Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

20201224. XỬ LÝ VỤ CẤP BẰNG PHI PHÁP CỦA ĐH ĐÔNG ĐÔ

 ĐIỂM BÁO MẠNG

LÝ DO GÌ MÀ CHƯA CÔNG KHAI DANH TÍNH NGƯỜI DÙNG BẰNG GIẢ ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ ?

LẠI CƯỜNG/ GDVN 22-12-2020
GDVN- Đối với những người chỉ nộp tiền, ghi danh rồi lấy bằng cần phải xử lý nghiêm. Chẳng có lý do gì mà chưa công khai danh tính những người này.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, sai phạm tại Đại học Đông Đô đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định trả hồ sơ vụ án "giả mạo công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra bổ sung.

Liên quan đến vụ việc của Trường Đại học Đông Đô, chia sẻ với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:

“Trước hết, cần phải nhìn nhận chính sách đào tạo văn bằng 2 là một chính sách đúng đắn và phù hợp với xu thế.

Việc sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh để làm Tiến sĩ, Thạc sĩ, thay thế các chứng chỉ, chứng nhận cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay, cách đào tạo văn bằng 2 tại một số trường chưa chuẩn nên dẫn đến tình trạng làm méo mó chính sách.

Việc đào tạo theo tín chỉ, các học phần có trong chương trình đào tạo của ngành đào tạo thứ nhất thì mới được miễn và học tiếp những chương trình, khối lượng theo quy định ở văn bằng 2.

Thế nhưng việc học văn bằng 2 hiện nay, một số trường không đảm bảo các quy định. Việc người ta coi văn bằng 1 nào cũng như nhau, để rồi cứ thế học sang văn bằng 2 khiến chất lượng rất khó kiểm soát.

Ví dụ một người học văn bằng 1 ngành ngôn ngữ tiếng Pháp thì họ học sang văn bằng 2 tiếng Anh thì sẽ nhanh và chất lượng sẽ tốt hơn những người học bằng một ngành ngữ văn hay toán học…

Nhưng bây giờ một số trường coi tất cả như nhau rồi học chung, cấp bằng như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy về đào tạo.

Để việc xảy ra như Đông Đô vừa rồi là một dẫn chứng. Nếu việc kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước được thực hiện tốt thì những sự việc như vậy không thể xảy ra”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh:Tùng Dương

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng cho rằng: “Nếu Trường Đại học Đông Đô có đơn đề nghị đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ xem xét các điều kiện có đủ đảm bảo hay không. Sau đó mới ra quyết định cho đào tạo văn bằng 2 theo năng lực của trường.

Thế nhưng ở đây trường Đại học Đông Đô không được cho phép đào tạo văn bằng 2 Tiếng Anh nhưng họ vẫn đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh như thế gọi là đào tạo chui và như vậy là phạm pháp.

Nếu nói như một số người ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là Bộ vô can trong sai phạm trong đào tạo ở Đại học Đông Đô là không thuyết phục”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến phân tích.

“Trách nhiệm quản lý nhà nước ở đâu, quyền tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước. Ở đây chỉ bỏ qua việc quản lý trực tiếp theo kiểu cầm tay chỉ việc thôi. Không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước.

Để xảy ra như vậy thì trong quản lý nhà nước đã sai rồi”, Tiến sĩ Khuyến nêu quan điểm.

Nói về việc xử lý văn bằng 2 trái quy định của trường Đại học Đông Đô và việc xử lý đối với người sử dụng văn bằng 2 của trường này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng:

“Chưa nói đến chất lượng đào tạo văn bằng 2 của trường này đến đâu nhưng vì trường chưa được cho phép đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh nên văn bằng này không có tính pháp lý.

Nguyên tắc không có tính pháp lý phải thu hồi. Không thể công nhận được. Tất cả các văn bằng 2 Tiếng Anh mà Đại học Đông Đô đã cấp khi chưa có phép đào tạo phải hủy hết. Không có chuyện cái hủy, cái không hủy được”.

Đối với người học, dư luận đang lên tiếng về việc nên hay không nên việc công khai danh tính của những người sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh ở Đông Đô và xử lý những người đã học văn bằng 2 ở đại học Đông Đô như thế nào?

Nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: “Đối với người học cũng cần phải xác định có 2 loại người học, người ta học ra học, thì họ là những nạn nhân bị bộ phận lãnh đạo của trường Đông Đô lừa.

Họ không biết, họ đăng ký học, nộp tiền đầy đủ, họ đi học, hoàn thành chương trình học nhưng cuối cùng hóa ra cái bằng mà họ nhận được là cái bằng không có giá trị pháp lý.

Đối với bản thân những người này, sự việc đó có thể coi là bài học đối với họ khi không nghiên cứu kỹ các điều kiện quy định khi chỉ nghe những công bố không chính xác của nhà trường thì phải chịu hậu quả.

Họ là nạn nhân, họ không có tội gian dối. Họ không sai thì không thể nêu tên của họ lên phương tiên thông tin đại chúng

Còn việc thu hồi bằng thì là chuyện rõ ràng, không có chuyện dù anh học thật nhưng bị lừa mà vẫn công nhận bằng đó được.

Việc xử lý những người sử dụng văn bằng 2 tại Đại học Đông Đô như thế nào đang là vấn đề khiến dư luận quan tâm. Ảnh minh họa: Trung Dũng.

Còn lại người mua bằng, khi anh đã biết rõ ràng là sai phạm, anh có sự thông đồng với nhà trường khi biết sai nhưng vẫn làm, học hành láng tráng, cứ đóng tiền nộp xong lấy bằng, những trường hợp này là gian dối.

Đối với các trường hợp này nếu có căn cứ phải xử lý hình sự chứ không chỉ dừng lại việc thu hồi bằng đã được cấp.

Những người này phải công bố danh tính, chẳng có lý do gì phải bao che cho họ. Mà cần nêu ra để nêu gương và có tính răn đe”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Việc xử lý đối với những người học thật nhưng lại bị cấp bằng không có giá trị pháp lý, thầy Khuyến cho rằng:

“Đối với người bị lừa thì có một giải pháp nhân văn nhưng không nhất thiết là bắt buộc.

Nếu cơ quan nhà nước có người sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh tại Đại học Đông Đô mà xử lý nhân văn thì có thể cho những người đó được chấp nhận trải qua quá trình đánh giá, kiểm tra.

Quá trình này có thể giao cho một cơ sở đào tạo tiếng Anh có đủ thẩm quyền đào tạo.

Những cơ sở này họ kiểm tra lại tất cả những nội dung đã được học của văn bằng 2, nếu đạt thì cấp cho họ văn bằng mới, văn bằng mới này do cơ sở mới tiến hành kiểm tra và cấp bằng.

Nếu giải quyết được như vậy sẽ rất nhân văn và đảm bảo cho những người học thật và nạn nhân của một sự việc nghiêm trọng trong giáo dục và đào tạo. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được”.

Lại Cường
CÔNG KHAI DANH TÍNH NGƯỜI DÙNG BẰNG GIẢ TRƯỜNG ĐÔNG ĐÔ CÓ VƯỚNG LUẬT?
LẠI CƯỜNG/GDVN 24-12-2020

Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định trả hồ sơ vụ án "giả mạo công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra bổ sung.

Trước đó, theo kết luận của cơ quan điều tra, đã có 60 người đã sử dụng bằng giả Trường Đại học Đông Đô, trong đó có 55 trường hợp sử dụng xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 01 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sỹ, 01 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 01 trường hợp thi tuyển công chức, 02 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ nhưng 01 trường hợp đã nghỉ việc, 01 trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ.

Việc công khai danh tính những người sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Đại học Đông đô đang có nhiều ý kiến.

Công khai và xử lý nghiêm với ai sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô

Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu, nguyên Ủy viên ban biên tập Tạp Chí Cộng Sản cho rằng, việc ai sai thế nào, sai đến đâu ở Trường Đại học Đông Đô sẽ được cơ quan chức năng giải quyết theo trình tự pháp luật.

Còn đối với người học, Phó Giáo sư Nguyễn Linh Khiếu cho rằng cần phải có cách ứng xử phù hợp với những người học thật, thi thật bởi họ có thể đã bị lừa.

Nói họ bị lừa bởi họ không biết rằng Trường Đại học Đông Đô không được phép tuyển sinh văn bằng 2 Tiếng Anh nhưng họ vẫn ghi danh, học tập như bình thường.

Bản thân họ sử dụng văn bằng 2 đó mà không biết được văn bằng đó vô giá trị nên không thể coi họ có lỗi trong vụ việc này được. Tuy nhiên, việc thu hồi văn bằng không hợp pháp là việc cần phải làm.

Với những người đã sử dụng văn bằng này mà học thật, thi thật thì có lẽ các cơ quan chủ quản cần có cách xử lý hợp lý hơn, giả sử cho họ thời gian để bổ sung lại bằng cấp tương đương trong một khoảng thời gian cụ thể. Việc cấp bằng, chứng chỉ tương đương do cơ quan có thẩm quyền, được phép cấp. Việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ này có giá trị phù hợp từng vị trí mà họ đã sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh của Đại học Đông Đô.

Còn đối với những người biết sai mà cố tình đồng lõa theo kiểu đánh trống ghi danh rồi dùng tiền mua bằng thì đích thị đó là bằng giả. Đây có thể coi là những người đồng lõa với cái sai. Những việc này cơ quan điều tra cần làm rõ và công khai xử lý nghiêm để có tính răn đe.

Việc công khai danh tính những người này, nếu cần thiết thì nên công khai nhưng cần phải phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm xử lý nghiêm những người học giả, sử dụng bằng giả của Trường Đại học Đông Đô, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia cho rằng:

“Trước hết, đối với những người đã sử dụng bằng giả tại Đại học Đông Đô, cơ quan chức năng cần công khai danh tính. Không có gì phải giấu đối với các trường hợp này cả.

Một người làm nghiên cứu khoa học mà gian dối thì không thể chấp nhận được. Đó là chưa nói đến việc, có thể họ chỉ lấy cái bằng Tiến sĩ để tiến thân.

Đó là một việc càng nguy hiểm hơn. Do vậy trước hết cần công khai danh tính đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến xử lý những trường hợp nếu đã cấp bằng Tiến sĩ này.

Các cơ quan mà những người sử dụng bằng Tiến sĩ, cũng cần phải có hình thức xử lý.

Cần phải mạnh tay để làm gương cho những tiến sĩ “rởm” có ý định mua bán bằng với mục đích làm đẹp hồ sơ, tiến thân...

Làm sao có thể chấp nhận những kẻ dùng tiền để mua tri thức sau đó lại xếp ngang hàng với những trí thức thực thụ đổ mồ hôi, công sức trên giảng đường, trong các trung tâm nghiên cứu được.

Một lần làm triệt để sẽ có tính giáo dục, răn đe với những người có ý định mua bán bằng giả”, Tiến sĩ Bùi Văn Nhơn chia sẻ.

Một văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Tiếng Anh của đại học Đông Đô do Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký. Ảnh: VNE

Công khai danh tính những người sử dụng bằng giả có vướng luật?

Cũng có ý kiến cho rằng, việc công khai danh tính những người sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh của Đại học Đông Đô có liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân nên việc công bố cần thận trong nếu không sẽ vướng luật.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng:

Về nguyên tắc theo quy định pháp luật thì bí mật đời tư cá nhân được pháp luật bảo vệ, nội dung này được Hiến pháp và Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể.

Cụ thể bộ luật dân sự quy định như sau:

Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ngoài ra bộ luật dân sự cũng quy định về quyền tự do về hình ảnh như sau:

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì quyền tự do về nhân thân, về hình ảnh của con người được pháp luật ghi nhận bảo đảm và bảo vệ.

Tuy nhiên trong một số trường hợp thì cần phải công khai danh tính, thông tin, hình ảnh của công dân để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, của quốc gia.

Những trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội có thể đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng thì cần phải công khai danh tính để mọi người biết mà phòng tránh.

Còn các trường hợp khác mà chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án thì chưa được coi là có tội, việc sử dụng hình ảnh, thông tin của nghi phạm cần phải thận trọng, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Đối với những người vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý hình sự thì pháp luật chỉ cho phép công khai thông tin hình ảnh của những người phạm có khả năng gây mất an toàn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc phòng, trật tự công cộng.

Còn với các tội phạm thông thường thì không nhất thiết và không được phép được công bố thông tin, hình ảnh của họ.

Việc công bố phải với mục đích là để ngăn ngừa những hậu quả xấu có thể tiếp tục xảy ra, giúp mọi người cảnh giác, giảm bớt những thiệt hại cho xã hội.

Việc thông tin về kết quả xử lý vi phạm do cơ quan có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở yêu cầu, báo cáo của các cơ quan chức năng, trong đó có thể là kết quả xác minh của cơ quan báo chí, quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường nêu.

Với những trường hợp vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính hoặc kỷ luật thì pháp luật hiện nay cũng không quy định chế tài hoặc biện pháp hành chính là công khai danh tính của người vi phạm.

Lại Cường
KHÔNG CÓ LUẬT NÀO XỬ PHẠT 'CÔNG KHAI DANH TÍNH' CẢ
CHU MỘNG LONG/ TD 21-12-2020

Tôi là nhà giáo nhưng không thuộc “chuyên gia” hay “nhà giáo” mà báo chí nói. Tra luật, tôi không hề thấy chế tài nào quy định kẻ phạm tội bị trừng phạt bằng hình thức “công khai danh tính” để răn đe.

Việc “công khai danh tính” chỉ là một thứ nhục hình nằm ngoài luật. Lâu nay người ta thường làm một cách vô pháp với đối tượng là “đĩ điếm”. Báo chí thường phơi mặt các em ra để làm nhục trong sự hả hê của kẻ đê tiện, trong khi những thằng Sở Khanh có chức có quyền đáng bị phơi mặt thì lại giấu kín.

Chuyện mua bằng để leo cao chui sâu và cơ quan công quyền, vào giảng đường đại học không đơn thuần là hạng đĩ điếm cấp cao mà còn là tội phạm nguy hiểm. Bằng cấp với hạng đĩ cấp cao này là thứ son phấn giả tạo bôi trên cái miệng xoen xoét về tinh thần hiến thân cho đất nước, dân tộc, về các loại đạo đức, tư tưởng cao sang. Chúng làm thối cơ quan công quyền và làm nát giảng đường đại học. Chúng gieo rắc thứ bệnh giả đạo đức, giả trí, giả nhân, giả nghĩa. Chúng đã bỏ tiền ra mua bằng cấp thì chúng phải bòn vét tiền của nhân dân, bòn vét người học đến tận đáy quần để bù lỗ và làm lãi.

Như tôi đã nói, dù có là hàng ngàn, sử dụng hay chưa sử dụng thứ hàng giả ấy thì cũng phải đưa ra toà và tống vào tù mới có tác dụng răn đe. Khác với khách hàng ngây ngô mua nhầm hàng dỏm, việc mua bằng cấp chỉ có thể là kẻ có ý đồ, dám móc nối đặt hàng thì mới có chuyện làm bằng giả và bán bằng giả. Đó là tội hình sự nguy hiểm. Loại tội phạm nguy hiểm thì thuộc hạng mặt dạn mày dày, tức đĩ cấp cao, bêu danh thì có nghĩa lý gì?

Cứ đưa hết ra toà và tống tù, danh tính của chúng được ghi vào cái sổ đen của pháp luật chính là đã công khai cho toàn dân biết. Còn nếu đề nghị “công khai danh tính” thôi thì chỉ dọn đường cho chúng mặt dạn mày dày hơn. Tôi nghi các “chuyên gia” hay “nhà giáo” mà báo chí dẫn ra trong bài báo này chỉ là những kẻ có tật giật mình hay ganh ăn tức ở với kẻ đĩ giỏi hơn mình. Thật đấy, vì nói cho trơn mép bất chấp luật pháp thì không phải là trí thức có

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét