Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

20210409. 'TÔI CẦU MONG CHÚNG TA SẼ THỨC TỈNH'

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TÔI CẦU MONG CHÚNG TA SẼ THỨC TỈNH

LÊ KIẾN THÀNH/ FB LKT 3-4-2021
 


“Điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác đến với chúng ta bình thản như thế này. Người ta nhìn nó thản nhiên, như là điều tất yếu.

Đó là buổi sáng, khi tôi đọc tin về một cậu thanh niên cứa cổ đứa bé 8 tháng tuổi; đó là khi tôi đọc tin về những người dân cùng xông vào đánh chết một kẻ trộm chó… Có những người trong chúng ta hôm nay dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn. Việc một tên cướp bị tuyên án tử hình vì chém đứt tay một người và trước đó đã chém 14 người, nhưng bà mẹ đẻ ra thằng bé đó không hề mảy may ân hận. Đó là hình ảnh đáng sợ nhất: một người mẹ biết quý con mà không còn coi sự sống của người khác ra gì.

Có thể con người VN hôm nay dường như đang gặp phải một sai lầm nào đó trong tổ chức cuộc sống, khiến cho tình cảm, lòng thương người, sự vị tha đang bị biến dạng một cách ghê gớm. Đó là điều quá lạ lùng với xã hội này.

Có lẽ chưa từng có một giai đoạn nào trong quá khứ mà người VN phải trải qua tình cảnh như ngày hôm nay. Người Việt từng sống dưới ách nô lệ cả nghìn năm của các triều đại phương Bắc, từng bị đế quốc, thực dân đô hộ, chịu đựng đủ sự tàn ác, bóc lột từ ngoại bang.

Nhưng chưa bao giờ tôi nghe được về chuyện người Việt tàn ác với chính đồng bào của mình. Chưa bao giờ người Việt đối xử với nhau hằn học đến thế, man rợ đến thế. Chúng ta không nghèo như ngày xưa, không đói như ngày xưa, tại sao chúng ta lại ác hơn ngày xưa?

Những gì đang diễn ra ở đất nước ta hôm nay, có lẽ cần phải được suy nghĩ cho thật kỹ. Ví dụ, tại sao nhiều người có tiền mà vẫn tham nhũng khủng khiếp như vậy? Có lẽ đó không phải văn hóa.

Người ta hay nói “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng nhìn vào xã hội mình, đúng là đạo tặc có một phần từ bần cùng đi lên, nhưng một phần rất đông đạo tặc lại sinh ra bởi những người không bần cùng. Những quan chức phạm hàng loạt tội ác mà chúng ta thấy trong những năm qua, họ đâu phải là những người bần cùng?

Chúng ta có thể dùng từ gì khác ngoài từ “dã man” khi mà một con người có thể cứa cổ một đứa bé 8 tháng tuổi, khi mà một cậu thanh niên còn đang đi học có thể giết chết cả một gia đình để cướp của, hay một chàng trai trẻ mặt mũi sáng ngời có thể giết cả gia đình bạn gái để trả thù.

Mà sự tàn ác không chỉ xuất hiện ở đó. Tôi nhìn thấy sự tàn ác cả ở những vụ án tham ô, tham nhũng, cướp đất dân nghèo của những người có quyền lực. Tôi nhìn thấy sự tàn ác trong những vụ án oan mà những người đại diện pháp luật bằng sự lạnh lùng, vô tình, vô trách nhiệm của họ, đã vội vã đưa ra những kết luận điều tra vô lý nhất mà không cần quan tâm đến việc họ có thể đẩy một con người vô tội vào con đường chết.

Không biết các nhà lãnh đạo đất nước có bao giờ ra đường nhìn những người nông dân đi biểu tình không. Nhưng tôi cứ nhìn những bà già trùm khăn ngồi bên vệ đường trong đoàn biểu tình, càng nhìn càng không tin nổi họ đang làm gì xấu hay đang cố giành về cho mình những thứ không phải của mình.

Nếu bản chất họ thế thì sẽ không có việc họ đi theo cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến. Họ sẽ không hiến cả nhà cửa của mình, gia sản của mình, con cái của mình cho cách mạng. Vậy mà chúng ta đã làm gì để khiến họ thành ra như thế? Tại sao những cái đã tạo ra sức mạnh phi thường cho chúng ta trong quá khứ thì giờ đây chúng ta lại đang phá vỡ nó?

Khi góp ý cho Đại hội Đảng, tôi từng nói một điều rất đau khổ là bản thân chúng ta chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính Đảng của mình. Và khi chưa thể làm được điều đó, ta khó lòng tạo ra sự dân chủ cho cả xã hội. Và sự mất dân chủ này sẽ làm biến dạng ghê gớm, biến dạng sâu sắc Đảng. Sự biến dạng này nó sẽ gây ra những sự biến dạng trong các vấn đề khác: vấn đề về kinh tế, về xây dựng, về giáo dục, về con người… Mà sự biến dạng đó sẽ vô cùng nguy hiểm!

Việc những người Việt sẵn sàng trói và đánh đến chết một kẻ trộm chó không đúng với bản chất của dân tộc này. Việc 5 người công an cùng đánh một nghi can của vụ án đến chết cũng không đúng với những gì tôi biết về dân tộc này. Tôi không tin một người có thể cứa cổ đứa trẻ 8 tháng tuổi có thể chết vì dân tộc mình. Những người không biết động lòng, không biết xót xa trước sự đau khổ của người khác thì không thể nào chờ đợi tình yêu đất nước từ họ.

Có lẽ, những điều mà chúng ta đã từng vì nó mà chiến đấu ngày xưa, thì giờ chúng ta đang phản bội nó, đi ngược lại nó, xa rời nó.

Ngày xưa chúng ta chiến đấu để bảo vệ nhân dân, để giải thoát nhân dân khỏi những bất công, bóc lột, thì bây giờ sự bất công đang quay trở lại trong sự phân chia lợi ích giữa những người có chức có quyền với những người dân thường, giữa những người giàu với những người nghèo.

Khi người dân yêu ta, họ sẽ yêu đến tận cùng. Nhưng để đến lúc họ quay lưng lại, thì sự quay lưng ấy cũng có thể sẽ khủng khiếp hơn cả những gì mà chúng ta có thể hình dung. Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh sớm để vẫn giữ gìn được bản chất tốt đẹp của dân tộc này!”.

***

QH đang họp. Nếu lời cầu mong của một trí thức con nhà nòi cộng sản, từng tự ứng cử ĐBQH nhưng không được chọn, được phát cho các đại biểu đã được chọn, gã hy vọng sẽ có thế rúng động lương tri các vị để các vị tại QH cùng lên án cái ác, ngăn chặn cái ác.

HÃY ĐỌC LỜI CẦU MONG ẤY VÀ THỨC TỈNH

LƯU TRỌNG VĂN/ TD 3-4-2021

Đêm qua Sài Gòn đột nhiên ào mưa. Cơn mưa làm dở dang bao giấc mộng dữ và lành. Ác và thiện luôn bình đẳng chia ngôi nhau vô thức trong giấc chiêm bao. Nhưng, khi tuồn lọt ra đời thì, giời, cái ác hùng dũng ào ào đông đảo dàn quân đi trước, còn cái thiện lác đác, lơ đễnh tụt sau. Giời. Chỉ con đường này duy nhất đến Tương lai.

Sớm lướt facebook bạn bè, gã dừng lại ở facebook của Lê Kiên Thành – con trai ông trùm cộng sản Lê Duẩn với tít bài: “Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh“.

Lê Kiên Thành cầu mong chúng ta ấy thức tỉnh cái gì? Thức tỉnh trước cái ác. Tại sao một con ruột của đảng, của chế độ lại phải da diết cầu mong mọi người thức tỉnh trước cái ác?

Chả qua vì cái ác đã chễm chệ ngất ngưởng ngôi cao đòi vung vương quyền định đoạt Tương lai của Dân tộc. Hãy đọc lời cầu mong ấy và thức tỉnh.

TẠI SAO DÂN VIỆT NAM LẠI TÀN BẠO VỚI ĐỒNG LOẠI NHƯ VẬY ?

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 4-4-2021

Mấy hôm nay người ta share rất nhiều bài viết của ông Lê Kiên Thành, một thái tử đảng chính hiệu, con trai cố TBT Lê Duẩn. Bài viết thể hiện tâm tư sâu sắc của ông với hiện tình đất nước nhưng với các câu hỏi để ngỏ hoặc ngầm ý đánh lạc hướng người đọc.

Có lẽ đa số độc giả sẽ cho rằng sự tàn bạo kia là lỗi của chính CHÚNG TA, tức là người dân. Và trách nhiệm để giải thoát chính là dựa vào thức tỉnh của CHÚNG TA. Vậy đổ lỗi cho “chúng ta” chính là cào bằng trách nhiệm, với các nước CS thì mọi thứ đã có đảng và nhà nước lo. Chính phủ vú em muốn ôm hết quyền lợi thì trách nhiệm cũng phải chịu tất, sao lại vu cho bọn CHÚNG TA chưa thức tỉnh!?

Nếu ông Thành đang là người của hệ thống, từng là UVTƯ chẳng hạn, mà nói đó là lỗi của chúng ta, thì còn tạm chấp nhận. Nhưng như mình biết, ông Thành chưa từng tham gia hệ thống này. Nên khái niệm chúng ta đó chính là toàn dân.

Bài viết của ông Thành cũng cho độc giả hiểu rằng VN ta còn giỏi hơn BTT và Hàn quốc khi đã có thể thống nhất đất nước. Điều đó hàm ý ca ngợi chính bố ông là TBT Lê Duẩn! Nhưng cái giá của thống nhất không hề nhỏ không chỉ có vấn đề kinh tế chậm phát triển hơn Hàn Quốc 30 năm mà còn vô số hệ luỵ về xã hội, đạo đức mà ông đang chỉ ra.

Ông cho rằng VN hiện tại có quá nhiều vấn đề về đạo đức xã hội xuống cấp, tham nhũng tràn lan, CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ, kể cả khi so với thời đế quốc thực dân người Việt vẫn không tàn ác như giờ. Nhận định đó có đúng không?

Nhận định này qua mặt được nhiều người, thậm chí cả anh em dân chủ, vì nó vừa đúng vừa sai! Xin thưa, khi chúng ta nội chiến (mà ta gọi là chống đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc) thì chúng ta có tàn bạo với đồng bào không? Hỏi tức là trả lời. Quá tàn bạo nhưng với vỏ bọc ý thức hệ và được coi là hợp lý và hợp pháp. Sự tàn bạo đó diễn ra hàng ngày trong hơn 20 năm (nếu tính cả thời gian tù cải tạo thì hơn 30 năm) và đó là một phần của cái giá phải trả cho sự thống nhất. Sự tàn bạo đó để lại hệ luỵ đến giờ khi dân tộc chưa thể hoà hợp được khi những nhân chứng của hai bên vẫn còn sống.

Bài viết của ông Thành còn cho độc giả thấy rằng thời xưa (là thời ông Duẩn nắm quyền) thì chế độ ta không có tham nhũng và hết sức nhân văn, không có những tệ nạn, vô đạo như bây giờ! Vậy thực tế thế nào?

Chúng ta cần hiểu rằng thời ông Duẩn nắm quyền đúng là VNDCCH ít tham nhũng hơn bây giờ, cũng ít tệ nạn xã hội hơn bây giờ và cũng ít hơn chính quyền miền Nam lúc đó. Lý do rất đơn giản, không phải chính quyền đó ưu việt mà do nó là cỗ máy chiến tranh, tất cả vì tiền tuyến, chính quyền kiểm soát chặt chẽ kinh tế xã hội nên người dân không có cơ hội để tư hữu, không có động cơ để cày tiền, nên ít có cướp giật, giết người vì tiền. Thử hỏi, thời đó người ta lấy đâu ra nhiều tiền mà cướp, mà giết nhau? Đó là nền kinh tế tem phiếu mà! Tem phiếu cướp được cũng đâu sử dụng được? Tài sản cướp được cũng đâu bán cho ai được? Ai có tiền mua mua đồ ăn cướp? Bạn có tiền mua con gà về thịt mà hàng xóm đã biết để báo cáo lãnh đạo rồi!

Còn về tham nhũng, quan lại thời đó ít có cửa mà tham nhũng, đó là do nền kinh tế kế hoạch nó vận hành như cỗ máy vô hồn do Uỷ ban Kế hoạch nhà nước chế tạo. Tham nhũng thời đó chỉ là tham nhũng vặt, kiểu như lợi dụng chức quyền để có vài đặc quyền đặc lợi cho cá nhân và gia đình chứ chính ông Duẩn cũng không có nhiều tài sản hơn nhiều so với các cán bộ cấp dưới. Tài sản đáng giá của ông Duẩn, ông Giáp để lại có lẽ chỉ là căn nhà ở Hoàng Diệu, quyền lợi còn lại chủ yếu là mối quan hệ chứ không phải tài sản hữu hình như anh em quan lại bây giờ.

Như vậy, chính quyền thời đó ít tham nhũng không phải do nó ưu việt mà thể chế tạo nên cơ chế đó, không nhằm mục đích chống tham nhũng mà chỉ là hệ quả của nền kinh tế CS, do Marx và Lenin nghĩ ra. Nó không cho phép cán bộ có quyền tự chủ trong quản lý kinh tế, do đó nó cắt luôn quyền ban phát quyền lợi và đồng thời cắt luôn cơ hội tham nhũng kinh tế.

Vậy tại sao chế độ hiện tại cũng là CS mà lại có nhiều tham nhũng và đạo đức xã hội xuống cấp?

Ông Thành cố tình không lý giải và đổ lỗi cho bọn “chúng ta”! Chúng ta nên hiểu là chế độ CS hiện tại không hoàn toàn giống chế độ CS nguyên bản thời ông Duẩn. Chế độ hiện tại mình vẫn gọi là CS 2.0, vận hành theo kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tức là sự lai tạp giữa con lừa và con ngựa, đẻ ra con la!

Nền kinh tế hỗn hợp kiểu này sẽ có đủ tật xấu của chế độ TBCN và CSCN. Tật xấu (cũng chính là sự ưu việt với góc nhìn khác) của chế độ tư bản là kích thích lòng tham của cá nhân. Quyền lợi cá nhân chính là động lực phát triển cho chế độ TB nhưng hệ luỵ của nó là khiến cho con người sẵn sàng bất chấp tất cả để kiếm được nhiều tiền, thoả mãn tham vọng cá nhân. Nhưng chế độ TB kìm hãm động cơ đê hèn của con người bằng pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh và những thiết chế xã hội như đạo đức, tôn giáo.

Còn dưới chế độ CS 2.0 thì pháp luật không thể nghiêm minh và công bằng, do nó không phải là khế ước xã hội do đa số dân soạn ra mà do đảng soạn ra. Còn đạo đức xã hội bị lu mờ bởi tham vọng cá nhân và sự vô đạo. Tôn giáo hiện nay có vai trò khá thấp và chỉ kiểm soát được một nhóm nhỏ người dân. Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất lại trở nên suy đồi hơn bao giờ hết. Thậm chí chính nhiều chức sắc tôn giáo còn gây nên nhiều vấn đề như chùa Ba Vàng, hay cư sĩ Phật giáo có chức vụ trong Giáo hội PG còn phải đi tù.

Khi hội tụ đủ các tật xấu của cả hai thể chế thì đạo đức xã hội cũng xuống cấp là đương nhiên. Anh em giết nhau vì đất đai (như vụ ở Hoài Đức, Hà Nội) là do người ta không tin là pháp luật có thể bảo vệ lẽ phải. Hiện tại hầu như các vụ án đều có thể chạy, trừ án dính tới an ninh quốc gia. Vì thế, người ta phải “thế thiên hành đạo” phải tự tay giết người thay cho phán xử của toà. Đó là lý do tại sao người dân lại xuống tay giết kẻ trộm chó. Chúng ta cần biết một sự thật nữa là hầu như những vụ kẻ trộm chó bị giết đều không tìm được thủ phạm. Tức là người ta đã ngầm đồng tình cho việc thế thiên hành đạo! Vậy cái vô pháp vô thiên đó là tại bọn CHÚNG TA hay tại ai!? Hỏi tức là trả lời!

Một thực tế éo le hơn nhiều là kẻ trộm chó chỉ ăn trộm chục con chó với tổng giá trị cỡ vài triệu nhưng bị người dân thiêu sống nhưng chưa có một quan tham ăn trộm vài ngàn tỷ nào bị người dân thay trời hành đạo, thậm chí được nhân dân thương xót như đồng chí Đinh La Thăng! Vậy pháp luật đang do ai và vì ai?!

Để có thể chế với những hệ luỵ mà ông Thành chỉ ra, liệu ông Lê Duẩn có vô can?

Không có CS 1.0 thì sao có CS 2.0? Ông Duẩn có công thống nhất đất nước tức là “có công” CS hoá cả nước và là tiền đề để có những gì hiện tại.

Anh em bò đỏ vẫn chửi bọn phản động là đi ỉa táo bón cũng đổ cho CS. Ví thế cũng không sai đâu. Vì mọi thứ đã có đảng và chính phủ lo thì trách nhiệm cũng phải do đảng và chính phủ chứ? Vậy nếu muốn giải quyết các vấn đề xã hội mà ông Thành kể ra (không hề sai) thì trách nhiệm lớn nhất là ở đảng, còn trách nhiệm của bọn “chúng ta” chỉ là thứ yếu. Còn nếu đảng muốn “bọn chúng ta” cùng chịu trách nhiệm thì đảng phải chia sẻ quyền lực cho chúng ta. Không thể mất mùa thì bởi chúng ta, được mùa thì bởi thiên tài đảng ta.

THÊM VÀI LỜI VỀ BÀI VIẾT CỦA ÔNG LÊ KIẾN THÀNH

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 5-4-2021

Sau stt trước của mình về bài viết ông Lê Kiên Thành, có vài người phản biện mình trực tiếp hay bóng gió với đại ý là mình đánh giá ông Thành quá khắt khe, coi mình đấu tố ông ấy chỉ vì ông ấy là con ông Lê Duẩn! Hay coi những người phản đối ông Thành là do “ẩn ức chính trị” muốn “xả van” (chửi bố con ông ấy?) mà thiếu tính xây dựng. Cũng có thể bạn ấy không chỉ nhằm vào mình, kiểu chửi phong long, trúng ai thì trúng. Nên mình cũng không tiện nêu tên bạn ấy ra đây! Mình thì chẳng bao giờ chê ai kiểu phong long, toàn đích danh cả.

Trước tiên phải nhắc là mình không bao giờ là người chống cộng kiểu cực đoan hằn học. Nhà mình chẳng có ai thuộc chế độ cũ, thậm chí ngược lại, còn đỏ nữa kia, nên bò đỏ chửi mình “3 que” là rất ngu. Mình cũng chưa bao giờ có tham vọng chính trường hay cố gắng leo trèo, chưa từng cố phấn đấu trong hệ thống để bị bất mãn, dù có làm ở công ty nhà nước nhiều năm. Ai từng quen biết mình đều rõ điều đó.

Vì thế mình không có ẩn ức chính trị hay bất mãn do bị ức hiếp trong hệ thống mà quay ra chửi bới, chống cộng cực đoan. Vì thế đừng ai cố suy diễn động cơ viết bài phản biện xã hội theo hướng ẩn ức, bất mãn như vậy. Mình dùng nick thật, có vài trăm người quen của mình ở đây có thể xác nhận.

Động cơ để mình viết chỉ đơn giản là do nhận thức của mình khác với đa số. Có thể có những cái mình nhìn ra mà đa số chưa thể nhìn ra và việc viết lách nó như một trách nhiệm xã hội chứ chẳng vì ẩn ức nào hết. Tuy không nằm trong hệ thống nhưng vì có thói quen nghiên cứu, quan sát nên chưa chắc đa số người trong hệ thống đã hiểu chế độ hơn mình.

***

Mình biết đến tên tuổi ông Lê Kiên Thành phải hơn chục năm rồi, trong khi bạn kia lại nhận là không biết! Mình đã từng thắc mắc là tại sao ông Lê Kiên Thành lại không (được) tham gia hệ thống. Bởi vì nếu đúng quy trình thì ông cũng có vị trí không kém ông Phạm Bình Minh, một công tử đảng (dưới thái tử đảng). Nếu mình nhớ không nhầm thì ông Lê Kiên Thành từng ứng cử ĐB QH mấy khoá trước, nhưng mà… trượt. Đây không phải là điều đáng xấu hổ với thể chế này nhưng điều đó cho thấy nhiều điều dẫn đến lý do có bài viết mà mình có vài lời nhận xét hôm qua. Ngoài ra, ông Lê Kiên Thành cũng có rất nhiều bài trả lời phỏng vấn trên báo chí và hầu như mình đều đã đọc.

Vì thế, không rõ về ông Lê Kiên Thành mà lại đánh giá chắc nịch về ông ấy thì rất không nên.

Trong hầu hết các bài báo mà ông Lê Kiên Thành nhắc tới ba mình thì ông đều nói tốt về TBT Lê Duẩn. Với người con nói về bố đẻ thì điều đó không sai, dù nội dung có thể là không khách quan. Vì về đạo làm con thì có thể chấp nhận được. Nhưng với đa số người đọc bình thường, ít có kiến thức đa chiều, thì đọc những thông tin đó không phải là không nguy hiểm vì sẽ bị hiểu sai lệch.

Với mình thì bài viết vừa rồi của ông Lê Kiên Thành thành không có gì mới cả, cũng chẳng thấy có gì sốc về mặt nội dung. Có thể vì mình nằm ngoài hệ thống nên thấy thế. Ngoài ra thì cách ông Thành nói về cha hay di sản của cha vẫn theo lối cũ là bốc thơm. Mình đọc nhiều bài dạng này của ông ấy rồi nên cũng chẳng thấy bức xúc như nhiều người vốn không ưa chế độ CS đã cmt trong stt của mình. Lưu ý, đó là quan điểm của họ, không phải của mình.

Ở bài trước, mình không có ý tấn công cá nhân ông Lê Kiên Thành hay ông Lê Duẩn, mục đích duy nhất là cho mọi người thấy một góc nhìn khác mà mình tìm hiểu bao năm, có thể đúng, có thể sai, nhưng chắc chắn có lý lẽ và dẫn chứng. Thực tế quan sát của mình cho thấy những đảng viên già (ngoài 60 tuổi), nhiều người vẫn hoài niệm về những năm tháng hào hùng sống dưới chế độ CS một.0. Họ coi rằng đó là một chế độ nhân văn, ưu việt, không có người bóc lột người, không có tham nhũng và rất ít tệ nạn xã hội.

Các vị lãnh đạo lúc đó là những người yêu nước (thực ra là yêu chế độ đúng hơn), họ sẵn sàng hy sinh cá nhân vì sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng CNXH. Nhiều người trong số họ bây giờ trở nên bất mãn với chính quyền hiện tại vì cho rằng quan chức bây giờ tham lam, tham nhũng, không phải do dân, vì dân, vì Tổ quốc XHCN, như họ và cha ông họ đã từng. CÓ THỂ ông Lê Kiên Thành cũng nghĩ như vậy. Họ vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó những người CS tử tế sẽ quay trở lại để không còn tham nhũng, tệ nạn, như xưa. Ông Lê Kiên Thành dùng khái niệm “chúng ta thức tỉnh” để diễn đạt ý đó.

Mục đích bài viết trước của mình chỉ muốn lột trần sự thật là họ đang ngây thơ, ảo tưởng, hoặc cố tình bẻ lái nhận thức của “chúng ta” tin vào một sự hão huyền, phi logic. Tại sao nó phi logic thì mình đã viết hàng trăm stt rồi. Thậm chí mình đã viết cả những stt về con đường nào cho phù hợp để đảng vẫn có thể nắm quyền và giữ được uy tín. Thế là xây dựng hay là chửi bới? Nói cách khác, với nhận thức ngây thơ nói trên thì cũng chỉ là “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp. Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.

Mình nghĩ là với tầm nhận thức của một người giỏi, có học hành cao, một doanh nhân từ rất sớm, như ông Lê Kiên Thành, thì khả năng ông ấy không hiểu sự thật là cực thấp. Nên mình mới cho rằng ông ấy cố tình bẻ lái nhận thức của người khác (bao gồm nhiều anh em DC).

Ông Lê Kiên Thành nhận định nói chung đều không sai, nhưng không có gì mới, đa số có thể thấy hiện tượng như ông. Vấn đề là không mấy người hiểu bản chất và nguyên nhân, thì ông lại không nêu ra bản chất và nguyên nhân sâu xa kia. Vì thế nên mình cho rằng ông ấy chỉ nói một nửa sự thật mà thôi. Mà nói một nửa sự thật cũng là một cách bẻ lái nhận thức của độc giả một cách tinh vi.

Về từ “chúng ta” mà ông Thành nhắc đi nhắc lại, nhiều người vu cho là ông ấy đang ám chỉ đảng. Thực ra cũng là dạng nhập nhèm tuỳ ngữ cảnh trong bài viết, để độc giả vẫn thấy bóng dáng mình trong đó, vẫn là thủ pháp cào bằng trách nhiệm.

Lẽ ra, người như ông Lê Kiên Thành có vị trí gần y hệt bà Suu Kyi, hoàn toàn có thể mạnh dạn hơn nhiều trong phát ngôn. Người ta có thể bắt ông Cù Huy Hà Vũ, một công tử đảng khác, vì dám kiện thủ tướng. Nhưng mình tin là người ta không dám bắt một thái tử đảng với một vài nhận định mạnh dạn hơn những đảng viên quèn hay thằng cha căng chú kiết như mình.

Mình vẫn hy vọng một ngày nào đó ông Lê Kiên Thành có thể có những nhận định sắc sảo, chính xác hơn. Khi đó, mình sẵn sàng ủng hộ ông ấy như ủng hộ bà Suu Kyi, bất chấp ông ấy là con ông Lê Duẩn.

NGHĨ VỀ TIÊU ĐỀ 'CHÚNG TA HÃY THỨC TỈNH'

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 6-4-2021

Chúng ta hãy thức tỉnh. Đó là vấn đề về cái ác, sự tàn bạo, được nhiều người quan tâm. Gần nhất là phát biểu của TS Lê Kiên Thành trong bài “Tôi cầu mong, chúng ta sẽ thức tỉnh…”, kế đến Lưu Trọng Văn hưởng ứng trong bài “Hãy đọc lời cầu mong ấy và thức tỉnh” và Dương Quốc Chính bình luận trong bài “Tại sao dân Việt Nam lại tàn bạo với đồng loại như vậy?” Và bài “Thêm vài lời về bài viết của ông Lê Kiên Thành”.

Thức tỉnh về cái ác đang tràn lan, về sự tàn bạo với đồng loại. Tôi xin có vài lời trao đổi, bình luận về nguyên nhân, về chúng ta là ai và thức tỉnh như thế nào

Xin không đề cập đến hiện tượng, nó đã được nêu trong phát biểu của TS Thành và xảy ra hàng ngày quanh ta.

Về nguyên nhân

TS Thành băn khoăn, tại sao trước đây, thời Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, Đảng tốt thế, dân tốt thế, mà sao bây giờ… Rằng “Những gì đang diễn ra ở đất nước ta hôm nay, có lẽ cần phải được suy nghĩ cho thật kỹ”. Liệu ông đã suy nghĩ kỹ chưa khi cho rằng xuất phát là từ “mất dân chủ”? Ông phát biểu:

Tôi từng nói một điều rất đau khổ là bản thân chúng ta (*) chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính Đảng của mình. Và khi chưa thể làm được điều đó, ta khó lòng tạo ra sự dân chủ cho cả xã hội. Và sự mất dân chủ này sẽ làm biến dạng ghê gớm, biến dạng sâu sắc Đảng. Sự biến dạng này nó sẽ gây ra những sự biến dạng trong các vấn đề khác: vấn đề về kinh tế, về xây dựng, về giáo dục, về con người…. Mà sự biến dạng đó sẽ vô cùng nguy hiểm!

Quả thật, sự mất dân chủ có góp phần tạo ra nhiều tai họa, nhưng đó chưa phải là nguyên nhân cơ bản của cái ác và sự tàn bạo. Hỏi tiếp: Cái gì tạo ra sự mất dân chủ ấy? Có lúc ông Thành băn khoăn, hay là lỗi tại hệ thống. Ông đặt ra mà không dám trả lời. Ông chỉ cầu mong hãy thức tỉnh. Và có lẽ phải rất bình tĩnh, rất chân thành, rất tha thiết, rất thẳng thắn để nhìn thẳng vào vấn đề, đối mặt với nó, chúng ta mới giải quyết được những vấn đề ấy.

Tôi cũng tìm nguyên nhân gốc các tai họa của xã hội Việt Nam hiện nay, quy về hai nguồn.

Một là, những yếu kém trong truyền thống văn hóa người Việt kết hơp và cộng hưởng với những độc hại của chủ nghĩa Mác – Lê.

Hai là, bị lệ thuộc quá nặng vào Trung Cộng, bị họ điều khiển, thao túng, truyền bá, huấn luyện thói tàn bạo.

Truyền thống người Việt có rất nhiều điều tốt, nhưng cũng chứa không ít thói hư tật xấu như tham lam, ích kỷ, dối trá, háo danh v.v… Khi gặp chính quyền liêm chính, anh minh thì điều tốt được phát huy, còn khi gặp chính quyền kém năng lực thì thói xấu phát triển.

Chủ nghĩa Mác – Lê có vài điều tốt, nhưng có những độc hại như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, độc quyền tư tưởng, v.v… Trong thời kỳ Đảng Cộng sản còn vận động làm cách mạng, thì những độc hại này bị ẩn giấu hoặc được tô vẽ thành chính nghĩa, thành chân lý. Khi Đảng giành và giữ được chính quyền, trở thành thống trị, thì các độc hại phát tán mạnh mẽ.

Sự kết hợp nói trên rõ ràng nhất trong cải cách ruộng đất, nhưng phần lớn không do ai chủ trương và điều hành, nó tự động xảy ra, nương tựa vào nhau, không những chỉ kết hợp mà còn cộng hưởng.

Về vai trò của Trung Cộng, dân tộc Việt vốn nhân ái nhưng rồi vì lệ thuộc vào Trung Cộng mà bị khống chế, truyền dạy cho những thủ đoạn tàn độc nhằm mục đích đen tối.

Tìm nguyên nhân rồi còn phải quy trách nhiệm cho con người. Chưa quy được trách nhiêm thì tìm ra nguyên nhân cũng chỉ để biết. Để xảy ra tình trạng dân Việt tàn bạo, một phần nhỏ do một số người dân, nhưng phần lớn do chính quyền và lãnh đạo. Người ở cương vị càng cao trách nhiệm càng lớn.

Tôi tạm phân như sau: Trách nhiệm của dân chỉ vào khoảng dưới 20%. Trên 80% thuộc về Đảng, mà toàn thể đảng viên thường chỉ chịu dưới 15%, còn trên 65% thuộc về lãnh đạo, mà những người lãnh đạo cao nhất đóng góp trên 50%.

Về Đảng, nhiều người nhận xét rằng, cũng tên là Cộng sản nhưng thời trước và thời nay là hai đảng khác nhau. Dương Quốc chính cho là CS 0.1 và CS 0.2.

Tôi cho rằng không phải như thế. Vẫn đảng ấy thôi, vẫn chủ thuyết và chính cương ấy, điều lệ ấy, đường lối ấy. Vẫn ngụy biên là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc, vẫn ngộ nhận công nhân là giai cấp lãnh đạo.

Cái khác cơ bản của CS 0.1 và CS 0.2 là ở chất lượng đảng viên và người lãnh đạo. Đại đa số người nhìn vào phẩm chất đảng viên để đánh giá Đảng, không mấy ai nhìn vào chủ thuyết và đường lối.

Trước đây vào đảng là những người có sẵn bản chất tốt, dù họ xuất thân từ tầng lớp nào, họ yêu nước, căm thù cái ác cái xấu, họ trung thực, họ vào đảng để phấn đấu cho lý tưởng tốt đẹp dù có phải chịu gian khổ và hy sinh. Còn bây giờ số đông đảng viên, kể cả cán bộ các cấp là những kẻ cơ hội, không ít người vào đảng để có đặc quyền đặc lợi.

Cuộc cách mạng do đảng CSVN tiến hành đã phạm phải điều mà tổ tiên rất tránh. Đó là “Đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau, để lại di họa cho con cháu”. Vậy sói ở đây là gì. Thần sói là Mác – Lê, tướng và quân sói là Trung Cộng.

Khi chấp nhận hai nguyên nhân kể trên thì hỏi tiếp để quy trách nhiêm. Vậy những ai đã đưa Mác – Lê về thờ phụng? Những ai đã nhất nhất theo sự huấn luyện của Trung Cộng, rước Trung Cộng về làm thầy? Không phải các đảng viên thường, càng không phải nhân dân.

Người ta thường tuyên truyền câu: “Cứu cánh biện minh cho hành động” mà không hiểu rằng “Gieo hành động sẽ gặt thói quen…”. Hành động tàn ác trong đấu tranh giai cấp, trong cách mạng vô sản, đã tạo ra thói quen tàn ác trong lãnh đạo, trong những người thừa hành, trong dân chúng.

Tướng Trần Độ là một trong những người tiên phong chống lại cái ác. Ông làm bài thơ:

Những mong xóa ác ở trên đời.

Ta phó thân ta với Đất Trời.

Tưởng ác xóa rồi thay cực thiện.

Không ngờ cái ác vẫn luân hồi”.

Ác luân hồi vì nó nằm sẵn trong đường lối. Và Trần Độ đã bị khai trừ đảng, bị chụp mũ là một trong những kẻ đứng hàng đầu trong “thế lực thù địch” của chế độ.

Về danh xưng “chúng ta”

Danh xưng chúng ta được dùng rộng rãi và tù mù. Có khi là tập hợp rất rộng rãi, có khi chỉ là một bộ phận nào đó mà người nói ở trong đó hoặc ở ngoài.

Ông Dương Quốc Chính đã có nhận xét đúng về danh xưng chúng ta trong phát biểu của TS Lê Kiến Thành. Ở chỗ được đánh dấu (*) thì chúng ta chỉ là nhóm lãnh đạo trong Đảng, còn trong câu: “Niềm tin và lý tưởng đã giúp chúng ta giải phóng đất nước” thì chúng ta là tập hợp rộng hơn.

Thông thường khi đọc hoặc nghe cụm từ “chúng ta”, phần lớn mọi người hiểu được “chúng ta” ở đây là tập hợp nào. Tuy vậy có một số tác giả không biết do vô tình hay cố ý mà dùng cụm từ “chúng ta” một cách lập lờ.

Trước hết cần phân biệt “chúng ta” gồm hai tập hợp chính: 1- Những người mang danh lãnh đạo và trong chính quyền. 2- Những người dân. Trong mỗi tập hợp lại chia ra một số tầng lớp.

Nói “Chúng ta hãy thức tỉnh” thì trước hết phải là những người ở cấp cao trong chính quyền. Họ phải tự thức tỉnh, được thức tỉnh đầu tiên và sâu sắc. Họ thức tỉnh rồi mới tạo đà thức tỉnh trong dân. Nếu vì quyền lợi cá nhân và nhóm lợi ích mà họ không chịu thức tỉnh, chỉ kêu gọi nhân dân thì đó chỉ là thủ đoạn bỉ ổi, đổ vấy.

Về nội dung thức tỉnh

Trước hết phải nhận thật rõ nguyên nhân và quy đúng trách nhiệm. Ông Thành phát biểu: “Và có lẽ phải rất bình tĩnh, rất chân thành, rất tha thiết, rất thẳng thắn để nhìn thẳng vào vấn đề, đối mặt với nó, chúng ta mới giải quyết được những vấn đề ấy”.

Vấn đề đó là gì? Phải chăng là những độc hại của Mác – Lê, là âm mưu thâm hiểm của Trung Cộng, rồi mới đến những thói hư tật xấu còn tồn tại trong truyền thống văn hóa dân tộc.

Thức tỉnh như thế nào? Trước hết phải để cho toàn dân mà chủ yếu là tầng lớp tinh hoa trí thức tự do tư tưởng, tự do ngôn luận (Buổi sáng ngày 5/7, tôi vừa đọc xong phát biểu của ông Thành trên mạng, vừa copy xong, xem lại thì đã bị tường lửa ngăn chặn).

Đã có nhiều bài lên án cái ác, sự tàn bạo của người dân, của công an, của chính quyền, nhưng phần lớn thông tin không đến được địa chỉ người cần biết.

Tôi thường phát biểu ý sau: “Một việc trong xã hội, dù có cần, có hay đến bao nhiêu cũng chỉ có thể thực hiện có kết quả khi nó trở thành nhận thức, tình cảm của những người có trách nhiệm ở bậc cao nhất”. Khi mà những người ấy còn lo những việc khác mà họ cho là quan trọng hơn thì những điều mà ông Thành và nhiều người nêu ra, đối với họ chỉ là vài vết ngứa ở trên da, chứ không phải là bệnh của cơ thể.

Về tham nhũng: Đó là bệnh nặng, là giặc nội xâm. Tham nhũng có nhiều loại. Tham nhũng vật chất dễ thấy, nhưng tham nhũng quyền lực, tham nhũng từ chính sách mới là ghê gớm.

Ông Chính nhận xét đúng, là CS 2.0 là nối tiếp CS 1.0. Nhưng ông lại cho rằng thời CS 1.0 ít có tham nhũng. Tôi không nhất trí với nhận định đó. Tham nhũng có trong bản chất của vô sản chuyên chính. Thời CS 1.0 chưa có nhiều vật chất thì họ tham nhũng quyền lực (trừ một số ít giữ được liêm chính nhờ phẩm chất tốt có sẵn từ trước).

Còn nhiều điều muốn bản thêm, nhưng bài đã khá dài, xin tạm dừng ở đây.

KHÔNG CÓ CS 1.0 THÌ LÀM SAO CÓ CS 2.0 ?

NGUYỄN VĂN NGHỆ/ TD 7-4-2021

Ông Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn có bài viết “Tôi cầu mong, chúng ta sẽ thức tỉnh…”. Sau khi đọc bài viết ấy, ông Dương Quốc Chính có bài bình luận Tại sao dân VN lại tàn bạo với đồng loại như vậy?. Theo ông Chính “Bài viết của ông Thành còn cho độc giả thấy rằng thời xưa (là thời ông Duẩn nắm quyền) thì chế độ ta không có tham nhũng và hết sức nhân văn, không có những tệ nạn vô đạo như bây giờ!” [1]

Ông Chính đặt câu hỏi: “Vậy tại sao chế độ hiện tại cũng là CS mà lại có nhiều tham nhũng và đạo đức xã hội xuống cấp?”. Ông Chính tự hỏi và tự trả lời: “Không có CS 1.0 thì sao có CS 2.0? Ông Duẩn có công thống nhất đất nước tức là ‘có công’ CS hóa cả nước và là tiền đề để có những gì hiện tại”[2].

Khi nói đến vấn đề tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, người ta thường dẫn lời bà cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “Ăn không từ một thứ gì!”. Câu nói ấy chỉ đề cập đến tham nhũng vật chất mà thôi.

Ông Nguyễn Đình Cống viết: “Về tham nhũng: Đó là bệnh nặng, là giặc nội xâm. Tham nhũng có nhiều loại. Tham nhũng vật chất dễ thấy, nhưng tham nhũng quyền lực, tham nhũng từ chính sách mới ghê gớm”.

Ông Cống nhận xét câu “Không có CS 1.0 thì sao có CS 2.0?” của ông Chính: “Ông Chính nhận xét đúng, CS 2.0 là nối tiếp CS 1.0. Nhưng ông lại cho rằng thời CS 1.0 ít có tham nhũng. Tôi không nhất trí với nhận định đó. Tham nhũng có trong bản chất của vô sản chuyên chính. Thời CS 1.0 chưa có nhiều vật chất thì họ tham nhũng quyền lực (trừ một số ít giữ được liêm chính nhờ phẩm chất tốt có sẵn từ trước)” [3].

Sau khi thống nhất đất nước, đúng ra thì những tướng tá không có trình độ, đảng phải cho về hưu để nhường chỗ cho những người hiền tài lãnh đạo xây dựng đất nước. Đằng này thì không, đảng vẫn trọng dụng những người “có công cách mạng” cho dù người đó không có kiến thức.

Do “tham nhũng quyền lực” cho nên nhiều người biết mình không có kiến thức, không có năng lực nhưng khi đảng giao nhiệm vụ thứ cứ nhận để rồi khi thất bại thì thốt lên: “… tôi không xin với đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác tôi cũng không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà đảng và Nhà nước giao phó cho tôi” [4].

Ông Trần Độ có những vần thơ: “Nhớ tuyên ngôn buổi đầu cách mạng/ Đảng không tham quyền chức nghênh ngang/ Cách mạng thành công, cáo lão về làng/ Vui thú điền viên, thung dung câu cá/ Hãy nhìn trông, không có ai về cả/ Cố bám quyền, giành mũ cao sang/ Bày đặt ăn chia tài lộc khang trang/ Chẳng dại gì về quê cha đất tổ”.

Từ xa xưa, trong Kinh Dịch, ở quẻ Sư viết: “Đại quân hữu mệnh, khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng”.

Sào Nam Phan Bội Châu giải thích câu ấy trong Quốc văn Chu dịch diễn giải: Sau khi giành được chính quyền thì “luận công hành thưởng, phải xem xét những người có công lao đó, ai là quân tử, ai là tiểu nhân. Kìa hạng người tiểu nhân thời nên thưởng cho nó vừa công mà thôi, chớ không nên đặt nó ở địa vị trọng yếu trong quốc gia. Bởi vì đương khi hành trận, tuy tiểu nhân, nhưng hữu tài thì nó cũng lập được chiến công. Còn khi chiến sự đã xong rồi, bắt đầu vào thời kỳ kiến thiết, tất phải người có tài lại có đức, mới gánh được việc thủ thành nổi [5].

Giải nghĩa Bản nghĩa của Trình Di về Lời Kinh “Đại quân hữu mệnh, dĩ chính công dã; tiểu nhân vật dụng, tất loạn bang dã”: Đấng đại quân cầm quyền ân thưởng, để làm cho chính cái công quân lữ, đó là sau chót việc quân; tuy là thưởng kẻ có công, nhưng với kẻ tiểu nhân thì không thể vì chúng có công mà dùng, dùng chúng ắt là loạn nước. Kẻ tiểu nhân cậy công, mà làm loạn nước, từ xưa vẫn có [6].

Tham nhũng quyền lực rất là ghê gớm, thường bắt gặp ở những loại người “đỏ” mà không “chín”: “đích thị là kẻ cơ hội, kém cỏi… nếu để họ luồn lách leo lên cao thì chỉ có một con đường đưa đất nước vào chỗ lụn bại, nên phải kiên quyết thanh lọc loại bỏ” [7].

Tham nhũng quyền lực không chỉ dừng lại ở thế hệ F1 mà họ cố duy trì để truyền sang thế hệ F2, F3… với tư tưởng “con vua thì lại làm vua”. Do đó Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn khi chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp: “Không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống quan liêu”.

Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa

Chú thích:

[1][2] https://baotiengdan.com/2021/04/04/tai-sao-dan-viet-nam-lai-tan-bao-voi-dong-loai-nhu-vay/

[3] https://baotiengdan.com/2021/04/06/nghi-ve-tieu-de-chung-ta-hay-thuc-tinh/

[4] https://new.zing.vn/10-phat-ngon-an-tuong-cua-thu-tuong-nguyen-tan-dung-post639078.html

[5] Phan Bội Châu, Quốc văn Chu dịch diễn giải, Nxb Văn học, tr. 132-133

[6] Kinh Dịch trọn bộ, Ngô Tất Tố dịch và chú giải, Nxb Văn học, tr. 212-213

[7] https://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/van-dung-cau-dung-thay-do-ma-tuong-chin-vao-cong-tac-can-bo-141092

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét