Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

20201228. QUANH SỰ KIỆN RA ĐỜI THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC

ĐIỂM BÁO MẠNG

TP.HCM SẼ CHI 7.500 TỶ ĐỒNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THỦ THIÊM
PHONG THUẬN/VNN 25-12-2020

UBND TP.HCM cho biết, nếu được Thủ tướng Chính phủ chính thức chấp thuận, TP sẽ chi nguồn kết dư 7.500 tỷ đồng để giải quyết các tồn đọng tại Thủ Thiêm.

Chiều 25/12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Quận ủy Quận 2 xung quanh tồn đọng tại Thủ Thiêm và đề án thành lập TP Thủ Đức.

Báo cáo vấn đề tại Thủ Thiêm, Quận ủy Quận 2 cho biết, người dân đang lo lắng tình hình đền bù, tái định cư có được giải quyết thấu đáo khi TP.HCM bận triển khai đề án thành lập TP Thủ Đức.

TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm
Phó Chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP sẽ chi 7.500 tỷ đồng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP đã thu 14.000 tỷ từ dự án Thủ Thiêm, đã chi thực hiện hơn 7.000 tỷ, còn lại khoảng 7.500 tỷ. Từ khi có kết luận thanh tra Thủ Thiêm (năm 2018), TP đã ngưng chi khoản tiền này.

Ông Hoan cho biết, TP đã đề xuất với Chính phủ phương án sử dụng nguồn tiền này. Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép và xem phần tiền này là kết dư ngân sách, sử dụng theo thẩm quyền của TP, đúng quy định pháp luật.

“UBND TP đang giao Sở Tài chính thành lập danh mục, báo cáo HĐND TP sử dụng nguồn tiền này đúng quy định khi Chính phủ chính thức cho phép. TP sẽ sử dụng chi ưu tiên những vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm”, ông Hoan nói.

Không để người dân thiệt thòi

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, ngày 25/12, Ban Thường vụ Thành ủy đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM; đồng thời cũng lập một Ban chỉ đạo tiếp tục xử lý những vấn đề bức xúc trong nhân dân, trọng tâm là Thủ Thiêm.

TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu

"Không đặt nặng cái nào, nhẹ cái nào. Việc cấp bách phải làm, không thể chờ xử lý xong cái này rồi mới làm cái kia. Phải xem việc giải quyết quyền lợi của người dân là trọng tâm", ông Nên nói.

Ông Nên cũng bày tỏ sự phấn khởi khi đa số người dân, cán bộ... đều trông đợi vào TP mới Thủ Đức. Tuy nhiên, người dân còn tâm tư về những bất tiện gặp phải khi thành lập đơn vị hành chính mới.

Theo ông Nên, đó là những tâm tư chính đáng, quan điểm của TP là không để cán bộ, công chức, người dân nào thiệt thòi, không để họ bị tác động nhiều trong giai đoạn hình thành, vận hành đơn vị hành chính mới.

Người đứng đầu Thành ủy khẳng định, TP Thủ Đức sau khi hình thành sẽ là hạt nhân tăng trưởng của TP.HCM và cả nước.

"Chúng ta phải chấp nhận buông bỏ cái cũ thì cái mới sẽ đến. Mọi người hôm nay cùng TP chia sẻ những khó khăn để cuộc sống của mình và thế hệ mai sau tốt hơn", ông Nên chia sẻ.

Bí thư Thành ủy đề nghị Quận ủy Quận 2 tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, chăm lo tết, chia sẻ những khó khăn với người dân; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

ÔNG NÊN NGÓ XUỐNG MÀ COI

NGUYỄN THÙY DƯƠNG/ TD 26-12-2020

Trụ sở Liên đoàn lao động Q2-TP.HCM sau khi khánh thành đêm 
25/12/2020. Ảnh: FB tác giả

Theo như các phương tiện truyền thông đại chúng, ngày 31/12/2020 sẽ là ngày thành lập Thành phố Thủ Đức. Ba Quận 2, 9, Thủ Đức sẽ gộp lại thành thành phố Thủ Đức, bãi bỏ 3 quận, chỉ còn phường. Thành phố Thủ Đức là cơ quan hành chính cấp Quận/Huyện (khôi phục lại huyện Thủ Đức cũ trước khi tách 3 quận).

Vậy mà hôm qua, ngày 25/12/2020, tại Quận 2 -TP.HCM, người ta làm lễ khánh thành Liên Đoàn Lao Động Quận 2 – Nhà Văn Hóa Lao Động, hoa hòe, tiệc tùng đủ cả chẳng thiếu một cái gì. Tức là họ làm lễ khánh thành, đãi tiệc khi Quận 2 còn 5 ngày tồn tại.

Còn 5 ngày nữa mà cũng phải ráng làm lễ cho đúng kế hoạch? Xuất tiền cho đúng kế hoạch đề ra một cách máy móc như vậy liệu có quá phung phí hay không? Lễ khánh thành này có thể làm đơn giản tiết kiệm hơn hay không? Thay vì các Liên đoàn lao động của 23 quận/huyện còn lại gửi những lẵng hoa bạc triệu tới chúc mừng, các vị có thể chỉ gửi thiệp mời thôi được không? Tiết kiệm hơn, các vị chỉ cần thông cáo báo chí hoặc đăng một bản tin lên Cổng thông tin thành phố Hồ Chí Minh.

Xây ra cái trụ sở Liên Đoàn Lao Động, tốn bao nhiêu ngân sách? Xây xong còn phải chi ngân sách ăn mừng các kiểu. Tiền ở đâu ra? Đó là chưa kể đến Liên đoàn Lao Động đem lại hiệu quả bao nhiêu khi phải dùng một miếng đất mặt tiền lớn để xây dựng? (trên dưới 1.000 mét vuông).

Ngân sách thành phố Hồ Chí Minh giữ lại được 18% năm, không đủ chi tiêu. Thành phố đang xin Trung Ương cho giữ lại 22% ngân sách để phát triển thành phố tốt hơn. Là một công dân thành phố, tôi mong rằng thành phố có thể giữ lại 36% ngân sách như Hà Nội đã được mới công bằng.

Nhưng ông Nên ngó xuống mà coi, với kiểu tiệc tùng đình đám như vầy, chi tiêu không linh hoạt tiết kiệm như vầy thì có giữ lại 50% ngân sách cũng không đủ. Vì tiền càng nhiều nguy cơ chi hoang phí càng lớn.

Rồi mấy bữa nữa, quý vị có tặng hoa ăn mừng tiếp hiệp 2, khi trụ sở Liên đoàn Lao Động Quận 2 tháo chữ Quận 2 thay bằng chữ Thành phố Thủ Đức hay không? Rồi tháo chữ Quận 2 thay bằng chữ Thành phố Thủ Đức có tốn tiền không? Tiền đó ở đâu ra nếu không phải tiền ngân sách? Nếu là tiền của người lao động đóng quỹ, thì Liên đoàn đã quá khinh bạc tập thể người lao động khi sử dụng tiền bất hợp lý.

Với tinh thần xây dựng, tôi mong ông Nên sớm đưa ra chủ trương dẹp bớt những tiệc tùng chi tiêu bất hợp lý này đi. Quá hoang phí và quá đáng với dân đang chạy ăn từng bữa.

CUỘC TRỐN CHẠY TỘI ÁC VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC
TRẦN KỲ KHÔI/ TD 16-12-2020

Ngày 27/12/2006 thị xã Hà Đông chính thức trở thành thành phố Hà Đông thuộc tỉnh Hà Tây. Tương tự vậy, Thị xã Sơn Tây được công nhận là đô thị loại III năm 2006, được Chính phủ ban hành quyết định thành lập thành phố Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây vào ngày 2/8/2007.

Ngày 1/8/2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân, Đông Xuân thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, TP Hà Đông được sáp nhập vào TP Hà Nội theo đề án mở rộng thủ đô.

Hơn nửa năm sau, ngày 8/5/2009, Chính phủ lại ra nghị quyết cho TP Hà Đông về lại quận Hà Đông và chuyển TP Sơn Tây quay về lại thị xã Sơn Tây trực thuộc TP Hà Nội cho “phù hợp”.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Phú Trọng là chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thiện Nhân là phó Thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc là chủ nhiệm VP chính phủ, Nguyễn Thị Kim Ngân là bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH…

Để rồi hơn 10 năm sau, cũng những cái đầu ấy, cánh tay ấy lại biểu quyết gom ba quận ở thành Hồ, để “đẻ” ra cái thành phố trong lòng thành phố, trong một toan tính kinh hoàng.

Hoạ đồ tổng thể TP Thủ Thiêm. Nguồn: TTXVN

Chỉ trong vòng một năm, với một lập trình nhanh nhất, TP Thủ Đức đã được khai sinh:

– Ngày 23/11/2019: UBND TP.HCM trao giải nhất cho đội Sasaki – Encity về ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía đông.

– Tháng 11/2019, UBND thành Hồ tổ chức thi ý tưởng “đô thị sáng tạo” và ngài bí thư Nguyễn Thiện Nhân quyết liệt thực hiện Khu đô thị sáng tạo ở thành Hồ.

– Ngày 24/4/2020, lập Ban chỉ đạo về xây dựng khu đô thị sáng tạo phía đông gồm 22 thành viên, do chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban.

– Tháng 5/2020, Sở Nội vụ đã có tờ trình phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và bổ sung việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Thiêm thành TP Thủ Đức thuộc thành Hồ.

– Tháng 8/2020, tại buổi làm việc của Ban cán sự Đảng, Chính phủ với Ban thường vụ Thành ủy thành Hồ, ông Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ đề án.

– Ngày 20/09/2020: Sở Nội vụ đề xuất phương án sắp xếp cán bộ, công viên chức nhằm phục vụ cho sát nhập hoặc tách các đơn vị huyện xã giai đoạn 2019-2021.

Đề xuất chọn trụ sở UBND quận 2 (tại phường Thạnh Mỹ Lợi) làm nơi đặt trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức.

– Ngày 3/10/2020, tổ chức cái gọi là “cử tri ba quận 2, 9 và quận Thủ Đức bỏ phiếu”. Kết quả công bố với 85% đồng ý.

– Ngày 12/10/2020: 100% đại biểu HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức và 19 phường vào năm 2021.

– Ngày 10/11/2020: Chính phủ công nhận kết quả thẩm định đề nghị công nhận TP Thủ Đức là đô thị loại 1 trực thuộc thành Hồ.

– Ngày 12/11/2020, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ QH đề án TP Thủ Đức.

– Ngày 9/12/2020: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết đồng ý 100%, hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.

Như vậy là xong, TP mới mang tên Thủ Đức này sẽ có diện tích hơn 211 km2, dân số hơn một triệu người, bằng 10% diện tích và 10% dân số của toàn thành Hồ. Cái được của Đảng và Nhà nước là từ nay địa danh đẫm máu Thủ Thiêm sẽ thuộc về TP Thủ Đức, ai oan khiên cứ về đó mà kêu, thành “ông Hồ” không liên can, hết trách nhiệm, hết ô danh.

Chân dung “tứ đại hung thần” gây nên đại án Thủ Thiêm

Quay trở lại câu chuyện Thủ Thiêm. Lẽ ra, không còn gọi là sai phạm ở Thủ Thiêm nữa, mà đó là tội ác, là đại án Thủ Thiêm. Thế nhưng, nhiều đời Thanh tra Chính phủ đã kết luận nó một cách làm cho có, sơ sài như kiểu “đuổi gà qua đám giỗ”.

Phó tổng TTCP Ngô Văn Khánh được cho là có công giải cứu bọn hung thần và vị kế tiếp Phó tổng TTCP Bùi Công Huấn thì thanh tra lấy lệ. Cả hai được ví là ma đầu, không phải Bao Công.

Ngô Văn Khánh (trên) cùng Bùi Công Huấn (dưới).

Và những văn bản nửa vời…

Cách chức trong quá khứ của Lê Thanh Hải và kỷ luật cảnh cáo Lê Hoàng Quân khi lão đang khui sâm banh trong biệt thự dát vàng, phỏng có ích gì? Câu hỏi tại sao lãnh đạo cấp cao của Đảng và lãnh đạo kế nhiệm thành Hồ không dám làm sáng tỏ “đêm đen” ở Thủ Thiêm, nơi mà lãnh chúa Hai Nhựt và lũ đàn em gây nên tội ác tày trời?

Thủ Thiêm nơi chứa tội ác cao như núi, nơi án chồng án, sai phạm chồng lên sai phạm và tội ác được bao che. Thủ Thiêm với bàn tay của nhóm tư bản thân hữu, cấu kết với bộ sậu côn đồ đội lốt quan chức chính quyền thành Hồ để ăn cướp, ước tính gần 40 tỷ đô la tài sản đất đai của dân. Tinh hoa của Đảng đã biến dân lành thành người vô gia cư, sống ăn xin, vật vờ như những bóng ma.

Không ít người dân Thủ Thiêm trong suốt hai mươi năm qua khóc cạn nước mắt, đã phải tự sát, hóa điên vì bị bắt bớ giam cầm, quy tội chống đối, phản động, thế lực thù địch giật dây… khi không chịu giao đất cho các quan.

Người dân cho rằng, những hung thần thành Hồ trong đó có đàn em Võ Văn Thưởng, cùng ngài “tổng đốc” Nguyễn Thiện Nhân đã hỗ trợ, bịt miệng báo chí và thoát chết ngoạn mục. Số quan chức từng lãnh đạo quận 2, nay vẫn đương nhiệm với ghế cao hơn, đã dùng tiền bất chính mua chuộc, hối lộ cơ quan chấp pháp trung ương, để vụ việc chìm xuồng.

Kinh hoàng hơn, bọn họ toa rập cùng ngài bí thư thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân tham mưu với Bộ Chính trị, dùng kế “kim thiền thoát xác” xoá địa danh Thủ Thiêm ra khỏi thành Hồ.

Suốt 23 năm tham chính, trên mình có đủ các văn bằng của các đại học danh giá trên thế giới, trải qua đủ chức danh và vị trí quyền lực, nhưng Nguyễn Thiện Nhân chẳng để lại chút dư âm âm gì. Cái mà ông Nhân làm được, là đưa cha ruột mình, một nhân vật không phải khai quốc công thần, chưa từng vào Uỷ viên Trung ương, cũng không phải học giả tên tuổi, lên đỉnh cao để vinh danh:

– Năm 2010, ra đời “Quỹ học bổng GS Nguyễn Thiện Thành” xài bằng tiền ngân sách, thành lập theo Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 08/02/2010 của UBND tỉnh Trà Vinh.

– Năm 2014, UBND tỉnh Trà Vinh đổi tên trường PTTH chuyên Trà Vinh sang tên THPT Nguyễn Thiện Thành.

– Năm 2015, HĐND tỉnh Trà Vinh đặt tên Nguyễn Thiện Thành, tuyến đường có điểm đầu từ cầu Long Bình 2 đến Ngã ba quốc lộ 53.

– Ngày 9/12/2020, HĐND TP.HCM khóa XI, đồng ý theo tờ trình của UBND thành Hồ, đặt tên Nguyễn Thiện Thành cho đường tuyệt đẹp ven sông Sài Gòn (R3) dài gần 2,8 km.

Nguyễn Thiện Nhân trong lễ gắn biển tên cha mình tại Trà Vinh. Nguồn: THTV

Đảng cộng sản muốn thành phố Thủ Đức sẽ khép lại tội ác ở Thủ Thiêm, thanh danh “thành ông Hồ” không gắn với địa danh đẫm máu và nước mắt.

Bộ Chính trị từng biểu quyết thống nhất cao, xoá tên một tỉnh gần 3 triệu dân, nổi tiếng với văn vật xứ Đoài ra khỏi bản đồ quốc gia như Hà Tây.

Có thể một ngày nào đó, họ sẽ xoá vĩnh viễn cái tên Thủ Thiêm hay Đồng Tâm để những ai có lương tri sẽ quên hẳn tội ác gắn liền ở đó.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét