Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

20201218. DƯ LUẬN QUANH HỘI NGHỊ TƯ 14 ĐCSVN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HỘI NGHỊ TƯ 14: VẪN CÒN CHỜ 'TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT' ?

QUỐC PHƯƠNG/ BBC 14-12-2020


Hội nghị lần Trung ương 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII vừa khai mạc tại Hà Nội hôm 14/12/2020 với một nội dung quan trọng là giới thiệu nhân sự cao cấp ứng cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư của đảng này tại Đại hội 13 dự kiến nhóm vào đầu năm sau.

Từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Iseas Yusof-Ishak tại Singapore, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam, đưa ra một số bình luận và quan sát của mình với BBC News Tiếng Việt về thực chất của Hội nghị này.

"Theo quy trình, Hội nghị Trung ương 14 này sẽ bàn về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề chủ chốt là nhân sự cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhiệm kỳ tới.

"Đây là một bước quan trọng để bước thiếp theo là xác định trường hợp đặc biệt, có bao nhiêu trường hợp và những trường hợp nào, và qua đó có thể xác định được các ứng cử viên cho bốn vị trí trong "tứ trụ", nên kết quả Hội nghị 14 lần này sẽ có tính chất quan trọng đối với công tác nhân sự của Đại hội đảng CSVN trong nhiệm kỳ tới."

Về ác phương án nhân sự cấp cao liên quan điều mà một số ý kiến trong dư luận và giới quan sát thời sự, chính trị Việt Nam gọi là những cuộc đua "song mã", "tam mã" hay "tứ mã", Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhắc tới việc xét các trường hợp "đặc biệt":

"Cái này chúng ta cũng phải chờ xem, bởi vì theo quy trình người ta sẽ phải xét hết cả các ứng viên, trước tiên là các ứng viên còn ở trong độ tuổi đủ tiểu chuẩn, sau đó mới xét tới các trường hợp đặc biệt.

"Và lúc xét tới trường hợp đặc biệt, cũng sẽ phải cân nhắc là sẽ có bao nhiêu trường hợp được cho là đặc biệt và sau đấy xác định đó là những ứng viên cụ thể nào, do hiện tại Hội nghị chưa kết thúc nên chúng ta chưa thể biết được, nhưng có thể nói đây là những quyết định rất quan trọng và nó sẽ định hình dàn lãnh đạo cấp cao tiếp theo của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo."

Trường hợp đặc biệt và những phương án?

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho hay ông được biết trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn nhiều tranh luận và các ý kiến về các phương án nhân sự cấp cao khác nhau và do đó ông cho rằng thông tin từ Hội nghị Trung ương này sẽ giúp "giải tỏa" thêm phần nào các câu hỏi đặt ra từ đó, đặc biệt liên quan các "trường hợp đặc biệt."

"Hiện còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ trong suốt thời gian vừa qua mà tôi được biết và rõ ràng nhất chúng ta biết là bây giờ sẽ có trường hợp đặc biệt.

"Nhưng theo tôi hiểu sẽ vẫn có nhiều phương án khác nhau và bây giờ câu hỏi quan trọng là xác định trước tiến có bao nhiêu trường hợp đặc biệt

"Theo và về nguyên tắc, đáng lẽ ra trường hợp đặc biệt chỉ dành cho vị trí Tổng Bí thư như chúng ta đã thấy, như trong nhiệm kỳ Đại hội 12 vừa rồi, ông Nguyễn Phú Trọng được xác định là trường hợp đặc biệt và không có trường hợp đặc biệt nào khác ngoài ông Trọng.

"Tuy nhiên, ở kỳ lần này lại có nhiều ý kiến khác nhau tại vì vị trí Tổng Bí thư được cho là dành cho ông Trần Quốc Vượng, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng có thể có những ứng cử viên khác mà có thể có sự cạnh tranh cho vị trí này.

"Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng có thể là người đang cần thiết cho dàn lãnh đạo của Việt Nam trong nhiệm kỳ tới và ở vị trí Tổng Bí thư có thể ông Trọng không thể ở lại, tại vì ông đã làm hai nhiệm kỳ liên tiếp.

"Nhưng ông giữ chức Chủ tịch nước là nhiệm kỳ đầu tiên, vậy nên về mặt nguyên tắc ông vẫn đủ điều kiện về mặt số lượng nhiệm kỳ để có thể giữ tiếp chức Chủ tịch nước và trong trường hợp ông Trọng được coi là trường hợp ngoại lệ về mặt độ tuổi, thì ông vẫn có thể nắm giữ tiếp vị trí này."

Theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, tiếp sau hai trường hợp được nhắc tới ở trên là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, đương kim Thủ tướng Chính phủ Việt Nam được cho là trường hợp thứ ba có thể xem xét như "ngoại lệ" và "đặc biệt":

"Trường hợp thứ ba là ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng có ý kiến cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay mới 66 tuổi và cũng mới nắm vị trí Thủ tướng một nhiệm kỳ, do đó ông cũng đủ điều kiện để xem xét là trường hợp đặc biệt, bởi vì ông vẫn còn sung sức và ông đã thể hiện khá tốt vừa rồi trong cương vị Thủ tướng ở nhiệm kỳ hiện nay.

"Vậy có hai trường hợp là nếu ông không được xem xét vị trí Tổng Bí thư, thì ông có thể được xem xét cho vị trí Chủ tịch nước hoặc ông có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ trong cương vị là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do đã quá 65 tuổi, nếu ông muốn được đề cử vào những vị trí ấy, ông phải được xem xét là trường hợp đặc biệt.

"Vì vậy có thể thấy là trong các trường hợp có thể xem xét là "trường hợp đặc biệt", thì có tới ba trường hợp như vậy, tuy nhiên cũng có nhiều cho rằng nếu như thế thì không có sự đổi mới về lãnh đạo, cũng như là ý nghĩa của trường hợp đặc biệt sẽ không còn như trước nữa.

"Bởi vì nếu nhiều trường hợp đặc biệt quá, bản thân trường hợp ấy sẽ không còn được gọi là "đặc biệt" nữa, do đó mà vẫn còn những tranh luận, những đề xuất khác nhau và chúng ta cũng cần xem xét xem kết quả cuối cùng như thế nào.

"Nhưng tôi hy vọng là sau Hội nghị TƯ14 này, bức tranh cũng như hình dung về dàn nhân sự lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về tứ trụ trong nhiệm kỳ mới sẽ trở nên rõ ràng hơn."

Những gương mặt mới và ứng viên cho tứ trụ?

Khi được hỏi về những gương mặt mới có thể xuất hiện hay được bổ sung trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư của đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiệm kỳ tới đây tại Đại hội 13 của đảng này, nhà phân tích chính trị Việt Nam, đồng thời là chuyên gia về bang giao quốc tế từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á từ Singapore nói:

"Tới thời điểm này, tôi được biết có khoảng hơn hai chục, chính xác hơn là hơn 25, 26 hoặc là 30 ứng cử viên cho Bộ Chính trị cũng như là Ban Bí thư, do đó họ sẽ phải cân nhắc xem gương mặt nào xứng đáng nhất.

"Hiện vẫn còn nhiều thông tin khác nhau, tuy nhiên như chúng ta đã biết, theo thông lệ, các Bí thư, thành viên Ban Bí thư mà chưa phải là Ủy viên Bộ Chính trị sẽ là những ứng cử viên hàng đầu cho Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới và chúng ta đã biết trong diện này có khoảng 6-7 người như thế.

"Ngoài ra cũng có những vị trí khác trong Chính phủ, trong các cơ quan đảng, các bộ, ngành hay là các lãnh đạo địa phương mà vẫn có sự tín nhiệm để có thể được đề cử vào Bộ Chính trị, cũng như là Ban Bí thư nhiệm kỳ mới, tuy nhiên tôi cũng chưa có thông tin cuối cùng nên chưa thể bình luận về các ứng viên cụ thể đó."

Theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, tại Đại hội 13 tới đây các ứng viên cấp cao nhất sẽ được chọn ra và điền đầy cơ cấu quyền lực lãnh đạo vẫn được gọi là "tứ trụ" và ông đưa ra các bình luận mang tính dự đoán tiếp theo về ứng viên cho bốn ghế lãnh đạo quyền lực này"

"Theo tôi, kịch bản về "tứ trụ" là rõ ràng và nhiều khả năng nhất, và hiện tại hầu như không ai nói tới kịch bản về "tam trụ" cả.

"Còn về cụ thể ai sẽ được giao cho vị trí nào, như trên đã nói vấn đề cốt lõi bây giờ phải xác định được có bao nhiêu trường hợp đặc biệt và những trường hợp đó là ai và hai vấn đề này hiện chưa được làm rõ.

"Còn về vấn đề được hỏi về nếu có một hay hơn một trường hợp đặc biệt, thì thời gian lưu lại là bao lâu, một phần hay toàn nhiệm kỳ, thì như tôi đã phân tích, nếu ông Nguyễn Phú Trọng ở lại, khả năng sẽ là ông có thể ở lại tiếp vị trí Chủ tịch nước.

"Còn vị trí Tổng Bí thư, tôi tin rằng ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư sẽ là ứng cử viên khả dĩ nhất.

"Còn ông Nguyễn Xuân Phúc, như tôi đã đề cập là có ba khả năng. Một là ông sẽ lên làm Chủ tịch nước, hai là ông sẽ giữ tiếp vị trí Thủ tướng Chính phủ và thứ ba, trong trường hợp ông không được xem xét làm trường hợp đặc biệt, thì ông sẽ phải về hưu. Thì đó là ba kịch bản cho ông Phúc."

Không nhắc tới trường hợp của Ủy viên Bộ Chính trị, đương kim Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nhưng khi được hỏi ai có thể là ứng viên sáng giá và khả dĩ nhất đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ tới đây ở Đại hội 13, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói:

"Về Quốc hội, theo tôi khả năng bà Trương Thị Mai sẽ là ứng cử viên khả dĩ nhất cho vị trị này."

Có gì mới trong cách làm nhân sự và đường lối?

Ở phần cuối cuộc trao đổi hôm thứ Hai 14/2 với BBC News Tiếng Việt, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp `nêu nhận xét từ quan điểm riêng của ông về cách làm nhân sự và đường lối của đảng CSVN tới nay chuẩn bị cho Đại hội 13 của đảng này và bình luận xem liệu có gì đổi mới hay không, ông nói:

"Theo tôi, quy trình về làm nhân sự đã được đảng Cộng sản Việt Nam hoạch định qua các nhiệm kỳ khác nhau bằng việc đưa ra các tiêu chuẩn cho các chức danh, các vị trí.

"Rồi quy trình cũng đã được làm khá chặt chẽ, từng bước, theo lớp lang để có thể chọn ra được những ứng cử viên phù hợp nhất, có năng lực nhất, đầy đủ phẩm chất để đảm nhiệm được những công việc, các trọng trách được giao.

"Theo tôi, về mặt quy trình đã có sự chuẩn hóa, tuy nhiên vẫn có thể có những cái mà các quy định không thể bao quát hết tới như là những trường hợp đặc biệt mà bây giờ chúng ta vẫn còn phải chờ xem các trường hợp ấy sẽ được lựa chọn, được xác định cụ thể như thế nào.

"Tôi thấy rằng năm nay và kỳ này hơi khác biệt với các năm trước, đó là các ứng cử viên không có sự thực sự áp đảo so với ủy viên còn lại và các "trường hợp đặc biệt" có thể nhiều hơn một trường hợp.

"Do đó có sự phức tạp riêng mà chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi thêm để xem lần này ban lãnh đạo của ĐCSVN, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xử lý các vấn đề này rao sao và liệu có thể sẽ tạo ra một tiền lệ nào cho các lần đại hội sau hay không.

"Còn về đường lối của đảng, về cách làm, tôi cho rằng người ta vẫn làm như lâu nay thôi, tức là xác định đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược thông qua quy trình về biên soạn các văn kiện đại hội đảng, rồi đưa ra cho nhân dân, cán bộ, đảng viên góp ý, do vậy về cơ bản, cách làm vẫn như các nhiệm kỳ trước thôi," Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói với BBC từ Singapore.

Báo chí, truyền thông Việt Nam và nước ngoài nói gì?

Hôm 14/12, đưa tin về Hội nghị Trung ương 14, khóa XII của đảng Cộng sản Việt Nam, báo Nhân dân của đảng này cho hay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị dự kiến diễn ra trong bảy ngày và thay mặt Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc.

"Trung ương sẽ thảo luận, tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng; giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; thảo luận cho ý kiến về tổ chức Đại hội 13, gồm thời gian, chương trình, nội dung Đại hội; về Dự thảo Quy chế bầu cử, Quy chế làm việc tại Đại hội 13," tờ báo là cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam cho hay về một số nội dung chính của Hội nghị.

Về nội dung liên quan đến chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội 13, báo Nhân dân cho hay thêm:

"Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị báo cáo Trung ương về kết quả việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13 (về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình phát hiện, giới thiệu và cách làm). Trung ương sẽ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13.

"Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13 là công việc kế thừa, tiếp nối của công tác quy hoạch cán bộ, rất hệ trọng và liên quan đến thành công của Đại hội 13 của Đảng và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới," báo Nhân dân đưa tin.

Còn hãng tin Reuters từ Hà Nội trong một bài viết đưa tin về Hội nghị 14 cùng ngày 14/12, với tác giả James Pearson viết:

"Vào lúc đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam bắt đầu cuộc họp kéo dài một tuần vào thứ Hai, các cuộc thảo luận đã được tăng cường về lãnh đạo cao nhất sẽ xuất hiện và thiết lập quan điểm cho năm năm tới ở quốc gia Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng này.

"Một tuyên bố của chính phủ cho biết hội nghị toàn thể mới nhất sẽ bao gồm thảo luận về "các văn kiện nhân sự" - một cách nói uyển ngữ để quyết định ai nắm giữ các chức vụ quan trọng nhất, sẽ chính thức được chỉ định tại Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng Giêng.

"Đại hội sẽ định hình chính sách sau 5 năm kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người theo tư tưởng ý hệ đảng, nổi lên dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng sau khi loại bỏ một cựu lãnh đạo có quan hệ chặt chẽ hơn với doanh nghiệp."

Tác giả James Pearson còn vắn lược một danh sách những chính trị gia được coi là "các ứng viên khả dĩ" cho các vị trí đỉnh cao, trong đó có các tên tuổi: Nguyễn Phú Trọng (76 tuổi), Nguyễn Xuân Phúc (66), Nguyễn Thị Kim Ngân (66), Trần Quốc Vượng (67), Tô Lâm (63), Ngô Xuân Lịch (66), Phạm Minh Chính (62), Trương Hòa Bình (65), Phạm Bình Minh (61) và Vương Đình Huệ (63).

Về nhà lãnh đạo đảng Nguyễn Phú Trọng, bài viết trên hãng tin Anh bình luận:

"Riêng bản thân ông Trọng, một trong những chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam trong nhiều thập kỷ, có thể vẫn giữ một vai trò quan trọng, nhưng các câu hỏi đã được đặt ra về sức khỏe của nhân vật 76 tuổi này khi ông tỏ ra yếu ớt tại các sự kiện trong những tháng gần đây...

"Một số nhân vật nổi tiếng nhất từng được tuyên bố trong cuộc trấn áp chống tham nhũng của Trọng là đồng minh của cựu thủ tướng [khóa trước]. Hầu hết các nhà phân tích dự đoán cuộc đàn áp sẽ tiếp tục sau đại hội."

Về thủ tướng đương kim của Việt, tác giả James Pearson trên Reuters viết:

"Một câu hỏi khác xoay quanh số phận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người có thể đấu tranh cho nhiệm kỳ thứ hai hay tìm cách thăng tiến trong hàng ngũ của Đảng.

"Người đàn ông 66 tuổi này đã đại diện cho Hà Nội trên trường thế giới với tư cách là gương mặt đại diện cho nhiều thỏa thuận thương mại của Việt Nam và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong khu vực với tư cách là chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay.

"Là một người thân thiện với doanh nghiệp, ông Phúc đã nâng cao uy tín kinh tế của mình bằng cách giữ cho Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng GDP 2% -3% trong năm nay, bất chấp những tác động thảm khốc của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.

" Ông Phúc đã được đề nghị là một ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ lãnh đạo đảng, nhưng các ứng cử viên khác có quan hệ chặt chẽ hơn với ông Trọng và bộ an ninh và quân đội quyền lực của Việt Nam cũng sẽ vận động hành lang cho vị trí này," hãng tin Anh bình luận thêm hôm thứ 14/12.


HÉ LỘ DANH SÁCH ỨNG VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ VÀ BAN BÍ THƯ KHÓA XIII
PHẠM VŨ HIỆP/ TD 16-12-2020

Chiều mai 17/12/2020, trong ngày làm việc thứ tư của Hội nghị 14, Bộ Chính trị sẽ công bố danh sách ứng viên BCH Trung ương khoá XIII. Đồng thời, BCT cũng báo cáo Trung ương về kết quả việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Tờ trình của Bộ Chính trị sẽ kèm theo đầy đủ các tài liệu liên quan đến từng nhân sự. Danh sách được xây dựng dựa trên kết quả lấy phiếu giới thiệu trong Hội nghị trung ương 13. Trách nhiệm của từng Uỷ viên Trung ương là tập trung nghiên cứu kỹ từng nhân sự, suy nghĩ cân nhắc thận trọng, đặt lợi ích của Đảng cộng sản lên trên hết.

Sau khi nghiên cứu, các Uỷ viên trung ương có ý kiến tranh luận, góp ý một cách thẳng thắn. BCH Trung ương sẽ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết, giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII trong tinh thần “đoàn kết và thống nhất cao” trong việc bỏ phiếu.

Quy trình này bảo đảm thực hiện đúng Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy chế, quy định… Theo khoản 3, Điều 13 của Quy định 244 về “Việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư”, nêu rõ: “Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị”.

Thông tin “rò rỉ” từ cung đình cho hay, danh sách sau đây sẽ được Hội nghị 14 BCH Trung ương thêm bớt và chốt lại trước khi đưa ra đại hội XIII bầu bán. Danh sách ứng viên Bộ Chính trị khoá XIII gồm có 23 người:

1.- Trần Quốc Vượng, sinh năm 1954, quê Thái Bình: UVBCT, Thường trực Ban bí thư

2.- Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954, quê Quảng Nam: UVBCT, Thủ tướng chính phủ

3.- Trương Hoà Bình, sinh năm 1955, quê Vĩnh Long: UVBCT, Phó thủ tướng thường trực CP

4.- Tô Lâm, sinh năm 1957, quê Hưng Yên: UVBCT, Đại tướng, Bộ trưởng BCA

5.- Vương Đình Huệ, sinh năm 1957, quê Nghệ An: UVBCT, Bí thư Hà Nội

6.- Phạm Minh Chính, sinh năm 1958, quê Thanh Hoá: UVBCT, Trưởng BTC Trung ương

7.- Phạm Bình Minh, sinh năm 1959, quê Nam Định: UVBCT, Phó thủ tưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

8.- Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, quê Vĩnh Long: UVBCT, Trưởng ban Tuyên giáo

9.- Trương Thị Mai, sinh năm 1958, quê Quảng Bình: UVBCT, Trưởng ban Dân vận

10.- Nguyễn Hòa Bình, sinh năm 1958, quê Quảng Ngãi: Bí thư Trung ương, Chánh án Tòa án Tối cao

11.- Trần Cẩm Tú, sinh năm 1961, quê Hà Tĩnh: Bí thư trung ương, Chủ nhiệm UBKT

12.- Lương Cường, sinh năm 1957, quê Bắc Giang: Bí thư trung ương, Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị BQP

13.- Phan Đình Trạc, sinh năm 1958, quê Nghệ An: Bí thư trung ương, Trưởng ban Nội Chính Trung ương

14.- Nguyễn Văn Nên, sinh năm 1957, quê Tây Ninh: Bí thư trung ương, Bí thư thành uỷ TP HCM

15.- Trần Thanh Mẫn, sinh năm 1962, quê Hậu Giang: Bí thư trung ương, Chủ tịch MTTQ VN

16.- Nguyễn Xuân Thắng, sinh năm 1957, quê Nghệ An: Bí thư trung ương, Giám đốc học viện chính trị Quốc gia

17.- Vũ Đức Đam, sinh năm 1963, quê Hải Dương: UVTW, Phó thủ tướng

18.- Trần Tuấn Anh, sinh năm 1964, quê Quảng Ngãi: UVTW, Bộ trưởng Bộ Công thương

19.- Lê Thị Nga, sinh năm 1964, quê Hà Tĩnh: UVTW, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH

20.- Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1961, quê Ninh Bình: UVTW, Bộ trưởng Bộ tài chính

21.- Dương Thanh Bình, sinh năm 1961, quê Cà Mau: UVTW, Phó BTC trung ương

22.- Bùi Thanh Sơn, sinh năm 1962, quê Hà Nội: UVTW, Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao

23.- Nguyễn Quang Dương, sinh năm 1962, quê Hà Nội: UVTW, Phó Trưởng BTC Trung ương

24.- Bùi Minh Hoài, sinh năm 1965, quê Hà Nam: UVTW, Phó Chủ nhiệm thường trực UBKT trung ương


Chân dung 24 ứng viên BCT, theo thứ tự từ trái qua và từ trên xuống.

Danh sách ứng viên Ban Bí thư khoá XIII, không phải là Uỷ viên Bộ Chính trị, gồm có 6 người:

1.- Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1962, quê Tiền Giang: UVTW, Thượng tướng, Phó chủ nhiệm TCCT BQP

2.- Lê Minh Hưng, sinh năm 1970, quê Hà Tĩnh: UVTW, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

3.- Lê Hồng Quang, sinh năm 1968, quê Kiên Giang: UVTW, Phó Chánh án Toà án Tối cao

4.- Nguyễn Hồng Lĩnh, sinh năm 1964, quê Long An: UVTW, Phó Ban dân vận Trung ương

5.- Nguyễn Hồng Diên, sinh năm 1965, quê Thái Bình: UVTW, Phó Ban tuyên giáo Trung ương

6.- Trần Quốc Cường, sinh năm 1969, quê Nam Định: UVTW, Phó Ban nội chính Trung ương


Chân dung 6 ứng viên Ban Bí thư. Từ trái qua, từ trên xuống: Nguyễn Trọng Nghĩa, Lê Minh Hưng, Lê Hồng Quang, Nguyễn Hồng Lĩnh, Nguyễn Hồng Diên, Trần Quốc Cường

Tin mới nhất: Phiên toà xét xử cựu Uỷ viên Trung ương Nguyễn Đức Chung kết thúc hôm 11/12/2020 và việc khởi tố bắt giam cựu Uỷ viên Trung ương Tất Thành Cang cùng “trùm tài chính gốc Hoa khét tiếng thành Hồ” Diệp Dũng hôm nay, sẽ tác động lớn đến danh sách nói trên.

Một vài đại ca “cùng hội, cùng thuyền” có thể bị đánh văng ra khỏi danh sách đề cử, để điền tên người khác vào ở phút bù giờ.

CHUYỆN NHÂN SỰ QUA HỘI NGHỊ TRUNG 

ƯƠNG LẦN THỨ 14

BTV/ TD 14-12-2020

Hôm nay, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 của khóa XII bắt đầu, để bàn tiếp chuyện nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư … cho Đại hội 13. Nội dung làm việc đầu tiên: Trung ương giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Ảnh tại lễ khai mạc Hội nghị TW 14. Từ trái qua: Vượng, Phúc, 
Trọng, Ngân. Nguồng: Báo CP

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị, thông báo, tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương về kết quả việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, cũng như dự thảo quy chế bầu cử, quy chế làm việc tại Đại hội XIII và một số vấn đề quan trọng khác.

VTV có clip: TBT CTN Nguyễn Phú Trọng Giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

 TBT CTN Nguyễn Phú Trọng Giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Vừa mở màn hội nghị, ông Trọng đã “phủ đầu” những phe nhóm không chung đường bằng bài giáo huấn: Giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII: Cân nhắc đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia-dân tộc lên trên hết, báo Công Lý đưa tin.

Qua đó có thể thấy, người đứng đầu đảng và nhà nước đặt lợi ích của đảng CSVN cao hơn lợi ích của quốc gia – dân tộc. Trường hợp lợi ích của quốc gia – dân tộc mâu thuẫn với lợi ích của đảng CSVN, đảng viên không có lựa chọn nào khác hơn là bỏ qua lợi ích của quốc gia – dân tộc, quyết bảo vệ lợi ích của đảng.

Liên quan đến vấn đề chọn nhân sự, báo Thanh Niên có bài: Khai mạc Hội nghị T.Ư 14, xem xét trường hợp đặc biệt T.Ư khóa XIII.  Về chuyện bỏ phiếu chọn nhân sự, ông Trọng cho biết, “kết quả bỏ phiếu rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị”.

Ông Lê Quang Vĩnh, Trợ lý Thường trực Ban Bí thư, tiết lộ, Hội nghị TƯ 13 đã giới thiệu 119 nhân sự tái cử, nhưng kết quả bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự lúc đó vẫn chưa được công bố, hội nghị này mới công bố.

VietNamNet có bài: Trung ương cho ý kiến Quy chế bầu cử, thông qua dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII. Ông Trọng thông báo, “các cơ quan chức năng của Trung ương đã tập hợp, tổng hợp, phân loại các ý kiến đóng góp từ hơn 1400 trang của đại hội đảng bộ các cấp, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, nhân dân và xây dựng thành Báo cáo tổng hợp chung với gần 200 trang” để chuẩn bị cho Đại hội 13.

Báo Tiền Phong có bài phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hà, cựu Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức TƯ về một số trường hợp “đặc biệt”, dù “đã quá tuổi tái cử so với quy định” nhưng vẫn tiếp tục bám ghế: ‘Trường hợp đặc biệt’ là những người có uy tín, năng lực cao.

Bài viết lộ rõ ý đồ PR cho ông già “một đít 2 ghế”, sức khỏe suy giảm, nhưng vẫn muốn bám chặt ghế. Ông Hà nói: “Chưa có nhiệm kỳ nào mà chúng ta gặt hái được nhiều thành công như nhiệm kỳ này, từ kinh tế, xã hội cho đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng… Tạo ra những thành tựu nổi bật đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu Đảng, mà ở đây là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Có thể nói Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có sự tín nhiệm rất cao trong Đảng và trong nhân dân. Từ vai trò của người đứng đầu của Đảng nên trong Ban Chấp hành T.Ư mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư có sự đoàn kết thống nhất rất cao, có sự vững mạnh hơn, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân. Điều đó cho thấy, việc xem xét, lựa chọn các ‘trường hợp đặc biệt’ tái cử là cần thiết“.

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà phân tích về tình hình cuộc cạnh tranh suất vào “tứ trụ”: Cơ hội đặc biệt hiện đang chia đều cho ba người!  Đó là mấy người đang tạo nên tình thế “cuộc đua tam mã”, gồm Thường trực Ban Bí thư BCH TƯ Trần Quốc Vượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Khả năng ông Vượng không quá mạnh nhưng được ông Trọng đỡ đầu, nên ông Vượng tạm thời có thể tham gia cuộc đua với 2 người kia.

Tâm điểm cuộc chiến quyền lực Đại hội 13 sẽ là cuộc đua 
tranh chức Tổng Bí thư của 3 nhân vật này. Ảnh: FB Lê Nguyễn 
Hương Trà

Facebooker Nguyễn Thùy Dương đặt câu hỏi: Ai sẽ là tân Tổng Bí thư? Bài viết dựa trên phân tích của bà Trà, cho rằng ông Vượng, ông Phúc và bà Ngân sẽ là 3 ứng cử viên tiềm năng nhất cho cái ghế Tổng Bí thư. Cô Dương cho rằng trong số 3 người này ai cũng có thuận lợi và bất lợi.

Tác giả lưu ý, dù ai thay ông Trọng làm Tổng Bí thư thì “nợ công Việt Nam đang rất cao, huy động trái phiếu nhiều, đồng vốn được huy động từ trái phiếu đầu tư kém hiệu quả gây ra sự trượt giá của đồng tiền. Các dự án mọc lên liên tục, căn hộ được sàn trên bán ảo cho sàn dưới tiềm ẩn nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản”.

_____

Mời đọc thêm: Tổng Bí thư chủ trì Hội nghị lần thứ 14 BCH TW Đảng khóa XII (TTXVN). – Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 14 (TNMT). – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (VTV).

– Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương 14 (VNN). – Trung ương giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII (GT). – Trung ương sẽ giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị khóa mới (VNE). – Chùm ảnh khai mạc trọng thể Hội nghị Trung ương 14 (TT). – Chùm ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Trung ương 14 (PLTP).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét