Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

20201221. NỖI LO CHO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC

ĐIỂM BÁO MẠNG

Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định trả hồ sơ vụ án "giả mạo công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra bổ sung.

Liên quan đến vụ việc bằng tiếng Anh giả của Trường Đại học Đông Đô, chia sẻ với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:

Hiện nay việc có công khai danh tính người mua bằng hay không không quan trọng nhưng có 2 việc cần phải làm thật nghiêm túc đó là: Cần xử lý nghiêm khắc Trường Đại học Đông Đô và những người nhận bằng thì phải phân biệt rõ người nào học hành đàng hoàng, thi cử thật nhưng bị lừa, người nào đi học chỉ lấy cái bằng và biết là bằng giả mà vẫn cố tình sử dụng”.

Ảnh minh họa: Vũ Phương

Theo VTV đưa tin, vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Bộ Công an xác định rõ những trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể.

Viện Kiểm sát cũng yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng không đúng quy định. Trong 193 trường hợp cấp bằng không qua đào tạo mà cơ quan điều tra đã xác minh được, cơ quan điều tra mới thu giữ 67 văn bằng gốc nên Viện Kiểm sát yêu cầu tiếp tục thu hồi 126 văn bằng còn lại.

Đối với 60 trường hợp sử dụng bằng giả hiện mới xác định được 25 người, Viện Kiểm sát cho rằng cần xác định rõ các trường hợp còn lại đã sử dụng bằng giả như thế nào. Đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát còn yêu cầu xác định hành vi của các bị can Nguyễn Thị Ngọc Thái, Trần Ngọc Quang, Nguyễn Thị Huệ.

Theo Cơ quan Điều tra, dù chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 ngôn ngữ Tiếng Anh nhưng Trần Khắc Hùng (chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đông Đô, đang bỏ trốn) đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các quyết định, ồ ạt tuyển sinh.

Đến thời điểm phát hiện sai phạm, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh văn bằng 2 cho 626 trường hợp. Tuy nhiên, công an chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp (một người đã chết).

Trong đó, 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện cấp bằng, 23 người có tham gia học tập nhưng do Trường Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo nên không có giá trị.

Cơ quan điều tra đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 người đã sử dụng bằng, hai trường hợp còn lại không kiến nghị xử lý vì một người đã nghỉ công tác và một người chủ động tố cáo sai phạm.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương truy bắt đối tượng Trần Khắc Hùng; xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, nếu có dấu hiệu của tội phạm phải khởi tố điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan mở rộng điều tra vụ án, tiếp tục làm rõ số cá nhân được Trường Đại học Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác (nếu có) không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng để thu hồi và kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật. Báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc cấp văn bằng, chứng chỉ; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân cho phép Đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh hệ văn bằng hai; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, không để xảy ra sai phạm tương tự.

Thủ tướng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.Theo cơ quan điều tra, dù chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 ngôn ngữ Tiếng Anh nhưng Trần Khắc Hùng (chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô, đang bỏ trốn) đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các quyết định, ồ ạt tuyển sinh.

Thùy Linh
CHUYÊN HỌC VÀ HỌC CHUYÊN
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ GDVN 18-12-2020

Cách đây 5 năm, trong một lần về quê, một người chị là người cùng xóm có nhờ tôi mang đồ lên cho thằng con trai của chị đang là sinh viên năm nhất của một trường đại học ở thành phố Cần Thơ.

Ngoài những thức ăn ở quê để bồi bổ cho cậu “quý tử” của mình, điều tôi không thể ngờ tới là những bộ quần áo chị đã giặt giũ cẩn thận để con chị mặc trong một tuần.

“Em mang qua cho nó giúp chị và nếu có trở lại thì nhờ em gom quần áo dơ cả nó về đây giúp chị giặt cho thằng bé nhé.” Nghe chị nói, tuy rất bất ngờ nhưng tôi cũng cố kìm nén cảm xúc.

Tôi hỏi chị có cần phải làm như vậy không, con chị lớn rồi chẳng lẽ không tự giặt đồ được sao.

Thế nhưng, câu nói của tôi dường như không làm chị bận tâm mà trái lại như chạm vào nguồn mạch về sự hãnh diện và tự hào về đứa con bé bỏng của vợ chồng chị.

Được biết, nhà chị tuy không giàu nhưng cũng thuộc loại khá giả ở xóm. Theo lời của chị thì “thằng bé” – cậu sinh viên năm nhất ngoài những đức tính như ngoan hiền, học giỏi thì từ nhỏ tới lớn, nhiệm vụ quan trọng và duy nhất của nó là chuyên tâm học cho thật giỏi, mọi chuyện còn lại không cần phải “động móng tay” vì ba mẹ lo hết.

Việc chị gửi quần áo đã giặt giũ sạch sẽ sau mỗi tuần để cho một “thằng đàn ông” đang là sinh viên năm nhất ở trường đại học vừa là tình yêu thương vô bờ bến của các bậc cha mẹ vừa muốn cậu quý tử tập trung vào chuyện học.

Vì nếu không có tôi về thì chị và chồng cũng tự chạy xe sang nhà trọ để chăm bẵm cậu “quý tử”.

(Ảnh minh họa: financialreporter.co.uk)

Ngoài việc tiếp tế tiền bạc và lương thực, chị phải lau dọn lại cái phòng trọ rất bẩn và hôi hám của con trai; nhất là sẽ gom hết quần sáo dơ mà cậu sinh viên vứt bỏ lung tung để mang về nhà giặt để đến chu kỳ sau lại mang qua cho cậu ta thay đổi.

Tôi nhớ lại câu chuyện trên là vì tôi vừa mới nhận được cuộc gọi của chị từ quê nhà. Qua điện thoại, giọng buồn rầu chị nhờ tôi đi tìm cậu quý tử bởi nó vừa thất tình vừa thất chí bỏ nhà đi đâu mất chị không liên lạc được.

Hóa ra, theo lời chị kể, nhờ chuyên học và học chuyên mà cậu quý tử đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. Thế nhưng, sau gần 2 năm ra trường đến giờ vẫn không có một công việc ổn định.

Vào làm việc ở khu vực Nhà nước thì cậu chê lương thấp nên không làm; còn ra khu vực tư nhân thì không hòa nhập và cạnh tranh được vì tấm bằng giỏi lúc này chỉ có giá trị tham khảo.

Tuy giỏi về kiến thức chuyên môn nhưng những kỹ năng cần thiết để áp dụng vào công việc và cuộc sống lại là con số 0 tròn trĩnh.

Cô bạn gái thời đại học vì không chờ đợi được nên vừa đi lấy chồng. Đó là lý do cậu quý tử của chị trở thành kẻ bất đắc chí với suy nghĩ “đời quá bất công với mình”.

Bằng trải nghiệm cá nhân và trong tư cách của một người đang làm công tác dạy học, tôi cho rằng câu chuyện về cậu quý tử của chị tôi ở trên là môt thực tế khá phổ biến trong xã hội ta hiện nay.

Nếu như việc “chuyên học” gắn với phạm trù giáo dục gia đình thì “học chuyên” lại thuộc về giáo dục nhà trường.

Vì thương con không đúng cách và vì thành tích, thành tựu của nhà trường nên rất nhiều phụ huynh và thầy cô giáo hiện nay nghĩ rằng bọn trẻ chỉ cần học thật giỏi thì nhất định sẽ có một tương lai tươi sáng.

Thế nhưng, thực tế lại cho thấy đây là một quan niệm, một lối suy nghĩ rất phiến diện nếu không muốn nói là sai lầm.

Thật ra, những tờ giấy khen hay tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trong nhà trường trên thực tế chỉ một trong những yếu tố rất nhỏ làm nên sự thành công của một cá nhân sau này.

Trong khi đó, những yếu tố cực quan trọng như phẩm cách, tư duy, thái độ và kỹ năng là những yếu tố mang tính quyết định.

Tiếc thay, cả giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường ở Việt Nam hiện nay lại không mấy chú trọng vấn đề này.

Gần đây, cũng có khá nhiều trường nhận ra và trang bị cho học sinh, sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn là những bài học về kỹ năng như: giao tiếp, làm việc nhóm,… tuy vậy, theo quan sát của tôi, đa phần vẫn chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi.

Đến đây, tôi lại nhớ đến quan điểm giáo dục của nhà bác học Albert Einstenin“Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá.

Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì đáng được phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp cái gì là thiện.

Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa.

Anh ta cần phải học để hiểu được những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng.” [1]

Cậu quý tử của bà chị tôi đang bất đắc chí vì nghĩ mình “sinh bất phùng thời”. Nhưng nói cho cùng cậu là một sản phẩm lỗi của cách giáo dục chỉ chăm bẵm vào việc nhồi nhét kiến thức suông trong nhà trường cùng với sự tiếp tay từ các bậc làm cha mẹ với lối giáo dục yêu chiều con trong gia đình không đúng cách.

“Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”, vì thế, theo tôi quan trọng nhất là đổi mới căn bản nhận thức, quan niệm về mục tiêu và sứ mạng của giáo dục vốn đã lỗi thời và không còn phù hợp với xã hội hôm nay.

Sự thay đổi này trước hết là ở đội ngũ các thầy cô giáo trong nhà trường, kế đến là các bậc làm cha mẹ trong vấn đề giáo dục con cái.

Song song với đó, là đổi mới cách tư duy của những người làm công tác quản lý và điều hành trong bộ máy giáo dục.

Còn không tất cả chỉ là đổi mới theo kiểu “hớt ngọn”, mọi chuyện rồi đâu cũng sẽ vào đấy mà không tạo ra bất kì đột phá nào theo hướng tiến bộ hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1]: Albert Einstenin, Thế giới như tôi thấy. Nhà xuất bản Tri thức, 2019.

Nguyễn Trọng Bình
CƠ HỘI LÀM SẠCH NHÂN SỰ, CHẤN HƯNG GIÁO DỤC
CHU MỘNG LONG/ BVN 19-12-2020

Viện KSND tối cao yêu cầu điều tra việc dùng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô

Trường Đại học Đông Đô (ẢNH: GIA HÂN)

Không phải là buông lỏng quản lý mà là QUẢN LÝ GIAN

Tiến sỹ Lê Viết Khuyến viết:"Tôi đọc báo thấy Trường ĐH Đông Đô có công văn gửi Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT lại có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Đông Đô, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Họ không xin, tại sao lại cho?"

Không xin mà Bộ tự giác cho thì đúng là "không buông lỏng quản lý" mà quản lý sâu sát đến từng cá thể trong 500 chỉ tiêu trên trời rơi xuống. Chẳng khác gì yêu quái trong Tây du ký. Theo tôi, phải truy ra, thần tiên nào trên Bộ sai yêu quái đến Đông Đô để mua bằng?

Tôi khẳng định, chuyện mua bán bằng ở Đông Đô chỉ là bề nổi của tảng băng. Bộ có dám đối mặt với thực chất trình độ ngoại ngữ so với hàng triệu tấm bằng ngoại ngữ trên toàn quốc gia? Cứ lôi cổ một giáo sư, tiến sỹ nào đó ra hậu kiểm xem chứ không cần loại nghiên cứu sinh, thạc sỹ hay một giảng viên, giáo viên nhãi nhép nào đó đã được cấp bằng hay chứng chỉ trong đề án ngoại ngữ quốc gia.

Đông Đô không chỉ là Đông Đô. Và ngoại ngữ không chỉ là ngoại ngữ. Khi dạy hệ ngoài chính quy, nhiều lần học viên nghỉ học đến quá nửa hoặc thuê người học thay, tôi tức giận quát: Nếu các bạn không cần học mà chỉ cần bằng thì cứ đến thẳng Hiệu trưởng mà mua, khỏi mất công tôi đi dạy và các bạn đi học. Hãy quy một tấm bằng bao nhiêu tiền, nộp một lần rồi chia nhau ăn, chắc chắn đỡ tốn kém hơn so với trò tổ chức dạy và học giả tạo!

Hiện nay các hệ đào tạo mở tràn lan để hợp thức hoá bằng cấp, chứng chỉ. Tại chức mở đến tận huyện, xã vùng sâu vùng xa. Hết ngoại ngữ, tin học đến nâng ngạch, giữ ngạch, rồi đến bồi dưỡng hay đào tạo lại. Gần như tất cả đều học giả bằng thật. Ai xin ai cho và ai chịu trách nhiệm về chất lượng?

Mỗi khi lên lớp dạy cho sinh viên chính quy, nhìn các em, tôi thật xót xa. Các em bị sàng từ đầu vào, bị rèn luyện lẫn bị nhồi nhét kiến thức suốt 4 năm học. Thi cử thì rất nghiêm ngặt. Nhưng trong số hàng vạn em chăm chỉ học hành, có bao nhiêu em xin được việc làm, trong khi thành phần hợp thức hoá bằng cấp đã chiếm hết chỗ? Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa biết học tại chức là học kiểu gì mà dám trình dự luật đánh đồng chính quy với tại chức. Các đại biểu quốc hội bấm nút thông qua luật đánh đồng tại chức với chính quy, có bao giờ nghĩ chính mình đã bấm nút thả bom nguyên tử không?

Vui một nửa

Tôi vui được một nửa khi đọc tin Viện KSND tối cao yêu cầu điều tra danh sách cán bộ mua bằng trong vụ án Trường Đại học Đông Đô. Đây là bước đầu truy vào hang ổ chấy rận của liên ngành nội vụ và giáo dục.

Nội vụ và giáo dục không làm được thì bên hành pháp phải làm. Phải có sự khách quan từ cơ quan kiểm sát, bởi nói như Einstein, không thể sửa sai bằng bàn tay của kẻ đã làm sai. Cách tạo ra chuẩn trên chuẩn của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo là nguyên nhân của hiện tượng chạy bằng cấp và chạy ghế. Đến lúc hai bộ này phải xem lại các loại chuẩn: chuẩn bằng cấp, chuẩn các loại chứng chỉ mà năng lực cán bộ không thể vươn tới và sự thực là nhu cầu công việc không cần đến.

Sự thực là khi đặt ra chuẩn ngoại ngữ B1, C1 Châu Âu cho giáo sư, tiến sĩ, thậm chí đến giáo viên vùng sâu vùng xa cũng buộc phải có thứ xa xỉ đó, người ta đã phải làm gì để có thể đạt tới nếu không phải mua? Những loại chứng chỉ khác cũng thế, chuẩn hạng ngạch chẳng hạn, người ta phải làm gì để hợp thức hoá cho đẹp hồ sơ? Các loại chuẩn đó dọn đường cho những phi vụ buôn gian bán lận trong giáo dục, các cơ sở giáo dục bày trò tạo chương trình, mở lớp đào tạo tràn lan, nhưng thực chất là làm tiền. Học hành chỉ là giả!

Rồi nữa việc Bộ Giáo dục và Đào tạo nổi hứng yêu cầu nghiên cứu sinh hay ứng viên giáo sư phải có bài báo quốc tế, người ta cũng tìm cách chạy cho có bài và tạo điều kiện cho các tổ chức mafia quốc tế mua bán trên các tạp chí dỏm. Trong khi sự thực những bài báo ấy chẳng có ích nước lợi dân hơn những bài báo trong nước.

Tổ chức đứng đầu mà háo danh thì kéo theo cả xã hội háo danh. Tình trạng này phá hoại đạo đức nhân sự, học thuật và giáo dục một cách nghiêm trọng.

Viện KSND tối cao yêu cầu điều tra danh sách những người mua bằng là đúng người đúng tội. Việc mua bán và sử dụng bằng giả khác hoàn toàn với khách hàng mua nhầm hàng giả. Anh bán hàng giả, anh có tội, còn tôi mua nhầm hàng giả, tôi vô tội. Nhưng mua bán bằng giả thì không thể gọi là lừa đảo hay nhầm lẫn mà chỉ có thể là tội thông đồng, cả hai đều thuộc chế tài hình sự. Nếu không nói, trong trường hợp này, cầu quyết định cung, kẻ lợi dụng "uy tín" trong cơ quan quyền lực đã đặt hàng và kẻ bán lợi dụng chỗ dựa "có uy tín" để mua bán trắng trợn.

Tôi vui một nửa, vì Viện KSND tối cao mới chỉ yêu cầu điều tra và xử lý trách nhiệm như là kiểm điểm hành chính. Theo tôi, cần đưa hết ra toà, dù số lượng lên đến con số ngàn. Biết cắt ung nhọt thì phải đau, nhưng đây là cơ hội làm sạch bộ máy nhân sự và chấn hưng giáo dục. Còn kiểm điểm cho có thì chẳng khác gì dùng chổi lông gà quét chấy rận, hậu quả là chấy rận chui vào chổi lông gà làm tổ và chờ cơ hội sinh ra con đàn cháu đống.

C.M.L.

Nguồn: Fb Chu Mộng Long

DẠY THÊM-CẤM VÀ KHÔNG THỂ CẤM

THÁI HẠO/ TD 16-12-2020


Chở con đi học thêm. Ảnh: Báo NLĐ

Dạy thêm không còn chỉ là “vấn đề”, mà phải gọi đúng tên: quốc nạn. Những di hại mà nó để lại trong thân thể, tâm hồn và trí tuệ của thế hệ trẻ là không gì đo đếm nổi. Đã đến lúc không thể khoan nhượng với thứ “tội ác được cấp phép” này nữa.

Không nói về những nhu cầu chính đáng của việc học thêm, vì bản chất khác hẳn và cách giải quyết cũng đơn giản vô cùng, ở đây chỉ nói về căn bệnh “dạy thêm”.

Phải nói ngay rằng, dạy thêm (và học thêm) không thể cấm nếu không thay đổi chương trình, phương pháp và cách thức thi cử. Chính cái hệ thống Dạy – Học – Thi đang lâm bệnh này đã sinh ra lắm vấn nạn cho nền giáo dục. Phải gọi đúng hơn là Thi – Dạy – Học, vì “thi” quyết định toàn bộ cách thức dạy và học.

Chúng ta đang có một nền giáo dục về bản chất không khác với cách đây khoảng 600 năm trước, một lối giáo dục tầm chương trích cú, “giáo dục thuộc lòng” mà ngày nay người ta gọi là “luyện gà nòi”, là “nuôi gà công nghiệp” – những con gà to xác nhưng chậm chạp và trì độn.

Hãy nhìn vào môn văn để làm ví dụ (điều này tôi đã nói nhiều lần), kỳ thi quốc gia quan trọng nhất của đời học sinh đang như thế nào? Đề có 2 phần là Đọc hiểu và làm văn. Phần thứ 2 cơ bản là học thuộc; phần 1 thì có hình thức là “vận dụng” nhưng thực chất cũng là một dạng thuộc lòng. Vài câu hỏi chiếu lệ, vô thưởng vô phạt mà sự khác biệt lớn nhất có thể tìm thấy trong những câu trả lời của học sinh là độ mượt mà trong việc viết câu văn. Ở các môn khác cung cách dạy học và thi cử, cơ bản cũng cùng một tính chất như vậy.

Hãy tưởng tượng, với một tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” thuộc chương trình lớp 12, nằm trong hệ thống kiến thức thi THPT Quốc gia, học sinh ít nhất đã “luyện” từ khi đang học lớp 11. Đối với các trường chuyên, lớp chọn thì phần nhiều là luyện ngay từ khi vào lớp 10.

Trong suốt 3 năm PTTH, cho đến ngày thi, học sinh có thể đã phải ngồi trên lớp để học đi học lại bài ấy khoảng 5-7 lần. Học vào lúc nào mà nhiều được đến thế? Là vào những buổi dạy – thêm học thêm. Cái khốn khổ là: nếu lần đầu đọc tác phẩm thì người ta còn có chút hứng thú, nhưng ngay lập tức, cái hứng thú ấy bị hủy hoại vì việc phải thuộc bài theo ý của giáo viên và sách giáo viên để đáp ứng các kỳ thi. An toàn là trên hết. Bắt đầu ngán ngẩm.

Nhưng ngán không có nghĩa là được phép quên đi, phải học, nếu không học thì giáo viên đã có đủ phương pháp: kiểm tra miệng, kiểm tra 15phút, 1 tiết, 2 tiết; báo với phụ huynh, viết bản kiểm điểm, nêu tên trước cờ v.v và v.v.., cho đến khi nào ý chí của người học trò hoàn toàn bị đè bẹp. Dù muốn hay không, vẫn phải cố mà nhớ, mà thuộc; nếu không thuộc nổi thì tìm cách đối phó khác như giở tài liệu, “nhìn bài bạn”, nói dối…, nói chung là tự phá hủy nhân cách để đổi lấy an toàn.

Một bộ phận học sinh có mục đích rõ ràng trên con đường học vấn, các em sẽ gắng sức siêng năng chăm chỉ; nhưng với lối thi cử và học hành này, con đường thật gian nan bởi thay vì bị nhồi nhét, các em buộc phải tự nhồi nhét; và trong sự “khắc kỷ” ấy, những học sinh này cũng thường không bao giờ được phép giữ lại cái nhìn cá nhân của mình. Một quá trình tự thân đào thải cá tính phải diễn ra.

Bi kịch chưa dừng lại ở đó: số lượng kiến thức để vượt qua một kỳ thi là khủng khiếp; trong khi hầu hết kiến thức ấy là ghi nhớ một cách máy móc, và hệ quả là sự quên. Quên thì tự nhồi nhét trở lại, nhưng cái khốn khổ của đầu óc con người là nó không thể nhớ được cái mớ lộn xộn ấy nếu đó không phải là điều mà nó đã “ngộ” ra. Và như thế, người ta phải “Học, học nữa, học mãi”, học cho đến đêm cuối cùng trước ngày thi, vì chỉ cần rời ra là sẽ quên.

Chưa nói tới cái vô tích sự của những “tri thức” ấy, chỉ riêng nói về cách thi và học, chúng ta đã thấy cả một sự điên rồ của nền giáo dục.

Học sinh không thể không học thêm với một cung cách giáo dục như thế. Vì sao, vì tự thân nền giáo dục không tạo ra động cơ lành mạnh cho sự học được bắt đầu. Khi không có động cơ thì người ta phải tìm các cách thức “thủ công, cơ giới” lạc hậu và man dã để thay thế. Các lớp học thêm là một trong những công cụ như thế. Mà ác nghiệt thay, đó lại là thứ công cụ ổn nhất. Cái công cụ này lợi cho cả đôi bên: giúp nhà trường (và giáo viên) thu được tiền và thành tích, đồng thời cũng giúp học sinh tự giữ được mình trong một căn phòng khóa ngoài mà người giữ chìa khóa là kẻ khác – nghĩa là một nhà tù tự tạo để không đánh mất đi cái lý do duy nhất của việc học.

Tính chất vụ lợi kiểu con buôn trong giáo dục và sự háo danh (hão) thì có lẽ không cần bàn thêm nữa, vì ai cũng đã thấy. Tuy nhiên, không phải vì đã thấy mà chúng tự rơi rụng đi. Cần một lệnh cấm tuyệt đối, không ngoại lệ, để thiết lập lại đạo đức trong nhà trường và chấn hưng nền giáo dục.

Chúng ta cần những con người biết tư duy và có nhân vị độc đáo chứ không phải những thẻ nhớ di động. Vì thế, phải thay đổi phương thức kiểm tra đánh giá, từ đó thay đổi phương pháp dạy và học. Chúng ta cần thấy một nền giáo dục khỏe mạnh, chứ không phải một sự xanh xao đầy bệnh hoạn này.

Cha mẹ cần nhìn thấy những đau khổ của con cái mình trong hiện tại và cả tương lai ở một lối giáo dục phi lý như thế, từ đó mà thôi đặt gánh nặng lên những đôi vai nhỏ bé của chúng. Hãy phản đối chuyện học thêm, và cự tuyệt việc cho con đến những lớp học ấy. Hãy gây sức ép lên nền giáo dục, buộc nó phải thay đổi, chứ không phải chạy theo và gián tiếp hà hơi tiếp sức cho một thân thể giáo dục đầy bệnh tật được sống mãi trên nỗi khổ của bản thân và con em như thế.

Thay vì than vãn, hãy hành động. Và việc đầu tiên là cho con ở nhà từ ngày hôm nay.

Cấm và cự tuyệt chỉ là bước sơ cứu ban đầu, chừng ấy chưa thể giải quyết được vấn đề. Nạn dạy thêm sẽ trở lại nếu nền giáo dục vẫn không thể xây dựng được những giá trị và phương thức khoa học, nhân văn. Như vậy, trách nhiệm chính vẫn là Bộ GD, là các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục – tóm lại là ngành giáo dục. Và nhà nước nói chung.

Nếu không làm được việc này thì ngành GD không còn tính chính danh. Đến đây, một dân chúng có lý trí sẽ không bao giờ chấp nhận nuôi báo cô một kẻ vô dụng nhưng lại luôn bắt nạt mình nữa.

ĐÃ CÓ LUẬT SAO CỨ BẮT TRẺ EM LÀM 'CHUỘT BẠCH'?
BÁO SẠCH/ TD/ BVN 14-12-2020

Cuối cùng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận trách nhiệm trong văn bản gửi tới các đại biểu Quốc hội hồi cuối Tháng Mười, 2020 về nội dung sách giáo khoa lớp 1. Như vậy, những bức xúc trong dư luận của giáo viên, phụ huynh, cử tri và cộng đồng ít nhiều cũng tìm được nơi để quy kết.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các nhóm biên soạn chỉnh sửa nội dung cho phù hợp hơn với học sinh tiểu học. Đến đây lại tiếp tục thấy sự lúng túng, loay hoay của cơ quan đứng đầu ngành giáo dục. Nghĩa là, sang năm học 2021 - 2022, học sinh cả nước lại tiếp tục học được sách giáo khoa đã được chỉnh sửa với 5 nội dung khác nhau ở 5 nhóm biên soạn khác nhau.

Không ai dám chắc những phản biện từ xã hội không tiếp tục diễn ra, nếu các nhà giáo dục tiếp tục biên soạn sách giáo khoa cứng nhắc, thiếu thực tế, thiếu tính nhân văn trong bài đọc và ý chí sử dụng phương ngữ Bắc Bộ quá cao trong soạn sách.

Nếu nhìn từ góc độ pháp luật sẽ thấy rõ trách nhiệm đầu tiên và cao nhất là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong câu chuyện sách giáo khoa vừa qua! Nói trách nhiệm của Bộ là đề cập đến trách nhiệm tập thể, còn luật lại quy định rõ đây là trách nhiệm của Bộ trưởng trước tiên.

Cụ thể, khoản 2 Điều 32 Luật Giáo dục 2019 quy định: “Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa”.

Và tại khoản 3 của Điều này, trách nhiệm của Bộ trưởng không nhỏ: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và hội đồng thẩm định cấp tỉnh”.

Điều khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT càng cụ thể thêm “Nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa” thuộc Điều 2 và khoản 1 quy định: “Lựa chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã dược Bộ trưởng Độ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông”.

Việc để một bộ sách giáo khoa phải sửa chữa nội dung do phản ứng của dư luận là vi phạm vào nguyên tắc “sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông” của luật. Học sinh vẫn phải thay đổi sách mới theo năm học mới chỉ vì sự tắc trách từ những người có thẩm quyền, có chuyên môn và trách nhiệm.

Các số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có 14.000 trường tiểu học với khoảng 100.000 giáo viên lớp 1. Sách của nhóm Cánh Diều chiếm 32% thị phần là cao nhất trong các đơn vị còn lại.

Tiếc thay, với thị phần lớn này lại tạo ra quá nhiều sai lệch trong giảng dạy trẻ thơ với sự khó hiểu của phương ngữ Bắc Bộ, cổ xúy bạo lực, gian dối, lười biếng và triệt tiêu sáng tạo của trẻ.

Ở một nguyên tắc khác của pháp luật thì các bộ sách đã gây thiệt hại cho xã hội với những nội dung kém lành mạnh thì trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải được đặt ra để đảm bảo sự văn minh của luật và hướng tới các chuẩn mực cầu thị trong giáo dục.

Sau đó, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân để được đánh giá các mức độ tín nhiệm.

Cuối cùng, Bộ trưởng với vai trò là một công chức, các quan hệ pháp luật công chức sẽ tiếp tục tìm đến đúng địa chỉ để làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng quyết định và những sai sót thực tế...

Nguồn: FB Báo Sạch

LƯƠNG TÂM VÀ LIÊM SỈ CỦA BỘ TRƯỞNG GDĐT ĐÃ CHẾT
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ TD 9-12-2020

Nữ sinh lớp 10 trường THPT Vĩnh Xương, An Giang bị nhà trường xúc phạm nhân phẩm, phải tìm đến cái chết, may mắn chưa chết. Nhưng lương tâm của Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chết.

Để tăng thu nhập phi pháp, trường THPT Vĩnh Xương, An Giang đã bất chấp qui định của bộ Giáo dục Đào tạo, tổ chức học thêm đại trà năm môn cho tất cả học sinh chính khoá.

Nữ sinh Y. lớp 10 là học sinh giỏi nhiều năm nên chỉ đăng kí học thêm một môn Anh văn liền bị cô giáo chủ nhiệm có tên rất dịu dàng và ngan ngát hương thơm Thu Huệ nhưng tính khí dữ dằn và lòng dạ nặng mùi tiền liền đập bàn quát: Học một môn cũng phải đóng tiền tất cả các môn! Quá giận dữ vì hụt mất khoản thu ở một học trò mà cô Thu Huệ buột miệng nói toẹt ra mục đích tổ chức học thêm của trường Vĩnh Xương chỉ vì đồng tiền trong túi thầy cô chứ không hề vì kiến thức học sinh.

Từ đó nữ sinh Y. liên tục bị khủng bố tinh thần, bị tấn công bạo lực danh dự, phầm giá. Để có cớ bạo hành tinh thần nữ sinh, nhà trường tạo ra những tội vu vơ không hề có trong văn bản qui định chuẩn mực đạo đức học sinh hoặc văn bản ngăn cấm học sinh của ngành giáo dục như: Mặc áo mỏng. Đưa chuyện nhà trường về gia đình không đúng sự thật. Ghi âm lời cô giáo trong lớp học.

Toàn bộ quyền uy của nhà trường, quyền uy hiệu trưởng, quyền uy hiệu phó, quyền uy giáo viên chủ nhiệm được mang ra uy hiếp, hành tội, sỉ nhục nữ sinh lớp 10 ở tuổi mới lớn đang đầy ý thức khẳng định sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời nhưng cũng đầy nông nổi, dại dột khi cá nhân không được nhìn nhận hoặc danh dự cá nhân bị xúc phạm.

Ba đòn danh dự độc ác nhất mà quyền uy trường Vĩnh Xương đánh huỷ diệt nữ sinh lớp 10 là:

Một: Liên tục bắt viết kiểm điểm nhận lỗi do nhà trường áp đặt chỉ vì không học đủ năm môn do nhà trường ép học thêm.

Hai: Suốt hai tuần liền phải đến trường sớm trước học sinh toàn trường để phải nghe thầy cô chì chiết được gọi là giáo dục, cải huấn như với học sinh cá biệt hư hỏng và phải lao động như lao công đào binh đối với binh lính đảo ngũ, như lao động cải tạo đối với tội phạm hình sự.

Ba: Bị nêu tên sỉ nhục trước toàn trường trong buổi lễ trang nghiêm chào cờ thứ hai đầu tuần.

Những người làm giáo dục được xã hội tôn kính coi là kĩ sư tâm hồn. Những kĩ sư tâm hồn ở trường Vĩnh Xương, An Giang đã nhẫn tâm hành hạ, độc ác và hèn hạ chà đạp danh dự, nhân phẩm một nữ sinh tâm hồn yếu đuối phải tìm đến cái chết làm cả xã hội xôn xao suốt hai tuần nay, thương cảm cho thân phận học trò thời nay và phẫn nộ với sự kinh doanh bất lương chữ nghĩa trong nhà trường nhưng ông Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vẫn lặng thinh như ông không hề có trong cuộc đời, không hề có trong xã hội, không hề có trong bộ máy quản lí giáo dục.

Sự vắng mặt của ông Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong vụ việc phản giáo dục nghiêm trọng ở trường trung học phổ thông Vĩnh Xương, An Giang là sự vắng mặt của lương tâm con người, lương tâm người thầy. Sự vắng mặt đó đã xác nhận về cái chết của lương tâm ông Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Gia đình ông Bộ trưởng Nhạ ở Hà Nội. Nhiệm sở của ông Bộ trưởng Nhạ ở Hà Nội. Nhưng lương tâm ông Nhạ đã chết ở trường Vĩnh Xương, Tân Châu, An Giang mới vài ngày nay. Còn liêm sỉ của ông Nhạ đã chết ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh từ năm 2016 khi những cô giáo trẻ trung, xinh đẹp ở thị xã nghèo nửa quê, nửa tỉnh bị quan chức lùa đi làm tiếp viên, hầu rượu trong những đêm nhậu nhẹt của đám quan chức.

Nỗi tủi nhục của các cô giáo kêu đến tai, ông Bộ trưởng Nhạ đã không đau với nỗi đau của những cô giáo bị quan chức chính quyền biến thành ca ve nhà hàng, ông còn vô liêm sỉ nói những câu lạnh lùng vô cảm, cả những câu ngớ ngẩn vô nghĩa rồi quở trách những cô giáo đang ê chề tủi nhục: Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm. Khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong đó mới tính đến người ép buộc.

Liêm sỉ của ông Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nhạ đã chết ở hội đồng chức danh giáo sư nhà nước từ năm 2016 khi ông chỉ là phó giáo sư nhưng được đảng của ông đặt ngồi lên ghế Bộ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo, đương nhiên kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư. Vừa có vị trí Chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, ông Nhạ liền tự nâng cấp hàm phó giáo sư  của ông, tự phong cho ông hàm giáo sư khi trong giới học thuật đang ồn ào chuyện đạo văn của ông, đang khinh bỉ ông là Bộ trưởng của những người thầy mà nói ngọng trên diễn đàn Quốc hội, sỉ nhục cả ngành giáo dục.

GIÁO DỤC 'HẬN THÙ' TẤT VONG QUỐC

HOÀNG HOÀNH SƠN/ BVN 11-12-2020

 Báo Thanh Niên ngày 04/12 đăng bài: Nữ sinh lớp 10 uống thuốc tự tử vì uất ức(1). Mẹ nạn nhân cho biết em bị uất ức do trường xử lý em vi phạm nội quy của trường. Nguyên nhân bắt đầu từ việc em không tham gia học phụ đạo có thu phí ở trường. Em nữ sinh này là học sinh giỏi mấy năm liền và hiện em là học sinh giỏi nhất lớp. Vì em không tham gia học thêm mà giáo viên dạy Toán đã kiếm cớ mắng nhiếc em, lấy lý do em mang áo dài mỏng khiến em ngượng ngùng.

Sự việc chưa dừng lại ở đó khi chị Trần Thu Hà, một người xài mạng facebook(2), khám phá ra cô giáo chủ nhiệm của em nữ sinh tự tử này vẫn thản nhiên lên Zalo đăng những lời lẽ hết sức cay độc: “Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen... Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!”.

Cô còn comment: “Tự tử chết có coi là vinh quang không con?”, “Cò bảo có xáo thì xáo nước trong có nghĩa là cho đến chết cũng phải trong sạch con à! Còn đằng này con chim chuyên nhả nước bọt kia mượn cái chết giả để vu oan giá họa cho người khác hèn uổng công xúc tép nuôi… chim”.

Quả là một biến cố sát nhân học đường cách gián tiếp. Một đòn thù tâm lý ác độc sau khi đã dồn ép học sinh vào bước đường cùng đến mức uất ức tìm đến cái chết để phản kháng. Nếu cô giáo chủ nhiệm này không lên tiếng, cộng đồng xã hội còn có thể nghĩ sự việc chỉ là rủi ro nghề nghiệp. Đàng này, lời lẽ cô giáo chủ nhiệm đăng trên Zalo, trả lời comments của học sinh khiến ai đọc thấy cũng lạnh sống lưng.

Sau biến cố kinh động cả nước như thế, giáo viên chủ nhiệm vẫn thản nhiên viết những lời công khai “xáo nước trong, nước đục”; vậy mà cô ta vẫn tự nhận môi trường đẩy học sinh vào đường chết là cao quý; cô ta dám gọi học sinh mượn cái chết giả để vu oan giá họa cho nghề giáo “thanh tao” dưới thể chế cộng sản?

Vâng, việc nữ sinh bị ép đến mức tự vẫn là đại diện cho hiện trạng một nền giáo dục vong quốc tại Việt Nam (VN). Mọi thứ giả dối đều có liên quan đến ngành giáo dục. Từ bằng cấp giả, rút ruột công trình trường học khiến sập tường, sập cổng chết học sinh đầy dẫy từ Bắc chí Nam; sách giáo khoa đầy sạn, chạy điểm chạy trường, thực phẩm bẩn trong chén cơm thường ngày của các em học sinh tiểu học bán trú... cho đến học phí tăng vọt chóng mặt, mặc dù chất lượng môi trường giáo dục sụt giảm nghiêm trọng về mọi mặt.

Chúng ta hẳn còn nhớ phát biểu của Nelson Mandela, trong chuyến thăm một trường đại học Nam Phi như sau: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.

- Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy.

- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy.

- Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy.

- Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy.

- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy.

- Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Lời Nelson Mandela đã nói là một tiên đoán tất yếu về nền giáo dục ở VN vậy. Giáo dục VN đã sản sinh ra biết bao sự cố trả giá bằng mạng người. Một khi không thể lấp liếm sự việc, chính quyền đành phải chọn những con dê tế thần, những con tốt thí để bao biện cho những sai phạm nghiêm trọng đến từ những đảng viên cầm quyền mà vô đức vô năng, sản phẩm của nền giáo dục thất bại toàn diện.

Xin đơn cử một vài vụ việc chứng minh Nelson Mandela đã đúng:

- Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Như vụ 18 người nhiễm độc vì máy chạy thận ở Hòa Bình, trong đó có 8 bệnh nhân thiệt mạng oan uổng(3); và rồi còn rất nhiều những trẻ em chết sau khi tiêm vắc xin định kỳ, những tắc trách y đức của một số y bác sĩ gây thiệt mạng cho bệnh nhân ở VN không hề thiếu(4).

- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có 79 vụ tham nhũng bị phát hiện(5). Hậu quả là vụ sập mái hội trường 15 tỷ của UBND Hậu Giang do công trình này bị rút ruột(6); cầu treo xây hàng chục tỷ chưa kịp đưa vào sử dụng đã có nguy cơ sập đổ(7); tháp truyền hình ở Nam Định có giá 50 tỷ, thiết kế chịu gió 120km/giờ, bị gió 93km/giờ quật đổ(8).

- Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy: Theo các con số báo chí quốc doanh VN báo cáo, thì nền kinh tế VN chỉ toàn nợ, lỗ và nợ: Nhà máy in tiền quốc gia báo lỗ ròng 11 tỷ sau 6 tháng đầu năm; Tập đoàn Điện lực lỗ hàng nghìn tỷ đồng; Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài: Lỗ dồn 1,1 tỉ USD, nguy cơ mất vốn nhà nước; các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước: Nợ 1.454.668 tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh(9).

- Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy: có thể nói ở VN chưa đến mức các tín đồ tôn giáo phải chết vì cuồng tín, nhưng cái sự chết trong tâm hồn, sai lạc về niềm tin vì mê tín dị đoan thì chẳng hề thiếu. Trường hợp chùa Ba Vàng truyền bá vong báo oán, đã giúp chùa này mỗi năm thu cả trăm tỷ đồng(10); và rồi các kiểu loạn thánh loạn thần nở rộ khắp nơi, người nghèo vái cục đá, tán cây, con rắn nước. Người giàu đến những nơi thờ phượng ngày càng to lớn và xa hoa. Cái sau phải to lớn hơn, tốn nhiều tiền hơn cái trước. Hết chùa Bái Đính nghìn tỷ đến Văn Miếu thờ Khổng Tử xây hết trên 300 tỷ đồng ở tỉnh Vĩnh Phúc(11) chỉ hướng người dân đến hình thức lễ hội, xa lìa con đường chánh đạo.

- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy: Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp, có 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của viện kiểm sát; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt(12). Vụ án Hồ Duy Hải có mối liên hệ mật thiết với ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án tòa án tối cao VN, ông này đã từng kí quyết định không kháng nghị vụ án vào thời điểm tháng 10-2011 với thẩm quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao.

Mới đây, ông này lại tiếp tục ngồi xử Giám đốc thẩm bản án mà mình từng ký quyết định bác kháng nghị. Như thế, khác nào ông chánh án tối cao pháp viện Nguyễn Hòa Bình đang tự vả vào mặt mình(13)? Đặc biệt vụ thảm sát cụ Lê Đình Kình ngay trên giường ngủ trong phòng nhà cụ, rạng sáng ngày 09/01/2020, ở thôn Hoành. Quả thật công lý đã vắng bóng ở VN khi hàng loạt các nhà hoạt động đấu tranh dân chủ bị bắt giam, các tù nhân lương tâm đồng loạt tuyệt thực phản đối các hành vi tàn ác, đối xử bất công, ngược đãi trong nhà tù, cưỡng bức nhiều tù nhân vào các trại tâm thần v.v…

- Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia: Đây là một chân lý, người tài là tài sản quốc gia, là nguyên khí nước nhà. Vậy mà nền giáo dục VN hiện nay đã tan nát, đầy giả dối và thất bại toàn tập, nó giúp liên tưởng đến hình ảnh tiên báo cho sự vong quốc. Giáo dục như hiện tại tìm đâu ra người hiền tài gánh vác các trọng trách quốc gia? Dẫu có tài mà không có đảng cũng bị đá văng ra khỏi hệ thống đảng trị này. Vậy mà hiện trạng giáo dục VN chỉ toàn sạn, lo bòn rút tiền của, mang học sinh làm vật thí nghiệm, dồn ép các em vào đường cùng, càng học càng chán nản… Thế thì sự sụp đổ quốc gia đã hiển hiện trước mắt?

VN là một quốc gia độc tài toàn trị, hiển nhiên để giữ sự độc tài này, Đảng Cộng sản VN ắt phải thực hiện chính sách ngu dân. Muốn ngu dân cần tẩy não dân, và nhồi nhét những luận điệu sai lạc giúp đảng cai trị gìn giữ chế độ chuyên chế. Nếu để dân thông minh, học hiểu những quyền lợi đang bị tước đoạt, những tài nguyên đất nước đang mất dần trong tay nhà cầm quyền, hẳn nhiên chế độ sẽ lâm nguy. Vì thế, Đảng Cộng sản VN đã cố tạo ra những vũ khí kiềm chế dân tộc, không cho dân ngóc đầu chống lại thể chế độc tài: giáo dục ngu dân, kích động hận thù từ trong môi trường giáo dục.

Vũ khí các quốc gia cộng sản thường áp dụng để giữ thể chế độc tài chính là luôn tạo ra kẻ thù vô hình để đấu tranh, để gắn cho cái mác phản động hầu có cái cuồng nhiệt giết chóc và nguyên cớ để đàn áp. Và VN dường như đã thành công, hướng dẫn nhiều đảng viên đội lốt nhà giáo lan truyền thứ tư tưởng độc hại này. Họ thổi bùng ngọn lửa thù hận trong lòng những trẻ em ngây thơ… nhà giáo đảng viên dưới mái trường cộng sản chỉ là những kẻ rập khuôn đúc người. Thế là đa số các nhà giáo tâm huyết đành im lặng thả tay mặc sóng gió cộng sản giày đạp lên học sinh, sinh viên, đẩy họ vào con đường nô lệ kiểu mới.

Từ khi nắm chính quyền, chế độ độc tài VN đã chiến đấu với cơ man nào là các kẻ thù từ tư bản, thực dân, đế quốc cho đến cả anh em đồng hội đồng thuyền thoắt biến thành kẻ thù bành trướng, diệt chủng; kể cả những kẻ thù giữa những người đồng chí cộng sản trong nước như đấu tranh giai cấp: trí - phú - địa - hào, văn nhân giai phẩm, xét đi xét lại, đấu tố cải cách ruộng đất long trời lở đất theo kiểu ta chặt tay ta.

Cứ thế, nền giáo dục của cộng sản VN được nuôi lớn từ nền tảng đấu tranh gay gắt vậy đấy; nó tạo nên mối căm hờn tất cả, từ nhân phẩm cho đến các giá trị dân chủ, tự do, nhân quyền và đỉnh điểm là thù ghét luôn những tài nguyên cần được đào tạo: học sinh - sinh viên, vốn là trung tâm của giáo dục. Nay các em lại biến thành vật thí nghiệm cho nền giáo dục cải cách, đổi mới... Chính tâm lý cuồng bức hại đầy thù hận này mới dẫn đến sự phản kháng bằng chính mạng sống của em nữ sinh kể trên và thái độ thản nhiên rừng rú của người giáo viên chủ nhiệm.

Hiển nhiên, dân chủ, tự do, nhân quyền, giáo dục lành mạnh là kẻ thù truyền kiếp của chế độ độc tài toàn trị. Điều này đặc biệt đúng ở quốc gia độc tài toàn trị VN, tất cả các giá trị làm người chỉ là giả hiệu. Những chữ ký lên các bản tuyên ngôn nhân quyền Liên Hợp Quốc của Đảng Cộng sản VN chỉ ký cho có mà không hề được tôn trọng trong thực tiễn. Giáo dục tẩy não và thù hận sẽ triệt tiêu tình thương và thế là học sinh thà tìm đến cái chết chứ không thể sống nổi trong một môi trường giáo dục đầy dẫy hận thù, tàn độc xé nát tâm hồn thơ ngây của các em.

Xảy ra chuyện lớn ảnh hưởng đến mạng sống con người, vậy mà vị giáo viên chủ nhiệm vẫn bình chân như vại, vẫn lên mạng ngang nhiên xem thường học sinh gây phản cảm. Nó không còn là lỗi cá nhân nữa. Cô chủ nhiệm là sản phẩm của một nền giáo dục dửng dưng, vô cảm. Thái độ bất chấp của cô chủ nhiệm là biểu hiện cho cả một hệ thống giáo dục đã nhiễm khuẩn, đã sai lỗi ở mọi ngóc ngách dù là nhỏ nhất của hệ thống đó.

Bộ Giáo dục không kịp thời lên tiếng hoặc đưa ra một biện pháp xử lý nào đối với vị giáo viên chủ nhiệm này cũng như cả ban giám hiệu ngôi trường có em nữ sinh tự tử đó. Cả xã hội bất bình, Bộ Giáo dục chỉ mới xác minh thông tin, rồi đình chỉ công tác hiệu trưởng Hùm và 1 hiệu phó(14). Như thế, giáo viên chủ nhiệm cứ ngang nhiên comment dẫn dắt dư luận khiến lộ thêm những mặt yếu kém trong tư cách đạo đức giáo viên này, vốn được đào tạo thấm đẫm tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Giáo dục toàn thi đua đạt thành tích này nọ, không có tình thương và sự cảm thông, lại càng không có giáo dục tinh thần ái quốc, tương thân tương ái. Lại cũng chẳng hề có bảo vệ tài nguyên môi trường hoặc lo nghĩ cho thế hệ tương lai ăn gì, mặc gì, sống dựa vào cái gì làm nội lực phát triển?

Chả thế mà Đảng Cộng sản vẫn đưa ông Bùi Văn, chuyên gia kinh tế lên chương trình “người trẻ và sự học” tại Tp Hồ Chí Minh, để ông này phát biểu ví von theo kiểu được “đặt hàng” như sau: “Tôi không dám đại diện cho cả thế hệ chúng tôi; nhưng cá nhân tôi thấy: Thế hệ chúng tôi đã hút gần hết dầu, đã đào gần hết than, đã dùng lưới cào và thuốc nổ khai thác hết cá ở biển, từng đi chặt rừng để bán sang Nhật.

Như vậy, cái chúng tôi để lại cho thế hệ sau là gì? Là hết than, hết dầu, hết cá, hết rừng nhưng tôi rất tự hào về cái đó. Bởi vì chúng tôi để lại cho thế hệ trẻ một con đường duy nhất là phải học là không còn dựa vào tài nguyên thiên nhiên nữa. Đó là điều mà tôi tự hào để lại cho thế hệ sau”(15).

Lối suy tư theo kiểu áp đặt và vô tư bào chữa cho sự tàn hại đất nước của Đảng Cộng sản như thế. Nhưng vẫn có kẻ tự hào ngụy biện thay cho những kẻ độc tài theo kiểu xây dựng từ đống tro tàn như nước Nhật chăng? Toàn là những kẻ mơ giữa ban ngày. Hãy tập trung vào giải quyềt tận gốc rễ bài toán nan giải của VN hiện tại. Muốn giải được bài toán này, trước hết cần giải thể cái gọi là độc tài toàn trị ở VN.

Nếu không, các quốc gia vẫn mãi mê muội và tụt hậu. Như một cư dân mạng đã ngao ngán nhắn gởi cho những ai còn lương tri ở VN như sau: “Chính trị ái quốc không phải là mị dân, khoe khoang, tự ru ngủ mình. Chính trị ái quốc là khôn khéo giành quyền lợi về cho dân một cách tích cực và lương thiện nhất. Chính trị ái quốc là đưa đất nước lên tầm thế giới một cách quang minh chính trực”.

H.H.S.

______

Tư liệu tham khảo:

(1) https://thanhnien.vn/giao-duc/nu-sinh-lop-10-uong-thuoc-tu-tu-vi-uat-uc-1312987.html

(2) https://www.facebook.com/thuha.mexusim

(3) https://vnexpress.net/chat-cuc-doc-trong-nuoc-chay-than-khien-18-nguoi-hoa-binh-bi-tai-bien-3608757.html

https://vietnamnet.vn/vn/su-kien/toan-canh-vu-tai-bien-chay-than-8-nguoi-chet-o-hoa-binh-382319.html

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-3-babies-died-after-receiving-new-vaccine-01142019104339.html

https://vnexpress.net/dieu-tra-bac-si-thieu-trach-nhiem-khien-san-phu-tu-vong-2899965.html

https://laodong.vn/xa-hoi/dieu-tra-vu-nu-benh-nhan-tu-vong-sau-khi-gay-me-truoc-ca-mo-803771.ldo

(5) https://nhadautu.vn/toan-quoc-phat-hien-79-vu-tham-nhung-trong-4-thang-dau-nam-d37588.html

(6) https://thanhnien.vn/thoi-su/vu-sap-mai-hoi-truong-o-hau-giang-bi-rut-ruot-sai-thiet-ke-nghiem-trong-1167833.html

(7) https://baotainguyenmoitruong.vn/cau-treo-hang-chuc-ty-chua-su-dung-da-co-nguy-co-sap-270162.html

(8) https://tuoitre.vn/vu-do-thap-truyen-hinh-nam-dinh-thiet-ke-sai-thi-cong-au-563694.htm

(9) https://zingnews.vn/nha-may-in-tien-quoc-gia-viet-nam-lo-rong-11-ty-dong-post979548.html

https://www.tienphong.vn/kinh-te/tap-doan-dien-luc-lo-hang-nghin-ty-dong-1352672.tpo

https://laodong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nha-nuoc-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-lo-don-11-ti-usd-nguy-co-mat-von-nha-nuoc-823218.ldo

https://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/Cac-Tap-doan-Tong-Cong-ty-Nha-nuoc-No-1454668-ty-dong-155764.html

(10) https://laodong.vn/xa-hoi/truyen-ba-chuyen-vong-bao-oan-chua-ba-vang-moi-nam-thu-tram-ti-663505.ldo

(11) https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/06/150614_hoangxuan_loanthanhthan

(12) https://nld.com.vn/phap-luat/60-truong-hop-bi-oan-lien-quan-den-trach-nhiem-cua-vien-kiem-sat-20201026105828444.htm

(13) https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-judge-nguyen-hoa-binh-not-listen-to-the-party-chief-in-ho-duy-hai-trial-05042020115541.html

(14) https://www.tienphong.vn/giao-duc/moi-nhat-vu-nu-sinh-nghi-tu-tu-bo-gddt-len-tieng-cu-hieu-pho-tam-thay-hieu-truong-1760710.tpo

(15) https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/the-he-chung-toi-da-hut-dau-dao-het-than-99763.html

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/giao-duc-han-thu-tat-vong-quoc/5691545.html


Không có nhận xét nào: