Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

20210413. TÂN CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC

 ĐIỂM BÁO MẠNG


MẤY LỜI CHÂN THÀNH VỚI TÂN CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC

MẠC VĂN TRANG/ TD 5-4-2021

Trước hết xin chúc mừng Anh Bảy đã được Quốc hội bầu vào chức vụ cao quý: Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Anh đã đặt tay lên Hiến pháp và tuyên thệ trước quốc dân đồng bào nhận vinh dự và trọng trách lớn lao CHỦ TỊCH NƯỚC.

Thưa Chủ tịch,

Là một công dân, tôi chân thành gửi đến Tân Chủ tịch mấy điều thành thật sau đây:

1. Chủ tịch hãy phát huy tính năng động tích cực vốn có, đi sâu, đi sát các tầng lớp nhân dân, nhất là những nhóm yếu thế, vùng sâu vùng xa, thấu hiểu thực trạng xã hội để có tiếng nói và các quyết sách hợp lòng dân. Tránh tình trạng chỉ quanh quẩn tiếp xúc nhóm “cử tri chuyên nghiệp” ở Ba Đình để nghe những lời tâng bốc!

2. Chủ tịch hãy phát huy bản lĩnh, trí tuệ, nghĩa khí của người “Quảng Nam hay cãi’: Cãi vì SỰ THẬT, cãi vì CÔNG LÝ. Cho nên hãy dùng quyền lực của Chủ tịch nước để bảo vệ SỰ THẬT, bảo vệ CÔNG LÝ, dám cách chức những quan chức làm láo, nói láo, chà đạp lên Hiến pháp, pháp luật, đạo lý…

3. Chủ tịch nước có vai trò, vị thế khác với Thủ tướng, nên phong cách và ngôn ngữ cũng phải khác với Thủ tướng. Cách quát nạt như khi họp Chính phủ; cách “nổ” khi đi các địa phương, tỉnh nào cũng là “đầu tàu”, là “trung tâm”; rồi tỉnh nào đó phải thành “Hồng Công”, Hà nội thành Paris, Sài Gòn thành Singapore, Việt Nam thành “Hổ” thành “Rồng”, hay “cột điện Mỹ cũng muốn chạy về Việt Nam” v.v… là ngôn ngữ của tuyên giáo. Chủ tịch nước phải nói năng rất chuẩn mực, dùng thư ký chuẩn mực, chớ dùng loại thư ký viết những bài diễn văn sáo rỗng dài dòng mà mang vạ vào thân. Chủ tịch nước cần lắng nghe nhiều, nhìn nhiều, nói ngắn, nói ít thôi.

4. Chủ tịch hãy dùng quyền lực của mình, sửa sai vụ án Hồ Duy Hải và vụ án Đồng Tâm đi! Hai vụ án đó trái pháp luật, trái đạo lý, lòng dân rất bức xúc. Chính ông cũng đã nói khi tiếp xúc cử tri ở Đồ Sơn, Hải Phòng rằng: “Vụ án Đồng Tâm là do chính quyền giải quyết sai quy định của pháp luật”. Từ cái sai nhỏ dẫn đến cái sai lớn và rồi dẫn đến tội ác. Vậy bây giờ là lúc Chủ tịch có quyền trong tay để sửa sai hai vụ án nhức nhối này.

5. Chủ tịch đã đặt tay lên Hiến pháp để thề, vậy Chủ tịch hãy quyết tâm thực hiện lời thề đó bằng cách chỉ đạo, giám sát các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải thượng tôn và thực hiện đúng những Điều ghi trong Chương II của Hiến Pháp năm 2013, mà tôi xin phép dẫn ra dưới đây.

CHƯƠNG II

QUYỀN CON NGƯỜI,

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

Điều 14

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Điều 15

1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.

4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 16

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Điều 17

1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.

2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.

3. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.

Điều 18

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Điều 19

Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Điều 20

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.

Điều 21

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Điều 22

1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Điều 23

Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Điều 24

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Điều 25

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Điều 26

1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.

3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Điều 27

Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Điều 28

1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Điều 29

Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Điều 30

1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

Điều 31

1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.

3. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.

4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

5. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Điều 32

1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.

2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Điều 33

Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Điều 34

Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.

Điều 35

1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.

3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

Điều 36

1. Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

Điều 37

1. Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

2. Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

3. Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 38

1. Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.

Điều 39

Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.

Điều 40

Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.

Điều 41

Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

Điều 42

Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

Điều 43

Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Điều 44

Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc.

Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

Điều 45

1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.

2. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Điều 46

Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.

Điều 47

Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định.

Điều 48

Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam.

Điều 49

Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét cho cư trú.

(Nguồn: Văn phòng Quốc hội)

Xin chân thành chúc Chủ tịch luôn Mạnh khoẻ, Hạnh phúc, hoàn thành sứ mệnh cao cả, để người Dân nhìn vào Chủ tịch thấy có niềm tin vào SỰ THẬT và CÔNG LÝ.

QUYỀN LỰC MỀM CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC

NGUYỄN SĨ DŨNG/ VnEx 8-4-2021


Nguyễn Sĩ DũngNguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Trong bốn vị lãnh đạo tứ trụ của đất nước, có lẽ ít ai thấy Chủ tịch nước thể hiện quyền lực của mình trên thực tế.

Cuối năm 2011, khi việc biên tập, sửa đổi Hiến pháp 1992 được triển khai, tôi được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi lên Phủ Chủ tịch để tham vấn về chế định Chủ tịch nước. Tôi đã có dịp trình bày với ông về giá trị của chế định Chủ tịch nước theo mô hình đại nghị.

Gọi là "chế định" bởi nó bao gồm tất cả những gì Hiến pháp và pháp luật quy định về nhiệm vụ và quyền hạn, chức năng của Chủ tịch nước.

Và tôi cũng có dịp luận giải với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng, Chủ tịch nước chính là người nắm giữ quyền lực mềm, bao gồm các giá trị đạo đức được ông thể hiện qua hình ảnh công chúng của mình.

Quyền lực đạo đức tỏa ra từ tình thương yêu, sự cao thượng, lòng bao dung và cách hành xử mẫu mực. Nhờ sự lôi cuốn của những phẩm chất này mà Chủ tịch nước có thể dẫn dắt cả dân tộc. Đây chính là quyền lực mềm của chế định Chủ tịch nước. Lấy Hồ Chủ tịch làm ví dụ. Bác bỏ gạo của mình vào hũ để tiết kiệm, hàng triệu người đã noi theo chứ không cần ra lệnh cho ai cả.

Tôi đã nói đại ý rằng, người có uy tín cao thì có quyền lực mềm và có thể dẫn dắt nhân dân. Lắng nghe tôi một cách chăm chú, nguyên Chủ tịch nước đã không trực tiếp phản bác. Song, có lẽ ông cảm nhận được rằng để có được quyền lực đạo đức không hề dễ. Ông nhận định: "Phải ở tầm cỡ Bác Hồ mới có thể dẫn dắt dân tộc bằng sức mạnh đạo đức".

Quyền lực mềm không quy định thành văn trong Hiến pháp và pháp luật, nhưng nó là quyền lực thực tế hiển hiện và tác động rất lớn.

Từ khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là yếu nhân thứ ba được bầu làm Chủ tịch nước, sau cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nguyên Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung một số quyền năng cho Chủ tịch nước. Tuy nhiên, xét về cơ bản, Chủ tịch nước theo Hiến pháp này vẫn khác với Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946.

Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 gần với chế định tổng thống trong mô hình tổng thống lưỡng tính. Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 2013 lại gần với chế định tổng thống trong mô hình đại nghị, hay còn gọi là mô hình thủ tướng chế.

Ở mô hình thứ nhất, quyền hành pháp được phân chia giữa tổng thống với thủ tướng. Ở mô hình thứ hai, quyền hành pháp nằm trong tay thủ tướng. Tổng thống không nắm quyền hành pháp, nhưng lại là nguyên thủ quốc gia nắm giữ quyền lực đạo đức và là biểu tượng cho sự thống nhất và toàn vẹn của đất nước, ví dụ như tổng thống Đức, Israel.

Khó có thể khẳng định chế định chủ tịch nước được thiết kế theo mô hình nào trong hai mô hình trên sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế trên thế giới, số lượng các nước thịnh vượng có chế định chủ tịch nước theo mô hình đại nghị đang áp đảo, như Đức, Nhật, Singapore, Anh, Australia, New Zealand, Canada, Thụy Điển, Đan Mạch, Israel...

Nhà nước Việt Nam không hẳn được thiết kế nhất quán theo mô hình nào trong hai mô hình trên. Tuy nhiên, do Hiến pháp quy định quyền hành pháp nằm trong tay Thủ tướng và Chính phủ nên tất yếu có nhiều tương đồng với mô hình đại nghị trong việc vận hành chế định Chủ tịch nước.

Vậy, Chủ tịch nước của chúng ta sẽ làm gì?

Trước hết, Chủ tịch nước là người đại diện cao nhất cho chủ quyền quốc gia, là biểu tượng cho sự thống nhất và toàn vẹn đất nước. Theo Hiến pháp 2013: "Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại".

Thực ra, để thực hiện được chức năng này, điều quan trọng là phải để Chủ tịch nước đứng trên những toan tính về phân chia quyền lực, phân chia cơ hội và ngân sách. Người Anh đòi hỏi Nữ hoàng - nguyên thủ quốc gia của họ - phải đứng trên chính trị là vì vậy.

Dù không có quyền lực chính trị, nhưng Nữ hoàng Anh hay hoàng đế Nhật, tổng thống Đức là biểu tượng của sự mẫu mực, niềm tự hào và sự đoàn kết dân tộc. Ngược lại, vua của Thái Lan gần đây không hành xử đủ gương mẫu, người dân không nghe, chế định đó bị hủy hoại.

Thứ hai, Chủ tịch nước đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong lễ nghi nhà nước. Ở tầm quốc gia, không có sự tham gia của Chủ tịch nước không thể có được phẩm cấp và sự long trọng cần thiết. Ngoài ra, cho dù các nhân sự cấp cao phần lớn đã được quyết định theo quy trình trước khi Chủ tịch nước chính thức bổ nhiệm, thì thiếu sự bổ nhiệm của Chủ tịch nước, vẫn không thể có được sự chính danh.

Thứ ba, Chủ tịch nước là "van an toàn" của hệ thống. Do không trực tiếp phân chia các lợi ích, nên Chủ tịch nước không bị rơi vào tình thế người được phân chia phần hơn thì yêu, kẻ được phân chia phần ít thì giận. Nhờ đó, ông dễ được dân qúy và có thể tháo ngòi nổ khi xảy ra bất ổn xã hội.

Người được chọn làm Chủ tịch nước phải có đạo đức. Đạo đức chính là sức mạnh của vị trí này.

Cuối cùng, Chủ tịch nước trong mô hình thể chế của chúng ta còn có vai trò rất lớn đối với quyền lực tư pháp. Lý do là vì Chủ tịch nước luôn được Bộ chính trị phân công chỉ đạo ngành Tư pháp.

Với sức mạnh mềm được mặc định của mình, Chủ tịch nước hơn ai hết đang được dân chúng trông đợi có thể thúc đẩy những cải cách để công lý được bảo đảm cho mọi người dân đất Việt cũng như giữ gìn lòng tin và sự quý trọng của đồng bào.

Nguyễn Sĩ Dũng

TIẾP NỐI NHIỆM KỲ CỦA CÁC THỦ TƯỚNG KHÁT KHAO CẢI CÁCH VÀ HÀNH ĐỘNG

QUỐC PHONG/ TVN 8-4-2021

Nhiệm kỳ Thủ tướng vừa qua, vị “thuyền trưởng” Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn khó phai về sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ kế tục tư tưởng cải cách mạnh mẽ như thế. 

Vị Thủ tướng gần dân

Với mục tiêu "xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân", dưới sự điều hành của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thành công được coi là ấn tượng nhất của Chính phủ trong suốt 5 năm qua, đó là 3 điểm nhấn quan trọng: Tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, cải cách hành chính; quản lý kinh tế vĩ mô; khống chế và kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19. 

Tiếp nối nhiệm kỳ của các Thủ tướng khát khao cải cách và hành động
Tiếp nối nhiệm kỳ của các Thủ tướng khát khao cải cách và hành động

Đúng như nhận xét của GS Lê Đăng Doanh, “người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ qua đã có một cách tiếp cận rất mới”. Có một thống kê cho thấy, nhiệm kỳ qua, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng xuống biển”. Thực sự ông Nguyễn Xuân Phúc là vị Thủ tướng năng nổ, chịu khó và sâu sát. 

Ông có một cường độ làm việc rất cao, để lại dấu ấn mạnh mẽ và những bài học kinh nghiệm trong việc tiếp cận thực tế, giải quyết một cách thiết thực những vấn đề cuộc sống đề ra. 

Đặc biệt, ông đã rất lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, từ công luận, báo chí...

Cá nhân tôi là người làm báo lâu năm và dù nghỉ hưu đã lâu, thế nhưng khi thấy tôi nhắn tin đến ông, mong người đứng đầu Chính phủ lưu tâm cho kiểm tra một vấn đề nào đó đang nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm, ông đều có hồi âm. Nhiều khi, dù đã rất khuya, ông nhắn tin hồi báo cho tôi rất cẩn thận kiểu như “Tôi đã cho kiểm tra ngay việc chú nêu (cách gọi tình cảm của ông với lớp đàn em chúng tôi) và đã có ý kiến để họ lưu ý...”. 

Cứ nhìn vào các chuyến đi công tác dưới cơ sở trong 5 năm vừa qua, chúng ta đủ hiểu cường độ làm việc cao đến độ nào của ông. Khi thì nửa đêm ông đến chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội để kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi lại đi tiếp ra thẳng cánh đồng ngoại thành tìm hiểu thêm. Khi thì ông lội bùn đến với bà con vùng bão lũ để chia sẻ khó khăn và chỉ đạo hướng xử lý... Qua đó, Chính phủ và Thủ tướng có cách chỉ đạo cơ sở sâu sát hơn đến vấn đề thuộc về dân sinh. 

Thêm một vị “thuyền trưởng” quyết đoán

Người kế nhiệm cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ này là ông Phạm Minh Chính, người từng đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Công an...

Tiếp nối nhiệm kỳ của các Thủ tướng khát khao cải cách và hành động
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính thăm một số gia đình tại thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn, Móng Cái tháng 1/2012

Với những cương vị đảm trách trong khoảng chục năm qua, ông đã tỏ rõ là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa và dám nghĩ, dám làm. Về phương pháp làm việc, ông rất bài bản, mạnh mẽ và cũng rất quyết liệt, đôn đốc rốt ráo mọi công việc mỗi khi đưa ra các ý tưởng của mình cho cấp dưới triển khai với tinh thần “việc hôm nay không để ngày mai”. 

Có một lần vào năm 2018, khi ngồi trong phòng khách của ông để phỏng vấn, viết bài về công tác tinh giản bộ máy, tôi đã vô tình nghe được cung cách làm việc rốt ráo, khẩn trương, sâu sát của ông. Điều này đã khiến tôi rất bất ngờ vì khi nói chuyện với tôi, ông rất nhẹ nhàng, tinh tế. 

Ông hỏi người ở  bên kia đầu dây điện thoại rằng, cái đề án mà cậu thực hiện trình lãnh đạo Ban cho ý kiến (ý là Ban Tổ chức Trung ương) kết quả ra sao rồi? 

Ở đầu dây bên kia, tôi không hiểu người đó trả lời ra sao nhưng bỗng tôi nhận ra thái độ không bằng lòng của người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương. Ông nói: Cậu là lãnh đạo Vụ mà sao trình một văn bản cho Phó Ban lâu như vậy mà vẫn chịu yên lặng chờ? Lẽ ra, khi không thấy lãnh đạo hồi âm thì cậu phải gọi điện hoặc lên hỏi trực tiếp vì sao anh chậm trả lời văn bản thế, để còn điều chỉnh. Cậu cần thay đổi cách làm nếu muốn công việc hanh thông, hiệu quả...”.

Thì ra, đó rất có thể là cung cách làm việc sâu sát, khẩn trương và cách đôn đốc cũng rất chặt chẽ ở ông Phạm Minh Chính. 

Năm 2014, trong một cuộc tập huấn nội bộ công tác Đảng ở Quảng Ninh do Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triệu tập, tôi có tranh thủ “một công đôi việc” xin gặp Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính để nghe kỹ thêm những suy nghĩ của ông.

Tôi thấy ông khá thoáng khi xử lý công việc, đặc biệt khi làm lãnh đạo ở một tỉnh biên giới rất phức tạp với 1,2 triệu dân khi ấy. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có cả biên giới đất liền lẫn biển với Trung Quốc.

Tôi cũng thấy rất thú vị khi nghe ông nêu những cách nghĩ, cách làm của ông có liên quan tới đời sống người dân vùng biên, cả trên đất liền lẫn hải đảo. 

Đường biên giới Quảng Ninh giáp với Trung Quốc khá dài. Ông quan niệm: "Bảo vệ biên giới không có nghĩa là không giao lưu, không quan hệ. Ở một tỉnh giáp biên, khi hai bên chỉ cách nhau có một con suối nhỏ, nếu trong quá trình giao lưu, làm ăn thì việc xử lý những khúc mắc nảy sinh ở biên giới cũng không nên quá cứng nhắc. Chúng ta cần mềm dẻo, kiên trì vận động, hết sức tránh va chạm để giữ gìn đoàn kết, hữu nghị. Chỉ có vậy thì dân mình mới làm ăn tốt được”.

Khi thâm nhập nắm tình hình địa phương, ông Phạm Minh Chính đã thấy những hạn chế khiến Quảng Ninh khó giàu lên cho dù tài nguyên có vẻ giàu có, cảnh đẹp thiên nhiên khó ai bì.  

Từ đó, ông đã chủ động đề xuất chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu sang xanh”, tức là khoáng sản than dù có là ưu thế của tỉnh thì cũng nên nghĩ các kế sách khác khai thác để cùng làm giàu thì mới bền vững. 

Trong công tác xây dựng tổ chức Đảng, mô hình Quảng Ninh luôn là điểm sáng để các tỉnh học tập khi tinh giản bộ máy hành chính và hệ thống chính trị nói chung. 

Cách làm này vừa gọn nhẹ lại vừa hiệu quả, hiệu suất công tác tốt hơn mà lại bớt chi ngân sách khá nhiều. Điển hình của “hiện tượng Quảng Ninh” về tinh gọn bộ máy đã và đang được triển khai rộng hơn trong phạm vi cả nước và đã tỏ rõ tính tích cực của nó. Đây chính là điều không thể phủ nhận khi ông được giao trọng trách Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng và nó tiếp tục được nhân rộng ra tại nhiều tỉnh, thành, bộ, ngành... 

Điểm chung nhất của tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng và tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đó là các ông đều cùng có một khát vọng cải cách thể chế mạnh mẽ và luôn mong muốn hành động, sáng tạo vì sự phát triển phồn vinh, sự trường tồn của đất nước. Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân! 

Quốc Phong 

CAM KẾT 'KHÔNG ĐÁNH ĐỔI MÔI TRƯỜNG ĐỂ LẤY KINH TẾ' VÀ CHO PHÉP PHÁ RỪNG LÀM SÂN GOLF ?

DIỄM THI/ RFA/ BVN 6-4-2021


Ảnh minh họa: một sân golf ở Việt Nam

Dự án sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai thời hạn khai thác trong 50 năm vừa được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng duyệt chủ trương đầu tư. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf này.

Sân golf này sẽ do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô hơn 174 ha.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu của nhà đầu tư và các nội dung đã thẩm định; chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, việc bảo vệ môi trường, nguồn nước.

FLC chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ dự án.

Chuyên gia quản lý tài nguyên Đặng Hùng Võ phân tích sự kiện này với RFA:

“Về nguyên tắc thì Việt Nam có chủ trương bảo vệ rừng, phát triển rừng, tăng diện tích rừng. Đến nay thì tổng diện tích rừng đạt 49% diện tích đất nước. Trước kia cái tiêu chuẩn rừng nó rất cao. Cây phải lớn, không tính các cây bụi nhưng sau đó lại cứ rút dần tiêu chuẩn thế nào gọi là rừng, đồng thời cũng coi một số các loại rừng đặc biệt được gọi là rừng nhưng lại không đạt tiêu chuẩn nào.

Thế nhưng lại có một cái nghị quyết của Bộ Chính trị là Nghị quyết 30 về việc tiếp tục đổi mới các nông lâm trường quốc doanh. Trong đó có đưa ra một chủ trương, là đối với những rừng tự nhiên mà nghèo kiệt thì có thể chuyển sang mục đích sử dụng khác mang lại hiệu quả cao hơn.

Có thể đây là chủ trương dẫn đến chuyện xem xét một số rừng tự nhiên nghèo kiệt ở Gia Lai không thể khôi phục, không thể phục hồi được nên được chuyển mục đích sử dụng, mà cụ thể là làm sân golf với ý nghĩa phát triển du lịch Việt Nam.”

Ông Võ cho rằng, tất cả chỉ là giả thiết. Nếu muốn đánh giá chính xác phải đến tận nơi mới biết rừng có thật sự nghèo kiệt đến mức không thể phục hồi được hay không, và nếu có thì phải xem tại sao không phục hồi được. Chủ trương cho chuyển các khu rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng phục hồi sang mục đích khác thì phải kèm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn định lượng xem thế nào là nghèo kiệt không thể khôi phục. Ông nhận định rằng chính sách đôi khi rất đúng nhưng lại bị bẻ cong đi ở cấp thực hiện dẫn đến chuyện làm ngược lại chính sách đó.

Tháng 12 năm 2020, khi dự án được đề xuất, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc triển khai dự án sân golf này sẽ làm biến mất rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá và thảm thực vật tại đây, dẫn đến mất cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và 63 tỉnh thành về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, diễn ra vào sáng 14 tháng 10 năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Bác Hồ nhiều lần nói rừng là vàng, vì thế Tây nguyên muốn chặt một cây gỗ thì phải thắp hương mà lạy cây. Nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng phải được quán triệt mạnh hơn trong mọi cấp chính quyền, trong cả hệ thống chính trị”.

Ông Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương đồng tâm làm cho diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên.

Nên cho tư nhân hóa đất rừng?


Sân golf ở khu vực Vịnh Hạ Long. Reuters

Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định, rừng tự nhiên là một hệ sinh thái gồm cây lâu năm thân gỗ, cau dừa có chiều cao vút ngọn từ năm mét trở lên. Tới năm 2018, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp 2017 lại quy định thêm: chiều cao trung bình của cây rừng từ một mét trở lên đối với các kiểu rừng ở điều kiện sinh thái đặc biệt khác cũng là rừng tự nhiên. Như vậy, nhà quản lý đã lùi tiêu chí thế nào là "rừng tự nhiên" để tăng số liệu về diện tích rừng.

Theo thống kê của Bộ Lâm Nghiệp, tính đến cuối năm 2020, thực tế 66% rừng tự nhiên đang là rừng nghèo suy kiệt; 30% là rừng trung bình; chỉ khoảng 4% là rừng giàu.

Ông Đặng Hùng Võ từng nhiều lần nêu quan điểm của ông với những cơ quan có trách nhiệm về rừng ở Việt Nam rằng, cần để tư nhân tham gia phục hồi rừng tự nhiên. Tư nhân quản lý thì sẽ tốt hơn, bởi họ mất tiền để được giao rừng thì họ sẽ chăm sóc đúng để phục hồi rừng tự nhiên. Tư nhân có động lực rất lớn trong vấn đề lợi ích. Ông nói thêm:

“Quan điểm của tôi thứ nhất là phải phục hồi tiêu chuẩn rừng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, thế nào gọi là rừng. Thứ hai, phải cương quyết hồi phục rừng tự nhiên, mà phải sử dụng động lực tư nhân để phục hồi.

Khi xây dựng Luật Lâm nghiệp 2017 tôi đã trình bày nhưng không được chấp nhận, và đến bây giờ vẫn không được chấp nhận.”

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, từng nhận định với RFA vào tháng trước rằng:

“Tôi nghĩ rằng bây giờ mình phải tìm cách khôi phục lại tự nhiên càng nhiều càng tốt, tránh chuyện chúng ta khai thác thiên nhiên quá mức. Điều này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu dài, và tốn kém rất nhiều. Đồng thời phải xem xét lại vấn đề bố trí lại dân cư trong những cùng rủi ro như vậy, và điều này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu chứ không thể một sớm một chiều.”

Theo đề án đầu tư ngành Thể dục Thể thao của tỉnh Gia Lai, dự án sân golf Đak Đoa nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016- 2025. Đây cũng là một trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định số 1946 ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 795 ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020.

Tháng 11 năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đak Đoa. Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Điều đáng nói là dự án sân golf này chiếm đến hơn một phần ba diện tích rừng của cả huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Nếu dự án này được thực hiện thì phải phá rừng thông làm sân golf.

Đến hôm nay, Thủ tướng Việt Nam đã cho phép chuyển mục đích 156 ha đất rừng để FLC làm sân golf này.

Nói về sự phát triển sân golf ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho hay, tính đến năm 2015, Việt Nam có 58 sân golf nằm rải rác tại 24 tỉnh của ba miền Bắc- Trung- Nam.

Tuổi Trẻ Online hôm 5 tháng 4 năm 2021 dẫn lời Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Phạm Thành Trí cho hay, hiện Việt Nam có 75 sân golf đang hoạt động. Thời gian gần đây, tính trung bình cứ hai tuần Việt Nam có thêm một sân golf được cấp phép. Sắp tới mỗi năm Việt Nam có thể có thêm từ 50 đến 100 sân golf nữa.

Ngoài chuyện phá rừng để làm sân golf, theo các chuyên gia môi trường, để vận hành một sân golf cần phải sử dụng nhiều loại hóa chất như acid silic, oxid nhôm, oxid sắt, acrylamide… Đây là những hóa chất độc hại đối với con người và các loại sinh vật khác.

SÂN GOLF VÀ HỆ THỐNG THÍCH...ĐÙA

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD  8-4-2021

Công chúng Việt Nam chưa hết choáng khi ông Nguyễn Xuân Phúc cho phép phá 156 héc ta rừng ở huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai để làm sân golf (1) thì đã bị ông Phạm Thành Trí – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, bồi thêm một cú trời giáng nữa.

Bên lề cuộc họp báo do Hiệp hội Du lịch tổ chức, ông Trí cho biết: Gần đây, trung bình hai tuần, hệ thống công quyền Việt Nam cấp một giấy phép đầu tư… sân golf và sắp tới, mỗi năm, Việt Nam sẽ có thêm từ… 50 tới 100 sân golf… vì… số sân golf ở Việt Nam vẫn còn ít so với các quốc gia khác trên thế giới (2)!..

***

Có lẽ cần phải nhắc lại rằng, tháng 4 năm ngoái, chính phủ Việt Nam từng ban hành một nghị định về đầu tư và xây dựng kinh doanh sân golf (Nghị định 52/2020/NĐ-CP). Theo đó, có năm loại đất KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ XÂY DỰNG SÂN GOLF VÀ CÔNG TRÌNH PHỤ TRỢ PHỤC VỤ CHO HOẠT ĐỘNG KINH DOANH SÂN GOLF:

Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. Đất rừng, đất trồng lúa. Đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao. Đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển (3).

Sở dĩ chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 52/2020/NĐ-CP vì việc xây dựng ồ ạt các sân golf được xem là ảnh hưởng tai hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, môi trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp, an sinh xã hội của người bị thu hồi đất…

Bộ Kế hoạch – Đầu tư từng công bố một thống kê, theo thống kê này, 144 dự án sân golf tại 39 tỉnh và thành phố ở Việt Nam đã ngốn 49.000 héc ta đất và chỉ chừng 30% diện tích (15.000 héc ta) là sân golf đúng nghĩa, 70% còn lại (34.000 héc ta) dùng để kinh doanh bất động sản, biệt thự, nhà nghỉ, nhà hàng (4)…

***

Không phải đến gần đây người Việt mới biết đến mặt trái của sân golf. Trong 20 năm vừa qua, thông qua các cơ quan truyền thông chính thức, nhiều chuyên gia đã liên tục cảnh báo về những ảnh hưởng tai hại của các dự án đầu tư vào sân golf đến môi trường, kinh tế, xã hội. Chẳng hạn, 17 năm trước, hồi tháng 8 năm 2004, tờ Tuổi Trẻ từng đăng “Hiểm họa từ sân golf” của ông Lê Anh Tuấn – một chuyên gia làm việc tại Trung tâm Kỹ thuật môi trường và Thủy lợi của Khoa Công nghệ Đại học Cần Thơ.

Lúc đó, dựa trên các nghiên cứu của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, ông Tuấn đã lưu ý: Các dự án đầu tư sân golf sẽ dẫn đến hủy hoại rừng, theo sau sẽ là hàng loạt tổn thất như khả năng điều tiết nước lưu vực bị sụt giảm tạo nên những tác hại xấu cho nhiệt độ, ẩm độ, gió… thời tiết sẽ trở nên bất thường, lũ lụt và hạn hán thường xuyên hơn. Mực nước ngầm cũng sẽ sụt giảm. Đất đai sẽ bị xói mòn và bạc màu. Các loại cây quí hiếm, chim chóc, thú hoang mà số lượng đang giảm nghiêm trọng có thể tuyệt chủng.

Do các sân golf phải dùng nhiều loại hóa chất với số lượng lớn, nguy cơ ung thư rất cao. Hóa chất vừa làm ô nhiễm không khí, vừa chảy xuống ao, hồ, suối, sông, ngấm vào mạch nước ngầm sẽ làm các nguồn nước trong khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hoạt động của các sân golf còn ngốn lượng nước khổng lồ (lượng nước một sân golf 18 lỗ sử dụng tương đương với lượng nước sinh hoạt của 20.000 gia đình). Vì những lẽ đó, sân golf tạo ra bất bình đẳng xã hội – đa số phải hy sinh cho thiểu số hưởng thụ (5)…

Thực tế hoạt động của các sân golf và dự án đầu tư tại sân golf ở Việt Nam đã diễn ra đúng như những gì các quốc gia, tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài Việt Nam cảnh báo. Cho dù chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2020/NĐ-CP nhưng cũng chính chính phủ tiếp tục phê duyệt các dự án đầu tư sân golf, kể cả phá rừng để làm sân golf như Dự án sân golf Đắk Đoa hồi đầu tháng này.

Vì sao lại thế? Đọc kỹ Điều 6 của Nghị định 52/2020/NĐ-CP mới thấy, khi khẳng định KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG NĂM LOẠI ĐẤT ĐỂ XÂY DỰNG SÂN GOLF VÀ CÔNG TRÌNH PHỤ TRỢ PHỤC VỤ CHO HOẠT ĐỘNG KINH DOANH SÂN GOLF, chính phủ đã lẳng lặng đính kèm yếu tố… TRỪ TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC QUY ĐỊNH TẠI một số… điều khác của Nghị định 52/2020/NĐ-CP! Ví dụ, dẫu đã có Nghị định 52/2020/NĐ-CP nhưng chính phủ vẫn có quyền cấp giấy phép… phá rừng hoặc chuyển ruộng lúa thành… sân golf nếu… hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, dịch vụ, du lịch, thể thao, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa hình thức vui chơi, giải trí, phát triển thể lực, sức khỏe cộng đồng (Khoản 1, Điều 3, Nghị định 52/2020/NĐ-CP)!

***

80% sân golf xâm lấn đất nông nghiệp – chuyện nhỏ! Đa số sân golf thua lỗ, không đóng góp cho công quỹ – chuyện nhỏ! 2/3 diện tích của các dự án xây dựng sân golf dành cho kinh doanh bất động sản – chuyện nhỏ! Các dự án sân golf xâm lấn những lợi ích khác của đa số dân chúng – chuyện nhỏ (6)! Ngày càng nhiều những dự án đầu tư vào sân golf như Dự án Sân golf và Khu nghỉ dưỡng Đà Lạt (nhận 267 héc rừng từ 2007 nhưng chỉ khai thác rừng lấy gỗ và chia đất rừng thành lô để làm nhà, hoặc lập trang trại, sau 14 năm vẫn không có sân golf, không có khu nghỉ dưỡng nào, để… giải độc dư luận, tháng giêng vừa qua, chính quyền tỉnh Lâm Đồng phải quyết định chấm dứt hoạt động của thu hồi dự án đầu tư này) – chuyện nhỏ (7). Chuyện lớn là bất kể các dự án đầu tư vào sân golf tai hại thế nào đối với môi trường, kinh tế, xã hội thì chính phủ vẫn phê duyệt!

Nếu đối chiếu thực trạng với Nghị định 52/2020/NĐ-CP, sự tự tin của ông Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam về tương lai, triển vọng của những dự án đầu tư vào sân golf ở Việt Nam, rồi sự tích cực của ông Nguyễn Xuân Phúc – phê duyệt đề nghị phá rừng để xây dựng Sân golf Đắk Đoa vào… ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Thủ tướng, ắt sẽ thấy, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam rất thích đùa với tương lai của xứ sở. Những kiểu đùa khiến thiên hạ chỉ khóc chứ không thể cười!

Chú thích

(1) https://vietnamfinance.vn/news-20180504224251473.htm

(2) https://dulich.tuoitre.vn/cu-2-tuan-co-them-1-san-golf-duoc-cap-phep-o-viet-nam-2021040519294356.htm

(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Nghi-dinh-52-2020-ND-CP-dau-tu-xay-dung-va-kinh-doanh-san-gon-441111.aspx

(4) https://kinhtemoitruong.vn/thuc-trang-phat-trien-san-golf-tai-viet-nam-va-nhung-nguy-co-tac-dong-den-moi-truong-51997.html

(5) https://tuoitre.vn/hiem-hoa-tu-san-golf-45020.htm

(6) https://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lam-phat-san-golf-cu-2-tuan-them-1-san-golf-3430192/

(7) https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/xu-ly-sau-thanh-tra/cham-dut-hoat-dong-du-an-dau-tu-san-golf-va-khu-nghi-duong-da-lat-177243.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét