Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

20201220. BÀN VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ THANH KIẾM THẦN TRIỂN KHAI
ĐINH DUY HÒA/ VNN 15-12-2020

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ đã đến hồi kết. 

Các cơ quan nhà nước có liên quan sẽ tổng kết việc thực hiện Chương trình và định ra những việc cần làm tiếp thời gian tới.

Một trong những vấn đề lớn được quan tâm sẽ là chỉ rõ những cái được nhất, và những cái không được nhất qua 10 năm cải cách hành chính (CCHC) ở ta là gì. Câu hỏi chắc không dễ trả lời.

Không tính quá trình, chỉ xem kết quả  

Cách đây hơn chục năm, đa phần các chính phủ EU đều nói làm CCHC rất mạnh, đơn giản nhiều quy định, thủ tục hành chính (TTHC), mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nghe vậy, các doanh nghiệp bèn chất vấn chính phủ cho xem các lợi ích mà cải cách mang lại cho doanh nghiệp là gì, có thể cân đong đo đếm được không và quy ra đồng tiền bát gạo thì cuối cùng là bao nhiêu?

Cải cách hành chính và thanh kiếm thần triển khai
Gần 100% hồ sơ được trả kết quả trước và đúng hạn tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh An Giang trong 6 tháng đầu năm nay. Ảnh: Công Mạo

Lúc đó, nhiều nước EU mới giật mình và buộc phải đi đến giải pháp tính chi phí tuân thủ TTHC khi doanh nghiệp có việc đến cơ quan hành chính giải quyết. Tính ra rồi thì một khi cải cách TTHC ở việc này việc kia của doanh nghiệp lập tức nhẩm ngay ra được tiền bạc họ tiết kiệm được nhờ các biện pháp cải cách đó mang lại. Lúc đó mới có thể nói cải cách đã thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Như vậy, kết quả, tác động mà CCHC mang lại phải tìm và lượng hóa ra nơi người dân, doanh nghiệp. Phương châm có tính quyết định ở đây chính là Không tính quá trình, chỉ xem kết quả. Dân, doanh nghiệp không quan tâm nhiều tới quá trình triển khai CCHC, giảm bớt bộ này, thêm bộ kia, sửa luật này, luật kia, bộ phận một cửa được trang bị hiện đại hơn... Cái được quan tâm nhất chính là kết quả, tác động của CCHC tới họ.

Ra xã, phường làm chứng thực cái bằng đại học, hộ khẩu, giấy khai sinh đã thuận tiện hơn nhiều so với trước đây nhờ thời gian đi lại giảm, giấy tờ bớt đi và nhất là nhờ bộ phận một cửa.

Có một số việc người dân, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp đến cơ quan hành chính nhờ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Công chức tiếp dân cũng đã thay đổi lớn từ thái độ, lời nói đến hành vi. Sự cởi mở, thân thiện của chính quyền với doanh nghiệp đã phần nào được tạo lập. Nhiều vị lãnh đạo chính quyền đã ý thức được chính doanh nghiệp mới là động lực quyết định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các quyết sách của Chính phủ về cơ bản được giới doanh nghiệp hoan nghênh...

Nếu được phép chuyển cái cân đong đo đếm được này thành cái định tính khái quát hơn thì có thể nói thông qua CCHC, bước đầu đã tạo lập được cơ sở cho bước chuyển của nền hành chính thực sự sang phục vụ.

Nhân tài thì ít, giả tài thì nhiều trong công vụ 

Đấy là cái được nhất của CCHC 10 năm qua, còn cái không được nhất là gì, là ở tổ chức bộ máy, ở thủ tục hành chính hay cải cách thể chế... Còn cần xem xét thêm một cách kỹ lưỡng, nhưng có thể số đông sẽ cho rằng cái không được nhất, yếu kém nhất chính là ở cải cách đội ngũ.

10 năm cải cách nhưng nhìn tổng thể thì năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) vẫn không đáp ứng yêu cầu.

Rất nhiều biện pháp mang tính cải cách đã được triển khai như định ra tiêu chuẩn CBCCVC, xác định vị trí việc làm, thi công chức, thi nâng ngạch, chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng...

Đặc biệt phải kể đến những kết quả to lớn, mang lại những tác động đáng kể trong xây dựng và phát triển đội ngũ thông qua việc xem xét, xử lý hàng loạt vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong 3, 4 năm trở lại đây. Chưa có bao giờ cán bộ, công chức lãnh đạo, kể cả lãnh đạo ở cương vị Bộ trưởng, Phó Thủ tướng bị xử lý hành chính, bị xử lý hình sự nhiều như mấy năm vừa qua.

Nhưng dường như vẫn chưa đủ hoặc nói cách khác là chưa bắt đúng mạch để tạo sự chuyển biến thực sự trong đội ngũ. Bộ phận CBCCVC không đủ năng lực, trình độ để làm việc, nhưng vẫn tiếp tục kiên trì trụ lại trong bộ máy và bộ phận thoái hóa, biến chất, tham nhũng có vẻ vẫn gia tăng là những minh chứng rõ nét cho kết quả yếu kém nhất trong cải cách thời gian qua.

Nguyên nhân một phần cơ bản lại nằm ở những câu chuyện dang dở, không dứt khoát trong triển khai kiểu như thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý; xơ cứng trong định tiêu chuẩn CCVC; xác định vị trí việc làm không thực chất; đánh giá, phân loại CCVC chỉ cần đạt trên 70% nhiệm vụ được giao đã coi là hoàn thành nhiệm vụ; nhân tài thì ít, giả tài thì nhiều trong công vụ.

Thể chế quản lý đội ngũ chưa ngon lành, ra rồi triển khai cầm chừng cộng với lợi ích nhóm, tham nhũng đã là mảnh đất tốt ươm mầm, nảy nở vô vàn cây cỏ độc hại mà ngay một lúc khó diệt trừ.

Ước có tư lệnh vác thượng phương bảo kiếm đi muôn nơi   

Thấy được cái được và cái kém nhất trong cải cách chính là để xem mươi năm tới nên thế nào để hành chính thực sự là phục vụ. Mỗi hoạt động lớn hay nhỏ của chính quyền từ cấp trung ương cho đến cấp cơ sở đều cần phải được soi rọi dưới con mắt vì ai, mang lại lợi ích cho ai.

Cải cách hành chính và thanh kiếm thần triển khai
Vỉa hè Hà Nội được 'thay áo' bằng gạch bê tông vân đá, tháng 4/2019. Ảnh: CAND

Chỉnh trang đô thị, làm cho thành phố đẹp hơn bằng cây xanh, cỏ đẹp, hè phố gọn gàng, sạch sẽ... Quá tốt, nhưng hãy xem cứ loanh quanh vài năm vỉa hè Hà Nội lại được cậy lên, lát lại thì sao nhỉ. Mà việc đó có liên quan tới CCHC không mà đưa ra xem cơ chứ! Quá liên quan, vì đó chính là biểu hiện trực tiếp của năng lực quản lý của chính quyền, là câu chuyện lát lại vỉa hè vì ai. Chỉ ao ước, chí ít không được như các nước cỡ 20, 30 năm thì mình độ 10 năm mới lại lát lại vỉa hè là đã quá tốt rồi.

Rồi mới đây lại nghe tin Thanh tra Bộ Xây dựng vào TP.HCM xem câu chuyện các dự án xây chung cư, biệt thự quá dày đặc, ví dụ như đoạn đường Nguyễn Văn Cảnh dài độ hơn 3km thì tính trung bình cứ khoảng 500m có một dự án xây dựng.

Nếu thế khỏi phải đi xa như vậy, cứ đến ngay đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Tuân ở Hà Nội là rõ ngay. Kiểu quản lý của ta là ông cấp phép xây dựng nhà cứ cấp phép, còn chuyện giao thông đi lại, trường học, bệnh viện... là việc của ông khác. Ai làm việc đó, rất đúng nguyên tắc quản lý. Sau đó kẹt xe ư, đã có ông giao thông lo, cháy nổ nguy cơ cao ư, đã có ông chữa cháy lo... Tính đồng bộ, phối hợp trong làm việc của các cơ quan ngay dưới cái mái nhà chung là UBND TP hầu như không có.

Rồi đến trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thủ tướng có hô hào, chỉ đạo CCHC quyết liệt đến đâu mà bên dưới không chuyển thì cũng coi bằng không. Hôm rồi ghé thăm người quen đang chữa bệnh tại bệnh viện (BV) ngành công an tại thủ đô mới thấm thía một cách “đơn sơ” tác động của CCHC.

Người quen tôi kể từ vài năm nay ông khám, chữa bệnh tại BV này vì bản thân là người của ngành. Mỗi lần đến BV lại phải làm thủ tục ban đầu giống hệt nhau với đủ loại giấy tờ.

Cũng trong khoảng thời gian đó, ông phải đến BV 108 rất nhiều lần. Duy nhất lần đầu là thủ tục đòi hỏi các loại giấy tờ có liên quan, còn từ lần thứ 2 trở đi là hết sức đơn giản vì dữ liệu đã được lưu và quản lý trên máy của BV rồi. Kết luận của ông là không thể hiểu vì sao cùng là BV nhưng một bên cải cách, một bên không mà cũng chẳng sao cả.

Nói chuyện CCHC kiểu này chắc còn nói dài dài được. Vào bộ này bộ kia ở Trung ương, vào sở này sở kia ở địa phương chắc còn khối chuyện để bàn. Điều quan trọng là 10 năm tới làm CCHC thực chất hơn, lấy kết quả phục vụ dân, doanh nghiệp, xã hội làm thước đo căn bản, hết sức tránh hình thức, khẩu hiệu hoa mỹ trong triển khai.

Giá như có một vị tư lệnh nhiệt huyết giúp Thủ tướng vác thanh thượng phương bảo kiếm đi khắp muôn nơi, vào đâu cũng được để săm soi, đốc thúc và trảm ngay tại chỗ những chức sắc, những công chức trong bộ máy đang cố tình cản trở công cuộc CCHC. Nếu vậy, chí ít câu chuyện cải cách cũng tươi ngon hơn chút đỉnh.


Đinh Duy Hòa


CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH: NHÂN SỰ LÀ CỐT LÕI

ĐỖ THANH HUYỀN /VNN 17-12-2020
Một chu kỳ cải cách hành chính nhà nước nữa sắp qua. Năm 2020 là thời điểm đánh giá lại kết quả của quá trình thực hiện Chương trình tổng thể giai đoạn 2011-2020 và định hướng cho thập niên tới.  

Cải cách hành chính (CCHC) là một tiến trình có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Trong thập niên vừa qua, có rất nhiều hệ thống theo dõi và giám sát hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở Trung ương và địa phương được thực hiện bởi các tổ chức, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, góp phần tạo cú hích cải thiện hiệu quả công vụ.

Nỗ lực tăng hạng

Hình 1 dưới đây cho thấy có sự biến đổi từ không có tới có khá nhiều thước đo giúp bộ máy chính quyền các cấp nhìn lại chính mình qua thời gian.

Có thể kể tên các chỉ số đang góp phần thúc đẩy thay đổi quản trị và cung ứng dịch vụ công ở địa phương như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của UNDP và tổ chức đối tác tại Việt Nam… 

Cải cách hành chính: Nhân sự là cốt lõi
Từ không đến có: Mốc thời gian ra đời các bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công vụ ở Việt Nam

Bên cạnh đó, nhiều bộ chỉ số quốc tế đang góp phần thúc đẩy đổi mới ở Việt Nam, và Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để tăng hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Những chỉ số như chỉ số chính quyền điện tử của LHQ, chỉ số phát triển con người của UNDP,  xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới… đang được Việt Nam định kỳ theo dõi.   

Trước yêu cầu tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và nhiệm vụ hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Chương trình CCHC nhà nước, bộ máy hành chính, nhất là chính quyền cấp cơ sở, chịu sức ép ngày một lớn. Trong khi đó, yếu tố then chốt của bộ máy là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách liêm chính, chuyên nghiệp, tổ chức nhân sự công vụ cần được thực hiện một cách khoa học, nhân sự cần được tuyển dụng dựa trên năng lực thực tế, có biên bản giao việc và được đánh giá nhiều chiều, kiểm tra công vụ cần được thực hiện công tâm. 

Cải cách hành chính: Nhân sự là cốt lõi
Một số chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền hiện nay

Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của nhiều cán bộ, công chức không phải chỉ ở một số nhỏ, mà còn khá phổ biến nếu nhìn nhận từ số liệu thống kê từ các chỉ số PCI, PAPI và PACA. Tình trạng nhiều cửa, khâu trung gian vẫn tồn tại trên thực tế. Theo chỉ số PAPI, trong đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng, điểm người dân đánh giá thấp nhất là công bằng trong tuyển dụng vào khu vực nhà nước.

Chưa có KPI hiệu quả công vụ

Cũng theo phát hiện từ khảo sát công dân PAPI, vị trí phải dựa nhiều nhất vào mối quan hệ thân hữu mới vào được ở chính quyền cấp xã là công chức địa chính. Các vị trí công chức tư pháp, giáo viên trường tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã, phường, thị trấn cũng cũng mang nặng yếu tố vị thân.

Trong bối cảnh đó, lời hứa xây dựng đội ngũ công chức có tâm huyết, có “thực tài” trong 20 năm qua có lẽ vẫn chỉ là một trong nhiều đề án được đóng khung trong Chương trình CCHC.  

Bên cạnh đó, hiệu quả kiểm tra công vụ dường như còn rất hình thức. Quy định về thanh tra, kiểm tra công vụ chưa tạo điều kiện cho hoạt động thanh, kiểm tra đột xuất. Nếu chỉ tổ chức thanh tra định kỳ, các cơ quan, đơn vị có tâm lý chuẩn bị kỹ lưỡng, và như vậy khó có thể đánh giá chuẩn xác hiệu quả hoạt động công vụ thường nhật của đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong khi đó, việc thực hiện vị trí việc làm và áp dụng biên bản giao việc cho cán bộ, công chức theo luật định vẫn bị đình đốn sau một số thí điểm ở một số bộ, ngành và địa phương mà chưa rõ nguyên nhân.

Cải cách hành chính: Nhân sự là cốt lõi

Có lẽ vì vậy, đến nay vẫn chưa có hệ thống theo dõi và đánh giá (KPI) hiệu quả công vụ của đội ngũ công chức ở từng cấp, từng ngành. Hệ thống công vụ dường như bị bỏ lại rất xa so với khu vực tư nhân trong áp dụng các giải pháp quản lý nhân sự hiệu quả. 

Không nên tinh giản biên chế cấp xã

Với dân số hơn 96 triệu người, gắn với chính quyền cấp xã, phường, thị trấn, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đang chịu nhiều áp lực phục vụ nhân dân, song chưa được quan tâm đúng mức. Không phải vì trình độ nhận thức của công chức cấp này thấp, mà chủ yếu là do họ không được cung cấp thông tin kịp thời, chưa được tập huấn bài bản để triển khai các chính sách, thi hành pháp luật ở cơ sở.

Rất nhiều chỉ đạo, điều hành của cấp tỉnh, thành phố về nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm cải thiện các chỉ số không đến tay họ. Ví dụ, trong đợt chia sẻ kết quả PAPI với hơn 700 công chức là chủ tịch, phó chủ tịch xã/phường/thị trấn ở TP.HCM, tôi có hỏi họ ai biết đến chỉ số PAR-Index, chỉ có dưới 5 người giơ tay nói họ biết đến chỉ số này. Chỉ 1 công chức biết đến chỉ số SIPAS. Không ai trong số họ biết đến các chỉ số ngành như PACA của Thanh tra Chính phủ.

Cũng cần xem xét lại việc tinh giản biên chế hiện nay. Tinh giản biên chế chủ yếu được thực hiện ở cấp cơ sở, nơi cần thêm biên chế, nhất là những nơi đông dân cư như các địa phương tiếp nhận dòng di cư như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Về giải pháp, cần đưa yêu cầu địa phương hóa nhu cầu biên chế công vụ nhằm tránh tình trạng nơi cần thì thiếu, tránh dàn đều biên chế cấp xã, thay vào đó là tổ chức biên chế theo điều kiện của từng địa bàn xã, phường, thị trấn theo quy mô dân số và điều kiện địa lý. Cần phân tách chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn để đảm bảo phân bổ nguồn lực con người và ngân sách hợp lý hơn theo điều kiện từng địa phương. 

Yêu cầu tinh giản cần tập trung vào cấp trung gian (huyện, quận) và cấp tỉnh, thành. Không nên tinh giản ở cấp xã bởi cấp này phải xử lý nhiều công việc liên quan tới công dân.

Trên thực tế, nhân sự công vụ cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh chưa thể hiện được vai trò thúc đẩy, mà mới chỉ dừng ở vai trò người truyền tin (trừ một số phòng, ban chuyên môn như địa chính, xây dựng). Nhiều chỉ đạo, điều hành từ cấp Trung ương và tỉnh dừng lại ở huyện, quận về mặt chủ trương. Nhiều vấn đề cần địa phương hóa nhưng văn bản chỉ đạo đến cấp xã, phường giống hệt văn bản của tỉnh, thành phố chuyển về.

Đỗ Thanh Huyền (Chuyên gia phân tích chính sách công, UNDP Việt Nam) 

Không có nhận xét nào: