Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

20201212. QUANH VỤ BIỂU TÌNH CỦA CÁC TÀI XẾ GRAB BIKE

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TỔNG CỤC THUẾ THÔNG TIN VỀ TRÁCH NHIỆM KÊ KHAI, NỘP THUẾ CỦA GRAB
HOÀNG THẮNG/ TBKTSG 9-12-2020

(TBKTSG Online) - Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng và tài xế, theo Tổng cục Thuế.

Tài xế “rầu” vì mức chiết khấu mới, Grab nói gì?

Nhiều tài xế Grab tập trung trên phố Kim Mã, Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Thông tin từ Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế khẳng định quy định tại Nghị định 126/2020 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế và làm tăng giá cước vận tải, do mức thuế giá trị gia tăng 10% áp dụng với dịch vụ vận tải không thay đổi.

Cụ thể, các tổ chức kinh doanh có hợp tác với cá nhân sẽ phải kê khai thuế giá trị gia tăng và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu, theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức.

Như vậy, các tài xế công nghệ có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm chỉ phải đóng khoản thuế thu nhập cá nhân với mức 1,5% tính trên tổng doanh thu. Còn Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng và tài xế.“Tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế, không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân”, cơ quan thuế cho biết.

“Grab cho rằng do tác động của Nghị định 126/2020 dẫn tới phải điều chỉnh tăng giá cước từ 8% đến 18% với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng”, cơ quan thuế cho biết.

Cũng theo cơ quan thuế, Grab được xác định là đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải do giữ vai trò quyết định về giá cước, chính sách với khách hàng. Ngoài ra, đơn vị này chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng.

Vì vậy, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực, bao gồm nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp, nếu có.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng khẳng định các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải công nghệ sẽ chịu trách nhiệm thực hiện việc kê khai thuế giá trị gia tăng tính trên tổng doanh thu thu được theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức, do các cá nhân phải hợp tác với tổ chức chứ không được tự kinh doanh.

Còn Công ty TNHH Grab cho rằng các tài xế chỉ đạt được mức doanh thu là 70.800 đồng với mỗi chuyến xe có cước phí 100.000 đồng từ ngày 5-12, khi quy định tại Nghị định 126/2020 có hiệu lực. Trước đó, tài xế sẽ ghi nhận mức doanh thu là 76.400 đồng sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối, cao hơn khoảng 7,3% so với mức doanh thu hiện tại.

Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân cho biết Nghị định 126/2020 là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng.

“Chính sách thuế giá trị gia tăng với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng mức thuế suất là 10% như từ trước đến nay”, cơ quan thuế cho biết.


TÀI XẾ 'RẦU' VÌ MỨC CHIẾT KHẤU MỚI, GRAB NÓI GÌ?
CHÁNH TRUNG/ TBKTSG 8-12-2020

(TBKTSG Online) - Ngày 8-12 sau Hà Nội, TPHCM thì đến lượt các tài xế tại Đà Nẵng cũng tập trung lại để đưa ra ý kiến không đồng tình với mức chiết khấu mới của Grab. Trong khi đó tại TPHCM nhiều tài xế cũng đến tòa nhà nơi đặt văn phòng của Grab (quận 7) để tiếp tục phản ứng và yêu cầu gặp đại diện Grab.

Tài xế Grab tắt App, phản ứng chính sách khấu trừ mới

Những tài xế xe ôm công nghệ của hãng cho biết trong giai đoạn khó khăn chung vì dịch bệnh này, mức khấu trừ mới của Grab đã ít nhiều làm giảm thu nhập và gián tiếp ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Theo thông tin TBKTSG Online ghi nhận được, tại Hà Nội, các tài xế tập trung không đông như ngày 7-12 nhưng cũng có không ít các tài xế tiếp tục tắt App và chạy xe thành từng nhóm nhỏ đến nhiều nơi để bày tỏ sự phản ứng. Ghi nhận trong ngày 8-12 các tài xế ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng vẫn tiếp tục tắt App để phản ứng với Grab. Tại nhóm cộng đồng tài xế Grab trên mạng xã hội Facebook, các tài xế vẫn tiếp tục kêu gọi tắt App và tiếp tục di chuyển đến nhiều nơi để phản ứng với mức chiếc khấu mới.

Tài xế Grab than phiền về mức chiết khấu mới. Một số tài xế vẫn tiếp tục tắt App phản đối mức chiết khấu mới này của Grab. Ảnh: Chánh Trung

Những ngày qua vụ việc Grab đưa ra mức khấu trừ mới đã làm giới tài xế chạy xe ôm công nghệ xôn xao vì ảnh hưởng trực tiếp đến “miếng cơm manh áo” của họ. Với mức chiết khấu mới của Grab, tài xế lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như nghề nghiệp lâu dài.

Sáng ngày 8-12 tại góc đường Lê Duẩn – Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) hàng chục tài xế xe ôm công nghệ Grab vẫn vội vã vào ra đón trả khách, giao hàng cho nhân viên các tòa nhà văn phòng tại đây. Góc đường này hằng ngày có hàng trăm tài xế Grab thường xuyên đón trả khách, giao hàng. Nhiều người vừa tranh thủ chờ đón trả khách ăn vội hộp xôi, ổ bánh mì, uống ly cà phê.

Anh Hoàng Sơn, một tài xế Grab chia sẻ: “Tôi trước đây vốn là tài xế chạy GrabCar tuy nhiên doanh thu không đủ để trả tiền thuê xe nên tôi chuyển sang chạy GrabBike từ năm ngoái. Mấy ngày nay anh em chạy Grab ai cũng bức xúc vì mức chiết khấu mới này của Grab. Một cuốc giá 100.000 đồng trước đây anh xem lái xe lấy được 80.000 đồng sau khi trừ chiết khấu cho Grab. Còn từ ngày 5-12 này 1 cuốc 100.000 đồng chúng tôi chỉ còn nhận được 72.000 đồng".

Theo lời người tài xế này, anh đã hỏi thăm các đồng nghiệp và được biết mới chỉ có Grab tăng tỷ lệ chiết khấu chứ các hãng Be, Gojek không làm điều này. Anh kể mỗi ngày kiếm được 400.000-500.000 đồng chưa trừ 20% chiết khấu, sau khi trừ đi thì khoản tiền thu được là 320.000-400.000 đồng. Nay với mức chiết khấu mới mỗi ngày chỉ còn kiếm được khoảng 288.000-360.000 đồng. "Tăng chiết khấu vào thời điểm này tôi và anh em thấy không hợp lý chút nào vì đây là khoảng thời gia khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khách hàng cũng hạn chế đi lại. Nhiều người thất nghiệp ra chạy Grab ngày càng nhiều, tài xế phải cạnh tranh nhau,...thu nhập lại giảm chắc chỉ có nước nghỉ hoặc chuyển nghề”.

Nhiều tài xế Grab khác cũng cho biết mức chiết khấu mới sẽ làm giảm thu nhập của tài xế, và trong tình hình kinh tế bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì chắc chắn các tài xế sẽ thêm phần khó khăn trong thời gian sắp tới.

Mời xem thêm: Các tài xế tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng tiếp tục đến trụ sở của Grab và một số địa điểm để bày tỏ quan điểm không đồng tình với mức chiết khấu mới của hãng.


Trước đó, ngay khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, Grab ngay lập tức điều chỉnh tăng chiết khấu với tài xế và tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc. Theo đó Grab công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc cũng điều chỉnh tăng. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ các đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi, Grab cho biết.

Với quy định này, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác. Grab cho biết, tỷ lệ phân chia không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%). Mức thuế Thu nhập cá nhân cũng được giữ nguyên là 1,5%.

Bức xúc trước việc tăng mức khấu trừ này sáng ngày 7-12, hàng trăm tài xế Grab tại Hà Nội và TPHCM đã đồng loạt tắt ứng dụng, tập trung tại các trụ sở Grab và nhiều địa điểm khác nhau để phản ứng với chính sách khấu trừ mới của Grab.

Theo các tài xế xe công nghệ hiện nay mỗi ngày các tài xế phải chạy hơn 10 tiếng hoặc hơn mới đủ sống. Nếu áp dụng mức chiết khấu mới thì tài xế mỗi ngày phải chạy nhiều hơn số cuốc mà số tiền đem về còn bị giảm hơn so với trước đây. Bên cạnh đó Grab còn tăng giá các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood… cũng sẽ khiến người dùng e ngại sử dụng các dịch vụ và dĩ nhiên các tài xế sẽ gặp khó khăn.

Grab trả lời về việc tăng chiết khấu với các tài xế

Trả lời với TBKTSG Online ngày 8-12, Grab cho biết, theo quy định trên của Nghị định 126/2020 NĐ-CP (NĐ 126) thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế. Do đó, nhằm mục đích tuân thủ quy định này, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Cũng theo Nghị định 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế. Vì vậy, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của NĐ 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Trước và ngay sau khi NĐ 126 ban hành, Grab đã tích cực chủ động tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này và  đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan, đại diện doanh nghiệp này cho ha


GRAB 'PHÂN TRẦN' SAU CUỘC HỌP VỚI TỔNG CỤC THUẾ
CHÁNH TRUNG/ TBKTSG 10-12-2020

(TBKTSG Online) - Thông tin từ các tài xế xe công nghệ Grab cho biết phía Grab sẽ gặp gỡ trực tiếp với đại diện các tài xế xe công nghệ tại Hà Nội và TPHCM trong ngày hôm nay, 10-12. Phía Grab cũng cho biết “thất vọng” sau buổi làm việc chiều ngày 9-12 với đại diện Tổng Cục thuế tại Hà Nội liên quan đến Nghị định 126/2020-NĐ-CP (NĐ 126).

Tổng cục Thuế thông tin về trách nhiệm kê khai, nộp thuế của Grab

Tối muộn ngày 9-12, phía Grab đã có thông tin phản hồi sau cuộc gặp gỡ với đại diện Tổng Cục thuế tại Hà Nội. Theo đó Grab cho biết: “Chúng tôi hết sức thất vọng bởi kết quả làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào vì Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế Giá trị gia tăng (GTGT). Chúng tôi rất bức xúc về yêu cầu của Tổng cục Thuế muốn tăng mức thu thuế đối với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%, dù biết rằng các đối tác tài xế này không có khả năng khấu trừ GTGT đầu vào, nhưng Tổng cục Thuế không có sự giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán. Cụ thể, Tổng cục Thuế hôm nay tự khẳng định rằng tài xế xe ôm công nghệ là người lao động của Grab và không phải chịu thuế GTGT cho khoản doanh thu của mình".

Tài xế xe công nghệ Grab đang đón trả khách tại ngã tự Hai Bà Trưng - Lê Duẩn, quận 1, TPHCM. Ảnh: Chánh Trung.

Đại diện Grab cho biết: "Tuy nhiên, trước đây, theo Công văn 384/TCT-TNCN ngày 8-2-2017, Tổng cục Thuế đã hướng dẫn rằng khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho hai chủ thể: phần doanh thu của Grab phải chịu thuế GTGT 10%; còn phần doanh thu của đối tác tài xế xe hai bánh phải chịu mức thuế 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh. Văn bản này của Tổng cục Thuế đã phân loại tài xế xe hai bánh là cá nhân kinh doanh và là Người nộp thuế theo Điều 4 Luật Thuế GTGT. Chúng tôi cũng hiểu rằng hiện nay, Tổng cục Thuế muốn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách từ các cá nhân kinh doanh có hợp tác kinh doanh với tổ chức. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong điểm c khoản 5 Điều 7 NĐ 126. Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo mức chung của tổ chức là 10%"."Chúng tôi cũng hiểu rằng Nghị định 126 nói trên chỉ điều chỉnh thủ tục và phương pháp kê khai, nộp thuế. Còn việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế GTGT thì phải căn cứ vào Luật thuế GTGT. Do đó, chúng tôi rất quan ngại rằng cách giải thích của Tổng cục Thuế về việc công ty Grab phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là Người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế là không phù hợp với Luật thuế GTGT. Grab đã tích cực đóng góp ý kiến cho dự thảo văn bản ngay từ tháng 5/2020 và tiếp tục gửi công văn đề nghị hướng dẫn một số điểm của NĐ 126, với mong muốn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho đối tác tài xế và người dùng. Nhưng cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được hướng dẫn nào từ cơ quan thuế", đại diện Grab giải thích.

Mặc dù vậy, vị đại diện này cũng cho biết thêm, Grab vẫn sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ NĐ 126, Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các công văn hướng dẫn của cơ quan thuế. "Chúng tôi rất mong Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc và xem xét lại để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và đối tác tài xế của chúng tôi”.

Trước đó, ngay khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-12, Grab ngay lập tức điều chỉnh tăng chiết khấu với tài xế và tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc.

Theo đó, Grab công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc cũng điều chỉnh tăng. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ các đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi", Grab cho biết.

Với quy định này, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác. Còn tỷ lệ phân chia với tài xế không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%). Mức thuế Thu nhập cá nhân cũng được giữ nguyên là 1,5%. Grab cho biết, sẽ áp dụng chính sách này từ 11 giờ sáng ngày 5-12. Kể từ thời điểm này, thuế VAT 10% và thuế TNCN 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng, trên mỗi chuyến xe.

Như vậy, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi, nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%, tùy từng đối tác.

Grab cũng đồng thời sẽ tăng giá các dịch vụ GrabCar kể từ trưa ngày 5-12. Tương tự, các dịch vụ xe hai bánh của Grab gồm GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood cũng đã được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 12. Lý giải việc tăng giá, Grab cho biết là để: “đảm bảo thu nhập cho đối tác GrabCar sau khi Nghị định 126 đi vào hiệu lực”.

Sẽ đối thoại trực tiếp với tài xế

Qua trao đổi, đại diện một số đại diện tại TPHCM cho biết Grab sẽ gặp gỡ đối thoại trực tiếp với các tài xế xe công nghệ trong buổi sáng và chiều ngày 10-12, tại Hà Nội và cả TPHCM. Tại các buổi gặp gỡ này, đại diện các tài xế xe công nghệ Grab sẽ trao đổi các vấn đề bức xúc của tài xế với đại diện hãng về vụ việc tăng mức chiết khấu áp dụng từ đầu tháng 12 này.

Những ngày qua vụ việc Grab thay đổi chính sách đột ngột đã khiến nhiều tài xế bức xúc và phản ứng bằng cách tắt ứng dụng và tập trung ở nhiều địa điểm khác nhau ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, từ ngày 7-12 và kéo dài liên tiếp các ngày sau đó. Các tài xế xe công nghệ cho biết: “hiện nay Grab trừ 20% của mỗi cuốc xe. Sau đó lại trừ tiếp 10% VAT số tiền tài xế được hưởng. Như vậy nếu tài xế GrabBike chạy cuốc xe 50.000 đồng chẳng hạn sẽ mất 10.000 đồng tiền phí cho công ty. Trong 40.000 đồng còn lại, bị trừ tiếp 10% VAT (là 4.000 đồng) nữa. Và như vậy các tài xế chỉ còn 36.000 đồng để mang về. Trong khi trước đó tài xế chỉ phải đóng chiếc khấu 20% cho Grab, tương đương số tiền là 40.000 đồng mà tài xế mang về”. Nhiều tài xế Grab khác cũng cho biết mức chiết khấu mới sẽ làm giảm thu nhập của tài xế và trong tình hình kinh tế bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các tài xế rất nhiều trong tương lai.

GRAB VÀ BÍ ẨN CỔ ĐÔNG NGƯỜI VIỆT NẮM 51% VỐN

HÒA KHOA/ NĐT 8-12-2020

nhadautu - grab va bi an co dong nguoi Viet

Nhiều tài xế mặc áo đồng phục Grab tập trung trước văn phòng đại diện Công ty TNHH Grab tại Hà Nội. Ảnh: Linh Trần/Phụ Nữ Việt Nam.

Như báo giới đưa tin, hàng trăm tài xế mặc áo đồng phục Grab vào sáng 7/12 đã tập trung rất đông trước văn phòng đại diện Công ty TNHH Grab tại Hà Nội (Số 1 Tòa nhà Kim ánh, ngõ 78 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tất cả các tài xế này đều tắt ứng dụng, yêu cầu được làm việc với đơn vị chủ quản về việc tăng thuế ảnh hưởng tới thu nhập của họ.

Trước đó, với lý do để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab vừa tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Theo đó, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5/12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng.

Ngoài ra, Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi kilomet (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500 - 1.000 đồng tùy từng thành phố, trong đó 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh.

Trước khi sự việc nói trên xảy ra, Grab là ứng dụng đặt xe công nghệ nhận được đông đảo sự ủng hộ của các tài xế và người dùng. Sau hơn nửa thập niên hình thành và phát triển ở Việt Nam, Grab đã thay đổi hoàn toàn thị trường vận chuyển hành khách chặng ngắn, kéo theo đó là sự gia nhập của loạt tên tuổi lớn như Be (Việt Nam) hay GoViet (Indonesia).

Ngược lại dòng thời gian, Grab âm thầm xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2014 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH GrabTaxi, tiền thân của Công ty TNHH Grab sau này. 8 tháng sau, tức tháng 10/2014, công ty tiếp tục ra mắt dịch vụ GrabBike. Thời điểm đó, ít người nghĩ Grab sẽ có ngày “làm mưa làm gió” tại Việt Nam. Thực tế đã minh chứng điều ngược lại.

Năm 2015, Grab Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép thí điểm hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Một cột mốc đáng chú ý là vào tháng 3/2018, Grab đã thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á - thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Chưa dừng lại ở đó, với tham vọng mở rộng thị phần, Grab vào tháng 8/2019 đã công bố sẽ rót thêm 500 triệu USD vào Việt Nam.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của Grab được thể hiện qua việc doanh thu tăng liên tục qua các năm. Cụ thể, doanh thu năm 2019 Grab (công ty mẹ) đạt 3.382 tỷ đồng, tăng hơn 54,1% so với cùng kỳ, cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2019. Có thể thấy, con số này vượt rất xa so với Be và GoViet.  

nhadautu - GRAB

Do đó, không ngạc nhiên khi báo cáo dữ liệu của ABI Research cho thấy, Grab trong năm 2019 đứng top 1 thị trường với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần; con số này áp đảo hoàn toàn so với Be (16%) và GoViet (10%).

nhadautu - so sanh tinh hinh tai chinh cua GRAB BE VA GOVIET

Ở chiều ngược lại, lỗ thuần của Grab ngày càng lớn. Tính riêng năm 2019, Grab lỗ đến 1.670 tỷ đồng, lỗ tăng 88,7% so với năm 2018, và cũng là con số lỗ lớn nhất của Grab giai đoạn 2016 – 2019.

Dĩ nhiên, nên hiểu đây là câu chuyện chấp nhận lỗ để chiếm lấy thị phần của các ông lớn ứng dụng đặt xe công nghệ. Bởi, một khi đã nắm thị trường trong tay, câu chuyện đơn phương tăng giá cước như trường hợp của Grab là một ví dụ điển hình.

Đặc biệt, ngoài lĩnh vực vận tải, Grab đã mở rộng phát triển lĩnh vực thương mại điện tử với CTCP Dịch vụ Công nghệ Moca (GrabPay by Moca) – doanh nghiệp mà Grab nắm 3,523%. Do đó, ngoài câu chuyện thị phần, tập dữ liệu chi tiết hàng chục triệu người dùng là một trong những tài sản đáng giá nhất của Grab.

Dựa trên nền tảng này, bên cạnh các dịch vụ như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, thanh toán các điểm bán lẻ, Grab đang hướng đến triển khai dịch vụ tài chính với Grab Financial. Cụ thể, các dịch vụ này bao gồm: Cho vay tiêu dùng, tín dụng trả sau - cho phép người dùng sử dụng các sản phẩm khác của công ty như gọi xe, giao đồ ăn, rồi thanh toán tổng số tiền vào cuối tháng (đang được áp dụng tại Singapore, Malaysia); dịch vụ cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ; bảo hiểm;….

Mặt khác, Grab cũng thể hiện tham vọng với lĩnh vực bảo hiểm khi thành lập Công ty TNHH GrabInsure Việt Nam vào ngày 19/9/2019 (thông qua công ty con là Công ty TNHH GPay Network Việt Nam).  

Bí ẩn các cổ đông người Việt tại Grab

Trong quá trình hình thành và phát triển của Grab, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của các cổ đông người Việt.

Công ty TNHH Grab vào năm 2016 có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông khá bất ngờ gồm 3 người Việt, đó là: Ông Nguyễn Tuấn Anh (34%), Nguyễn Phú Sinh (33%) và Trần Anh Đức (33%).

Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh (SN 1982) đóng vai trò quan trọng đặc biệt tại Grab. Ông chính là người mở đường triển khai thành công ứng dụng đặt xe, đặc biệt là GrabBike, GrabTaxi và GrabCar. Mặt khác, ông cũng là người đem đến các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng trên ứng dụng Grab thông qua hợp tác chiến lược với Moca. Tại Grab Việt Nam, ông từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam và Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam.

Kể từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2020, doanh nhân sinh năm 1982 luôn duy trì tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Grab là 51%. Trong khi đó, Grab INC - pháp nhân đến từ Quần đảo Cayman, chỉ nắm 49% vốn.

Như đã biết, ông Tuấn Anh vào ngày 1/2/2020 đã chính thức nghỉ việc ở Grab. Lô 1,02 triệu cổ phần, tức 51% vốn này sau đó đã có chủ mới là bà Lý Thụy Bích Huyền (27/3/2020). Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ngoài vai trò cổ đông, bà Huyền còn giữ là lãnh đạo cấp cao tại Công ty TNHH Grab.

Khá thú vị, bà Huyền cũng tại ngày 27/3/2020 đã đem toàn lô cổ phần nói trên thế chấp tại Công ty TNHH GPay Network Việt Nam; và đến tháng 11/9/2020, bà tiếp tục thế chấp 100% vốn Công Ty TNHH G-Trees cũng vẫn tại GPay Network Việt Nam.

Lưu ý rằng, 100% vốn GPay Network Việt Nam thuộc sở hữu của chính Công ty TNHH Grab. Hay nói cách khác, bà Huyền đã đem 51% vốn Grab thế chấp tại chính công ty con của Grab.

Theo FiinResearch, GPay Network Việt Nam thành lập vào tháng 11/2017, chuyên cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán cho Grab (Việt Nam). Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, công ty không được cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán theo thông tin công khai của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Như đã biết, Grab sau đó đã hợp tác với CTCP Dịch vụ Công nghệ Moca.

Trở lại với cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Grab, nên hiểu rằng cuộc chơi tại doanh nghiệp này vẫn nằm trong tay Grab Holdings Inc (Singapore). Dù vậy, với tỷ lệ vừa đủ ở mức 49%, Công ty TNHH Grab vẫn được coi là một nhà đầu tư trong nước.

Với cách thức này, một số thủ tục của công ty có thể nhanh chóng thuận lợi hơn. Đơn cử, có thể kể đến hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Cụ thể, theo Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài mua dưới 51% tổng vốn của doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh các ngành nghề không có điều kiện chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Còn với trường hợp tỷ lệ nắm giữ trên 51%, các doanh nghiệp phải có hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm: Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với những nội dung, như thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế).

Mặt khác, nếu là một nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có thể bị hạn chế tiếp cận một số ngành nghề hoặc có thể phải thêm một số điều kiện cụ thể nhất định.

Ông Trần Thanh Nam (SN 1975) - cổ đông sáng lập, Giám đốc Moca, đang đứng tên tại Gpay Network Việt Nam, Công ty TNHH GFin Việt Nam (Hoạt động dịch vụ tài chính khác chưa được phân vào đâu, trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội), Công ty TNHH GrabInsure Việt Nam (Hoạt động của đại lý và môi giới bảo hiểm), Công ty TNHH GFinHoldings Việt Nam (Hoạt động tư vấn quản lý), CTCP CFG Holdings Việt Nam (Hoạt động tư vấn quản lý).

5 doanh nghiệp này đều đóng trụ sở tại Tòa nhà Mapletree Business Center, số 1060 Đại lộ Nguyễn Văn, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM.

TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

NGHIỆP ĐOÀN ĐỘC LẬP, NHU CẦU CẤP THIẾT CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

MẠC VĂN TRANG/ TD 10-12-2020

Mấy năm nay trong số các phương tiện giao thông, xuất hiện một phương tiện dịch vụ mới là xe Grab Taxi và GrabBike (Grab xe ôm).

Grab là một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore cung cấp các dịch vụ vận chuyển và đi lại bằng xe hơi tại Singapore và các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia.

Grab có phương thức phục vụ tiện lợi, giá thấp hơn các phương tiện tương tự, nên ngày càng được nhiều người ưa dùng.

Cũng vì vậy tranh chấp thường xuyên đã xảy ra giữa các lái xe Grab và các nhà khai thác taxi địa phương và người lái xe ôm truyền thống. “Cho đến tháng 12 năm 2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã xảy ra khoảng 65 vụ tấn công đối với lái xe GrabBike của các lái xe taxi địa phương. Nhiều vụ bạo lực đã xảy ra giữa hai tay lái Grab và taxi tại hai thành phố lớn của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam với 47 vụ tấn công khác được ghi lại vào năm 2017. Các tài xế GrabCar tại Kuala Lumpur, Malaysia cũng đang phải đối mặt với sự quấy rối từ các lái xe taxi địa phương”… (Grab Wikipedia tiếng Việt).

Vào ngày 7/12/2020 lại xảy ra vụ các tay lái GrabBike tại Hà Nội, và TP Hồ Chí Minh biểu tình, phản đối Grab tăng thuế phí làm giảm thu nhập của tài xế.

Chúng tôi muốn Grab làm rõ khoản thu VAT 10% do khách trả, doanh nghiệp trả hay tài xế phải trả. Đã đóng chiết khấu 20%, giờ đóng thêm các khoản khác lên trên dưới 30%. Còn phải chịu xăng xe này kia thì tài xế còn lại được bao nhiêu?” tài xế Tâm, người chạy GrabBike được 3 năm giải thích.

Cuốc xe 12 ngàn, trừ chia sẻ doanh thu 20%, thuế thu nhập cá nhân 1,5%, trừ phí ứng dụng 1 ngàn, bình thường nhận được 9.600 đồng, nay áp thuế thì chỉ còn hơn 8 ngàn đồng. Hoá ra tài xế phải chịu phí? Đáng lẽ phí VAT khách hàng phải chịu”, ông Tâm giảng giải.

Vấn đề nêu trên có liên quan đến Nghị định mới về thuế của Việt Nam ra sao, cũng gây bức xúc cho các tài xế. Phía chính quyền Việt Nam cho biết: “Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của tài xế Grab và giá cước vận tải”…

Phía quản lý Grab thì nói: Grab chỉ là Công ty công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, không có “quan hệ lao động” với các tài xế grab…

Tình hình trên khiến các tài xế Grab không khỏi bức xúc và hoang mang, lúng túng, không biết hành xử ra sao…

Thực tế đó cho thấy các TÀI XẾ GRAB phải lập ra NGHIỆP ĐOÀN ĐỘC LẬP mới có thể xử lý các vấn đề phức tạp đang và sẽ diễn ra một cách có tổ chức, hiệu quả.

1. Có Nghiệp đoàn thì các tài xế Grab mới có một tổ chức để ĐẠI DIÊN cho tất cả người lao động trong nghiệp đoàn xử lý mọi vấn đề đối nội, đối ngoại một cách có tổ chức, theo pháp luật, có lý, có tình…

2. Có nghiệp đoàn thì Ban Đại diện sẽ THƯƠNG LƯỢNG với GRAB một cách ôn hoà, có lý lẽ để giữa GRAB và các Tài xế tìm ra cách cân bằng lợi ích, có sự đồng thuận, chứ không diễn ra biểu tình tự phát của các tài xế GabBike như vừa qua. Đặc biệt là có Nghiệp đoàn thì sẽ có thể xác định rõ mối “quan hệ lao động” giữa GRAB và những người lao động liên quan tương hỗ thế nào, chứ không tự phát, thả nổi như tình trạng hiện nay.

3. Có Nghiệp đoàn thì Đại diện sẽ LÀM VIỆC VỚI CƠ QUAN THUẾ của chính quyền Việt Nam, hiểu rõ Nghị định 126 liên quan đến các tài xế Grab ra sao. Từ đó họ giải thích cho các thành viên “quán triệt Nghị định”, yên tâm hành nghề…

4. Có Nghiệp đoàn, sẽ có đại diện, GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT với các Taxi và xe ôm truyền thống sao cho khéo léo, ôn hoà, tránh gây bạo lực…

5. Có Nghiệp đoàn mới có Tổ chức của những người lao động nghề nghiệp, GIÚP NHAU nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, phẩm chất, năng lực người hành nghề và hình thành tình tương thân tương ái, giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn…

Tóm lại, từ hiện tình của các tài xế Grab cho thấy việc lập ra Nghiệp đoàn của họ là nhu cầu tất yếu. Cũng từ đó cho thấy việc tạo điều kiện cho những người lao động trong các lĩnh vực khác nhau lập ra các Nghiệp đoàn của họ là nhu cầu cấp thiết của xã hội đang phát triển trong điều kiện mới.

THUẾ, GRAB VÀ TRÁCH NHIỆM CHÍNH PHỦ ?

NGUYỄN TRÁNG/ BVN 10-12-2020

Sự kiện hàng nghìn tài xế Grap xuống đường đình công sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 126, áp thuế 10% đối với kinh doanh vận tải, đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Dù vậy, người viết quan tâm nhiều nhất là những hình ảnh các bạn trẻ mặc đồng phục màu xanh lá cây tràn ngập trên đường phố.

Thống kê năm 2017 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có 80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện đang chạy xe cho Uber, Grab. Tất nhiên, xe ôm là một nghề bình đẳng như bao ngành nghề khác. Việc kiếm tiền lương thiện bằng mồ hôi, công sức của chính mình là điều đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh xã hội suy giảm niềm tin nghiêm trọng, nạn tham nhũng của quan chức xảy ra từ trung ương cho đến địa phương. Dù vậy, có đến 80% sinh viên, cử nhân làm nghề này thì lại là hiện tượng không ổn đối với sự phát triển của xã hội.

Làm tài xế công nghệ chỉ cần vài cú click chuột vô cùng đơn giản, tận dụng phương tiện đi lại hàng ngày, lại tạo nguồn thu nhập khá rõ ràng không phải lựa chọn tồi ở cấp độ cá nhân. Tuy nhiên, con số “80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện đang chạy xe cho Uber, Grab” lại phản ánh sự bế tắc ở cấp độ toàn xã hội.

Hẳn nhiên, ai cũng muốn được làm việc, cống hiến cho những lĩnh vực đã được đào tạo và trang bị kiến thức chứ không phải là một tài xế cả ngày bám mặt đường và đối mặt với khói bụi hiểm nguy. Chắc chắn, nếu có cơ hội lựa chọn, họ sẽ thay đổi quyết định.

Tuổi trẻ là trụ cột của quốc gia, với tính cách táo bạo không ngại khó khăn, họ phải là những mũi tên tiên phong chinh phục những lĩnh vực mới, công nghệ mới, mô hình mới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà Việt nam đang bước vào thời kỳ hội nhập, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang đến gần. Nghĩ đến đó, chắc hẳn bất cứ ai cũng chép miệng tiếc nuối xen lẫn xót xa khi đội ngũ đông đảo trí thức thất nghiệp buộc phải chọn cho mình cái nghề lao động giản đơn: xe ôm.

Cử nhân, thạc sĩ phải khoác lên người đồng phục xanh chạy xe ôm lông nhông ngoài đường, không chỉ là sự lãng phí thời gian và tài chính của chính bản thân và gia đình, mà còn là sự lãng phí trí tuệ, chất xám của toàn xã hội. Từ đây, chúng ta thấy rõ sự tụt hậu của Việt Nam. Thật không để đâu cho hết tiếc nuối, khi mà những người tri thức trẻ tối ngày nhìn vào màn hình smartphone để chờ khách hàng “nổ địa chỉ”. Đội ngũ này làm sao có thể đủ sức đương đầu, cạnh tranh với nguồn nhân lực của các nước trong khu vực Đông Nam Á, chứ chưa nói đến mặt bằng chung của thế giới?

Nguồn lực trí tuệ đóng vai trò then chốt trong mỗi quốc gia, đây là nền móng để đất nước chuyển mình từ nông nghiệp lạc hậu sang nền kinh tế tri thức. Ở góc độ vĩ mô, không thể nào chấp nhận được thực trạng đa số cử nhân sau nhiều năm miệt mài đèn sách lại cặm cụi làm nghề xe ôm. Điều đất nước cần nhất hiện nay là bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư,… chứ không phải là hàng trăm nghìn cử nhân lái xe ôm.

Sinh viên, cử nhân Việt Nam ra trường cặm cụi vào nghề xe ôm đã phản ánh quan hệ cung - cầu nhân lực trên thị trường và cấu trúc lao động của Việt Nam hiện nay là rất lãng phí. Và để xảy ra cái đống lộn xộn này, Chính phủ là nơi phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm.

N.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tráng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét