Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

20201226. NỖI LO CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HƠN 1,1 TRIỆU NGƯỜI RỜI ĐBSCL: LO NGẠI NHƯNG KHÔNG HOẢNG SỢ
TS TRẦN HỮU DIỆP/TT 17-12-2020


Ảnh minh họa. Chợ nổi ở Cần Thơ


TTO - Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020, do VCCI và Trường Chính sách công và quản lý Fulbright công bố, cho thấy một thực trạng đáng lo ngại.

Trong một thập niên qua đã có hơn 1,1 triệu người ĐBSCL, cao hơn số dân của một vài tỉnh, đã di cư khỏi vùng này đi tìm sinh kế mới.

Nếu nhìn lại lịch sử phát triển đồng bằng, vùng đất được mệnh danh "đất lành, chim đậu, vựa lúa quốc gia, chén cơm châu Á" này luôn tiếp nhận dòng người đến lập nghiệp nhiều hơn là sự ra đi. Nhưng xét trên bình diện chung thì di dân tự do trước các tác động tiêu cực không phải đến bây giờ mới xảy ra và không chỉ xảy ra ở vùng ĐBSCL. Sự dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển là một sự tất yếu.

Vì vậy, thực trạng này cần được nhìn nhận trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Cũng phải thừa nhận mặt tích cực của sự dịch chuyển lao động nông thôn ra thành thị. Ngoài việc nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống gia đình nông thôn, đáp ứng nhu cầu lao động tập trung, khan hiếm ở các đô thị, nó còn giúp nông dân có thêm nghề mới, hình thành và phát triển thêm các loại hình dịch vụ nông thôn.

Tuy nhiên, việc di cư tự do, tự phát cũng làm nảy sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội, những bất ổn về an ninh, trật tự, giao thông, môi trường, tác động xấu đến khu vực đô thị đón nhận dòng nhập cư và tác động xấu trở lại khu vực nông thôn, làm tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội, lối sống không lành mạnh...

Không phải đến khi có báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 mới ngộ ra tình trạng xuất cư cao của người đồng bằng, mà các nghiên cứu những năm qua đã chỉ ra, đặc biệt là kết quả tổng điều tra dân số, nhà ở toàn quốc năm 2019 đã cảnh báo thực trạng này. 

Không thể thờ ơ, phó mặc nhưng cũng không nên hoảng sợ trước tình hình thực tế. Nên xem đây là một chỉ dấu quan trọng để rà soát chính sách và thực thi chính sách hơn là can thiệp thô bạo bằng các biện pháp hành chính để chặn dòng di cư vốn theo lẽ tự nhiên "nước chảy về chỗ trũng" hay "đất lành chim đậu".

Thực trạng di cư cùng các hệ lụy tiêu cực cảnh báo và thực sự đã cho thấy sự tụt hậu rõ ràng về hạ tầng giao thông, mặt bằng dân trí, điểm nghẽn phát triển vùng đang đặt ra bài toán cần lời giải căn cơ. Không chỉ đơn thuần là việc quản lý dân cư về mặt hành chính hay chỉ xem xét, giải quyết về mặt xã hội, mà cần lời giải tổng thể, phải tính đến các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế liên quan đến nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới; các giải pháp, cách thức thực thi hiệu quả, thiết thực hơn.

Vì vậy, rất cần những sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác, chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật... có tính đối phó, theo đuôi thiệt hại như vừa qua thì rõ ràng không ăn thua.

Mô hình phát triển ĐBSCL lấy con người làm trung tâm, chú trọng chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và ngày càng cực đoan. Mô hình đó đòi hỏi bước chuyển căn bản về chất nguồn nhân lực ĐBSCL, trở thành động lực cơ bản và xuyên suốt trong phát triển vùng.

NHD

'NẾU KHÔNG THAY ĐỔI MÔ HÌNH, SỰ TAN RÃ CỦA ĐBSCL CHỈ LÀ THỜI GIAN'

LAM THANH/ NĐT 18-12-2020

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước ngưỡng tới hạn của mô hình phát triển cũ. Nếu không thay đổi mô hình thì tụt hậu là không thể tránh khỏi và sự tan rã chỉ là thời gian.

Đây là nhận định tại báo cáo thường niên kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) thực hiện.

Theo giới thiệu của TS Vũ Thành Tự Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu, đây là bản báo cáo kinh tế thường niên đầu tiên cho vùng ĐBSCL, cũng là bản báo cáo kinh tế vùng toàn diện đầu tiên trong cả nước.

Tốc độ phát triển chậm lại

Theo báo cáo này, sau hơn ba thập kỷ kể từ đổi mới, mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình.

Bằng chứng là tốc độ phát triển của vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước, và ĐBSCL ngày càng tụt hậu về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Vai trò kinh tế của ĐBSCL cũng đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Mặc dù có lợi thế nằm ngay sát TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển, song dường như ĐBSCL không được hưởng lợi đáng kể từ sự kết nối này, không những thế còn ngày một tụt hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với hàng loạt thách thức.

Một nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP.HCM và Đông Nam Bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.

Sự chênh lệch về mức sống và thiếu cơ hội kinh tế là hai nguyên nhân quan trọng thúc đẩy tình trạng di cư của người dân đồng bằng về TP.HCM và miền Đông Nam Bộ.

Kết quả là so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, và do đó là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0,0% trong giai đoạn 2009-2019.

Một thành tích nổi bật của ĐBSCL trong hai thập niên trở lại đây là kết quả giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ ở ĐBSCL đã giảm từ mức rất cao là 36,9% vào năm 1998 xuống chỉ còn 12,6% vào năm 2010 và 5,2% vào năm 2016, và tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016-2019. Không những thế, tỷ lệ nghèo của ĐBSCL luôn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước.

Tuy nhiên, đa số thành tích giảm nghèo của ĐBSCL (cũng như của cả nước nói chung) được thực hiện trong 6 năm từ 1998 đến 2004.

Điều này, một mặt gợi ý rằng phần dễ dàng trong giảm nghèo đã gần hết, và vì vậy kết quả giảm nghèo sẽ càng ngày càng khiêm tốn hơn so với trước; mặt khác cho thấy từ nay trở đi kết quả giảm nghèo sẽ mong manh hơn và có thể bị đổi chiều dưới tác động của những rủi ro kinh tế, môi trường, và dịch bệnh trong và ngoài nước.

Lo ngại về năng suất công nghiệp

Trong giai 2010-2019, năng suất lao động (NSLĐ) của khu vực nông - lâm - ngư nghiệp và thương mại - dịch vụ tăng rất nhanh, với mức trung bình lần lượt là 5,2% và 8,3% trong giai đoạn 2010-2019.

Đáng lưu ý là tốc độ tăng NSLĐ công nghiệp - xây dựng trong giai đoạn 2010-2019 chỉ là 3,5%/năm – thấp hơn hẳn so với khu vực nông - lâm - ngư nghiệp vốn là khu vực không có nhiều dư địa để tăng năng suất.

Có ba nguyên nhân trực tiếp nằm đằng sau thực trạng đáng lo ngại về tốc độ tăng năng suất công nghiệp ở ĐBSCL.

Thứ nhất, năng suất công nghiệp phụ thuộc vào đầu tư, và trong bối cảnh của Việt Nam thì quan trọng nhất là đầu tư của khu vực FDI, mà đây chính là một điểm yếu cố hữu của ĐBSCL.

Vùng ĐBSCL phải đảm bảo nhiệm vụ an ninh lương thực.

Thứ hai, hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng nhất ở ĐBSCL là chế biến thủy hải sản, thế nhưng tốc độ tăng trưởng của hoạt động này lại khiêm tốn, không những thế còn chịu rủi ro từ những biến động thất thường không chỉ về khí hậu và tự nhiên, mà còn do khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Đại dịch COVID-19 có thể làm trầm trọng hơn tình trạng này, khiến công nghiệp ĐBSCL khó phát triển ít nhất là trong trung hạn.

Thứ ba, các hoạt động sản xuất công nghiệp còn lại của ĐBSCL nhìn chung khá trầm lắng, nếu có tăng trưởng thì chủ yếu tập trung vào các hoạt động chế tạo - chế biến thâm dụng lao động với giá trị thấp.

Nhìn sâu xa hơn, công nghiệp của ĐBSCL nói riêng và kinh tế - xã hội ĐBSCL nói chung đang bị cản trở bởi nút thắt nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với Đông Nam Bộ.

Trong khi công nghiệp chế biến - chế tạo và cơ sở hạ tầng là hai nút thắt quan trọng cho tăng trưởng của ĐBSCL thì tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội của Vùng so với cả nước ngày càng suy giảm, đặc biệt là từ năm 2015 đến nay.

Không những thế, nguồn đầu tư từ khu vực nhà nước ngày càng bị thu hẹp cả về quy mô tuyệt đối lẫn tỷ trọng tương đối (41,4% năm 2014 giảm còn 22,4% năm 2018.

Đối với FDI, ĐBSCL chưa thực sự tỏ ra hấp dẫn. FDI của vùng chỉ chiếm 5,6% số dự án và 8,4% số vốn đăng ký của cả nước, chủ yếu do bất lợi về mặt địa lý và khả năng kết nối giao thông. Long An và Tiền Giang là các tỉnh có khả năng thu hút đầu tư FDI tốt nhất vùng nhờ có đường cao tốc nối liền với TP.HCM.

Một cách tổng thể, nhu cầu đầu tư quan trọng nhất ở ĐBSCL là phát triển hạ tầng giao thông (cầu, đường cao tốc, đường tỉnh lộ), hỗ trợ đổi mới mô thức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp và thích nghi với biến đổi khí hậu, và chế biến sản phẩm nông - thủy sản.

Trong thời gian qua, các cây cầu trọng yếu ở ĐBSCL có vai trò tích cực, nhưng nhiều cây cầu quan trọng vẫn chưa được xây dựng. Nhiều công trình thủy lợi, ngăn mặn tuy thành công để thâm canh và tăng sản lượng lúa, nhưng cơ bản là thất bại trong việc gia tăng giá trị, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thậm chí gây hại cho sự bền vững cả về kinh tế và môi trường trong tương lai.

1,1 triệu người di cư trong 10 năm

Theo kết quả Điều tra Dân số và Nhà ở, dân số vùng ĐBSCL vào ngày 1.4.2019 là 17,3 triệu người, gần như không đổi so với mức 17,2 triệu người trước đó 10 năm. Số lượng di cư ròng khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng.

Nhìn về tương lai, nếu không có những yếu tố đột biến, rất khó để ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng dân số chung và dân số đô thị cao hơn trong 10 năm tới. Trên thực tế, dân số cả Vùng hàng năm đã giảm 0,3% mỗi năm trong hai năm gần đây và dân số thành thị chỉ tăng khoảng 0,6%/năm.

Tình trạng khô hạn ở miền Tây ngày càng khốc liệt. Ảnh: Lê Thế Thắng/Người Đô Thị

Nếu xu thế di dân tiếp tục như hiện nay, mà khả năng này rất cao, thì đến năm 2030, dân số của cả vùng còn chưa đến 17 triệu người, và đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa rất khó đạt 30%.

Báo cáo này cho rằng để giảm thiểu những thách thức và bất lợi của ĐBSCL cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, việc phân bố lại dân cư, từng bước xóa bỏ thói quen dân cư sống dọc tuyến giao thông, tập trung dân cư về thị trấn/ thị xã/ đô thị để cải thiện hiệu quả cung cấp hạ tầng và dịch vụ xã hội thiết yếu.

Để thực hiện được chiến lược này, cần có quy hoạch bài bản và nhất quán về kinh tế - xã hội - môi trường, đồng thời Trung ương cần dành đủ nguồn lực để xây dựng các hạ tầng giao thông kết nối với vùng TP.HCM.

Kết luận báo cáo nhận định, ĐBSCL đang trải qua một loạt những thách thức lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, đồng thời đang đứng trước ngưỡng tới hạn của mô hình phát triển cũ. Nếu mô hình này – bao gồm cả chính sách của nhà nước và tập quán của người dân và doanh nghiệp – không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi và sự tan rã của ĐBSCL chỉ là vấn đề thời gian.

Ngược lại, nếu đủ dũng khí và trí tuệ để chuyển sang mô hình phát triển mới, những thách thức hiện nay sẽ trở thành cơ hội to lớn để ĐBSCL tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó mở ra một tương lai xán lạn cho hơn 17 triệu đồng bào cũng như những thế hệ sau này.

Lam Thanh

10 NĂM, ĐBSCL CÓ GẦN 1,1 TRIỆU DÂN BỎ XỨ RA ĐI, LỚN HƠN SỐ DÂN CỦA MỘT TỈNH TRONG VÙNG

HUỲNH XÂY/DV/ BVN 16-12-2020

Theo Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020, số lượng người dân rời khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng.

ĐBSCL có gần 1,1 triệu dân bỏ xứ ra đi, lớn hơn số dân của một số tỉnh trong vùng - Ảnh 1.

Một trong những nguyên nhân khiến cho người dân rời khỏi ĐBSCL là khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng dịch bệnh, hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 được thực hiện bởi nhóm chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chịu trách nhiệm chuyên môn của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa hoàn thành sau hơn 1 năm nghiên cứu, hợp tác thực hiện.

Trong công trình nghiên cứu này, một nội dung then chốt được đề cập đến là vấn đề di cư bởi đây là "câu chuyện nhức nhối của ĐBSCL".

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 cho rằng, tình trạng người dân đồng bằng di cư về TP.HCM và Đông Nam Bộ đáng báo động. Nếu so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ xuất cư cao nhất, nhập cư thấp nhất và do đó đây là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0% trong giai đoạn 2009 – 2019.

"Số lượng dân rời khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Do đó, so với trước đó 10 năm, dân số vùng ĐBSCL gần như không đổi" - báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 nêu.

Theo đó, làn sóng hồi hương của người dân đang lao động ở TP.HCM, Đông Nam Bộ hay người đi xuất khẩu lao động có thể trở thành gánh nặng của vùng trong thời gian tới.

Ở khía cạnh khác, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 chỉ ra vấn đề nữa đáng quan tâm đó là vai trò kinh tế của vùng đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Các nghiên cứu cho thấy đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vài thập kỷ qua giảm mạnh.

Nếu so với TP.HCM thì vào năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay.

Nguyên nhân là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.

Tình trạng dịch bệnh, hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng càng làm môi trường kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trở nên bấp bênh.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng nhất ở ĐBSCL là chế biến thủy hải sản, thế nhưng tốc độ tăng trưởng của hoạt động này lại khiêm tốn và nhiều yếu tố khác khiến công nghiệp ĐBSCL khó phát triển.

Các hoạt động sản xuất công nghiệp còn lại khá trầm lắng, nếu có tăng trưởng thì chủ yếu tập trung vào các hoạt động chế tạo, chế biến thâm dụng lao động với giá trị thấp.

Chưa dừng lại ở đó, ngành công nghiệp còn đang bị cản trở bởi nút thắt nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với Đông Nam Bộ.

H.X.

Nguồn: DanViet.vn

DÂN BỎ XỨ RA ĐI, ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG SẼ RA SAO ?

RFA 17-12-2020

Ảnh minh họa. Một người nuôi vịt chạy đồng ở ĐBSCL

ĐBSCL-Vựa lúa của Việt Nam

Khu vực miền Tây Nam Bộ, còn được gọi tên “Đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL) là vùng châu thổ trù phú được thiên nhiên ưu đãi nhất ở Việt Nam. ĐBSCL được dân gian truyền miệng rằng vùng đất Phương Nam “chim trời cá nước” là một nơi không bao giờ bị đói khát vì được bao bọc bởi những đồng lúa cò bay thẳng cánh và dòng Mekong mênh mông với 9 nhánh sông đầy ấp tôm cá quanh năm, nhiều nhất vào mùa nước tràn đồng mỗi năm.

ĐBSCL được xem là vựa lúa của Việt Nam, góp phần quan trọng để trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Nơi đây còn là khu vực phát triển nông nghiệp chủ lực với nhiều mặt hàng nông sản đa dạng, không những cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong vòng 10 năm từ 2009 đến 2019, khu vực ĐBSCL góp đến 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng trái cây và xấp xỉ 18% GDP của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương ghi nhận, trong năm 2020, tỷ lệ dân số ở ĐBSCL gần 17,3 triệu người, chiếm gần 18% dân số Việt Nam. Tỷ lệ tăng dân số ở ĐBSCL trong một thập niên qua thấp nhất Việt Nam, chỉ chiếm 0,05% trong khi chỉ số già hóa dân số lại cao nhất nước đến 58,5% và tỷ suất di cư thuần cũng cao nhất nước, ở mức 39,9%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các thông số này là do “sự đi ra khỏi vùng để làm ăn sinh sống của lớp người trong độ tuổi lao động”.

Do sự đô thị hóa quá nhanh và cơ cấu kinh tế dịch chuyển từ sự yếu kém của nông nghiệp sang hướng về thương mại, dịch vụ và công nghệp cho nên lực lượng lao động trẻ đi đến các tỉnh phát triển công nghiệp mạnh, như người ta nói câu ‘Đi Bình Dương’, cho nên thanh niên ở tuổi lao động đi Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân hết, cho nên đất đai thì do người già làm công việc đồng án nhiều, chứ không phải thanh niên trẻ. Do đó, nguồn lao động ở các tỉnh ĐBSCL bị mất và nằm trong diện di cư-Nhà báo ở ĐBSCL

1,3 triệu người di cư trong một thập niên

Một nhà báo sinh sống tại ĐBSCL, hiện đang làm việc trong lĩnh vực phóng sự truyền hình, vào tối ngày 17/12 chia sẻ thêm thông tin liên quan về người miền Tây di cư, qua ghi nhận cá nhân của ông.

“Do sự đô thị hóa quá nhanh và cơ cấu kinh tế dịch chuyển từ sự yếu kém của nông nghiệp sang hướng về thương mại, dịch vụ và công nghệp cho nên lực lượng lao động trẻ đi đến các tỉnh phát triển công nghiệp mạnh, như người ta nói câu ‘Đi Bình Dương’, cho nên thanh niên ở tuổi lao động đi Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân hết, cho nên đất đai thì do người già làm công việc đồng án nhiều, chứ không phải thanh niên trẻ. Do đó, nguồn lao động ở các tỉnh ĐBSCL bị mất và nằm trong diện di cư.”

Báo giới quốc nội mới đây trích lời phát biểu của Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, tại lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020, được tổ chức vào chiều ngày 14/12 ở Cần Thơ, rằng “Nói ĐBSCL là trù phú, lao động nhiều, nhưng tổng hợp lại 10 năm di cư trên 1,3 triệu người là vấn đề rất buồn. Gần 40% lao động không học tiếp phổ thông, trong xã hội hội nhập như hiện nay là điều rất đau đáu”.

Nhà báo truyền hình, không muốn nêu tên, chia sẻ thêm với RFA rằng ĐBSCL tuy có rất nhiều thuận lợi về quỹ đất đai, phát triển nông nghiệp và được nhà nước đầu tư khoa học kỹ thuật, đặc biệt là nguồn nhân lực lao động trẻ dồi dào; nhưng con số người dân ở ĐBSCL di cư lên đến hơn triệu người, bởi khu vực này đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

“10 năm trở lại đây, bất lợi thứ nhất là biến đổi khí hậu và làm cho một số tỉnh ven biển bị ngập mặn như Bết Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Nước ngập mặn xâm phạm vô vườn cây ăn trái hoặc các loại thủy hải sản, làm cho bị hư, bị chết. Rất nhiều trường hợp nông dân bị lao đao do biến đổi khí hậu đó. Còn những tỉnh không bị xâm nhập mặn như Đồng Tháp, An Giang…nhưng bị xói mòn và lở đất do dòng chảy của nước bị thay đổi. Nguyên nhân thay đổi là do khai thác cát, nhất là ở khu vực đầu nguồn Campuchia bị tận thu cát quá nhiều cho nên rất nhiều hộ dân phải sống khổ sở do vấn đề dòng chảy bị thay đổi gây ra.”

Vị nhà báo ẩn danh còn liệt kê tình trạng các đập thủy điện được xây dựng ở Trung Quốc và Lào, khu vực thượng nguồn sông Mekong gây ra tình trạng khô hạn và phù sa không còn. Bên cạnh đó, hệ thống đê bao ngày càng nhiều cùng với việc nông dân gia tăng năng suất cây trồng bằng phân thuốc hóa học, thải ra dòng nước gây ô nhiễm môi trường và tác động ngược lại hệ thống nước tưới tiêu, làm cho ngành sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bị tổn thất nặng nề.

Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam, hồi năm 2016, công bố một báo cáo cho thấy các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong gây ra nguy cơ làm mất đi hoặc thậm chí tuyệt chủng tới 10% các loài cá và thu nhập người dân có thể giảm tới 50%. Việt Nam bị tổn thất hàng năm về thuỷ sản và nông nghiệp, bởi các đập thuỷ điện đó, có thể lên đến khoảng 760 triệu USD.

Bà Kim, một nông dân ở Bến Tre, vào tối hôm 17/12, lên tiếng với RFA rằng gia đình bà không thể sống được qua thu nhập từ ruộng vườn nên bà phải tìm việc làm xa xứ.

“Tôi phải lên Đồng Nai làm công nhân từ năm 2008. Mức lương lúc đó chỉ có 38 ngàn đồng/ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ. Thời gian mười mấy năm qua tôi không đủ sống, cho nên cũng khổ lắm và phải cố gắng bươn chải.”

Chị Anh, một cư dân ở Đồng Tháp rời quê nhà đến làm việc ở Công ty Kinh Đô, tại khu công nghiệp Bình Dương từ năm 2001, tâm tình với RFA về cuộc sống công nhân của mình:

“Coi như gần 6 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca thì lãnh thêm được lên 7,8 triệu, có khi được tới 10 triệu. Làm việc 12 tiếng đồng hồ/ngày, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều.”

Cuộc sống của chị Anh được cho làm tạm ổn khi chị đủ trang trải cho bản thân và gửi tiền về quê chu cấp cho bà mẹ già đơn thân, bệnh tật. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, chị Anh buộc phải trở về quê sinh sống, để chăm sóc cho mẹ vì bà bị xe đụng gãy chân, không đi đứng được. Dù trong dịch bệnh COVID-19, nhưng chị Anh cũng tìm được việc làm nhân viên lau dọn trong một công ty, nhờ vào sự giới thiệu của người hàng xóm.

“Hiện giờ làm mức lương 3,5 triệu/tháng. Nào là tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền thuốc của má tôi. Chưa kể nhiều khi tôi bị đau ốm cho nên chi tiêu không đủ.”

Ông K, giám đốc điều hành thuộc công ty tư nhân, kinh doanh các dự án bất động sản ở ĐBSCL, cho RFA biết về tình hình công ăn việc làm hiện nay tại khu vực này:

“ĐBSCL vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 chung với cả nước và xâm nhập mặn làm cho nông nghiệp bị tác động nghiêm trọng và COVID-19 cũng gây ra hậu quả nặng nề cho lực lượng lao động trẻ có trình độ, còn lao động phổ thông thì còn tệ hơn nhiều. 1,3 triệu người di cư chỉ là một phản ánh rất khiêm tốn.”

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương Mại- Công Nghiệp chi nhánh Cần Thơ, vào ngày 17/12 trong trả lời báo mạng VnEXpress cho rằng việc người dân miền Tây rời đi quá nhiều trong một khoảng thời gian nhất định cho thấy đó là tình trạng bức bách và vùng đất này kém phát triển. Về lâu về dài nếu không giải quyết, xã hội sẽ bất ổn.

Viễn cảnh ĐBSCL sẽ thế nào?

Mùa hạn mặn năm 2020 tại ĐBSCL được đánh giá là “khắc nghiệt” và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hồi đầu tháng 8, ra quyết định chi ngân sách cho 5 tỉnh bị thiệt hại bao gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang số tiền 70 tỷ đồng/tỉnh để hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt và đời sống người dân.

Vào đầu tháng 11 vừa qua, tại một phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tuyên bố Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm và dành nguồn lực xứng đáng để đầu tư hạ tầng cho vùng ĐBSCL, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như hạ tầng yếu kém do đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của vùng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam còn đồng ý tăng thêm 2 tỷ USD cho quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Nhà báo truyền hình ẩn danh xác nhận với RFA hiện tại chính quyền các tỉnh và thành phố ở ĐBSCL đang thực hiện và tiến hành nhiều dự án theo quy hoạch vừa được đề cập. Ông nói rằng ĐBSCL trong tương lai sẽ tập trung phát triển về công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ chuyển hướng nhắm đến nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng các thị trường xuất khẩu như Mỹ và Châu Âu.

Bất kể ai cũng muốn được ở gần quê và nếu có được cơ hội phát triển tốt thì sẽ quay trở về để phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống. Nếu như nhà nước đầu tư tốt, bài bản và phát triển bền vững thì mọi người sẽ quay trở về. Nhưng mà, thật sự điều đó hơi khó tại vì theo các căn cứ của cơ sở khoa học thì khu vực miền Tây Nam Bộ đang ngày càng chết dần, chết mòn-Kiến trúc sư Duy Black

Kiến trúc sư trẻ Duy Black, hiện sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, nói với RFA rằng chắc chắn anh và rất nhiều người con của miền Tây Nam Bộ sẽ hồi hương nếu như vùng này được đầu tư và phát triển theo như kế hoạch đề ra:

“Tất nhiên rồi. Bất kể ai cũng muốn được ở gần quê và nếu có được cơ hội phát triển tốt thì sẽ quay trở về để phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống. Nếu như nhà nước đầu tư tốt, bài bản và phát triển bền vững thì mọi người sẽ quay trở về. Nhưng mà, thật sự điều đó hơi khó tại vì theo các căn cứ của cơ sở khoa học thì khu vực miền Tây Nam Bộ đang ngày càng chết dần, chết mòn.”

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi tháng 6/2019, dẫn lời của Vụ trưởng Vụ Kiểm soát An toàn Thiên tai, ông Tăng Quốc Chính cho biết trước đó vào tháng 2, Đại học Utrecht, của Hà Lan công bố một nghiên cứu về mức độ lún sụt ở ĐBSCL và đưa ra cảnh báo với mức lún sụt như hiện nay thì đến năm 2100 gần như toàn bộ vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ bị chìm dưới mặt nước.

Đài RFA mượn lời của nhà báo truyền hình ẩn danh để kết thúc bài ghi nhận này, rằng trong “bức tranh tối tranh sáng” đời sống xã hội ở ĐBSCL, ông rất đồng cảm với những người di cư như chị Anh và hàng chục ngàn “cô dâu” miền Tây phải ra đi tìm miếng cơm manh áo và thật thương cảm hơn về sự trở về của họ, mà trong đó có những hũ tro cốt của phận đời như nhánh lục bình trôi bập bềnh trên dòng Mekong sắp cạn.

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ DÒNG NGƯỜI DI CƯ, NHỮNG CÂU HỎI TRĂN TRỞ
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 20-12-2020

Bần thần khi nghe tin có đến 1,3 triệu đồng bào ở ĐBSCL di cư trong 10 năm qua. Dẫu biết di dân là quy luật tự nhiên mà không thể tự an ủi. Chỉ văng vẳng bên tai những câu hỏi trở trăn chưa có lời giải:

1. Tại sao cư dân của vùng đất trù phú nhất nước lại phải rời bỏ quê hương đi kiếm sống và định cư ở xứ khác?

2. Di dân là quy luật. Nhưng di dân đến đâu? Di dân theo cách nào? Di dân để làm công việc gì? Thì đó là những tiêu chí xác định đẳng cấp và số phận của một con người.

3. Đã có biết bao nhiêu cuộc họp, đã có biết bao nhiêu cuộc viếng thăm của lãnh đạo nhà nước, đã có biết bao nhiêu biện pháp được đề ra, thậm chí có cả ban chỉ đạo vùng, nhưng sao ĐBSCL vẫn chậm phát triển?

4. Có phải đó là do những biện pháp đưa ra chưa đúng? chưa đủ? Hay có phải đó là do chưa biết trân quý vùng đất ĐBSC? Hay đó là vì chưa thương yêu người dân ĐBSCL?

5. Ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự di cư lớn khỏi ĐBSCL?

VẤN ĐỀ CỐT LÕI

Trong hàng trăm biện pháp quan trọng để đưa ĐBSCL phát triển, thoát khỏi tình trạng tụt hậu, giảm bớt sự di cư, thì có 2 điều sau đây là cốt lõi nhất: cơ chế và nhân sự.

Cơ chế vận hành là nhân tố bao trùm. Nhân sự là nhân tố quyết định.

Muốn tiến nhanh cần thay đổi cả hai nhân tố này đồng thời.

Đầu tư hạ tầng cơ sở cho ĐBSCL là điều quan trọng; Áp dụng công nghệ là quan trọng; Thu hút đầu tư là quan trọng; Đưa ra các chính sách và biện pháp mới là quan trọng… Dẫu có cả trăm biện pháp quan trọng nhưng nếu người thực thi kém thì kết quả rốt cuộc vẫn là tệ hại.

Cho nên, điều quyết định là phải có người tài giỏi đứng đầu các tỉnh ở ĐBSCL.Tự họ biết vận dụng cơ chế. Tự họ từng bước thay đổi cơ chế. Tự họ biết đưa ra các biện pháp thúc đẩy ĐBSCL phát triển.

Bởi vậy, nhất thiết phải thay đổi cách chọn người đứng đầu các tỉnh ĐBSCL. Phải chọn cho được người tài giỏi đứng đầu các tỉnh ĐBSCL. Chỉ như vậy, ĐBSCL mới có cơ thay đổi bản lề.

NHỮNG DÒNG NGƯỜI DI CƯ

Chủ tịch UBND Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khi nói đến con số 1,3 triệu người bỏ quê ra đi, đã cảm thán là “ vấn đề rất buồn”(https://tuoitre.vn/1-3-trieu-nguoi-dong-bang-song-cuu...).

Đối chiếu với thuật toán chọn nhân sự hiện hành, trong khung cảnh “đồng lúa thiếu nước, dòng sông khô cạn, những đô thị đã bị ngập úng…” (https://laodong.vn/.../13-trieu-nguoi-bo-que-ma-di-mot...), thì biết được dòng người di cư khỏi ĐBSCL vẫn sẽ còn tiếp diễn. Mỗi năm vẫn sẽ có cả trăm ngàn người rời bỏ miệt vườn sông nước miền Tây ra đi tìm kiếm số phận mới. Những số phận bất định hơn cả canh bạc. Nhưng vẫn phải ra đi.

Làm sao để chấm dứt dòng người di cư khỏi ĐBSCL?

Thấy điều phải thay đổi mà không ai dám thay đổi.

Nguồn: Fb Nguyễn Ngọc Chu

Boi Truong Nguyen

Không biết hội thảo đã bao nhiêu lần/Nhưng bế tắc vẫn hoàn bế tắc/Nhưng cái điều sống còn bậc nhất, ai cũng rành nhưng không thể nói ra!!!Thưa TS.

Nguyễn Bính

Người ta không cần quan tâm đến Đồng bằng sông Cửu long, họ chỉ cần hút cạn sinh lực ở đó thôi. Hậu quả họ không cần biết.

Nga Nguyệt

Đất nước mình không thiếu người tài, nhưng chính thể chế hiện nay đã hạn chế việc tìm ra người tài để họ có cơ hội được phục vụ đất nước. Hãy nhìn sang Hàn Quốc và Triều Tiên thì thấy rõ, cùng là người Triều Tiên cũng chăm chỉ và khát vọng như nhau nhưng nhờ thay đổi thể chế mà Nam Hàn phát triển vượt bậc, còn Bắc Hàn thì tụt hậu và dân thì đói khổ. Chỉ khi nào người dân trực tiếp cầm lá phiếu bầu cho người mà mình chọn thì may ra có thay đổi ạ.

Nga Phi Trần

Có đi đến Miền Tây mới thấy hạ tầng cơ sở cực kỳ kém so với Miền bắc, đời sống văn hoá nghèo nàn, vựa lúa chính đang dần sụt lún nhiễm mặn phèn hoá... mà chả có một quốc sách gì cho nó cả, đến lúc nhìn lại sẽ không kịp nữa.

Lê Hoài Anh

Đồng Bằng sông Cửu Long có được đầu tư gì đâu. Đường xá về cơ bản 30 năm nay vẫn thế . Nói thật đi ra Bắc nhiều nơi đường rộng rãi chả có người đi, về miền Nam đi các tỉnh xót xa lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét