Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

20210427. CỰU BỘ TRƯỞNG VŨ HUY HOÀNG HẦU TÒA LẦN 3

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

CỰU BỘ TRƯỞNG VŨ HUY HOÀNG BỊ ĐỀ NGHỊ PHẠT 10-11 NĂM TÙ

T. NHUNG / VNN 24-4-2021

Sáng nay (24/4), tại phiên tòa xét xử vụ Sabeco, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương) 10-11 năm tù vì tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị truy tố về cùng tội danh với cựu Bộ trưởng, bị cáo Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị đề nghị mức án: 7-8 năm tù.

Đối với các bị cáo bị truy tố tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án như sau:

Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM): 5-6 năm tù;

Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM): 4-5 năm tù;

Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM): 4-5 năm tù;

Lê Văn Thanh (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM): 3-4 năm tù;

Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở KH&ĐT TP.HCM): 3-4 năm tù;

Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM): 3-4 năm tù;

Trương Văn Út (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM): 3-4 năm tù;

Nguyễn Lan Châu (cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM): 2-3 năm tù.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị đề nghị phạt 10-11 năm tù
Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX yêu cầu UBND TP HCM hủy bỏ các quyết định liên quan đến khu đất 2-4-6, giao UBND TP HCM thực hiện đúng quy định của pháp luật, giải quyết quyền lợi cho bên thứ ba ngay tình.

Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, việc truy tố đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đều giữ vị trí chủ chốt, vì động cơ khác nhau đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, gây nên dư luận xấu trong xã hội.

Xét vai trò, vị trí của từng bị cáo, VKS nhận định, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là người có trình độ, chuyên môn, lãnh đạo toàn diện những công việc của Bộ Công Thương.

Bị cáo là người phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương nhưng đã thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Trong vụ án này, bị cáo Hoàng có vai trò trực tiếp; bị cáo Phan Chí  Dũng thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, đại diện VKS cho rằng, các bị cáo này đã thực hiện các hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai khi đã dự thảo, tham mưu, đề xuất để bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký các văn bản cho Sabeco Pearl thuê đất trái pháp luật, không đúng đối tượng.

Theo quan điểm của đại diện VKS, các bị cáo đều có nhân thân tốt, thành tích xuất sắc trong công tác, một số bị cáo gia đình có công cách mạng.

Trong vụ án này, bị cáo Vũ Huy Hoàng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng bị cáo phạm tội với vai trò chính, có tính quyết định đến các khâu tiếp theo nên bị cáo chỉ có thể được hưởng một phần tình tiết giảm nhẹ.

Đối với các bị cáo còn lại, đại diện VKS cho rằng có đủ điều kiện được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

ÔNG VŨ HUY HOÀNG: KHUYẾT ĐIỂM CỦA TÔI LÀ DO QUÁ NHIỆT TÌNH

PHẠM DỰ/ VnEx  24-4-2021

HÀ NỘICựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng mức án VKS đề nghị 10-11 năm tù là "quá nặng"

Sáng 24/4, ông Hoàng tự bào chữa tại TAND Hà Nội để tranh luận với cáo buộc của VKS về những sai phạm liên quan chuyển nhượng lô "đất vàng" hơn 6.000 m2 ở TP HCM cho tư nhân.

Trong hơn 30 phút trình bày, ông Hoàng chậm rãi nói "nếu có mắc khuyết điểm thì chỉ do quá nhiệt tình" và lo lắng Sabeco không có trụ sở làm việc. Thời đó, với vị thế và đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, Sabeco cần có trụ sở làm việc tương xứng. "Vậy tôi có phải là người cố ý làm sai nghị quyết hay không, đề nghị HĐXX xem xét trong bối cảnh thời bấy giờ", ông Hoàng giải thích.

Cựu bộ trưởng cho rằng VKS cáo buộc ông giữ vai trò chính, hành vi có tính quyết định đến sai phạm của các bị cáo khác là không đúng thực tế. "Chỉ đạo là áp đặt ý chí của mình cho cấp dưới thực hiện theo dù phù hợp hay không. Vai trò chính là người chủ trì công việc cụ thể, chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, tôi không làm vậy", ông nói.

Quá trình triển khai dự án xây dựng tòa cao ốc có ba giai đoạn và ông chỉ thực hiện nguyện vọng chính đáng của Sabeco, không có đề xuất gì với dự án này. Nhà đầu tư đầu tiên không đủ năng lực dẫn đến dự án đổ vỡ nên việc Sabeco thay thế bằng nhà đầu tư thứ hai không làm thay đổi bản chất vụ án.

Ông Vũ Huy Hoàng tại toà sáng 24/4. Ảnh: TTXVN.

Ông Vũ Huy Hoàng tại toà sáng 24/4. Ảnh: TTXVN.

Ông Hoàng cho biết thêm, Sabeco do Vụ Công nghiệp nhẹ là đầu mối quản lý và Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (đã bỏ trốn) phụ trách. Năm 2012, Sabeco chủ động báo cáo Bộ Công Thương về những khó khăn trong triển khai dự án xây dựng tòa cao ốc, văn phòng làm việc và cho thuê. Bởi vậy, ông "rất thông cảm" với mong muốn đổi chủ đầu tư của Sabeco.

Sabeco lúc đó đang triển khai khâu chuẩn bị đầu tư chứ không phải dự án mới. Bởi vậy VKS cáo buộc ông chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản khi đây không phải ngành kinh doanh chính là không đúng. "Tôi khẳng định không chỉ đạo gì. Khi Sabeco đề xuất lên Bộ và thứ trưởng phụ trách hỏi ý kiến, tôi đóng góp. Đặc biệt, tôi chỉ thêm một câu là lựa chọn nhà đầu tư thì phải báo cáo Bộ xem xét bởi nhà đầu tư trước đã không thực hiện được", ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng phản bác cáo buộc cho rằng tham gia vào quá trình chuyển nhượng lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng sang cho tư nhân. Việc thoái vốn được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và đề xuất của Sabeco chứ không phải ý kiến của Bộ. Khi Sabeco thoái vốn, ông không còn giữ cương vị bộ trưởng.

Các bị cáo tại toà sáng nay. Ảnh: TTXVN.

Các bị cáo tại toà sáng nay. Ảnh: TTXVN.

Bào chữa cho ông Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng quyết định cho thuê đất không nằm trong thẩm quyền của Bộ Công Thương nên không thể quy kết trách nhiệm cho lãnh đạo Bộ. Việc cho thuê đất là quyền của cơ quan quản lý đất đai. "Đề nghị HĐXX quan tâm đến bối cảnh phạm tội bởi lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết về sai phạm", ông Thiệp nói.

Theo cáo buộc, Sabeco quản lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng 6.080 m2 được dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, nộp tiền thuê đất hàng năm. Từ năm 2012 đến 2016, ông Hoàng yêu cầu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cùng Vụ trưởng Phan Chí Dũng chỉ đạo Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.

Sau khi góp vốn và Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý, ông Hoàng không giao Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt. Ngược lại, ông chỉ đạo thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh để chuyển quyền sử dụng khu đất là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

Cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, ông Hoàng bị VKS đề nghị 10-11 năm tù, Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) 7-8 năm. 8 cựu cán bộ, lãnh đạo TP HCM bị VKS đề nghị thấp nhất 2-3 năm tù đến cao nhất là 5-6 năm cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Chiều nay, phiên toà tiếp tục phần tranh tụng.

Phạm Dự 
ÔNG VŨ HUY HOÀNG CĂN VẶN KIỂM SÁT VIÊN: 'THẾ NÀO LÀ CHỈ ĐẠO' ?
MINH ĐỨC, XUÂN ÂN / TPO 24-4-2021

Ông Vũ Huy Hoàng và các bị cáo tại tòa. Ảnh TTXVN.

TPO - “Viện kiểm sát luôn nhắc đến cụm từ tôi chỉ đạo toàn bộ quá trình liên quan đến thực hiện dự án tại Sabeco. Thế nào là chỉ đạo?..." - bị cáo Vũ Huy Hoàng căn vặn kiểm sát viên.

Sáng 24/4, đại diện viện kiểm sát đã đề nghị TAND TP Hà Nội phạt cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng mức án từ 10-11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Kiểm sát viên xác định, ông Hoàng đã chỉ đạo, ký một số văn bản trong việc Tổng Cty Bia rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mang khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) đi liên doanh. Năm 2016, bị cáo này lại đồng ý để Sabeco bán cổ phần giá rẻ khiến khu đất bị tư nhân thâu tóm, gây thiệt hại 2.713 tỷ đồng.

Được quyền bào chữa, ông Vũ Huy Hoàng cho hay luôn suy nghĩ, trăn trở từ khi bị khởi tố nhưng vẫn bất ngờ trước cáo buộc của đại diện viện kiểm sát. Bị cáo này đề nghị kiểm sát viên xác định ông là người mắc sai phạm chính hay là bị cáo chính?

Cựu Bộ trưởng cũng mong kiểm sát viên giải thích: “Viện kiểm sát luôn nhắc đến cụm từ tôi chỉ đạo toàn bộ quá trình liên quan đến thực hiện dự án tại Sabeco. Thế nào là chỉ đạo? Theo tôi hiểu, chỉ đạo là áp đặt ý chí của mình cho cấp dưới hay cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi theo suy nghĩ của mình dù hành vi đó có phù hợp, có đúng hay không đúng. Vai trò chính phải là người chủ trì công việc cụ thể, chịu trách nhiệm chính về công việc cụ thể”.

Ông Vũ Huy Hoàng căn vặn kiểm sát viên: 'Thế nào là chỉ đạo'? ảnh 1

Hội đồng xét xử vụ án.

Bị cáo khẳng định không can thiệp quá trình Sabeco thực hiện dự án tại khu đất số 2-4-6 và phân tích: “Với sự đề xuất của Sabeco, sự tham mưu của các bộ phận chức năng mà đầu mối là Vụ Công nghiệp nhẹ, ý kiến của Thứ tưởng phụ trách lĩnh vực, suốt từ 2007 khi Sabeco Land được thành lập đến năm 2012, tôi không có bất cứ thông tin nào liên quan đến việc triển khai dự án này”.

Vẫn theo bị cáo Vũ Huy Hoàng, năm 2012, ông mới được Sacebo báo cáo khó khăn trong triển khai dự án, các nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính. Bản thân ông đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và đồng ý tìm biện pháp tháo gỡ.

“Nếu tôi có mắc lỗi thì là quá quan tâm, quá nhiệt tình, quá lo lắng, chia sẻ khó khăn của Sabeco. Vậy tôi có phải là người cố ý làm sai Nghị quyết không, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.” - cựu Bộ trưởng nói.

Trở lại cáo buộc là người chỉ đạo xuyên suốt vụ án, bị cáo Vũ Huy Hoàng khẳng định các hoạt động tại dự án do Sabeco đề xuất, Vụ Công nghiệp nhẹ soạn văn bản trả lời.

“Thứ trưởng đề nghị hỏi ý kiến của tôi, tôi tham gia ý kiến chỉ thêm 1 câu là việc chọn nhà đầu tư phải báo cáo Bộ. Việc này để đảm bảo Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco phải chọn nhà đầu tư xứng đáng, đủ năng lực thực hiện dự án… Tôi không tham gia vào bất cứ hành vi nào liên quan đến quá trình này. Nguyên lãnh đạo Sabeco và cả bị cáo Phan Chí Dũng ngày hôm qua đều khẳng định tôi không chỉ đạo gì” - ông Hoàng lý giải văn bản được dùng để kêt luận ông phạm tội.

Về cáo buộc sau khi Sabeco chuyển giao quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl, ông Hoàng lại chỉ đạo ngay việc thoái vốn, cựu Bộ trưởng khẳng định bản thân không chỉ đạo cả hai hành vi trên.

“Việc thực hiện thoái vốn là theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là đề xuất của Sabeco, không phải lãnh đạo Bộ chỉ đạo xuống. Thực chất vấn đề thoái vốn từ phương án, phê duyệt, quyết toán xảy ra sau khi tôi bị miễn nhiệm. Lúc đó, tôi làm gì có tư cách, có khả năng, ai nghe tôi chỉ đạo?” – bị cáo Hoàng phân trần.

Tổng kết lại, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng, tội danh và khung hình phạt phía công tố đề nghị đối với ông quá nặng nề, không phù hợp. Cựu Bộ trưởng cũng băn khoăn bởi với tình trạng sức khỏe hiện tại, ông không biết đủ thời gian chấp hành án hay không.

Minh Đức - Xuân Ân


THUỘC HẠ NGUYỄN TẤN DŨNG TRONG TÙ SỨC KHỎE ĐÁNG LO, LIỆU CÓ PHẢI MỘT TRẦN BẮC HÀ THỨ HAI ?
NGUYỄN DUY / TB/ viet-studies 24-4-2021

Vấn đề sức khỏe là chuyện bình thường, tuy nhiên với quan chức ngồi tù thì tiền bạc không thiếu. Có dân thường ngồi tù mới thiệt thòi chứ quan chức hay đại gia ngồi tù thì bao giờ họ cũng được ưu ái. Chính vì vậy mà quan chức ngã bệnh hoặc chết trong tù cũng ít có khả năng xảy ra hơn.

Thông thường, công an chỉ bức cung nhục hình với thường dân chứ khó mà bức cung nhục hình với quan chức được. Việc quan chức ở tù là do chuyện thắng bại trong đấu đá nội bộ, đôi khi tội danh được định đoạt bằng những lần ngã giá chứ chẳng phải điều tra gì cả.

Người dân mà bị bắt vào đồn cảnh sát thì rất nhiều người bị chết trong lúc tạm giam, nhưng bắt quan chức vào tù thì hiện tượng đó không xảy ra. Ngược lại đôi khi quan chức không hề ngồi tù mà lại bị chết vì nguyên nhân khác, ví dụ như Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh hay Trần Đại Quang.

Ông Vũ Huy Hoàng là cựu bộ trưởng bộ công thương dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng. Những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng hầu hết đều liên quan đến sự chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng với vai trò là thủ tướng. Cho đến nay, có rất nhiều đầu mối dẫn đến sai phạm của Nguyễn Tấn Dũng gần như ông Nguyễn Phú Trọng không thể khai thác gì được. Đinh La Thăng được cho là khai báo quá ít về sai phạm của Nguyễn Tấn Dũng mà bị dần cho “lên bờ xuống ruộng”. Chưa có một cựu quan chức nào mà bị lôi ra tòa nhiều như ông Đinh La Thăng. Có lẽ chính vì sự ngoan cường ấy mà Đinh La Thăng đến nay vẫn còn khỏe mạnh.

Những thuộc hạ cũ của Nguyễn Tấn Dũng, nếu khai ra thì bị Nguyễn Tấn Dũng hỏi tội, còn không chịu khai thì bị Nguyễn Phú Trọng hành hạ. Đường nào cũng rất khó. Tuy nhiên nếu thuộc hạ của ông Nguyễn Tấn Dũng mà ngoan cố không khai thì ông Trọng chỉ hành hạ chứ không bao giờ làm cho sức khỏe người ta yếu đi. Vì sao? Vì rủi bị can có mệnh hệ gì thì làm sao khai thác thông tin được nữa?

Thế kẹt của những thuộc hạ ông Nguyễn Tấn Dũng

Ông Trần Bắc Hà khi còn đỉnh cao quyền lực, tiếng nói của ông ta còn mạnh hơn cả thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước là người điều hành hệ thống ngân hàng Việt Nam, còn ông Trần Bắc Hà chỉ là chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, vậy mà tiếng nói ông Trần Bắc Hà lại mạnh hơn cả Nguyễn Văn Bình. Chính điều đó mới thấy sự ưu ái rất đặc biệt mà Nguyễn Tấn Dũng đã giành cho Trần Bắc Hà.

Sau khi Nguyễn Tấn Dũng thất thế, ông Nguyễn Văn Bình vẫn bị ông Nguyễn Phú Trọng cho kỷ luật, tuy nhiên ông Trọng không trút giận vào ông Bình như ông đã làm với Trần Bắc Hà. Việc Trần Bắc Hà bị bắt, không biết ông Hà đã khai gì, nhưng sau đó ông Trần Bắc Hà đã tử vong một cách bí ẩn. Cái chết của ông Trần Bắc Hà mang màu sắc cái chết của ông Phạm Quý Ngọ trước đây. Rất bí ẩn. Những thuộc hạ của ông Nguyễn Tấn Dũng khi bị rơi vào vòng lao lý tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngã bệnh lắm.

Hôm nay báo chí nhà nước cho biết,  ông Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ‘sức khoẻ yếu’ trước phiên toà. Luật sư cho biết cựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sức khoẻ yếu song vẫn cố gắng để hầu toà vào ngày 22/4.

Báo chí cho biết  ông Vũ Huy Hoàng phải nằm viện và các bác sĩ đang hội chẩn để đánh giá tình hình sức khoẻ. Tuy nhiên ông Hoàng sẽ cố gắng tham dự để tránh làm phiên xét xử bị gián đoạn.

Đây là lần thứ ba phiên toà được mở tại TAND thành phố Hà Nội. Hai phiên trước đó vào tháng 1 phải hoãn do vắng thẩm phán Chử Phương Ngọc, bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cựu phó chủ tịch UBND TP HCM và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tại Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Bào chữa cho ông Tín, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết thân chủ mình bị suy tim, không thể di chuyển được nên vẫn xin xét xử vắng mặt. Điều này đã được bệnh viện kết luận và bà đã thay mặt nộp đơn đến HĐXX. Theo luật sư Trang, ông Tín “nhận toàn bộ trách nhiệm về sai phạm đã xảy ra“. Như vậy thì không những ông Vũ Huy Hoàng mà ông Nguyễn Hữu Tín cũng bị bệnh.

Vụ án có liên quan đến Nguyễn Thanh Phượng

Công ty AMAX là công ty được cho là được lập ra bởi bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông Nguyễn Tấn Dũng. Công ty AMAX có vốn điều lệ chỉ 3,8 tỷ đông Việt Nam mà định giá AVG đến hàng trăm triệu đô la. Vụ Mobifone mua AVG kéo theo dám đốc danh nghĩa của AMAX bị vào tù, tuy nhiên Nguyễn Thanh Phượng thì không sao.

Được biết khu đất vàng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cũng được định giá bởi công ty AMAX. Theo Chứng thư thẩm định giá số 247/TĐG-CT-AMAX (ngày 9/10/2014) của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá Amax, giá trị quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng trên 997 tỉ đồng. Giá trị này sau đó được Hội đồng Thẩm định giá TP HCM thông qua.

Sau khi đổ vỡ tại Sabeco Land, Sabeco đề xuất lên Bộ Công Thương xin hợp tác với nhóm nhà đầu tư mới gồm Attland, Hà An và Mê Linh, thành lập pháp nhân mới tiếp tục thực hiện dự án.

Trước khi việc hợp tác đi đến quyết định chính thức, Tổng Giám đốc Sabeco Trần Hồng Hạnh từng đề nghị UBND TP HCM xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Ngày 14/12/2015, CTCP Đầu tư Sabeco Pearl được thành lập bởi sự góp vốn của Sabeco  và nhóm nhà đầu tư mới.

Xét trên đề nghị của Sabeco và tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Hữu Tín đã chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án, cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất.

Theo đó, Sabeco Pearl đã nộp tiền sử dụng đất, tiền lệ phí trước bạ và tiền phạt nộp chậm với tổng số tiền trên 999 tỉ đồng.

Như vậy là lại một lần nữa công ty AMAX của bà Nguyễn Thanh Phượng lại nhúng vào phần định giá sai lệch gây ra thất thoát hàng ngàn tỷ. Tuy nhiên cho đến nay, công ty AMAX vẫn chưa được bêu ra trước tòa đúng với những gì nó đã làm. AMAX là ai mà tòa phải tránh? AMAX là ai mà cả Nguyễn Hữu Tín và Vũ Huy Hoàng phải chấp nhận ở tù để nó không được nhắc đến? Cho nên có thể nói, vai trò của AMAX không hề nhỏ trong vụ án này.

Lời khai thế nào mới là khôn khéo?

Những có người như Nguyễn Hữu Tín và Vũ Huy Hoàng ắt phải hiểu nên nói gì? Đinh La Thăng không khai nhiều về Nguyễn Tấn Dũng tuy bị ông Nguyễn Phú Trọng lôi ra tòa hết lần này đến lần khác nhưng Đinh La Thăng vẫn an toàn. Còn Trần Bắc Hà không biết khai gì mà nhận cái chết bí ẩn. Thực tế cho thấy, ông Phạm Quý Ngọ vô tình khai ra một phần nhỏ số tiền hối lộ thôi thì ông Ngọ đã phải trả giá.

AMAX tham gia định giá Mobifone là một đầu mối khui ra nhân vật lớn, nhưng những quan chức trong thương vụ đó đã không khai ra ai đứng đằng sau AMAX và đã an toàn. Và lần này ắt ông Vũ Huy Hoàng hiểu được điều đó. Rất có thể ông Vũ Huy Hoàng đang bị bệnh là do bệnh tự nhiên, tuy nhiên nếu ông khai không khéo thì từ căn bệnh không nguy hiểm ông chuyển sang từ trần đột ngột như Trần Bắc Hà thì lúc đó hối cũng không kịp.

Ông Nguyễn Phú Trọng còn ngồi vào ghế tổng bí thư ít nhất 5 năm nữa, xem ra ông Nguyễn Phú Trọng còn cay cú lắm vì đã chưa làm được gì đối thủ Nguyễn Tấn Dũng. Thành tích bảo vệ bản thân của ông Nguyễn Tấn Dũng từ trước tới nay khiến người ta phải giật mình. Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, và Trần Bắc Hà không ai trong đó được cho là chết một cách hợp lí. Tội ông Nguyễn Tấn Dũng rất lớn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc, để bảo vệ bản thân ông Nguyễn Tấn Dũng sẵn sàng làm tất cả, kể cả bằng cách manh động nhất.

Vũ Huy Hoàng chắc chắn là phải ngồi tù, ông muốn không phải ngồi tù chỉ khi ông có kết quả như Trần Bắc Hà. Như vậy có thể nói, đối với Vũ Huy Hoàng thì việc kín miệng và chấp nhận ngồi tù là giải pháp tốt nhất mà ông có thể lựa chọn cho tình cảnh hiện nay.

Nguyễn Duy – Thoibao.de (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét