Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

20210419. BÀN VỀ 'TRÍ THỨC' VÀ 'PHẢN BIỆN'

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TRÍ THỨC VÀ TIẾNG NÓI PHẢN BIỆN

TẠ DUY ANH/ BVN 13-4-2021


Trong bất cứ xã hội nào, thì bộ phận có học vấn luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với mọi lĩnh vực. Điều đơn giản này thiết tưởng chẳng cần phải nhắc lại. Nhưng thực tế lịch sử luôn khiến chúng ta không được yên lòng, chủ quan với bất cứ nhận định nào.

Số phận của trí thức luôn gắn liền với số phận của những cộng đồng, quốc gia cụ thể, nơi anh ta là thành viên. Trong những xã hội lạc hậu, bảo thủ, trí thức luôn bị dị nghị, bị nghi ngờ, bị lánh xa, thậm chí bị coi thường, bị biến thành kẻ thù nguy hiểm, như chúng ta từng thấy, đang thấy và chắc chắn sẽ còn thấy. Các đấng quân vương, những kẻ độc tài thường đòi hỏi mọi thần dân đều phải nhất nhất tin theo ông bà ta, cấm bàn cãi. Mọi lời ông bà ta ban ra là chân lý cuối cùng, bất khả tư nghị, không ai có quyền nghi ngờ tính đúng đắn tuyệt đối của nó. Trí thức trong những xã hội ấy thường đóng vai trò làm vật trang trí, không có tiếng nói, hoặc quay sang quy phục quyền lực để vinh thân phì gia, chấp nhận làm cái loa cho nó, trở thành những kẻ xu nịnh hèn mạt.

Trong khi đó, trí thức là “kho trí khôn” là “túi càn khôn”, là “mỏ trí tuệ” của những xã hội văn minh, nơi đề cao tiếng nói phản biện. Tại đó, trí thức và giới trí thức không chỉ là những người cung cấp ý tưởng, tư tưởng, các sáng kiến, vạch ra kế sách, can dự vào các chính sách, mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị tinh thần cao quý như đạo đức, lẽ phải, sự tiến bộ, định hình chiến lược giúp quốc gia hướng tới tương lai.

Vậy trí thức thực chất là ai?

Có khá nhiều định nghĩa thế nào là một trí thức? Theo tiêu chí học vấn và có vẻ cũng dễ được chấp nhận nhất, thì trí thức là người có bằng cấp, có học hàm học vị. Theo tiêu chí công việc, thì trí thức là những người chuyên nghiên cứu, phát minh, sáng chế, quản lý, truyền thụ kiến thức....nghĩa là làm việc bằng cái đầu. Rồi với mỗi chế độ xã hội lại có những định nghĩa khác nhau, theo quan niệm riêng của mình, về trí thức.

Một trí thức lớn (mà tôi không nhớ tên) có một cách nói rất hay, làm nổi bật chân dung của một trí thức. Ông bảo rằng: Người nghĩ ra bom hạt nhân, chắc chắn phải là một bác học. Nhưng nếu anh ta không thấy trước để cảnh báo về tai họa của bom hạt nhân với nhân loại, thì anh ta chưa phải là một trí thức!”

Một người học đầy mình, có đủ kiến thức đông tây kim cổ nhưng nếu thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu đạo đức, vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì vẫn chưa phải là một trí thức.

Sự quan trọng của trí thức trước hết bởi họ vốn là những người luôn có óc hoài nghi. Người bình thường, những kẻ ít học, có thể yên phận tin theo số đông, nhưng một trí thức thì không, hoặc không dễ tin theo. Thậm chí anh ta sẵn sàng chống lại tất cả để bảo vệ quan điểm, chính kiến của mình.

Nhưng giá trị đích thực, giá trị lớn nhất của trí thức lại ở chính cái phẩm chất ấy?

Thứ hai, trí thức là những người có tầm nhìn xa, có tư duy sắc bén, nhạy cảm với mọi thay đổi. Họ là những người đoán định được tương lai dựa trên những suy tưởng mang tính triết học.

Nhưng có lẽ quan trọng nhất, trí thức là nguồn ánh sáng dẫn dắt sự phát triển lành mạnh của xã hội. Một xã hội không phát triển, chắc chắn là một xã hội không có tương lai. Nhưng sự phát triển thiếu dẫn dắt, thiếu trí tưởng tượng lại rất dễ gây thảm họa, tạo ra thứ chúng ta gọi là nhân tai, thậm chí còn nguy hiểm cả hơn thảm họa thiên tai, như chúng ta vẫn thấy.

Chính vì những điều đó mà tiếng nói của trí thức luôn vô cùng quan trọng. Nó cần thiết vào mọi thời điểm, mọi không gian quyền lực chính trị, văn hóa, với mọi thể chế xã hội. Trước mỗi vấn đề lớn của quốc gia, liên quan đến hàng triệu người, thì tiếng nói của trí thức càng phải được lắng nghe một cách nghiêm túc và chân thành.

Trên thực tế, thì tiếng nói quan trọng nhất của trí thức thể hiện ở những ý kiến phản biện.

Tuy được nhắc đến hàng ngày, nhưng không nhiều người hiểu thấu đáo từ phản biện, hành động phản biện. Vì nó có từ “phản” (luôn được hiểu là chống lại) nên thường phản biện bị gán cho nghĩa tiêu cực. Tiêu cực nhất mà người ta hay quy cho phản biện, là nó làm thất tán sự tập trung, phá rối, gây mất đoàn kết của cộng đồng khi thực hiện một công việc, một chính sách nào đó!

Vậy phản biện cần được hiểu thế nào?

Trước hết, phản biện là một tư duy, một thái độ và một quyền. Trong từ điển Đào Duy Anh, thì phản có nhiều nghĩa: Trái; Trả lại; Trở về; Tự xét. Còn từ biện có các nghĩa: Xét rõ để phân biệt; Tranh luận phải trái; …Ghép hai từ lại với nhau thành Phản biện, có thể hiểu là đưa ra một cái nhìn trái chiều mang tính tranh luận, trên cơ sở học thuật và trách nhiệm, để tìm ra những chỗ sai, những chỗ chưa hợp lý, những chỗ chưa chuẩn xác, chưa khôn ngoan, chưa hợp thời… (của một quan điểm, một chính sách nào đó) rồi cùng nhau đạt đến mức hoàn thiện nhất có thể. Như vậy từ sâu trong bản chất, phản biện mang tính trách nhiệm và tinh thần xây dựng, chứ không như nhiều người cho rằng nó nhằm chống lại, phá rối?

Đã phản biện thì đòi hỏi đầu tiên phải có chính kiến. A dua, nói theo thì còn phản biện nỗi gì! Bởi vì a dua là một hình thức xu thời, chắc chắn mang động cơ vụ lợi cá nhân.

Tiếp theo, muốn phản biện, phải có nền tảng học vấn tốt, có tư duy độc lập, không chấp nhận bất cứ CHỈ ĐẠO định hướng nào, của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào.

Cuối cùng, người đưa ra ý kiến phản biện phải là người có tư cách đạo đức, có tinh thần tự do.

(Chiếu theo các tiêu chí này, thì liệu chúng ta có bao nhiêu trí thức, bạn đọc hãy tự trả lời. Rất nhiều người có bằng cấp đầy mình, có hàng chục danh hiệu sang trọng về học vấn đi kèm nhưng thực sự họ chỉ là KẺ GIÚP VIỆC).

Vì sao cần tiếng nói phản biện?

Trên thực tế không có bất cứ thứ gì là hoàn hảo, vì thế bất cứ thứ gì muốn tiến tới hoàn hảo, cũng cần được soi xét nhiều chiều. Một mô hình phát triển, một đường lối, một chính sách, một điều luật, một chủ trương… có ảnh hưởng lớn đến xã hội, cho dù nhóm soạn thảo có tài giỏi đến đâu, cá nhân nào đó có là thiên tài, thì vì đặc tính “nhân vô thập toàn” của con người, không thể nào bao quát được toàn bộ sự đúng đắn. Sự giới hạn về mặt không gian, thời gian, văn hóa… cũng luôn là một vật cản chắn tầm mắt của những người trong cuộc.

Khi đó nó cần các nhà phản biện, như những người có thể giúp họ thoát ra khỏi vấn đề để nhìn nó từ bên ngoài, từ nhãn quan khác, từ phía ngược lại. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của phản biện không phải là để tranh hơn tranh kém về tầm vóc học vấn, không phải nhằm tìm cách bôi nhọ, giễu cợt nhau, không nhằm xóa bỏ vô lối, vô lý mà để hoàn thiện thứ bị phản biện.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến lời của một vĩ nhân: “Dân tộc nào thiếu vắng những nhà phản biện lớn, thì đó là dân tộc đại vô phúc”.

Một đảng phái, một chính thể luôn tuyệt đối hoá mình, tự coi mình là đỉnh cao trí tuệ, là chân lý thời đại để từ đó coi mọi ý kiến không giống mình là sai trái rồi tìm mọi cách đàn áp bằng bạo lực, sẽ không bao giờ có tương lai.

T.D.A.

Nguồn: FB Lao Ta

CÒN ĐÂU NHỮNG TIẾNG NÓI PHẢN BIỆN ?

NGÔ ANH TUẤN/ TD 8-4-2021

Trên nghị trường, những đại biểu có năng lực, cương trực, thẳng thắn, dám đứng về phía dân để nói lên suy nghĩ của dân thì ngày càng rơi rụng dần vì nhiều lý do khác nhau: người thì quá tuổi, người thì cho rằng mình đã ngồi quá lâu ở đây rồi, dành phần cho lớp trẻ, người thì rút lui để tập trung cho công việc chuyên môn mà mình đam mê…

Nghe qua, lý do nào cũng hợp lý, thuyết phục cả nhưng đằng sau đó là những tâm sự khó giải bày. Chỉ biết rằng, khi vắng mặt những gương mặt ấy, các phiên họp Quốc hội ắt sẽ yên ắng hơn.

Ngoài xã hội, những người bất đồng chính kiến bị bắt giữ, xử lý ngày một nhiều hơn và không có sự phân biệt bất kỳ thành phần, độ tuổi nào. Có vẻ như người lớn tuổi không phải là đối tượng được “nương nhẹ” khi mà thời gian vừa qua, số người bị bắt đang bị “già hoá”. Không có sự giải thích, không có lời đối thoại nào với những người có suy nghĩ khác biệt, chỉ có những cuộc bắt bớ, xử lý, tù tội mà thôi. Có vẻ như người ta đang mất kiến nhẫn với những tiếng nói trung thực nhưng khó nghe. Từ việc một số người bị bắt bớ khiến cho những người xung quanh lo sợ và không mấy ai còn mặn mà với những chuyện bao đồng nữa.

Ngay cả trên không gian mạng, những tiếng nói phản biện đang mất dần. Nhiều hot Facebooker cũng đã chuyển hướng, bẻ lái khi không viết những gì liên quan tới vấn đề được xem là “nhạy cảm” nữa. Có thể, mạng xã hội đã ít nhiều giảm đi những thông tin thiếu kiểm chứng nhưng việc siết chặt thông tin quá mức cần thiết bằng những chế tài nặng đã khiến cho nhiều người viết run tay. Những tiếng nói phản biện đang hiếm và lạc lõng dần trong xã hội. Tôi có chút lo lắng cho thế hệ hiện tại và kế tiếp khi mà rất, rất nhiều người đã mất đi khả năng phản biện, phản kháng phi bạo lực mà chỉ thụ động tiếp nhận thông tin một chiều.

Ngày xưa, khi cụ Hồ thành lập Chính phủ mới, cụ đã đích thân đi mời những nhân vật tài năng của chế độ cũ để giúp chính quyền mới phục vụ công cuộc phục hưng đất nước. Tôi không đánh giá hiệu quả của chính sách ngày ấy nhưng tôi đánh giá cao thiện chí, cách làm của cụ – điều đó không chỉ là không bỏ phí tài năng mà nó còn thu phục được lòng người. Còn giờ đây, có vẻ như chúng ta đang nặng về tuyên truyền một cách giáo điều, sách vở chứ không học được, cũng không làm theo được những gì tốt đẹp mà tiền nhân đã làm. Có vẻ như chính quyền ngày càng xa dân, ít lắng nghe dân mà chỉ dùng mệnh lệnh quyền uy và đội ngũ tuyên truyền một chiều mà không hiểu được rằng, cách làm đó đã lỗi thời từ lâu.

Tôi đã từng có suy nghĩ rằng một số bạn cùng thời với tôi và cả bản thân tôi nữa có thể có ích và hoàn toàn có thể giúp được chút gì đó cho sự thay da đổi thịt của chính quyền (cơ sở hoặc trung ương). Nhưng tới giờ tôi đã hiểu, có vẻ như chúng tôi cũng là người thừa và những lời nói, đề xuất của chúng tôi, nếu có cũng bị để ngoài tai. Vậy nên, chính tôi cũng ngày càng thay đổi, càng hờ hững hơn với những gì xảy ra xung quanh – Điều ấy, nó có thể giảm bớt sự lo lắng của người thân, gia đình đối với sự an nguy của tôi nhưng về lâu dài, nó không tốt cho sự vận động của đất nước vì nếu ai cũng hờ hững, vô trách nhiệm, xã hội sẽ tù túng, đất nước sẽ dần suy tàn…

CHUYỆN BẮT BỚ, ĐÀN ÁP Ở VN: VÌ SAO NGƯỜI NÀY BỊ BẮT, NGƯỜI KIA THÌ KHÔNG ?

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 29-3-2021

Người này bị bắt, người kia thì không

Trả lời câu hỏi, tại sao một người bị bắt ở một xứ không có luật pháp như Việt Nam là một câu hỏi khó trả lời. Một người bị bắt có thể vì viên chức địa phương tại nơi người đó cư trú bị khó ở, hay là vì nằm trong “chương trình hành động chào mừng đại hội đảng”, chẳng hạn.

Nhưng có một điều chắc chắn là, nhà cầm quyền CSVN sẽ bắt người nào mà họ đánh giá là mối nguy cho sự cầm quyền của họ. Các yếu tố sau đây làm cho người cộng sản thấy rằng, việc cầm quyền của họ đang bị đe dọa: Những người lên tiếng phê phán nhà cầm quyền CSVN có đầu óc tổ chức, có liên kết với các hội nhóm, tổ chức trong và ngoài nước, hoặc phát ngôn của họ ảnh hưởng đến số đông…

Điểm lại những người đã bị bắt, hay trục xuất ra nước ngoài lâu nay, ta thường thấy họ nằm trong các trường hợp này. Bà Cấn Thị Thêu có khả năng ảnh hưởng đến nông dân, là dân oan mất đất, mất nhà; bà Nguyễn Thị Nga từng liên quan đến những tổ chức công nhân; cô Phạm Đoan Trang; ông Phạm Chí Dũng có khả năng ảnh hưởng tới nhóm dân chúng có học thức…

Một biện pháp cũng thường được nhà cầm quyền sử dụng là cô lập một người có ảnh hưởng, bằng cách này hay cách khác, thay vì bắt giam, nhất là khi người đó có uy tín rộng rãi trong và ngoài nước, dễ gây áp lực từ các tổ chức quốc tế.

Căn cứ vào những thông tin trên mạng xã hội, có thể thấy, nhiều người ồn ào hơn những người khác, nhưng họ lại không bị bắt. Những người ồn ào, nhưng không tham gia hội nhóm, không có tổ chức nào đứng sau lưng, tuyên bố phát ngôn của họ không lan rộng hay ảnh hưởng trong dân chúng,… thì an ninh cứ để họ đó, không cần đụng tới. Hoặc những tổ chức chỉ có tiếng, mà không có thực lực, thì nhà cầm quyền vẫn “để đó”, chưa làm gì họ.

Việc “để đó” còn có một điều lợi khác cho những người cầm quyền là, sẽ tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau giữa những người trong phong trào tranh đấu. Tiểu xảo này cũng thường được sử dụng trong các trại tù cải tạo sau năm 1975. Chỉ cần một hành động nhỏ, như cho người tù này thêm một miếng bánh, hay gọi họ lên nói chuyện nhiều lần,… cũng đủ để tạo sự nghi kỵ giữa những người tù chính trị với nhau.

Việc “để đó” cũng có nghĩa là bắt bớ lúc nào cũng được, khi nhà cầm quyền thấy đến lúc cần bắt.

Các vụ đàn áp, bắt bớ đông đảo nhất, có lẽ đến từ những cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay, chống luật đặc khu hồi mùa hè năm 2018, với hàng trăm người (có thông tin nói là hàng ngàn người) bị bắt. Nhưng việc bắt bớ này được nhà cầm quyền cộng sản thực hiện tinh vi hơn các chính thể độc tài phi cộng sản, đó là họ không bắt ngay lập tức một số đông, mà kéo dài thời gian bắt bớ và bắt kín đáo. Điều này không gây phản ứng mạnh trong xã hội.

Các tổ chức bị đàn áp khác nhau

Các tổ chức cũng thay đổi theo thời gian. Có những tổ chức khi mới thành lập bị những người cộng sản chú ý, theo dõi, nhưng theo thời gian thì họ thấy, các tổ chức này không có ảnh hưởng nhiều, nên tạm được để yên.

Có hàng chục tổ chức khác nhau như vậy, chỉ thật sự tồn tại trên mạng xã hội, mà mạng xã hội co cụm họ lại với nhau, cộng với sự tuân thủ nhà cầm quyền của các công ty mạng xã hội trong việc kiểm duyệt nội dung, làm cho sức lan tỏa của những tổ chức này, dù chỉ mới là ý tưởng, cũng không được bao nhiêu.

Cần lưu ý rằng, các phe phái trong đảng CSVN khi tranh giành quyền lực, có khuynh hướng triệt tiêu lẫn nhau, không chỉ trong phạm vi đấu đá nội bộ, mà họ còn tìm cách để lộ ra ngoài, phô bày trước công chúng, để tạo ảnh hưởng. Mọi người từng chứng kiến những nhóm như Quan Làm Báo, Chân Dung Quyền Lực… xuất hiện trước các kỳ Đại hội Đảng, mang hình thức đấu tranh chống tham nhũng, độc tài, nhưng quan sát kỹ, có thể thấy các phe phái đánh nhau rất rõ. Rõ nhất là, các nhóm này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, khi các ghế đã phân chia xong, thì các nhóm này cũng biến mất.

Trường hợp giáo hội Công giáo lại là một ngoại lệ trong việc đàn áp các tổ chức ở Việt Nam. Giáo hội Công giáo có sự độc lập riêng của mình nhờ cơ cấu tổ chức chặt chẽ nên không bị người cộng sản thao túng nhiều như Phật giáo. Giáo hội Công giáo đã đi đầu trong những cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra ở bốn tỉnh miền Trung, nơi giáo hội này vốn rất mạnh từ xưa đến nay.

Kinh nghiệm cho những người cộng sản biết rằng, họ đã từng thất bại khi đàn áp vùng Bùi Chu – Phát Diệm, hay để xảy ra vụ nổi dậy ở Quỳnh Lưu, sau cải cách ruộng đất. Cách đối phó với giáo hội hiện nay của đảng Cộng sản là họ làm việc với các linh mục và Vatican. Nhưng giáo hội Công giáo không ảnh hưởng nhiều đến đại đa số dân chúng Việt Nam.

Nhận xét chủ quan của tôi, sau một thời gian dài, đàn áp, triệt tiêu các tổ chức đối lập, hiện nay trong nước không còn tổ chức nào thật sự có hoạt động một cách quy cũ để đối đầu với đảng CSVN. Với những yếu tố khách quan khác nhau trong vài năm qua, như dịch bệnh, biến động trong chính trường Mỹ,… đảng CSVN đã thành công trong việc đàn áp các tổ chức và các cá nhân chống đối. Ông David Brown, một nhà quan sát Việt Nam, là cựu viên chức ngoại giao Mỹ, có nhận xét rằng, sự phục hồi của phong trào đối kháng ở Việt Nam rất khó đoán.

Nhưng tôi nghĩ, kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ thay đổi nhanh trong thời gian tới, với chuyển dịch cơ cấu địa chính trị và kinh tế toàn cầu, với sự phát triển của tầng lớp công nhân và cư dân thành thị, sẽ có những yếu tố bất ngờ mới xuất hiện trong tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam.

SOI NGUYỄN THÚY HẠNH VÀO XÃ HỘI

MẠC VĂN TRANG/ BVN 18-4-2021

Từ khi Nguyễn Thúy Hạnh bị công an bắt ngày 7/4/2021, xã hội đã nhìn vào Thuý Hạnh với nhiều quan điểm và bày tỏ ý kiến khác nhau. Nay thử lấy Nguyễn Thúy Hạnh soi vào xã hội xem sao?

Vài nét về Nguyễn Thúy Hạnh

Nguyễn Thúy Hạnh sinh ngày 5/5/1963. Khi Thúy Hạnh 5 tuổi và chị gái 7 tuổi thì bố mất, mẹ mới 27 tuổi và đi bước nữa. Thúy Hạnh và chị sống với ông bà nội. Ông nội tuy đỗ Tú tài Tây, là cán bộ cách mạng, nhưng rất nghiêm khắc, rèn giũa các cháu từng lời ăn, tiếng nói, từng cử chỉ theo tiêu chuẩn “công, dung, ngôn, hạnh” kiểu Á Đông. Chị em Thuý Hạnh cảm thấy căng thẳng và cô đơn, lại càng thương nhớ Mẹ và buồn tủi vì mồ côi cha, vắng mẹ… (Thuý Hạnh viết, lúc lâm chung, ông rất ân hận, đã làm mất tuổi thơ của các cháu).

Bà nội là y sĩ quanh năm suốt tháng tận tâm cứu giúp những người bệnh tật. Chị em Thuý Hạnh đã thấm nhuần và thừa hưởng lòng thương người, cứu giúp người vô điều kiện từ bà nội.

Thuý Hạnh là cô bé yếu đuối, đa cảm, nên nỗi cô đơn thiếu cha vắng mẹ đã khiến cô rơi vào trầm cảm, không muốn giao tiếp với ai, sống thầm lặng với nội tâm khép kín với bao nỗi niềm tâm tư.

Thuý Hạnh luôn là “trò giỏi văn, cháu ngoan Bác Hồ”. Hết THPT muốn theo nghiệp của bà nội, Hạnh vào học Trung cấp ngành Y; nhưng tốt nghiệp rồi, thấy kinh tế thị trường sôi động, hấp dẫn, Hạnh lại học tiếp ĐH ngoại thương và ĐH Ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thuý Hạnh làm cho công ty quốc doanh dịch vụ du lịch. Vào năm 2000, Thuý Hạnh chuyển qua làm Giám đốc đối ngoại cho công ty mía đường KCP thuộc tập đoàn KCP Ấn Độ, đến năm 2015 thì nghỉ hưu.

Thuý Hạnh có mặt trong phong trào xã hội dân sự từ năm 2008, khi tham gia hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông; biểu tình bảo vệ cây xanh Hà Nội, biểu tình bảo vệ môi trường biển; biểu tình chống luật đặc khu; biểu tình đòi hỏi dân chủ, nhân quyền. Từ khi tham gia vào các phong trào xã hội dân sự, Thuý Hạnh thấy niềm vui khi hoà nhập vào xã hội, thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn…

Từ năm 2011 đến năm 2018, cùng với các hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, Hạnh còn lo cứu giúp những người dân oan khó khăn, người hoạt động xã hội bị đánh đập, tù đày. Ban đầu Hạnh bỏ tiền túi ra giúp đỡ trực tiếp các nạn nhân. Sau này số lượng nạn nhân tăng lên nhiều, và Hạnh đã về hưu, không đủ tiền để giúp nên kêu gọi nhiều người đóng góp.

Năm 2014, Hạnh tham gia Quỹ cứu giúp dân oan, năm 2018, Hạnh lập ra quỹ 50K để giúp đỡ tất cả các gia đình tù nhân lương tâm gặp khó khăn khi lao động chính trong nhà bị bắt đi tù. 50K là 50.000 đồng, là số tiền tối thiểu có thể đóng vào hoặc chuyển vào tài khoản ngân hàng. Hạnh kêu gọi đóng 50 ngàn đồng, để có số đông người tham gia đóng góp, đồng thời với số tiền ít ỏi đó, người đóng góp không sợ nhà cầm quyền đàn áp, bắt bớ.

Mỗi tháng, Hạnh quyết toán Quỹ 50K từ 2 đến 3 lần. Số dư nếu có của đợt quyết toán trước, nhập vào đợt quyết toán sau. Danh sách người gởi cùng số tiền đóng góp, và danh sách người nhận cùng số tiền nhận, được đưa lên công khai sau mỗi đợt quyết toán, ai cũng có thể vào kiểm tra được.

Do cách làm công khai minh bạch như vậy, quỹ 50K đã tạo ra uy tín lớn, được mọi người tin cậy, nên ngày càng lan rộng trong cộng đồng trong và ngoài nước …

Soi Thúy Hạnh vào xã hoội thấy gì?

1. Nếu Thuý Hạnh sống AN PHẬN, kệ sự đời, cô có thể rất “ung dung tự tại”, ở một căn hộ sang trọng, còn mấy căn cho thuê; lương hưu 8 triệu đồng một tháng và tiền lãi từ tiền gửi tiết kiệm, tha hồ ăn chơi sành điệu, du lịch trong nước, ngoài nước khắp nơi, làm đẹp, đưa hình lên facebook và tự ngắm mình, mãn nguyện với hàng ngàn like và “còm”: “cô em sinh tươi quá”, “tuyệt vời chị ơi”, “người trẻ mãi không già”… Nhưng Thuý Hạnh thuộc kiểu người không thể nào sống, ngày lại ngày như thế được!

2. Nếu Thuý Hạnh muốn thành một QUÝ BÀ DOANH NHÂN cũng không khó. Cô có hơn 15 năm làm Giám đốc đối ngoại cho một Công ty lớn liên doanh nước ngoài; từng lăn lộn cứu nguy cho Công ty để có uy tín và hưởng lương cao. Đồng thời cô cũng đầu tư kinh doanh hiệu quả để có thể gọi là một doanh nhân thành đạt. Cô có thể lên tivi Talk show về kinh nghiệm kinh doanh của một doanh nhân, một CEO; có thể giao tiếp với giới doanh nhân trong các sự kiện đình đám; có thể đến những khách sạn 5 sao, vũ trường sang trọng và khối “phi công trẻ” bám theo… Nhưng cái “tạng” của Thuý Hạnh không thích hợp với mẫu người đó. Chính lúc có nhiều nhà, đất, nhiều tiền nhất là lúc Thuý Hạnh giật mình, sợ hãi, có thể “đánh mất mình chăng”? Vì cô luôn coi trọng, tìm kiếm những giá trị tinh thần chứ không phải vật chất! Và cô đã buông bỏ dần để trở lại với chính mình, tìm lại bản tính của mình…

3. Nếu Thuý Hạnh muốn thành THI SĨ? Tôi biết Hạnh có làm thơ nhưng không đăng lên FB. Chồng cô, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết, Hạnh làm rất nhiều thơ trên điện thoại, khá nhiều bài hay, bảo cô in ra thành tập Thơ cho các con và bạn bè đọc, nhưng Hạnh không chịu.

Năm 16 tuổi, ngay bài thi vào lớp Mười THPT, bài văn viết về Mẹ của cô được điểm 10 tuyệt đối và cô được bồi dưỡng thành học sinh “chuyên văn”… Với tâm hồn văn chương phong phú, lãng mạn, trái tim đa cảm và thích sống cô đơn với nội tâm của mình, tôi tin Thuý Hạnh có nhiều bài thơ, câu thơ hay. Nếu Thuý Hạnh xuất bản thơ, gửi thơ dự thi và với vóc dáng dễ thương, quan hệ khéo léo lại sẵn tiền tài trợ cho Hội, Thơ cô có thể được giải, được thả lên trời xanh trong “Ngày Thơ Việt Nam”… Và khối nhà thơ uy tín, đa tình sẵn sàng viết bài ngợi ca thơ Thuý Hạnh. Thuý Hạnh lại sinh ra và lớn lên từ “cái nôi của Tự lực Văn đoàn” ở Cẩm Giàng càng thêm cơ sở hấp dẫn để cô có cơ hội trở thành một Nữ Thi sĩ đình đám trên “Thi trường”. Cô sẽ là khách VIP khi về thăm trường cũ, với bài nói chuyện về văn thơ đầy quyến rũ trước những cặp mắt ngưỡng mộ của hàng ngàn học sinh… Chắc chắn thơ của TH không phải là “Tôi học lớp 10 C Cẩm Giàng”…

4. Nếu Thuý Hạnh CƠ HỘI CHÍNH TRỊ, muốn làm “chính khách” cũng không khó. Cô sống với ông bà nội, một gia đình cách mạng, lý lịch có giá; cô lại lại là một doanh nhân sẵn sàng bỏ ra chục tỷ “quan hệ” để được vào danh sách bầu ĐBQH chính thức; với dáng vẻ dễ thương, trẻ trung, năng động, trình độ Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại ngữ (tiếng Anh), lại tên vần “H” xếp quãng giữa danh sách, có thể trúng cử trên 90% số phiếu ấy chứ!

Là học sinh chuyên văn, những bài phát biểu của cô, chả cần nhờ thư ký viết, chắc cũng khác xa tầm nhiều chính khách cắm cổ đọc ngập ngà ngập ngọng một bài thư ký viết sẵn; chắc cô không phát biểu những câu ngớ ngẩn làm trò cười cho thiên hạ; và khéo quan hệ, cô có thể là Trưởng ban đối ngoại của Quốc hội hơn khối người, vì cô từng làm Giám đốc phụ trách PR cho một công ty lớn, với vốn tiếng Anh giao tiếp tốt; cô từng được ông nội rèn giũa phẩm hạnh của người phụ nữ Á đông nên từng cử chỉ, lời ăn, tiếng nói chắc là chuẩn mực; cô mà dẫn Tổng thống Mỹ thăm ao cá Bác Hồ, sẽ vừa đi vừa giải thích cho tổng thống hiểu, vừa hướng dẫn tổng thống cho cá ăn sao cho thư thái, cảm nhận sự bình an, vui thú, chứ không đổ ụp cả xô thức ăn và nguẩy nguẩy đi như giận dỗi! Còn cô muốn có 200 chứ 500 bộ áo dài cũng sẵn có…

Nhưng Thuý Hạnh không thể nào là kẻ “cơ hội chính trị”. Năm 2016 cô tự ra ứng cử QH là vì thực sự thấy trách nhiệm công dân, muốn là một đại diện thực sự của dân, cất tiếng nói của lòng dân. Tất nhiên những người Như Thuý Hạnh mà ứng cử vào Quốc hội thì vừa bị loại ngay từ “vòng gửi xe” vừa bị chính quyền thù ghét (!).

5. Nếu Thuý Hạnh muốn BỎ NƯỚC RA ĐI cũng thật dễ dàng. Con trai lớn của cô có bằng Thạc sĩ bên Pháp; con thứ hai có bằng Đại học bên Mỹ và đã có việc làm với lương cao, có thẻ xanh… Khi đủ điều kiện họ sẽ đàng hoàng bảo lãnh cho cô sang với con. Còn muốn “đi tắt đón đầu” như mấy đương kim ĐBQH bằng cách mua quốc tịch thì Thuý Hạnh cũng đủ tiền. Nhưng Thuý Hạnh có bao giờ muốn rời bỏ đất nước mà cô yêu cháy bỏng và cũng vì quá yêu nước mà phải dấn thân đấu tranh cho những điều tốt đẹp. Cô chỉ tha thiết làm một công dân YÊU NƯỚC, THƯƠNG NÒI chứ không thể khác, dù biết rằng khổ ải, hiểm nguy luôn rình rập.

Vậy mà:

– Có những người thấy hình Thúy Hạnh ngày 8/7/2012, giương lá cờ đỏ sao vàng đi biểu tình chống Trung cộng xâm lăng, là quy ngay cho cô là “tay sai cộng sản”, “đã là cộng sản không thể tử tế”, “đấu tranh giả hiệu kiếm vé đi Mỹ” (?)… Những người này không hiểu rằng, Liên Xô sụp đổ, các nước cộng sản Đông Âu chuyển đổi chế độ đều chủ yếu do những người vốn là cộng sản làm thay đổi lịch sử. Những người này sao hiểu được bà Angela Merkel từng là cán bộ Đoàn TN Tự do CHDC Đức, lại có thể làm Thủ tướng CHLB Đức hơn 15 năm với uy tín lớn lao? Hơn nữa chính Thuý Hạnh viết rằng, năm 2008 cô vẫn là “bò đỏ”, rồi mới tự giác ngộ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Những đầu óc định kiến, hận thù, không hiểu được những điều này, cứ u mê như vậy thì hy vọng gì cho hoà hợp dân tộc, dân chủ, nhân quyền?!

Có thể là hình ảnh về 3 người và mọi người đang đứng

– Có những kẻ chuyên suy bụng ta ra bụng người, nói Thuý Hạnh “vô nghề nghiệp”, lợi dụng quỹ 50k để sống an nhàn và mua mấy căn hộ cao cấp… Loại cặn bã xã hội chuyên nghề bôi nhọ, vu khống những người tử tế một cách bỉ ổi, chẳng nói làm gì, nhưng đây là “nhà báo” ký tên QUANG MINH, báo Nhân Dân mới càng khốn nạn chứ.

– Một chính quyền tự xưng là “của dân, do dân, vì dân”, có bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 và Chương 2 Hiến pháp (2013) tiến bộ, nhưng lại chuyên dùng mưu hèn, kế bẩn, đầy đoạ những người như Thuý Hạnh vào ngục tù, thì chỉ chứng tỏ bản chất thấp kém của chính quyền đó trước bàn dân thiên hạ và trước lịch sử.

Các thế lực đen tối không thể nào bôi nhọ, khuất phục được Nguyễn Thuý Hạnh vì cô yêu nước, thương dân với tâm hồn trong sáng, với trái tim bao dung, tràn đầy yêu thương và ứng xử cẩn trọng. Có người thân nào, có bạn bè, đồng chí nào, có ân nhân nào của Thuý Hạnh nói những điều không tốt về cô không?

M.V.T.

Nguồn: FB Mac Van Trang

Đọc thêm:

Thúy Hạnh và tôi 

Nguyễn Kim Chi

Ngày tôi còn sống ở Hà Nội, Hạnh có thời gian là chạy lại nhà tôi. Hạnh hay chia sẻ với tôi những buồn vui và Hạnh thích nghe tôi kể chuyện. Chúng tôi là đôi bạn vong niên thân thiết. Hạnh thích những bữa cơm đạm bạc ở nhà tôi.

Rồi biến cố lớn xảy ra với tôi. Khi anh Vũ Linh mất, biết tôi đã trao lại ngôi nhà ở Hồ Tây cho các con của anh ấy và chuẩn bị về Nam với con gái tôi thì Hạnh chạy tới thăm tôi ngay. Hạnh hỏi tôi:

- Sao cô không chia tài sản mà lại cho hết đi? Cô tuổi cao, sức yếu lại không tiền bạc thì cô sẽ sống ra sao?

- Cô cần sự bình yên hơn, con ạ.

Hạnh khóc. Trước khi chia tay, Hạnh ôm lấy tôi và nói:

- Cô phải hứa với con là khi nào gặp khó khăn thì gọi cho con nhé. Tôi nắm tay Hạnh:

- Cô hứa.

- Đã gần 5 năm rồi tôi về lại Sài Gòn. Mấy lần vào Nam, vợ chồng Hạnh không quên ghé thăm tôi và lúc nào cũng có quà cho tôi.

Từ ngày Hạnh phụ trách quỹ 50k thì cô nàng bận đầu tắt mặt tối. Cảm động vì tấm lòng nhân ái của Hạnh, tôi cũng dành dụm để đóng góp. Tôi không có nhiều tiền nên thường chỉ góp 500.000 đồng. Nhiều lần Hạnh nói với tôi:” Con đề nghị U từ đây không gửi tiền vào quĩ 50k nữa. U làm gì có tiền mà cứ gửi mãi thế. Mỗi lần nhận tiền của U là con lại khóc thương U”

- U có tiền thì mới sống được chứ. U không có nhiều. Nhưng U vẫn dành dụm để làm việc nghĩa. U muốn bày tỏ lòng biết ơn những người anh em đã dám dấn thân cho chúng ta sống. Cho u học tập lòng nhân ái của con đi.

Thế là Hạnh lại rơi nước mắt:

- Con thương u lắm, u ơi!

Tôi luôn nghĩ Hạnh như một vị Bồ tát tái sinh. Hạnh luôn sống vì người khác.

Vậy mà người ta lại vu cho Hạnh biển thủ quĩ 50k để làm giàu! Kẻ vu khống ác quá! Kẻ ngậm máu phun người rồi mai này không thoát cảnh đoạ địa ngục.

Hạnh ơi! Mong con được bình an trong chốn lao tù.

17/4/2021

Có thể là hình ảnh về 2 người và mọi người đang đứng


N.K.C

Nguồn: FB Nguyễn Kim Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét