Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

20210428. GIẢI MÃ CÁC CĂN BỆNH GIÁO DỤC

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

GIẢI MÃ CÁC CĂN BỆNH GIÁO DỤC

XUÂN DƯƠNG / GD 27-4-2021

Nói đến hoạt động giáo dục Việt Nam, không ít lời ca ngợi và cũng không ít lời phê phán.

Nói đến những căn bệnh kinh niên của giáo dục, phải thừa nhận việc khám bệnh rất giỏi nhưng bốc thuốc lại rất kém nếu không nói là không muốn tìm thuốc chữa bệnh.

Cụ thể hơn, những bất cập, yếu kém của giáo dục - tạm gọi là bệnh kinh niên của giáo dục - đều đã được chỉ rõ trong không ít nghị quyết về chủ trương, đường lối cũng như các nghị định, quyết định của Chính phủ,…

Tuy nhiên dù chỉ ra rất rõ ràng tên bệnh và nguyên nhân gây bệnh song hệ thống lại chưa sản xuất được các loại “thuốc đặc trị” nhằm chữa các loại bệnh này.

Xem xét riêng ngành giáo dục, lĩnh vực được nhiều học giả và tổ chức quốc tế ca ngợi nhất là giáo dục phổ thông, ít lời khen ngợi nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hình như không dành được sự quan tâm của học giả và truyền thông nước ngoài.

Vậy giáo dục phổ thông của Việt Nam thật sự nhiều thành tích như không ít báo cáo tổng kết trong nước đưa ra và khen ngợi của quốc tế?

Câu trả lời nghiêm túc là giáo dục phổ thông của Việt Nam nói riêng và giáo dục nói chung hiện đang chứa quá nhiều trọng bệnh.

Điều đáng nói là các bệnh ấy đều đã được phát hiện, đã chỉ rõ từ hàng chục năm trước nhưng cho đến nay vẫn không có thuốc đặc trị.

Nói đến những căn bệnh kinh niên của giáo dục, phải thừa nhận việc khám bệnh rất giỏi nhưng bốc thuốc lại rất kém nếu không nói là không muốn tìm thuốc chữa bệnh. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Tuyengiao.vn)

Thứ nhất, “Bệnh ghẻ”:

“Bệnh ghẻ” thông thường theo quan điểm y tế là bệnh ngoài da hiện có nhiều loại thuốc chữa và có thể khỏi bệnh sau một hai tuần chữa trị.

“Bệnh ghẻ giáo dục” là căn bệnh chỉ gặp ở “Bệnh nhân Giáo dục”.

Bệnh “ghẻ giáo dục” ai cũng nhìn thấy, nghe thấy nhưng không thể trị tận gốc, nói chính xác đây là căn bệnh xã hội, khi nhiễm vào “Bệnh nhân Giáo dục” thì trở nên trầm trọng và để lại di chứng nhiều thế hệ.

Biểu hiện của bệnh này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập:

“Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”.

Có ba đối tượng bị “ghẻ” quấy rầy:

Một là viên chức giáo dục:

Muốn trở thành viên chức giáo dục, “không tiền không trôi”, về điều này có thể tìm được vô số bài viết, phóng sự điều tra trên truyền thông đại chúng:

Báo Vietnamnet.vn viết: “Người ta rỉ tai nhau “bảng giá ngầm định”, đại loại: biên chế chục ngàn đô, hợp đồng dài hạn vài ngàn, chuyển trường vài ngàn… Có “cò” chuyên môi giới, có người đứng ra trực tiếp làm, nhưng tờ biên nhận vay nợ thỏa thuận xong việc thanh toán hết, còn không thì người chạy sẽ mất hết hoặc mất số đã chi dùng. Nghĩa là được việc hay hỏng việc đều mất tiền”. [1]

Cổng thông tin điện tử Hội nhà báo Việt Nam (Hoinhabaovietnam.vn) có bài viết cho biết: “Để “chạy” một suất vào biên chế giáo viên, không ít người đã phải vay mượn một số tiền không nhỏ”. [2]

Báo Dantri.com.vn viết: “Khi được hỏi: “Chị không “vận động” trước khi thi à?” Chị Tân cho biết: “Thực ra chị cũng có đi phong bì một khoản khá lớn bằng “đô”. Nhưng sau đó bị trả lại vì có một người có thế lực được “chấm” trước rồi. Chị cũng đã cố gắng, nhưng kết quả lại không phụ thuộc vào chị”. [3]

Hai là cha mẹ học sinh:

Một dạng “ghẻ giáo dục” khác xuất hiện thường xuyên tại hầu hết cơ sở giáo dục phổ thông (trừ một số điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn) là khoản “Quỹ lớp”, “Quỹ Hội phụ huynh học sinh” do Hội phụ huynh bảo trợ.

“Những khoản thu “tự nguyện bởi không thể từ chối” đã gây ra những hệ lụy không đáng có với môi trường giáo dục công lập. Đó là sự khắc sâu thêm xu hướng phân hóa xã hội về thu nhập và mức sống giữa các hộ gia đình, đẩy nhiều gia đình vào tình thế khó xử, tạo ra những cảm xúc tiêu cực về cô giáo và nhà trường trong một bộ phận phụ huynh và học sinh”. [4]

Ba là học sinh:

Đối với học sinh, chuyện bị lây “ghẻ” không phải là không có, chẳng hạn một số cơ sở giáo dục vận động “học sinh nhịn ăn sáng để ủng hộ địa phương bị thiên tai”. Có nơi tạo nên các slide tuyên truyền trong đó có nội dung:

“6) Nhịn ăn sáng để đóng góp tiền, ủng hộ các bạn nghèo vượt khó”

Ảnh chụp màn hình Slide 1 tại địa chỉ https://quantri.longbien.edu.vn

Vun trồng lòng nhân ái trong học sinh, nhất là học sinh tiểu học và trung học cơ sở là việc làm cần thiết nhưng không được vận động các em nhịn ăn sáng để lấy tiền ủng hộ bởi lẽ không có bất kỳ khuyến cáo nào từ ngành y tế về việc có thể cắt xén khẩu phần ăn của trẻ nhỏ.

Hơn nữa có thể vận động học sinh ủng hộ theo nhiều hình thức tích cực hơn như thu gom giấy vụn, lon bia,… bán cho “đồng nát” lấy tiền ủng hộ.

Nếu chịu khó tìm hiểu, chắc sẽ thấy nhiều triệu chứng khác của “Bệnh ghẻ giáo dục”.

Thứ hai, “Bệnh nói mà không làm”

1. Nói mà không làm diện rộng

Căn bệnh này viết đầy đủ phải là “Bệnh nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi”.

Mười năm trước Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 711-QĐ/TTg (Quyết định 711) về việc phê duyệt "Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020".

Quyết định có đoạn: “Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh, từ 15,3% năm 2001 lên 20% tổng chi ngân sách năm 2010”.

Con số “20% tổng chi ngân sách năm 2010” xuất hiện từ khá lâu và được đưa vào rất nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật,…

Không ít công trình nghiên cứu, bài báo đã công bố, phát biểu của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội cũng đều lấy con số 20% này đưa vào dẫn chứng cho phát biểu của mình.

Vậy thực ra tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục là bao nhiêu phần trăm?

Năm 2020, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu trước Quốc hội:

“Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trên tổng chi ngân sách năm 2018 là 14,2%, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%,...”.

Giữa năm 2020, báo điện tử Baokiemtoannhanuoc.vn trong bài “Bất cập trong phân bổ dự toán chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề” nêu đánh giá tổng thể:

“Một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán như: chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề; chi sự nghiệp y tế; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ… Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm”.

Để tìm hiểu tình trạng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề không đạt dự toán và diễn ra liên tục trong nhiều năm, xin trích dẫn số liệu được thu thập trong vòng 10 năm và đã công bố trong bài báo “Quốc sách hàng đầu” - chủ trương, chính sách và thực hiện (kỳ 1). [5]

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục trong 10 năm:


Đối với nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân từng phát biểu:

“Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ đề án tăng lương cho giáo viên, để đến năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương”.

Năm 2017, báo Laodong.vn trích dẫn ý kiến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ:

“Bộ GDĐT không quyết định được vấn đề lương giáo viên. Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để triển khai thật tốt Nghị quyết 29 là giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất. Đồng thời, Bộ cũng đang tiến hành dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, để đưa vị thế giáo viên hay chính sách đặc thù cho nhà giáo được pháp điển hóa”. [6]

Kết quả cuối cùng là đến cuối năm 2020, trước rất nhiều ý kiến của dư luận và nhà giáo về việc theo thang bản lương mới, nhà giáo sẽ bị giảm thu nhập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải lên tiếng:

“Lương mới của nhà giáo không thấp hơn mức hiện hưởng”. [7]

Sau khá nhiều lần cân nhắc, sau khi nghiên cứu, sau nhiều lần hứa hẹn,… kết quả cuối cùng là “Lương mới của nhà giáo không thấp hơn mức hiện hưởng”!

2. “Nói mà không làm” với nhà giáo

Quyết định 711 chỉ rõ:

“Các chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là chính sách lương và phụ cấp theo lương, chưa thỏa đáng, chưa thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, chưa tạo được động lực phấn đấu vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được các yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Về một số “Nguyên nhân của những bất cập, yếu kém” trong lĩnh vực giáo dục, xin tóm lược bốn nguyên nhân được nêu trong Quyết định 711:

- Quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” chưa thực sự được thấm nhuần và thể hiện trên thực tế;

- Tư duy về giáo dục chậm đổi mới;

- Chưa nhận thức đúng vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo và sự cần thiết phải tập trung đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục;

- Chưa nhận thức đầy đủ và thiếu chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực (giáo dục – NV) của cả nước,… Các chính sách tuyển và sử dụng nhân lực sau đào tạo còn nhiều bất cập.

Sau khi Chính phủ công bố Quyết định 711, năm 2013 Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…”.

Không hề thiếu các văn bản đề cập đến chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về giáo dục đào tạo nói chung và quy hoạch phát triển nhân lực giáo dục nói riêng.

Thế nhưng gần 10 năm đã trôi qua, vì sao Đài truyền hình trung ương lại phải dành một chương trình nêu những bức xúc, bất cập về nhân lực giáo dục?

Phóng sự của Vtv.vn cho biết đến đầu năm 2021 này cả nước hiện đang thiếu hơn 95.000 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu 48.000 người, tiểu học thiếu 21.000 người, trung học cơ sở thiếu 15.000 người và trung học phổ thông thiếu 11.000 người. [8]

Câu hỏi đặt ra là ai/cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về việc thiếu giáo viên?

Theo quy định trong Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực thi hành từ 01/07/2020, giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông bắt buộc phải có bằng cử nhân, nghĩa là phải tốt nghiệp đại học.

Tình trạng thiếu giáo viên hiện nay xảy ra là sự cộng dồn từ nhiều năm, trước khi Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực, điều này cũng có nghĩa là số giáo viên ba bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở bị thiếu (84.000 người), phần lớn được đào tạo bởi các trường trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, phần lớn số trường này do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý, số ít còn lại tốt nghiệp các trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Tình trạng thiếu giáo viên cả nước, ảnh chụp từ clip của Vtv.vn

Hệ thống các trường sư phạm địa phương, các đại học sư phạm - kỹ thuật do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ quản chịu sự quản lý nhà nước về nội dung, chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mọi thứ khác đều do các “chủ quản” quyết định.

Phân bổ chỉ tiêu biên chế, quỹ lương, việc tuyển dụng, điều động viên chức giáo dục… (nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục) do ngành Nội vụ quản lý.

Như vậy, trách nhiệm để xảy ra tình trạng thiếu hoặc thừa cục bộ giáo viên (mầm non và phổ thông) là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên chịu trách nhiệm chính không phải là Sở Giáo dục và Đào tạo.

Phải chăng đây là một trong những biểu hiện về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở:

“Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm”.

Nhận định nêu trong Quyết định 711: “Chưa nhận thức đúng vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo” là nói về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tuy nhiên, nói một cách công bằng trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về Chính phủ mà của cả hệ thống chính trị.

Chính vì đây là “lỗi hệ thống” nên mới xảy ra tình trạng mấy chục năm qua, phần lớn nhà giáo được đào tạo từ đội ngũ những người học lực bình thường, phần đông số vào học tại các trường sư phạm là do không đủ điểm vào các trường khối ngành khác.

3. Nói mà không làm với học sinh

Điều 16 trong “Điều lệ trường tiểu học” ban hành kèm theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT quy định:

“Học sinh được tổ chức theo lớp học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách”.

Nói là như thế nhưng làm thế nào?

Báo Tuoitre.vn đưa tin: Hà Nội có khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 học sinh/lớp và khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 học sinh/lớp”. [9]

Tại Thanh Hóa, có tình trạng một giáo viên phải làm chủ nhiệm 2 lớp hoặc vì không đủ giáo viên chủ nhiệm nên 3 lớp phải dồn thành 2 lớp.

Những bất cập đã nêu đều đã được tổng kết qua nhận định của Chính phủ:

“Quan điểm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển chưa thực sự được thấm nhuần và thể hiện trên thực tế”.

Rõ ràng là căn bệnh nặng nhất của giáo dục ở tầm vĩ mô đã được nhận diện và tổng kết thành văn bản, đó là quốc sách hàng đầu chưa được các cơ quan thuộc hệ thống chính trị “thấm nhuần và thể hiện trên thực tế”.

Phải chăng điều này có thể diễn giải theo cách khác, rằng chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp của quốc gia, các đạo luật về giáo dục đã được Quốc hội ban hành là khá đầy đủ, đồng bộ song thực tế lại chưa có tác động đến những cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.

Không những thế, sau phát biểu của đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ về việc trong hai năm 2018, 2019, tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề chỉ vào khoảng 14%, cũng chưa thấy Quốc hội công bố ý kiến đánh giá, xử lý với cơ quan không thực hiện đúng Nghị quyết 29-NQ/TW và quy định trong các đạo luật đã ban hành.

Vậy căn bệnh “nói mà không làm” đến bao giờ mới có thuốc chữa?

Thứ ba, “Bệnh dối trá”

Giáo dục Việt Nam được dư luận gắn với căn bệnh có cái tên mỹ miều là “Bệnh thành tích”, gần đây một vài tác giả chữa tên căn bệnh này thành “Bệnh ngụy thành tích”.

Để có “thành tích” đưa vào báo cáo, đưa vào các văn bản tổng kết thi đua, khen thưởng, bổ nhiệm, lên lương,… không ít cơ sở giáo dục, không ít cá nhân buộc phải dối trá, thế nên “bệnh thành tích” luôn song hành cùng “bệnh dối trá”.

Về mức độ nguy hiểm, bệnh thành tích được đánh giá thấp hơn bệnh dối trá bởi bệnh thành tích chủ yếu là với người lớn, với cơ sở giáo dục công lập còn bệnh dối trá đã lan đến không ít trẻ em đang đi học.

Báo Laodong.vn ngày 03/04/2021 đăng bài: “Chữa bệnh thành tích trong giáo dục sẽ chữa được bệnh dối trá” với hàm ý hai căn bệnh này là không giống nhau.

1. Bệnh dối trá trong đội ngũ nhà giáo

Báo Vietnamnet.vn trong bài: “Bốn giáo viên bị 'bêu' tên vì sao chép sáng kiến kinh nghiệm” viết:

“Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận Nguyễn Huệ Khải cho biết tình trạng sao chép sáng kiến kinh nghiệm để dự thi vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Phòng GD-ĐT TP. Phan Rang – Tháp Chàm mạnh dạn nêu tên người phạm lỗi để rút kinh nghiệm toàn ngành”.

Nhiều chuyên gia, nhà báo có chung quan điểm về sáng kiến, kinh nghiệm của giáo viên phổ thông: “Sáng kiến kinh nghiệm đang được chào bán công khai như… bán rau ngoài chợ”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhận thấy bất cập của cái gọi là “sáng kiến kinh nghiệm” hay không, câu trả lời là có.

Theo quy định mới ban hành, từ năm học 2020-2021, nhà giáo có thể được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không cần phải có sáng kiến kinh nghiệm.

Tuy nhiên muốn có tên trong danh sách chiến sĩ thi đua (tất cả các cấp) bắt buộc nhà giáo phải có sáng kiến kinh nghiệm. Điều này đã được quy định tại mục 3, điều 9, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Biểu hiện khác của sự dối trá trong đội ngũ giáo viên là sử dụng văn bằng không hợp pháp, nói cách khác là dùng “bằng rởm”.

“Thôi việc 29 giáo viên sử dụng bằng giả”. (Vietnamnet.vn 16/04/2013)

“Lỗ hổng khiến 83 giáo viên dùng bằng giả”. (Vnexpress.net 11/03/2020)

“Đau lòng chuyện giáo viên xài bằng giả”. (Thanhnien.vn 25/09/2020)

2. Bệnh dối trá trong học sinh

Trẻ em sinh ra, bản chất là thiện lương (Nhân chi sơ, tính bản thiện), sự dối trá xuất hiện ở học sinh phổ thông, đặc biệt là bậc tiểu học có phần lỗi rất lớn của gia đình, nhà trường và xã hội.

Chính người lớn đã truyền thụ một cách chủ động (cũng có khi là vô ý thức) thói dối trá cho con trẻ mà sách giáo khoa là một ví dụ.

Bài tập đọc “Tấm Cám”, trang 109 sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 1 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” viết:

“Tấm mồ côi mẹ, phải ở với mẹ kế là mẹ của Cám. Tấm rất chăm chỉ. Ngày ngày, Tấm mò cua, bắt cá, chăn trâu, cắt cỏ,… Còn Cám ham chơi, chả chịu làm gì. Có lần, cả hai đi bắt cá. Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen”.

Những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ,… biên soạn sách nghĩ gì mà dạy cho trẻ con “để được mẹ khen” thì “nghĩ kế” ăn cắp của người khác?

Bài học từ lớp 1 ấy liệu có biến thành hành trang suốt cuộc đời con người, liệu có lúc nào người ta tặc lưỡi, rằng để nổi tiếng, để trở thành ông nọ, bà kia thì dối trá là điều tất yếu?

Báo điện tử Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trích dẫn kết quả nghiên cứu hành vi nói dối của học sinh một số trường trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

“Có đến 5,2% học sinh tự đánh giá là mình đã nói dối liên tục từ 2 tháng trở lên, 2,08% học sinh cho rằng mình đã nói dối liên tục từ 4 tháng trở lên và 12,9% học sinh cho rằng mình đã nói dối liên tục từ 6 tháng trở lên”. [10]

Tổng cộng các con số là 20,18%, nghĩa là cứ 5 học sinh (tại cơ sở khảo sát) thì có một người nói dối liên tục trong khoảng thời gian từ 02 đến 06 tháng.

Gần đây, câu chuyện cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội tố cáo bị trù dập xuất hiện trên hầu hết các trang báo.

Điều đáng quan tâm là báo Kinhtedothi.vn - Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội - trong bài “Vụ giáo viên tố trường Tiểu học Sài Sơn B trù dập: Người trong cuộc nói gì?” viết về một học sinh lớp 5D mà cô Tuất đang dạy như sau:

“Học sinh này đã nhiều lần viết thư kiến nghị với Ban giám hiệu nhà trường, thậm chí em còn viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc dạy học của cô Tuất”.

Không có bất kỳ sự “hướng dẫn” nào, một học sinh lớp 5 tự mình “viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo” phải chăng là điều bình thường tại một ngôi trường không có gì nổi tiếng về chất lượng đào tạo?

Biết có bức “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì sao báo chí công bố nội dung bức thư?

Phải chăng có sự e ngại về việc từ nội dung có thể dễ dàng suy ra trình độ tác giả?

3. Bệnh dối trá ở những nơi khác

Báo Nhandan.com.vn viết về việc tặng giấy khen cho học sinh như sau:

“Một lớp có 40 học sinh nhưng có tới 38 học sinh được khen. Giấy khen không chỉ dừng lại ở việc khen các thành tích môn học, còn nhiều giấy khen khiến phụ huynh đọc xong phải bối rối…”. [11]

Khen mà khiến phụ huynh học sinh bối rối, không hiểu con em mình sao lại được khen. Lại có lớp chỉ duy nhất một học sinh không được tặng giấy khen, vậy đậy thực sự là khen thành tích của học sinh hay chỉ là trò vui cuối học kỳ?

Tất cả đều là cá biệt thì sẽ không có cá biệt.

Ra ngõ gặp người tài thì quốc gia sẽ không có người tài.

Tất cả nhân viên đều nói dối thì cơ quan sẽ không có người nói dối.

Những kết luận trên là chân lý hay chỉ là lời nói của kẻ “thần kinh”?

Năm học 2006-2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã phát động cuộc vận động “hai không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích”.

Kết quả là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc năm 2007 là 67,5%, năm 2008 tỷ lệ này là 75,96%, còn gần đây tỷ lệ đỗ luôn lớn hơn 95%.

Chỉ có hai khả năng xảy ra với kết quả thi cử như trên:

Hoặc là chất lượng giảng dạy trung học phổ thông những năm trước năm 2007 dưới mức bình thường hoặc là chất lượng giảng dạy vẫn thế nhưng vì “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích” nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm.

Nhiều người biết nhưng hình như ai cũng ngại nói ra khả năng nào trong hai khả năng nêu trên khiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm.

Một sự “hình như” khác ai cũng biết là vì sao có lúc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông gần 100% nhưng lại chẳng thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết kinh nghiệm, không thấy ai đưa vào công trình nghiên cứu hay tham luận tại các hội nghị ngoại trừ một số câu hỏi:

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT gần 100%: Nên giữ hay bỏ kỳ thi? [12]

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100%: Có nên bỏ kỳ thi THPT? [13]

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100%, có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia? [14]

Vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị phát hiện cho thấy sự dối trá không còn là cá biệt tại một vài cơ sở giáo dục hoặc trong một nhóm người mà là quy mô cấp tỉnh với thành phần tội phạm chủ yếu là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền địa phương.

Vụ việc gióng lên hai câu hỏi:

Một là sự gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chỉ xảy ra vào năm 2018 hay còn cả những năm trước đó?

Hai là ngoài ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, có cơ sở nào để “yên tâm” khẳng định 60 tỉnh, thành phố còn lại không có gian lận thi cử vào năm 2018?

Bệnh dối trá trong giáo dục không chỉ làm băng hoại đạo đức một số người có chức, có quyền mà nguy hiểm hơn, nếu không kịp ngăn chặn sẽ làm băng hoại đạo đức rất nhiều học trò, những người sẽ kế tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước bởi sau con đường vào đại học là những vị trí đã được dọn sẵn trong cơ quan công quyền.

Thứ tư, bệnh không chịu tìm thuốc chữa

Biết là có bệnh, biết là bệnh gì, biết nguyên nhân gây bệnh nhưng cuối cùng thì không tìm thuốc chữa, đây phải chăng là căn bệnh “Sợ chữa bệnh”?

Truyền thông quốc tế, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia ngạc nhiên, thán phục sự phát triển kinh tế của Việt Nam sau ba thập niên cải cách, mở cửa (một số chuyên gia gọi là đổi mới 1.0). Từ chỗ là nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, Việt Nam giờ đã được đánh giá là nước có thu nhập trung bình thấp.

Vấn đề là sau ba thập niên chú tâm vào làm ăn kinh tế, liệu có chuyện chúng ta đã và đang sao nhãng chuyện giáo dục và đào tạo?

Câu hỏi này được đặt ra một cách nghiêm túc bởi nhìn vào hai yếu tố bảo đảm thành công cho giáo dục là nhân lực và vật lực.

Minh hoạ của Dan trên Laodong.vn

Về nhân lực giáo dục:

Gần đây hàng trăm bác sĩ và nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai bỏ việc với nhiều lý do, một trong những lý do được báo chí đề cập là “làm cho tư nhân họ được trả lương khoàng 100 triệu đồng/tháng trong khi tại bệnh viện công họ chỉ thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng”.

Giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập từ phổ thông đến đại học, nếu nhà giáo được trả khoảng 10 triệu đồng/tháng thì đó chắc chắn là mơ ước của rất nhiều người.

Phải chăng thu nhập là nguyên nhân duy nhất khiến phần lớn học sinh học lực khá, giỏi bỏ qua ngành sư phạm?

Biết xã hội quay lưng với nghề dạy học, biết không ít nhà giáo cắn răng bám nghề vì đã trót theo ngành sư phạm nhưng vì sao lại không dám trả lương cho nhà giáo như công an, quân đội? Vì sao sau quyết tâm “Đổi mới giáo dục và đào tạo” cuối cùng thì đến năm 2021 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại phải thanh minh:

“Lương mới của nhà giáo không thấp hơn mức hiện hưởng”

Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời thế nào về ý kiến trên báo Laodong.vn:

“Thu nhập theo lương mới giảm tới 3 triệu đồng, nhiều giáo viên băn khoăn”. [15]

Nếu đã xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển thì vì sao đến năm 2021 này, cả nước lại thiếu tới 95.000 giáo viên?

Nói đến nhân lực giáo dục, không thể quên đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Cán bộ quản lý giáo dục là một bộ phận thuộc đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và vì thế những hạn chế của đội ngũ này không nằm ngoài tình trạng chung.

Thông tin từ Bộ Tư pháp cho thấy riêng trong năm 2017, số văn bản trái pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm tra văn bản theo thẩm quyền là 1.236 văn bản, năm 2018 Bộ này đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật.

Điều đáng nói là phần đông cán bộ quản lý giáo dục được cất nhắc từ đội ngũ giáo viên, Họ được bổ túc kiến thức quản lý nhà nước và lý luận chính trị song gần như theo hình thức “vừa học, vừa làm”.

Báo chí viết về Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Dũng như sau:

“Ông Dũng sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc... Hiện ông Dũng có bằng cử nhân tiểu học, cao cấp chính trị”. [16]

Báo Nhandan.com.vn trong bài “Nhiều sai phạm của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòn Đất” viết:

“Những sai phạm, khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng (Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Hòn Đất) là rất nghiêm trọng, vi phạm Điều 1 và Điều 8 Quy định 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng uy tín tổ chức Đảng, tập thể cơ quan và bản thân đồng chí”. [17]

“Qua hơn một năm thực hiện việc kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, công chức tại tỉnh Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của tỉnh này phát hiện 284 cán bộ sử dụng bằng giả, trong đó có 107 viên chức ngành giáo dục”. [18]

“Cán bộ Sở Giáo dục sử dụng bằng giả”. [19]

Những thông tin mà báo chí nêu trên đây mới chỉ hé lộ một phần sự thật.

Việc để lọt vào hàng ngũ cán bộ quản lý những người như thế liệu ngành Giáo dục có liên đới chịu trách nhiệm cùng ngành Nội vụ hay đây không phải là lỗi của Giáo dục?

Về vật lực giáo dục:

Về điều này, có mấy vấn đề cần được làm rõ:

Một là công khai, minh bạch tỷ lệ phần trăm ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo;

Hai là công khai quy hoạch mạng lưới trường học 63 tỉnh, thành phố cả nước;

Ba là có chế tài điều chỉnh hành vi tăng học phí một cách tùy tiện của tất cả các loại hình trường học (dân lập, tư thục, công lập);

Điều kiện kinh tế hiện nay chưa cho phép nhà nước bao cấp toàn bộ nền giáo dục, để tập trung các nguồn lực cho giáo dục cần ban hành chiến lược tổng thể, theo đó Nhà nước tập trung ngân sách cho ba bậc học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trong đó giáo dục tiểu học và trung học cơ sở phải là giáo dục bắt buộc.

Giáo dục trung học phổ thông và đại học hoạt động theo hình thức xã hội hóa, tăng cường tự chủ, xóa bỏ bao cấp.

Mong mỏi của tất cả những người quan tâm đến giáo dục là bao giờ thì cơ quan chức năng thực hiện đúng tinh thần nghị quyết 29-NQ/TW, theo đó ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đào tạo phải đạt ít nhất là 20% tổng chi ngân sách hàng năm.

Nhà nước có thể giao cho tư nhân hơn 170 ha đất rừng trồng thông đã 50 năm để làm sân golf nhưng vì sao lại chấp nhận tình trạng thiếu đất xây trường, thiếu phòng học đến mức hàng nghìn lớp học có sĩ số từ 50-60 học sinh (quy định là 35)?

Kết luận:

Trong các bệnh mà giáo dục mắc phải, bệnh “sợ chữa bệnh” là nguy hiểm nhất.

Phải chăng vì bận làm kinh tế, vì thành tích kinh tế nên tạm thời phải gác giáo dục sang một bên?

Phải chăng vì sợ chữa bệnh nên không muốn nghiên cứu tìm thuốc chữa hay vì giáo dục tuy không khỏe nhưng chưa đến mức đe dọa sự sống còn?

Rất nhiều câu hỏi cần phải nêu lên nhưng nếu bệnh nhân sợ chữa bệnh còn thày thuốc thì chỉ muốn kê bệnh chứ không kê đơn thì các "căn bệnh" trong giáo dục sẽ ngày càng trầm trọng./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/chay-viec-hang-tram-trieu-nham-mat-dua-chan-doi-lai-duoc-gi-438019.html

[2] http://hoinhabaovietnam.vn/Chay-bien-che-giao-vien-Tien-mat-tat-mang_n40528.html

[3] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/noi-buon-thi-cong-chuc-nganh-giao-duc-1243635575.htm

[4] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/can-cham-dut-tinh-trang-tu-nguyen-boi-khong-the-tu-choi-677445.html#inner-article

[5] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/quoc-sach-hang-dau-chu-truong-chinh-sach-va-thuc-hien-ky-1-post212615.gd

[6] https://laodong.vn/giao-duc/luong-giao-vien-se-duoc-xep-cao-nhat-trong-he-thong-thang-bang-luong-577507.ldo

[7] https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/luong-moi-cua-nha-giao-khong-thap-hon-muc-hien-huong-S1MJowpGR.html

[8]https://vtv.vn/giao-duc/nan-giai-voi-tinh-trang-thieu-giao-vien-20210418220600516.htm

[9] https://tuoitre.vn/si-so-hoc-sinh-can-tro-chuong-trinh-moi-20200826083543528.htm

[10] https://www.giaoduc.edu.vn/ngan-ngua-hoc-sinh-noi-doi.htm

[11] https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-songtre/boi-roi-voi-giay-khen-hoc-sinh-tieu-hoc-296185/

[12] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ty-le-do-tot-nghiep-thpt-gan-100-nen-giu-hay-bo-ky-thi-332781.vov

[13] https://tienphong.vn/ty-le-do-tot-nghiep-gan-100-co-nen-bo-ky-thi-thpt-post966471.tpo

[14] http://laodongxahoi.net/ty-le-do-tot-nghiep-gan-100-co-nen-bo-ky-thi-thpt-quoc-gia-1307278.html

[15] https://laodong.vn/ban-doc/thu-nhap-theo-luong-moi-giam-toi-3-trieu-dong-nhieu-giao-vien-ban-khoan-832177.ldo

[16] https://thanhnien.vn/giao-duc/ky-luat-truong-phong-gd-dt-chua-tot-nghiep-thpt-1082027.html

[17] https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/nhieu-sai-pham-cua-truong-phong-giao-duc-va-dao-tao-huyen-hon-dat-377579/

[18] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/284-can-bo-o-soc-trang-dung-bang-gia-20110708115937833.htm

[19] https://vnexpress.net/can-bo-so-giao-duc-su-dung-bang-gia-2429132.html

Xuân Dương
HÃY CHẤM DỨT  CÁCH ĐÀO TẠO NHÀ GIÁO KIỂU THỊ TRƯỜNG RẺ TIỀN MAU HỎNG
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 19-4-2021

Báo Thanhnien.vn từng đề cập trường hợp học sinh lớp 5 (năm cuối cùng của bậc tiểu học) tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang như sau:

“Dù đang học lớp 5, nhưng gia đình phát hiện Vịnh chỉ có thể viết được tên của mình, tên trường, tên lớp và một vài chữ cái khác”. [1]

Năm 2006, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam “Phát hiện thêm 15 trường hợp học sinh "ngồi nhầm lớp", có trường hợp học sinh lớp 6 Trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt – thành phố Tam Kỳ chưa biết đánh vần”. [2]

Năm 2007, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kontum đã quyết định chi 19 tỷ đồng đào tạo lại cho gần 9.000 học sinh “ngồi nhầm lớp”. [3]

Đầu năm 2021, tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp phát hiện một số học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo.

Từ các thông tin đã dẫn, có thể thấy tình trạng học sinh phổ thông “ngồi nhầm lớp” diễn ra tại nhiều địa phương, trong nhiều năm và chủ yếu ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến tình trạng này tồn tại dai dẳng và cho đến tận đầu năm 2021 vẫn còn xuất hiện?

(Ảnh minh hoạ: daotao.kansaiviet.com)

Có ba nhóm ý kiến liên quan đến chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp”:

Một là “Bệnh thành tích” trong giáo dục, do phải bảo đảm “thành tích” nên lãnh đạo các trường, các cơ quan quản lý giáo dục và nhà giáo không thể để học sinh lưu ban quá nhiều.

Đây là nhóm ý kiến được nêu nhiều nhất, không chỉ từ các cá nhân mà còn từ đại diện của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, các phóng viên, nhà báo,…

Vì sao ngành giáo dục cần “thành tích”?

Thành tích giáo dục cao sẽ chứng tỏ sự ưu việt của nền giáo dục mới, chứng tỏ đội ngũ những người làm việc trong ngành có năng lực vượt trội, chứng tỏ chủ trương, quyết sách là rất đúng đắn,…

Vậy còn hệ lụy kèm theo “thành tích” ấy?

Hai là nhóm ý kiến “quy tội” cho nhà giáo, rằng để học sinh lớp 6 không đọc thông viết thạo thì phải xem xét trách nhiệm của các giáo viên dạy từ lớp 1 đến lớp 5, đặc biệt là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm,…

Ba là nhóm ý kiến quy trách nhiệm cho Ban Giám hiệu, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội trong trường và cơ quan quản lý giáo dục trong việc kiểm tra, chỉ đạo, theo dõi, đánh giá chất lượng dạy của nhà giáo, chất lượng tiếp thu của học trò, số ý kiến này không nhiều.

Đại diện cho nhóm ý kiến này là phát biểu của một nhà giáo nhân dân:

“Với hiện tượng như vậy theo quan điểm của tôi thì trách nhiệm trước hết là của tổ trưởng bộ môn, ban giám hiệu nhà trường bởi công tác thanh kiểm tra hàng năm ở đâu mà để xảy ra tình trạng như vậy?”.

Báo Nhandan.com.vn trong bài “Hàng loạt vụ học sinh “ngồi nhầm lớp - Đừng đổ lỗi cho học sinh và nhà trường!” đưa ra kết luận:

“Ngồi nhầm lớp” là sản phẩm tất yếu của quan điểm xa rời thực tế hiện nay… Phải khảo sát trình độ nhận thức, điều kiện sống và học tập của học sinh ở các vùng khó để xây dựng chương trình giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó là thay đổi quan điểm về đánh giá, bồi dưỡng giáo viên để có thể thực hiện các phương pháp linh hoạt với nhiều đối tượng, trình độ học sinh trong cùng một lớp... Việc đó, lẽ ra phải làm từ lâu!”. [4]

Hai vấn đề được nhấn mạnh trong bài báo nêu trên là “quan điểm giáo dục xa rời thực tế” và cần phải “thay đổi quan điểm về đánh giá, bồi dưỡng giáo viên”.

Người viết hoàn toàn tán thành nội dung nêu trên báo Đảng và do đó xin phân tích cụ thể hơn về hai nhận định này.

Thứ nhất, quan điểm giáo dục xa rời thực tế.

Xa rời thực tế có nghĩa là không phù hợp với những đòi hỏi (một cách) khoa học, hợp lý, của nền kinh tế, của các biến động xã hội, không hòa đồng, thậm chí là trái ngược với mong mỏi, đề xuất của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức quần chúng xã hội,….

Theo các nghiên cứu quốc tế, những người được đánh giá là thông minh chỉ chiếm tối đa 16% dân số (chỉ số IQ từ 115 trở lên) trong khi những người kém thông minh cũng chiếm tỷ lệ đúng bằng 16% (IQ <=85), số còn lại (68%) là người bình thường (IQ trong khoảng từ 86-114).

Mỗi năm Việt Nam có khoảng xấp xỉ một triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông:

Năm 2018 là 925.792 người, năm 2019 là 887.173 người, năm 2020 là 900.152 người,…

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông các kỳ thi quốc gia năm 2018 là 97,57%, năm 2019 là 94,06%, năm 2020 là 98,34%,…

Số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy năm học 2017-2018 số sinh viên đại học tuyển mới là 437.156 người, năm học 2018-2019 là 413.277 người. [5]

Con số nêu trên là sinh viên đại học, không bao gồm sinh viên cao đẳng, như vậy khoảng 50% số người tốt nghiệp trung học phổ thông đã tiếp tục theo học đại học.

Do số học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đến từ mọi vùng miền, thuộc đủ mọi thành phần nên có thể xem như đây là bộ phận thu nhỏ của dân cư cả nước.

Trong số 50% học sinh theo học đại học, cứ cho là bao gồm toàn bộ 16% số người được đánh giá từ thông minh trở lên (IQ>=115), 34% còn lại phải tuyển chọn trong số người không được xếp vào nhóm “thông minh”. Vì nhóm này chiếm 68% “dân cư” nên có thể thấy một nửa trong số “thông minh bình thường” đã tiếp tục theo học bậc đại học.

Và như vậy, liệu có phải bậc đại học tại Việt Nam đang dần trở thành đại trà?

Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ điểm sàn tuyển sinh (trừ khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe) và điều này được dư luận cho là động tác “tháo cống” để các cơ sở giáo dục đại học tha hồ vét cho đủ chỉ tiêu mà không cần quan tâm đến chất lượng đầu vào.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Văn Dũng cho rằng “Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn áp dụng điểm sàn chung thì các trường đại học lâu nay khó tuyển sinh phải tự hạ điểm chuẩn để tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu. Việc này cũng dễ hiểu bởi nếu không tuyển sinh được, trường sẽ không có nguồn thu và sẽ khó tồn tại”.

Ngoại trừ một số trường thuộc top trên, với chính sách tuyển sinh mới, hiện tượng “tát vét” thí sinh sẽ có xu hướng mở rộng từ khối trường sư phạm sang gần như toàn bộ các cơ sở giáo dục đại học.

Phải chăng đây là một trong các lý do khiến ngân hàng thế giới WB đánh giá chất lượng giáo dục đại học Việt Nam không cao?

Ví dụ khác của “Quan điểm giáo dục xa rời thực tế” là từ những khuyến cáo hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, những người có quyền ban hành chính sách đã vội vã áp dụng kiểu dạy và học Vnen cho 5.000 trường trên phạm vi toàn quốc mà kết quả được xem như là "thất bại toàn tập”.

Liệu có nên dũng cảm thừa nhận một quan điểm mang tính triết học:

“Bất kỳ bộ môn khoa học nào cũng có thể dạy song không phải bất kỳ người nào cũng có thể học”.

Thứ hai, cần thay đổi quan điểm về đào tạo, đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

Chính xác thì quan điểm nêu trong bài báo [4] chỉ nói về “đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo” chứ không nói về “đào tạo đội ngũ nhà giáo”.

Tuy nhiên, nói đến “đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo” mà quên quá trình “đào tạo nhà giáo” thì lại rơi vào chuyện “xa rời thực tế” và đó là điều cần tránh.

Chính những quy định về chế độ, tiêu chuẩn dành cho nhà giáo, cách thức mà không ít phụ huynh đối xử với nhà giáo, cách thức truyền thông đưa tin một vài hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ thày cô giáo,... đã khiến nhiều thế hệ học sinh quay lưng với nghề dạy học.

Nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Thiệu Tùng phát biểu: “Nguyện vọng giáo viên sống được bằng lương là nguyện vọng xứng đáng và rất tối thiểu trong khi đó “mấy đời Bộ trưởng của ngành quốc sách hàng đầu chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được”. [6]

Chính sách như thế thì làm sao thu hút được người tài làm nhà giáo.

Ít thày giỏi thì làm sao có được nhiều trò giỏi?

Vừa ít thày giỏi vừa ít trò giỏi thì dựa vào đâu để có được nền giáo dục “giỏi”?

Không có thày giỏi thì chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” liệu có phải là hệ quả tất yếu?

Nhà giáo nhiều năm trở lại đây được tuyển chọn vào trường sư phạm gần như bởi những chuyến “tát vét” sát điểm sàn, chẳng bao giờ có chuyện điểm trúng tuyển trường/khoa sư phạm lại ngang bằng với Y, Dược, Ngoại Thương,…

Để thu hút học sinh tốt nghiệp phổ thông theo học ngành sư phạm, có thời sinh viên sư phạm được miễn học phí, được vay ưu đãi từ ngân hàng, được ưu tiên bố trí sống ở ký túc xá,…

Ngoại trừ một điều là giáo sinh ra trường muốn kiếm việc làm nếu không thuộc diện “4C” hay “5 ệ” hoặc không có phong bì thì vui lòng về nhà chờ đợi,…

Một vị độc giả viết: “Sức ép dư luận lên ngành Giáo dục, lên người thầy đã khiến học sinh và phụ huynh ngày càng ngộ nhận rằng họ luôn là đối tượng cần được bảo vệ, giáo viên không có quyền trừng phạt, họ làm gì cũng đúng, giáo viên làm gì cũng sai”. [7]

Có phải vị độc giả cho rằng chẳng có bất kỳ ai nghĩ đến chuyện bênh nhà giáo?

Hay tại vì nhà giáo được đào tạo ra rất “rẻ” nên chuyện lương thấp, bị đối xử không công bằng, bị áp lực từ nhiều phía hình như không trái quy luật thị trường cho lắm.

Và liệu đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu sản xuất các sản phẩm giáo dục cao cấp?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-lop-5-van-chua-doc-viet-thao-501712.html

[2] https://thanhnien.vn/giao-duc/quang-nam-phat-hien-them-15-truong-hop-hoc-sinh-ngoi-nham-lop-95340.html

[3] https://vnexpress.net/19-ty-dong-dao-tao-lai-cho-gan-9-000-hoc-sinh-ngoi-nham-lop-2078342.html

[4] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/dung-do-loi-cho-hoc-sinh-va-nha-truong-586802/

[5] https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=6636

[6] https://anninhthudo.vn/chuyen-roi-nuoc-mat-cua-nhung-giao-vien-hop-dong-post153260.antd

[7] https://vtc.vn/du-luan-gop-phan-lon-gay-ngo-nhan-hoc-sinh-khong-bao-gio-sai-khong-duoc-phat-ar597600.html

Xuân Dương
TỪ ĐẠO MẪU ĐẾN ĐẠO VĂN
CHU MỘNG LONG/ TD 25-4-2021

Một giáo sư tiến sỹ, thầy của các thầy, từng tham gia biên soạn rồi thẩm định chương trình, sách giáo khoa, cho đến lúc này vẫn viết một status khẳng định: việc cho học sinh viết theo văn mẫu là cần thiết.

Tôi hiểu, ông đang bào chữa cho những quyển sách “văn mẫu” của ông và học trò ông. Ông không nhìn ra được, khi những quyển sách gọi là “văn mẫu” đó ra đời, cả thầy lẫn trò ở các cấp học đã xem như là kinh điển. Và như vậy, giáo dục các ông gọi là hiện đại có khác gì truyền thống “thuật nhi bất tác” của Nho giáo? Và có khác gì các tôn giáo truyền bá các loại kinh cho các tín đồ cắm đầu tụng niệm như cái máy, điều ông Marx gọi là “thứ trật tự của tinh thần không có tinh thần”?

Sản xuất “văn mẫu” cho học sinh học tập và làm theo thì chỉ có thể là các ông tự phong thánh cho mình. Trong khi các sách văn mẫu đó chẳng có gì chuẩn mực, nếu không nói, trong đó toàn sao đi chép lại những giáo điều cũ rích. Đó là chưa nói tư cách của nhiều ông viết văn mẫu chỉ là một loại con buôn trong cái chợ xổm chộp giật gọi giáo dục.

Tôi cứ hình dung cái tệ nạn đạo văn có gốc từ học tập và làm theo văn mẫu. Viết theo mẫu, gọi là “đạo mẫu”, lâu dần thành thói quen, đến khi thành giáo sư, tiến sỹ vẫn không thoát ra được, gọi là “đạo văn”. Nghe giống như tôn giáo, nhưng đúng là tôn giáo thật, vì cái gì đã đưa vào giáo đường theo cách ấy, giáo đường sẽ thành thánh đường.

Với cái vòng lẩn quẩn: giáo sư tiến sỹ đạo văn thành sách, sách lại dạy học sinh đạo mẫu, thì các ông đòi cải cách làm gì nữa?

Vụ đạo văn của giáo sư tiến sỹ ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn kéo dài gần 20 năm với các hội đồng thẩm định, thanh tra, kết quả thế nào? Đến lượt Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo giải quyết vẫn không xong! Kẻ đạo văn vẫn nhân danh giáo sư tiến sỹ đứng trên giảng đường để rao giảng và hướng dẫn cho các tín đồ của mình.

Nhiều người đề nghị giải quyết rốt ráo. Tôi bảo không thể. Bởi các hội đồng với các giáo sư tiến sỹ đứng ra thanh tra, thẩm định sự vụ chắc gì đã cao hơn đối tượng bị thẩm định, thanh tra?

Cuối cùng, tôi chỉ cười, rằng không làm ra ngô ra khoai lại có cái hay của nó. Tự nó vạch trần cái cối xay lẩn quẩn của giáo dục, dù có trăm cuộc đổi mới, cải cách. Và tự nó xác định “đạo mẫu”, “đạo văn” là một tôn giáo, trong đó mỗi giáo sư, tiến sỹ viết bài mẫu là một ông thánh trong thế giới tin ngưỡng đa thần. Đa thần nhưng ông nào cũng giống ông nào nên thành ra chỉ là tôn giáo độc thần!

NỖI ĐAU CẢI CÁCH GIÁO DỤC

CHU MỘNG LONG/ TD 26-4-2021

Đêm qua, khi đi ăn cơm thì gặp một người tự xưng là giáo sư tiến sỹ từng tham gia cải cách giáo dục. Ông ta nói: “Chào người nổi tiếng!” và chìa tay cho tôi bắt. Tôi cười và bảo: “Tai tiếng thì có!” Ông ta mời cafe và tôi cùng ông sang quán cafe.

Ông nói: “Ông chửi giáo dục nhiều quá! Mà ông đã đóng góp gì cho cải cách giáo dục chưa mà chửi?”

Tôi nén giận và trả lời ôn hòa: “Tôi không chửi mà viết ra điều tôi biết. Có tri thức, có lý luận hẳn hoi. Còn hỏi tôi đóng góp gì chưa thì đó không là câu hỏi của người có học. Nên để dành câu hỏi đó cho đám bò đỏ vô học hoặc học vẹt, ăn theo nói leo. Tôi dạy học gần 30 năm, nỗ lực thay đổi giáo dục, kể cả thay đổi cả chính mình. Ai từng học tôi thì biết. Đồng nghiệp cùng khoa, cùng trường tôi cũng biết tôi đã cống hiến gì….”

Ông ta bào chữa: “Ý tôi là có tham gia cải cách do Bộ Giáo dục và Đào tạo điều hành mới thấy hết nỗi khổ và sự cống hiến của chúng tôi.”

Tôi cười: “Tôi từng tham gia rồi. Một dự án ngàn tỷ về dạy học modul ở đại học. Tôi làm theo chỉ đạo của dự án và làm theo cách tôi nghĩ. Nhưng chỉ làm một lần rồi cạch. Họ bắt tôi ký khống đến trên 200 triệu, nhưng chỉ trả cho tôi khoảng 30 triệu. Tôi không học tập và làm theo gương Thạch Sanh để cho đám Lý Thông hưởng lợi. Sự thật là họ in sách tôi đến lần thứ 9 nhưng không hỏi tôi một câu, vì họ trả lời rằng tôi đã được trả bản quyền. Nhưng họ lại in bản chưa sửa chữa mới đau!”

Ông ta nói: “Chỉ ra cái sai của người khác thì dễ. Điều mà chúng tôi cần là hiến kế theo tinh thần xây dựng. Ý tôi muốn nói như vậy!”

Tôi lại phải bật cười: “Không chừng các anh bảo tôi thù địch, phá hoại cũng nên. Một phản biện của tôi là một hiến kế đấy chứ. Nhưng tôi biết các anh không hiểu. Đã thế thì các anh hãy khoan mang giáo dục hiện đại thế giới ra loè nữa. Riêng loại tri thức này tôi có thừa và đã viết cả loạt bài về sách giáo khoa Cánh Diều, vạch ra sự chộp giật, râu ông nọ cắm cằm bà kia, rất thiếu hiểu biết của các anh.

Bây giờ thì tôi hiến kế đơn giản thế này. Các anh hãy xuất phát từ nỗi đau của người học đã. Tôi đi học lớp Khởi nghiệp thấy điều này hay, rằng để khởi nghiệp thành công, doanh nhân phải xuất phát từ “nỗi đau của khách hàng”. Một cái tăm tre làm hỏng cái chân răng của khách hàng thì doanh nhân phải nghĩ làm ra cái tăm tre sao cho khách hàng không đau răng. Trong khi các anh chỉ vì sung sướng của mình mà xoáy thêm vào nỗi đau của người học.

Người học kêu quá tải thì chương trình và sách giáo khoa càng ngày càng tăng tải bằng cách gia tăng độ khó, ném kiến thức cao siêu từ trên trời rơi xuống để nhồi vào óc bọn trẻ. Người học kêu bài tập khó quá, không tự giải được mà phải tra bài giải sẵn thì các anh tạo ra các bài tập vượt quá tiềm năng thực tại của người học để gia tăng học thêm, học vẹt.

Các anh sung sướng vì làm chương trình và sách giáo khoa là cơ hội để các anh khoe chữ, khoe danh hiệu. Đó là tôi chưa nói, các anh còn làm đau cho cả đội ngũ thầy cô giáo. Hết cải cách này đến cải cách khác, thầy cô giáo phải quay cuồng từ tập huấn đến học thi các loại chứng chỉ để gọi là đáp ứng cải cách.

Chưa hết, bên hành chính thì bịa ra đủ các loại mẫu, từ hồ sơ sổ sách các loại đến giáo án; để gọi là cải cách, có khi họ chơi trò xáo trộn trật tự một mục nào đó bắt thầy cô phải cuống cuồng thay mẫu để đối phó. Cải cách như vậy thì có làm cho cả thầy và trò loạn não, tức ngu hơn không?”

Ông ta lặng lẽ không nói gì. Tôi nói thêm: “Muốn hiểu nỗi đau của người học thì các anh phải đặt mình vào vai người học. Học cái chương trình và sách giáo khoa do chính các anh tạo ra. Nhớ học hết các môn và buộc phải giỏi tất cả như bọn trẻ đã phải học. Đừng học mỗi môn mình viết ra rồi bảo dễ. Biết làm điều đó thì cải cách thành công. Vậy thôi!

Tôi hớp hết ly cafe và đứng dậy ra về. Ông ta bắt tay tôi và nói: “Tôi không đồng tình tất cả những điều anh nói. Nhưng tôi sẽ suy nghĩ”. Tôi gật đầu: “Biết suy nghĩ là có dấu hiệu hoàn lương đấy!”

THƯ GỬI BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC NGUYỄN KIM SƠN

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 24-4-2021

Kính thưa Bộ trưởng! Xin gửi tới ông lời chào kính trọng!

Tôi viết thư ngỏ, vì xét ra chẳng có gì phải giữ bí mật và tôi cũng rất muốn nhận được sự đồng tình của nhiều trí thức có tâm huyết với nền giáo dục.

Đầu tiên tôi xin bày tỏ lòng kính phục vì ông có một số tài giỏi nào đó và qua việc ông gửi thư cho thầy cô giáo, qua một số câu phát biểu tôi cảm nhận được rằng ông là người tử tế, tin được.

Tôi nguyên là giáo sư trường Đại học Xây dựng, đã 84 tuổi, nhưng những lời sắp viết ra không phải là của một lão già lẩm cẩm mà là của một trí thức cao niên, tự cho là có tâm huyết với vận mệnh đất nước, đặc biệt là với ngành giáo dục.

Bộ trưởng là lãnh đạo ngành, người cần được kính trọng, nhưng chưa đủ. Còn phải có được sự yêu mến. Tôi hy vọng rằng bằng việc làm và nhân cách Bộ trưởng sẽ đạt được sự kính phục và yếu mến ấy (chứ không bằng quyền uy và mệnh lệnh).

Để đạt được điều vừa nêu, ngoài Tâm sáng, Tầm nhìn xa còn cần có Thái độ đúng trong việc thu nhận và xử lý thông tin. Viết thư này tôi mong tác động một phần nhỏ vào việc biết nghe của Bộ trưởng.

Không biết nghe, không dám đối thoại là một trong những tật xấu của nhiều loại cán bộ. Hy vọng Bộ trưởng tránh được tật xấu đó. Vừa qua Tân thủ tướng cũng kêu gọi các thành viên chính phủ cần tăng cường nghe phản biện.

Bộ trưởng có bốn nguồn thông tin cơ bản. Một là từ sự lãnh đạo của Đảng. Hai là từ báo cáo của các cấp dưới. Ba là từ thầy trò và nhân dân. Bốn là từ những người phản biện. Hai nguồn đầu có sẵn, dễ xử lý, nhưng khó tạo ra được những giải pháp hay, đột xuất. Hai nguồn sau khó nghe hơn, nhưng nghe và hiểu được sẽ có những điều quý giá. Nghe chỉ là bước đầu, quan trọng là xử lý để đánh giá đúng tình hình và đề ra được việc làm có hiệu quả.

Bộ trưởng đã nghe rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Liệu đem áp dụng đánh giá đó cho ngành giáo dục sẽ như thế nào?. Bộ trưởng có muốn một đánh giá tương đối toàn diện về nền giáo dục nước nhà hay không và đã có cách gì hay chưa. Tôi xin cam đoan rằng, hiện tại nếu chỉ dựa vào nguồn thông tin 1 và 2 thì không có cách gì đánh giá đúng sự thật và mọi đường lối dựa vào sự đánh giá đó chỉ là lấy cái sai này thay cho cái sai khác mà thôi.

Bộ trưởng đã kịp thời gửi thư cho các thầy cô giáo. Ngoài những điều tâm huyết mà mọi người, kể cả tôi đều thấy và đánh giá cao, tôi còn phát hiện ra vài điều, muốn trao đổi vì quan điểm có hơi khác. Bộ trưởng viết:“ Việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người thầy”. Tôi tán thành vế thứ hai và bất đồng vế thứ nhất.

Người thầy có trách nhiệm quan trọng trong việc thực hiện đổi mới chứ nói rằng “Đổi mới cần bắt đầu từ người thầy” là không chuẩn, là đề cao người thầy quá mức cần thiết, không phản ánh đúng bản chất sự việc. Việc đổi mới phải được bắt đầu từ lãnh đạo, nó phải được biến thành nhận thức sâu sắc, thành tình cảm mãnh liệt của lãnh đạo, từ đó mới truyến năng lượng cho người thầy.

Bộ trưởng viết: “Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu”.

Tôi nhớ đến câu Kiều: “Rằng hay thì thật là hay. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Thầy cô bị những thiệt thòi và oan uổng, Bộ trưởng đã không có cách gì gỡ ra cho họ, thông cảm với họ, lại khuyên người thầy đang bị đối xử oan uổng nhìn về phía thân yêu. Chắc rằng cả đời Bộ trưởng chưa bị oan uổng lần nào nên không hiểu được tâm trạng của người bị oan uổng. Người đó giữ được bình tĩnh đã khó, họ đang cần chia sẻ, còn nhìn được đi đâu. Bị oan uổng mà quên đi để làm việc đại nghĩa thì chí có thánh nhân mới làm được. Phải chăng Bộ trưởng muốn biến các thầy cô thành thánh nhân.

Trong thư còn ba chỗ nữa tôi không nhất trí với nhận định của Bộ trưởng, nhưng tạm dừng (tránh cho thư quá dài), nếu có điều kiện sẽ xin phát biểu sau.

Tôi rất tâm đắc với câu của Bộ trưởng: “Về phía cá nhân, là một nhà giáo, nhà quản lý, tôi sẽ làm hết sức vì ngành và phát triển ngành”. Tuy vậy câu này chỉ mới nói lên một phần nhỏ, đó là “Làm hết sức”. Chưa thấy nói đến làm như thế nào, làm việc gì cho có hiệu quả cao. Làm hết sức mà tập trung vào những việc kém hiệu quả, sai quy luật thì càng làm càng thất bại lớn. Chắc rằng Bộ trưởng có nghĩ tới rất nhiều, chỉ là chưa cho mọi người biết mà thôi. Tuy vậy qua vài phát biểu về nhiệm vụ và trả lời phỏng vấn tôi có cảm nhận hình như Bộ trưởng chưa có được những suy nghĩ thật sâu sắc trong công việc hoàn toàn mới này.

Theo Stephen Corwey công việc có 4 loại. Loại A- vừa quan trọng và cấp thiết. Loại B- Rất quan trọng nhưng không cấp thiết. Loại C- Cấp thiết nhưng không quan trọng. Loại D- Không quan trọng mà cũng không cấp thiết.

Người không biết làm việc luôn bị vướng vào công việc loại A và loại D, họ tỏ ra bận rộn, quá bận rộn, nhưng hiệu quả rất thấp. Người giỏi biết tập trung trí tuệ cho các việc loại B.

Tôi hy vọng Bộ trưởng phát hiện đúng những việc loại B của ngành và biết tập trung vào đó.

Tôi có nhận xét rằng khá nhiều cán bộ vừa được đề bạt, được thăng chức có một loại việc vừa cấp thiết vừa quan trọng nhưng cố giấu không muốn cho ai biết. Đó là trong thời gian ngắn cần thu hồi tiền vốn đã bỏ ra (để cho…Thế là hòa vốn còn sau thì lời). Không biết Bộ trưởng có vướng vào việc này không. Nếu không thì quá may, vì như thế mới có thể làm hết sức vì ngành. Nếu lỡ ra có bị vướng chút ít thì cũng đừng xem là quá cấp thiết, từ đó mới có thể tập trung được vào phát triển ngành.

Có hai việc quan trọng đối với ngành giáo dục. Một là phát triển người thầy (như Bộ trưởng đã viết); Hai là giảm tải cho cả trò và thầy. Về hai việc này cũng như một số việc khác quan trọng của ngành giáo dục tôi đã có một số nghiên cứu sâu sắc (Tôi và một số bạn bè tự đánh giá là khá hay và thiết thực). Nếu Bộ trưởng muốn nghe tôi xin sẵn sàng trình bày bằng văn bản hoặc bằng thuyết trình.

Bộ trưởng muốn như thế nào xin cho thư ký liên hệ với tôi qua Email: ndcong37@gmail.com và số điện thoại 0389 578 620.

Tôi nghĩ rằng không phải chỉ có tôi mà nhiều trí thức phản biện như Thái Hạo, Chu Mộng Long, Nguyễn Ngọc Chu, Nguyễn Ngọc Lanh, Trượng Văn Thương và nhiều người khác nữa sẵn sàng trình bày để Bộ trưởng nghe hoặc cung cấp những bài viết về suy nghĩ của họ nhằm chấn hưng nền giáo dục. Vấn đề là Bộ trưởng có thành tâm, có dũng cảm để nghe hay không và cần tổ chức chu đáo, biết tôn trọng tấm lòng và công sức của họ.

Về việc nghe, xin kể câu chuyện vui để kết thúc. Vua nước nọ (thời Đông Chu bên Tàu) thích nghe âm nhạc do số đông biểu diễn đồng thời. Đội nhạc công khá đông. Mỗi lần nhiều chục người cùng hòa tấu. Vua băng hà, vua mới lên ngôi lại thích nghe từng nhạc công hoặc vài ba người biểu diễn riêng. Vua tuyên bố sẽ nghe lần lượt. Thế là chỉ còn dưới một phần năm số nhạc công ở lại còn trên bốn phần tự động bỏ trốn. Số này một thời đã hường nhiều danh lợi do lạm dụng được sự vô minh của nhà vua.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét