Một trong những nội dung mà các đối tượng hướng tới là phát động phong trào “không biết không bầu”. Đây là chiêu thức cũ, vẫn lấy cảm hứng từ những câu chuyện "dân chủ phương tây", mà chính những xã hội đó đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, hố sâu ngăn cách các bộ phận nhân dân như những vết thương không cầm máu.

Như chúng ta đã biết, bầu cử là một biểu hiện tính dân chủ, tiến bộ của nhà nước pháp quyền so với các chế độ chính trị đã có trong lịch sử như phong kiến hoặc chiếm hữu nô lệ. Ở Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND là một hình thức thể hiện quyền làm chủ của công dân cao nhất, để cử tri bầu ra những vị đại diện cho lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị kiên định, đủ phẩm chất, uy tín, năng lực và trình độ, có khả năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri để lập pháp, giám sát sự lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước của Chính phủ. Thế nên, ở Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND được xem trọng và được ví như ngày hội thực sự. Quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân Việt Nam chỉ có được sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành lại độc lập, tự do. 

Chiêu trò xúi giục phá hoại
Nêu cao cảnh giác trước những chiêu bài phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 là yêu cầu cấp bách với nhân dân nói chung và mỗi cử tri nói riêng. Ảnh minh họa: quochoi.vn 

Bất chấp ý nghĩa tốt đẹp về bầu cử đã được hiến định, quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, thời gian qua, trên mạng xã hội, một số đối tượng cơ hội chính trị trong nước đã phát động phong trào “không biết không bầu”. Như ngày 25-2, trên Facebook xuất hiện một thông tin có nội dung dưới dạng tờ rơi hỏi và trả lời được chia sẻ với tốc độ cao. Tại đây, đối tượng đưa ra các câu hỏi như: Đã từng thấy người nào diễn thuyết, kêu gọi bỏ phiếu cho họ chưa? ai là người đại diện cho quyền, lợi ích của bạn? đã có đại biểu Quốc hội nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bạn chưa...? Trả lời cho các câu hỏi trên là những từ "chưa từng thấy", "chưa có" và đặc biệt là đi đến khẳng định nếu ứng cử viên bầu đại biểu Quốc hội có đề án nhưng không diễn thuyết thì không thể đại diện cho cử tri và thống nhất là không bầu. Cũng cuối tháng 2 vừa qua, NĐC, một nhân vật “trở cờ” ở Hà Nội đã viết trên Facebook cá nhân về cái gọi là “không biết không bầu”. Ông ta khẳng định, việc các cơ quan Trung ương giới thiệu nhân sự bầu đại biểu Quốc hội về các địa phương để ứng cử là một biểu hiện của “Đảng cử, dân bầu”. Những đại biểu ứng cử có chương trình nhưng không thuyết trình và tổ chức vận động tranh cử để nhân dân địa phương biết thì sẽ không bầu. Việc cử tri bầu những người này chỉ là hình thức. Họ không đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri mà chỉ bảo vệ lợi ích cho Đảng, nhằm đàn áp, thống trị nhân dân... Qua những lời ngụy biện ở trên, nhân vật này đã lợi dụng tính lan tỏa của mạng xã hội, kêu gọi cử tri thực hiện phong trào tự phát “không biết không bầu”.

Phong trào kêu gọi “không biết không bầu” là rất thâm hiểm. Nó không chỉ cổ vũ cho chủ nghĩa tự do tùy tiện và chủ nghĩa dân túy vốn đang là ác mộng của nhiều nước trên thế giới mà nó còn liên quan đến lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền với những ưu việt đã được khẳng định. 

Thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và từ thực tiễn xây dựng đất nước, trong các văn kiện của Đảng ta lâu nay đều khẳng định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; mọi quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, bảo đảm sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Đó là nhà nước mà ở đó quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, hoạt động trên cơ sở tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là nhà nước tôn trọng và thực hiện bảo vệ quyền con người, tất cả vì hạnh phúc của con người; đồng thời bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Tất cả những mục tiêu này được hiện hữu thông qua việc xây dựng bộ máy lãnh đạo, lập pháp, hành pháp và tư pháp đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành mà bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là một biểu hiện cao nhất.

Thực tiễn cho thấy, thứ nhất, việc đưa ra và tuyên truyền, cổ xúy cho phong trào tự phát “không biết không bầu” là đi ngược lại với quy định của Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Điều 2 của luật này quy định tuổi bầu cử và tuổi ứng cử như sau: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp”. Thế nên, nếu thực hiện phong trào tự phát “không biết không bầu” thì tự mình đã đánh mất quyền công dân, quyền cử tri mà pháp luật đã quy định. Xin nói thêm là, từ năm 1946 trở về trước, dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, công dân Việt Nam chưa khi nào được hưởng không khí tự do, dân chủ đúng nghĩa; chưa ai được cầm trong tay phiếu bầu để bầu ra người đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình. Có thể nói, cùng với việc khai sinh, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945) thì cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa I) diễn ra tại các tỉnh, thành phố trong cả nước vào ngày 6-1-1946, theo lối phổ thông đầu phiếu và lựa chọn ra 333 đại biểu cho Quốc hội là một bước tiến và dấu ấn lịch sử, thể hiện ý chí khát vọng độc lập, tự do và quyền làm chủ của toàn dân tộc. Từ đó đến nay, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là ngày hội chính trị của nhân dân. Các quy định trong bầu cử cũng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, được luật hóa để sao cho phát huy quyền làm chủ của công dân, cử tri được cao nhất; bảo đảm bầu cử an toàn, thống nhất và hiệu quả. Vậy nên, nếu thực hiện phong trào tự phát “không biết không bầu” thì khác nào “lấy đá ghè chân mình”, tự tước đi quyền, lợi ích của chính công dân và của chính cử tri. 

Thứ hai, việc tán phát thông tin trái luật đã khiến cho nhiều người lầm tưởng và hiểu sai lệch chế độ chính trị ở Việt Nam, cổ vũ cho tư tưởng dân chủ cực đoan, vô lối, chủ nghĩa dân túy. Thực tế, ở các nước phương Tây, việc bầu nghị viện và bầu ra nhà lãnh đạo đất nước được tiến hành khá cởi mở. Các ứng cử viên tự do xây dựng đề án, tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động tranh cử để cử tri lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nay việc này đã xuất hiện những “gót chân Asin” mang biểu hiện lợi ích cục bộ, thao túng chính trị, tranh giành cử tri bằng mọi giá, triệt hạ đối thủ bằng mọi cách, gây bất bình giữa các tầng lớp trong xã hội. Những bất ổn, náo loạn, đổ máu... xung quanh bầu cử lãnh đạo cấp cao của một số quốc gia ngày càng cho thấy những bất đồng, phân biệt về quyền làm chủ của công dân giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội là rất khó có thể điều hòa. Những người cổ vũ tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ trong lúc này chẳng những thiếu hiểu biết, mà còn rắp tâm phá hoại đất nước. 

Thứ ba, phong trào tự phát “không biết không bầu” là một cái cớ để các thế lực thù địch và những người bất đồng chính kiến có dịp phản bác lại sự ổn định chính trị, ổn định xã hội ở Việt Nam. Chúng mong muốn hạ thấp vai trò, uy tín của Việt Nam với bạn bè quốc tế và đối tác, ngăn các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những căn nguyên có thể cướp đi việc làm, thu nhập của người lao động trong xã hội và đặc biệt làm giảm động lực tinh thần hướng tới mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường... 

Nêu cao cảnh giác trước những chiêu bài phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 là yêu cầu cấp bách với nhân dân nói chung và mỗi cử tri nói riêng. Vì vậy, mỗi cử tri cần cẩn trọng khi tiếp xúc với mạng xã hội, không chia sẻ, bình luận những thông tin từ những tài khoản chứa đựng những nội dung có dụng ý xấu. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh với những kẻ cơ hội, vạch rõ âm mưu xấu bẩn của chúng. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng đồng thời là một chiến sĩ dân vận, trước tiên vận động người thân trong gia đình và những người xung quanh làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm cử tri trong ngày hội lớn của đất nước.

MẠNH THẮNG

DÂN CHỦ NGHĨA LÀ ' KHÔNG BIẾT, CỨ BẦU ' ?

TRÂN VĂN/ VOA 13-4-2021

Tờ Quân đội nhân dân (QĐND) đang tiến những bước rất dài trên con đường bảo vệ đảng CSVN nhằm… làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”. Những bài mới nhất nhằm biện minh cho sự… đúng đắn của đảng CSVN trong việc sắp đặt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND vào hạ tuần tháng tới đã cũng như đang đưa thiên hạ đi từ ngạc nhiên đến kinh hoàng...

Càng ngày, lối biện giải của tờ QĐND về cách thức tổ chức bầu cử theo kiểu Việt Nam càng kỳ lạ, không chỉ vi phạm hiến pháp hiện hành, phủ nhận các qui định pháp luật liên quan tới nhân quyền, dân quyền mà còn có khuynh hướng muốn …cải tạo nhận thức của… toàn bộ nhân loại về bầu cử mà bài Chiêu trò xúi giục vừa đăng trên tờ QĐND (1) hôm 12 tháng 4 chính là ví dụ mới nhất, rõ ràng nhất…

Trong bài viết vừa kể, tờ QĐND chỉ trích kịch liệt quan niệm “không biết, không bầu” đang có khuynh hướng trở thành phổ biến trong cử tri Việt Nam. Nếu “không biết, không bầu” là… rất thâm hiểm như tờ QĐND nhận định thì khoảng một nửa trong số 13 điều trong Chương 1 (Chế độ chính trị) và toàn bộ Chương 2 (Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) trong Hiến pháp Việt Nam (2) trở thành… dư thừa!

Cách lập luận của QĐND trong Chiêu trò xúi giục nhằm cổ xúy… không biết vẫn… cứ bầu vì đó mới là cách thức… đúng đắn thực hiện… quyền công dân! Theo QĐND thì “không biết, không bầu”là… chiêu thức cũ, vẫn lấy cảm hứng từ những câu chuyện “dân chủ phương tây”, mà chính những xã hội đó đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, hố sâu ngăn cách các bộ phận nhân dân như những vết thương không cầm máu!

Tranh cử theo kiểu “dân chủ phương tây” (tự do ứng cử, ứng cử viên tự do xây dựng kế hoạch hành động, tự do giới thiệu - vận động tranh cử cử để cử tri xem xét, lựa chọn) bị QĐND xác định là… những “gót chân Asin” mang biểu hiện lợi ích cục bộ, thao túng chính trị, tranh giành cử tri bằng mọi giá, triệt hạ đối thủ bằng mọi cách, gây bất bình giữa các tầng lớp trong xã hội.

Những cuộc bầu cử lãnh đạo cao cấp của nhiều quốc gia theo kiểu “dân chủ phương Tây” bị QĐND xem là nguyên nhân gây… bất ổn, náo loạn, đổ máu, càng ngày càng cho thấy những bất đồng, phân biệt về quyền làm chủ của công dân giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội là rất khó có thể điều hòa … cổ vũ tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ trong lúc này bị QĐND xem là chẳng những thiếu hiểu biết, mà còn rắp tâm phá hoại!...

Có lẽ chỉ ở Việt Nam “không biết, không bầu” mới bị miệt thị tàn tệ như vậy. Lối biện giải của QĐND đã xé toạc Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND (3). Muốn bầu cử tại Việt Nam như thiên hạ (phải bảo đảm quyền được biết của cử tri để họ tự do lựa chọn bị cảnh cáo là… không chỉ cổ vũ cho chủ nghĩa tự do tùy tiện và chủ nghĩa dân túy vốn đang là ác mộng của nhiều nước trên thế giới mà nó còn liên quan đến lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền với những ưu việt đã được khẳng định!

***

Nếu cách thức tổ chức bầu cử của đảng CSVN (công dân – cử tri chỉ có quyền bỏ phiếu cho những cá nhân đã được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chủ động chọn trước, công dân – cử tri chưa bỏ phiếu thì đảng đã chọn và sắp đặt xong nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mà về nguyên tắc phải được dân cử hoặc được các đại diện do dân cử lựa chọn – phê duyệt) thật sự đúng đắn…

Nếu… “không biết không bầu” chỉ là… cớ để các thế lực thù địch phản bác sự ổn định chính trị và xã hội ở Việt Nam nhằm… hạ thấp vai trò, uy tín của Việt Nam với bạn bè quốc tế và đối tác, ngăn các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, thậm chí là… căn nguyên có thể cướp đi việc làm, thu nhập của người lao động trong xã hội và đặc biệt làm giảm động lực tinh thần hướng tới mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường...

Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thực hiện thành công… Chỉ thị số 25-CT/TW “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất ý tưởng của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, thể hiện vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế như QĐND từng khoe cách nay hai tháng (4), nhân loại sắp phải thực hiện một cuộc… cải tạo toàn diện về nhận thức cho… vài tỉ người về dân chủ, tự do, nhân quyền! Lẽ nào văn minh nhân loại sắp đổi hướng?

Chú thích

(1) https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/chieu-tro-xui-giuc-pha-hoai-656568

(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Bau-cu-dai-bieu-Quoc-hoi-va-dai-bieu-Hoi-dong-nhan-dan-2015-282376.aspx

(4) https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/viet-nam-phat-huy-vai-tro-dan-dat-de-xuat-y-tuong-tai-lien-hop-quoc-651652


VÌ SAO VIỆT TÂN DUY TRÌ 1.000 TÀI KHOẢN TRÊN MẠNG XÃ HỘI ĐỂ CHỐNG PHÁ BẦU CỬ ?

TRỌNG NAM /VOV 12-4-2021

VOV.VN - Âm mưu của chúng là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ, đảng viên, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng

Ngày 23/5/2021 tới đây, toàn dân sẽ chính thức tham gia vào bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để chọn ra những người tài đức, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Các bước chuẩn bị đang được gấp rút hoàn thiện, trong đó dự kiến khu vực miền núi, hải đảo sẽ được tổ chức bầu cử sớm.

Càng gần đến thời điểm bầu cử, các thế lực thù địch càng tăng cường chống phá, tuyên truyền sai lệch với chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, nhằm mục đích gây hoang mang cho cử tri. Thời gian qua, tổ chức phản động Việt Tân đã cho lập mới 300 tài khoản, duy trì 1.000 tài khoản trên các mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những bài viết, thông tin tiêu cực trong xã hội để thổi phồng, phá hoại tư tưởng.

Âm mưu của chúng là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “những khoảng trống” để dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ, đảng viên, từng bước “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, chúng sử dụng thư điện tử phát tán các tài liệu phản động với tiêu đề: “Hiến pháp Việt Nam năm 2021”, “Giải trình Hiến pháp Việt Nam năm 2021”…, kích động số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị trong nước thành lập các hội, nhóm, lôi kéo người dân tham gia chống phá bầu cử, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự.

Trao đổi với phóng viên VOV, Trung tá Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng phòng An ninh báo chí xuất bản  - Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an) cho biết: “Thủ đoạn của các đối tượng là đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng hàng ngàn bài viết xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác bầu cử. Chúng xuyên tạc rằng bầu cử chỉ là màn kịch dân chủ do Đảng đạo diễn, Đảng Cộng sản đang độc diễn bầu cử, không có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng lãnh đạo cuộc bầu cử này...”

Cũng theo Trung tá Nguyễn Ngọc Phương, các đối tượng chống phá còn đưa ra những yêu sách, kiến nghị vô căn cứ, cho rằng, quyền lực trong Quốc hội đã được thỏa hiệp, phân chia, việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội chỉ là hình thức.

Những lập luận của thế lực thù địch là vô căn cứ

Thực tế cho thấy, công tác bầu cử Quốc hội trong những nhiệm kỳ qua là dân chủ, tôn trọng đa số phiếu mà nhân dân bầu ra. Có rất nhiều người không phải Đảng viên nhưng cũng vẫn trúng cử Đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu chọn, điển hình như nhà sử học Dương Trung Quốc, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, khối người dân tộc thiểu số như các đại biểu Ka’H’Hoa (dân tộc Mạ, giáo viên ở Đắk Nông), Triệu Thị Huyền (dân tộc Dao, nông dân ở Yên Bái)...

Ở Quốc hội khóa XIV cũng có đến 15 đại biểu do Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử. Những điều này chứng minh việc bầu cử Quốc hội là tôn trọng ý kiến của đa số cử tri, chứ không phải “sắp xếp ghế” như các đối tượng chống phá xuyên tạc.

Theo đại diện của Cục An ninh Chính trị Nội bộ  (Bộ Công an), các thế lực phản động còn sử dụng chiêu trò “tự ứng cử”, đó là hô hào các nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô ủng hộ, kích động các nhà dân chủ, một số đối tượng có hoạt động “tự ứng cử” để gây rối, phá hoại bầu cử.

Khi bị loại ở vòng hiệp thương do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì chúng lại rêu rao xuyên tạc, chỉ có những người theo phe Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử hay Đảng Cộng sản cố tình cản trở người ngoài Đảng ứng cử.

Thực tế cho thấy, những đối tượng tự ứng cử theo kiểu gây rối phần nhiều còn có hành vi phạm pháp. Do đó, tư cách của một công dân bình thường còn chưa đáp ứng được thì bị loại ở vòng hiệp thương là điều dễ hiểu. Điển hình như trường hợp của Lê Trọng Hùng (chủ facebook Hùng Gàn Lê) vừa bị cơ quan chức năng bắt về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Phương, người dân cần tỉnh táo, không sa vào các “cạm bẫy lập luận” mà đối tượng giăng trên mạng: “Chúng tôi xin khuyến cáo người dân: Không tiếp tay cho những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về cuộc bầu cử, cũng như không chia sẻ, phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật, kêu gọi hay ủng hộ tẩy chay bầu cử...”

Trung tá Phương nhấn mạnh, người dân nên cùng chính quyền đấu tranh, vạch mặt những cá nhân có hoạt động chống phá bầu cử, gây mất an ninh trật tự. Đồng thời, chia sẻ những thông tin chính thống, có dẫn chứng rõ ràng về cuộc bầu cử cũng là một cách để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân với cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Đến nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương đã hoàn thành việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Theo thống kê sơ bộ, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu. Hội đồng Bầu cử quốc gia đang phối hợp với các cơ quan tập trung chỉ đạo tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng pháp luật./.

GIÁM SÁT HỘI NGHỊ NƠI CƯ TRÚ: BẠN CÓ QUYỀN YÊU CẦU DỪNG HỘI NGHỊ TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY

HỒNG ANH/ LK / BVN 3-4-2021


Minh họa: Luật Khoa. Ảnh gốc: Báo Gia Lai

Bạn có nhiều quyền lực trong hội nghị cử tri hơn bạn nghĩ.

Đứng phía sau chiếc bàn trải khăn màu đỏ màu dài sát đất, vị đại diện Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đang đọc tiểu sử của những người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã. Bỗng nhiên, một người từ hàng ghế của tôi đứng lên cắt lời ông. Từ chiếc máy tính bảng, người đàn ông này đọc lên quy định chi tiết về hội nghị cử tri nơi cư trú và yêu cầu dừng hội nghị.

Đó là kỳ bầu cử năm 2016, tôi mới vừa chuyển đến sống ở một vùng khác. Đó là một miền quê nghèo, nhưng người dân ở đây không cho phép chính quyền qua mặt họ.

Tôi đã đọc kỹ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp (Luật Bầu cử) trước khi tham dự hội nghị cử tri hôm ấy, nhưng tôi thật sự không qua được người đàn ông kể trên. Đó là một người thợ xây.

“Căn cứ vào quy định này, xóm này chắc chắn có trên 100 cử tri nhưng đếm đi đếm lại ở đây vẫn không đủ 55 người, vậy hội nghị này chưa hợp pháp”, anh thợ xây chốt phần phát biểu của mình. Các cử tri khác cũng tán thành với anh.

Quy định mà anh thợ xây nêu không có trong Luật Bầu cử, nó nằm ở một nghị quyết về tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Vị đại diện Mặt trận Tổ quốc nghe xong phần phát biểu của anh thợ xây thì đứng hình, mồ hôi đọng thành từng hột trên mặt ông. Ông quay sang hội ý với trưởng thôn. Sau hội ý, người trưởng thôn bỏ ra ngoài, lấy xe máy chạy đến từng nhà trong thôn để gọi đủ số lượng cử tri đến dự họp.

Nếu anh thợ xây không lên tiếng thì hội nghị này vẫn được tiến hành, mặc dù nó hoàn toàn bất hợp pháp. Phải mất gần 40 phút sau, các cán bộ mới gom đủ số cử tri tham gia theo quy định. Hội nghị bắt đầu lại từ đầu.

***

Sau khi đọc tiểu sử, giới thiệu về các ứng cử viên, vị đại diện Mặt trận Tổ quốc một lần nữa bị bối rối.

Người dân yêu cầu đưa thêm một người mà họ tín nhiệm vào danh sách ứng cử viên. Người đó là phó trưởng thôn. Vị phó trưởng thôn là một người trung niên, rất năng nổ trong các hoạt động của xã.

Nhưng dù được tín nhiệm, vị phó trưởng thôn vẫn không thể ra ứng cử. Ông đứng lên cảm ơn sự tin tưởng của bà con dành cho mình. Ông cũng giải thích rằng do là đảng viên nên phải được đảng cử thì ông mới được phép ứng cử. Nếu người dân kiên quyết chọn ông thì ngày mai ông cũng phải tự làm đơn xin rút tên mình khỏi danh sách ứng cử.

Cao trào của hội nghị cử tri này vẫn chưa dừng lại. Có vẻ như người dân kiên quyết tận dụng mọi cơ hội để giám sát hội nghị.

Sau phần giới thiệu các ứng cử viên và phần người dân đề cử phó trưởng thôn ra ứng cử nhưng bất thành, vị đại diện Mặt trận Tổ quốc đề xuất cách giơ tay để biểu quyết đối với từng ứng viên để mọi người về nghỉ sớm, vì hội nghị tổ chức vào buổi tối. Tuy nhiên, người dân yêu cầu phải bỏ phiếu kín. Sau khi cử tri bỏ lá phiếu của mình vào hòm, mỗi lá phiếu được lấy ra trình cho mọi người và đánh dấu số của từng ứng cử viên lên một tấm bảng đen. Cuối cùng là phần công bố kết quả kiểm phiếu và hội nghị khép lại.

***

Hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã là nơi mà người dân có quyền quyết định cao nhất trong tiến trình bầu cử. Việc bầu chọn và công bố kết quả ứng cử viên diễn ra ngay tại hội nghị cử tri. Ứng cử viên có tên trong danh sách chính thức hay không hoàn toàn tùy thuộc vào biểu quyết của người dân.

Ngược lại, biểu quyết của người dân trong hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp huyện, tỉnh chưa phải là tất cả. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba với các cơ quan đoàn thể sẽ quyết định người nào mới là ứng cử viên chính thức.

Dù quyền lực của bạn ở hai loại hội nghị cử tri này là khác nhau, bạn vẫn có quyền yêu cầu dừng hội nghị nếu số lượng người tham gia không đúng theo quy định.

Căn cứ mà bạn có thể tự tin yêu cầu dừng hội nghị nếu số lượng cử tri tham gia không đúng theo quy định là Nghị quyết 1186/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo nghị quyết này, dù là hội nghị cử tri dành cho người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã hay đại biểu Quốc hội thì luôn phải tuân thủ về số lượng cử tri tham gia hội nghị.

Theo đó, nơi nào mà số lượng cử tri trên 100 người thì ít nhất phải có từ 55 cử tri tham dự hội nghị, nơi nào có dưới 100 cử tri thì phải đảm bảo có ít nhất 50% số cử tri được triệu tập tham dự hội nghị.

Phần lớn các nơi tổ chức hội nghị cử tri đều có trên 100 cử tri. Nếu bạn được mời đến hội nghị cử tri, hãy đếm số người trong khán phòng và khiếu nại với người chủ trì hội nghị nếu không có từ 55 cử tri trở lên.

Những ứng cử viên tự do cũng có quyền yêu cầu dừng hội nghị nếu số lượng cử tri tham gia không đúng theo quy định.

Quyền lực tiếp theo của bạn là có thể yêu cầu hình thức bỏ phiếu kín khi biểu quyết đối với các ứng cử viên.

Việc bỏ phiếu kín giúp bạn thoải mái hơn khi đưa ra lựa chọn, vì ứng cử viên không thể nhìn thấy bạn chọn hay không chọn họ. Bỏ phiếu kín và kiểm từng tờ phiếu cũng là cách tốt nhất để tránh khả năng gian lận xảy ra, như đếm không đúng số người giơ tay biểu quyết.

Dù bạn không có quyền giới thiệu người nào bạn yêu thích ra ứng cử và luôn phải bầu cho những người được đảng cử, nhưng bạn có quyền lực để đảm bảo hội nghị cử tri diễn ra đúng pháp luật. Đó có thể là phẩm chất cho thấy bạn xứng đáng với một chế độ bầu cử khác, dân chủ hơn, công bằng hơn trong tương lai.

H.A.

Nguồn: Luật Khoa

ĐẠI CỬ TRI VÀ SIÊU CỬ TRI

NGUYỄN KHẮC MAI/ BVN 15-4-2021

Ở Mỹ có luật bầu cử quy định về một pháp nhân của bầu cử Đại cử tri. Đại cử tri nghĩa là gì?

Tiếng Mỹ gọi là electoral vote - những lá phiếu quyết định bầu cử. Chứ không phải cử tri.

Thông thường quyết định kết quả bầu cử. Qua thực tế bầu cử ở Mỹ, tôi hiểu chữ đại này có ba nghĩa cố nhiên theo nghĩa tiếng Việt: a/ Đại nghĩa là đại diện, những cử tri này đại diện, thay mặt cho các cử tri khác quyết định kết quả bầu cử; b/ Vì thế họ là những cử tri nhớn, quyền to hơn các cử tri bé, là những cử tri bình thường mà phiếu bầu không có tính quyết

định; c/Đại theo tiếng Việt là làm đại đi, bầu đại đi quyết đại đi, dẫu cuộc bầu cử có bị thưa kiện, khiếu nại v.v. Mặc cho những ai mắng tôi chẳng biết gì về nước Huê kỳ. Nói theo nhà Phật, cái tâm của tôi đã dính mắc vào những điều trrông thấy. Tôi đã thấy như thế và nghĩ như thế về cái đại cử tri của nước Mỹ.

Ở Việt Nam cái nước ta nó thế, nói như cách của ông bạn đã quá cố của tôi là Hoàng Ngọc Hiến. Nước mình hiện nay, không phải hôm qua cũng không phải mai sau, mà là kim nhật kim thì. (kim nhật kim thì, lời khấn, hay quyết của thầy cúng để khẳng định với vong ngay bây giờ, lập tức tại nơi này phải xuất hiện) có một thực tế bất thành văn, nhưng lại có hiệu lực về một tư cách phi pháp nhân vì nó chẳng cần căn cứ pháp luật, nó căn cứ ý chí của một Đấng con trời nào đó.Tôi gọi đó là cái Siêu cử tri.

Đại cử tri ở Mỹ có luật rất chặt chẽ, số lượng là bao cho mỗi Tiểu bang, ngày giờ nào thì họp, họp ở đâu, rất chi tiết rành mach.

Siêu cử tri ở ta, hình thành theo nghị quyết. Nó là ý chí của kẻ lãnh đạo, rập khuôn theo phương thức cai trị theo thánh chỉ hơn là theo ý chí (tinh thần) luật pháp. Bởi tinh thần luật pháp thì vô ngã, còn ý chí thánh chỉ lại rất cá nhân, mặc dù Hồ Chí Minh từng chống chủ nghĩa cá nhân!

Siêu cử tri ở ta không gọi là đại. Nhưng quyền rất to. Chỉ cần là dân ấp dân lân, nói theo cụ Nguyễn Đình Chiểu, họ vẫn có quyền hạng siêu cử tri để gạt anh ngay từ vòng gởi xe. Siêu cử tri cấp quận tỉnh thành và trung ương còn có một danh xưng rất uyên bác, đầy chữ nghĩa: Ủy

ban hiệp thương. Họ cũng không cần hiệp mà cũng không thương. Nghĩa là chỉ cần bàn với nhau, với đàng mình và quyết đại đi.

Không phải họ không có ý thức hay triết lý. Mà họ đã làm theo một thứ siêu thức. Họ hiểu ý ông Các Mác từ trong bản chất. Cứ y như thể khi đức Phật giơ lên một bông hoa, không nói một lời nào mà Ca Diếp vẫn nhận ra ý tứ và mỉm cười. Ông Mác từng bảo với Bakounine, một lãnh tụ phái Đệ nhị rằng: ”Một khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền, họ

sẽ thúc đây một chế độ ủy trị, để cho một nhóm người tự mình ứng cử, bầu cử để thay mặt và cai trị họ. Ngay lập tức họ rơi tõm vào sự lừa dối và lệ thuộc. Chỉ sau một hồi hưng phấn cách mang trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ tỉnh dậy và thấy mình là nô lệ, là con rối và là con mồi cho những tham vọng mới. ”Mác đã dự báo về một chế độ ủy trị để một nhóm người tự ứng cử và bầu cử, thì siêu cử tri ra đời là hợp lô gich! Không thể khác. Mác không có ý niệm về siêu cử tri. Cho nên đây hoàn toàn là một sáng tạo. Mác đã tiên đoán sự xuất hiện của siêu cử tri, như một tất yếu khi một nhóm người tự ứng cử và bầu cử. Còn Lenine lại từng tuyên bố Chuyên chính vô sản thì không nhất thiết cân luật pháp.

N.K.M.

Tác giả gửi BVN