Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

20210417. LẠI BÀN VỀ TÂN THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TÂN THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH 'QUYẾT ĐOÁN' LÀ 'QUYẾT ĐOÁN' THẾ NÀO ?

QUỐC PHƯƠNG/ BBC 6-4-2021


Ông Phạm Minh Chính đã có bước thăng tiến quan trọng khi từ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng được bầu vào vị trí Thủ tướng Chính phủ Việt Nam

Có ý kiến và kỳ vọng cho rằng tân Thủ tướng Việt Nam là một người quyết đoán, tuy nhiên có thể sẽ cần thời gian để khẳng định điều này, một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với BBC hôm 06/4/2021.

Hôm thứ Năm, bình luận về ông Phạm Minh Chính, người vừa thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, trở thành thủ tướng, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, Giám đốc Truyền thông thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề về Chính sách, Pháp luật và Phát triển từ Hà Nội, nói:

"Tôi nghĩ nói điều gì bây giờ vẫn còn sớm, bởi vì ông Phạm Minh Chính là một chính khách được nhiều người biết và khá nổi tiếng ở Việt Nam. Ông hoạt động, như mọi người biết, từ quy mô địa phương lên trung ương.

"Ông có cả một quá trình hoạt động, công tác cũng khá lâu dài và người ta cũng có thể biết được hoạt động của ông ra sao từ cơ sở lên tận trên trung ương. Vừa qua cũng có ý kiến gợi ý hay kỳ vọng cho rằng ông là người quyết đoán, sẽ là Thủ tướng quyết đoán, điều này kết luận cụ thể như thế nào, tôi nghĩ rằng điều này còn quá sớm.

"Bởi vì bây giờ công luận và các giới phải chờ xem những chương trình ưu tiên mà ông hứa trước Quốc hội, hứa trước quốc dân, thì ông sẽ dùng những biện pháp nào, đội ngũ nào, cung cách tổ chức ra sao, ít nhất như các nước mà người ta có bầu cử, người ta cũng phải chờ 50 hay 100 ngày đầu thì mới có thể có đánh giá khái lược được, còn bây giờ mà nói có lẽ chỉ là kỳ vọng và như tôi nói là còn quá sớm.

"Nhưng vừa qua cũng có ý kiến gợi ý thêm rằng ông ấy là một người 'túc trí', cá nhân tôi thấy thế này: chắc chắn là một nhà hoạt động tình báo, một người đã lăn lộn cả ở trong nước và ngoài nước chừng ấy năm, thì dứt khoát ông ấy phải 'đa mưu, túc trí'.


Xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt - Trung ở tầm vóc quốc gia trong giai đoạn mới có thể vừa là thách thức, lẫn cơ hội để tân Thủ tướng VN Phạm Minh Chính (trái) khẳng định mình thêm

"Và cái này, tôi cũng cho là một nhận xét tích cực, có điều là sự 'túc trí' này của ông Phạm Minh Chính bây giờ ứng dụng vào trong hoàn cảnh hiện nay, tôi cho là không đơn giản, hoàn cảnh rất phức tạp, bởi vì đối nội, đối ngoại hiện nay của Việt Nam có những tình huống từ trước đến giờ chưa bao giờ xảy ra."

Tình huống chưa từng xảy ra và thách thức đối nội, đối ngoại?

Khi được hỏi, những tình huống ấy cụ thể là gì và có phải đó là thách thức chính với tân Thủ tướng và nội các đang kiện toàn của Chính phủ Việt Nam hay không, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng đáp:

"Trước hết, tôi xin nói đến tình hình căng thẳng ở biển, đảo bấy lâu nay, và gần đây ở khu vực, ngoại trưởng Trung Quốc đi thăm hết lượt các quốc gia ở Đông Nam Á, nhưng lại không đến thăm Việt Nam, tất cả tín hiệu, hay tình huống này đặt ra cho ông Phạm Minh Chính một ứng xử trong đối nội, đối ngoại, một bài toán xử lý như thế nào đó sao cho nó vừa cân bằng, đồng thời đảm bảo được lợi ích quốc gia.


Bang giao Việt - Mỹ trong thời gian qua đã có nhiều chuyển động tích cực

"Tôi cho cái này không đơn giản và không dễ, tuy nhiên tôi cũng hy vọng vào tự 'túc trí' của ông, nhưng những điều này còn phải chờ đợi thêm, như người Anh nói 'let's wait and see!'

Về thách thức đối nội đối với Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng tân nội các đang kiện toàn, ông Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam ở Hà Lan nhận định:

"Tôi nghĩ về đối nội, cách thức lớn nhất là ông Chính phải tổ chức để thực hiện những mục tiêu, những kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra, Nghị quyết thì nêu ra, vạch ra khá rõ, nhưng bao giờ sau khi họp Đại hội Đảng xong đều có một khẩu hiệu là phải 'đưa nghị quyết vào cuộc sống'.

"Điều đó có ý nghĩa là nghị quyết còn đang ở ngoài cuộc sống, cho nên thách thức lớn nhất là phải đưa được nó vào trong cuộc sống, như chính Việt Nam cũng đã thừa nhận lâu nay.

"Còn về đối ngoại, thách thức lớn nhất với ông Chính và tân nội các trong tình hình hiện nay và tới đây là xử lý cho được mối quan hệ giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

"Tam giác hay mối quan hệ tay ba này là một vấn đề sống còn đối với Việt Nam, nhưng hiện nay nó càng là một thách thức lớn nhất và trăm con mắt đều đang đổ dồn vào tân chính phủ Việt Nam để xử lý mối quan hệ tế nhị này. Và điều này không chỉ thời sự ở trong nước với Việt Nam, mà còn ở cả thế giới lẫn khu vực."

Phần thưởng và tương lai chờ đợi nếu làm tốt công việc?


Kinh tế Việt Nam đã phát triển và tăng trưởng khá tốt trong nhiều năm qua

Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, có một tương lai chính trị khá tích cực chờ đón tân Thủ tướng của Việt Nam, nhưng điều này còn tùy thuộc vào việc ông có xử lý tốt, hóa giải thành công được các thách thức hay không:

"Nhìn về trước mắt, tôi thấy rằng tương lai là điều khó đoán định nhất, nhất là tương lai trong nền chính trị của Việt Nam.

"Những cái mọi người thấy thì đó là những chuyển động bề mặt, còn bên trong 'bốn bức tường' như thế nào, thì cái đó rất khó biết.

"Song nếu xét từ những chuyển động bề nổi thấy được, hoặc người ta muốn cho mọi người thấy, thì tôi nghĩ có một tương lai khá rộng lớn hay nói cách khác là phần thưởng đang đón chờ ông Phạm Minh Chính tùy thuộc vào việc ông ấy xử lý những thách thức như tôi đã nói ở trên ở mức như thế nào, hóa giải thành công ra sao.

"Nhân đây, tôi xin nói thêm là trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua, sau khi ông Phạm Minh Chính trở thành tân Thủ tướng Việt Nam, quan sát phản ứng của quốc tế, khu vực và trong nước, tôi thấy chỉ thấy báo chí ở trong nước của Việt Nam có nhiều bài, trong đó rất nhiều bài ca ngợi thành tích của ông Chính trước đây, nhất là thời kỳ ông làm lãnh đạo đảng ở tỉnh Quảng Ninh, hay ở Ban Tổ chức Trung ương đảng.


Nhiều báo Việt Nam đã ca ngợi sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian ông Phạm Minh Chính làm Bí thư Tỉnh ủy nhiều năm về trước

"Còn ở khu vực và quốc tế, tôi quan sát thấy các phản ứng đều tỏ ra thận trọng, có lẽ người ta đều đang cân nhắc cả hai mặt mạnh yếu chăng.

"Nhưng như người Anh có câu nói rằng hành động thường chậm hơn là lời nói, cho nên có thể giới quan sát quốc tế và khu vực muốn chờ vị tân Thủ tướng, hay tân chính phủ của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông sẽ triển khai những chương trình hành động cụ thể ra sao, để qua đó có cái nhìn toàn cục hơn chăng.

"Tuy vậy, như tôi muốn nói thêm rằng các chương trình hành động, các kế hoạch, cũng như các đột phá, theo tôi chỉ nên chọn một vài mà thôi, còn nếu chọn quá nhiều cái để gọi là 'đột phá', thì nó sẽ không thành đột phá có ý nghĩa nữa và do đó có lẽ chúng ta hãy cùng chờ Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng tân nội các của ông sẽ chọn lựa tạo đột phá ở chỗ nào, khâu nào trong thời gian tới đây."

*Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, ông cũng từng là trưởng nhóm tư vấn cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam trong một thời kỳ trước đây.

NHIỆM VỤ CỦA PHẠM MINH CHÍNH TRONG VAI TRÒ THỦ TƯỚNG LÀ GÌ?

ĐỖ NGÀ/ TD 7-4-2021

“Đề án Thành lập Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt Vân Đồn” là chủ trương của Phạm Minh Chính nhưng mãi đến ngày 27/10/2017 HĐND tỉnh mới thông qua. Sau đó, vào tháng 5/2018 Quốc hội CS Việt Nam mới phát hành hạn chế đề án này và cho đại biểu quốc hội xem để biểu quyết Luật đặc khu.

Dự định là tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua vào tháng 6/2018. Tuy nhiên vào ngày 10/6/2018 bộ luật này bị vấp phải sự phản đối dữ dội của nhân dân nên tạm hoãn. Dù tạm hoãn biểu quyết luật, nhưng công tác hoàn thiện Đặc khu Kinh tế Vân Đồn vẫn cứ tiến hành và chỉ cần thời điểm thích hợp cho Quốc hội “gật” là xong.

Cũng giống như máy tính vậy, Đặc khu Kinh tế nó có “phần cứng” và “phần mềm”. Phần cứng là phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phần mềm là phần hạ tầng pháp lý. Điều khó nhất là làm phần cứng, vì nó tốn nhiều tiền đầu tư và mất thời gian rất dài để thi công.

Còn phần mềm thì rất đơn giản, dự thảo có rồi đợi khi nào dân không còn mặn mà với việc biểu tình phản đối nữa là Bộ Chính Trị cho đưa ra Quốc hội thông qua là xong. Nghĩa là Đặc Khu Kinh Tế Vân Đồn giờ như dàn máy tính đã sắm sửa đầy đủ phần cứng, USB chứa phần mềm cũng có sẵn, chỉ cần gắn USB vào máy và cài Win là vận hành thôi.

Chắc chắn Chính quyền CS sẽ không bỏ cuộc việc thực hiện Luật đặc khu kinh tế. Tại sao? Để muốn biết tại sao, hãy đọc nội “Đề án Thành lập Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt Vân Đồn”.

Trong phần Tổng Quan của đề án, ĐCS đã nói rằng “Trong hơn 30 năm đổi mới, mô hình tăng trưởng của Việt Nam bộc lộ không ít yếu kém nội tại, không có khả năng duy trì tăng trưởng cao, bền vững và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Nhìn chung mô hình tăng trưởng chậm được đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Việc thực hiện ba đột phá chiến lược chưa đạt mục tiêu đề ra, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được cải thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại. Do đó bối cảnh trong nước và quốc tế đặt ra cho Việt Nam thời cơ và thách thức rất lớn cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”. (hết trích)

Ba đột phá chiến lược là gì? Đó là hoàn thiện thể chế (Ý là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; và phát triển hạ tầng. Mục tiêu này được đưa ra tại đại hội XI năm 2011 nhưng chỉ qua mấy năm ĐCS đã nhận ra mục tiêu thất bại hoàn toàn.

Ở đây chúng ta thấy, “ba đột phá chiến lược” là chính sách dùng nội lực để thực hiện, còn thành lập đặc khu kinh tế là chính sách mời ngoại bang vào thực hiện (cho thuê đất một thế kỷ). Điều này cũng có nghĩa là ĐCS đã thừa nhận sự bất lực của nó nên cầu viện, còn cầu viện ai thì mọi người tự hiểu.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nói thẳng ra là thể chế kinh tế theo mô hình Trung Cộng. Thể chế kinh tế hiện nay của ĐCS Việt Nam là y hệt thể chế kinh tế của Tàu, điểm khác biệt quan trọng nhất chỉ là “xây dựng đặc khu” mà thôi. Nếu ĐCS Việt Nam bổ sung thêm các đặc khu thì nó giống y hệt Tàu Cộng. Như vậy từ “đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” trong cách nói của ĐCS chỉ là bổ sung phần “đặc khu kinh tế” thôi. Ý của ĐCS là vậy chứ không cần phải nói tránh nói né một cách màu mè làm gì.

Ngày 5/4, trên báo VnEconomy có bài viết “5 mục tiêu trong nhiệm kỳ mới của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính” đưa ra 5 mục tiêu của ông tân thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó ông có một đoạn như sau “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế”.

Đoạn này chính là nội dung đã biên soạn trong “Đề án Thành lập Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt Vân Đồn” mà tôi đã trích. Nó chính là ý tưởng của Phạm Minh Chính khi còn làm bí thư tỉnh Quảng Ninh. Thêm vào đó là ngày 28/3 ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết là chính phủ “tiếp tục nghiên cứu Luật Đặc khu” như là bước tạo đà của Nguyễn Xuân Phúc dành cho cho Phạm Minh Chính để ông Chính trình Quốc hội thông qua. Nói tóm lại thời kỳ Phạm Minh Chính hứa hẹn là một thời kỳ triển khai quyết liệt dự án đặc khu kinh tế.

Ông Phạm Minh Chính có ngày hôm nay cũng vì ông đi đầu trong chủ trương làm đặc khu. Mà quan trọng nhất là tạo cho ĐCS một hướng giải quyết bế tắc trong vấn đề quản lý kinh tế. Vì vậy mà bây giờ ĐCS (không biết là ĐCS Việt Nam hay ĐCS Tàu) đã đưa ông Chính lên để “cải cách thể chế kinh tế thay đổi mô hình phát triển”.

Một lần nữa sự yếu kém về năng lực đã đẩy ĐCS phải mời ngoại bang vào bằng mọi giá và ông Phạm Minh Chính sẽ thực hiện nhiệm vụ đó. Đáng buồn cho số phận đất nước này lắm.

_____

Tham khảo:

https://baotintuc.vn/thoi-su/quang-ninh-thong-qua-de-an-thanh-lap-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet-van-don-20171027181828976.htm

https://baomoi.com/ba-dot-pha-chien-luoc-co-y-nghia-gia-tri-lau-dai/c/37796599.epi

https://thanhnien.vn/thoi-su/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tiep-tuc-nghien-cuu-luat-dac-khu-1360367.html

https://vneconomy.vn/5-muc-tieu-trong-nhiem-ky-moi-cua-tan-thu-tuong-pham-minh-chinh-20210405164947356.htm

ÔNG PHẠM MINH CHÍNH PHẢI 'QUYẾT ĐOÁN' ĐỂ ĐƯA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM THOÁT TRUNG

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 8-4-2021

Bắc Kinh và phương Tây

Chuyện dân Hoa Lục đồng loạt tẩy chay hai đại công ty sản xuất quần áo là H&M và Nike, làm tôi nhớ lại suy nghĩ của anh bạn luật sư Việt Nam ở Mỹ, có lần nhận xét về Trung Quốc với tôi là: Họ nghĩ ra nhiều cái mới (từ anh ấy dùng là creative) mà mình đôi khi ngạc nhiên.

Lúc đó chúng tôi đang nói về chuyện Bắc Kinh chấm điểm công dân của họ, và dùng điểm đó để kiểm soát công dân bằng những hình phạt về kinh tế, xã hội, tương tự như các ngân hàng Mỹ dùng điểm tín dụng (credit score) để quyết định xem có nên cho khách hàng của họ vay hay không, vay nhiều hay ít, lãi suất cao thấp ra sao… tùy vào điểm tín dụng.

Khi nghe anh bạn nhận xét như vậy, tôi không được thuyết phục lắm, vì đối với tôi chuyện Bắc Kinh chấm điểm công dân cũng giống như các trại tập trung ở Tân Cương, không có gì khác.

Dưới sức ép của công luận và chính quyền Mỹ liên quan đến việc Bắc Kinh bỏ tù cả triệu người Tân Cương, hai hãng nói trên phải ra tuyên bố là họ sẽ không dùng bông vải từ Tân Cương, bị cáo buộc là dùng lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ.

Nhưng Bắc Kinh đã bơm tinh thần dân tộc vào thị trường khổng lồ hơn 1 tỷ dân của mình, để nó trở thành một thứ vũ khí vô cùng lợi hại. Thứ vũ khí này vốn của xã hội dân sự phương Tây, dùng rất có hiệu quả để chống lại các tập đoàn kinh tế nhiều lúc lạm dụng, trục lợi trên sự yếu thế của người tiêu dùng.

Đòn tấn công của Bắc Kinh có thể đưa H&M và Nike tới những quyết định kỳ cục là đối với thị trường Mỹ và Tây Âu sẽ dùng bông vải từ các nước khác, còn thị trường Trung Quốc vẫn dùng bông Tân Cương.

Nếu họ làm như vậy, thì đòn tấn công của Bắc Kinh không những có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn chế giễu cả những chuẩn mực đạo đức phương Tây.

Bắc Kinh và Hà Nội

Từ thực tế ngang ngửa về kinh tế đó giữa phương Tây và Trung Quốc, ta dễ suy ra sức ép về kinh tế của Bắc Kinh lên Việt Nam (và các nước Đông Nam Á) lớn đến mức nào nữa.

Việt Nam không những cần thị trường lớn của Trung Quốc để tiêu thụ nông sản của mình, mà còn lệ thuộc lớn vào vốn đầu tư từ Trung Quốc. Theo các con số được đưa ra vào năm 2020, Trung Quốc đứng thứ ba về vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Con số này có thể không đến nỗi bi kịch như trường hợp Cambodia, nhưng nó cũng lên đến gần 9%.

Cho nên tôi nghĩ, điều quan trọng nhất làm Việt Nam lệ thuộc nước láng giềng phương Bắc không phải ý thức hệ, cũng không phải quân sự, mà chính là sức ép về kinh tế.

Nhưng bức tranh không đến nỗi quá tối tăm đối với Việt Nam khi mà Mỹ và các nước phương Tây bắt đầu ý thức được sự đe dọa của Trung Quốc, và sự lệ thuộc của họ vào Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ nhất sau những tuyên bố ngoại giao và chính trị của Mỹ trở lại chiến lược liên minh để đối đầu với Trung Quốc, trong đó đặc biệt là những khối tiền lớn được đổ ra, trong các kế hoạch kích thích kinh tế của chính quyền Biden, để kích thích việc sản xuất và phát triển khoa học ở Mỹ, nhằm tránh lệ thuộc vào thị trường rộng lớn và chuỗi cung cấp từ Trung Quốc (decoupling).

Sự chuyển động này của Mỹ và phương Tây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam, đặc biệt là cho tân thủ tướng Phạm Minh Chính, là người bắt đầu điều hành nền kinh tế Việt Nam.

Người ta hay bàn đến những thách thức vô cùng lớn cho nhóm cầm quyền mới của Việt Nam sắp tới, nhưng bên cạnh đó, điều vô cùng thuận lợi trong xu hướng decoupling của phương Tây đối với Trung Quốc, miễn là ông Chính thấy và làm theo xu hướng đó.

Việt Nam đã gia tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ (theo tờ Wall Street Journal Mỹ nhập đến gần 30% hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua), các đại công ty đa quốc gia cũng chuyển sản xuất từ Trung Quốc đến Việt Nam.

Cái giá của quá khứ

Người ta vẫn nghi ngờ ông Chính và chính phủ Việt Nam cố đấm (dân Việt) ăn xôi (xôi Trung Quốc) trong chuyện tiếp tục dự án luật đặc khu có lợi cho Bắc Kinh.

Trong bài phỏng vấn ông Đinh Hoàng Thắng, cựu viên chức ngoại giao Việt Nam, BBC Việt ngữ có đặt câu hỏi về ông Phạm Minh Chính rằng, nếu như ông Chính là một con người quyết đoán thì ông ấy sẽ quyết đoán ra làm sao?

Tôi nghĩ rằng sự quyết đoán của ông Chính, nếu đúng, là tận dụng cơ hội hiện nay để đưa kinh tế Việt Nam “decouple”, thoát Trung.

Trong kinh tế học có một khái niệm gọi là cái giá của quá khứ (les coûts du passé) nói nôm na là, cái gì lỡ rồi thì thôi, phải can đảm chịu bỏ để đi tới. Không phải lỡ mua xi măng rồi thì cứ phải xây nhà, dù thấy rằng xây nhà không có lợi.

Cái giá của quá khứ, dù là chính trị hay kinh tế, thì cũng đã trả rồi. Người dân Việt Nam sẽ dễ dàng tha thứ cho những cái giá đó nếu tương lai của họ không phải sống dưới cái bóng của “thiên triều”.

VIỆT NAM: BA LÝ DO KHIẾN ÔNG PHẠM MINH CHÍNH LÀM THỦ TƯỚNG LÀ 'BẤT NGỜ'

QUỐC PHƯƠNG/ BBC 8-4-2021


Tân Thủ tướng chính phủ VN, ông Phạm Minh Chính (phải) tặng hoa cho người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, trước Quốc hội Việt Nam hôm 05/4/2021 tại Hà Nội

Giới quan sát thời sự, chính trị Việt Nam tiếp tục quan tâm về người vừa trở thành Thủ tướng mới của Việt Nam và những thách đố đang chờ đợi tân nội các.

Hôm thứ Ba, 06/4/2021, từ Singapore, nhà nghiên cứu chính trị Lê Hồng Hiệp nói với BBC việc ông Phạm Minh Chính trở thành Thủ tướng VN đã gây ra sự ngạc nhiên trong giới quan sát và có ba lý do:

"Như nhiều người đã bày tỏ ý kiến, đa phần đều tỏ ra ngạc nhiên trước việc lựa chọn ông Phạm Minh Chính làm tân Thủ tướng của Việt Nam trong nhiệm kỳ này.

"Lý do chủ yếu là ông Chính trước khi trở thành Thủ tướng là Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng, một vị trí thường không được cất nhắc lên vị trí Thủ tướng.

"Thông thường, vị trí Thủ tướng ở Việt Nam được lựa chọn trong số các Phó Thủ tướng của nhiệm kỳ trước, đặc biệt là từ người phụ trách lĩnh vực kinh tế.

"Chính vì vậy việc lựa chọn ông Phạm Minh Chính gây bất ngờ và thứ hai nữa là ông Chính chưa từng có kinh nghiệm quản lý kinh tế ở cấp quốc gia.

"Trước đó, ông chỉ mới có kinh nghiệm quản lý ở cấp địa phương là ở tỉnh Quảng Ninh, mặc dù nhiệm kỳ của ông ở tỉnh này được coi là thành công, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh.

"Tuy nhiên kinh nghiệm quản lý cấp địa phương thì khác rất là xa so với kinh nghiệm quản lý cấp quốc gia.

"Thứ ba, cũng có nhiều người cho rằng ông Phạm Minh Chính trước đây có gốc là an ninh, nên có thể không phù hợp với vị trí Thủ tướng chính phủ.

"Vì những lý do đó, cho nên nhiều người không có kỳ vọng vào việc ông Chính sẽ tr       ở thành Thủ tướng, chính vì vậy quyết định này gây ra bất ngờ."

'Được chọn là có nguyên do'


Nhiều người vẫn cho rằng việc ông Phạm Minh Chính (giữa) từ Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng trở thành Thủ tướng VN là một bất ngờ, theo nhà quan sát

Theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp việc ông Phạm Minh Chính được chọn để trở thành tân lãnh đạo nội các Chính phủ Việt Nam tuy vậy đã có những nguyên do, ông nói:

"Song có thể dàn xếp lần này xuất phát từ những thỏa thuận cấp cao trong nội bộ ban lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, khi mà không có lựa chọn nào khả dĩ hơn.

"Và mặc dù có thể gây bất ngờ, nhưng chúng ta cũng phải chờ xem liệu đây có phải là một lựa chọn đúng đắn hay không.

"Ví dụ như các thành tích của ông Chính ở tỉnh Quảng Ninh có thể là một động lực để giúp ông Chính thể hiện tốt ở vai trò Thủ tướng quản lý nền kinh tế quốc gia.

"Bản thân ông Chính cũng được coi là một người có tư duy cải cách, trong thời gian làm lãnh đạo ở tỉnh Quảng Ninh ông đã từng giám sát việc đổi mới nền kinh tế của địa phương, rồi tiến hành một số cải cách trong bộ máy quản lý nhà nước, sáp nhập các chức danh của đảng và chính quyền ở cấp địa phương, chẳng hạn.

"Và ông cũng là người được biết đến đã biết sử dụng các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để thực hiện các quy hoạch một cách bài bản cho địa phương ở tỉnh này."

"Như vậy, nếu ở cấp quốc gia mà ông Chính vẫn tiếp tục duy trì được cách tiếp cận chuyên nghiệp như vậy trong tiến hành các chiến lược kinh tế, tôi hy vọng rằng ông có thể mang lại được những hiệu quả tốt đẹp, tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong vòng ít nhất là vài năm tới."

Thử thách đối nội, đối ngoại?

Theo ông Lê Hồng Hiệp, trong nhiệm kỳ mới này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và tân nội các của ông sẽ phải xử lý một số thử thách, thách thức then chốt:

"Trước hết về đối nội, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là làm sao duy trì được đà phát triển kinh tế, và cao hơn nữa tạo ra được đột phá để giúp kinh tế Việt Nam có thể phát triển nhanh trong thời gian tới, ví dụ như mục tiêu tới năm 2025 đạt được mức GDP bình quân đầu người là 5.000 USD, và nhìn xa hơn, tới năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

"Để làm được điều này, Việt Nam cần phải có được những đột phá về mặt thể chế, về mặt phát triển kinh tế theo hướng bền vững và sáng tạo hơn và làm sao đưa Việt Nam vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

"Để hướng tới những mục tiêu trên, đặc biệt mục tiêu xa hơn là năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam sẽ phải phát triển nhanh và bền vững trong vòng 5 tới 10 năm tới, chính vì vậy, giai đoạn cầm quyền sắp tới của ông Phạm Minh Chính sẽ rất quan trọng cho tương lai và trở thành đà phát triển quan trọng của Việt Nam.

"Còn về đối ngoại, đương nhiên thử thách lớn nhất vẫn là duy trì hòa bình, ổn định và tạo môi trường phát triển thuận lợi cho Việt Nam trong thời gian tới.

"Và trong bối cảnh ấy, việc làm sao quản lý được các thách thức ở trên Biển Đông, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở trên Biển Đông cũng như giữ vững hòa bình để phát triển kinh tế sẽ là một thử thách lớn của ông Chính.

"Ngoài ra, làm sao có thể quản lý được quan hệ, bang giao của Việt Nam cũng hết sức quan trọng, bởi vì cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc càng ngày càng gia tăng và trở thành một thách thức cơ bản phải đối mặt của ông Chính và tân nội các về mặt đối ngoại trong thời gian tới."

Biển Đông và Covid-19?

Về vấn đề biển đảo và phục hồi nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói thêm:

"Tôi thấy rằng sự kiện ở Đá Ba Đầu trên Biển Đông mới đây diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành các thay đổi lãnh đạo, vì vậy đây là lý do tại sao Việt Nam chưa đưa ra được hành động hay phản ứng quyết liệt hơn.

"Tuy nhiên, điều này cũng dễ hiểu, bởi vì trong thời gian qua, trong vòng vài ba năm trở lại, Việt Nam có xu hướng giữ phản ứng của mình ở một mức độ phù hợp, trừ khi các hành động của Trung Quốc vượt quá một giới hạn nào đó, còn nếu không, Việt Nam sẽ cố gắng kiềm chế.

"Tôi nghĩ rằng phản ứng vừa rồi của Việt Nam trong sự kiện Đá Ba Đầu trước các động thái của Trung Quốc ở khu vực cũng đã lặp lại cấu hình phản ứng như vậy.

"Và kết quả là lúc này, khi các tàu của Trung Quốc tản đi, có thể coi rằng căng thẳng ấy đã được giải tỏa và Việt Nam cũng không nhất thiết phải có một hành động nào cứng rắn hơn.

"Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu các hành động của Trung Quốc tái diễn và có những bước leo thang trên thực địa, khi đó có lẽ Việt Nam sẽ phải cân nhắc những hành động mạnh tay hơn.

"Còn nói thêm về đối nội, trong thời gian trước mắt, thách thức lớn đối với chính phủ mới của ông Phạm Minh Chính từ việc quản lý nền kinh tế, đặc biệt là đối phó với dịch Covid-19 sẽ là làm sao có thể duy trì sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế và mở cửa trở lại nền kinh tế.

"Tại vì theo tôi hiểu, thành tích kinh tế là một yếu tố rất quan trọng trong việc đánh giá thành tích của chính phủ mới cũng như của cá nhân ông tân Thủ tướng.

"Cho nên tôi tin rằng ông Phạm Minh Chính sẽ có những hành động xác quyết trong thời gian tới để có thể sớm vực dậy nền kinh tế từ đáy hiện nay, hầu giúp nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua được thách thức gây ra bởi dịch Covid-19."

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas - Yusof Ishak) của Singapore, ông có nhiều nghiên cứu về chính trị, an ninh và bang giao quốc tế của Việt Nam và khu vực.

TÂN THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH DIỄN VĂN 10 PHÚT VẤP ĐÔI LẦN

NGUYỄN HÙNG/ VOA 8-4-2021

Việt Nam là nước hiếm hoi trên thế giới khi thủ tướng được chọn nhiều tháng trước khi quốc hội bầu chọn nhân vật này một cách hình thức.

Như tôi đã viết từ đầu tháng Hai, Bộ Chính trị Việt Nam với vai trò khuynh đảo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn người vào bốn ghế quyền lực nhất Việt Nam trong đó có ghế thủ tướng tại đại hội 13 của Đảng Cộng sản.

Nhưng phải tới đầu tháng Tư ông Phạm Minh Chính, nhân vật được đảng cử từ trước đó tám tuần, mới được Quốc hội bầu ra. Từ bầu trong câu này có thể gây hiểu lầm vì nếu đọc ngoài ngữ cảnh người ta sẽ tưởng có nhiều ứng viên và nhân vật được tín nhiệm nhất sẽ đắc cử.

Kỳ thực chỉ có một ứng viên và Quốc hội với đa số đảng viên sẽ không thể làm gì khác là bầu theo ý nguyện của đảng. Khi người ta nói Việt Nam dân chủ gấp “vạn lần tư bản” có nghĩa là người ta cũng nguỵ biện cho sự nguỵ dân chủ này mà thôi.

Do không phải tranh cử bằng tài vận động và thuyết phục trong đó có các diễn văn trước công chúng, khả năng ăn nói của thủ tướng mới thật không có gì đáng nói. Ngay trong lời tuyên thệ dài chưa tới một phút, ông Chính đã vấp trong 10 giây đầu tiên. Thay vì nói “trước Quốc hội và đồng bào, cử tri” ông nói vấp “trước Quốc hội và bào đồng bào, cử tri” ở phút 2’42 trong video có trên trang web của chính phủ.

Tới bài diễn văn 10 phút mở màn nhiệm kỳ thủ tướng, ông Chính cũng vấp ít nhất hai lần, chưa kể rất nhiều lần đọc nhát gừng và thiếu biểu cảm. Thay vì nói “tôi nguyện sẽ mang hết sức mình”, ông nói “tôi nguyện sẽ mạnh sẽ mang hết sức mình” ở phút 7’39 trong video của VTV1.

Ngay cả khi nói ông sẽ tặng hoa và chúc sức khoẻ người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc trong cùng video, ông cũng vẫn phải đọc chứ không thể nói tự nhiên. Thay vì chúc ông Phúc “hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị” chủ tịch nước, ông Chính nói vấp thành “hoàn thành xuất sắc trọng trách trương trên cương vị mới”.

Chuyện thiếu chuẩn bị dẫn tới nói vấp, nói nhát gừng, nói gần như vô cảm thể hiện sự thiếu tôn trọng người nghe. Trong số các đại biểu Quốc hội ngồi nghe ông Chính, người nhìn màn hình iPad, người mắt nhắm nghiền, người nói chuyện riêng, đủ các loại hình thức thể hiện họ chẳng thấy diễn văn hấp dẫn.

Một trong những điều cần có của một diễn văn hấp dẫn là những câu chuyện nhỏ trong một diễn văn lớn. Đó phải là những câu chuyện từ trái tim tới trái tim khiến người ta rung động như thầy giáo dạy cách diễn thuyết cho thiếu niên từ Hoa Kỳ từng nói trong một buổi tôi được chứng kiến. Diễn văn từ “một là” tới “năm là” của tân thủ tướng khô không khốc, được thể hiện như đang tập dượt lần đầu và chẳng để lại dấu ấn cần có.

Điều tiến bộ là ông Chính hứa trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp thay vì với đảng của ông trong lời tuyên thệ. Nhưng rồi ông lại hứa “hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó” nên tự ông đã nhận rằng đảng vẫn là nhất, nhân dân đứng hàng thứ ba.

Nhân dân Việt Nam thực tế có biết bao người tài nhưng chỉ có 5% dân số chọn vào đảng. Mà không vào đảng thì không có cơ hội làm thủ tướng nên 95% dân số Việt Nam đã tự loại mình ra khỏi nhóm có khả năng dẫn đầu đất nước chỉ bởi vì họ không thiết tha gì với đảng độc quyền và độc đoán tại đất nước dân số đang tiến dần tới 100 triệu. Cho tới khi có người không phải là đảng viên cộng sản có thể trở thành thủ tướng, cái gọi là dân chủ ở Việt Nam vẫn chỉ là giả hiệu.


NHÂN VẬT PHẠM MINH CHÍNH


LÊ MINH NGUYÊN/ TD 8-4-2021


Quốc hội CSVN hôm 5/4/21 thông qua việc ông Phạm Minh Chính trở thành tân thủ tướng. Ông Chính sinh ngày 10/12/1958, quê Thanh Hóa, vào Đảng CSVN năm 1986. Từ tháng 2/16 tới tháng 4/21 ông giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ông là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từ 2011 đến 2015.

Ông Chính xuất thân là một tướng công an và đi lên từ ngành công an, ông không có kinh nghiệm hay được chuẩn bị để điều hành một nền kinh tế ở tầm vóc quốc gia, đôi giày thủ tướng có vẻ quá khổ chân ông.

Ông là một người tương đối trẻ, được biết đã thân Trung Quốc từ lâu nay. Việc ông nắm thủ tướng nói lên đặc điểm của chế độ trong 5 năm sắp tới: kinh tế VN sẽ hội nhập vào đại kế hoạch Vành Đai Con Đường (BRI) của TQ và công an trị xã hội VN.

Ngày 5/4, ông Trần Khải Minh có bài viết, nhận định rằng: Dư luận trong và ngoài VN đều ghi nhận, trong Ban bí thư, trừ ông Trọng ra, không ai kết nối với TQ tốt bằng ông Chính.

Đề chuẩn bị sự hậu thuẫn cho những việc làm theo ý Đảng nhưng khác lòng dân sắp tới của ông – hội nhập kinh tế VN vào đại kế hoạch BRI của TQ – trong Hội nghị trực tuyến sáng 28/3 quán triệt Nghị quyết Đại hội 13, ông Chính kêu gọi phải “có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm…”

Vở tuồng của Đảng là: Ông Nguyễn Xuân Phúc giờ không còn làm thủ tướng nữa mà vào chức vụ nghi lễ nhiều hơn, tức chủ tịch nước, thì nên hứng chịu búa rìu dư luận chống đối 3 đặc khu cho TQ khai thác. Ông Chính bây giờ là người sẽ thực hiện 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhưng dư luận nên nhắm vào người tiền nhiệm vì ông ta chỉ là người tiếp nối.

Cho nên cũng tại Hội nghị trên, ông đẩy chuyện 3 đặc khu qua cho ông Phúc và ông Phúc kêu gọi cần “tiếp tục nghiên cứu Luật đặc khu”, trong khi trước đây, chính ông Phúc từng chỉ thị phải đối thoại, phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quần chúng… về Luật đặc khu.

Vấn đề “khai thác chung” với TQ trong những vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN trên Biển Đông có lẽ cũng sẽ nằm trong nghị trình ưu tiên của ông Chính. Theo ông Minh, những ai từng biết ông Chính khi còn làm Tổng Cục phó tình báo Bộ Công an, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, thì đều rõ quan điểm của ông Chính: Với TQ, ta chỉ có cách cùng bạn “khai thác chung” mới yên ổn.

Năm 2018, ông bị thất bại khi thúc đẩy dự luật Đặc khu hành chính cho phép nước ngoài thuê đất tới 99 năm. Trong cương vị mới ông sẽ không để cho nó bị thất bại lần hai để bị té ghế.

Ông Phạm Quang Minh, nguyên hiệu trưởng trường ĐH KHXN&NV Hà Nội, nói rằng ở góc độ cá nhân, ông Chính có thể nghi ngờ Mỹ hơn những người tiền nhiệm do những năm ông làm tình báo ở Bộ Công an.

Ông David Hutt trên báo Asia Times 6/4 cho rằng việc ông Chính ngồi vào ghế thủ tướng ví như “Cột tròn đóng vào lỗ vuông” (round pegs have been placed in square holes), ông được bố trí vào vị trí không phù hợp với những kinh nghiệm ông có.

Ông Trần Quốc Vượng, cánh tay phải của TBT Nguyễn Phú Trọng đã bị loại, cho thấy phe ông Trọng bị suy yếu, buộc ông phải ngồi thêm nhiệm kỳ ba để duy trì quyền lực của phe mình, tức phe Đảng-Đảng trong cuộc đọ sức nội bộ với phe Đảng-Chính Phủ (đảng viên nắm chính phủ phía ông Phúc).

Trong việc giao bộ máy chính quyền cho ông Chính, phe Đ-Đ đã áp đặt ý chí của Đảng lên bộ máy Chính Phủ, trong khi nền kinh tế và xã hội VN thì ngày càng trở nên phức tạp hơn, buộc bộ máy CP phải có quyền tự chủ lớn hơn, tức các bộ trưởng thường đưa ra quyết định mà không có chỉ thị của Đảng. Điều này đương nhiên tạo ra sự tranh giành quyền lực giữa hai định chế Đảng và Chính Phủ.

Mỹ và các quốc gia tây phương thì luôn luôn muốn giao thiệp với định chế CP, nhưng đối với những người Đ-Đ muốn lấy chủ nghĩa làm chính danh để độc quyền cai trị của phe ông Trọng, thì sự trỗi dậy của các nhà kỹ trị đặt ra một vấn đề lớn, vì các chính sách có thể cần thiết cho tiến bộ kinh tế hoặc xã hội nhưng có thể làm cho Đảng mất đi quyền lực, thí dụ như để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thì CSVN phải chấp nhận pháp trị – tức luật pháp đứng trên Đảng – và quyền sở hữu tư nhân. Nhưng những cải cách như vậy có nghĩa là Đảng phải từ bỏ sự thống trị của mình đối với tòa án và quy trình pháp lý.

GS Carl Thayer cho rằng trong khi phe Đ-Đ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ tư tưởng để tạo chính danh cho chế độ độc đảng và liên tục cảnh báo về âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch thì phe Đ-CP ủng hộ việc hội nhập VN với nền kinh tế toàn cầu. Một bên muốn đạp thắng, một bên muốn nhấn ga.

Ông Chính gốc công an, vừa lên thủ tướng thì chào ra mắt bằng cách bắt Nguyễn Thuý Hạnh, một người chỉ hoạt động xã hội và không nguy hiểm cho chế độ. Nó có vẻ như là một sự nắn gân Mỹ khi Mỹ đang lấy nhân quyền làm trọng tâm cho chính sách ngoại giao.

Ông Minh cho rằng, TQ chống lưng cho bàn tay sắt của ông Chính để đưa “đứa con hoang đàng” trở về “đất mẹ” như lời của ông Dương Khiết Trì hiệu triệu năm 2014. Ông Chính sẽ đẩy mạnh hơn nữa 15 thoả thuận giữa Đảng CSTQ và Đảng CSVN ký hồi tháng 1/2017. VN là quốc gia xếp thứ hai về nhận vốn đầu tư từ BRI, chỉ sau Pakistan, với tổng số tiền đầu tư năm 2020 là 2 tỉ 460 triệu đôla cho các dự án Điện mặt trời Dầu Tiếng và Điện than Nam Định 1.

Ông Chính đứng sau những hoạt động kinh tế không minh bạch, làm ăn với nhóm Nguyễn Đức Chung, Nhàn “AIC”, Thái Minh “Ba Vàng” và nhiều bê bối khác, nhưng chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng không hề đụng chạm gì đến các “sân sau” của ông Chính.

Facebook Phan Thái Bình gọi Chính là “kẻ gian hùng” khi nhân danh Trưởng ban Tổ chức Trung ương, mượn lò ông Trọng để ném vào đấy tất cả những ai từng là đối thủ nặng kí của Chính, điển hình là kỷ luật một loạt tướng Công an.

Facebook Trịnh Anh Tuấn nói rằng, từ năm 2013 Chính đã cộng tác chặt chẽ với TQ và người cố vấn cho Chính trong vụ Vân Đồn chính là bà Đào Hiếu Đào, kiến trúc sư trưởng của Tập Cận Bình trong đại chiến lược BRI. Những hình ảnh Chính cộng tác với TQ được đăng trên website của Đại học Thẩm Quyến ngày 14/3/2013. Khi Chính làm bí thư Quảng Ninh thì Nguyễn Văn Đọc làm Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân và cả hai cộng tác chặt chẽ với TQ để phát triển Vân Đồn, viên gạch địa kinh tế đầu tiên để TQ bước ra Đông Nam Á.

Tham vọng của ông Chính không dừng ở ghế thủ tướng mà còn muốn cao hơn. Ông ta được biết đến như một người dám làm và cơ hội. Sự đối đầu Mỹ-Trung càng ngày càng nhiều hơn sẽ là một thách thức lớn cho ông ta. Ông ta sẽ bị giằng co giữa một bên là dùng Đảng để khống chế Chính Phủ, cũng như giữ cho VN nằm trong quỹ đạo kinh tế của TQ và một bên là cơ hội thu tóm quyền lực vào trong tay thay vì lãnh đạo tập thể như hiện nay, và để thực hiện được điều này ông ta hoặc sẽ làm như Tập Cận Bình, hoặc sẽ giải quyết vấn đề lỗi hệ thống để phục vụ cho tham vọng của ông ta.

TÂN THỦ TƯỚNG VIỆT NAM NẾU ĐỀ XUẤT ĐÚNG SẼ ĐƯỢC 'ỦNG HỘ Ở CÁC CẤP CAO NHẤT'

BBC 9-4-2021

Trả lời BBC News Tiếng Việt PGS. TS Vũ Minh Khương, từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng bốn vị trí cao nhất của chính trị Việt Nam (Tứ trụ mới) có khả năng sát cánh với nhau.

Theo ông Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc NUS thì đó là thuận lợi của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính.

“Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hay Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có kinh nghiệm làm trong chính phủ rồi. Họ hiểu rất rõ các bài toán cần phải giải. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì có quyền lực rất lớn và có khả năng hỗ trợ toàn diện. Và tôi nghĩ Thủ tướng Phạm Minh Chính may mắn.

“Theo tôi, Thủ tướng Chính có khả năng tạo ra được thành quả xuất sắc trong cái gọi là thiên thời địa lợi nhân hòa. Khi một thủ tướng mà có những đề xuất đúng thì tôi tin là phần còn lại của tứ trụ hiện tại sẽ ủng hộ ngay.

TS Vũ Minh Khương, người có kinh nghiệm quản lý ở Việt Nam, cũng đưa ra bình luận trước câu hỏi về tương quan giữa những quyết sách của Bộ Chính trị và quyết định cá nhân của thủ tướng trong điều hành kinh tế.

“Người đề xuất và bảo vệ luận điểm của đề án nào đó có ảnh hưởng rất lớn, do vậy thì phải nắm chắc và như thế thì mới có sự đồng thuận. Nói cách khác đi là Bộ chính trị hay trung ương Đảng chuẩn thuận hay ra nghị quyết thì cũng phải có cái hồn của cá nhân chịu trách nhiệm đề xuất“.

Cất cánh được hay không?

Việt Nam trong 5 năm tới, theo ông Khương, là thời điểm rất quan trọng để đặt nền móng cho một quốc gia hiện đại.

“Giai đoạn này quyết định Việt Nam có cất cánh được hay không và 5 năm tới Việt Nam cần có bước tiến vượt bậc. Theo tôi ai may mắn lắm thì mới được tham gia vào giai đoạn này. Tức là tiếp tục trong việc hội nhập với thế giới, nắm bắt cách mạng 4.0 hay thúc đẩy kinh tế tư nhân".

TS Khương từ Đại học Quốc gia Singapore nhận định tân chính phủ phải đương đầu với những thách thức từ láng giềng lớn.

“Cái hay của Việt Nam là mình nằm ngay cạnh Trung Quốc. Mà Trung Quốc tiến rất nhanh và cũng là một thế lực khống chế rất nhiều về kinh tế, khoa học kỹ thuật, thị trường và Việt Nam phải đương đầu với những yếu tố đó.

“Vì vậy Việt Nam không thể có sự lựa chọn nào khác là phải tự trỗi dậy để tồn tại. Giống như nếu Trung Quốc mạnh như Mỹ mà Việt Nam giống như Mexico thì rất là khổ. Thế nên Việt Nam phải cố gắng để sao như được Canada bên cạnh Mỹ.

“Tức là họ ở ngay bên cạnh mình mà họ làm được mà mình không làm được là tính chính danh của Đảng bị giảm sút. Cho nên chính Đảng cũng phải cải cách để ngang bằng trong một chừng mực nào đó. Thuyền trưởng trên con tàu đi trên biển lớn có sóng lớn áp sát mình như vậy thì mình phải vững vàng mà lèo lái con tàu vươn lên và tôi tin là làm được”.

Kinh tế Việt Nam, theo TS Vũ Minh Khương, là kiểu kinh tế “platform” giống như Singapore.

“Tức là đây là nơi mà các tập đoàn đa quốc gia tham gia vào, tương tác cộng hưởng ở đó và đó là cách đi lên nhanh nhất. Và đó cũng là cách để mình bảo vệ được an ninh quốc gia tốt nhất vì đây là nơi các công ty đa quốc gia trên toàn thế giới tham gia vào, bám rễ tại đây lâu dài.

“Thì tôi nghĩ triết lý quốc phòng của Việt Nam trong thời gian tới cũng như vậy và phải để Việt Nam là một nền kinh tế mở”.

TS Khương mô tả về thái độ tự tin của người dân hay cán bộ ở Việt Nam khi ông tiếp xúc.

“Trước đây nhìn ra nước ngoài thì họ thấy cái gì cũng thấy xa vời, tự hỏi làm sao làm được vậy, điều hoang tưởng….nhưng hiện giờ là thấy chúng ta có thể làm được. Vấn đề là làm như thế nào thôi.

“Có thể lấy Vinamilk là một ví dụ. Từ một doanh nghiệp khá thôi nhưng bây giờ là thuộc diện hàng đầu thế giới xét về chất lượng hoạt động và công nghệ, tổ chức quản lý. Tức là khả năng của người Việt Nam để có thể làm được những việc có ấn tượng trên thế giới là không phải không làm được. Việc Vinamilk đưa công nghệ 4.0 vào hoạt động của mình cũng được chuyên gia thế giới đánh giá cao”.

TS Khương cho rằng chính phủ của Thủ tướng Phúc đã để lại điều ông gọi là “những di sản” rất quý cho chính phủ nhiệm kỳ mới.

“Theo tôi ông Chính có thể bước sang bước ngoặt mới là đi sâu vào cải cách, đó cũng là thế mạnh của ông Chính. Tức là đi sâu vào tổ chức và xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Phải có sự đột phá về thể chế, ví dụ làm sao để người cán bộ nhà nước làm việc hết lòng.

“Vấn đề doanh nghiệp nhà nước cũng là vấn đề. Tôi nói chuyện với các doanh nghiệp nhà nước thì phải nói là có nhiều người tâm huyết và giỏi, nhưng cơ chế trói buộc và họ ngại làm chỉ phải có chuyên gia hỗ trợ, chứ không phải chỉ có chỉ tiêu là bao nhiêu doanh nghiệp phải cổ phần hóa...

“Còn về chống tham nhũng thì Việt Nam phải làm tốt hơn. Hiện mới chỉ là để họ không dám tham nhũng vì sợ bị trừng phạt. Nhưng phải tiến tới làm sao để không thể tham nhũng,” TS Khương nói.

CÓ NGHỀ TÌNH BÁO, LIỆU ÔNG PHẠM MINH CHÍNH CÓ QUẬT ĐƯỢC NGUYỄN PHÚ TRỌNG ?

PHƯƠNG ANH/ TB De/ viet-studies 12-4-2021

Ông Phạm Minh Chính là tay làm chính trị cự phách trong ĐCS hiện nay, hơn ông Chính chỉ có thể là Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên hiện giờ chỉ còn chức tổng bí thư trong tay thì quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ bị hạn chế phần nào.

Nhiệm kỳ 2016-2021 ông Nguyễn Phú Trọng lập rất nhiều kỳ tích, trong đó kỳ tích lớn nhất là việc ông lấy được chiếc ghế chủ tịch nước. Cách lấy chiếc ghế của ông có lẽ phải làm cho đối thủ chính trị khiếp sợ. Thành tích này theo cách nói dân dã là “lấy số má giang hồ”. Phải nói hơn 70 năm lịch sử cầm quyền của ĐCS thì cách lấy số của ông Trọng thật là đáng sợ.

Sau khi loại ông Nguyễn Tấn Dũng tưởng chừng như Nguyễn Phú Trọng không còn đối thủ nào, tuy nhiên sau đại hội 13 thì nhiều người phải suy nghĩ lại. Ông Nguyễn Phú Trọng cần phải dè chừng Phạm Minh Chính bởi thủ tướng mà phát huy hết quyền lực chính trị của mình thì có thể lấn lướt tổng bí thư là hoàn toàn có thể.

Như đã nói ở những bản tin trươcs, thì ông Nguyễn Phú Trọng đang nhỉnh hơn ông Phạm Minh Chính ở kinh nghiệm. Cái này không thể mua được mà chỉ có thể có nó bằng cách trải nghiệm. Nói về kinh nghiệm thì chỉ cần đủ thời gian thì ông Chính có thể có được. Tuy nhiên ông Chính có cái mà ông Nguyễn Phú Trọng không có, đó là nghề tình báo. Nghề này rất lợi hại, vì nếu biết tận dụng nó, ông Phạm Minh Chính có thể sẽ kiểm soát chính trường một cách rất tốt.

Trước đây ông Lê Đức Anh nắm chức chủ tịch nước, một chức vụ hữu danh vô thực nhưng về thực quyền của ông Lê Đức Anh thì rất lớn, bởi ông Lê Đức Anh nắm rất chắc tổng cục tình báo quân đội – tức tổng cục 2. Thậm chí khi về hưu thì thực quyền của ông Lê Đức Anh cũng rất lớn, sức ảnh hưởng của ông trên chính trường rất mạnh.

Cục tình báo Bộ Công An, tức Tổng Cục 5 đã bị ông Nguyễn Phú Trọng giải tán sau khi ông nắm đảng ủy Bộ Công An. Được biết, ông Nguyễn Phú Trọng cho giải tán tổng cục này vì bản thân ông không kiểm soát được nó. Ngược lại sợ người khác dùng nó kiểm soát ông nên vào năm 2018 ông đã cho giải tán tổng cục này.

Sự lợi hại của nghề tình báo

Nếu nói ngoại giao là công tác liên lạc bắt tay, đối thoại với nước ngoài trên mặt nổi thì tình báo là ngành làm việc với nước ngoài âm thầm. Vì vậy quan hệ với Trung Quốc, ĐCS Việt Nam đặt nhiệm vụ lớn cho ngành tình báo chứ không phải là giao nhiệm vụ cho ngành ngoại giao.

Ngược lại, phía Trung Quốc muốn kết nối, kiểm soát Việt Nam thì họ cũng đẩy mạnh công tác tình báo chứ không phải đặt trọng tâm vào ngành ngoại giao. Được biết, trước đây ông Lê Khả Phiêu đã dùng tình báo liên hệ với Giang Trạch Dân rồi gặp với tư cách cá nhân. Việc làm này dẫn tới kết quả ký hiệp định biên giới trên bộ và trên biển làm làm Việt Nam chịu thiệt thòi nhiều.

Trước khi được điều đi Quảng Ninh làm bí thư, ông Phạm Minh Chính là thứ trưởng Bộ Công An nắm về mảng tình báo. Vì vậy khi được làm bí thư tỉnh Quảng Ninh ông Phạm Minh Chính đã kết nối dễ dàng với phía Trung Quốc và được Tập Cận Bình cử bà giáo sư Đào Nhất Đào sang giúp sức. Trước ông Phạm Minh Chính, ông Vũ Đức Đam không phải là người trong ngành tình báo nên việc kết nối với phía Trung Quốc của ông Đam không hiệu quả. Thậm chí với tư cách là trưởng ban tổ chức trung ương, ông Chính vẫn kết nối với phía Trung Quốc rất tốt.

Hiện nay ông Phạm Minh Chính đã thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng, ắt hẳn ông Nguyễn Phú Trọng phải hiểu rằng, ông Chính không phải là ông Phúc. Ông Chính có nghề tình báo. Được biết suốt 5 năm nhiệm kỳ thủ tướng, ông Nguyễn Phú Trọng không hề tỏ ra lo âu gì với ông Phúc nhưng khi ông Chính làm thủ tướng có mấy ngày, ông Nguyễn Phú Trọng đã có thái độ khác.

Trật tự này làm ông Nguyễn Phú Trọng sẽ vất vả hơn trong 5 năm tới. Việc phút chót giữ được ông Nguyễn Hòa Bình ở lại ghế phó thủ tướng thường trực đã cho thấy sự lo lắng của ông Trọng. Không lo sao được khi mà ông Trọng không giỏi về tình báo bằng ông Chính?

Ông Phạm Minh Chính từng trải qua nhiều vị trí khác nhau, từ thấp đến cao trong ngành tình báo của Bộ Công an, trong đó có chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, chuyên trách mảng tình báo kinh tế – khoa học, công nghệ và môi trường. Lợi thế đó sẽ không phải là nhỏ nếu ông Chính đối đầu với ông Trọng.

Không chỉ từng làm ngành tình báo mà ông còn từng làm trong ngành ngoại giao

Từ Bộ Công an, ông Chính có một thời gian sang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Romania, từ 1991 đến 1994. Đây là giai đoạn sau khi chế độ cộng sản ở nước chủ nhà và khu vực Đông Âu tan rã, điều ban lãnh đạo Việt Nam cho đến nay vẫn cho là biến cố họ phải rút kinh nghiệm để bảo vệ chế độ. Trong thời gian này, ông Chính được thăng bậc, từ cán bộ lên Bí thư thứ ba, rồi Bí thư thứ hai của Sứ quán. Sau đó, ông tiếp tục công tác tại Bộ Công an, với chức vụ cao nhất ông từng nắm ở Bộ này là thứ trưởng phụ trách lĩnh vực hậu cần – kỹ thuật, tài chính, khoa học, công nghệ, môi trường, từ cuối 2010 đến cuối 2011.

Như vậy thì ông Phạm Minh Chính không những biết làm tình báo mà còn biết làm ngoại giao nữa. Nghĩa là về nghiệp vụ bắt liên lạc với ngoại bang về công khai lẫn âm thầm thì Chính vượt trội hơn Trọng.

Nhiều chuyên gia phan tích chính trị trong và ngoài nước đều cho rằng ông Chính dày dạn kinh nghiệm về công tác Đảng và trong ngành an ninh, hơn là trong mảng điều hành kinh tế. Trong Bộ Chính Trị khóa XII, Ông Phạm Minh Chính đứng hàng thứ chín trong Bộ Chính trị, hai nấc trên ông Vương Đình Huệ, người đứng thứ mười một. Ông Chính có bề dày cả trong bộ máy đảng lẫn trong ngành an ninh. Ông là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Ông Phạm Minh Chính từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Bộ Công an về hậu cần, kỹ thuật, tình báo và là Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng.

Không như Phạm Bình Minh chỉ biết ngoại giao, ông Chính còn biết quản lý đảng viên thuộc cấp. Được biết có hai bộ hiện nay mang danh nghĩa là thuộc chính phủ nhưng thực chất được điều khiển bởi tổng bí thư, đó là bộ Quốc Phòng và Bộ Công An.

Nếu quản lý tốt nội các, ông Phạm Minh Chính có thể kiểm soát người đứng đầu hai bộ này. Nếu làm điều đó thành công, ông Phạm Minh Chính sẽ mạnh hơn ông Nguyễn Phú Trọng là điều khó tránh khỏi.

Lãnh đạo Quảng Ninh một kinh nghiệm lớn cho vị trí thủ tướng

Trước khi nắm vị trí Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, từ 2011 đến 2015.

Trong thời gian này, ông Chính được biết đến với vai trò chính trong việc thúc đẩy việc xây dựng một trong ba Đặc Khu Kinh Tế và việc thông qua dự luật liên quan, điều sau này đã bị gác lại sau làn sóng biểu tình bài Trung Quốc mạnh mẽ của người dân trên toàn quốc hồi 2018.

Cho đến nay, Quảng Ninh vẫn là một trong những điểm sáng giúp Phạm Minh Chính đạt được nhiều thành công. Hứa hẹn khi làm thủ tướng ông Chính sẽ dùng phương pháp này để điều hành đất nước. Có thể là dưới thời ông Chính, Việt Nam sẽ  phụ thuộc Trung Quốc nhiều hơn nhưng chắc chắn, nó sẽ mang lại quyền lực cho Phạm Minh Chính nhiều hơn nữa.

Trong tứ trụ hiện nay có 4 người, tuy nhiên việc tranh giành ảnh hưởng, hoặc xa hơn là việc tranh giành quyền lực chỉ xảy ra giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Phạm Minh Chính thôi.

Vị trí được cho là nắm quyền tối cao trong hệ thống chính trị Việt Nam, chức tổng bí thư Đảng Cộng sản, tiếp tục do ông Nguyễn Phú Trọng nắm. Tuy nhiên sau đại hội 13 này sẽ hứa hẹn gió sẽ đảo chiều. Ông Trọng có muốn kìm kẹp hạn chế quyền lực của Phạm Minh Chính thế nào thì quyền lực ông Chính vẫn lớn mạnh. Cái mốc ông Chính vượt qua ông Trọng sẽ đến nhưng có điều là không biết lúc nào thôi.

Có tin vào tháng 7 ông Trương Hòa Bình sẽ rút, tuy nhiên đó là thực tế, còn tin đồn thì chờ thời gian kiểm chứng. Nếu ông Trương Hòa Bình rút sớm thì cuộc chiến giành ghế phó thủ tướng thường trực cho thuộc hạ mà ông Trọng và ông Chính sẽ xảy ra kịch chiến. Hãy đợi xem, rất có thể có phim hay mà xem.

Phương Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)


TÂN THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH VÀ 'LẰN RANH ĐỎ MỎNG MANH'


TS PHẠM QUÝ THỌ/ RFA 12-4-2021

“Lằn ranh đỏ” được Đảng Cộng sản vạch ra để cảnh báo các quan chức trong nội bộ, đặc biệt với các cương vị cao như Thủ tướng Chính phủ, về sự trừng phạt nếu có các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá” tư tưởng, thách thức quyền lực tuyệt đối của Đảng và đe doạ sự tồn vong chế độ.

“Lằn ranh đỏ” là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Anh (Red line) dùng để chỉ về một ranh giới vô hình được vạch ra nhằm cảnh báo việc không được phép vượt qua nếu không sẽ đối diện với nguy cơ bị trừng phạt hay chịu hậu quả bất lợi.

“Lằn ranh đỏ” được Đảng vạch ra trong bối cảnh trong bối cảnh bất ổn thể chế khi chức năng độc đoán bị rối loạn. Quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của quan chức trong bộ máy diễn ra phức tạp và luôn có nguy cơ bùng phát. Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng sâu xa là mâu thuẫn giữa ý thức hệ cộng sản của chế độ và các giá trị của kinh tế thị trường không thể có lời giải thuyết phục. Quá trình cải cách được khái quát là mò mẫm, “dò đá qua sông”, tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề khi Đảng Cộng sản lãnh đạo kinh tế thị trường sẽ có thể thay đổi như thế nào. Ứng phó bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi khiến “lằn ranh đỏ” trở nên “mong manh”.

Chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang thị trường là chính sách ứng phó giúp cho chế độ toàn trị khỏi sự sụp đổ như đối với mô hình của Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây. Trong quá trình chuyển đổi này, cương vị thủ tướng có quyền lực lớn, được trao bởi luật pháp và thực tế điều hành bởi chỉ có tăng trưởng kinh tế mới đảm bảo được tính chính danh của độc đảng cầm quyền và chế độ, khi các lãnh đạo không được người dân trực tiếp bầu chọn dân chủ. Ngoại trừ thời chiến tranh và giải quyết hậu quả của nó, quan sát các nhiệm kỳ đại hội đảng trong thời kỳ “Đổi mới”, từ cuối những năm 1986, cho thấy vai trò cá nhân của Tổng Bí thư Đảng “mờ đi” tương đối trong khi vai trò của Thủ tướng Chính phủ “mạnh” dần lên. Với thành tích tăng trưởng tương đối cao trong gần ba thập kỷ, người điều hành kinh tế được ví như vị tướng xung trận dễ “nổi bật” với chiến công trận mạc hơn là sự lãnh đạo của Đảng bằng các văn kiện, nghị quyết, kiểu “buông rèm nhiếp chính”. Không “cố tình” nhưng các vị thủ tướng đều để lại dấu ấn cá nhân trong nhiệm kỳ. Hơn thế, thực quyền của thủ tướng mạnh lên mỗi khi ông ta được cho là người mang lại “lợi ích hữu hình” cho quan chức trong bộ máy cai trị.

Thay đổi bước ngoặt đã xảy ra khi kinh tế rơi vào khủng hoảng, “bất ổn kinh tế vĩ mô” kéo theo “bất ổn thể chế”, cao điểm trong nhiệm kỳ Đại hội 11 (2011-2016). Ông Thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ này thậm chí bị đề xuất kỷ luật bởi Bộ Chính trị, nhưng đã “thoát hiểm” khi không nhận được sự chấp thuận “quá bán” của các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Cương vị Tổng Bí thư bị thách thức bởi “đối thủ” hữu hình và nguyên tắc lãnh đạo tập trung của Đảng bị lung lay. Cả hai lãnh đạo quyền lực nhất của Đảng và Chính phủ đều có chung ý thức hệ. Bởi vậy, ý kiến rằng ai là “đổi mới” và ai là “bảo thủ” thì có lẽ không thoả đáng.

000_7Y8SG.jpg

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại một hội nghị ở Mỹ hôm 15/2/2016. Ông Nguyễn Tấn Dũng là người đã bị đề nghị kỷ luật nhưng án kỷ luật đã bị bác bởi Ban Chấp hành Trung ương. AFP

Đảng nhận định nguyên nhân của tình hình là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của bộ máy lãnh đạo là nghiêm trọng, “đe doạ sự tồn vong của chế độ”. “Do con người chứ không do thể chế”, “thể chế cũng do con người làm ra”. Những phát ngôn như vậy của các chính khách dễ được “cảm thông” bởi mang tính tuyên truyền.  Nỗi ám ảnh về sự sụp đổ cả một hệ thống các quốc gia trụ cột của hệ tư tưởng Mác – Lênin đã trở thành định kiến đối với những lãnh đạo được cho là “suy thoái”, kiểu như M. Gorbachov, cựu Tổng Bí thư cuối cùng của Liên Xô cũ, thậm chí bị các nhà lãnh đạo số ít chế độ toàn trị còn lại của hệ thống coi là “tội đồ”. Thực ra, các quan chức nói chung và ông ta nói riêng cũng chỉ là sản phẩm của thể chế, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

Định kiến như trên đã “dẫn dắt” quá trình “chỉnh đốn” bộ máy Đảng và Nhà nước. Công tác nhân sự là “then chốt của then chốt” là phương châm chỉnh đốn. “Lằn ranh đỏ” được vạch ra đối với các quan chức bộ máy điều hành, đặc biệt đối với vị trí người đứng đầu Chính phủ. Sau khi tái đắc cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ hai tại Đại hội 12, ông Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường chiến dịch “đốt lò” “không vùng cấm” đối với những kẻ vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật, những kẻ tham nhũng. Đồng thời với việc gieo rắc nỗi sợ hãi đối với quan chức “bất tuân” và có ý định chống đối thì sự thanh lọc, xây dựng bộ máy mới cũng được chú trọng. Quá trình này được làm liên tục, từ “dưới lên trên” và ngược lại bởi những quy trình, chỉ thị “chặt chẽ” mới được thiết lập, đặc biệt qua các đại hội đảng từ cấp cơ sở đến trung ương.

Đại hội 13 đầu năm 2021 đánh dấu “thành quả” của những nỗ lực trên. Hai trăm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, chính thức và dự khuyết, những quan chức quyền lực trong bộ máy cai trị được chọn ra, trong đó quá nửa là số mới tham dự lần đầu. Có mười vị “cũ” là những “trường hợp đặc biệt”, trong đó bao gồm các ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc. Các lãnh đạo Đảng “nhanh chóng” lấp “khoảng trống quyền lực” trong bộ máy Nhà nước trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 14. Có nhiều bình luận về bộ máy lãnh đạo mới đã “kiện toàn”, cơ cấu miền Nam “giảm đi”, cán bộ chuyên trách đảng chiếm “ưu thế” so với “kỹ trị”, các lãnh đạo nội chính, an ninh, uỷ ban kiểm tra, ban bí thư – những người tác nghiệp thường xuyên công việc lãnh đạo của Đảng được tăng cường, nhiều lãnh đạo kỹ trị được thay thế hay luân chuyển sang các vị trí “có thể kiểm soát” hoặc ít trọng yếu hơn…. Thế “cài răng lược” có thể giúp Đảng kiểm soát quan chức tha hoá quyền lực, nhưng tính chuyên nghiệp, tính kế thừa và năng lực của từng vị trưởng các bộ, ngành và cả bộ máy đang là vấn đề cho việc lãnh đạo, điều hành kinh tế.

Sự thay đổi các vị trí “tứ trụ” được quan tâm nhiều. Việc luân chuyển nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được đánh giá cao về năng lực và kết quả điều hành, làm Chủ tịch nước dấy lên đồn đoán về vai trò “quá độ” của ông đã kết thúc. Vị trí được chú ý nhất chính là tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Theo cách nhìn “truyền thống”, thường từ sự kế nhiệm của vị phó thủ tướng, ông Chính được cho là “bất ngờ” vì “tầm nhìn vĩ mô”. Ông đã “quyết đoán” và “thành công” khi lãnh đạo một tỉnh biên giới giáp Trung Quốc khiến dư luận nghi ngại về vấn đề “đặc khu hành chính kinh tế” ảnh hưởng tới chủ quyền lãnh thổ. Dự luật Đặc khu hành chính kinh tế được cho là do ông thiết kế chính. Dự luật này đã không được Quốc hội khoá 14 thông qua trước làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng. Ngoài ra, quá trình công tác chủ yếu trong lĩnh vực an ninh và chuyên trách đảng tạo ra băn khoăn về năng lực điều hành ở tầm vĩ mô….

Tuy nhiên, theo quan sát cá nhân, Đảng lựa chọn ông Chính làm Thủ tướng CP là sự “ưu tiên” chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” để duy trì chế độ khi những vấn đề khác như năng lực điều hành vĩ mô, uy tín cá nhân… vẫn là ẩn số. “Lằn ranh đỏ” được Đảng vạch ra sẽ thử thách ông trong nhiệm kỳ có nhiều điều “đặc biệt” này. Nếu tân Thủ tướng vượt qua và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành công, thì không loại trừ khả năng ông có thể sẽ trở thành người kế nhiệm vị trí quyền lực tối cao của Đảng.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét