Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

20201229. PUTIN KÝ LUẬT MIỄN TRUY TỐ SUỐT ĐỜI MỌI TỔNG THỐNG NGA

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ÔNG PUTIN KÝ LUẬT MIỄN TRỪ TRUY TỐ SUỐT ĐỜI CHO MỌI TỔNG THỐNG Ở NGA
KHÁNH MINH /LĐ 23-12-2020

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Tổng thống Vladimir Putin ký luật mới bảo đảm quyền miễn trừ truy tố suốt đời cho các cựu tổng thống Nga và các thành viên gia đình.

RT đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một luật mới đảm bảo quyền miễn trừ truy tố suốt đời đối với các cựu tổng thống Nga sau khi rời nhiệm sở, đồng thời mở rộng các biện pháp bảo vệ đối với gia đình của các cựu nguyên thủ quốc gia.

Điều đó có nghĩa là ông Putin, cũng như các cựu tổng thống tiền nhiệm, không thể bị đưa ra tòa vì các tội hình sự hoặc hành chính sau khi rời Điện Kremlin.

Các quy tắc tương tự sẽ áp dụng cho ông Dmitry Medvedev, người đã giữ chức vụ tổng thống Nga từ năm 2008-2012, và tất cả những người giữ chức vụ tổng thống trong tương lai.

Các quy định mới đã được đưa vào Hiến pháp sửa đổi - được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu công khai vào tháng 6, tạo ra những thay đổi đáng kể đối với hệ thống quản trị của Nga.

Trước đây, dự luật về quyền miễn trừ của tổng thống chỉ áp dụng khi tổng thống tại nhiệm.

Theo luật mới, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) sẽ phải phê chuẩn các cáo buộc phản quốc hoặc một tội ác kinh hoàng khác nhằm vào một cựu tổng thống. Tòa án Tối cao và Tòa án Hiến pháp cũng sẽ phải chấp thuận. Sau đó, dựa trên những khuyến nghị đó, Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Dự luật cũng trao cho các cựu tổng thống ghế thượng nghị sĩ suốt đời trong Thượng viện.

KHÁNH MINH
NHÌN LẠI CON ĐƯỜNG ÔNG PUTIN TRỞ THÀNH TỔNG THỐNG NGA
NGUYÊN PHONG / VNN 22-12-2020

Từ nước Đức trở về

Cuối những năm 1980 ở Dresden (CHDC Đức), chẳng mấy ai đoán biết được người đàn ông gầy gò với dáng đi nhanh nhẹn, ngôn từ rõ ràng nhưng kiệm lời thường hay lui tới làm gì trong ngôi biệt thự số 4, đường Angelica, quận Losvis.

Giờ thì ai cũng rõ, đây là hội sở của Tổ điệp báo Liên Xô; còn người đàn ông ấy – Trung tá KGB Vladimir Putin, nay là Tổng thống Liên bang Nga.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Putin rời nước Đức trở về Leningrad không chỉ vì đây là thành phố quê hương, mà còn vì trông cậy vào sự đỡ đầu của người thầy cũ – Giáo sư Đại học Leningrad Anatoly Soptrac, người vừa được bầu làm Thị trưởng thành phố này.

Nhìn lại con đường ông Putin trở thành Tổng thống Nga
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Putin được vị “ân sư” bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban quan hệ đối ngoại, Phó Thị trưởng rồi Phó Thị trưởng thứ nhất. Vị tổng thống tương lai của nước Nga hành sự theo những nguyên tắc được ông tuân thủ trong suốt những năm chính trường: cẩn thận, lạnh lùng, ít xuất hiện trước truyền hình, âm thầm và nghiêm túc thực hiện tốt bổn phận của mình.

Bằng những nỗ lực đáng nể, Putin đã trở thành nhân vật đầy quyền uy, được Soptrac uỷ nhiệm thay thế mình mỗi khi đi vắng.

Tháng 6/1996, Soptrac bị thất bại khi ra tranh cử chức Thị trưởng Saint Petersburg lần hai, tiếp đó phải sang Paris tị nạn do bị tố tham nhũng. Putin khước từ lời mời làm việc dưới quyền Thị trưởng mới Yakovlev và lọt vào mắt xanh của một người đỡ đầu khác: Chánh Văn phòng Tổng thống Anatoly Trubais.

Vốn cũng là “dân Petersburg” và nhớ tình đồng liêu ngày cùng phục vụ dưới trướng Soptrac, Trubais liền tiến cử Putin làm Cục phó Cục Hành chính, Văn phòng Tổng thống. Cục này thực chất là một vương quốc thu nhỏ và ngay lúc bấy giờ, Putin đã nổi tiếng cứng rắn do ông kiên quyết không giao nhiều quyền cho các lãnh đạo địa phương.

Được đặt vào vị trí sở trường, Putin bắt đầu phát huy thế mạnh, năng lực và tính cách làm cho Putin ngày càng nổi trội và ào ào thăng tiến. Trong 3 năm 1996-1998, Putin được 4 lần đề bạt, từ Cục phó Cục Hành chính qua các chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống kiêm Cục trưởng Giám sát, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Văn phòng Tổng thống rồi Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB).

Không phải ai cũng đủ năng lực và uy tín để đảm đương vị trí Giám đốc FSB vốn là một nhánh của KGB (Tổng cục Phản gián), nay được bổ sung các nhiệm vụ tối quan trọng như bảo vệ chiến lược, an ninh kinh tế, kiểm soát LLVT, trinh sát vô tuyến điện, chống khủng bố… với tổng cộng 21 đầu mối cấp Cục và biên chế có lúc lên đến 100.000 người.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Putin đã cải tổ FSB theo hướng tinh giản biên chế, nâng cao khả năng nghiệp vụ. Vị giám đốc mới nhanh chóng thu phục được lòng tin và sự tôn trọng của cấp dưới bằng năng lực nghiệp vụ và quản lí của mình.

Ông chủ Kremlin

Ngay từ mùa hè 1996, Tổng thống B. Yeltsin bắt đầu nghĩ đến việc tìm người kế nhiệm. Nhưng, hai con “ngựa ô” hàng đầu là các Phó Thủ tướng Trubais và Nemsov đấu đá nhau, không ai chịu ai; thêm vào đó, những vụ làm ăn tai tiếng đã buộc hai nhà cải cách trẻ tuổi cao ngạo phải rời Kremlin.

Thủ tướng Primakov có biểu hiện lấn lướt tổng thống và nói cho cùng không thể là đồng chí của Yeltsin. Một “nguồn” khác là Thủ tướng Kirienko cũng phụ lòng tin của Yeltsin qua thất bại trong cuộc khủng hoảng tài chính 1998. Trong số các tướng lĩnh cũng không có ai vừa ý Tổng thống...

Trong bối cảnh đó, một Putin chưa nổi tiếng song có đầu óc nhanh nhậy, làm việc chắc chắn, trung thành và đáng tin cậy rõ ràng là xứng đáng trở thành người kế nhiệm Yeltsin, đưa nước Nga bước vào thiên niên kỉ mới, khôi phục vị thế nước Nga trên trường quốc tế.

Đầu tháng 3/1999, Putin được bổ nhiệm làm Thư kí Hội đồng An ninh Quốc gia, vẫn giữ nguyên chức Giám đốc FSB. Đây là vị trí đầy thế lực và là tấm lá chắn chủ yếu cho Tổng thống Yeltsin. Chỉ sau nửa tháng, ngày 16/3/1999, Putin được Duma Quốc gia chấp nhận làm Thủ tướng và là vị thủ tướng thứ ba của Nga trong năm 1999.

Ngày 31/12/1999. 12 giờ trưa. Tổng thống Yeltsin xuất hiện trên truyền hình, nét mặt nghiêm trang, giọng nói chậm rãi: “Hôm nay, tôi phát biểu lần cuối cùng với tư cách là Tổng thống nước Nga. Tôi quyết định từ chức tổng thống vào ngày cuối cùng của thế kỉ. Theo quy định của Hiến pháp, tôi kí sắc lệnh giao chức vụ Tổng thống Liên bang Nga cho Thủ tướng Putin. Nước Nga đã có một nhân vật sung sức, một con người mạnh mẽ, người thuộc thế hệ mới, là người có thể làm được nhiều hơn, tốt hơn…”.

Ngay sau đó, Yeltsin giao cho Putin cuốn Hiến pháp, tấm Huân chương Tổ quốc hạng nhất và cặp điều khiển hạt nhân - là những biểu tượng quyền lực của Tổng thống.

Sau bữa ăn trưa nhẹ, Yeltsin lần cuối về thăm phòng làm việc của mình, tặng Putin chiếc bút máy Parker có vẽ hình con rồng rồi rời Kremlin sau 8 năm 'trị vì' đầy sóng gió. Trước khi lên xe, ông căn dặn Putin: “Hãy chăm lo cho nước Nga”.

Nguyên Phong

CHỢT NHỚ ĐẾN ÔNG NICOLAE CEAUSESCU

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 25-12-2020

Truyền thông đưa tin tổng thống Nga Putin mới ký một đạo luật - đảm bảo quyền miễn trừ truy tố suốt đời cho các tổng thống Nga sau khi rời nhiệm sở. Theo đó, không chỉ đảm bảo quyền miễn trừ truy tố suốt đời với các cựu tổng thống Nga, mà còn có các biện pháp bảo vệ đối với gia đình các cựu nguyên thủ (https://laodong.vn/.../ong-putin-ky-luat-mien-tru-truy-to...) . Như vậy là ông Putin, và các cựu tổng thống Nga tiền nhiệm từ sau khi Liên xô tan rã, sẽ không bị đưa ra tòa vì các tội hình sự hay hành chính sau khi rời Điện Kremlin.

CHLB Nga từ khi Liên Xô tan rã mới chỉ có 3 tổng thống. Đó là ông Yeltsin, ông Putin và ông Medvedev. Ông Yeltsin thì đã không còn nữa (01/2/1931-23/4/2007). Nên nếu đạo luật này có hiệu lực khi ông Putin đương quyền, thì chỉ áp dụng cho ông Putin và ông Medvedev. Sau khi ông Putin rời quyền lực, có thể xẩy ra trường hợp Duma quốc gia Nga huỷ bỏ đạo luật mà ông Putin vừa mới ký.

ÂN XÁ MỚI LÀ PHƯƠNG THUỐC CỨU CÁNH

Các đạo luật thông qua khi đương ở đỉnh cao quyền lực mà chỉ phục vụ cho người ở đỉnh cao quyền lực lúc đó - thì sẽ bị đời sau thay đổi. Cho nên, nếu có tội thì cầu mong ân xá của tổng thống đương nhiệm, chứ khó hy vọng ở quyền miễn trừ truy tố suốt đời tự mình đưa ra.

Chưa thấy trường hợp tổng thống tự ân xá cho mình. Nhưng ân xá cho tổng thống khác thì đã có.

Khi lên nắm quyền, tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam (nhiệm kỳ 1993-1998) đã kết tội tham nhũng và phản quốc rồi bắt giam hai tổng thống tiền nhiệm là Choon Do-hwan (1980-1988) và Roh Tae-woo (1988-1993). Nhưng cuối nhiệm kỳ thì tổng thống Kim Young-sam đã ân xá cho cả hai ông Choon Do-hwan và Roh Tae-woo vì tinh thần hoà giải dân tộc.

Hai tổng thống Hàn Quốc khác gần đây đều bị đi tù. Ông Lee Myung-bak (2008-2013) bị tù 15 năm. Bà Park Geun-hye (2013-2017) bị kết án 20 năm tù.

Ngoại trừ trường hợp vừa nêu của ông Putin, không biết có nước nào có đạo luật miễn trừ truy tố suốt đời cho tổng thống không?

NẾU AI CŨNG ĐƯỢC MIỄN TRỪ TRUY CỨU HÌNH SỰ SUỐT ĐỜI?

Pháp luật không ngoại lệ cho bất cứ ai. Từ thứ dân cho đến tổng thống đều phải tuân thủ pháp luật. Ngoại lệ cho người này thì tất phải ngoại lệ cho người khác. Nếu ai cũng ngoại lệ thì pháp luật vô hiệu lực.

Đúng ngày này 31 năm trước (25/12/1989) hai vợ chồng ông Nicolae Ceausescu đã bị xử bắn khi ông Ceausescu đang ở đỉnh cao quyền lực là Chủ tịch nước Rumani. Để thấy, khi đã rời quyền lực thì bị xử bắn như cựu tổng thống Pakistan Zulfikar Bhutto (04/4/1979, cựu tổng thống Afganistan Mohamad Najibullah (27/9/1996) hay nhà độc tài Libya Muammar Gaddafi (20/10/2011) là điều dễ xẩy ra.

Sự tụng ca đương lúc ở đỉnh cao quyền lực không bao giờ là thước đo lẽ phải. Lẽ phải từng bước hiện ra sau khi mất quyền lực. Lẽ phải từng bước hiện ra sau khi chết. Lẽ phải hiện nguyên hình sau khi chết hàng trăm năm.

Không thể miễn truy tố trách nhiệm hình sự suốt đời bằng đạo luật. Chỉ có thể miễn truy tố trách nhiệm hình sự suốt đời bằng lòng dân.

Làm lành tự được phước, làm dữ tự mang họa Chạy trời không khỏi nắng.

N.N.C.

HẾT TRUNG QUỐC RỒI NGA TRỞ LẠI THỜI ĐẾ CHẾ

CHU MỘNG LONG/ TD 26-12-2020

Các nhà vật lý trước A. Einstein tin rằng thời gian chỉ trôi đi một chiều và lịch sử không thể đảo ngược. Nhưng đến nay thì nhân loại phải chứng kiến lịch sử bị đảo ngược.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa sau thời kỳ phản phong quyết liệt, tự nó diễn biến thành kiểu đế chế mà Tần Thuỷ Hoàng đã xây dựng cả mấy ngàn năm trước. Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ ngồi trên ngai vàng suốt đời sau khi Hiến pháp mới được thông qua. Chỉ khác là hoàng bào được thay bằng hồng bào để loè thiên hạ là chế độ được xây dựng theo kim chỉ nam chủ nghĩa Marx. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là đàn cừu được chăn bởi ông chủ cầm búa và liềm.

Nay đến lượt nước Nga vĩ đại học tập và làm theo. Từ thông qua luật Tổng thống muôn đời, Putin tiến đến một bước khác cho chắc ăn: Luật miễn trừ truy tố Tổng thống và được ngồi ghế Duma nếu rời khỏi điên Kremlin. Cách mạng tháng Hai rồi Cách mạng tháng Mười nổ ra bằng xương máu để lật đổ chế độ quân chủ trở thành vô nghĩa. Dân Nga lại trở thành đàn cừu vỗ béo cho Sa Hoàng mới.

Mà thà là một Tần Thuỷ Hoàng hay một Sa Hoàng quyết định mọi thứ chứ sinh ra Nghị viện, Toà pháp viện hay những tổ chức chính trị khác để làm gì nữa? Dân Trung Quốc hay dân Nga phải nuôi cả một bộ máy khổng lồ rồi mang ơn trời bể mấy cái ông vua có tội cũng thành vô tội sao?

Mà cũng lạ. Nếu hoàn toàn vô tội thì thông qua luật miễn trừ truy tố tội ác để làm gì? Chỉ có thể là tội ác tày đình mới lo xa như vậy.

Một khi tội ác tày đình thì muôn tâu các bệ hạ, cái đàn cừu mà các bệ hạ chăn dắt đến lúc thức tỉnh thì kẻ chăn cừu vẫn bị truy tố như thường. Bởi khi đó Hiến pháp cũng bị xé bỏ và tất nhiên, chẳng cần truy tố cho mất công xét xử, cái đàn cừu đó sẽ xé xác, phanh thây ông chủ ngay lập tức. Cứ nhìn số phận những ông vua độc tài trong lịch sử mà xem, khi bị lật đổ có được miễn tội không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét