Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

20210412. TÂN BỘ TRƯỞNG XÂY DỰNG NGUYỄN THANH NGHỊ

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHÂN DUNG TÂN BỘ TRƯỞNG XÂY DỰNG NGUYỄN THANH NGHỊ TRẺ NHẤT THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ

TRẦN KHÁNG / DV 8-4-2021



BẢY BẤT CẬP LỚN CỦA NGÀNH XÂY DỰNG ĐANG CHỜ TÂN BỘ TRƯỞNG NGUYỄN THANH NGHỊ

TRẦN KHÁNG/ DV 8-4- 2021

Hiện ngành xây dựng là ngành tồn tại nhiều nhất những bất cập, trong đó nổi lên 2 vấn đề tốn nhiều giấy mực và tranh cãi là thiếu hụt nhà ở xã hội và cơ sở pháp lý cho condotel, đang chờ tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thành viên Chính phủ trẻ nhất giải quyết.

Sáng nay (8/4), Quốc hội đã chính thức phê chuẩn ông Nguyễn Thanh Nghị giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng và bộ trưởng trẻ nhất thành viên Chính phủ khoá XIV. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang trong đà phát triển, ngành xây dựng càng có vị trí quan trọng. Do đó, trách nhiệm của người "tư lệnh" ngành này càng được kỳ vọng lớn trong việc giải quyết các bấp cập hiện tại. 

Báo Dân Việt điểm lại bảy bất cập lớn đang tồn tại trong ngành Xây dựng cần những quyết sách kịp thời của tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 1.

Tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

1.CÔNG TÁC LẬP, PHÊ DUYỆT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH ĐÔ THỊ TUỲ TIỆN

Công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị… chưa kịp thời, đồng bộ theo quy định.

Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý và phát triển đô thị. Một số đồ án quy hoạch còn thiếu tính khoa học và chưa khả thi. Thời gian lập đồ án thường kéo dài so với quy định, chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển đô thị.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 2.

Cao ốc "mọc" dày đặc gây sức ép quả tải về hạ tầng giao thông trên tuyến đường hướng tâm Lê Văn Lương (Hà Nội)

Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật và diễn ra tại các thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.

Các dự án thường điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian thực hiện, nội dung điều chỉnh chủ yếu là tăng số tầng cao, diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng... dẫn tới gia tăng dân số.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 3.

Cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn (TP Hà Nội) căng băng rôn phản đối điều chỉnh quy hoạch.

Ở một số địa phương, việc điều chỉnh cục bộ không được nghiên cứu một cách đồng bộ với quy hoạch phân khu, dẫn đến một số quy hoạch phân khu bị phá vỡ, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị không đảm bảo, đặc biệt tại khu vực đô thị trung tâm.

Việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành thành phố Hà Nội, TP.HCM triển khai chậm.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 4.

Hàng loạt chung cư được xây dựng trên đất nhà máy, xí nghiệp di dời tại quận Thanh Xuân (TP Hà Nội)

Đặc biệt, quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.

2. VI PHẠM TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÀN LAN

Thực tế, nhiều công trình xây dựng chưa tuân thủ đầy đủ việc kiểm soát chất lượng theo quy định, vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thi công xây dựng. Việc tự ý thay đổi thiết kế (nâng tầng, mở rộng diện tích, cơi nới, thay đổi công năng...); không tổ chức thẩm tra, thẩm định thiết kế; thi công không đúng với thiết kế đã được thẩm định và giấy phép xây dựng; khởi công xây dựng khi chưa có giấy phép; đưa công trình vào sử dụng khi chưa đủ điều kiện về an toàn và chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận... đang gây khó khăn trong việc giải quyết hậu quả làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 5.

Liên tiếp có dự án chung cư đưa vào sử dụng khi chưa đủ điều kiện an toàn tại quận Thanh Xuân (TP Hà Nội).

Việc tổ chức thực hiện công tác bảo trì công trình chưa được chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng quan tâm đúng mức. Nguyên nhân do nhận thức của các chủ thể liên quan chưa đầy đủ, mặt khác do công tác tuyên truyền phổ biến của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thực hiện chưa đều và rộng khắp.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm.

Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng chưa theo kịp thực tiễn; việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng trong nước và nước ngoài tại một số dự án còn bất cập, chưa đồng bộ. Một số định mức chưa phù hợp, chưa khuyến khích việc áp dụng công nghệ, giải pháp xây dựng mới để tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư, đặc biệt đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 6.

Vi phạm trật tự xây dựng không chỉ diễn ra ở các công trình nhỏ lẻ mà còn ở cả các dự án bất động sản lớn trên địa bàn TP Hà Nội.

Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình nhà ở, công trình công cộng cũ tại đô thị theo Chỉ thị số 05/CT-TTg cho thấy tình trạng quản lý không chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với các công trình cũ, đặc biệt là chung cư cũ. Quy định trong các tiêu chuẩn xây dựng liên quan, các chỉ dẫn kỹ thuật và hướng dẫn trong lĩnh vực này cũng như kinh phí để triển khai thực hiện còn hạn chế.

Tình trạng chậm tiến độ tại các công trình trọng điểm, quy mô lớn còn xảy ra phổ biến, nguyên nhân chủ yếu do công tác chuẩn bị đầu tư, công tác thiết kế còn chưa đảm bảo theo yêu cầu, giải phóng mặt bằng còn chậm. Còn tồn tại tình trạng lựa chọn nhà thầu chưa đáp ứng được năng lực theo yêu cầu của gói thầu... gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, chất lượng và tuổi thọ công trình.

3.THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN MẤT CÂN ĐỐI, GIÁ CAO

Về nguồn cung nhà ở trên thị trường bất động sản: Cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 7.

Thị trường bất động sản đang dư thừa nhà ở cao cấp, thiếu hụt nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.

Về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng: Trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này tương đối lớn và đa dạng; trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel,..) chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.

Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân (theo cách đánh giá chung hiện nay: giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng).

Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

4. KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN CHƯA HIỆU QUẢ

Hệ thống thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 8.

Tình trạng "sốt đất" ảo diễn ra thời gian qua tại nhiều địa phương đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch bất động sản tuy đã được chú trọng và tăng cường, tuy nhiên việc thực hiện vẫn chưa được thường xuyên, liên tục.

Việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật.

5.THIẾU HỤT NHÀ Ở XÃ HỘI

Hiện nay chúng ta đã xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội. Trong đó, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị là 2,8 triệu m2 và công nhân khu công nghiệp là 2,3 triệu. Kết quả đạt được là cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu. Mới giải quyết 41,5% so với yêu cầu, trong tổng số 12 triệu m2 nhà ở xã hội.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 9.

Diện tích nhà ở xã hội mới đạt được khoảng một nửa so với mục tiêu đề ra.

Khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay trong vấn đề nhà ở xã hội là thiếu nguồn cung do cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia, thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà, thiếu nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho người mua nhà ở.

Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành đôi khi còn chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Không ít các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội; chưa tích cực xây dựng cơ chế ưu đãi thêm để phát triển nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền để thu hút các doanh nghiệp tham gia; chưa tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương.

6. PHÁP LÝ CHO CONDOTEL CHƯA THÔNG

Pháp lý của các loại hình bất động sản lai như: biệt thự du lịch, căn hộ du lịch (condotel) và nhà phố du lịch đang còn tồn tại nhiều bất cập, chưa thống nhất.

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở, lẽ ra phải cấp theo thời hạn của dự án và theo quy định của Luật đất đai.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 10.

Bất động sản nghỉ dưỡng phát triển "ồ ạt" nhưng thiếu pháp lý.

Cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa quy định cụ thể điều kiện huy động vốn hoặc bán condotel hình thành trong tương lai. Ngay cả hợp đồng mẫu hướng dẫn việc mua bán condotel cũng chưa có, dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư đã tùy tiện huy động vốn ngay từ thời điểm triển khai dự án.

Khách sạn, tòa nhà căn hộ condotel cũng phải được quản lý vận hành thống nhất. Nếu từng chủ sở hữu condotel tự khai thác kinh doanh căn hộ thuộc sở hữu của mình sẽ không thể đảm bảo yếu tố đồng nhất về đẳng cấp, về quản lý, về trang thiết bị, dịch vụ, an ninh và an toàn… , nhưng quy chế quản lý, vận hành condotel trong dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cũng chưa được xây dựng đầy đủ.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 11.

Công tác quản lý, vận hành căn hộ condotel còn nhiều bất cập, rủi ro an toàn, an ninh.

Nhiều địa phương cho phép điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ thành đất ở; cho phép chuyển đổi công năng một số tòa nhà condotel thuộc dự án khu du lịch nghỉ dưỡng thành nhà chung cư.

Để bán nhanh, thu hồi vốn nhanh, chốt lời nhanh, nhiều chủ đầu tư đã tung ra các "chiêu" như cam kết đảm bảo cho khách hàng mua condotel sẽ được cấp sổ đỏ đất ở ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở.

7. TRANH CHẤP CHUNG CƯ VẪN BÙNG NỔ

Hiện nay, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra còn khá phức tạp ở nhiều nơi. Các tranh chấp này gồm: chậm tổ chức hội nghị chung cư, chậm thành lập ban quản trị; đóng góp, bàn giao, quản lý quỹ bảo trì nhà chung cư; xác định sở hữu chung, sở hữu riêng; thu chi tài chính của ban quản trị, giá dịch vụ; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; chất lượng công trình...

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 12.

Nhiều điểm nóng tranh chấp chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư chưa được giải quyết.

Bất cập "nóng" trong ngành xây dựng "chờ" tân bộ trưởng xây dựng tháo gỡ - Ảnh 13.

Cư dân tại một chung cư trên địa bàn TP Hà Nội căng băng rôn tố cáo chủ đầu tư vi phạm trước cổng UBND quận Thanh Xuân.

Nguyên nhân của những tranh chấp này là quy định pháp lý về quản lý và sử dụng nhà chung cư chưa đầy đủ, rõ ràng, ví dụ về cách tính diện tích căn hộ, logia, hộp kỹ thuật... Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chưa quan tâm thích đáng tới nghĩa vụ sau bán hàng, không công khai đầy đủ thông tin theo quy định.

Một số hợp đồng mua bán căn hộ chung cư chưa tuân thủ đầy đủ quy định và thường có một số điều khoản chưa rõ ràng, thiên về bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư.

CÁN BỘ ĐẦY TỲ VẾT LÊN LÀM LÃNH ĐẠO LỚN : TRẮNG TRỢN TRÀ ĐẠP LUẬT PHÁP ?

RFA/ BVN  7-4-2021


Khai mạc Quốc hội ngày 24 tháng 3 năm 2021.

Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk, vừa được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XV hôm 7/4 với gần 97% phiếu bầu của đại biểu quốc hội Việt Nam.

Đáng quan tâm là trước đó, vào khoảng tháng 8 năm 2020, ông Bùi Văn Cường bị tố cáo là đạo văn cho luận văn bảo vệ tiến sĩ của bản thân. Sau đó, người đã tố cáo ông Bùi Văn Cường đạo văn là Võ sư - Tiến sĩ Phạm Đình Quý, cựu giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, đã bị công an đã bắt giữ.

Một người khác ủng hộ người tố cáo ông Bùi Văn Cường là nhà báo Trương Châu Hữu Danh cũng đã bị Công an Cần Thơ bắt giữ với cáo buộc tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương nhận định về việc ông Bùi Văn Cường được bầu cử lên chức như sau:

“Đại hội Đảng XIII vừa qua bộc lộ một số điều những người bị dư luận xã hội đánh giá kém cỏi, trình độ thấp, đạo đức kém, nhân cách tồi thì lại leo cao.

Anh ta không xử sự đàng hoàng, ví dụ khẳng định không đạo văn thì phải có hội đồng khoa học, ông ta lại đưa vấn đề ủy ban chính trị đưa ra để khẳng định không đạo văn. Đây là cái chúng tôi đánh giá là kém cỏi của sự lãnh đạo hiện nay ở đất nước mình.”

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đăk Lăk cho hay, dựa theo kết luận số 65 của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ xác minh ông Bùi Văn Cường không có hành vi đạo văn khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018.

Cũng trong ngày 15/10/2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk đã bỏ phiếu bầu ông Bùi Văn Cường tái đắc cử chức Bí thư tỉnh này.

Trao đổi với RFA vào tối 7/4, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng về việc đắc cử của tân Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XV là truyền thống cũ, không gì mới mà người dân Việt Nam đã quá quen thuộc.

“Chuyện này không phải mới mẻ, nếu chú ý thì ông Đào Ngọc Dung đi thi quay cóp bị lập biên bản sau đó vẫn làm Bộ trưởng thành ra người ta nghĩ rằng chuyện đạo văn không liên quan gì chuyện quan chức nên người ta mới làm vậy.”

Ông Đào Ngọc Dung bị bắt quả tang quay cóp trong môn thi Hành chính công của kỳ tuyển Nghiên cứu sinh trường Học viện hành chính quốc gia Việt Nam vào ngày 27/5/2006.

Sau đó, ông Dung bị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa X kỷ luật bằng hình thức khiển trách và phân công công tác khác. Dù vậy, ông Đào Ngọc Dung vẫn được thăng nhiều chức vụ sau đó.

Ngày 9/4/2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội Việt Nam khóa XIII, ông Đào Ngọc Dung được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam.

Vào tháng 5/2020, nhiều người dân đã gửi thư đến báo nhà nước trình bày chuyện nhiều cán bộ huyện, tỉnh Bắc Giang có sai phạm liên quan đến Dự án Di dân tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực 1 vào năm 2011 nhưng vẫn được thăng chức.

Dù đã có kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ đối với các cán bộ thực hiện dự án từ năm 2012, nhưng ông Bùi Văn Hạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dự án của tỉnh lúc bấy giờ lại được thăng chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang; còn ông La Văn Nam vào năm 2011 giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban Bồi thường hỗ trợ huyện Lục Ngạn hiện làm Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.


Bí thư Đăk Lăk Bùi Văn Cường. Nguồn: thanhtra.com.vn

Trong khi đó, những người dân do không được bồi thường thỏa đáng nên đã trở về đất cũ trồng cây, canh tác do có xô xát với người đến đào vàng và lực lượng chức năng nên đã bị bắt giữ, xử lý hình sự và kết án tù về tội "Gây rối trật tự công cộng".

Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định về thực trạng lãnh đạo sai phạm vẫn được thăng chức như sau:

“Ở Việt Nam vấn đề không phải pháp lý mà vấn đề nằm ở người cầm cân nảy mực thực hiện pháp lý đó vì người ta sẵn lòng đạp qua pháp lý dù pháp lý do chính người ta soạn thảo ra.

Pháp luật chẳng qua nói chơi cho vui, cái chính phụ thuộc người nào cầm quyền. Người cầm quyền tử tế theo pháp luật, người nào không tử tế chà đạp pháp luật người dân không cách nào giải quyết.”

Tiến sĩ Hoàng Dũng đưa ra ví dụ cho lập luận vừa nêu:

“Điều lệ Đảng ghi rõ không được làm quá hai nhiệm kỳ nhưng người ta vẫn cứ làm. Trong Hiến pháp ghi rõ Quốc hội sẽ họp và bầu ra ông Thủ tướng mới dưới sự điều khiển của ông Thủ tướng cũ, bây giờ Quốc hội chưa có người ta đã bầu ra ông Thủ tướng mới.

Cái đó người ta ngang nhiên chà đạp luật pháp thì lớn hơn rất nhiều so với việc đưa một ông có khuyết điểm lên làm Bộ trưởng.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc bầu cử, thăng chức những quan chức sai phạm chỉ đem lại lợi ích cho một phe nhóm nào đấy nhưng nhất định không có lợi cho đất nước Việt, dân tộc Việt.

Bên cạnh đó, ông Mai cũng cho rằng việc lãnh đạo không tôn trọng luật pháp sẽ gây ra nhiều hệ lụy lớn:

“Cứ như thế thì làm sao người ta tin cậy những chính sách, đường lối, quyết định minh bạch và đúng đắn. Đây là trường hợp tạo ra sự phân tâm trong xã hội, không hay ho gì cho sự lãnh đạo của đất nước. Tín nhiệm của ban lãnh đạo sẽ thấp trong mắt người dân.”

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Khắc Mai đưa ra đề xuất:

“Phải minh bạch và tôn trọng dư luận xã hội để những con người ấy được phán xét bởi xã hội. Như vậy phải mở rộng dân chủ để sự lựa chọn người cầm cân nảy mực làm ở những ngôi thứ cấp cao, tạo ra cho người dân có quyền tham gia, góp ý kiến và nâng trình độ mình lên để có thể lắng nghe.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, tại Đại hội Đảng vừa qua không chỉ có việc ông Bùi Văn Cường được bổ nhiệm gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, mà việc Chánh án Nguyễn Hòa Bình được vào Bộ Chính trị cũng vấp phải nhiều phê phán.

Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi báo cáo trước Quốc hội ngày 25/3 vừa qua đã cho rằng “Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật...”

Tuy nhiên, thực tế từ vụ án tử tù Hồ Duy Hải, phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm, hoặc những phiên xử các nhà hoạt động nhan quyền, môi trường, những nhà báo độc lập… lại được nhận định từ dư luận trong và ngoài nước là Tư pháp không công bằng.

Trong danh sách các bộ trưởng Chính phủ nhiệm kỳ mới (2021-2026) có ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Thanh Nghị từng bị kỷ luật vì sai phạm đất đai tại Kiên Giang khi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, nhưng rồi lại lên làm Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang. Sau đó về làm Thứ trưởng Bộ Xây Dựng và nay là Bộ trưởng Bộ Xây Dựng.

TÂN THỦ TƯỚNG NHẬN LỜI 'CHE CHỞ' NGUYỄN THANH NGHỊ, NGUYỄN TẤN DŨNG 'THỞ PHÀO NHẸ NHÕM'

HƯƠNG NHUNG/ TB / viet-studies 11-4-2021

Có thể nói từ ngày mà Nguyễn Thanh Nghị bị kiểm điểm rồi sau đó bị giáng chức xuống làm thứ trưởng Bộ Xây Dựng thì lúc đó sự nghiệp chính trị của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng đang trong tình thế nguy hiểm. Thế lực ông Dũng cài lại Bộ Chính Trị rơi rụng gần hết, ông Đinh La Thăng thì tả tơi vì bị ông Nguyễn Phú Trọng hành “cho ra bã”, ông Hoàng Trung Hải thì bị cách chức bí thư thành ủy Hà Nội chuyển về làm phó ban văn kiện đại hội XIII thì xem như ông Hải cũng hết cửa. Nguyễn Thiện Nhân một thời được Nguyễn Tấn Dũng nâng đỡ cũng đi hai hàng ngả về ông Trọng để kiếm ghế bí thư thành ủy TP. HCM, hơn nữa Nguyễn Thiện Nhân cũng bị ông Trọng cho thay bằng Nguyễn Văn Nên vì ông Trọng thấy không an tâm với con người đi hai hàng như Nguyễn Thiện Nhân. Chỉ còn lại bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nhưng bà Ngân thì lo thân mình còn không xong nói gì cưu mang ai? Phần vì bà cũng là phận nữ nhi, cùng lắm là ngã về phía Ba Dũng để nương theo sức mạnh ông Dũng mà tiến thân chứ bản thân bà không có khả năng khuynh đảo chính trường.

Nói chung lúc Nguyễn Thanh Nghị bị kiểm điểm vào tháng 8/2020 và sau đó bị địu ra khỏi hang ổ Kiên Giang và giáng chức xuống làm thứ trưởng, lúc đó gia tộc ông Dũng gần như không còn điểm tựa nào để bấu víu. Tất cả những nhân vật mà Nguyễn Tấn Dũng cài vào trước khi về hưu, kẻ thì bị triệt hạ người thì chỉ lo an nguy cho bản thân. Điều đáng nói là khi thuyên chuyển Nguyễn Thanh Nghị, ý của ông Trọng khi đó là muốn đẩy ra ngoài chính phủ, tuy nhiên với quyền hạn của một trưởng ban tổ chức trung ương, Phạm Minh Chính cố hết sức lái Nguyễn Thanh Nghị về chính phủ nơi mà có thể sau này ông Chính sẽ làm chủ. Lúc đó Phạm Minh Chính chỉ giúp Nguyễn Tấn Dũng được như thế không thể giúp nhiều hơn. Bởi khi đó Phạm Minh Chính chưa thể chắc chắn là loại được đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra khỏi chính phủ được. Nói chung lần thuyên chuyển đó, đối với gia tộc Nguyễn Tấn Dũng nói chung và đối với Nguyễn Thanh Nghị nói riêng là lành ít dữ nhiều.

Nguyễn Tấn Dũng “cầu trời” suốt 2 tháng

Nguyễn Thanh Nghị về làm thứ trưởng Bộ Xây Dựng mà không biết người sếp tiếp theo của mình là ai. Vào tháng 10/2020, lúc đó chưa có gì chắc chắn Phạm Minh Chính sẽ ngồi vào ghế thủ tướng vì còn 2 hội nghị trung ương nữa mới ngã giá xong cho cục diện tứ trụ. Ông Phạm Minh Chính rất mạnh, tuy nhiên để một bí thư trung ương đảng bên ban bí thư mà đánh bật được đương kim thủ tướng ra khỏi ghế thì có thể nói là rất khó. Lúc đó ông Phạm Minh Chính không chỉ đá bật ông Phúc mà còn loại 2 người khác trên đường đua tới chiếc ghế thủ tướng, đó là Trương Hòa Bình và Vương Đình Huệ. Nói chung ông Chính phải loại được 3 đối thủ mới làm thủ tướng được. Ắt hẳn ông Dũng đã cảm thấy số phận gia đình ông chưa bao giờ mong manh đến thế. Phạm Minh Chính đấu với 3 người khác thì ông Chính chỉ có 25% chiến thắng thôi, nói chung là quá mong manh.

Thật sự mà nói, người ta đánh bạc bằng cách gieo đồng tiền hai mặt nghĩa là 50% khả năng thắng – 50% khả năng thua người ta còn không an tâm về cửa thắng huống hồ chi ông Nguyễn Tấn Dũng đang đặt cược tương lai của con trai vào Phạm Minh Chính với khả năng chiến thắng chỉ có 25%? Vậy nên có thể nói sau khi đặt cược, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ còn biết cầu trời.

Thực ra Nguyễn Xuân Phúc cũng từng là người thân cận của Nguyễn Tấn Dũng, theo lí mà nói thì nếu ông Phúc ngồi lại ghế thủ tướng một nhiệm kỳ nữa thì ông Phúc cũng có thể tạo điều kiện cho Nguyễn Thanh Nghị. Tuy nhiên không ai hiểu ông Phúc cho bằng ông Dũng. Ông Phúc không có bản lĩnh, là người rất dễ gió chiều nào ngã theo chiều đó nên dù cho có nhờ cậy ông Phúc thì số phận của Nguyễn Thanh Nghị sẽ không được đảm bảo vì ông Phúc không có khả năng ngăn cản ông Nguyễn Phú Trọng thọc tay vào chính phủ xử lý Nguyễn Thanh Nghị.

Bất lực và vỡ òa

Như vậy có thể nói giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10/2020 ông Nguyễn Tấn Dũng đã bất lực. Nguyễn Thanh Nghị về Bộ Xây Dựng ngồi tạm để chờ may mắn. Trong lúc đó ông Phạm Minh Chính bận đấu đá ở cung đình nên không thể can thiệp gì nhiều cho Nghị mặc dù ông Chính là trưởng ban tổ chức trung ương ông đủ quyền lực để định hướng cho Nghị chuyển nến nắm bộ trưởng chứ không phải là thứ trưởng như thế vì Nghị là đương kim ủy viên trung ương đảng cơ mà?

Ông Nguyễn Tấn Dũng vốn là ủy viên Bộ Chính Trị nên ông đã hiểu nguyên tắc đấu đá trong phạm vi tứ trụ. Mâm này chỉ 18 ủy viên Bộ Chính Trị tham gia mà thôi và thông tin bị bịt kín hết đối với mọi người. Việc họ đóng cửa đấu nhau như thế ngay cả ông Dũng cũng bất lực đợi họ đấu xong thì những người thân thuộc mới báo cho biết. Một khi đấu chưa ngã ngũ thì ông Phạm Ninh Chính có báo cho ông Dũng cũng bằng thừa vì báo ông Dũng cũng chẳng biết gì thêm.

Mãi đến kết thúc hội nghị trung ương 15 của trung ương đảng khóa XII thì ông Nguyễn Tấn Dũng mới biết chắc Phạm Minh Chính đánh bại 3 người còn lại, lúc đó là ngày 17/1/2021. Như vậy từ ngày 25/8/2020 ngày mà Nguyễn Thanh Nghị bị kỷ luật cho đến ngày 17/1/2021 là gần 6 tháng chờ đợi trong bất lực và chỉ vỡ òa sau khi ông Phạm Minh Chính chiến thắng.

Trò chơi quyền lực là như vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ lo được như vậy chứ không thể làm gì hơn. Nói gì thì nói, ông Nguyễn Tấn Dũng đã mất quyền lực kể từ năm 2016 nên quyền lực của ông bây giờ không phải là quyền lực nhà nước mà là quyền lực dựa trên mối quan hệ thân hữu. Trong khi đó Đinh La Thăng thì ở tù, Hoàng Trung hải thì mất chức, Nguyễn Thiện Nhân thì vô năng, Nguyễn Thị Kim Ngân thì bất lực. Ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ trông cậy vào một mình Phạm Minh Chính.

Chính trị là con dao hai lưỡi, chuyện quan hệ nay bạn mai thù trong chính trị là bình thường. Tất cả những người làm chính trị đều vì quyền lợi của chính họ chứ không vì quyền lợi của ai cả. Ngay cả Phạm Minh Chính thì rõ ràng Nguyễn Tấn Dũng từng là ân nhân của ông Chính, nhưng trên bàn cờ chính trị không ai có thể chắc chắn ông Phạm Minh Chính sẽ không thỏa hiệp với đối thủ của ông Dũng. Vấn đề là ông Chính có đủ tiềm lực để đứng một mình một tụ hay không, chứ tiềm lực yếu thì thỏa hiệp là chuyện bình thường. Nói cho đâu xa, ngay cả Nguyễn Thiện Nhân cho thấy kết quả nhãn tiền. Khi còn ở chính phủ Nguyễn Thiện Nhân mang ơn Nguyễn Tấn Dũng và được ông Dũng nâng đỡ nhiều. Tuy nhiên khi làm chủ tịch mặt trận tổ quốc thì ông Nhân lại ngã về Nguyễn Phú Trọng để kiếm chác chiếc ghế bí thư thành ủy TP. HCM. Và khi làm người đứng đầu thành phố ông ta thỏa hiệp với Lê Thanh Hải và né tránh nhiệm vụ nặng nề ông Trọng giao cho. Vậy nên, ông Nguyễn Tấn Dũng hiểu hơn ai hết, bản chất của con người làm chính trị. Sẽ không có gì là đảm bảo.

Vẫn còn nghi ngờ và đến sự an tâm

Khi Phạm Minh Chính Chiến thắng thì ông Dũng mừng thật nhưng vẫn còn lo. Bởi ông Dũng không biết thực sự chiến thắng của Phạm Minh Chính là do ông Chính tự đánh bại 3 đối thủ kia hay có sự thỏa hiệp nào hay không? Mà đặc biệt trong sự thỏa hiệp đó có liên quan đến số phận của Nguyễn Thanh Nghị? Như vậy có thể nói việc chiến thắng của ông Phạm Minh Chính sau hội nghị trung ương 15 chỉ cho ông Dũng 80% sự an tâm thôi chứ chưa thể là 100%, vì biết đâu khi đặt điều kiện với ông Chính là ông Trọng phải nhả ghế chủ tịch nước cho ông Phúc nhằm tạo ghế trông cho Chính thì ông Trọng yêu cầu ông Chính phải loại Nguyễn Thanh Nghị thì sao? Đã là thỏa hiệp thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đấy mới là vấn đề làm nên 20% mối lo lắng còn lại của ông Nguyễn Tấn Dũng. Vì vậy ông Nguyễn Tấn Dũng phải chờ đến đại hội 13 với một chút lo âu. Nêu Nghị loại khỏi ủy viên trung ương đảng thì trong thỏa hiệp của ông Trọng với ông Chính không có vấn đề của Nguyễn Thanh Nghị. Còn nếu Nguyễn Thanh Nghị vẫn trúng cử ủy viên trung ương khóa mới thì xem như ông Chính đã không đem số phận của Nghị ra ngã giá cho chiếc ghế của mình. Và kết quả ngày 1/2/2021 Nghị có tên trong danh sách 200 ủy viên trung ương đảng, và đến đây ông Dũng trút đi 20% còn lại. Bây giờ Nguyễn Thanh Nghị sẽ nắm bộ xây dựng dưới sự bao bọc của Phạm Minh Chính.

Đến hôm nay, theo nguồn tin khả tín cho biết, Nghị có trong danh sách nội các của Phạm Minh Chính sẽ trình Quốc hội phê duyệt vào ngày 8/4 tới đây. Và đến đây ông Nguyễn Tấn Dũng đã thở phào nhẹ nhõm.

Hương Nhung – Thoibao.de (Tổng hợp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét