Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

20201208. NGUYÊN NHÂN TỆ NẠN MUA BÁN BẰNG CẤP GIẢ

 ĐIỂM BÁO MẠNG 


NHỮNG AI, CƠ QUAN NÀO ĐANG 'VẤY BẨN VÀO NỀN GIÁO DỤC' ?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 3-12-2020

Báo điện tử Vov.vn trong bài “Nhiều chứng chỉ, văn bằng giả được sử dụng công khai” viết: “Mới đây, chia sẻ trên báo chí, GS Phạm Minh Hạc cho hay, những năm 2002, ngành giáo dục phát động phong trào chống bằng giả. Riêng trong năm đầu, đã phát hiện tới 10.000 bằng giả. Hằng năm, việc làm này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng cấp giả hiện nay không có phong trào sâu rộng như khi đó”.

Như vậy ít nhất từ 18 năm trước, vấn nạn mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả hoặc văn bằng thật nhưng chất lượng giả đã được báo động qua vụ phát hiện tới 10 nghìn bằng giả.

Sau 18 năm, tình trạng này có vẻ còn nghiêm trọng hơn bởi đối tượng mua, bán đều thuộc diện “có học”, có vị trí nào đó trong hệ thống công quyền và đoàn thể xã hội.

Việc không xử lý nghiêm những người dùng bằng giả, bằng bất hợp pháp sẽ tạo nguy hiểm cho xã hội bởi những người sử dụng bằng giả để thăng tiến vào các vị trí lãnh đạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xây dựng đường lối, chính sách, đến công tác cán bộ, điều hành kinh tế, gây nguy hại quốc phòng, an ninh quốc gia, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị.

Báo Baovephapsluat.vn, cơ quan của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đăng lời ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội liên quan đến vụ nhiều người được Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh hệ đại học chính quy không hợp pháp:

Ông Lê Như Tiến đề nghị: “Nêu danh tính những người gian dối đó để làm gương cho các thế hệ sau. Đó là những người đang vấy bẩn vào nền giáo dục thì không có lý do gì không công khai”. [1]

Cơ quan điều tra đã xác minh có 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng tiếng Anh không thông qua tuyển sinh, đào tạo, hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng.

Trong số này 60 người đã sử dụng văn bằng cho các mục đích khác nhau: 55 người dùng bằng được cấp để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. 5 trường hợp còn lại một người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một người thi nâng ngạch thanh tra viên, một người thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ.

Tại Học viện khoa học xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) trong số 27 nghiên cứu sinh trúng tuyển (đợt tháng 4/2019), có 7 người sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh hệ đại học chính quy của Đại học Đông Đô.

Trường Đại học Đông Đô để xảy ra không ít bê bối. (Ảnh minh họa: Vũ Phương)

Có ba nguyên nhân khiến nạn mua bán văn bằng, chứng chỉ giả tồn tại nhiều năm qua:

- Pháp luật không nghiêm;

- Vai trò quản lý của cơ quan chức năng;

- Đạo đức cán bộ.

I. Về quy định pháp luật?

Điều 341, Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, Văn bản Hợp nhất số 01/VBHN-VPQH) “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định:

“Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt tù tới 7 năm.

Quy định trong luật có một khoảng dung sai rất lớn với đối tượng “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Hình phạt thấp nhất cho tội này là phạt tiền 30 triệu đồng, cao nhất là phạt tù 7 năm.

Những trường hợp vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì thực hiện theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” (Nghị định 138).

Ngày 20/03/2020 Chính phủ đã công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 138.

Khoản 5, điều 9 Nghị định 138 quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai man, giả mạo giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển”.

Cũng khoản 5, điều 9 Dự thảo Nghị định ghi: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển”.

Mục d, khoản 3, điều 20 trong Dự thảo Nghị định ghi:

“Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ sau đây: Gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ”.

Như vậy các đối tượng mua bằng tiếng Anh tại Đại học Đông Đô sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng, nếu sử dụng thi đầu vào và trúng tuyển thì bị phạt tiếp từ 10-20 triệu đồng.

Phải chăng Nghị định của Chính phủ không tạo nên sức răn đe cần có cho các hành vi vi phạm pháp luật bởi mức phạt tối đa chỉ là 60 triệu đồng.

Vậy khi nào những đối tượng có được văn bằng, chứng chỉ bằng cách bất hợp pháp bị xử lý hình sự chứ không phải là phạt hành chính?

Nhận xét:

1. Quy định không nhất quán

Tuy mức phạt tăng lên gấp đôi song cụm từ “Giả mạo” trong Nghị định 138 được thay thế bởi cụm từ “Sửa chữa” trong Dự thảo Nghị định không cho thấy đây là bước tiến của cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Hình sự quy định tội “sử dụng tài liệu giả”, Nghị định 138 và Dự thảo Nghị định cùng xem xét hành vi “khai man, sửa chữa giấy tờ” và Dự thảo Nghị định lại thêm hành vi “gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ”.

Những rắc rối không nên có trong các thuật ngữ, những quy định chồng chéo trong Luật và văn bản dưới luật sẽ tạo ra vô số “cách hiểu” của người thực thi công vụ khi xử lý sai phạm.

Việc hàng trăm người dùng tiền để mua bằng tiếng Anh tại Đại học Đông Đô theo Dự thảo Nghị định chỉ là hành vi “gian lận” và như vậy chỉ cần nộp phạt là xong?

Có thể thấy mức các mức hình phạt quy định tại Luật Hình sự, Nghị định 138 và Dự thảo Nghị định không những tương đối nhẹ so với các tội giả mạo khác như tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (quy định tại điều 193) mà còn tạo kẽ hở cho việc vận dụng khi xử lý vi phạm.

2. Quy định không rõ ràng

Các quy định pháp luật về tội làm giả hoặc mua bán, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội gian lận bằng cấp, chứng chỉ đang tồn tại những mâu thuẫn và dễ bị lợi dụng.

Thứ nhất, thế nào là “tài liệu giả”?

Các tài liệu giả, cụ thể là văn bằng, chứng chỉ giả được hiểu là sử dụng các phôi không do cơ quan có thẩm quyền cung cấp hoặc phôi bằng thật nhưng con dấu đóng trên phôi là giả.

Bằng cấp mà Đại học Đông Đô cấp cho người có nhu cầu không phải là bằng giả mà là bằng thật, dấu đóng trên bằng là dấu được cơ quan chức năng xác nhận, phôi bằng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn y, điều giả dối nằm ở chất lượng đào tạo chứ không phải tấm bằng.

Để chặt chẽ, các văn bản quy phạm pháp luật cần có phần giải thích từ ngữ, đặc biệt là Luật Hình sự, chẳng hạn phải giải thích thế nào là “Tài liệu giả”.

Trường hợp luật không quy định rõ ràng thì các văn bản dưới luật như Nghị định số 138/2013/NĐ-CP cần phải bổ sung cụ thể.

Thứ hai, các quy định giữa Luật Hình sự và Nghị định 138/2013/NĐ-CP có sự mâu thuẫn, Luật hình sự được áp dụng khi đối tượng “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tuy nhiên nếu mua văn bằng - tức là giả mạo giấy tờ - và sử dụng “trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển” thì chỉ bị phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng.

Nếu cơ quan chức năng không áp dụng Luật Hình sự mà là Nghị định 138 với những người mua bằng tiếng Anh của Đại học Đông Đô (để thi đầu vào nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ) thì họ chỉ bị phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng.

Cùng một tội nhưng được chế tài bởi hai văn bản quy phạm pháp luật, vậy khi xử lý, cơ quan hữu quan sẽ dựa vào Luật, Nghị định hay dựa vào cảm tính?

Đây có phải là lỗ hổng pháp luật mà người xử lý và đối tượng vi phạm có thể lợi dụng?

II. Có hay không sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng?

Cơ quan được giao trách nhiệm quản lý văn bằng, chứng chỉ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo là Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là Cục Quản lý chất lượng.

Chức năng của cơ quan này là “Giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục; thi và đánh giá chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ trong phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Cùng với Cục Quản lý chất lượng còn Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan này có nhiệm vụ:

“Thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở giáo dục đào tạo, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”.

Nghị định số 42/2013/NĐ-CP quy định:

“Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra giáo dục chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó”…

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Đại học Đông Đô, nhiều bài báo nêu tên hai đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học, tuy nhiên mới đây, một vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Cơ quan điều tra chưa có kết luận cụ thể đối với những nội dung liên quan tới trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Vì đã có nhiều bài viết nêu tên hai đơn vị là Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học trong vụ việc mua bán văn bằng tại Đại học Đông Đô nên xin nói thêm về vai trò của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từng có đơn tố cáo gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc một số lãnh đạo Đại học Chu Văn An sử dụng bằng tiến sĩ “rởm” hoặc mạo nhận học vị thạc sĩ.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi xác minh đã ban hành “Kết luận thanh tra số 1147/KL-TTr” (Kết luận 1147) do Phó Chánh thanh tra Phạm Ngọc Trúc ký.

Hai trong ba người bị tố cáo được Thanh tra xác nhận trong Kết luận 1147 là “tố cáo không có cơ sở”, rằng văn bằng của họ là hợp chuẩn.

Bản kết luận này bị dư luận phản đối dữ dội, nhiều bài báo đã đưa ra các dẫn chứng và quy định pháp luật để chứng minh việc sử dụng bằng “rởm” và mạo nhận học vị của hai người này là hoàn toàn chính xác. [2], [3], [4]

Tiếp thu ý kiến phản biện, chín tháng sau, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã ký ban hành văn bản số 816/KL-BGDĐT, kết luận của Bộ đã phủ định kết luận của Thanh tra bộ và khẳng định việc sử dụng bằng “rởm” và mạo nhận học vị của hai lãnh đạo Đại học Chu Văn An là thật.

Mặc dù vậy, không thấy công bố kỷ luật những cá nhân thuộc Thanh tra bộ liên quan đến sai phạm trong Kết luận 1147.

Báo Hanoimoi.com.vn trong một bài viết có đoạn: “Trường Cao đẳng ASEAN đã khởi kiện Thanh tra Bộ GD-ĐT và Bộ GD-ĐT sau khi bị xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng và bị dừng tuyển sinh năm 2013”. [5]

(Ảnh minh họa trên Báo cand.com.vn)

Liên quan đến sự kiện này, báo Thanhtra.com.vn trong bài: “Có “bất thường” khi thanh tra tại Trường Cao đẳng ASEAN?” nêu nghi vấn: “Có hay không sự bất thường trong cuộc thanh tra nêu trên? Đặc biệt, có chuyện thanh tra để đóng cửa một ngôi trường vừa mới tuyển sinh được 2 mùa bởi những động cơ cá nhân? Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này”. [6]

Báo Vietnamnet.vn trong bài “Vì sao họ phải kéo nhau ra tòa?” đã phân tích khá kỹ vụ việc Cao đẳng Asean kiện Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. [7]

Gần nhất là những ồn ào xung quanh câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ dự định kỷ luật một số cán bộ liên quan đến kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh miền núi phía bắc.

Trở lại vụ việc tại Đại học Đông Đô, báo Toquoc.vn trong bài “Đại học Đông Đô cấp 626 bằng giả tiếng Anh: Vụ Kế hoạch Tài chính- Bộ GDĐT liên quan thế nào?” có đoạn:

“Vụ này ra thông báo số 136, xác nhận cho trường tuyển 150 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của Đại học Đông Đô ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này do ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính ký.

Cả 3 văn bản trên đều ghi rõ nơi nhận gồm: Đại học Đông Đô, Bộ trưởng Bộ GDĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ GDĐT”.

Có thể thấy Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được báo cáo về hoạt động đào tạo văn bằng 2 tại Đại học Đông Đô. Vấn đề là vì sao với chức năng nhiệm vụ “Thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở giáo dục đào tạo” cơ quan này không phát hiện ra sai phạm?

Theo quy định tại Nghị định số 42/2013/NĐ-CP thì “Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra giáo dục chuyển đến”, nhưng câu chuyện tại Đại học Đông Đô lại hoàn toàn ngược lại, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án còn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng:

“Sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm”. [8]

Một số dẫn chứng nêu trên liệu đã đủ để đưa ra kết luận, rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo buông lỏng quản lý công tác thanh tra, còn cơ quan thanh tra buông lỏng quản lý hoạt động của cơ sở giáo dục đại học?

Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 và tổng kết năm học các trường đại học, cao đẳng tổ chức ngày 28/12/2013, một vị lãnh đạo Chính phủ nêu ý kiến: “Nếu muốn có một khâu đột phá thì cùng với đổi mới thi cử trước hết phải đột phá ở quản lý, đổi mới ngay tại Bộ Giáo dục và Đào tạo”. [9]

III. Đạo đức cán bộ

Phải khẳng định không theo học, không thi cử, dùng tiền mua bằng (thật) để hoàn thiện hồ sơ (thi nghiên cứu sinh, thi tuyển công chức, nâng ngạch thanh tra viên,…) là vi phạm pháp luật, riêng với đảng viên còn vi phạm một trong các điều thuộc Quy định số 102-QĐ/TW.

Mục d, khoản 3, điều 11, Quy định số 102-QĐ/TW quy định khai trừ khỏi Đảng với đảng viên có hành vi: “Làm giả hồ sơ để được xét đi học, tiếp nhận, tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức”.

Những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mua bán, sử dụng văn bằng chứng chỉ giả đã được báo chí nêu đích danh không hề ít và phải chăng số người này đã góp phần hình thành “Nhóm lợi ích bằng giả”?

Cần phải thấy rằng hình thức kỷ luật “Khai trừ khỏi Đảng” là hình thức kỷ luật cao nhất trong bốn hình thức “khiển trách, cánh cáo, cách chức, khai trừ”.

Những cán bộ, đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng thường sẽ bị xử lý hình sự như các ông Đinh La ThăngVũ Huy HoàngTrương Minh Tuấn, bà Hồ Thị Kim Thoa,…

Những người “Làm giả hồ sơ để được xét đi học, tiếp nhận, tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức” không chỉ thấp kém về tài năng mà còn suy đồi về đạo đức, vậy vì sao pháp luật lại phải nương nhẹ, chưa (hoặc không) xử lý hình sự, chưa (hoặc không) công khai danh tính?

Dư luận có lý do nghi ngờ có rào cản nào đó khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật xử lý vấn nạn bằng cấp giả mạo. Đồng thời liệu có tồn tại một lực lượng nào đó có đủ sức mạnh ngăn cản cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm khắc những người vi phạm?

Nếu những nghi ngờ nêu trên là không có cơ sở thì vì sao gần như chưa thấy vụ xử lý hình sự nào với cán bộ, đảng viên sử dụng văn bằng giả và cũng chưa thấy công khai danh tính những người vi phạm?

Cho đến nay, việc không công khai danh tính không ít người mua điểm cho con, em trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 hoặc những người mua và sử dụng bằng giả, bằng thật chất lượng giả tại Đại học Đông Đô cho thấy có xu hướng xem nhẹ loại tội phạm này.

Báo Cand.com.vn khẳng định: “Mua bằng giả để 'chui' vào cơ quan Nhà nước”. [10]

Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói thẳng: “Người học giả, sử dụng bằng giả chỉ có thể "chui" vào các cơ quan nhà nước chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”. [11]

Một ý kiến là từ tờ báo của ngành Công an, ý kiến còn lại từ chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có đủ cơ sở để đưa đến kết luận, rằng một số cơ quan nhà nước đang bị biến thành nơi dung dưỡng những kẻ bất tài, vô đạo đức?

Nếu kết luận này là không đúng thì phải lý giải thế nào về phát biểu của ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: “Trong số 1,7 triệu văn bản Cục tiếp nhận, kiểm tra trong thời gian qua, đã phát hiện hơn 50.000 văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau”. [12]

Hơn 5 vạn văn bản sai trái đã bị xử lý chắc chắn chỉ do cơ quan nhà nước ban hành bởi đây là “văn bản quy phạm pháp luật”. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật phải do một nhóm chuyên viên soạn thảo và ít nhất một thủ trưởng phê duyệt, vậy hơn 5 vạn văn bản sai trái là sản phẩm của bao nhiêu người?

Và trong số những người đó phải chăng không có ai sử dụng bằng giả để tiến thân?

Phát biểu kết luận buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Vừa qua, một số trường hợp bị kỷ luật, rất đau xót nhưng không thể không làm, xử một vài người để cứu muôn người. Bác Hồ nói, chặt một cây sâu để cứu cả rừng cây”. [13]

Hồ Chủ tịch còn nói:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”.

Nếu không chịu “đau đớn” một lần, nếu không cho bằng rởm vào “giã” thì làm sao bảo đảm hệ thống chính trị “trắng tựa bông”?

Xử lý nhẹ các sai phạm, không công khai danh tính kẻ vi phạm chính là dung dưỡng những cây sâu để phá nát cả cánh rừng.

Thực hiện di huấn của Hồ Chủ tịch và ý kiến chỉ đạo của vị lãnh đạo cao nhất hệ thống chính trị liệu có cần phải quá nhiều thời gian chuẩn bị?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/phong-chong-tham-nhung/can-cong-khai-danh-tinh-nhung-nguoi-mua-bang-gia-cua-dai-hoc-dong-do-98304.html

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoa-hau-chui-tien-si-chui-phap-luat-va-nghe-thuat-to-he-post140598.gd

[3]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/cong-nhan-bang-tien-si-dao-tao-chui-158767.html

[4]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/bang-rom-cao-cap-phap-luat-chao-thua-132263.html

[5] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/614107/bi-dung-tuyen-sinh-cao-dang-asean-kien-bo-giao-duc-ra-toa

[6] https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/xu-ly-sau-thanh-tra/Co-bat-thuong-khi-thanh-tra-tai-Truong-Cao-dang-ASEAN-58673.html

[7]http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2013-08-20-vi-sao-ho-phai-keo-nhau-ra-toa-

[8] https://www.tienphong.vn/giao-duc/bo-gddt-tran-tinh-ve-sai-pham-tai-truong-dh-dong-do-1756918.tpo

[9] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ptt-vu-duc-dam-doi-moi-giao-duc-phai-ngay-tu-bo-gd-dt-post136367.gd

[10] http://cand.com.vn/Phap-luat/Ngan-chan-nan-mua-ban-su-dung-van-bang-gia-359393/

[11] https://vnexpress.net/bang-gia-chi-co-the-chui-vao-co-quan-nha-nuoc-2956309.html

[12] http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/616107/phat-hien-hon-50000-van-ban-co-bieu-hien-trai-luat

[13] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-ky-luat-can-bo-rat-dau-xot-nhung-khong-the-khong-lam-1716176.tpo

Xuân Dương
12 CÁN BỘ CHIẾN SĨ BỊ TƯỚC DANH HIỆU CÔNG AN NHÂN DÂN DO SỬ DỤNG BẰNG GIẢ
CHÍ TUỆ /TT 5-12-2020
12 cán bộ chiến sĩ bị tước danh hiệu Công an nhân dân do sử dụng bằng giả - Ảnh 1.

Trụ sở Công an huyện Tân Uyên (Lai Châu), nơi có 3 cán bộ, chiến sĩ bị tước quân tịch - Ảnh: CTV

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 5-12, đại tá Phạm Hải Đăng - phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu - xác nhận đơn vị vừa hoàn tất công tác rà soát, xử lý các cán bộ, chiến sĩ sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Có 13 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Lai Châu bị phát hiện vi phạm sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, trong đó có hai lãnh đạo chỉ huy cấp phòng, một số chỉ huy cấp đội, còn lại là cán bộ chiến sĩ.

Trong đó, trường hợp của thượng tá Thái Đình Hoài - trưởng Phòng cảnh sát kinh tế - đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân và khai trừ khỏi Đảng năm 2019. 

Còn lại 12 trường hợp, vừa qua Công an tỉnh đã đề nghị Bộ Công an tước danh hiệu Công an nhân dân 11 người, 1 người giáng cấp bậc hàm do quy định thời điểm tuyển dụng được phép sử dụng văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và đến nay trường hợp này cũng đã hoàn thành chương trình bổ túc THPT.

Sau khi xử lý các trường hợp vi phạm, ban giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Theo đó, cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ đã được xử lý rút khỏi quy hoạch phó giám đốc Công an tỉnh, điều chuyển công tác, phân loại không hoàn thành nhiệm vụ và kiểm điểm sâu sắc.

Theo đại tá Đăng, ban giám đốc Công an tỉnh đã kiểm điểm nghiêm túc từ cán bộ cho đến chỉ huy cấp đội, chỉ huy cấp phòng và đồng chí trong ban giám đốc phụ trách lĩnh vực. Bộ Công an trực tiếp chủ trì những buổi họp kiểm điểm. 

Trên cơ sở kết luận của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh cũng đã điều chuyển các trường hợp vi phạm.

Về nguyên nhân các trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả chậm phát hiện trong thời gian dài, lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu cho rằng do quy định của ngành chưa chặt chẽ trong việc xác minh. 

Khi nhận hồ sơ, cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ chỉ kiểm tra văn bằng, chứng chỉ gốc bằng mắt thường, xem có bất thường hay không mà chưa có quy định đối chiếu nơi cấp, thời gian cấp, địa điểm cấp bằng...

Ông Đăng cũng cho biết đến nay, Công an tỉnh Lai Châu đã hoàn tất công tác rà soát và không còn trường hợp nào sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Xài bằng cấp giả, cà vẹt giả, đừng tưởng không... đi tù (TT 4-12-20)

XÀI BẰNG CẤP GIẢ, CÀ VẸT GIẢ, ĐỪNG TƯỞNG KHÔNG...ĐI TÙ

HOÀNG ĐIỆP /TT 4-12-2020

TTO - Vụ án liên quan 600 tấm bằng Anh văn giả của Trường đại học Đông Đô mới đây đã đặt ra vấn đề pháp lý: người sử dụng giấy tờ giả có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Xài bằng cấp giả, cà vẹt giả, đừng tưởng không... đi tù - Ảnh 1.

Thực tế trong quá trình xét xử của ngành tòa án đã có nhiều vụ tòa tuyên án đối với người sử dụng giấy tờ giả.

Tự "nâng cấp" bằng lái xe giả, bị phạt án treo

Mới đây, TAND huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) đã tuyên mức án treo cho Chu Nhân Minh vì sử dụng bằng lái xe giả. Theo hồ sơ vụ án, ngày 23-6-2019 Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang kiểm tra hành chính đối với ôtô do Chu Nhân Minh điều khiển đi qua địa bàn tỉnh. 

Sau khi Minh xuất trình giấy phép lái xe, tổ công tác kiểm tra thấy có dấu hiệu đây là bằng lái xe giả. Sau khi đưa đi giám định, kết quả cho thấy bằng lái xe của Minh đúng là bằng giả.

Quá trình điều tra, Minh khai từng học và được cấp bằng lái xe hạng B2 nhưng không có điều kiện để học tiếp nâng hạng bằng lái. Minh lên mạng thấy có người rao bán bằng lái nên đã đặt mua bằng lái xe hạng C với giá 3 triệu đồng.

Sau đó, Minh bị khởi tố tội "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Quá trình điều tra, Minh thành khẩn khai báo và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nên hội đồng xét xử đã tuyên mức án 6 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Lộ "cà vẹt" dỏm khi mang đi cầm đồ

Một vụ án khá hi hữu khác xảy ra ở tỉnh Thái Bình, người phạm tội là ông Nguyễn Long Định.

Theo hồ sơ vụ án, ông Định là giám đốc một công ty TNHH gỗ mỹ nghệ có trụ sở tại xã An Đồng (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ông Định có mua chiếc xe bán tải với giá 885 triệu đồng. Để có tiền mua xe, ông Định đã thế chấp xe cho một ngân hàng để vay 700 triệu. Sau khi thế chấp, ngân hàng đã giữ giấy đăng ký xe (cà vẹt) và cấp cho ông Định bản sao giấy đăng ký xe này để lưu thông trên đường.

Sau khi ký thế chấp vay tiền, một người bạn đã đưa cho ông Định một "cà vẹt" của chính chiếc xe đó nhưng ở dạng bản chính mang tên chủ sở hữu là Định. Người này dặn ông Định là "cà vẹt" này "chỉ dùng để đi lại".

Tuy nhiên, do cần tiền làm ăn và trả nợ, ông Định đã mang cả xe và "cà vẹt" dỏm đếm tiệm cầm đồ T. để cầm cố vay 650 triệu đồng với lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày, thời hạn vay là một tháng.

Tuy nhiên, quá thời hạn vẫn chưa có tiền để trả cho tiệm cầm đồ nên ông Định khất nợ và kéo dài thời gian vay, đồng thời tiếp tục trả lãi hằng tháng cho tiệm cầm đồ. Trả nợ được một thời gian, khi số tiền nợ chỉ còn hơn 100 triệu đồng thì sự việc vỡ lở khá hi hữu.

Một ngày nọ, cơ quan công an nhận được một nguồn tin tố giác tội phạm về việc chủ tiệm cầm đồ T. làm ăn bất minh nên điều tra, xác minh. Qua đó, cơ quan công an thu giữ nhiều sổ sách cùng các giấy tờ của tiệm cầm đồ này. Kiểm tra các giấy tờ thu giữ được, cơ quan công an phát hiện "cà vẹt" ôtô của ông Định là giả.

Khi bị triệu tập đến cơ quan công an làm việc, ông Định thừa nhận đã sử dụng "cà vẹt" giả này để đi đường nhưng do kẹt tiền nên mới đem cầm. Việc vay tiền của tiệm cầm đồ T. (và cả vay ngân hàng), ông Định đều trả lãi đúng hạn chứ không có mục đích chiếm đoạt số tiền này.

Qua điều tra, cơ quan công an cũng nhận thấy việc vay ở ngân hàng và tiệm cầm đồ T. đều được ông Định trả lãi và gốc đầy đủ như lời khai nhận.

Tại phiên tòa xét xử, ông Định tỏ ra ăn năn hối cải và mong được hưởng mức án nhẹ nhất để còn lo làm ăn trả nợ. Do đó, TAND huyện Quỳnh Phụ đã tuyên ông Định mức án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), thực tế hiện nay không thiếu những lời mời chào làm giấy tờ giả công khai từ thẻ căn cước công dân, bằng lái, bằng cử nhân... đến các loại chứng chỉ. Do có nhu cầu của người mua nên sẽ có người bán và ngược lại. Và đương nhiên cả người làm lẫn người sử dụng giấy tờ giả đều bị xử lý.

Bởi vậy, dù bất cứ mục đích sử dụng bằng giả, giấy tờ giả là gì cũng đều vi phạm pháp luật. Nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì bị xử lý hình sự.


MUA BÁN, SỬ DỤNG BẰNG CẤP GIẢ VẪN TỒN TẠI, VÌ SAO ?
BÙI TUẤN, TRẦN YÊN/ SGGP 5-12-2020

Không chỉ công khai mua bán giấy phép, chứng chỉ “dỏm” như bằng lái xe, bằng tốt nghiệp phổ thông, giấy khám sức khỏe, hiện các bằng cấp cao hơn cũng “phôi thật bằng giả”. Các loại bằng cử nhân, thạc sĩ giả dùng thi tuyển công chức, nâng ngạch lương, thi đầu vào làm tiến sĩ… đã và đang được một số đối tượng mua bán công khai, từ đó len lỏi vào cơ quan công sở, doanh nghiệp.

Công khai trên mạng

Chị Nguyễn Thị Thúy Vy (42 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cho biết: “Tôi thường xuyên nhận được các tin nhắn mời làm các loại bằng, giấy phép lái xe, bằng đại học, chứng chỉ Anh văn”. Từ thông tin chị Vy cung cấp, ngày 1-12, chúng tôi liên lạc với ông T.N. (ngụ TPHCM), đối tượng bán bằng giả, đặt vấn đề mua bằng cử nhân ngoại ngữ. Ông T.N. cho biết, bằng đại học giá 4,5 triệu đồng, chứng chỉ Anh văn giá 1,5 triệu đồng, giấy phép lái xe 1,6 triệu đồng...

“Các loại bằng và chứng chỉ bên anh làm giống đến 99% bằng thật, từ dấu dập nổi đến các nét mực in rất sắc nét; làm cấp tốc chỉ khoảng nửa ngày là có ngay, nhưng chi phí sẽ cao hơn”, T.N. khẳng định.

Mua bán, sử dụng bằng cấp giả vẫn tồn tại, vì sao? ảnh 1Nhiều đối tượng ngang nhiên nhận làm bằng cấp giả trên mạng xã hội

Lướt qua các trang web hoặc một số địa chỉ Facebook cũng thấy rao cung cấp đủ các loại bằng. Một địa chỉ Facebook khẳng định bằng là phôi thật 100% và không thể phát hiện! Sau khi gửi thông tin cá nhân, khách phải đặt cọc trước, sau đó sẽ có xe ôm công nghệ mang tới, lấy nốt phần còn lại. Với hình thức này, các đầu nậu, đường dây làm bằng cấp giả cảnh giác cơ quan công an. 

Đáng báo động, bằng cấp giả hiện nay không chỉ được mua bán công khai mà đối tượng dùng bằng giả đã sử dụng để thi tuyển, xin việc làm, nâng ngạch lương... Ông Trần Quốc Cảnh, công chứng viên, Văn phòng công chứng Mai Việt Cường (quận 10, TPHCM), nguyên giám định viên Viện Khoa học hình sự, cho biết: “Văn phòng đã phát hiện rất nhiều bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả, từ bằng tốt nghiệp cấp 3, cao đẳng, đại học đến chứng minh nhân dân. Trong số đó có những bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến ngành y tế”.

Ông Trần Quốc Cảnh nhìn nhận, giấy tờ giả được sản xuất, mua bán dễ dàng do khả năng làm giả hết sức tinh vi. “Như ở Trường Đại học Đông Đô, phôi bằng thật, con người thật nhưng chỉ là bằng giả vì người được cấp bằng không học. Còn trên thị trường đen, đối tượng làm bằng giả đầu tư công nghệ in ấn hiện đại, nên các loại bằng cấp, giấy tờ giả giống y như thật”, ông Cảnh cho biết. 

Cần truy tố cả người dùng bằng giả 

Qua thực tế công chứng giấy tờ, bằng cấp hàng ngày, nhiều công chứng viên thừa nhận giấy tờ, tài liệu được làm giả rất tinh vi, có đủ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm trên giấy, giống đến 99%. “Nếu nhìn bằng mắt thường thì khó có thể phân biệt thật - giả, việc phát hiện giấy tờ giả phần nhiều phải dựa vào phương tiện hỗ trợ, kết hợp kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của công chứng viên. Khi bị phát hiện giả mạo, nhiều người thường tìm cách né tránh”, một công chứng viên Phòng Công chứng Mai Việt Cường cho biết. 

Không chỉ đối tượng, đường dây làm bằng cấp giả tinh vi mà ngay cả đối tượng mua, sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả cũng rất cảnh giác. Việc xử lý hành vi, đối tượng sử dụng bằng cấp giả lâu nay chưa nghiêm khiến tình trạng này khó dứt điểm. Theo luật sư Lê Đức Thọ (Đoàn Luật sư TPHCM), nguyên cán bộ giảng dạy Trường Đại  học Luật TPHCM, văn bản quy phạm pháp luật cũng như biện pháp chế tài đối với hành vi sử dụng bằng cấp giả đã có nhưng thực hiện chưa nghiêm. Khoản 4, Điều 17 Nghị định 79/2015 quy định “Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng giả... mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017, tại Điều 341 quy định “Người nào sử dụng con dấu, tài liệu giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức án phạt cao nhất đến 7 năm tù”.

“Số tiền phạt và mức án dành cho đối tượng sử dụng bằng giả là khá nặng, nhưng việc thực thi chưa nghiêm. Thời gian qua, hầu hết án tù mới áp dụng cho đối tượng sản xuất, mua bán bằng giả, còn đối tượng sử dụng vẫn chưa bị xử lý”, luật sư Lê Đức Thọ nhấn mạnh.

Dù với bất cứ lý do, mục đích nào, hành vi sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả đều là vi phạm pháp luật. Cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp truy tố, xử lý hình sự các đối tượng sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả.

BÙI TUẤN - TRẦN YÊN

VÌ SAO CÁC 'TIẾN SĨ' PHẢI 'MUA' VĂN BẰNG 2 TIẾNG ANH CỦA ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ ? 

MAI BÁ KIẾM/ TD 27-11-2020

Cơ sở 1 Trường ĐH Đông Đô tại 60B Nguyễn Huy Tưởng 
(Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ GD&ĐT, trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có một trong các chứng chỉ, văn bằng sau đây:

1. Có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B2 hoặc bậc 4/6 trở lên theo Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ, còn thời hạn trên 01 năm tính đến ngày nộp hồ sơ bảo vệ luận án cấp cơ sở, do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền cấp hoặc một trường đại học trong nước đạt chuẩn tổ chức thi chứng chỉ B2 theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.

2. Có một trong các văn bằng:

– Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài (kèm chứng nhận kiểm định của Cục Quản lý chất lượng giáo dục).

– Bằng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ.

Tương tự, Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014, cũng quy định: trước khi bảo vệ luận văn thạc sĩ, học viên phải đạt cấp độ 3/6 (cấp độ B1).

Riêng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho SV đại học hệ chính quy, các trường ĐH đều quy định phải đạt cấp độ 2/6 (A2)

CHỨNG CHỈ A2, B1, B2 LÀ GÌ?

Cấp độ A2 tương đương 3.0 IELTS và 150 TOEIC. Cấp độ B1 tương đương 4.5 IELTS và 477 TOEFL paper. Cấp độ B2 tương đương 5.5 IELTS và 527 TOEFL paper.

Việc quy đổi cấp độ A2, B1 và B2 tương đương Pre-Intermediate level (tiền trung cấp), Intermediate level (trung cấp) và Upper Intermediate level (trên trung cấp) của Bộ không có gì sai.

Nhưng việc bắt buộc các tân: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ phải có A2, B1 và B2 làm cho thị trường dạy học và tổ chức thi các chứng chỉ này quá béo bở!

Cả nước hiện có 237 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ. Cả 274 viện, trường này đều có một khoa tiếng Anh để dạy cho sinh viên ở cấp độ A1, A2, B1, B2.

Nhưng, cả nước chỉ có 15 trường đại học được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; Trường ĐH Ngoại Ngữ – ĐH Huế; Trường ĐH Ngoại Ngữ – ĐH QG Hà Nội; Trường ĐH Ngoại Ngữ – ĐH Đà Nẵng; ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Cần Thơ; Trường ĐH Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Vinh; Học viện An ninh nhân dân; Trường ĐH Sài Gòn; Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM; Trường ĐH Trà Vinh; Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Quy Nhơn).

Tội nghiệp cho SV phải đóng tiền học tiếng Anh ở trường mình, nhưng phải đóng lệ phí thi ở 15 trường được phép cấp chứng chỉ, hoặc thi chứng chỉ của nước ngoài: IELTS; TOEFL, TOEIC, CAMBRIDGE EXAM, BEC, BULATS, CEFR.

Dù thi ở 15 trường này hay chứng chỉ nước ngoài thì SV phải học ôn thi ở các trung tâm luyện thi IELTS mới đủ trình độ đậu, mà thí sinh là cán bộ đương chức đã không có thì giờ học các môn chính, nói gì học môn tiếng Anh tại trường và tại trung tâm luyện thi?

Nhưng ác đạn thay, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ có giá trị 2 năm, mà các trường ĐH còn trả giá (bớt chút đỉnh): “chứng chỉ ngoại ngữ còn thời hạn trên 01 năm tính đến ngày nộp hồ sơ bảo vệ luận án cấp cơ sở”.

Trong khi đó, Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT quy định nếu thí sinh có “bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài (kèm chứng nhận kiểm định của Cục Quản lý chất lượng giáo dục); hoặc bằng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ, thì khỏi cần thi các chứng chỉ B1, B2.

Mà B1, B2 cứ hai năm thi lại một lần, chứ không phải như visa cứ sắp hết hạn là đóng tiền gia hạn tiếp. Trong khi đó, bằng đại học, thạc sĩ của nước ngoài cấp hay bằng đại học ngoại ngữ trong nước cấp thì có giá trị vĩnh viễn, giống như “thẻ xanh” vậy!

Cho nên, nếu các cán bộ đang là học viên cao học thì cứ mua mẹ cái Văn Bằng 2 Ngoại Ngữ của ĐH Đông Đô, để sau này còn xài lại khi làm nghiêu cứu sinh luận án tiến sĩ, khỏi phải thi lại chứng chỉ B2 cực lắm!

Kết luận điều tra cho thấy trong 193 bằng cử nhân Anh cấp cho người mua, không qua tuyển sinh, đào tạo, trong đó có 55 người sử dụng bằng giả này xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án!

Tiến sĩ dốt ngoại ngữ nhiều lắm! Hồi năm 2000, tôi học trung cấp chính trị tại Trường cán bộ TPHCM, có học ông thầy là tiến sĩ sử học. Tôi hỏi ổng có biết tiếng Pháp, Tiếng Hán, có đọc “Xứ Đàng Trong” của bà Li Tana chưa? Ông trả lời ba không! Má ơi, tiến sĩ sử!

Một phút khi dễ bắt đầu!

P/S: Trước năm 1975, ở miền Nam, trừ các trường có khoa đào tạo Anh văn bậc cử nhân (như ĐH Văn Khoa, ĐH Sư phạm…) tất cả trường ĐH còn lại không có Khoa tiếng Anh bậc phổ thông (Stater, elementary, intermediate) như hiện nay.

VIỆT NAM-NƠI...'UY TÍN' NGANG HÀNG VỚI GIẢ ?

TRÂN VĂN/ TD 27-11-2020

Kết luận Điều tra (KLĐT) về vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra ở Đại học Đông Đô (ĐHĐĐ) – Hà Nội, tiếp tục khuấy động dư luận, không phải vì các tình tiết liên quan đến vụ án mà vì cách đánh giá, nhận định của công an Việt Nam đối với những cá nhân lẽ ra phải xem là đồng phạm với các bị can…

Với sự hỗ trợ của một số cơ quan hữu trách thuộc Bộ GDĐT, một số cá nhân lãnh đạo ĐHĐĐ đã tổ chức tuyển sinh – đào tạo Cử nhân Anh ngữ cho những người từng tốt nghiệp đại học (văn bằng Cử nhân thứ hai). Từ 2015 đến 2019, ĐHĐĐ đã cấp hơn 600 văn bằng Cử nhân Anh ngữ loại này – tất cả đều là bằng… thật!

Tháng 8 năm ngoái, công an Việt Nam xác định việc cấp hơn 600 văn bằng Cử nhân Anh ngữ… thật ấy là “Giả mạo trong công tác” vì người sở hữu văn bằng chỉ phải trả tiền, không cần học, không cần thi. Nói cách khác hơn 600 người thủ đắc văn bằng Cử nhân Anh ngữ của ĐHĐĐ đã bỏ tiền ra mua… bằng!

Cho đến giờ, công an Việt Nam chỉ khởi tố một số cá nhân ở ĐHĐĐ đã tổ chức bán bằng. KLĐT chỉ tiết lộ, những kẻ chi tiền mua bằng đều là những người có uy tín, hoặc đang là cán bộ chủ chốt của nhiều cơ quan, ban, ngành hoặc đang đeo đuổi học vị, thạc sĩ, tiến sĩ và không nêu tên bất kỳ ai (1)…

***

Chuyện công an Việt Nam xác định những kẻ đã bỏ tiền mua bằng của ĐHĐĐ là những người có uy tín khiến công chúng kêu… Trời! Đặng Huỳnh Lộc than: Xứ mình thiệt… lạ! Bỏ tiền mua bằng vẫn là… những người có uy tín, thậm chí… uy tín hơn xa những người có kiến thức, sử dụng bằng thật (2)!

Đồng Phước Vinh bỡn cợt: Muốn khoẻ mạnh thì tập luyện thể thao. Còn muốn có uy tín… thì xem tóm tắt KLĐT vụ “giả mạo trong công tác” ở ĐHĐĐ! Vì Nguyễn Bá Phúc thắc mắc: Có chứng chỉ… người có uy tín không anh (?) nên Vinh nói thêm: Đang chờ đề án… Học viện uy tín được duyệt. Xong sẽ có tuyển sinh cấp bằng (3).

Cũng có một số facebooker như Mai Lĩnh cảm thấy… bất bình giùm cho những… nạn nhân đã… bỏ tiền mua bằng của ĐHĐĐ. Theo Mãi Lĩnh: Họ là những… cán bộ thật, chấp nhận chi tiền là để mua… bằng thật nhưng vì… thất học nên ngu, thành ra mới có hàng loạt bị lừa! Tội nghiệp (4)!

Võ Đắc Danh – người cho rằng mớ… bằng thật mà ĐHĐĐ đã bán là bằng giả chỉ ra một nghịch lý: Tiêu thụ hàng giả như thuốc Tây thì mau chết nhưng tiêu thụ bằng giả thì… mau giàu! Nguyen Dang Khoa bổ túc thêm một vài khác biệt và tương đồng giữa hàng giả với bằng cấp giả: Xài thuốc giả là do không biết, còn bằng giả thì biết chắc mà vẫn dùng! Không phải tụi nó mà nạn nhân của tụi nó không chết cũng thân tàn ma dại! Dung Nguyễn tán thành: Không biết ai chịu trách nhiệm cho mấy thứ đồ giả nhưng ai gánh hậu quả thì quá rõ! Trước những hoang mang, bất bình, Huỳnh Thanh Lợi an ủi: Đây là… Thiên đường! Nơi mà chưa bao giờ nền giáo dục lại rực rỡ như bây giờ (5)!

***

Cùng bàn về những người có uy tín mua bằng của ĐHĐĐ, Hoang Linh nhận định: Với trải nghiệm của bản thân – quen biết từ người có địa vị cao nhất và người cần lao, xin nói thẳng, bọn mua bằng cấp là… cặn bã xã hội chứ… uy tín con cầy gì! Thường dân không ai mua bằng. Người có nhu cầu nhưng tự trọng….cũng không ai mua bằng mà sẽ lấy bằng bằng lao động nghiêm túc. Chỉ có bọn cặn bã mới mua bằng để chuản bị cho những hành vi sai phạm lớn hơn. Kỳ Trịnh đồng ý, gọi đó là kiểu lừa đảo đáng tởm!

Giống như nhiều facebooker khác, Huu Ly gọi những người có uy tín như nhận định của công an trong KLĐT là: Uy tín của bọn lưu manh! Duyquyet Dang thắc mắc: Uy tín gì những thằng vô liêm sỉ ấy mà phải giấu tên tuổi chúng nó? Thang Duc phân tích: Tại sao họ lại hành xử thiếu tự trọng như thế? Câu trả lời là tại cơ chế tuyển cử bắt buộc phải có bằng nọ, bằng kia mới bổ nhiệm. Muốn giữ ghế hay muốn có chức vụ cao hơn phải có bằng. Làm cán bộ thời gian đâu mà học, chỉ hội họp, tiệc tùng đã không đủ thời gian thì đi học vào… mắt! Do vậy phải mua bằng thôi. Có cầu ắt có cung, không trường này bán cũng sẽ có trường khác bán. Chuyện mua bằng xảy ra lâu rồi giờ mới bung bét (6)

Xếp hơn 600 người đã mua bằng của ĐHĐĐ vào nhóm những người có uy tín làm Cô bé Cát Linh thở dài: Sự trong sáng của tiếng Việt giờ rất… lạ kỳ. Người có uy tín mà lại… mua bằng! Chẳng ai cho cộng đồng biết điều họ muốn biết. Hình như pháp luật cũng không biết sẽ xử lý những người có uy tín mua bằng như thế nào?

Trần Hưng An nhắc lại chuyện mới xảy ra cách nay vài tháng với hai giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng khi đề nghị xử lý Bí thư Đắk Lắk gian dối học thuật để trả lời cho trăn trở của Cô bé Cát Linh: Tố cáo đạo văn còn bị nhốt thì không cung cấp danh tính là… rất tỉnh táo! Vương Gia Văn ngậm ngùi: Uy tín của những kẻ giả dối! Thật cay đắng khi chúng lại đang nắm quyền lực trong tay! Trong khi Calvin Van phỏng đoán: Nếu xử lý tất cả những người có uy tín mua bằng thì sẽ không còn đảng viên nào nữa để làm việc cho bác Trọng! Pháp Chính an ủi bạn bè: Giả dối, lừa đảo… là bản chất cua chế độ mà! Thật thà không có chỗ đứng ở thiên đường này đâu (7)!

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/giao-duc/mua-bang-cua-truong-dai-hoc-dong-do-deu-la-nguoi-co-uy-tin-1111572.html

(2) https://www.facebook.com/huynhlocpl/posts/4164320230251574

(3) https://www.facebook.com/dongphuocvinh/posts/10207713212626253

(4) https://www.facebook.com/PhamDinhQuat/posts/3817415818271709

(5) https://www.facebook.com/dacdanhmientay/posts/3572327456161613

(6) https://www.facebook.com/hoang.linh.7146/posts/3384692644984575

(7) https://www.facebook.com/Catlinh08/posts/679589616087728

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét