Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

20210404. QUANH VỤ CÔ GIÁO TUẤT TẠI TRƯỜNG SÀI SƠN B, HÀ NỘI.

 ĐIỂM BÁO MẠNG

MẤY SUY NGHĨ  VỀ VỤ VIỆC XẢY RA Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC SÀI SƠN B, HÀ NỘI

MẠC VĂN TRANG/ BVN 3-4-2021


Có mấy người nhắn cho tôi, bảo sao không lên tiếng về vụ cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở trường Tiểu học Sài Sơn B huyện Quốc Oai, Hà Nội. Xem qua báo chí, lướt mạng xã hội thấy tràn ngập thông tin, bài viết bàn nát ra rồi, nhưng vẫn rối bời!

Theo cách nhìn quản lý giáo dục, tôi nghĩ vụ này thực ra rất đơn giản, nhưng các cấp lãnh đạo đã nhảy vào làm ra to chuyện, rối bời, làm tốn thì giờ công sức, gây thêm hoang mang cho xã hội… Sự việc thì đơn giản, nhưng diễn biến của nó, chứa đựng đầy những điều mờ ám. Tôi nghĩ:

1. Nếu chuyện cô Tuất tố cáo trường lạm thu, chi tiêu bất minh, Phòng giáo dục kiểm tra làm rõ SỰ THẬT, giải quyết rốt ráo, đúng - sai, phải trái, xử lý nghiêm minh cho dứt điểm thì xong việc. Nhưng có lẽ xử lý vụ việc này chẳng công minh, nên hiệu trưởng (HT) Nguyễn Thị Quyên mới dùng quyền lực của mình triệt hạ đối thủ? (Chuyện này xảy ra như “cơm bữa" trong xã hội ta, ở mọi cấp, mọi ngành ai cũng thấy).

2. Chuyện “Cô Tuất cho hay, mình từng có 6 năm liền là chiến sĩ thi đua từ năm học 2012 đến năm 2018 [2]”; “Hiệu trưởng trường Tiểu học Sài Sơn B được Báo Kinh tế & Đô thị dẫn lời, khẳng định bản thân cô Tuất đã từng có 6 năm (không phải liên tục) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện” [3]...

(https://giaoduc.net.vn/.../vi-sao-co-tuat-6-nam-chien-si...). Thế mà HT sau đó không cho cô Tuất dạy và làm chủ nhiệm lớp cô ấy vẫn dạy, lại bố trí cô Tuất làm các việc lao công, sau đó cho dạy Sử - Địa lớp 4 - 5 rồi bảo dạy kém, khiến học sinh (HS) chống đối, phụ huynh HS kiến nghị tum lum, làm rối loạn cả trường…

Rất đơn giản, hồi 1962, khi tôi làm HT trường cấp 2, một trường trong huyện cũng xảy ra chuyện, GV, HT kiện nhau rồi lôi kéo GV làm 2 phe, cả HS, phụ huynh HS vào cuộc rối bời; Phòng giáo dục điều HT trường này lên Phòng và cử ngay một cán bộ Phòng GD vốn là một HT giỏi về trường đó, sau một tháng mọi chuyện đâu vào đấy.



Tất cả mọi chuyện xảy ra ở trường Tiểu học Sài Sơn B đều thuộc về trách nhiệm, quyền hạn của HT phải giải quyết cho ổn, HT không làm nổi điều đó tức là không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín làm HT, phải thay luôn bằng một người xứng đáng. Đơn giản vậy thôi.

3. Tôi thực sự không hiểu nổi đầu óc của các nhà quản lý, cơ quan quản lý hiện nay ra sao nữa! Có việc như vậy mà Phòng GD về “điều nghiên", thống kê so sánh điểm kiểm tra môn Sử - Địa cô Tuất dạy ở lớp 4-5 so sánh với điểm số các trường trong huyện và chứng minh cô Tuất đúng là dạy kém (?). Thế rồi Ban Kiểm tra liên ngành: Công an, UB, Phòng, Sở GD, Thanh tra… kéo một đoàn về trường đọc lệnh, ngồi họp, hàng đàn PV báo chí quay phim chụp hình, cứ như đang xử lý một vụ trọng án kinh khủng! Rồi “Bộ giáo dục vào cuộc"! Cả một bộ máy từ Bộ đến Sở, phòng, các ban ngành nhặng cả lên để đi đến cái gì? Đấy là Thủ tướng Phúc, Phó Thủ tướng Đam đang bận họp Quốc hội, chứ không, có khi cũng chỉ đạo phải giải quyết gấp và báo cáo ngay! Hình như các cơ quan quản lý của nhà nước này, chuyện gì thuộc dân sự cũng thích “chuyện bé xé ra to", làm phức tạp, nâng lên tầm quan trọng để chứng tỏ uy quyền của mình với cấp dưới, với xã hội? Nó giống như cách viết truyện hài “Trái núi đẻ chuột" của Nguyễn Công Hoan.

4. Nếu HT và cô Tuất mâu thuẫn nhau hay có vấn đề gì đó, thì Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội đồng GD, Hội Cha mẹ HS … của nhà trường đâu? Tại sao cứ để cô Tuất đơn độc đối đầu với HT với HS, cha mẹ HS và làm loạn cả nhà trường lên mà tập thể sư phạm, các đoàn thể như vô hình? Thế mới biết bây giờ HT toàn quyền như vua con, mọi cái gọi là chi bộ, hội, đoàn, tập thể… đều vô nghĩa!

5. Thương cho các cháu HS, buồn cho cha mẹ HS. Rất nhiều người đã lên tiếng, trẻ em bị lôi kéo, xúi giục nhục mạ người lớn, nhất là cô giáo của mình là điều đau lòng lắm. Chuyện kinh hoàng và khốn nạn, đốn mạt đó đã xảy ra ở thời cải cách ruộng đất, ở cách mạng văn hoá Trung quốc cách đây 70 năm rồi, nay vẫn tái diễn sao? Các cháu bé nhúng tay vào những chuyện ngu muội, nhơ bẩn đó sẽ hoặc là thành kẻ tàn ác, nhẫn tâm, hoặc sẽ mang mặc cảm tội lỗi suốt đời.


Còn cha mẹ HS và nói chung, dân ta vẫn dễ bị quyền lực sai khiến ghê lắm. Không nói thời cải cách ruộng đất hay Nhân văn Giai phẩm làm gì; nói ngay năm 2003 - 2004, chuyện 200 người dân ký tên sẵn sàng đi tù thay cho bà Ba Sương Giám đốc nông trường Sông Hậu, mà sau đó xin rút lui, thậm chí một số người còn quay lại tố cáo bà Ba Sương! Ôi dân tôi còn nhiều người như thế đó! Nhưng “giận thì giận mà thương càng thương"...!

Tóm lại, nhiều chuyện rất đơn giản, nếu ngay từ đầu những người liên đới, có trách nhiệm dám làm rõ SỰ THẬT, xử lý vấn đề theo CÔNG LÝ thì mọi chuyện sẽ êm xuôi. Nhưng chuyện đơn giản mà những người có quyền lại cố tình che giấu sự thật, dùng mưu hèn kế bẩn để đổi trắng thay đen, bảo vệ nhau thì sẽ làm sự việc rối bời, rồi từ SAI LẦM sẽ dẫn đến TỘI LỖI… Nhiều chuyện trong xã hội ta đã diễn ra theo một “quy trình" như vậy đó.

2/4/2021

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

VỤ VIỆC TRƯỜNG TIỂU HỌC SÀI SƠN B, AI VI PHẠM LUẬT BẢO VỆ TRẺ EM  ? 

TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 3-4-2021 

GDVN- Theo ông Nguyễn Trọng An, các cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý nghiêm nếu có hành vi lạm dụng trẻ em.

Sự việc xảy ra tại trường Tiểu học Sài Sơn B (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) đã thu hút sự chú ý của dư luận nhiều ngày qua.

Ngày 31/3, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có công văn số 282/NGCBQLGD-HCTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị phối hợp với Ủy ban nhân huyện Quốc Oai chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin và có biện pháp giải quyết.

Trước đó, ngày 29/3, Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã tổ chức buổi công bố quyết định thanh tra liên ngành liên quan đến các nội dung trong đơn thư phản ánh của cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B.

Như vậy, cơ quan chức năng đã có những động thái vào cuộc quyết liệt để làm sáng tỏ sự việc.

Tuy nhiên, trong sự việc xảy ra tại trường Tiểu học Sài Sơn B, dư luận bức xúc về việc có dấu hiệu lợi dụng trẻ em để thực hiện các mục đích khác nhau của người lớn, trong đó có những việc bị pháp luật ngăn cấm.

Cơ quan chức năng cần làm rõ, trẻ em có bị lợi dụng trong sự việc này hay không. Ảnh tư liệu từ Tạp chí điện tử Người Đưa Tin.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) khẳng định, nếu có động cơ, hành vi lôi kéo trẻ em vào sự việc này là việc vi phạm luật Bảo vệ và chăm sóc Trẻ em năm 2016.

Đồng thời vị chuyên gia này cũng đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ xem có sự xúi giục, lợi dụng trẻ em ở sự việc này hay không?

“Trước hết đây là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể ở đây là Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em. Mức độ đến đâu cần các cơ quan chức năng vào cuộc và xem xét đánh giá.

Việc tố cáo của cô giáo Nguyễn Thị Tuất đúng hay sai thế nào do cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ. Ở góc độ chuyên gia về bảo vệ trẻ em, tôi thấy trẻ em đã bị lôi vào việc của người lớn. Đây là việc rất khó chấp nhận!

Cơ quan chức năng cần xác định rõ người nhồi thông tin xấu cho trẻ em ấy là ai? Mục đích, động cơ là gì?

Trước hết phải xác định luôn từ các bậc cha mẹ, xem họ có động cơ gì không hay là họ cũng không hề hay biết con mình trở thành công cụ cho người lớn”, ông An phân tích.

Theo ông Nguyễn Trọng An, trong vụ việc này những đứa trẻ bị lợi dụng rất có thể sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, gây ảnh hưởng tới học tập và phát triển sau này.

“Tôi chưa lên trực tiếp nhưng đã xem một số clip đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng về việc các em học sinh nói về cô giáo Tuất.

Tôi có thể khẳng định không một học sinh nào ở độ tuổi đó lại đi chửi bới, nói xấu, tố cáo cô giáo đã dạy chính mình.

Mặc dù có thể thầy cô giáo đó có những điểm chưa hoàn thiện đi chăng nữa thì các em bé có thể nói về một ý nào đó các em nhìn thấy.

Tôi cho rằng không thể có chuyện em bé chỉ mới độ tuổi lên 10 lại có thể phát biểu như một người lớn rằng em rất là bức xúc; em đã gửi thư lên bộ trưởng… là rất có thể bị lôi kéo.

Như vậy có thể các em sẽ bị sang chấn tâm lý, bị ảnh hưởng, bị ám ảnh vì nếu không làm sẽ bị người lớn mắng, dọa… Điều này rất nguy hiểm cho xã hội và gia đình sau này”, ông An cho biết.

Cần làm rõ việc có sự lợi dụng trẻ em để nghịch phá cô giáo. Ảnh chụp màn hình (nguồn: nguoiduatin)

Về đề xuất xử lý vụ việc, vị chuyên gia bảo vệ Trẻ em cho rằng: “Tôi được biết là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Quốc Oai cũng đã vào cuộc.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta đang thiếu một cơ chế giám sát độc lập để bảo vệ trẻ em.

Chính vì vậy mới có ý kiến đặt ra là việc thanh tra này có thật sự khách quan?

Để đảm bảo tính khách quan thì cần một cơ quan độc lập của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thanh tra sự việc.

Vấn đề mà tôi quan tâm nhất là ai lôi kéo, tác động làm hủy hoại sự trong sáng của các em học sinh? Ai vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh.

Cũng cần phải nhớ rằng chúng ta có đến 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, không thể để trẻ em bị lôi kéo vào sự việc của người lớn như vậy được.

Bảo vệ trẻ em phải được thực hiện ngay cả trong trường hợp này chứ không phải chỉ đến lúc các em bị xâm hại, hành hạ mới vào cuộc…”.

Trần Phương
CÔ TUẤT KHÓ MÀ ĐẢO NGƯỢC TÌNH THẾ, CÁC THẦY CÔ NÊN RÚT KINH NGHIỆM
LÊ VĂN MINH/ GDVN 2-4-2021
GDVN- Vì sao một giáo viên có 6 lần đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, đã từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện như cô Nguyễn Thị Tuất lại có một kết cục bi đát như hiện nay?

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đề cập khá nhiều về sự việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) tố bị trù dập, không được đứng lớp và phải làm nhiều việc ngoài chuyên môn...

Những câu chuyện na ná như thế này thì chúng ta đã thấy rất nhiều trong thời gian qua ở nhiều địa phương, nhiều trường học. Và, thông thường những người đứng ra tố cáo hiệu trưởng, tố cáo nhà trường thường thua thiệt mọi bề. Thậm chí có người mất việc.

Vì sao có hiện tượng này và phía sau những lá đơn tố cáo ấy là gì? Muốn xử lý một giáo viên bây giờ có khó khăn lắm không? Khi sự việc xảy ra thì ai là người dám đứng ra bảo vệ giáo viên trong tình huống gian khó ấy?

Ngôi trường nơi cô Nguyễn Thị Tuất công tác đang được đề cập khá nhiều

trong những ngày gần đây (Ảnh minh họa từ website của nhà trường)

Người tố cáo tiêu cực thường rất gian nan

Thông thường, những đơn thư vượt cấp luôn hướng vào hiệu trưởng nhà trường và phần lớn các đơn tố cáo tập trung vào mảng quản lý tài chính của đơn vị- đây là mảng mà giáo viên thường thấy rõ nhất nhưng nói thật đây cũng là mảng mà giáo viên…yếu nhất.

Giáo viên được đào tạo chuyên ngành về chuyên môn dạy học, về phương pháp dạy học nên nhiều khi nhìn thấy việc thu- chi trong nhà trường có những bất cập thì họ lên tiếng, viết đơn tố cáo lên cấp trên. Nhưng, phần lớn người tố cáo chỉ thấy được mảng bề ngoài của con số thu chi.

Trong khi, lãnh đạo nhà trường thì họ có chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã được học tập về quản lý tài chính trước khi được bổ nhiệm. Nhất là bên cạnh họ luôn có một kế toán, thủ quỹ nhà trường tham mưu và những người này họ am hiểu về việc thu chi của nhà trường.

Thu như thế nào, chi ra sao thì họ đã căn cứ vào những văn bản pháp luật cụ thể, hóa đơn thu- chi cũng rất rõ ràng. Thu bao nhiêu, chi bao nhiêu thì những con số ấy đã gần như khớp hết, cụ thể hết, rất khó để tìm ra sai sót trên sổ sách, giấy tờ.

Vì thế, cho dù nhà trường có chi sai đi chăng nữa thì những chứng từ, hóa đơn cũng được kế toán nhà trường họ hợp thức hóa toàn bộ.

Đó là chưa kể khi có đơn thư tố cáo, thông thường các cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch về thanh, kiểm tra nhà trường. Và, tất nhiên những chuyện này cấp trên sẽ thông báo công khai nên nhà trường sẽ có thời gian để chuẩn bị hồ sơ sổ sách của mình một cách đầy đủ nhất.

Khi thanh tra cấp trên về, người ta sẽ căn cứ vào số liệu trên sổ sách, trên những con số cụ thể chứ không ai căn cứ vào những lời nói, câu chữ của người tố cáo mà nó không được minh chứng bằng những con số.

Trong khi đó, giáo viên tố cáo thì gần như không có nghiệp vụ kế toán, không nắm được cụ thể của việc thu chi, chỉ nhìn vào những ước lượng, tiên đoán thì làm sao có thể giúp các cơ quan chức năng khẳng định được những lời lẽ tố cáo là sự thật.

Vì vậy, nhiều đơn thư tố cáo của giáo viên luôn bị kết luận là “thiếu cơ sở” để giải quyết.

Nếu cần lấy ý kiến của các đoàn thể, giáo viên trong nhà trường, đại diện ban đại diện phụ huynh thì cũng rất khó có ai đứng về phía giáo viên – đó là một sự thật. Vì vậy, người tố cáo thường đơn độc và sau mỗi lần tố cáo như vậy thì có những giáo viên còn bị Ban giám hiệu nhà trường gây khó dễ trong quá trình công tác.

Hạ uy tín một nhà giáo bây giờ không khó

Trở lại với trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B thì chúng ta dễ dàng hiểu vì sao một giáo viên có 6 lần đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, đã từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện mà lại có một kết cục bi đát như hiện nay.

Lãnh đạo trực tiếp, gián tiếp đều không đồng tình với những gì cô Tuất đã làm. Một số phụ huynh lên tiếng bênh vực nhà trường, công khai phủ nhận đơn tố cáo của cô Tuất. Thậm chí có cả học sinh lớp 5 phát biểu trên báo giới, nói không muốn học với cô Tuất, đã viết thư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Thực tế, môn Lịch sử và Địa lý ở lớp 4 và lớp 5 hiện nay ở các trường tiểu học thường là giáo viên chủ nhiệm lớp đảm nhận và môn học này thường được dạy qua loa, chiếu lệ để tập trung cho môn Toán và môn Tiếng Việt (cũng giáo viên chủ nhiệm dạy).

Khi phân công cho một giáo viên như cô Tuất đảm nhận riêng thì đương nhiên những hạn chế trong việc dạy và học môn này sẽ rõ nét hơn. Việc cô Tuất có nhiều học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ môn học và tỉ lệ này cao hơn tỉ lệ chung của trường, của huyện cũng là một điều dễ hiểu.

Nhưng theo suy nghĩ của cá nhân người viết, cô Tuất sẽ khó mà đảo ngược tình thế trong sự việc này- cho dù Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lên tiếng sẽ vào cuộc trong những ngày tới đây.

Bởi theo điều lệ trường học thì giáo viên phải thực hiện công việc theo sự phân công của thủ trưởng đơn vị. Việc cô Tuất đang chủ nhiệm và dạy lớp 2 bị phân công dạy môn Lịch sử và Địa lý ở lớp 4 và 5 sẽ không sai vì Ban giám hiệu được quyền phân công nhiệm vụ này.

Điều đau đớn nhất là đã có học sinh không đồng tình với cách dạy, cách ghi, quay phim và nhận xét của giáo viên vào kết quả học tập của học trò, thậm chí viết thư cho Bộ trưởng.

Dù sự việc này có “dàn dựng” như cô Tuất nói đi chăng nữa thì việc giáo viên vào lớp không dạy, không quản được lớp học do mình đứng lớp cũng sẽ là lý do đánh giá về nghiệp vụ sư phạm của người giáo viên.

Lời kết

Việc tố cáo, khiếu nại về cách quản lý, thu chi của nhà trường có sai phạm rất cần những người dũng cảm như cô Tuất và hàng chục, hàng trăm thầy cô đã lên tiếng trong thời gian qua.

Song, có lẽ sẽ tốt hơn khi làm đơn tố cáo thì giáo viên phải đọc, phải tìm hiểu kỹ về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và xem chừng mình chắc chắn thì hãy lên tiếng. Nếu chỉ “ném đá ao bèo” thì cũng cần đắn đo cân nhắc có nên làm đơn tố cáo lãnh đạo mình hay không.

Một khi không có chứng cứ rõ ràng thì chỉ nên góp ý trong các cuộc họp của nhà trường bởi nếu tố cáo mà không đi đến đâu thì tự rước họa vào thân mà thôi.

Với quy định hiện nay, Ban giám hiệu nhà trường được quyền dự giờ đột xuất giáo viên mà không cần báo trước, kiểm tra chuyên đề đột xuất- những điều này Ban giám hiệu được phép làm.

Muốn hạ uy tín một giáo viên thì chỉ cần tập trung vào chuyên môn của người thầy bởi không phải ngày nào, giờ nào giáo viên cũng chuẩn bị tốt khi lên lớp và chỉ chỉ vài lần như vậy cũng đủ điều kiện để xếp giáo viên “không hoàn thành nhiệm vụ” ở cuối năm học.

Trong khi, chỉ 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ là đủ điều kiện để tinh giản biên chế một người lao động!

Thiết nghĩ, môi trường giáo dục cần lành mạnh, nêu gương và đoàn kết. Ban giám hiệu nhà trường và ngay cả giáo viên hãy xem ngôi trường là nơi mình gắn bó, yêu thương, lấy việc đào tạo học sinh làm trọng sẽ bớt đi những ganh đua, hằn học, đấu đá với nhau.

Lãnh đạo gương mẫu, vị tha, giáo viên hết lòng vì học trò mới là điều mà xã hội mong muốn. Chỉ tiếc, một số hiệu trưởng nhà trường trong thời gian qua chưa thực sự là tấm gương, là đầu tàu để xây dựng đoàn kết nội bộ dẫn đến kiện cáo kéo dài. Một số giáo viên thì cái tôi quá lớn, luôn tìm những sai trái của lãnh đạo nhà trường để tố cáo…

Môi trường giáo dục mà như vậy thì rõ ràng chưa đẹp một chút nào! Bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tố cáo, người bị tố cáo mà uy tín của nhà trường, đồng nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH
GIỮA THỦ ĐÔ ĐỂ HỌC SINH LẤY THƯỚC GÍ VÀO MẶT CÔ GIÁO, KHÔNG THỂ TƯỞNG TƯỢNG NỔI
THÙY LINH/ GDVN 2-4-2021
GDVN- Chưa biết cô Tuất sai – đúng đến đâu nhưng việc không ngăn chặn kịp thời hành vi hỗn láo của học sinh lớp 5 thì Hiệu trưởng đã sai.

Ngày 29/3, Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã tổ chức buổi công bố quyết định thanh tra liên ngành liên quan đến các nội dung trong đơn thư phản ánh của cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B.

Câu chuyện này đúng sai thế nào xin để cơ quan chức năng vào cuộc và có kết luận. Tuy nhiên, khi xem clip trên Tạp chí điện tử Đời sống và pháp luật, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng:

“Chưa biết cô Tuất sai – đúng đến đâu nhưng việc không ngăn chặn kịp thời hành vi hỗn láo của học sinh lớp 5 thì Hiệu trưởng đã sai”.

Học sinh cầm thanh gỗ lên bàn đánh cô giáo (Ảnh chụp clip Tạp chí Người đưa tin)

Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội không thể nghĩ rằng một nhà trường giữa Thủ đô, một hiệu trưởng trình độ ra sao mà để học sinh cư xử hỗn láo với giáo viên không chỉ một lần, không phải chỉ một học sinh.

Do đó, thầy Tùng Lâm cho rằng, vụ việc này xảy ra tại trường Tiểu học Sài Sơn B thì người chịu trách nhiệm của trường là hiệu trưởng phải tìm ra được bản chất rằng vì sao lại để sự việc tưởng chừng không thể có lần thứ 2, ngày thứ 2 trong một nhà trường mà kéo dài bao lâu như vậy? Liệu có ai xúi giục học sinh hay không?

“Hiện tượng vi phạm nhiều thứ đạo đức trong nhà trường nhưng lại kéo dài trong mấy năm trời là điều không thể tưởng tượng nổi. Nếu Hiệu trưởng biết mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì năng lực quá kém, nhưng nếu biết có thầy cô/ lãnh đạo xúi giục mà không xử lý thì chưa cần biết xét về mặt nào cũng kỷ luật ngay Hiệu trưởng”, thầy Lâm nêu quan điểm.

Về phía Công đoàn Giáo dục Việt Nam đến nay đã giao ban chuyên môn phối hợp với Công đoàn Giáo dục Hà Nội nắm thông tin từ cả nhà trường và cô Tuất.

“Trên cơ sở đầy đủ thông tin, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ có ý kiến”, đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo thông tin đăng ngày 29/3 trên Báo Hà Nội Mới, liên quan tới việc giải quyết đơn thư và nội dung dư luận, báo chí phản ánh sự việc tại Trường Tiểu học Sài Sơn B (huyện Quốc Oai), Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai đã có báo cáo bằng văn bản về sự việc.

Theo báo cáo, năm 2019, bà Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B phản ánh đến báo chí và có đơn tố cáo đến cơ quan chức năng một số vấn đề về công tác tài chính của Trường Tiểu học Sài Sơn B.

Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai đã thành lập tổ công tác xác minh, ngày 1/11/2019, đã ban hành kết luận, nêu rõ: Nội dung công dân tố cáo Ban Giám hiệu là không có cơ sở; nội dung tố cáo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn B là không đúng. Ngày 21/4/2020, Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản số 356/TB-UBND về việc không giải quyết lại tố cáo của bà Nguyễn Thị Tuất đối với Trường Tiểu học Sài Sơn B, do Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai đã giải quyết đúng pháp luật.

Ngày 7/9/2020, Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai nhận được văn bản của thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuyển đơn kiến nghị, phản ánh của bà Nguyễn Thị Tuất.

Sau khi xác minh, làm việc với các bên liên quan, ngày 9/10/2020, Ủy ban nhân dân huyện đã có văn bản trả lời đơn kiến nghị này, nêu:

“Các nội dung phản ánh, kiến nghị của bà Tuất đối với lãnh đạo Trường Tiểu học Sài Sơn B về sai phạm trong phân công chuyên môn, đánh giá giáo viên, thu chi tài chính là không có cơ sở, lãnh đạo nhà trường không có biểu hiện trù dập giáo viên”.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuất không đồng ý với văn bản này. Ngày 26/10/2020, bà Tuất gửi đơn kêu cứu đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Nội chính Thành ủy.

Sau đó, Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai tiếp tục nhận được văn bản đề nghị xem xét, giải quyết đơn của bà Nguyễn Thị Tuất. Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục ban hành văn bản về việc giải quyết đơn, thành lập tổ xác minh theo quy định. Trong quá trình xác minh và sau khi có kết luận giải quyết đơn, lãnh đạo, tập thể Hội đồng sư phạm Trường Tiểu học Sài Sơn B, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể xã Sài Sơn luôn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công dân Nguyễn Thị Tuất.

Ngày 25/1/2021, Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai nhận được đơn có chữ ký của 126 phụ huynh học sinh khối 4, 5 Trường Tiểu học Sài Sơn B phản ánh cô giáo Nguyễn Thị Tuất dạy môn lịch sử - địa lý chất lượng học tập thấp, không làm tốt vai trò quản lý học sinh trong giờ học; đề nghị không để cô Tuất tiếp tục giảng dạy tại trường.

Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức xác minh và có thông báo trả lời, nêu rõ nội dung đơn phản ánh là đúng; giao Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn B kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với cô Nguyễn Thị Tuất; có kế hoạch phân công giáo viên phù hợp, không để tình trạng phụ huynh học sinh bức xúc, đơn thư vượt cấp...

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã hoàn thành việc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn B trong công tác quản lý. Trường Tiểu học Sài Sơn B cũng đã hoàn thành việc kiểm điểm cán bộ quản lý, giáo viên; phân công giáo viên khác dạy môn lịch sử - địa lý, phân công cô Nguyễn Thị Tuất là giáo viên dự trữ, làm công tác phổ cập giáo dục, đồng thời tuyên truyền tới phụ huynh học sinh, bảo đảm ổn định việc dạy và học.

Thùy Linh
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét