Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

20210414. TÂN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

  ĐIỂM BÁO MẠNG

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC

PHÙNG ĐÔ, THANH BÌNH / GIAO THÔNG 31/3/2021


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức

Ông Vương Đình Huệ tuyên thệ "nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Sáng nay (31/3), sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự kiến nhân sự, Quốc hội khoá XIV đã biểu quyết thông qua danh sách và bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ mới.

Với 100% ĐBQH tham gia bỏ phiếu tán thành , ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được Ban kiểm phiếu công bố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước quốc kỳ, Quốc hội và nhân dân, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp 2013.

Phát biểu tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tân Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề đối với cá nhân ông.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp lần này là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14, diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Vì vậy, cần phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ, vừa đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của Quốc hội, vừa tổ chức thành công bầu cử trên phạm vi cả nước.

"Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, tôi nguyện sẽ đem hết sức mình, cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tựu to lớn của Quốc hội qua các thời kỳ, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Là Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, tôi sẽ cùng các thành viên trong Hội đồng thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật định; tổ chức thành công cuộc bầu cử nhằm bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới", Chủ tịch Quốc hội cam kết.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân và các vị Chủ tịch tiền nhiệm đã có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động của Quốc hội và nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận, nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 sắp khép lại cùng nhiều kết quả to lớn trên cả ba phương diện: Lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, để lại nhiều dấu ấn và tình cảm tốt đẹp trong lòng Nhân dân và cử tri cả nước.

Tiểu sử Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

- Ngày sinh: 15/3/1957 (Quê quán: xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An)

- Ngày vào Đảng: 9/3/1984 Ngày chính thức: 9/9/1985

- Học hàm, học vị: Giáo sư, Tiến sỹ Kinh tế

- Lý luận chính trị: Cao cấp

- Uỷ viên Trung ương Đảng Khoá X, XI, XII, XIII

- Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII

- Đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV

Tóm tắt quá trình công tác:

9/1979 - 1985: Giảng viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính); Phó Bí thư Liên đoàn khoa kế toán; Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường.

1985 - 1986: Học viên khoa Châu Âu, lớp tiếng Tiệp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

1986 - 1990: Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia; Bí thư chi bộ, đơn vị trưởng lưu học sinh và sau đó là Trưởng thành hội lưu học sinh Việt Nam tại Bratislava.

1991 - 1992: Giảng viên Khoa Kế toán, Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính).

10/1992 - 4/1994: Đảng uỷ viên Đảng bộ Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Phó Trưởng khoa Kế toán, Quyền Trưởng khoa Kế Toán, Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính).

5/1994 - 02/1999: Trưởng khoa Kế toán, Đảng ủy viên Đảng bộ Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính).

3/1999 - 6/2001: Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Đảng ủy viên Đảng bộ Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính).

7/2001 - 6/2006: Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy viên Đảng bộ khối kinh tế Trung ương.

7/2006 - 8/2011: Tổng Kiểm toán Nhà nước; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Bí thư Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước; được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

8/2011 - 12/2012: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tài chính; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

12/2012 – 01/2016: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

01/2016 – 4/2016: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

4/2016 - 2/2020: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (tháng 6/2016), Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Ngày 7/2/2020, Bộ Chính trị có Quyết định số 1818-QĐ/TW điều động ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ thôi tham gia Ban Cán sự Đảng Chính phủ, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngày 11/6/2020, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ.

Tháng 1/2021: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII.

Ngày 31/3/2021: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

BA LỢI THẾ CỦA TÂN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

THANH BÌNH, PHÙNG ĐÔ/ GT 31-3-2021


Tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nói về tân Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định "có thể kỳ vọng nhiều thay đổi trong việc chủ trì các công việc của Quốc hội".

Quốc hội khoá mới sẽ chuyển biến về phong thái, cách thức làm việc

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, ông Vương Đình Huệ - người vừa được Quốc hội tín nhiệm cao bầu làm Chủ tịch Quốc hội là người có nhiều lợi thế. Thứ nhất, lợi thế của một nhà sư phạm, giúp cho công tác chủ trì các hoạt động của Quốc hội thuận lợi hơn bởi người có kỹ năng sư phạm luôn có sự bao quát, tổng kết và dung hòa, rất phù hợp với vai Chủ tịch Quốc hội.

Thứ hai là lợi thế là một nhà kinh tế. Chuyên ngành đào tạo của ông Vương Đình Huệ là một nhà kinh tế và ông đã trải qua các chức vụ rất quan trong bộ máy, từ Tổng Kiểm toán Nhà nước đến Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế tổng hợp. Đây là lợi thế quan trọng để một vị Chủ tịch Quốc hội có thể quán xuyến được định hướng trong hoạt động của Quốc hội.

Lợi thế thứ ba là việc ông Huệ đã kinh qua vị trí Bí thư Thành uỷ một đơn vị hành chính đặc biệt là Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội tuy không lâu nhưng ông Huệ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong tầm nhìn, tư duy chính sách.

"Về cá nhân, tôi thấy ông Vương Đình Huệ là con người dễ gần, chan hòa và rất nhẹ nhàng, uyển chuyển nên tôi có nhiều kỳ vọng khi ông chủ trì các hoạt động của Quốc hội, trực tiếp chủ tọa điều hành một số phiên họp của Quốc hội. Nhiệm kỳ tới, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Vương Đình Huệ, tôi kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến phong thái làm việc của Quốc hội khóa mới", ông Vân nói và bày tỏ dự đoán: Tân Chủ tịch Quốc hội sẽ quan tâm đến lĩnh vực lập pháp.

"Với những bài học rút ra từ nhiệm kỳ này, tôi biết đồng chí Vương Đình Huệ khi thảo luận ở Quốc hội rất chú tâm, dường như đang ấp ủ những ý định nào đó để thay đổi phương thức hoạt động của Quốc hội tốt hơn. Tôi cho rằng lĩnh vực lập pháp sẽ có cách tiếp cận mới", ông Vân nói và dẫn ví dụ có thể có sự thay đổi trong chương trình làm việc của Quốc hội từng năm và cả nhiệm kỳ để khắc phục tình trạng đưa vào rồi lại rút ra các đạo luật; Tổ chức phương thức soạn thảo các đạo luật như thế nào để phù hợp với tính khách quan ngay từ khi soạn thảo luật để không có lợi ích nhóm chi phối.

Quan tâm đến hậu giám sát bởi đó mới là thực quyền của Quốc hội

Trong hoạt động giám sát tối cao, rõ ràng những bài học từ Quốc hội khóa XIV đã để lại những dấu ấn quan trọng, đó là lựa chọn vấn đề giám sát trúng với vấn đề bức xúc của xã hội, được dư luận cử tri nhân dân và ĐBQH quan tâm. Đây chính là hơi thở của cuộc sống mà Quốc hội phải bắt nhịp và từ đó thay đổi phương thức giám sát.

"Tôi nghĩ rằng tân Chủ tịch Quốc hội sẽ quan tâm đến hậu giám sát, đó mới là thực quyền của Quốc hội”, vị đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh.

Cuối cùng, theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng sẽ có những chuyển biến.

Nói về áp lực với ông Vương Đình Huệ trong vai trò Chủ tịch Quốc hội, ông Vân cho rằng áp lực lớn nhất là làm sao vừa hoàn thành một nhiệm vụ chính trị, vừa hoàn thành vai trò của một nhân vật chính trị - pháp lý trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.

"Với một nhân vật lão luyện như ông Vương Đình Huệ thì tôi thấy áp lực đó là không lớn. Điều quan trọng là sự tương tác của Chủ tịch Quốc hội với các đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, với cơ quan truyền thông và cử tri thế nào để nắm được tâm nguyện chung, đưa cuộc sống sinh động vào nghị trường, biến Quốc hội thành cơ quan thực sự phản ánh đúng ý chí nguyện vọng của người dân và cử tri cả nước. Và khi thực hành quyền hạn của mình thì thực chất, thực quyền", đại biểu Vân khẳng định.

TÂN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ VÀ THẦN LINH PHÁP QUYỀN

VŨ MINH/ TVN 9-4-2021

Phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ bày tỏ niềm tin rằng, các vị mới được bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này sẽ nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...

Nền tảng của niềm tin

“Niềm tin” của Quốc hội (QH) khóa 14 cũng chính là trọng trách và sức ép đặt lên vai ông Huệ trong vai trò là Chủ tịch QH, một trong ba vị trí chủ chốt vừa được bầu và phê chuẩn để điều hành đất nước trong 5 năm tới.

Dưới sự điều hành của các vị Chủ tịch tiền nhiệm như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Sinh Hùng, ông Nguyễn Phú Trọng,… QH hoạt động ngày càng thực chất và hiệu quả. Quyền của QH nói chung và các vị đại biểu nói riêng ngày càng được củng cố qua các hoạt động lập pháp, giám sát.

Tân Chủ tịch Quốc hội và 'thần linh pháp quyền'
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Người tiền nhiệm của ông Huệ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ Chủ tịch bao quát và quyền biến, lúc ôn hòa, khi triệt để trong điều hành các phiên họp, làm các bộ trưởng lúng túng không ít lần nếu không “thuộc bài”. Nhiều đại biểu như Trương Trọng Nghĩa, Lê Thanh Vân, Phạm Thị Minh Hiền... đã luôn cất tiếng nói của dân trong nhiều vấn đề gai góc. Hoạt động giám sát được tổ chức chuyên nghiệp hơn, làm cho cơ quan hành pháp phải công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn trong nhiều hoạt động.

Nhiệm kỳ QH 13 đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết mà nhiều trong số đó thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tôn trọng quyền tự do kinh doanh; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, như báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH khóa 13 tự đánh giá.

Trong đó, các luật đáng kể nhất giúp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường được thông qua là luật Đầu tư; luật Doanh nghiệp; luật Các tổ chức tín dụng; luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư...

Vẫn ngổn ngang thể chế

Những đóng góp trong công tác lập pháp của QH khóa 13 rất đáng ghi nhận, dù vậy, vẫn chưa giúp giải tỏa nhiều nút thắt thể chế trong giải quyết những đòi hỏi bức bách của cuộc sống. Cơ chế xin -cho, điều kiện kinh danh vẫn còn rất nhiều; nạn doanh nghiệp sân sau ngày càng nở rộ; khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn tiêu tốn nhiều nguồn lực mà kém hiệu quả; khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử và chưa lớn lên được…

Như vậy, điểm nghẽn thể chế để thị trường vận hành trơn chu và hiệu quả vẫn chưa được tháo gỡ như hai báo cáo kinh tế xã hội tại Đại hội 13 khẳng định:

“Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất, nhất là vấn đề quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân... Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa đầy đủ, hiện đại, hội nhập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển”.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, người từng là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, được đặt nhiều kỳ vọng sẽ khơi thông “nhận thức” bằng việc thông qua các luật để đảm bảo thị trường vận hành hiệu quả và nguồn lực được phân bổ không bằng mệnh lệnh hành chính. Liệu luật Đất đai sẽ được sửa đổi theo hướng nào? Liệu luật Thuế tài sản để đánh thuế lũy tiến tài sản sẽ được xem xét?

Lập pháp và hành pháp

QH là cơ quan làm luật nhưng có tới 90-95% các dự luật được soạn thảo và trình bởi Chính phủ. Cơ chế này là phổ biến trên thế giới vì suy cho cùng, bản chất quyền lập pháp của QH chính là quyền thông qua hoặc không thông qua luật, theo chuyên gia Nguyễn Sĩ Dũng.

Tuy nhiên, một thống kê nhân khi sửa đổi luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, các dự luật thường bị sửa đổi lên đến trên dưới 70% sau khi trình lên QH.

Trước thực tế này, chuyên gia Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi: “Vấn đề đặt ra là QH có quyền thay thế một chính sách lập pháp do Chính phủ đề ra bằng một chính sách khác hay không?” và ông khẳng định là không. 

Cách làm như vậy, theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung, khiến một số luật như luật Doanh nghiệp đối diện với nguy cơ “8 không” là không cụ thể, không rõ ràng, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu được, không hiệu quả và không hiệu lực.

Một tư lệnh ngành từng nói thêm về thực trạng này: “Trong quá trình xây dựng thể chế, chúng ta hay tạo rào cản vì chưa hiểu đúng vai trò, chức năng giữa nhà nước và thị trường; chưa hiểu rõ quản lí nhà nước là gì và nên quản lý bằng công cụ nào. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cứ cấm cái đã, dựng rào cản cái đã, chưa nói cố tình dựng rào cản lên… Rồi khi thấy bất cập lại sửa, mỗi lần sửa lại coi đó là cải cách. Khác nào dòng nước đang chảy, ta lấy đá lấp đi khiến dòng chảy chậm lại, tắc nghẽn, sau đó ta dỡ đá ra khiến nước chảy bình thường trở lại, rồi ta gọi đó là cải cách. Tư duy vậy là không đúng”.

Rõ ràng, để giải quyết những nút thắt này cần đến bản lĩnh và trí tuệ của vị tân Chủ tịch, đồng thời cần một QH chuyên nghiệp hơn. Theo luật Tổ chức QH, ”số lượng đại biểu chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu QH” sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác lập pháp.

Trọng trách và kỳ vọng

Ông Vương Đình Huệ được để lại di sản khá bền vững. Đó là một nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định với nợ công, nợ xấu, lạm phát đều giảm nhiều so với trước, là tiền đề để người dân và doanh nghiệp bỏ tiền ra làm ăn. Ông đã trải qua vị trí Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế nên chắc chắn sẽ duy trì, củng cố nền tảng này.

Ở góc độ khác, một vấn đề cũng cần được ông Huệ xử lý ngay, đó là thúc đẩy phát triển các công trình hạ tầng lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam đều sử dụng vốn nhà nước. Làm sao cân bằng giữa “ổn định để phát triển” và “phát triển để ổn định” là bài toán không dễ.

Là người thông minh, nhiều kiến thức lại trải qua 4 vị trí là Bộ trưởng Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng và Bí thư Thành ủy Hà Nội trong hai nhiệm kỳ QH gần đây, ông Huệ đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và năng lượng để dẫn dắt QH khóa tới giải quyết nhiều nút thắt thể chế nhằm đảm bảo các quyền của công dân, để doanh nghiệp và người dân yên tâm làm ăn.

Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Một số luật phát huy quyền làm chủ của nhân dân hi vọng rồi sẽ được xem xét, thông qua.

Dù chỉ giữ 1 lá phiếu, ông Vương Đình Huệ sẽ dẫn dắt, điều hành QH khóa tới thực hiện ước nguyện của Hồ Chủ tịch: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” để phục vụ mục đích tối thượng “dân giàu, nước mạnh” trong một thế giới dịch bệnh Covid biến đổi không lường được. Đó là trọng trách nhưng cũng là kỳ vọng với ông để cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong các vị đại biểu, trong QH.

Vũ Minh

TUỔI THƠ 'DỮ DỘI' CỦA BỘ TRƯỞNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

TIẾN DŨNG/ GT/ GDVN 26-9-2011

Nhiều bạn đọc đánh giá, Bộ trưởng Vương Đình Huệ là người mang đầy đủ phẩm chất "đầy tớ" của dân, qua sự kiện điều hành xăng dầu.

Ít ai biết người "đầy tớ" của dân này đã có một tuổi thơ "dữ dội". Và điều này, ít nhiều đã làm nên một Vương Đình Huệ như hiện nay.

Tuổi thơ "dữ dội"

Làng chài Xuân Lộc - Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) như một con cá voi khổng lồ nằm ngay cửa biển. Đây là ngôi làng của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Cũng như bao làng chài ven biển khác, Xuân Lộc cũng đầy hương vị mặn mòi của tôm cá, hai bên đường lưới cá giăng đầy. Nhà bố mẹ ông Huệ nằm ở đầu làng, bình dị với mái ngói thâm nâu ẩn hiện dưới luỹ tre xanh hiền hoà.

Bà Võ Thị Cầm trò chuyện với phóng viên

Tiếp chúng tôi là một cụ bà khoảng 90 tuổi tóc trắng như mây, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Đó là mẹ của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, bà Võ Thị Cầm (SN 1922).

Bên chén trà mạn, bà Cầm rơm rớm nước mắt kể cho chúng tôi nghe về một thời khốn khó. Năm 19 tuổi, cô Cầm lấy chồng là ông Vương Đình Sâm ở cùng làng và lần lượt sinh được 8 người con. Bà bảo ngày đó bà làm Đội trưởng Đội bốc xếp Hồng Lam, rồi làm Ban Chấp hành Phụ nữ xã, còn chồng làm công an, rồi bưu chính xã.

Trong một trận không kích của máy bay Mỹ, ông Sâm bị thương ở tay và sau đó lâm bệnh nặng rồi qua đời. Bà Cầm phải vất vả, tảo tần vừa làm mẹ, làm cha để nuôi 8 người con khôn lớn nên người.

Về người con thứ tư Vương Đình Huệ, bà Cầm kể: "Huệ sinh ngày 11.7.1957. Tôi sinh mấy đứa con đứa nào cũng dễ, chỉ có sinh nó là khó nhất, chuyển dạ từ chập tối đến sáng bảnh mắt mới đẻ. Khi sinh nó bé tí nhưng nhờ trời, nó không bệnh tật gì mà chóng lớn…".

Ngày đó, chuyện thiếu ăn đối với gia đình Vương Đình Huệ xảy ra thường xuyên. Không có gạo, bà Cầm phải đi nhặt hạt bo bo về đập giập nấu cháo cho các con ăn. Có những đận chồng và các con ốm đau phải đi viện hàng tháng trời, không còn cách nào khác, bà đã đứt ruột bán Vương Đình Huệ cho một gia đình giàu có để cứu gia đình.

Hai năm sau, khi trận cơ hàn qua đi, bà mới đến nhà người ta chuộc con về. "Bán con là trường hợp bất khả kháng. Những năm tháng xa con, lòng tui khi mô cũng như lửa đốt".

Theo lời kể của bà Cầm, từ năm 6 tuổi, cu Huệ đã phải quần quật làm việc nhà, tìm rau nấu cám cho lợn, cùng anh chị ra biển cào nghêu, bắt ốc, nhặt cá rơi.

Bà Cầm đưa tay quệt nước mắt kể: "Những năm học cấp 1 rồi lên cấp 3, trên người nó lúc nào cũng chỉ độc có 1 cái áo thôi. Lỡ gặp mưa là phải vắt phơi khô để mặc lại. Đói ăn, thiếu mặc nhưng chưa khi mô nó đòi hỏi điều gì. Nó hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên hễ đi học về là lại lao ra biển cào nghêu, bắt ốc để đỡ đần mẹ, rồi đi chăn trâu cho người ta kiếm gạo".

Học giỏi nổi tiếng

Tuy sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, nhưng Vương Đình Huệ nổi tiếng thông minh và học giỏi. Ông Vương Đình Hải - một người bạn học từ thuở vỡ lòng với Huệ, cho biết: "Hồi 5-6 tuổi, Huệ đã biết lấy vỏ ốc để làm phép tính. Anh ấy cũng đầu têu trong mọi trò chơi như đánh trận giả. Đặc biệt, Huệ chơi cờ tướng rất giỏi, thắng được mọi cao thủ ở Nghi Lộc".

GS-TS Vương Đình Huệ sinh ngày 11.7.1957, là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X và XI, ĐBQH Khóa XIII. Trước khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Tài chính vào tháng 8.2011, ông đã trải qua các chức vụ là Phó Tổng Kiểm toán, rồi Tổng Kiểm toán Nhà nước. 

Trước đó, ông là giảng viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội; nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Bratislara, Cộng hòa Slovakia; Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội...

Không những giỏi chơi cờ, từ nhỏ Vương Đình Huệ còn rất ham đọc sách. Nhà nghèo không có tiền mua sách, cậu thường đi mượn sách về nhà đọc và biết cách sưu tầm sách cho riêng mình. Ngay từ năm học cấp 2, Huệ đã xây dựng cho mình được một kệ sách hơn 100 cuốn về các tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới và sách toán học…

Từ cấp 1 đến cấp 3, năm nào Vương Đình Huệ cũng là học sinh giỏi toàn diện và gặt hái được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Cô giáo Ngô Mai Sừ - Chủ nhiệm lớp 10C Trường cấp III Nghi Lộc 1, nay đã nghỉ hưu ở TP.Vinh vẫn rất tự hào khi kể về cậu học trò Vương Đình Huệ.

Cô tâm sự: "Vương Đình Huệ là học trò cưng của tôi. Cậu ấy ngoan và học giỏi toàn diện, không những toán, văn mà các môn khác đều giỏi. Huệ rất thông minh, tính toán nhanh và thường đưa ra những cách giải độc đáo đến các thầy cô giáo dạy giỏi đều ngỡ ngàng".

Thầy giáo Hoàng Văn Thái- Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 1- là người bạn học những năm cấp 3 với Vương Đình Huệ, cho biết: "Huệ học giỏi không những nổi tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm lớp 10 (năm 1974), lúc đó cả tỉnh đang khó khăn mà nó vẫn được tỉnh Nghệ An tặng cho chiếc xe đạp về thành tích học tập thì phải biết độ siêu về học hành của nó thế nào rồi. Bây giờ dạy học trò, chúng tôi vẫn nhắc nhở các em về tấm gương Vương Đình Huệ”.

Nói về việc học của con trai Vương Đình Huệ, bà Cầm chỉ vào góc nhà phía tây nhớ lại: "Huệ nó chăm học lắm, có nhiều lúc nó chong đèn học thâu đêm. Những khi đèn dầu hết, nó học nhờ ánh trăng và bắt chước người xưa bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học. Có hôm nó học khuya quá, thương con, nhà còn nắm gạo, tui nấu cháo cho nó nhưng nó không chịu ăn. Nó bảo mẹ ăn đi mà lấy sức, con không đói đâu. Nó bê cháo đến nài cho mẹ ăn làm tui cảm động cứ ôm lấy con mà khóc”.

“Yêu dân thì dân sẽ yêu”

8 người con, chồng bị thương và đau yếu bệnh tật thường xuyên không làm được việc nặng, nên mọi gánh nặng gia đình đều đổ lên đôi vai gầy của bà Cầm. Từ ngày lấy chồng cho đến khi con cái trưởng thành, bà chưa được một giây phút nghỉ ngơi.

Những năm tháng cơ hàn ấy, bà chỉ mặc manh áo vá, còn những thứ lành lặn, bà nhường hết cho chồng, cho con. Tuy vất vả cơ hàn thế, nhưng bà không hề kêu ca lấy nửa lời, luôn thương chồng, yêu con hết mực và giữ cho gia phong trong ấm ngoài êm được xóm làng ca ngợi.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân, hàng xóm với bà Cầm cho biết: "Bà Cầm là người đức độ, thương chồng, yêu con và sống tốt với anh em làng xóm.

Tuy vất vả nuôi 8 người con trong nghèo khó, nhưng cách nuôi dạy con của bà thật tuyệt vời. Đứa nào cũng ngoan ngoãn hiền lành và học giỏi".


Hỏi bà Cầm về bí quyết nuôi con, bà cười: "Bí quyết chi mô, nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ, phải bóp bụng mà nuôi con thành ông Trạng, ông Nghè thôi". Quan niệm như vậy, nên dẫu đói nghèo nhưng cả 8 người con (5 trai, 3 gái) đều được bà cho ăn học đến nơi đến chốn và thành đạt.

Trong 8 người con của bà thì người con trai thứ hai Vương Đình Ngọc đã hy sinh năm 1973 ở chiến trường miền Nam, mãi đến năm 2010 vừa qua, đồng đội đã tìm được hài cốt đưa về cho mẹ. “Mất con ai chả đau nhưng nó hy sinh vì Tổ quốc nên mẹ cũng được an ủi và tự hào. Bây giờ con đã về, mẹ cũng mãn nguyện rồi. Có thể an tâm nhắm mắt được rồi” - bà Cầm xúc động nói.

Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Cầm vẫn thường dẫn những câu tục ngữ, châm ngôn, thơ để minh họa cho lời nói. Bà cho biết, các tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, bà đều thuộc làu và có thể đọc ngược. “Có lẽ, đây cũng là những điều đã ảnh hưởng đến một Vương Đình Huệ sau này- một người vừa giỏi toán, vừa biết làm thơ rất hay”- cô giáo Ngô Mai Sừ nói.

Năm nay đã 90 tuổi, nhưng bà Cầm vẫn ham đọc sách, xem ti vi và theo dõi những diễn biến thời cuộc của đất nước. Khi được hỏi cảm nghĩ của mình về người con làm Bộ trưởng Tài chính hiện nay, bà nói: "Con cái thành đạt, ai cũng tự hào. Nhưng đã làm "đầy tớ" của dân thì phải làm cho hết lòng. Yêu lấy dân thì dân sẽ yêu lại. Tôi vẫn thường dặn mỗi khi Huệ về thăm nhà".

Theo Tiến Dũng/Nông thôn ngày nay
CẬU TRÒ NGHÈO HỌC GIỎI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TRONG KÝ ỨC THẦY CÔ
VĂN THANH, THỦY TIÊN/ GT 2-4-2021

Không chỉ học giỏi nổi tiếng ở xứ Nghệ, cậu học trò Vương Đình Huệ còn được thầy cô, bạn bè quý mến bởi là người sống rất tình cảm.

Cậu trò nghèo học giỏi Vương Đình Huệ trong ký ức thầy cô 1

Thầy Nguyễn Huy Hiền kể lại câu chuyện về cậu học trò Vương Đình Huệ khi còn là lớp phó học tập

Những ngày này, sau khi đón nhận thông tin ông Vương Đình Huệ được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội, người dân làng chài Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ai ai cũng vui mừng. Trong ký ức của nhiều người, cậu học trò Vương Đình Huệ có dáng vẻ thư sinh, nổi tiếng thông minh và học giỏi ngay từ nhỏ.

Nhớ lại kỷ niệm xưa, thầy Nguyễn Huy Hiền, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc I (nay là Nguyễn Duy Trinh - PV), cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 8G mà cậu học trò Vương Đình Huệ theo học, kể: “Ngày đó, cả huyện Nghi Lộc chỉ có hai trường cấp ba, trong đó, trường Nghi Lộc I là nơi đa số con em các xã vùng phía đông huyện theo học. Vì thế, có nhiều học sinh muốn tới trường phải vượt một quãng đường rất xa. Huệ cũng không ngoại lệ, hàng ngày phải đi bộ 10 km trên những con đường đất trơn trượt từ xã Nghi Xuân lên cầu Nhọn, xã Nghi Trung. Đường xa cách trở là vậy, nhưng Huệ chưa bỏ một tiết học nào”.

“Năm 1971, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 8G. Ngày đó, chiến tranh rất ác liệt, vì thế tất cả học trò mới nhập trường phải góp 10 cái tranh (liếp tranh - PV), 5 cây tre để dựng lớp học. Đối với các bạn to, cao, có thể lực đã vất vả, đằng này, Huệ lại là một trong những học sinh nhỏ bé nhất lớp, nhà lại xa nhưng vẫn mang nộp đủ tranh, tre cho nhà trường. Tôi không nghĩ cậu học trò trắng trẻo, thư sinh ấy lại có thể vượt qua những thử thách như vậy”, thầy Hiền nhớ lại kỷ niệm với cậu học trò ông rất yêu quý.

Theo thầy Hiền, trò Huệ viết chữ rất đẹp, lại là người cẩn thận, tỉ mỉ chu đáo trong công việc nên được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp phó học tập, kiêm văn thư (giữ sổ điểm, các loại giấy tờ cho lớp - PV). Mặc dù chỉ làm giáo viên chủ nhiệm lớp 8G một năm rồi chuyển sang làm công tác đoàn, nhưng thầy Hiền lại có 3 năm gắn bó với người học trò cưng này thông qua việc giảng dạy môn Hóa học.

“Huệ thông minh, tính toán nhanh và thường đưa ra những cách giải độc đáo, đến các thầy cô giáo dạy giỏi cũng bất ngờ. Huệ không chỉ giỏi các môn khối tự nhiên mà học giỏi toàn diện, từng gặt hái được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Đặc biệt, từ khi còn ở trường, tôi đã thấy Huệ có tố chất làm lãnh đạo. Huệ rất dễ mến, có nụ cười hiền, luôn chiếm được cảm tình của bạn bè, thầy cô”, người giáo già kể lại.

Theo thầy Hiền, thuở ấy, cuộc sống rất khó khăn, thiếu cơm rách áo nhưng tình thầy trò luôn ấm áp. Các học trò dù nghèo nhưng ai cũng chăm ngoan, học giỏi, kính trọng các thầy cô.

“Huệ là người có tài, có phẩm chất. Tôi tin rằng ở cương vị nào Huệ cũng sống và làm việc hết lòng vì nước, vì dân”, thầy Hiền chia sẻ.

Cậu trò nghèo học giỏi Vương Đình Huệ trong ký ức thầy cô 2

Vợ chồng thầy Nguyễn Huy Hiền và cô Vũ Thị Nhài

Tiếp lời chồng, cô Vũ Thị Nhài (cựu giáo viên trường Nghi Lộc I) kể: “Huệ là người sống trọng tình nghĩa. Mặc dù đã đảm nhiệm những cương vị rất cao, bận nhiều việc nhưng mỗi lần về quê, em vẫn dành thời gian thăm trường, thầy cô cũ và những bạn bè gặp khó khăn. Có lần nghe tin thầy giáo cũ mất, Huệ đã sắp xếp thời gian, vượt hàng trăm km về thắp hương. Đó là tấm chân tình đáng trân quý của một người học trò dành cho thầy cô của mình”.

Cậu trò nghèo học giỏi Vương Đình Huệ trong ký ức thầy cô 3

Ông Vương Đình Huệ dành thời gian thăm hỏi các cháu nhỏ khi về dự lễ thông xe cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.

Theo một người bạn học kể lại, tuy gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng Vương Đình Huệ học rất giỏi, không những có tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An.

Năm lớp 10 (năm 1974), Huệ được tỉnh Nghệ An tặng một chiếc xe đạp do thành tích học tập xuất sắc của mình.

Ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư xã Nghi Xuân cũng cho biết: “Gia đình bác Huệ là gia đình giàu truyền thống cách mạng. Một người anh trai đã hy sinh cho Tổ quốc trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lần đầu tiên quê hương Nghi Xuân có một người con ưu tú được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao cho trọng trách lớn, ai ai cũng hi vọng bác Huệ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Trường nói.

Ông Vương Đình Huệ (SN 1957, quê ở Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An; Giáo sư, tiến sĩ kinh tế). Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; ĐBQH khóa XIII, XIV.

Ông Huệ từng công tác 22 năm ở Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) với nhiều cương vị khác nhau.

Tháng 7/2001, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng Kiểm toán Nhà nước; 5 năm sau, ông làm Tổng kiểm toán Nhà nước.

Ông Huệ giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ tháng 8/2011, đến tháng 12/2012 được phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính đến tháng 5/2013). Ông giữ cương vị Phó thủ tướng từ tháng 4/2016.

Đến tháng 2/2020, ông Huệ được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ông được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng tại kỳ họp tháng 6/2020.

Sáng 31/3, với 100% ĐBQH tham gia bỏ phiếu tán thành, ông Vương Đình Huệ được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CŨNG CÓ MỘT 'TUỔI THƠ DỮ DỘI'
TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 6-4-2021

Trận bão dư luận chưa tan sau khi ông Nguyễn Anh Trí – một đại biểu Quốc hội – ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước) có… mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc (1)… đã tăng cường độ khi tờ Giao Thông ca ngợi ông Vương Đình Huệ, tân Chủ tịch Quốc hội (2)…

***

Ông Huệ – nguyên quán ở làng Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An – được mô tả là nổi tiếng thông minh và học giỏi ngay từ nhỏ. Để tăng tính thuyết phục trong việc quảng bá ông Huệ như nhân vật có dáng vẻ thư sinh được thầy cô, bạn bè quý mến... tờ Giao Thông dẫn lời một cặp vợ chồng từng dạy ông Huệ thời ông học cấp ba, khen ông thông minh, có chí, có tố chất làm lãnh đạo từ nhỏ, trọng tình nghĩa... Đồng thời dẫn lời một bạn học… vô danh, nhấn mạnh: Tuy nhà nghèo nhưng ông Huệ học rất giỏi, không những có tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm lớp 10 (1974) từng được tỉnh Nghệ An tặng một chiếc xe đạp do thành tích học tập xuất sắc của mình

Ngay sau khi tờ Giao Thông công bố bài báo vừa kể, nhiều người sống cùng thời với ông Huệ, thật sự từng nức tiếng là Học sinh Giỏi, đặc biệt là những người ở Nghệ An đã lên tiếng… nói lại cho rõ. Chẳng hạn ông Chu Hồng Quý – vốn là cựu học sinh trường Năng khiếu Nghệ Tĩnh: … lịch sử xã Nghi Xuân nói riêng và vùng ven biển Nghi Lộc, Cửa Lò từ xưa đến nay chưa có đứa nào vào Đội tuyển Học sinh Giỏi Quốc gia mà kêu Huệ học giỏi “nổi tiếng xứ Nghệ”… Năm 1974 thì thủ khoa Học sinh Giỏi miền Bắc cũng chưa được tặng xe đạp chứ đừng nói là học giỏi ở trường cấp huyện. Sao không nói quách đi là được phần thưởng iPhone cho nó máu?

Để chứng minh, ông Quý đưa lên facebook một công văn do Ty Giáo dục Nghệ An phát hành năm 1969, quyết định khen thưởng 15 học sinh đạt loại giỏi và khá trong kỳ thi tốt nghiệp niên khóa 1968 – 1969. Ngoài giấy khen, mỗi người chỉ được thưởng thêm một cây bút kim tinh và một lọ mực anh hùng – kèm lời bình của ông Quý: Thủ khoa Đội tuyển tỉnh thi quốc gia, đạt giải Học sinh Giỏi Toàn quốc mà phần thưởng chỉ có 14 cuốn sách, truyện viết về “bác Hồ”, trong khi Huệ học giỏi ở trường huyện mà lại được thưởng xe đạp – vả một gia tài mà gia đình khá giả khi đó mới tậu nổi… (3)!..

***

Đây không phải lần đầu tiên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam… tô son, trát phấn cho ông Vương Đình Huệ nhằm dựng lên huyền thoại về một nhân vật… thông minh, học giỏi, có chí vượt khó, có tư chất chỉ huy, lãnh đạo ngay từ thưở thiếu thời. Hồi 2011, sau khi ông Huệ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài Chính trong nội các của ông Nguyễn Tấn Dũng, tờ Giáo Dục đã từng có một bài viết về… tuổi thơ dữ dội của ông Huệ và bị công chúng chỉ trích còn… dữ dội hơn.

Lúc ấy, tờ Giáo Dục dẫn lời của bà Võ Thị Cầm, thân mẫu của ông Huệ kể về con trai bà như thế này: Huệ nó chăm học lắm, có nhiều lúc nó chong đèn học thâu đêm. Những khi đèn dầu hết, nó học nhờ ánh trăng và bắt chước người xưa bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học. Có hôm nó học khuya quá, thương con, nhà còn nắm gạo, tui nấu cháo cho nó nhưng nó không chịu ăn. Nó bảo mẹ ăn đi mà lấy sức, con không đói đâu. Nó bê cháo đến nài cho mẹ ăn làm tui cảm động cứ ôm lấy con mà khóc (4)…

Tuy nhiên ông Huệ không phải là viên chức đầu tiên trong nhóm lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam được hệ thống truyền thông chính thức quảng bá rằng lúc thiếu thời, do nghèo khó, từng phải dùng… đom đóm thay đèn để dùi mài kinh sử, ông Trần Đại Quang – cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an, cựu Chủ tịch Nhà nước đã quá cố – mới là người đi tiên phong trong việc kể với công chúng rằng… đom đóm đã tham gia trợ giúp… thu thập tri thức để… nên người (5)!

Dã sử từng có giai thoại Mạc Đĩnh Chi – Trạng nguyên thời nhà Trần, một danh nhân Việt Nam – hiếu học tới mức bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, thay đèn để đọc sách. Sở dĩ nhiều thế hệ truyền khẩu giai thoại này vì nhiều người xem đó là một tấm gương đẹp về vượt khó để học hành, song dùng đom đóm nhằm sơn phết những nhân vật đương đại thì lại là… bất trí và không lương thiện. Đó cũng là lý do hồi 2011, đã có rất nhiều người phân tích về thật – hư của việc dùng đom đóm thay đèn đọc sách… Chẳng hạn một bài phân tích trên Trạm Sách về giai thoại Mạc Đĩnh Chi – đom đóm sau khi nhận ra nguy cơ… sẽ thêm nhiều chính khách tự giới thiệu đã phát triển… sự học từ… đom đóm…

Đầu tiên, để mắt người có thể đọc được, tối thiểu cần độ sáng 450 lumens (lumen là đơn vị đo độ sáng). Thứ hai, độ sáng của 1 con đom đóm khoảng 0.0006 lumens (E.Newton Harvey và Kenneth P. Stevens thí nghiệm năm 1928). Với đèn sợi đốt như thế kỷ 19 mà Thomas Edison dùng thì mỗi W đem lại độ sáng 11.25 lumens. Như vậy để có độ sáng như bóng đèn sợi đốt 40W (450 lumens) sẽ cần là: (40 x 11.25)/0.0006 = 750,000 con đom đóm.

Những năm tăm tối của thế kỷ 13 (thời Mạc Đĩnh Chi – NV), cứ cho đom đóm bu đầy trong bụi, cụ vợt phát được trăm con và có thể kiếm được cả nghìn con đom đóm nhét vô vỏ trứng đà điểu (hoặc cụ nhặt được vỏ trứng khủng long) thì mọi người cũng có thể hình dung là nó cũng chưa bằng một cái đèn sợi đốt với công suất 1W (11.25/0.0006 = 18,750 con đom đóm). Lờ mờ hơn cả trăng đêm rằm.

Thứ ba, ai cũng thấy về mặt sinh học thì con đom đóm lập lòe. Chính xác là đom đóm sẽ tắt 4 giây và sáng nửa giây, không sáng liên tục. Do ánh sáng không đồng nhất thành một dải mà thay đổi theo tần suất lập lòe của đom đóm (tương tự đèn huỳnh quang). Do đó, cái đèn học của cụ sẽ có tần suất nhấp nháy rất lớn, dẫn đến mắt rất nhanh xuống cấp. Thứ tư, để xử lý vấn đề tần suất nhấp nháy rất lớn đó, ta cần phải có 8 lần số đom đóm thay phiên nhau nháy để duy trì 450 lumens liên tục. 750,000 x 8 = 6,000,000 con đom đóm. Xin nhắc lại là 6 triệu con đom đóm. Nếu bắt đủ, không biết cụ sẽ để số đom đóm đó vào đâu?

Với một cây đèn học vừa nhấp nháy, lại có ánh sáng yếu thì việc cụ Mạc mắt không tinh rõ ràng có thủ phạm. Và không tinh ở mức độ nào thì chỉ riêng việc cụ bắt nhầm con chim vẽ treo trên tường (khi đi sứ sang Trung Quốc thời nhà Nguyên – theo Đại Việt Sử ký Toàn thư) cũng có thể biết là cụ cận ở mức độ nào rồi. Thời của cụ tìm được cái đèn hay DIY (do it yourself) một cái đèn đủ sáng để đọc thì là việc khó lắm, nhưng cái “đèn đom đóm” DIY của cụ mà có thật, chắc khoa học hiện tại phải quỳ xuống luôn.

Sau khi người Pháp vào Việt Nam mang theo văn minh và khoa học kỹ thuật, Việt Nam bắt đầu có điện từ 1894. Năm 1954, Điện lực Cách mạng Việt Nam bắt đầu tiếp quản hệ thống điện mà Pháp xây dựng ở phía Bắc vĩ tuyến 17. Vậy mà gần đây, người ta thêu dệt nhiều giai thoại về “cậu trò nghèo bắt đom đóm làm đèn học” hay “tuổi thơ dữ dội” của ai đó “bắt đom đóm cho vào quả cà rỗng” như cái đèn đom đóm DIY của cụ Mạc. Làm như Việt Nam bây giờ mới có điện chứ mấy mươi năm trước chưa được soi sáng ấy nhỉ. Cuối cùng thì đây là thế kỷ của khoa học – kỹ thuật, bạn không thể rình rập “đi tắt đón đầu” với cái đầu “đèn đom đóm” còn tay là cái la bàn “ma de in Việt Nam” đâu (6).

***

Ông Trần Đại Quang từng im lặng khi chị ông kể rằng ông từng… bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học. Ông Vương Đình Huệ cũng im lặng khi mẹ ông kể về… tuổi thơ dữ dội, khiến ông phải cậy đến… những con đom đóm và quả cà rỗng phát triển sự học… Ông Nguyễn Phú Trọng thì thản nhiên ngồi thưởng thức những lời ông Nguyễn Anh Trí ca ngợi ông có… mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc. Im lặng tán thưởng hay phản bác những lời tụng ca trơ trẽn, sống sượng là quyền của mỗi người nhưng phản ứng kiểu nào sẽ quyết định bơm, thổi có khả năng trở thành… công nghệ hay không.

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/cam-dong-vo-cung-voi-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-co-mai-dau-bac-trang-hien-ngang-1360689.html

(2) https://www.baogiaothong.vn/cau-tro-ngheo-hoc-gioi-vuong-dinh-hue-trong-ky-uc-thay-co-d501365.html

(3) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=3748993098549885&id=100003176966049

(4) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/tuoi-tho-du-doi-cua-bo-truong-vuong-dinh-hue-post15290.gd

(5) https://www.phunuonline.com.vn/vinh-biet-cau-tro-ngheo-bat-dom-dom-lam-den-hoc-a71784.html

(6) https://tramsach.com/den-dom-dom-mac-dinh-chi-khi-khoa-hoc-bo-tay-voi-tri-tuong-tuong/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét