Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

20201223. QUANH VẤN ĐỀ 'TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT'

 ĐIỂM BÁO MẠNG
NGUYÊN PHÓ BAN TỔ CHỨC T.Ư NÓI VỀ 'TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT'
QUANG PHONG / DT 21-12-2020

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Dân trí

 Theo ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, "trường hợp đặc biệt" có vai trò dẫn dắt thế hệ trẻ và chèo lái công cuộc kiến thiết nước nhà.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương có cuộc trao đổi với PV Dân trí sau khi Hội nghị Trung ương 14  vừa kết thúc.

- Theo ông, đâu là những điểm nổi bật, được quan tâm nhất trong Hội nghị Trung ương 14 vừa qua?

- Phải khẳng định, việc chuẩn bị cho Đại hội XIII sắp tới với các báo cáo chính trị, kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và đặc biệt là công tác nhân sự... được làm kỹ lưỡng, bài bản. Trung ương đã làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương. Quy hoạch ấy được công bố và xem xét tại Hội nghị Trung ương.

Vấn đề xây dựng Đảng được đề cập rất kỹ, viết rất tỉ mỉ. Hay công tác Đảng đề cập kỹ càng hơn trước, tinh thần dân chủ cũng được mở rộng hơn. Việc đề xuất nhân sự vào Trung ương và cấp cao hơn được triển khai khá kỹ lưỡng và dân chủ. Qua các Hội nghị, cơ cấu, số lượng nhân sự Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tiến hành qua từng khâu, từng bước.

Nhân sự nhiệm kỳ tới được chia làm ba độ tuổi để bảo đảm tính kế thừa. Trong đó, độ tuổi trên 60 tuổi là thế hệ từng trải, có nhiều kinh nghiệm. Còn lớp 50 - 60 tuổi là số đông, những người đã kinh qua công tác lãnh đạo ở địa phương. Một số ít khoảng 10% là trên dưới 40 tuổi, phần lớn trong số này là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

- Ba độ tuổi trong Trung ương và "trường hợp đặc biệt" xuất phát từ thực tiễn nào, thưa ông?

- Những người từng trải có nhiều kinh nghiệm, còn sức khỏe, trí tuệ, minh mẫn, rất tốt cho sự nghiệp cách mạng. Còn "trường hợp đặc biệt" có vai trò dẫn dắt thế hệ trẻ và chèo lái công cuộc kiến thiết nước nhà. Thế hệ cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi phải là số đông. Họ là những Bí thư cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng. Độ tuổi này đóng vai trò nòng cốt.

- "Trường hợp đặc biệt" sẽ được giới thiệu như thế nào vào Trung ương và Bộ Chính trị, thưa ông?

- Tôi được biết, Đại hội tới đây cũng xem xét đến "trường hợp đặc biệt". Nhưng "trường hợp đặc biệt" phải đến Hội nghị Trung ương 15 mới xem xét. Trong số những người được giới thiệu vào Trung ương, Bộ Chính trị sẽ có một vài người quá tuổi trong diện đặc biệt. Khi ra Đại hội, Ban Tổ chức Trung ương sẽ có giải trình, đề nghị tiếp tục đưa vào danh sách một số trường hợp tuy tuổi cao nhưng sức khỏe còn tốt, trí tuệ còn minh mẫn, không có điều tiếng gì.

Nhiệm kỳ này có 4 trường hợp đặc biệt, trong đó, trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ba trường hợp đặc biệt trong Ban Chấp hành Trung ương gồm các ông: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ và Bùi Văn Nam.

- Nhiệm kỳ 2015-2020 sắp kết thúc, ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về những "trường hợp đặc biệt"?

- Trường hợp đặc biệt là Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ này được nhân dân và dư luận xã hội khen ngợi, đánh giá rất cao. Tổng Bí thư là người đức độ, gần gũi với nhân dân, người thân cũng chẳng hề điều tiếng gì. Tổng Bí thư có sự tín nhiệm cao trước Đảng và nhân dân. Với một số trường hợp khác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cũng không có điều tiếng gì trong nhiệm kỳ 5 năm qua.

- Trong nhiệm kỳ này có rất nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, thi hành kỷ luật. Điều này do quá trình làm công tác nhân sự chưa được tốt hay những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường làm cho một số cán bộ không giữ được mình dẫn đến tự chuyển hóa, biến chất?

- Thực tế, dù làm tốt công tác nhân sự đến mấy cũng không tránh khỏi diễn biến của tình hình. Hôm nay anh ta là người tốt, biết đâu vài ba năm tới anh ta sẽ sa ngã vì tiền bạc, địa vị, tài sản… Mọi thứ có thể thay đổi trong quá trình công tác của mỗi người, đặc biệt diễn biến của kinh tế thị trường thường tác động mạnh lắm. Khi làm nhân sự cũng đề phòng đấy, nhưng không thể tránh hết được.

Khắc phục điều này, phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, từ đó mới phát hiện ra vi phạm và xử lý kịp thời. Các cơ quan chuyên trách của Đảng và Nhà nước như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Thanh tra Chính phủ phải luôn hoạt động tốt, giúp cơ quan cấp cao xem xét, nắm bắt tình hình cán bộ. Có thành tích thì biểu dương, khen thưởng, đề bạt, có khuyết điểm thì phê bình nghiêm khắc, vi phạm phải xử lý nghiêm minh.

Đồng thời phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Có thể tranh thủ ý kiến nhân dân từ nơi cư trú và các cơ quan đoàn thể, nơi thường có mạng lưới thông tin hữu ích.

- Theo ông, tiêu chí nào quan trọng nhất để lựa chọn nhân sự?

- Đúc kết lại một cách cô đọng nhất trong công tác nhân sự vẫn xoay quanh hai yếu tố đức và tài. Trong đó đức là số một, quan trọng nhất, bao gồm phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cá nhân, mối quan hệ của cán bộ với nhân dân. Còn tài là kiến thức cách mạng, kiến thức xã hội, chuyên môn, nghề nào bằng cấp ấy… rồi phong cách làm việc của anh, có dân chủ không, có sâu sát không?

- Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)

HỘI NGHỊ TƯ14: BAO GIỜ ĐẢNG CÔNG KHAI HƠN VỀ NHÂN SỰ?

BBC 19-12-2020

Đã có nhiều thay đổi về nhân sự ở Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 từ khi bế mạc Đại hội XII của ĐCSVN tới thời điểm cuối khóa hiện nay

Hội nghị Trung ương 14 khóa XII của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc hôm 18/12 tại Hà Nội, tuy nhiên kết quả về diễn tiến nhân sự còn chưa tường minh và công khai với nhân dân và cán bộ, một ý kiến từ giới quan sát thời sự và chính trị Việt Nam nói với BBC ngay sau phiên họp kết thúc.

Các danh sách và thông tin liên quan đến nhân sự sát đại hội đã có, nhưng đảng vẫn chưa muốn công bố với công chúng và cán bộ, nhân dân, mặc dù một số thông tin được thảo luận không chính thức ở bên ngoài hội nghị có thể có một số phản ánh dường như đúng với tình hình trong hội nghị, một ý kiến khác từ Hà Nội trong giới phân tích chính trị nói với BBC News Tiếng Việt cũng trong dịp này.

Trước hết, từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nghiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển nói với BBC ngay sau khi được tin Hội nghị 14 kết thúc.

"Điều đầu tiên có thể nói là đã có những câu hỏi đặt ra và nghe thấy ở trong công luận rằng tại sao ban lãnh đạo của đảng và nhà nước, Ban chấp hành Trung ương, lại không thể công bố công khai những thông tin về nhân sự được bàn thảo, giới thiệu, thậm chí biểu quyết v.v... và các phương án sau hội nghị này cũng như trong suốt quá trình.

"Đảng vẫn nói là đảng công khai, minh bạch và dân chủ, đảng lại là lực lượng lãnh đạo của một nhà nước của dân, do dân và vì dân, và đảng nhận là từ trong dân và ra và vì nhân dân mà phục vụ, thì ngại gì mà không công bố cho nhân dân biết việc làm nhân sự, chọn lựa nhân sự này trong mọi bước một cách minh bạch, công khai? Hay là đảng sợ dân biết, dân bàn, dân tham gia "làm" và dân kiểm tra?

"Trả lời những câu hỏi này mà tôi cho là cũng không phải là không có lý của công luận, thì tôi có thể nói rằng đảng dường như vẫn còn theo truyền thống cũ đó là còn giữ nhiều bí mật trước quần chúng, nhân dân và thậm chí với cả cán bộ.

"Tôi cho rằng tới đây, đảng nên có dũng khí để đổi mới nhiều khâu, mặt trong các công tác đảng và lãnh đạo của mình, trong đó nên có những thay đổi như về dân chủ hóa và minh bạch, cái đó theo tôi chỉ có giúp cho đảng có lợi hơn vì sẽ được quần chúng tin tưởng hơn, thay vì là tiếp tục theo cách làm cũ.

"Tôi có nghiên cứu các dự thảo văn kiện của đảng chuẩn bị cho Đại hội 13 lần này, và tôi thấy cũng đã có những thay đổi nhất định, chẳng hạn như cách nhìn được trình bày trong các dự thảo thể hiện cách hiểu có thể đã thay đổi về Chủ nghĩa tư bản.

"Tôi rà soát các văn bản và dường như không thấy có nhắc nhở hay phê phán gì tới chủ nghĩa tư bản như cách thức trước đây thời chiến tranh và chiến tranh lạnh vẫn làm, mà người ta có chăng thì nhắc tới nền kinh tế thị trường v.v...

"Như thế là đã có dấu hiệu của thay đổi nhất định, và tôi hiểu là thay đổi, cải cách thì đôi khi có thể cần đi theo từng bước, nhưng về công khai, minh bạch như công luận đặt ra ở hội nghị này và cả từ trước đó, tôi nghĩ là đảng nên sớm suy nghĩ và làm.

"Một điểm thứ hai tôi muốn nói là thông báo của đảng về Hội nghị loan rộng rãi trên truyền thông khẳng định rằng Trung ương đã "thống nhất rất cao" về vấn đề nhân sự cấp cao lần này, tức là liên quan cả nội dung giới thiệu ứng cử viên để Đại hội 13 tới đây bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

"Tôi cũng thấy báo chí giật tít nói sẽ có hội nghị 15 và tại hội nghị đó sẽ có thêm công bố, vậy tôi đặt ra một câu hỏi là đã nhất trí và thống nhất rất cao ở hội nghị 14 rồi, thì tại sao còn cần hội nghị Trung ương 15, hay ở đây chỉ là nhất trí và thống nhất cao ở một số nội dung nào đó, còn có thể nội dung hệ trọng hay quyết định then chốt nào đó thì chưa? hay là còn phải đợi? Và tôi xin nhắc lại là vì đảng chưa công khai, nên người dân và các giới, kể cả giới quan sát và phân tích rất khó có thể có thông tin để mà biết chưa kể là để theo dõi, để tư duy v.v...", PGS Phạm Quý Thọ nói với BBC từ quan điểm riêng.

Cũng trong dịp này, từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam bình luận với BBC:

"Người ta thực ra là đã có các danh sách và các thông tin cụ thể liên quan tại Hội nghị rồi đấy, nhưng người ta chưa muốn nói ra, công khai ra, thực tế ra là có người cũng có thể nói được về những thông tin đó, nhưng nói ra như thế sẽ rất khó, vì có thể người ta sẽ bị hỏi và truy vấn để lần ra là có thông tin từ đâu, như là có một số bản danh sách nào đó thấy mới xuất hiện ra ngoài mà được người ta cho là có thể "đúng" hay "chính xác"...

"Tuy nhiên, theo những gì mà giới quan sát nghiên cứu và biết được thì cũng đã nhiều sơ đồ, kịch bản về nhân sự cấp cao, đặc biệt là cho tứ trụ, nhưng khó nhất vẫn là dự đoán cho chức Tổng Bí thư...

"Mọi người cũng biết là ông Nguyễn Phú Trọng rất ủng hộ ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, làm Tổng Bí thư, đấy là một khả năng,

"Thế nhưng mà cũng có những đề xuất nói rằng ngoài ông Vượng ra thì cũng có thể đề xuất ông Nguyễn Xuân Phúc làm Tổng Bí thư.

"Chức Chủ tịch nước thì nếu trường hợp trong những người quá tuổi, như là ông Trương Hòa Bình có thể ra ứng cử, nếu như người ta đồng ý cho ông ấy vào trường hợp đặc biệt.

"Còn chức vụ Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội thì sao? Về ghế Thủ tướng Chính phủ thì ví dụ nếu như ông Trần Quốc Vượng đã được đề cử làm Tổng Bí thư, thì có khả năng người ta sẽ đề xuất là ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là trường hợp đặc biệt tái ứng cử vào Bộ Chính trị khóa tới để làm Thủ tướng, đấy là một khả năng lớn.

"Tôi không thấy một khả năng lớn nào khác cho chức Thủ tướng cả và đấy là cá nhân góc nhìn của tôi, tôi không thấy.

"Bấy lâu nay người ta dự đoán rằng có khả năng là bà Trương Thị Mai có thể trở thành Chủ tịch Quốc hội, thế nhưng cũng có thông tin, cũng có người dự báo và nói rằng là có thể bản thân bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có thể được đưa vào danh sách gọi là trường hợp đặc biệt, tức là quá 65 tuổi vẫn ở lại Bộ Chính trị và vẫn ở lại thì là sẽ làm tiếp Chủ tịch Quốc hội."

Khi được hỏi nếu trong trường hợp trở thành trường hợp đặc biệt, ông Nguyễn Phú Trọng có thể tái cử một lần nữa vào chức Tổng Bí thư hay không, hay đảm nhiệm chức vụ nào và nếu như vậy thì sẽ lưu lại bao lâu (một năm, hay nửa nhiệm kỳ) hay toàn khóa, nếu không phải toàn khóa, thì có thể được thay thế ra sao, bởi ai, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đáp:

"Câu hỏi này theo tôi nó thú vị ở chỗ này, bây giờ điều quan trọng nhất ở Việt Nam là việc cả đất nước phải chú ý đến chuyện xây dựng kinh tế và giữ gìn, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

"Do đó vai trò của lực lượng vũ trang, đặc biệt của quân đội là vô cùng quan trọng - vừa bảo vệ đất nước, vừa bảo vệ đảng Cộng sản Việt Nam, thế thì nếu trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù đã làm hai khóa, mà có đề cử ở lại thêm, tức là rơi vào trường hợp đặc biệt, nếu có xảy ra như thế, thì có thể ông sẽ vẫn làm Tổng Bí thư, nhưng sẽ không làm lâu, mà có thể ông làm một thời gian ngắn thôi, rồi ông sẽ chuyển giao cho một người khác.

"Vì sao như thế? Theo tôi là bởi vì vấn đề sức khỏe và thứ hai là do vấn đề Tổng Bí thư có một chức vụ rất quan trọng, ngoài chức lãnh đạo cao nhất của đảng ra, đó là Tổng Bí thư còn là Bí thư quân ủy Trung ương.

"Nhưng bí thư quân ủy Trung ương rất khó bàn giao cho một người nào đó mà sẽ thay ông Trọng làm Tổng Bí thư ở trong khóa 13, mà cũng có thể người ta sẽ đề xuất ông ở lại thêm một thời gian nào đó, có thể là một năm chẳng hạn, để rồi khi mà chín muồi về điều kiện bàn giao, thì ông sẽ bàn giao lại chức vụ Tổng Bí thư cho một người mà Ban chấp hành Trung ương mới của đảng thấy là có đủ năng lực và uy tín để làm Tổng Bí thư của khóa 13. Thì đấy theo tôi là một khả năng lớn, không loại trừ...

"Nhân đây, tôi nói thêm rằng tôi thấy nếu ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, mà thật là khỏe, thì ông vẫn có thể ở lại làm một chức vụ khác, không phải là chức Bộ trưởng, đấy là ý kiến cá nhân của tôi như thế.

"Bởi vì chức Bộ trưởng Quốc phòng trong tình hình hiện nay mà nói, ngoài những vai trò của một nhà lãnh đạo chính trị trong quân sự, nó còn đòi hỏi một tiêu chuẩn nữa là tiêu chuẩn gọi là chỉ huy tác chiến, thì có lẽ là nếu ông Lịch ở lại, có khi ông làm một chức vụ khác quan trọng hơn, ví dụ như Chủ tịch nước hay là như thế nào đấy thì hơn là ở lại thêm một khóa nữa làm Bộ trưởng Quốc phòng.

"Đấy là trong trường hợp ông ấy khỏe và đủ tín nhiệm, nhưng đây chỉ là một phỏng đoán và chúng ta có lẽ sẽ phải chờ tới sau Hội nghị 15, rồi chắc chắn nhất là tới bế mạc Đại hội 13 để có thông tin rõ nhất về toàn bộ dàn lãnh đạo của đảng CSVN trong nhiệm kỳ tới," nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas-Singapore) bình luận với BBC News Tiếng Việt trên quan điểm cá nhân.


HỘI NGHỊ TƯ14: 'NHẤT TRÍ RẤT CAO' VỀ NHÂN SỰ BỘ CHÍNH TRỊ, CHƯA BÀN 'TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT'
BBC 18-12-2020


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể được coi là trường hợp đặc biệt thứ ba (ảnh minh họa)


Sáng 18/12, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành trung ương đã họp phiên bế mạc. Vấn đề nhân sự cấp cao cho khóa 13 được dư luận quan tâm đặc biệt và cũng là nội dung hội nghị lần này.

Đảng Cộng sản thông báo Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, kết thúc sớm hơn hai ngày so dự kiến".

Theo TTXVN, tại Hội nghị, Trung ương đã thảo luận "dân chủ, kỹ lưỡng", bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia hai cơ quan lãnh đạo này.

'Nhất trí cao'

Ban chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định tại hội nghị Trung ương 15 sắp tới, TTXVN cho biết.

Trong khi đó, cũng trong thời điểm này, trên mạng chia sẻ một danh sách được cho là tỷ lệ ủng hộ vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ tới. Theo danh sách này, ông Lê Minh Hưng, sinh năm 1970 - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, dẫn đầu danh sách với 150 phiếu ủng hộ, chiếm 87%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chỉ nhận được 96 phiếu, chiếm 56%.

BBC được cho biết danh sách này lộ ra này là khả tín, nó chỉ bao gồm các trường hợp ủy viên trung ương đảng được giới thiệu mới lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư để hội nghị 14 bỏ phiếu thăm dò.

Ngoài ra, Hội nghị 14 đã bỏ phiếu ra sao về các ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm cũng như các thành viên Ban Bí thư hiện nay, thì chưa rõ cụ thể.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự "theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới".

Vào đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị khóa XII gồm 19 ủy viên, đến nay còn 17 ủy viên. Trong đó, ông Trần Đại Quang đã qua đời khi còn là Chủ tịch nước (tháng 9/2018); ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị (tháng 5/2017), hiện đang ở tù. Trong số 17 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, riêng ông Đinh Thế Huynh đã thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư, nghỉ chữa bệnh (từ tháng 3/2018) và trên thực tế đã không còn hoạt động chính trị nữa.

Ngoài vấn đề nhân sự, vấn đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng được đặc biệt coi trọng.

Phát biểu tại hội nghị 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: "Tình trạng tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và có thuyên giảm".

Ông cũng nêu rõ, "nhiều vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm đặt ra và thực hiện từ nhiều năm trước nhưng hiệu quả thấp, nhiệm kỳ này đã đạt kết quả quan trọng".

Cũng tại hội nghị 14, Ban Chấp hành trung ương đã xem xét tờ trình của Bộ Chính trị và nhất trí cao quyết định thi hành kỷ luật khai trừ đảng đối với ông Nguyễn Đức Chung, ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, nguyên phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 "do đã mắc phải những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng". Ngày 11.12 vừa qua, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt ông Chung 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".

Hội nghị 14 'vẫn chưa bàn trường hợp đặc biệt'

BBC được biết rằng tại Hội nghị 14, rốt cuộc Trung ương Đảng vẫn chưa bàn về 'trường hợp đặc biệt' mà phải đợi sang hội nghị tiếp theo.

Hồi tháng 10, ông Lê Quang Vĩnh, trợ lý thường trực Ban Bí thư, cho báo chí biết tại hội nghị 13, có 119 người được giới thiệu tái cử vào Ban Chấp hành trung ương khóa tới, trong số này cũng có những người quá tuổi, nhưng Ban Chấp hành trung ương chưa xem xét, kết luận. Việc xem xét các trường hợp đặc biệt sẽ tiến hành ở Hội nghị T.Ư 14 và các hội nghị T.Ư tiếp theo.

Theo kết luận của Bộ Chính trị về công tác nhân sự, độ tuổi tái cử ủy viên Ban Chấp hành T.Ư chính thức tới thời điểm Đại hội XIII năm 2021 là không quá 60 tuổi với ủy viên T.Ư và không quá 65 tuổi với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Độ tuổi tham gia T.Ư lần đầu là không quá 55.

Trước đó, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với BBC, ông được biết trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn nhiều tranh luận và các ý kiến về các phương án nhân sự cấp cao khác nhau. Do đó, ông cho rằng thông tin từ Hội nghị Trung ương này sẽ giúp "giải tỏa" thêm phần nào các câu hỏi đặt ra từ đó, đặc biệt liên quan các "trường hợp đặc biệt."

"Hiện còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ trong suốt thời gian vừa qua mà tôi được biết và rõ ràng nhất chúng ta biết là bây giờ sẽ có trường hợp đặc biệt. Nhưng theo tôi hiểu sẽ vẫn có nhiều phương án khác nhau và bây giờ câu hỏi quan trọng là xác định trước tiến có bao nhiêu trường hợp đặc biệt".

"Theo và về nguyên tắc, đáng lẽ ra trường hợp đặc biệt chỉ dành cho vị trí Tổng Bí thư như chúng ta đã thấy, như trong nhiệm kỳ Đại hội 12 vừa rồi, ông Nguyễn Phú Trọng được xác định là trường hợp đặc biệt và không có trường hợp đặc biệt nào khác ngoài ông Trọng.

"Tuy nhiên, ở kỳ lần này lại có nhiều ý kiến khác nhau tại vì vị trí Tổng Bí thư được cho là dành cho ông Trần Quốc Vượng, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng có thể có những ứng cử viên khác mà có thể có sự cạnh tranh cho vị trí này.

"Trường hợp thứ ba là ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng có ý kiến cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay mới 66 tuổi và cũng mới nắm vị trí Thủ tướng một nhiệm kỳ, do đó ông cũng đủ điều kiện để xem xét là trường hợp đặc biệt, bởi vì ông vẫn còn sung sức và ông đã thể hiện khá tốt vừa rồi trong cương vị Thủ tướng ở nhiệm kỳ hiện nay.

"Bởi vì nếu nhiều trường hợp đặc biệt quá, bản thân trường hợp ấy sẽ không còn được gọi là "đặc biệt" nữa, do đó mà vẫn còn những tranh luận, những đề xuất khác nhau và chúng ta cũng cần xem xét xem kết quả cuối cùng như thế nào, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp kết luận.

Hiện nay, ngoài ông Nguyễn Phú Trọng, nhiều nhân sự cấp cao như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… đều đã quá tuổi tái cử vào Bộ Chính trị. Con đường duy nhất để những người này duy trì vị trí ở nhóm quyền lực cao nhất của đảng là cơ chế "trường hợp đặc biệt".

DÀN XẾP TRONG BÓNG TỐI, ĐẢNG ĐANG 

CHỐNG LẠI CHÍNH MÌNH

PHAN THẾ HẢI/ TD 21/12/2020

Sáng sớm vừa mở mắt ra mình nhận được cuộc gọi, rằng chú đang ở Hà Nội, Hội nghị Trung ương 14 kết thúc, chuyện nhân sự kỳ này sắp xếp ra răng? Ai đi, ai ở, ai là trường hợp đặc biệt, ai vào BCT… vân vân và mây mây.

Rằng, bác là đảng viên kỳ cựu, huy hiệu 40 năm tuổi đảng, đảng của bác bàn thảo với nhau, bác không biết, sao lại hỏi em. Chuyện này nghe có vẻ sai sai thế nào ý, hay bác lại “xỏ” em.

Đã bao lần, cụ Tổng lên truyền hình vẫn leo lẻo rằng: Đảng là công bộc, là đầy tớ của dân, đảng công khai, minh bạch và dân chủ, đảng lại là lực lượng lãnh đạo của một nhà nước của dân, do dân và vì dân… Vậy mà “đầy tớ” nó bàn chuyện gì dân điếu biết, nó sắp xếp ghế, nó chia chác quyền lực, âm thầm trong bóng tối, “ông chủ” không biết. Tệ hơn thế, đảng viên cũng không biết lại phải đi hỏi thằng quần chúng như em…

Thời chiến tranh, chuyện này còn có thể biện minh rằng “bí mật” để che mắt địch, để đánh lừa đối phương… nay chiến tranh chấm dứt ngót nửa thế kỷ, đảng vẫn khư khư giữ cách làm ấy. Đảng vẫn nói rằng: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… dân thụ hưởng” nhưng đó là chuyện cày bừa mang vác, còn chuyện ở chốn cung đình thì mỗi đảng độc quyền dàn xếp, chia chác, coi dân chỉ như đàn cừu.

Thi thoảng báo chí đưa tin rằng: Vụ Vinashin thua lỗ từng đấy ngàn tỷ, vụ Vinaline thất thoát từng đấy ngàn tỷ, vụ Gang thép Thái Nguyên mất hơn chục ngàn tỷ… rồi bao nhiêu cái đại dự án, tiền thuế của dân rơi rụng nghe mà xót ruột. Rồi chuyện anh Tất Thành Cang vướng sai phạm, anh Chung ra tòa, anh Thăng vướng lao lý… đều cỡ một số ngàn tỷ cả. Những nhân sự này dân có được bầu hay vẫn là đảng dàn xếp, chia chác với nhau!?

Thật bi kịch khi dân đã chán chuyện nước mình quay sang vỗ tay cho cuộc bầu cử ở bên kia bán cầu. Sau một nhiệm kỳ kết thúc, chính trường nước người họ có thể công khai gạch đầu dòng rằng anh Trump làm được từng đấy việc, thành công từng đấy việc và thất bại từng đấy việc. Chuyện sai anh phải chịu điều tra, phải truy tố, chuyện đúng dân khen… căn cứ vào đó để có thể tiếp tục bầu cho anh hay không…

Dân rất thông cảm cho đảng rằng, qua hai cuộc kháng chiến, khốc liệt và gian khổ, đối mặt với những thế lực thù địch mạnh hơn mình nhiều lần, phải bí mật, phải đồng lòng mới dành được chiến thắng. Chiến tranh kết thúc đã lâu, đất nước đã chuyển sang một trạng thái khác, người dân cũng khôn ngoan lên nhiều, họ có thể tham gia vào mọi công đoạn trong quá trình xây dựng, tái thiết đất nước nhưng đảng vẫn không chịu chia sẻ quyền lực cho dân.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… dân thụ hưởng” – Khẩu hiệu đó rất hay, rất đúng nhưng phải thật lòng, phải đưa những điều đó đi vào thực tiễn. Không nên vì quyền lợi của mình mà khất lần, mà dây dưa với nhiều lý lẽ ngụy biện. Dưới chiêu bài “bí mật” là lá chắn tốt nhất để chia chác, để giàn xếp.

Thị trường quyền lực sẽ trở nên minh bạch hơn, lành mạnh hơn khi được dân tham gia, giám sát. Nếu cán bộ được dân bầu, dân tự tay bỏ lá phiếu họ sẽ vì dân, hết lòng vì lợi ích của dân. Dân được tự tay mình lựa chọn người đại diện họ sẽ có trách nhiệm hơn với đất nước mà không thờ ơ, vô cảm.

Từ bỏ độc quyền, độc tài là điều không dễ nên phải dũng cảm. Nếu đảng thực tâm muốn chấn hưng đất nước, chiến thắng giặc đói nghèo, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc không có cách nào khác phải dũng cảm chia sẻ quyền lực cho dân.

Để làm được điều đó phải dân chủ hóa, minh bạch và thật lòng. Người dân đủ thông tin, đủ khôn ngoan để có thể đặt niềm tin vào đảng và đó là cách để đảng có thể đặt ách cai trị của mình một cách lâu dài.

VŨ ĐỨC ĐAM VÀ ĐÀO NGỌC DUNG, HAI KHUÔN MẶT, MỘT CON ĐƯỜNG

PHẠM VŨ HIỆP/ TD 19-12-2020

Vũ Đức Đam sinh ngày 3/2/1963, quê tổng La Ngoại, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương nay là xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình nghèo. Ông vốn học rất giỏi và giành được học bổng du học tại tại Université iinn de Bruxelles (Vương quốc Bỉ) năm 1982.

Vũ Đức Đam có học vị Tiến sĩ kinh tế từ năm 1994; thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.

Những chức vụ mà Vũ Đức Đam luôn chứng tỏ khả năng và thực lực trong qua các trọng trách như: Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Thứ trưởng Bộ bưu chính viễn thông; Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP chính phủ và Phó Thủ tướng.

Chân dung Vũ Đức Đam. Ảnh trên mạng

Vợ Vũ Đức Đam là Đinh Đào Ánh Thuỷ, sinh 1965, quê Bắc Ninh. Thuỷ là Tiến sĩ kinh tế, hiện là Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế đầu tư của Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Hoạn lộ của Vũ Đức Đam ban đầu hanh thông, sau chững lại. Ông vào Uỷ viên Trung ương dự khuyết khoá X, Uỷ viên Trung ương khoá XI, XII.

Tháng 1/2016, nhiều người nghĩ, suất vào Uỷ viên Bộ Chính trị dành cho Vũ Đức Đam. Nhiều hãng thông tấn báo chí nước ngoài cũng dự đoán Vũ Đức Đam sẽ tiến xa, có thể đứng đầu chính phủ trong tương lai gần.

Thế nhưng, trước đó liên minh Tô Huy Rứa – Nguyễn Tấn Dũng quá mạnh, đã kéo những kẻ lắm tiền như tướng công an Phạm Minh Chính, từ Bí thư Quảng Ninh (kế nhiệm Vũ Đức Đam) về Ban tổ chức Trung ương, để quy hoạch vào Bộ Chính trị với ghế Trưởng BTC Trung ương, đưa Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng cùng vào Bộ Chính trị. Phe. Nguyễn Phú Trọng – Tư Sang giành hai suất Uỷ viên BCT trong chính phủ cho Vương Đình Huệ và Trương Hoà Bình. Hết ghế, Vũ Đức Đam trắng tay.

Dễ hiểu, vì Đam là nhân vật hiếm hoi trong guồng máy của đảng, tiến thân bằng thực lực của mình, với “ba không”: Không bỏ tiền chạy chức chạy quyền, không phe cánh và không có đại ca đỡ đầu.

Sau đại hội XII, tuy được bổ nhiệm Phó thủ tướng, nhưng Tiến sĩ kinh tế Vũ Đức Đam lại được giao phụ trách mảng văn xã (Văn hoá, y tế, giáo dục). Miếng bánh ngon, người ta giành hết phần nhân ngon nhất, góc cạnh đến vất vả họ lại giao cho ông.

Không than vãn, không so bì, Đam chấp nhận, lặng lẽ và làm hết trách nhiệm của mình. Không những nhiều cựu Uỷ viên Trung ương quý trọng ông, mà tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên luôn dành cho Vũ Đức Đam sự ngưỡng mộ.

Một số hình ảnh Vũ Đức Đam với thanh niên, sinh viên

Khi vụ án VN Pharma lộ ra chuyện gia đình Bộ trưởng bộ Y tế (BYT) Nguyễn Thị Kim Tiến buôn thuốc ung thư giả, Bộ Chính trị nhanh chóng cho Kim Tiến nhảy sang Ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung ương. Để cứu vớt bộ mặt nát như tương của Bộ Y tế, Đảng phân công Vũ Đức Đam phụ trách luôn bộ này để củng cố, xây lại.

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Vũ Đức Đam gầy rọp và hốc hác khi đứng “đầu sóng ngọn gió”, nhưng chỉ huy chống dịch rất tốt. Dù không ưa thích gì những quan chức cộng sản, nhưng đa số dân chúng vẫn dành cho Vũ Đức Đam tình cảm nhất định, thậm chí sáng tác thơ, nhạc ngợi ca ông.

Ngay tại phiên họp QH hôm tháng 3/2020, chính bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói lời cảm ơn và đặc biệt trân trọng những nỗ lực của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, là người đã rất vất vả trong thời gian qua và nhắc nhở ông cần giữ gìn sức khoẻ. Bà Ngân cho biết, bà cũng đã nghe bài hát “Ngủ một chút đi anh” và rất xúc động.

Thế nhưng, vì “ba không” như đã nói trên, nên Vũ Đức Đam bị cô lập. Quan trường trong thể chế cộng sản, không khác gì chợ trời, “giàu thì nó ghét, đói rét nó khinh, thông minh nó tiêu diệt“. Cuối năm 2015, các ông trùm không cơ cấu Vũ Đức Đam vào Bộ Chính trị vì… hết chỗ, “có tiền đi trễ cũng về không”.

Năm năm sau, năm 2020, vào những kỳ hội nghị trung ương cuối, “ma đầu” cấp cao lại sắp đặt đơn thư tố cáo gái gú, nọ kia, lấy cớ vấn đề “đạo đức và lối sống” để đánh hội đồng Vũ Đức Đam bay ra khỏi võ đài Bộ Chính trị khoá XIII.

Đấu trường chính trị Việt Nam không dành cho người… yếu tim. Tại đại hội X, ông Nguyễn Đình Tứ được bầu vào Bộ Chính trị ở phiên họp trù bị, ra phiên chính thức đại hội, chưa kịp nghe xướng tên, ông đã đột tử vì vỡ tim.

***

Quay trở lại việc tranh ghế Bộ Chính trị. Một người khác hơn Vũ Đức Đam chỉ một tuổi, nhưng hoạn lộ rộng mở, trải thảm hơn rất nhiều. Một cái tên dễ nhớ, Đào Ngọc Dung.

Đào Ngọc Dung sinh 6/6/1962, quê Yên Đỗ, Bình lục, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam, nay nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Hình như ông Trời cho Đào Ngọc Dung cái số sinh ra để ở biệt phủ, để làm quan, có kẻ hầu người hạ và hái ra tiền.

Chân dung Đào Ngọc Dung

Đào Ngọc Dung gọi bà Đào Thị Hào, cựu cán bộ Tổng Liên đoàn Lao động VN, đại biểu Quốc hội các khóa V, VI, VII là cô ruột. Bà Đào Thị Hào lại là vợ ông Nguyễn Văn An, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII, IX, cựu Trưởng Ban tổ chức Trung ương khoá IX, Chủ tịch Quốc hội khoá X. Vợ chồng cô ruột đã đưa đưa Đào Ngọc Dung từ cán bộ Hà Nam về Trung ương Đoàn TNCS.

Năm 2006, tại đại hội khoá X, trước khi rút lui khỏi chính trường, ông Nguyễn Văn An đã kịp cơ cấu Đào Ngọc Dung vào Uỷ viên Trung ương khoá X, cùng với lứa tham gia Trung ương lần đầu như: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thiện Nhân… Năm ấy, Đào Ngọc Dung mới 45 tuổi.

Những thăng tiến trải thảm của Đào Ngọc Dung sau này: Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS; Bí thư ban cán sự Đảng ngoài nước; Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái; Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH…

Sẽ không có gì đáng nói với một Uỷ viên Trung ương ba khoá liền X, XI, XII nếu như Dung đi lên bằng tài năng và chính đôi chân của mình. Đằng này Đào Ngọc Dung được cõng vào quan trường, lại dính một vết nhơ vĩnh viễn không bao giờ rửa sạch.

Tháng 5/2006 báo chí của Đảng đưa tin, Đào Ngọc Dung, ủy viên BCH Trung ương Đảng, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, bị lập biên bản vì vi phạm quy chế khi dùng “phao” quay cóp tài liệu trong kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh và bị bà Nguyễn Thị Thu Hà, thanh tra Bộ giáo dục và Đào tạo bắt quả tang và lập biên bản.

Mặc dù Đào Ngọc Dung không chịu ký vào biên bản, vẫn bị Hội đồng thi cảnh cáo, trừ 50% số điểm của môn thi hành chính công. Học viện Hành chính quốc gia đã có văn bản báo cáo vụ việc lên Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng, Ban Tổ chức TƯ, Thường trực Ban chỉ đạo TƯ 6 (2), Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, Ban bí thư T.Ư Đoàn, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

Học viện Hành chính quốc gia, nơi Đào Ngọc Dung 
bị bắt tại trận tội quay cóp trong thi cử.

Nhờ có bảo kê, Đảng chỉ “giơ cao đánh khẽ”. Chiều 29/7/2006, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần 3 khoá X, đã thi hành kỷ luật “khiển trách” đối với Đào Ngọc Dung. Và rồi ông ta vẫn tiếp tục ngồi trong BCH Trung ương, xếp vào hàng ngũ… tinh hoa của Đảng.

Và Dung tiếp tục thăng tiến, đại hội XII, ông ta được ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tháng 7/2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lại gây xôn xao dư luận, khi mời cơm mẹ VNAH tại Hà Nội, chỉ bằng một tay. Mặt dù báo quốc doanh nhanh chóng gỡ bỏ và thay bằng hình ảnh khác, nhưng mạng xã hội vẫn lưu lại bức ảnh mà nhiều Facebooker cho rằng “mất dạy nhất mọi thời đại”.

Hình ảnh được cho “mất dạy nhất mọi thời đại”. 
Nguồn: DT

Tháng 3/2006, sắp khai mạc đại hội X, trước khi rút lui khỏi chính trường, trong một phiên họp Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đích thân giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Bí thư thành Uỷ Hà Nội, sẽ là người kế nhiệm mình. Gần 15 năm sau, Nguyễn Phú Trọng trước khi về vườn “làm người tử tế”, cũng đã quy hoạch cho Đào Ngọc Dung vào danh sách đề cử Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIII, nhằm giành ghế Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban tổ chức, hoặc Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Hội nghị Trung ương 14 kết thúc hôm 18/12/2020 mà không đạt được mong đợi. Việc “người của anh, người của tôi” luôn là tranh cãi bất tận trong việc dàn xếp nhân sự mỗi kỳ đại hội của đảng cộng sản. Trận “bán kết 1” này ngưng so găng sớm hai ngày, để các phe bình tĩnh lại, hẹn “bán kết 2” ở hội nghị 15 diễn ra khoảng hai tuần nữa.

Có thông tin, BCH Trung ương đã không thoả hiệp với tờ trình đề cử danh sách Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới của Bộ Chính trị hiện tại. Nhìn hình ảnh lúc bỏ phiếu và khuôn mặt băng giá khi công bố kết quả, của các ông bà đại ca, sẽ hiểu vấn đề hơn.

Dư luận đồn đoán, phiếu đề cử vào Bộ Chính trị lần đầu của Vũ Đức Đam chỉ đứng thứ 10, còn Đào Ngọc Dung lại xếp thứ 4. Xem ra cơ hội chấm hết cho Vũ Đức Đam, đồng nghĩa với việc BCH Trung ương thích một kẻ gian lận, thủ đoạn, nhưng nịnh đảng và kiên định chủ nghĩa Mác – Lê, hơn là một anh tiến sĩ Tây học, tử tế và luôn hướng về phía dân chúng.

NGUYỄN PHÚ TRỌNG HAY KHÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG ?

J.NGUYỄN/TD 17-12-2020

Ông Trọng hay không ông Trọng?

Ngày 16/12/2020, trong bài viết “Hé lộ danh sách ứng viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII”, trên trang Tiếng Dân, tác giả Phạm Vũ Hiệp tiết lộ danh sách các ứng viên của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) gồm 24 người, không có tên ông Nguyễn Phú Trọng.

Hầu như cùng lúc, giới thạo tin trên mạng đồn rằng, chức danh tổng bí thư đảng đang có cơ hội chia đều cho ba người, ông Trần Quốc Vượng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, và ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ngày 14/12/2020, khi báo chí nhà nước loan tin về Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 14 tổ chức, chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng lần thứ 13, cũng đưa lên trang nhất ảnh ông Nguyễn Phú Trọng cùng ba vị kể trên.

Các thông tin này trái ngược với đồn đoán rằng, ông Trọng sẽ ở lại lãnh đạo thêm một thời gian nữa. Ông Trọng hiện nắm hai chức, tổng bí thư đảng và chủ tịch nước.

Một viên chức nhà nước Việt Nam nói với tôi khả năng đó, vì cho rằng ông Trần Quốc Vượng, người được đồn đoán nhiều nhất rằng sẽ thay ông Trọng, không đủ bản lĩnh để lãnh đạo đảng.

Một nhà báo của tờ Tuổi Trẻ viết trên trang The Diplomat bằng tiếng Anh ngày 10/12/2020, cũng đề cập đến khả năng ông Trọng tiếp tục làm việc sau Đại hội 13 vào tháng Giêng năm nay.

Ông Lê Hồng Hiệp, một người làm việc nghiên cứu về Việt Nam ở Singapore và có vẻ có nhiều nguồn tin nội bộ từ Việt Nam, nói với BBC Việt ngữ về khả năng ông Trọng sẽ được xem xét một cách đặc biệt để ở lại, tiếp tục nắm chức chủ tịch nước.

Mr Clean và giáo điều

Ông Nguyễn Phú Trọng năm nay 76 tuổi, bắt đầu nắm chức vụ cao nhất của Đảng từ năm 2011. Ông thuộc thế hệ các lãnh đạo trưởng thành trong chiến tranh Việt Nam, nhưng lại không tham chiến. Có nhiều người không ưa ông, đặt hỗn danh cho ông, nhưng nếu ta nhìn lại thì vai trò của ông Trọng rất lớn trong suốt 10 năm qua, và có thể là ông đã bắt đầu những vận động ngầm trước đó.

Nếu ông Lê Duẩn là người đóng dấu ấn Việt Nam Cộng sản trong những năm cuối chiến tranh lạnh, ông Võ Văn Kiệt (ông này không phải tổng bí thư) đưa Việt Nam trở lại với tình trạng bình thường hơn, thì ông Nguyễn Phú Trọng là người lèo lái ĐCSVN qua một giai đoạn phức tạp của nó, với thành phần cốt cán đa dạng hơn, với ý thức hệ cộng sản đã nhạt nhòa trong nhiều đảng viên. Các đảng viên thời ông Trọng không còn dùng ý thức hệ để tranh đoạt quyền lực, mà là các dự án đầu tư, và… đô la!

Khác với hai ông Lê Duẩn với vốn liếng chính trị là chiến tranh Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt là cú đột phá kinh tế, ông Nguyễn Phú Trọng phải từng bước gây dựng phe phái và sự ủng hộ của ông một cách tiệm tiến, vượt qua mặt những đối thủ sừng sỏ như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang…

Ông Trọng có hai chủ bài để lên đến đỉnh cao quyền lực. Lá bài thứ nhất là ông đóng vai Mr Clean, ít nhất tới giờ này chưa thấy cáo buộc kèm bằng chứng khả tín, nói rằng ông Trọng tham nhũng. Lá bài thứ hai là những bài độc diễn về chủ nghĩa cộng sản của ông, giống như ông kẹ hù dọa những cán bộ nhũng lạm thời nay, ù ù cạc cạc về các thứ chủ nghĩa.

Với hai lá bài đó, cộng với sự khéo léo am tường cách dịch chuyển quyền lực giữa các viên chức trung ương và địa phương, đưa ông đến đỉnh cao quyền lực, điều khiến rất nhiều người, sau 10 năm cầm quyền của ông, vẫn còn ngạc nhiên.

Nan đề ông Trọng

Dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, đảng CSVN thanh trừng phe phái bằng chiến dịch chống tham nhũng, mà nhiều người tung hô, ca tụng ông, gọi ông là “người đốt lò vĩ đại” của Đảng.

Nhiều người phê bình rằng, công cuộc “đốt lò vĩ đại này” của Đảng chỉ là cái cớ để ông Trọng diệt các đối thủ chính trị, rõ ràng nhất trong cuộc đấu của ông với ông Nguyễn Tấn Dũng, đầy hỉ nộ ái ố. Điều này là chắc chắn với chế độ đảng trị độc tôn và sự bí ẩn không bao giờ minh bạch của chính trị cộng sản.

Mặt khác cũng phải nói rằng, công cuộc đốt lò của ông Trọng giúp làm dân chúng hài lòng, xả xú báp bực tức của họ đối với bộ máy quan lieu, nhũng lạm. Có thể nói rằng ông Trọng thành công trong việc cứu đảng của ông ấy.

Thế nhưng, việc ở lại nắm quyền khi đã quá tuổi của ông Trọng trong nhiệm kỳ hiện tại, cũng như việc ông nắm luôn chức chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, chứng tỏ rằng ĐCSVN lâm vào sự khủng hoảng lãnh đạo, hay nói đúng hơn là thiếu những người có thể dung hòa các phe phái như ông Trọng đang làm. Mô hình gom hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước chưa được quyết định rõ ràng, việc kiêm nhiệm của ông Trọng chỉ là một giải pháp tình thế, vì hiện không có ai cả.

Ông Trọng đã rất tích cực đưa những người mà theo ông là sạch sẽ, thăng tiến trong Đảng, với hình ảnh tiêu biểu nhất là ông nắm tay ông Trần Quốc Vượng, dung dăng dung dẻ trước bàn dân thiên hạ.

Một loạt lãnh đạo cốt cán chỉ chuyên đảng cũng được vào Bộ Chính trị trong thời gian ông Trọng cầm quyền, như các ông Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng,…

Nhưng trường hợp ông Trần Quốc Vượng cho thấy, các cán bộ chuyên đảng cũng rất khó lòng đương đầu, quản lý các tay sừng sỏ nắm nguồn lực kinh tế quốc gia, các địa phương rất đa dạng, cân bằng các vùng miền khác nhau…

Như vậy ông Trọng đã cứu được đảng của ông, nhưng sự tồn tại của đảng lại có vẻ như đang gắn liền với sự tồn tại của chính bản thân ông Trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét