lời nhắn nhủ tâm huyết của một nhà ngoại giao lão thành cho thế hệ kế tiếp.  

Trong bài viết, ông Vũ Khoan nhấn mạnh “bốn đặc sắc văn hóa ngoại giao Việt Nam” là: kiên định trong mục tiêu; nhân văn trong cốt cách; rộng mở trong tâm hồn; linh hoạt trong hành động. Tuy kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, nhưng người Việt luôn muốn hòa hiếu với các dân tộc khác, trên tinh thần nhân văn mà Nguyễn Trãi đã từng răn: lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chữ nhân mà thay cường bạo.

Vì vậy, ông khẳng định ngoại giao chiến lang và ngoại giao bắt nạt là cách ứng xử “rất xa lạ đối với văn hóa ngoại giao Việt Nam”. Ông khuyên mỗi người Việt khi ra nước ngoài phải hành xử như một đại sứ để chuyển tải tinh thần đó tới cộng đồng quốc tế. Cụ Hồ từng kêu gọi phải tự tôn dân tộc nhưng không nuôi hận thù dân tộc. Nhưng đáng tiếc, có những người vô tình hay cố ý làm ngược lại, không chỉ gây phản cảm mà còn phản tác dụng.

Trong khi đại sứ Hà Kim Ngọc (tại Mỹ) viết bài Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam, (Dân Trí, 11/12/2021) thì hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà sang Mỹ dự Miss World 2021 tại Puerto Rico (16/12), lại vô duyên biểu diễn bài “cô gái vót chông”.  Đó là một bài hát do nhạc sỹ Hoàng Hiệp sáng tác chỉ thích hợp để cổ vũ tinh thần chống Mỹ năm 1965, nhưng không thích hợp để cổ vũ hợp tác với Mỹ năm 2021.

Đó không phải lỗi của cô hoa hậu vô duyên mà là lỗi của những người làm văn hóa vô minh. Hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thường xảy ra khi đất nước chưa trưởng thành (immature) trong thời kỳ dựng nước (nation building) như cụ Tản Đà đã từng bức xúc: Dân hai nhăm triệu ai người lớn; Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con. Đó là đầu thế kỷ 20, còn bây giờ là đầu thế kỷ 21, nhưng nhiều người vẫn chưa “khai dân trí”. Trong thi đấu thể thao, người ta vì “màu cờ sắc áo”, nhưng có kẻ bỏ cả quốc ca chỉ vì lợi ích.    

Nhưng bên cạnh tin buồn vẫn có tin vui. Bài viết của ông Hà Kim Ngọc đã đề cập đến ba phần: (1) Ngoại giao văn hóa - cánh tay nối dài của “sức mạnh mềm” của Mỹ; (2) Ngoại giao văn hóa trong triển khai đối ngoại Mỹ; (3) Một số vấn đề đặt ra với Ngoại giao Văn hóa Việt Nam. Ông Ngọc điểm lại những giá trị Mỹ được chắt lọc bằng dân chủ, tự do cá nhân, bình đẳng, trọng nhân tài, là nền tảng của sức mạnh mềm mà Việt Nam cần tham khảo. Để hội nhập và xây dựng lòng tin, ngoại giao Việt Nam cần có bản sắc văn hóa.  

Không phải chỉ có đại sứ Hà Kim Ngọc (tại Mỹ) mà đại sứ Vũ Hồng Nam (tại Nhật) cũng viết  bài Ngoại giao văn hóa của Nhật Bản và bài học đối với Việt Nam, (TG&VN, 14/12/2021). Ông Nam đề cập đến ba trụ cột tinh thần của ngoại giao văn hóa Nhật Bản là: (1) Truyền bá văn hóa; (2) Hấp thụ văn hóa; (3) Cộng sinh văn hóa, và rút ra năm bài học thiết thực với Việt Nam. Bài viết của ông Hà Kim Ngọc và ông Vũ Hồng Nam phản ánh luồng gió mới của xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam trong bối cảnh mới. 

Lịch sử lặp lại

Trong Chiến tranh Việt Nam, ông Phạm Xuân Ẩn (Điệp viên Hoàn hảo) phải làm nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước đầy nguy hiểm của một người yêu nước. Nhưng ông vẫn nuôi hy vọng một khi chiến tranh kết thúc, người Việt Nam và Mỹ sẽ có cơ hội trở thành bạn tốt. Chắc ông rất vui khi hai nước từ kẻ thù trong chiến tranh nay đã trở thành “đối tác toàn diện” (năm 2013) và đang trở thành “đối tác chiến lược”. Winston Churchill từng nói “không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.

Nói cách khác, Việt Nam và Mỹ đang trở thành đối tác chiến lược vì “song trùng lợi ích”. Cách đây tám thập kỷ (5/1941) cụ Hồ đã từng đổi tên “Mặt trận Dân tộc Phản đế” thành “Mặt trận Việt Minh” (Việt Nam Độc lập Đồng minh) để bắt tay với Mỹ và phe đồng minh chống Phát xít Nhật. Sau thế chiến (1945), Mỹ và Nhật đã trở thành đồng minh. Nay Mỹ và Việt Nam “trên thực tế” (de facto) cũng đang trở thành đối tác chiến lược, để đối phó với sự trỗi dậy ngày càng cực đoan của Trung Quốc. Lịch sử dường như đang lặp lại.

Đầu năm 1945, Mỹ đã cử nhóm “Con Nai” (Deer Team) đến Việt Bắc để giúp Việt Minh chống Nhật. Khi cụ Hồ bị sốt rét nặng, một bác sỹ người Mỹ trong nhóm “Con Nai” đã cứu cụ thoát hiểm. Nếu không vì những biến cố lịch sử trớ trêu đầy nghịch lý, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đồng minh hay đối tác từ lâu. Trong cuốn “Tại sao Việt Nam” (Why Vietnam) Archimedes Patti đã kể lại cơ hội hiếm có trong lịch sử hai nước bị bỏ lỡ như thế nào. Cho đến khi qua đời (năm 1998) đại tá OSS Patti vẫn coi cụ Hồ là một người bạn tốt.

Việt Nam chủ trương “làm bạn với tất cả” theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Nói cách khác, Việt Nam theo nguyên tắc “ba không một tùy” (Sách trắng Quốc phòng 2019). Trước một đối thủ mạnh hơn, về đối nội Việt Nam phải xây dựng đồng thuận quốc gia như tinh thần Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần, đã ba lần chiến thắng quân Nguyên. Về đối ngoại, Việt Nam phải khiêm tốn và giữ hòa hiếu với cả kẻ thù để vãn hồi hòa bình và tái thiết. Đó là một bài học quý mà tiền nhân để lại.

Nhưng đáng tiếc là sau Chiến tranh, người ta đã quên mất bài học của tiền nhân vì say sưa với chiến thắng năm 1975, bỏ lỡ cơ hội hòa giải với Mỹ (năm 1978) và không hòa hoãn được với Trung Quốc (năm 1979). Vì vậy, Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba (với Trung Quốc) đã diễn ra, làm cho Việt Nam hao người tốn của, “chảy máu đến kiệt sức”, và rơi vào bẫy của Trung Quốc để ngư ông đắc lợi.  Đó là hình thái “chiến tranh tiếp nối chiến tranh” giữa những người “anh em bạn thù” (Brother Enemy, Nayan Chanda, 1986) 

Chiến tranh hay hòa bình là chuyện muôn thủa của loài người, và thắng hay bại là chuyện thường tình giữa các quốc gia. Nhưng sẽ là bi kịch nếu quốc gia nào bị mắc kẹt vào đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ-Trung, và sa vào “vùng xám” (grey area) để Trung Quốc thao túng và bắt nạt. Trong thời hậu chiến, Việt Nam vẫn không thoát khỏi hệ quả “nửa chiến tranh nửa hòa bình” (no war no peace) để mất nhiều cơ hội đổi mới và phát triển. Từ sau sự kiện Thành Đô (9/1990), như một định mệnh, Việt Nam vẫn chưa thể thoát Trung.  

Bài học Việt Á

Tuy điều tra vụ đại án Việt Á còn đang tiếp diễn và mở rộng, nhưng có thể rút ra mấy bài học.  Một là Việt Á không thể một mình dắt voi qua rào nếu không có hậu thuẫn của các Bộ liên quan. Hai là nhóm lợi ích về y & dược dù mạnh đến đâu cũng không dễ thao túng được chính sách nếu không có lỗ hổng do thể chế lỗi thời. Ba là Việt Á và các quan chức suy thoái không dễ lừa toàn xã hội nếu Quốc Hội và báo chí làm tốt vai trò giám sát quyền lực. Bốn là họ không dễ qua mặt được nhân dân nếu dân trí cao và xã hội dân sự mạnh.

Điểm tắc nghẽn lớn nhất (như bottleneck) là ý thức hệ và thể chế lỗi thời đang ngăn cản quá trình đổi mới vòng hai, làm cho đổi mới nửa vời và thiếu đột phá, chỉ nặng về hình thức mà thiếu thực chất. Nói cách khác, quá trình đổi mới bị các nhóm lợi ích thân hữu thao túng và vô hiệu hóa trong thời kỳ quá độ kéo dài vô hạn. Kết cục là mục tiêu công nghiệp hóa đã bị đẩy lùi, nền pháp trị (rule of law) và xã hội dân sự (civil society) bị thui chột, làm cơ chế kiểm soát và giám sát quyền lực không có hiệu quả (no checks and balances).

Trong bối cảnh đó, không tránh được tham nhũng và độc quyền, đặc biệt là tham nhũng chính sách, lợi dụng thể chế để trục lợi. Việt Á chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, với các nhóm lợi ích như con bạch tuộc ba đầu sáu tay. Muốn dẹp được các sân sau như VN Pharma hay Việt Á, phải đổi mới thể chế toàn diện và triệt để. Việt Á và các quan chức suy thoái đã “lừa toàn xã hội” (theo ông Dương Trung Quốc) vì vai trò giám sát quyền lực của Quốc Hội và báo chí bị vô hiệu hóa bởi các nhóm lợi ích độc quyền đang thao túng thể chế.  

Báo chí trong nước đã đồng loạt đưa tin “bộ xét nghiệm của Việt Á được WHO phê chuẩn” (trong khi WHO không phê chuẩn). Cuối tháng 12/2021, Bộ Y Tế tuyên bố “việc xét duyệt sản phẩm Việt Á không phụ thuộc vào việc phê chuẩn hay không của WHO” và khẳng định quá trình xét duyệt sản phẩm của Việt Á được thực hiện “theo đúng quy trình và quy định của Việt Nam”. Nhưng quy trình đó đã bị thao túng vì cuối tháng 1/2020 ký đề án nghiên cứu, đến 3/3/2020 đã thông qua, và tháng 5/2020 đã đưa vào sử dụng.

Theo các chuyên gia y tế (BBC, 26/12/2021), quy trình xét nghiệm và xét duyệt có nhiều điểm không phù hợp khi Bộ Y Tế cấp phép “thần tốc”, chỉ trong vòng một ngày (3-4/3/2020); nhà xưởng Việt Á thiếu tiêu chuẩn (theo VTV24); Bộ KH&CN thiếu trách nhiệm trước công chúng vì có 6 tháng để đính chính việc hiểu sai về EUL (4-10/2020) và có 14 tháng để sửa sai (10/2020 đến 12/2021) nhưng không làm. Đây là một lỗi nguy hiểm, ảnh hưởng đến phòng chống dịch tại Viêt Nam do bộ xét nghiệm đã được bán ra 62/63 tỉnh thành.

Theo Tuổi trẻ (30/12), Việt Á được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống Tham nhũng, và bổ xung vào chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội. Dư luận bức xúc muốn làm rõ “ai đứng sau Việt Á” và “phải truy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu” (theo tướng Lê Văn Cương). Để chống tham nhũng “không có vùng cấm” và làm trong sạch ngành y tế, phải làm rõ 80% cổ phần Việt Á của những ai? Việt Á có nhập test kits từ Trung Quốc không? Kinh phí nghiên cứu 19 tỷ đồng đã dùng làm gì?  

Lời cuối

Đại dịch Covid-19 là một tai họa đối với loài người, gây ra khủng hoảng y tế toàn cầu, nhưng cũng là dịp tốt giúp người Việt tỉnh ngộ để biến nguy thành cơ. Test kits của Việt Á có thể đã góp phần làm dịch bùng phát lần thứ tư với thiệt hại nặng nề, trong khi chủ trương “xét nghiệm thần tốc diện rộng” giúp Việt Á gom 4.000 tỷ đồng của dân. Nhóm lợi ích này phải chịu một phần trách nhiệm không chỉ về cái chết của hàng vạn người, mà còn về tình trạng kinh tế xuống tới đáy năm 2021, với GDP chỉ tăng 2,5% (World Bank).

Muốn thoát khỏi đại dịch để phục hồi và phát triển kinh tế, Việt Nam phải nâng cao dân trí và thay đổi văn hóa ứng xử. Đại dịch đã làm đảo lộn nhiều quan niệm, buộc phải chuyển đổi tư duy “zero Covid” sang “sống chung với dịch”. Muốn chống dịch như chống giặc có hiệu quả, Việt Nam phải hội nhập quốc tế, không thể ngụy biện “làm theo cách của mình” (exceptionalism). Năm 2022, Việt Nam phải gấp rút đổi mới thể chế vòng hai theo quy luật cùng tắc biến trước khi quá muộn, vì “chậm chễ” (gruadulism) đồng nghĩa với tự sát.

Tham khảo

1Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam, Hà Kim Ngọc, Dân Trí, 11/12/2021

2. Ngoại giao văn hóa của Nhật Bản và bài học đối với Việt Nam, Vũ Hồng Nam, TG&VN, 14/12/2021

3. Đôi điều suy ngẫm về văn hóa ngoại giao Việt Nam, Vũ Khoan, TG&VN, 18/12/2021

4. Scandal Việt Á: Đâu là đầu bạch tuộc? Trần Văn, VOA, 20/12/2021

5. Tướng Lê Văn Cương: phải truy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu, Mạnh Đoàn, GDVN, 21/12/2021

6Ông Dương Trung Quốc: Việt Á và quan chức suy thoái đã lừa toàn xã hội, Mạnh Đoàn, GDVN, 24/12/2021

7Kit xét nghiệm Việt Á được nhận gần 19 tỉ đồng kinh phí nghiên cứu, Tuổi Trẻ, 26/12/2021

8. Những câu hỏi lớn về chất lượng của bộ xét nghiệm Việt Á, BBC, 26/12/2021

9. Ai đứng sau Việt Á? Dương Quốc Chính, Tiếng Dân, 27/12/2021

10. Mặt trận Tổ quốc đòi truy trách nhiệm 2 bộ Y Tế và KH&CN, VOA, 27/12/2021

11. Vụ án tại Việt Á: Khẩn trương, quyết liệt điều tra, không có vùng cấm, TTXVN, 30/12/2021

12. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vụ Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo, Tuổi Trẻ, 30/12/2021

NQD. 01/01/2022  

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 31-12-21


ĐỔI MỚI LẦN THỨ HAI: ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN


 LÀ LỐI THOÁT SỐNG CÒN


NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 31-12-2021



Rét tràn về những ngày cuối năm. Nhưng là cái rét của thiên nhiên chỉ kéo dài trong vài ngày, có thể chống chọi, chưa phải là mối lo lớn.

Mối lo lớn, có thể ví như như một đại băng hà chưa thấy ngày dứt nhưng tiếp diễn mỗi ngày một nặng hơn – là con bạch tuộc tham nhũng khổng lồ thần thông quảng đại có hàng chục triệu vòi tham nhũng, mà công ty Việt Á chỉ là một vòi nhỏ trong số đó. Sự thần thông quảng đại của quái vật bạch tuộc tham nhũng nằm ở chỗ, bị chém một vòi thì lập tức phát hiện mọc ra trăm vòi.

Việt Á rồi sẽ bị xử lý. Nhưng sẽ có hàng trăm Việt Á mới xuất hiện. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương không đủ sức để xử lý.

I. BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TIÊU TIỀN CỦA AI?

Đến bây giờ, toàn dân mới ngớ ra, rằng bộ kit xét nghiệm mà công ty Việt Á mang bán cho 62 tỉnh thành với doanh số khoảng 4.000 tỷ đồng, là sản phẩm của Nhà nước. Vì đó là sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 18,98 tỷ đồng để thực hiện, thông qua đề tài Khoa học Công nghệ quốc gia: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20.

Mức lương của người lao động Việt Nam, trong đó có khoa học và giáo dục, là rất thấp; so với các nước phát triển thấp hơn từ 10 đến 20 lần. Theo bảng lương giảng viên đại học công lập và nghiên cứu viên khoa học từ ngày 12/12/2020 thì ngạch lương cao nhất là của Giáo sư, Giảng viên cao cấp, Nghiên cứu viên cao cấp dao động trong khoảng từ 9.238.000 đồng (bậc 1, hệ số 6.2) đến 11.920.000 đồng/tháng (bậc 6, hệ số 8.0). Còn tiến sĩ mới bảo vệ có nơi chỉ nhận được 4 –5 triệu đồng /tháng. Để bảo vệ luận án tiến sĩ, đối với các ngành khoa học tự nhiên, có nơi đòi hỏi phải có từ 2 bài báo đăng ở các tạp chí ISI và Scopus; các luận án tiến sĩ tốt có thể có 4,5 bài báo ISI, Scopus.

Học bổng nghiên cứu khoa học Humboldt của Đức hiện trao tặng lương tháng 2.670 Euro (69 triệu đồng) cho nghiên cứu sau tiến sĩ (từ 6-24 tháng), và 3.170 Euro (82 triệu đồng) cho các nhà nghiên cứu đã có kinh nghiệm (từ 6-18 tháng). Trong thời gian nghiên cứu đòi hỏi phải có các công trình khoa học đăng dưới dạng các bài báo trên các tạp chí ISI, Scopus.

Viện dẫn ra mức lương khoa học của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới ở trên để thấy số tiền 18,98 tỷ đồng (800.000 USD) là một số tiền rất lớn so với đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, và không nhỏ so với đề tài nghiên cứu khoa học của các nước.

Kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”, đã được các tác giả tham gia đề tài công bố trong một bài báo dạng thông báo ngắn (short communication) trong tạp chí Journal of Medecal Virology (A simple method for detection of a novel coronavirus (SARS-CoV-2) using one-step RT-PCR followed by restriction fragment length polymorphism, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/jmv.26171).

Theo xếp hạng của Journal Citation Report thì tạp chí Journal of Medecal Virology được xếp hạng thứ 21/34 tạp chí virus học mà Journal Citation Report xếp hạng.

Còn theo theo xếp hạng về các tạp chí virus học của Scimago, thì tạp chí Journal of Medecal Virology xếp thứ 47/70 tạp chí được xếp hạng.

Với số tiền 18,89 tỷ đồng chi cho nghiên cứu khoa học cơ bản, trong điều kiện bình thường, có thể thu được hàng trăm bài báo đăng ở các tạp chí ISI, Scopus.

Không chỉ quá đắt, điều lạ lùng là, theo truyền thông thì kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” mà Bộ KH&CN chi 18,89 tỷ đồng cho Viện Quân y chủ trì, lại được ông Phan Quốc Việt mang đi bán với giá cắt cổ, đưa về cho Việt Á và nhóm lợi ích doanh thu khoảng 4000 tỷ đồng.

Bộ KH&CN tiêu tiền của ai?

II. AI LÀ THỦ PHẠM CHÍNH?

Sai phạm của ông Phan Quốc Việt, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Việt Á thì đã rõ. Sai phạm của các cá nhân và cơ quan dùng tiền của Nhà nước để mua bộ xét nghiệm từ công ty Việt Á cũng đã rõ. Nhưng còn những sai phạm ở các cơ quan khác nữa, mà những sai phạm ở các cơ quan này là nguyên nhân tạo môi trường và điều kiện cho ông Phan Quốc Việt và công ty Việt Á phạm tội ở mức độ nghiêm trọng như đã xảy ra.

1. BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Một trong những sai phạm mang tính nguyên nhân là của Bộ KH&CN. Nói sai phạm mang tính nguyên nhân là vì từ sai phạm của Bộ KH&CN mới dẫn đến sai phạm của ông Phan Quốc Việt. Không có sai phạm của Bộ KH&CN về bộ kit xét nghiệm thì đã không có sai phạm của ông Phan Quốc Việt như hiện nay. Bộ KH&CN có ít nhất là 3 sai phạm nghiêm trọng sau đây.

1/. Chi một khoản tiền khổng lồ 18,89 tỷ đồng để mua một sản phẩm mà không thu lại sản phẩm. Để cho người khác chiếm đoạt sản phẩm đi bán lấy lời. Bộ KH&CN chi 18.89 tỷ đồng để nghiên cứu chế tạo ra bộ kit xét nghiệm thì sản phẩm đó là của Bộ KH&CN chứ không thể là của Học viện Quân y, càng không thể là của Việt Á. Nếu Việt Á chịu trách nhiệm sản xuất và triển khai thương mại thì hợp đồng về phân bổ lợi nhuận giữa Bộ KH&CN và Việt Á ở đâu? Tỷ lệ phân chia như thế nào? Không có công ty tư nhân nào chi tiền như Bộ KH&CN cả.

2/. Chi tiền vượt nhiều lần giá trị của hàng hoá. 18,89 tỷ đồng là một khoản tiền khổng lồ đối với một đề tài nghiên cứu khoa học. Về số lần đắt hơn só với giá trị thực thì bộ xét sinh phẩm RT-PCR còn vượt đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đắt hơn giá trị thực chỉ 5-6 lần, còn Bộ KH&CN đã trả đắt hơn chí ít là 20 lần so với giá trị thực.

3/. Đưa thông tin sai lệch về bộ kit xét nghiệm đã được WHO chấp nhận, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Việc WHO thông báo đã nhận được hồ sơ của Việt Á nộp cho WHO mà hiểu là WHO đã chấp thuận là một lỗi không thể hiểu được từ cơ quan đứng tên Bộ KH&CN của một quốc gia. Từ thông tin của Bộ KH&C mà truyền thông cả nước đưa tin theo, và cả nước tin vào chất lượng của bộ kit xét nghiệm mà Việt Á mang bán.

2. HỌC VIỆN QUÂN Y

Học viện Quân y cũng mắc là sai lầm mang tính nguyên nhân. Nếu Học viện Quân y thực hiện đúng pháp luật trong thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” do Bộ KH&CN chi tiền thì ông Phan Quốc Việt không thể lấy kết quả nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước để sản xuất bộ xét nghiệm đi bán kiếm lời với mức độ như vây. Nếu Việt Á được quyền sản xuất và bán thì hợp đồng phân chia trách nhiệm và lợi nhuận giữa Bộ KH&CN, Học viện Quân Y và Việt Á ở đâu? Tỷ lệ phân chia lợi nhuận và trách nhiệm như thế nào?

3. BỘ Y TẾ

Nếu Bộ Y tế làm đúng chức năng của mình, thì ông Phan Quốc Việt, dù có thoát khỏi các gác chặn của Bộ KH&CN và Học viện Quân y, cũng không thể bán được bộ xét nghiệm với số lượng và giá cả như đã xảy ra. Bộ Y tế là nguyên nhân thứ 3 giúp cho sai phạm của ông Phan Quốc Việt xảy ra, và góp phần to lớn làm cho ông Phan Quốc Việt tham nhũng, hối lộ đến mức khủng khiếp như vậy.

4. CƠ CHẾ HIỆN HÀNH

Cơ chế hiện hành, ai cũng biết, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

III. BỘ KIT XÉT NGHIỆM CỦA VIỆT Á ĐƯỢC SẢN XUẤT Ở ĐÂU?

Chất lượng như thế nào, xét nghiệm có cho kết quả đúng không thì cũng đã xảy ra rồi. Giá thành đắt bao nhiêu thì tiền cũng đã thu rồi. Điều lo sợ không chỉ là giá thành và chất lượng của bộ kit xét nghiệm Việt Á mang đi bán, mà còn là bộ kit xét nghiệm của Việt Á có xuất xứ từ đâu? Cơ sở của Việt Á, như thực tế chỉ ra là không thể sản xuất được hàng triệu xét nghiệm.

Xuất xứ của bộ kit xét nghiệm mà công ty Việt Á mang bán mới là điều cần bàn. Bộ kit xét nghiệm này có phải được sản xuất ở nước ngoài mang nhãn Việt Nam không? Trong bộ kit xét nghiệm này có phần nào do Việt Nam đóng góp không? Đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” do Học viện Quân y chủ trì, nhận 18.89 tỷ đồng của học Bộ KH&CN, có liên quan như thế nào đến bộ kit xét nghiệm mà Việt Á mang bán?

Điều sợ nhất là bộ kit xét nghiệm mà Việt Á mang bán lại được sản xuất từ “nước lạ”.

IV. NGÀY CUỐI NĂM NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Bộ kit xét nghiệm Việt Á mang bán đã góp phần làm bộc lộ một phần mức độc tham nhũng ở Bộ KH&CN và Bộ Y tế. Từ bộ kit xét nghiệm Việt Á thôi thúc nghĩ về lời giải bài toán gốc.

Từ ngàn xưa, trí thức là là chỗ dựa của quốc gia về trí tuệ và đạo đức. Mỗi khi nan nguy cần kế sách thì phải nhờ đến trí thức. Trí thức là thước đo trí tuệ của một quốc gia. Mức độ phát triển của quốc gia phụ thuộc vào mặt bằng của trí thức. Trí thức là thước đo đạo đức của một quốc gia. Sự suy đồi đạo đức của trí thức phản ánh sự suy đồi đạo đức xã hội của quốc gia.

Nay trí thức nước ta, ở Bộ Y tế, ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở Bộ Khoa học và Công nghệ… nơi nào cũng bị tham nhũng thống trị, thì có nghĩa là tham nhũng đã thống trị khắp xã hội. Bệnh tham nhũng đã lên đến Cao Hoang. Cách chống tham nhũng hiện nay là cách chống tham nhũng trên ngọn. Phát hiện ra tham nhũng mới trị tội thì không bao giờ loại trừ được gốc tham nhũng.

Quan lại tham nhũng là điều dễ hiểu. Nhưng khi tham nhũng tràn vào quân đội thì đó là lúc phải lo lắng cho an nguy đất nước; khi công an tham nhũng thì dân thường bị điêu đứng. Và khi thầy giáo đi dạy, thầy thuốc chữa bệnh mà tham nhũng hàng loạt với khối tiền khổng lồ, thì “đạo” hết, vì bệnh tham nhũng phát sinh từ “đạo” chứ không phải từ ý thức tham muốn thông thường của con người. Những bài rao giảng luân lý lúc này là vô nghĩa.

Nhưng tham nhũng chỉ là căn bệnh đục khoét. Nguy hại nhưng không sinh tử. Đi nhầm đường mới là sinh tử.

Đi nhầm đường là sinh tử, bởi biết bao số phận loay hoay hết cả cuộc đời mà không thể thoát ra khỏi rừng rậm, hang sâu. Còn bi đát hơn, đi nhầm đường đến mức sa vào đầm lầy vực thẳm. Bi đát hơn nữa là sinh con để cái trên con đường nhầm.

Thế hệ 0x, 1x đã dũng cảm đổi mới lần một vào năm 1986. Nói là dũng cảm là vì tự thừa nhận sai lầm. Nói đổi mới là để nhấn mạnh rẽ sang con đường khác, không đi theo con đường đang đi. Con đường đã bước đi 4 chục năm mới biết nhầm, là rất muộn. Nhưng vượt lên sự kiêu ngạo, chịu dằn vặt đau đớn trong lòng để công khai cất lên lời thừa nhận sai lầm cũng là dũng cảm. Ở tuổi cuối đời, trên cương vị cao nhất mà dám thừa nhận sai lầm chỉ có ở những nhân cách lớn.

Khi Đông Đức nhập vào Tây Đức, Liên Xô sụp đổ, các nước Ba Lan, Séc, Slavakia, Hungary, Bulgary bước sang con đường mới, tiếc thay, lại không xuất hiện nhân cách lớn. Người khuất thì khuất rồi, nhưng con cháu phải gánh chịu.

Những lời an ủi khéo, những lời ngợi ca có cánh – không chữa được bệnh.

Đổi mới lần hai. Đổi mới toàn diện. Đó là lối thoát sống còn. Đó là con đường duy nhất để không tụt hậu với các nước, để không giao lại gánh nặng cho con cháu.

Nguyễn Ngọc Chu

CHUYỆN BÀ MINH  GỌI CÔNG AN BẮT 'GIÁN 

ĐIỆP TRUNG QUỐC'

MẠC VĂN TRANG/ TD 2/2/2022


Ảnh: FB tác giả

Chuyện bà Minh, hàng xóm của Lê Phú Khải, đã nói đến hôm qua trong bài “GẶP NHAU CUỐI NĂM THẬT LÀ VUI”. Nay xin kể tiếp chuyện bà Minh đi biểu tình phản đối “Ba đặc khu”.

Bà bảo, nghe tin chúng nó cho nước “chung biên giới” thuê ba đặc khu 99 năm thì biết tỏng là nước nào rồi, không ai chịu được. Tối ngày 9/10/ 2018 công an vào triệu tập tổ dân phố để giải thích, rồi bảo chớ nghe “bọn xấu kích động biểu tình”. Nghe lộn ruột quá, thế là tôi đứng lên phát biểu: “Bọn xấu” là bọn nào? Tôi đây gia đình cách mạng mấy đời, bản thân sẽ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, sẽ đi biểu tình phản đối đặc khu đến cùng!…

Một chị ngồi bên cạnh bảo, bà phát biểu đúng lắm, hay lắm.

Tôi bảo, sao chị không phát biểu đi!

– Dạ, em là đảng viên nên không dám phát biểu, không được phép đi biểu tình đâu!

– Thế thì ra mẹ nó đi! Tôi đã ra từ lâu rồi. Ra thì mình được tự do mà dám nói, dám làm theo ý mình.

Ngày 10 tháng 6 năm 2018 bà Mình hoà vào dòng người đi biểu tình “chống ba đặc khu”, sôi sục cả Sài Gòn. Bà già nhỏ bé, nhưng rất hăng hái, nên bị hai Công an “chìm” bám sát. Lúc bà chuồn ra đi vệ sinh, hai người này cũng theo ra đứng bên ngoài.

Bà nghĩ, hai thằng này định bắt bà đem đi đây. Thế thì bà sẽ bắt chúng mày.

Bà có số của CA phường, nên gọi, báo tin: Các đồng chí ơi, tôi đang bị 2 tên gián điệp Trung quốc định bắt cóc, ở… mau đến giải cứu!

Vậy là CA phường, mặc sắc phục đàng hoàng đến, tôi chỉ: Hai thằng định bắt tôi kia kìa.

– Sao bác biết họ là gián điệp TQ?

– Thì mình đi biểu tình phản đối TQ thuê đặc khu mà nó rình bắt mình, thì chắc chắn nó là gián điệp TQ chứ còn gì?

CA phường ra hỏi hai người kia (chắc là CATP, chưa hẳn quen mặt nhau), hai người kia đưa thẻ ra. Họ cười rồi cùng mời bà ra nói chuyện.

Họ bảo, chúng cháu biết gia đình bác là gia đình cách mạng, bản thân bác là công nhân có tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh. Nhưng bác không nên đi biểu tình.

– Cách mạng, đấu tranh mà không đi biểu tình chống giặc thì cách với mạng cái gì?

– Nhưng mà rất nguy hiểm, bác thì hô đả đảo TQ, phản đối TQ. Nhưng rồi đám đông quay ra hô Đả đảo Đảng cộng sản, Phản đối chế độ… thì nguy lắm.

Đấy, chúng sợ là sợ cái đó!

Bà già này hơn mình một tuổi mà nhanh nhẹn, sôi nổi, minh mẫn thế đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét