Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

20201219. KHỞI TỐ, BẮT TẠM GIAM ÔNG TẤT THÀNH CANG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ÔNG TẤT THÀNH CANG TỪ 'NGÔI SAO SÁNG' ĐẾN VÒNG LAO LÝ
NGUYÊN VŨ/NĐT 17-12-2020

Ông Tất Thành Cang cho đến khi bị bắt tạm giam đã trải qua nhiều 

chức vụ lớn, nhỏ tại TP.HCM

Nhàđầutư
Từng là cán bộ nguồn được quy hoạch và là “ngôi sao sáng” khi con đường công danh “thần tốc” với đỉnh cao là Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền TP.HCM, nhưng vào ngày 16/12 vừa qua, ông Tất Thành Cang lại bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Tất Thành Cang (SN 1971, quê Long An) hiện thường trú tại Quận 6 (TP.HCM). Nhìn vào bản lý lịch mơ ước của ông Cang, có thể thấy con đường quan lộ của ông quả là thần tốc khi năm 1990 tới năm 1993 ông đi bộ đội với cấp bậc Thượng sĩ, sau khi giải ngũ, từ năm 1993 đến năm 1998, ông Cang học tại Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Năm 1999 đến năm 2001, ông học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (tại Hà Nội). Hiện ông Cang có học vị cử nhân chính trị và thạc sĩ luật.

Sau khi ra trường, tháng 7 năm 2001 đến tháng 3 năm 2003, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn TP.HCM, Chủ tịch Hội sinh viên TP.HCM, Trưởng ban Đại học chuyên nghiệp.

Cũng từ đây, đường quan lộ của ông Cang bắt đầu chạy hết tốc lực khi năm 2003 đến năm 2004, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó Bí thư rồi Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố, Trưởng ban Mặt trận Thành Đoàn TP.HCM.

Tới tháng 12 năm 2004 đến năm 2009, Tất Thành Cang là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM. Với bàn đạp là Bí thư Thành đoàn, ông Tất Thành Cang bước vào vũ đài chính trị khi là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII nhiệm kỳ 2007 - 2011 thuộc Đoàn đại biểu TP.HCM, ông cũng là Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XII.

Sau khi làm Thành Đoàn 5 năm, năm 2009 - 2012, ông Cang đã là Thành ủy viên, được bầu giữ chức Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND Quận 2. Năm 2011, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, ông Tất Thành Cang được bầu giữ chức Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI.

Tháng 9/2012, ông Cang được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở GTVT TP.HCM; Ủy viên UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2016.

Tháng 6/2014, tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa VIII, ông Cang được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2016.

Tháng 10/2015, tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM khoá X, ông Tất Thành Cang được bầu giữ chức Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020. Tháng 12/2015, ông được miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, ông Tất Thành Cang được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII. Tháng 2/2016, ông được Thành ủy TP.HCM phân công làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM thay ông Võ Văn Thưởng nhận nhiệm vụ khác.

Tháng 5/2016, ông Cang trúng cử Đại biểu HĐND TP.HCM khóa IX. Tưởng chừng con đường quan lộ của ông Cang sẽ không chỉ ở TP.HCM mà sẽ vươn xa hơn thì “cuộc đời không như mơ” khi tháng 12/2018, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương thực hiện xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Được biết, ngày 9/7/2018, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức lễ trao tặng Tất Thành Cang kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đối ngoại Đảng”. Ngoài ra, trong thời gian làm quan, ông Cang được người dân xã Long An, huyện Cần Giuộc nơi ông sinh ra lấy tên ông đặt cho một cây cầu dài 3m bắc qua con kênh nhỏ tại xã mang tên Tất Thành Cang khi ông bỏ tiền xây cây cầu này cho người dân.

Lý do của việc “tai nạn” trên đường quan lộ của ông Cang đến từ việc ông đã “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” vì liên quan các sai phạm trong việc phát hành cổ phiếu tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (viết tắt IPC – Tân Thuận) và CTCP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Cụ thể của việc “mất phanh” quan lộ của ông Cang đến từ việc khi còn giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Cang đã giúp sức trong việc bán 9 triệu cổ phiếu tại Công ty SADECO sai quy định, gây thiệt hại 153 tỷ đồng.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, vào thời điểm khoảng năm 2015, Công ty SADECO có vốn điều lệ khoảng 170 tỷ đồng, trong đó vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chiếm 62,8% (IPC – Tân Thuận thuộc UBND TP.HCM chiếm 44%, Văn phòng Thành ủy TP.HCM 2,6%, Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận – TACONVES thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM chiếm 14,1%...).

Theo đề án tái cơ cấu, UBND TP.HCM yêu cầu IPC–Tân Thuận không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn, nhất là trong bối cảnh SADECO đang có hoạt động lợi nhuận rất cao vào năm 2015 và 2016.

Tuy nhiên, gần cuối năm 2016, từ đề xuất của một công ty tư nhân, HĐQT Công ty SADECO đã ra nghị quyết thống nhất chủ trương hợp tác chiến lược, chọn công ty tư nhân này làm cổ đông chiến lược.

Đến khoảng 24/4/2017, nhóm đại diện quản lý vốn của Văn phòng Thành ủy TPHCM tại Công ty SADECO đã trình lãnh đạo Văn phòng Thành ủy TP.HCM phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ Công ty SADECO.

Ngày 28/4/2017, Văn phòng Thành ủy TP.HCM có tờ trình xin chủ trương Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang lúc bấy giờ về phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Công ty SADECO.

Ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có thông báo số 495 truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang lúc bấy giờ về việc chấp thuận để Văn phòng Thành ủy được biểu quyết chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược nhằm tăng vốn điều lệ tại Công ty SADECO.

Từ cơ sở trên, IPC – Tân Thuận kiến nghị UBND thành phố phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC – Tân Thuận tại Công ty SADECO.

Trong khi đó, theo Thanh tra TP.HCM, thông báo 495-TB/VPTU ngày 18/5/2017 truyền đạt ý kiến của cá nhân Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chứ không phải tập thể Thường trực Thành ủy TP.HCM.

Tuy nhiên, nhờ văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Tất Thành Cang với cương vị Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM lúc bấy giờ, mà IPC – Tân Thuận và Công ty SADECO đã bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là công ty tư nhân với giá 40.000 đồng/cổ phiếu.

Sau khi phát hành 9 triệu cổ phiếu này, tỷ lệ vốn sở hữu của IPC tại Cty SADECO từ 44% giảm còn 28,8%. Theo Thanh tra TP.HCM, việc làm này đã gây thiệt hại cho Công ty SADECO 153 tỷ đồng, vì giá bán cổ phiếu thấp hơn so với giá thực tế thời điểm lúc bấy giờ. Sau đó khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì 9 triệu cổ phiếu đã được thu hồi.

Ngoài ra, ông Cang còn được biết đến với vụ bê bối trong việc bán phần đất công trên 32,4ha ở Phước Kiển (Nhà Bè) được cho là có giá thị trường hơn 2.400 tỷ đồng nhưng lại được Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) bán cho CTCP Quốc Cường Gia Lai với giá chỉ hơn 419 tỷ đồng. Tối 18/4/2018, Văn phòng Thành ủy TP.HCM thông báo ngày 5/6/2017, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đã ký chuyển nhượng cho CTCP Quốc Cường Gia Lai không báo cáo cho tập thể Thường trực Thành ủy và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy theo Quy chế quản lý tài sản của Thành ủy.

Cụ thể, ngày 1/6/2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo số 512-TB/VPTU, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, chấp thuận cho thương vụ mua bán này. Thời điểm khu đất được bán, TP.HCM trống vị trí Bí thư Thành ủy do ông Đinh La Thăng đã được Bộ Chính trị điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương, còn ông Nguyễn Thiện Nhân chưa về TP.HCM. Thành ủy lúc này do Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang điều hành.

Kết quả của sai phạm này là việc chiều muộn ngày 16/12/2020, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí do liên quan đến vụ Công ty Tân Thuận (IPC) chỉ định bán cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim.


TẤT THÀNH CANG-VẤN CHƯA ĐỦ VƠI NỖI OAN THỦ THIÊM

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD/ BVN 17-12-2020

1. Từ chiều ngày 16/12/2020 khi báo chí đồng loạt đưa tin, rằng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố và bắt tạm giam ông Tất Thành Cang – thì MXH cũng đồng loạt loan tin như một “niềm hân hoan” đợi chờ lâu ngày. Sau 2 năm kể từ khi bị khai trừ khỏi BCH TƯ (tháng 12/2018), đến bây giờ ông Tất Thành Cang mới bị bắt. Tuy muộn nhưng còn hơn không bao giờ.

Chẳng ai mong đợi sự kiện bắt giam ai đó để ăn mừng. Tiếp tục công cuộc chống tham nhũng và chống tham nhũng ‘không có vùng cấm’ cũng là một phần. Nguyên nhân chính là vì công bằng cho đồng bào Thủ Thiêm.

2. Nỗi oan Thủ Thiêm lớn đến mức - khi tất cả những kẻ gây ra tội đã bị trừng trị rồi thì vẫn còn chưa thể nguôi nỗi đau thương mất mát. Huống chi kẻ chủ mưu lớn nhất vẫn chưa bị trừng trị. Bởi vì Tất Thành Cang tuy có tôi rất lớn, nhưng không phải là tội lớn nhất. Tội lớn nhất là cấp trên của Cang. Chừng nào kẻ có tội lớn hơn Tất Thành Cang chưa bị trừng trị thì chừng đó nỗi oan Thủ Thiêm chưa được bạch hoá.

3. Còn nữa, trừng trị kẻ phạm tội chỉ là một mặt. Mặt quan trọng khác là phải đền bù thoả đáng cho đồng bào Thủ Thiêm.

Việc Thanh tra Chính phủ chậm trễ trong xác minh để đền bù cho đồng bào Thủ Thiêm đã phản ánh cách tiếp cận vấn đề Thủ Thiêm chưa đúng.

Tại "Cuộc đối thoại với người dân 5 khu phố thuộc 3 phường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm" diễn ra chiều nay (27/11) ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị Quận 2 (TP.HCM), người dân đã cung cấp tài liệu chứng minh rằng 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong khi đó thì Thanh tra Chính phủ lại cho rằng không đủ cơ sở (https://vtc.vn/nguoi-dan-thu-thiem-lai-khong-dong-tinh...).

Đã 20 năm oan uổng, rơi vào hoàn cảnh bị đuổi khỏi nơi ở, thì đền bù vật chất nào cho xứng? Đất nào cũng là đất của muôn dân. Nhất là khi dân đã đưa ra chứng cứ sao còn đôi co? Chi li với chủ nhân đất - trong hay ngoài ranh giới để tránh đền bù theo giá thị trường, trong khi cấp cả ngàn héc ta cho người khác theo giá đền bù nhà nước để bán theo giá thị trường thì nhiều khi lại dễ dãi?

Cách tiếp cận vấn để Thủ Thiêm là chưa đủ nhân văn. Chưa nói đến, nếu thật rạch ròi và sòng phẳng thì việc đền bù cho tổn thất 20 năm bị đuổi khỏi nhà sẽ dẫn đến số tiền đền bù khổng lồ nhiều lần lớn hơn giá trị đất.

Trong khi chưa bắt kẻ có tội lớn hơn Tất Thành Cang, thì cấp thiết nhất là đền bù cho đồng bào Thủ Thiêm. Chấp nhận những yêu cầu của người dân Thủ Thiêm. Giải quyết ngay và không để kéo dài nữa. Ngay cả điều đó vẫn là chưa đủ để bù đắp cho nỗi oan của người dân Thủ Thiêm.

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ảnh cận cảnh, văn bản cho biết '4 Zing.vn'


N.N.C.

Nguồn: Nguyễn Ngọc Chu

Từ hôm qua đến nay, mạng Xã hội rộn rịp, vui sướng, ồn ào bàn luận vụ Tất Thành Cang bị bắt. Nỗi căm giận của cư dân mạng về tội ác của kẻ này có vẻ như được xả, nhưng cũng rất nhanh, là nỗi thất vọng. Những lý do bị bắt của TTC dường như chẳng liên quan gì đến Thủ Thiêm, nỗi đau của người dân ở đây kéo dài 20 năm, vẫn tiếp tục rỉ máu và chưa bao giờ thành sẹo. Chừng nào vụ việc Thủ Thiêm không được xử lý triệt để, minh bạch, công khai, những kẻ ngang nhiên gây tội ác vụ này chưa bị xử lý, chừng đó nỗi đau Thủ Thiêm còn nhức nhối.

Phạm Kim Dung

****

Tuyệt đối chính xác !

Diệt cỏ (chống tham nhũng cũng sẽ giống hệt như vậy) là cần phải diệt tận gốc !

Bài viết rất hay, rất sâu sắc và cũng rất có tính thuyết phục bởi những điều thực tế mà nó đã,và đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta như hiện nay!

Nguyễn Quang Bổng

****

Bắt Cang xong, phải bắt một mớ nữa

Đêm nay có lẽ sẽ là một đêm mà bà Phan Thị Thủy - vợ của cố thiếu tá Trần Vĩnh Phúc, có thể ngủ ngon, sau khi đọc tin tất thành cang bị bắt.

Mười tám năm trước, khi tên Lê Thanh Hải dùng bàn tay sắt để trấn áp dân Thủ Thiêm, thiếu tá Trần Vĩnh Phúc thường xuyên được “vận động” phải khuyên nhủ gia đình không được đòi quyền lợi khi bị chiếm nhà chiếm đất.

Không giữ được mái ấm cho vợ con, ông Phúc đã xin ra khỏi ngành để không cản chân vợ con đi khiếu nại. Ở Thủ Thiêm, ông là người nổi tiếng sống chan hòa, khi còn tại ngũ chưa bao giờ ức hiếp dân. Nghỉ, ông vẫn luôn quan tâm đến mọi người, cùng nhau “chiến đấu” với đám bọ sậu cướp đất của dân.

Như hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm, suốt mười mấy năm trời vợ chồng ông sống lây lất khổ sở. Rồi năm 2015, cả nhà rụng rời khi thấy ông Phúc treo cổ tự sát.

Bà Thủy vợ ông từ đó đi khiếu nại thì ôm theo di ảnh chồng. Mới đây, gia đình cố thiếu tá bất ngờ khi chính quyền kêu lên trao cùng lúc 3 cái huy chương “Chiến sĩ vẻ vang” hạng Nhất, Nhì, Ba, cùng ký năm 2018.

Thằng cang bị bắt, dân Thủ Thiêm vui, vì cái thằng mặt heo này cuối cùng cũng phải đền tội.

Nhưng bắt cang xong, phải bắt tiếp một mớ nữa. Và nhà đất của dân Thủ Thiêm, thì phải trả lại cho dân.

Trương Châu Hữu Danh

****

Facebooker Trương Châu Hữu Danh vừa bị bắt với cáo cuộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Điều luật này vốn dĩ lâu nay được dùng để bịt miệng những ai nói trái ý chính quyền. Ngôn ngữ và logic của điều luật tạo ra khả năng diễn giải vô biên cho chính quyền, nói cách khác là muốn thế nào cũng được.

Điều luật này phải bị bãi bỏ, hoặc ít nhất là phải bị đình chỉ thi hành trên thực tế thì may ra mới bắt đầu tính được đến việc người Việt Nam có những "quyền tự do dân chủ" gì.

Xưa blogger Anh Ba Sàm cũng dính tội này, blogger Trương Duy Nhất cũng dính tội này, nay tới anh Danh. Mai mốt nó tới ai thì chỉ có trời và có... cán bộ là biết.

Trịnh Hữu Long


TẤT THÀNH CANG XỘ KHÁM KHÔNG PHẢI VÌ VỤ QUY HOẠCH THỦ THIÊM

LÊ THANH/ BVN 18-12-2020

Chiều 16-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang - cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - để điều tra về tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Liên quan vụ án này, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Phạm Nhật Vinh và ông Nguyễn Hữu Thành (cả hai là cổ đông của SADECO, Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn). Trước đó, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã tạm đình chỉ tư cách đại biểu hội đồng nhân dân TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Tất Thành Cang.

Trước đó, ngày 17-6-2020, trong quá trình điều tra vụ án “Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an TP.HCM đã khởi tố thêm 3 cán bộ sai phạm: Huỳnh Phước Long (53 tuổi, nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy, nguyên thành viên hội đồng quản trị Sadeco), Đỗ Công Hiệp (47 tuổi, kế toán trưởng Sadeco) và Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận), cùng về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trong vụ việc kể trên, bước đầu của vụ án là chuyện Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã có ‘chỉ đạo miệng’ về “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.

Gọi là ‘chỉ đạo miệng’, vì thể hiện trên giấy tờ chứng cứ, là vào ngày 18-5-2017, Văn phòng Thành ủy có Văn bản số 495, “truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang” cho việc “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.


Trong một văn bản ghi ngày 10-11-2016, Công ty Nguyễn Kim có đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Ngày 5-4-2017, Tề Trí Dũng khi ấy là Tổng giám đốc IPC kiêm Chủ tịch HĐQT Sadeco, đã ký Văn bản số 471/IPC.17, trình UBND TP.HCM thông qua phương án phát hành 9 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ Sadeco theo hình thức phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim; giá phát hành dự kiến là 40.000 đồng/cổ phần.

Sau khi có ý kiến của Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, ngày 10-8.2017, Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc (khi đó bà Phúc là nguyên Tổng giám đốc Sadeco) ký biên bản làm việc với Công ty Nguyễn Kim, chủ động đưa ra số lượng cổ phần phát hành là 9 triệu cổ phần, với giá 40.000 đồng/cổ phần mà không có sự thương thảo nào khác. Ngày 19-10-2017, Công ty Nguyễn Kim thanh toán 360 tỉ đồng cho Sadeco để mua 9 triệu cổ phần nêu trên.

Sau phi vụ này, tỷ lệ sở hữu vốn của nhóm cổ đông nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống còn 41%; trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm còn 28,8%. Ngược lại, Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco với hơn 54% vốn điều lệ.

Vào thời điểm Sadeco bán 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim, đang có 15 cổ đông, trong đó, khá nhiều cổ đông Nhà nước. Điển hình là ban Tài chính quản trị Thành ủy TP.HCM góp 2,34%, Công đoàn Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (1,17%), Công ty cổ phần Địa ốc Tân Bình (0,23%), Công ty Du lịch Thành phố (0,47%), Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (74,8%), Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (14,07%).

Ngoài ra, còn một số cái tên như: Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ (0,47%), Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 (0,94%), Công ty Xây dựng và Thương mại Sài Gòn (0,47%), ông Lê Đình Chí (0,23%), Lực lượng thanh niên xung phong (0,47%), ông Phan Chánh Dưỡng (0,23%), Quận ủy Quận 4 (0,23%), Sài Gòn Co-op (0,47%), Thành đoàn TP.HCM (0,47%).

Giới quan sát đánh giá rằng trong vụ Sadeco, vai trò của Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang thực ra chỉ là một kẻ thế vai cho những cú áp phe của cơ quan Thành ủy dưới thời của Bí thư Lê Thanh Hải. Nếu đảng viên Tất Thành Cang xộ khám vì các tham nhũng ở vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì đó mới ‘xứng người – xứng tội’.

Trước đó, vào tháng 12-2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Sau đó, ông Tất Thành Cang được Thành ủy TP.HCM phân công làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TPHCM”.

Nhà báo Từ Kế Tường, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Công an TP.HCM, dự đoán: “Bây giờ thời tiết đông tàn sắp sửa sang xuân thì anh 6 Cang mới chịu rời bỏ chức vụ cuối cùng có liên quan tới ‘lịch sử’ để làm nên câu chuyện ‘lịch sử’: Tâm nguyện của người dân Thủ Thiêm trở thành hiện thực. Phim chỉ mới bấm máy, kịch bản nhiều tập, nhân vật trong phim cũng nhiều. Bao hay, bao hấp dẫn và bao vui dịp cuối năm con chuột bước qua năm con trâu”.

Dư luận lâu nay vẫn cho rằng trong các vụ án tham nhũng liên quan đất đai ở TP.HCM, người cần thiết ‘phải bắt’ chính là ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII.

L.T.

VNTB gửi BVN


BẮT TẤT THÀNH CANG: THỦ THIÊM MÙ MỊT

NGUYỄN THÙY DƯƠNG/ BVN 17-12-2020

Việc khởi tố, bắt tạm giam Tất Thành Cang chiều hôm qua (16/12/2020) sẽ khiến con đường đi tìm công lý, quyền lợi của dân Thủ Thiêm gần như mịt mù, bít lối.

Sáu Cang bị khởi tố hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, vụ việc phát hành cổ phiếu tại Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận và Công ty cổ phần SADECO.

Theo nguyên tắc làm án, Sáu Cang sẽ bị tạm giam 4-4-2. Tức là lần đầu tạm giam là 4 tháng, gia hạn được 2 lần một lần 4 tháng và một lần 2 tháng nữa. Nếu chưa có kết quả thì có thể gia hạn thêm 1 lần nữa. Mỗi bị can sẽ có 2 lần 4-4-2. Vị chi 6 Cang có tối đa 20 tháng để lấy cung. Trong thời gian 6 Cang bị khởi tố, tạm giam, Cang đang bị án ở một vụ án hình sự thì Cang không thể là bị án ở một vụ án hình sự khác, từ khi bị tạm giam cho đến khi thi hành án xong mức án Tòa tuyên. Có nghĩa là nếu Cang dính án ở Quận 7 thì mặc nhiên, Quận 2 (Thủ Thiêm, Nam Rạch Chiếc) phải chờ cho đến khi Cang qua quá trình điều tra, tòa tuyên, thi hành án (ở tù xong) ra mới tính tiếp việc Thủ Thiêm hoặc một vụ khác.

Cang chỉ có thể bị khởi tố liên tục khi phạm tội cùng một nhóm hành vi. Ở đây, Cang bị khởi tố ở nhóm hành vi Quản lý, còn vụ Phước Kiểng Nhà Bè là nhóm hành vi tham nhũng, Thủ Thiêm là tham nhũng và cố ý phá hoại tài sản công dân. Hành vi ở Thủ Thiêm là nặng nhất. Các hành vi này không thuộc cùng nhóm hành vi để có thể bị khởi tố liên tục.

Như vậy dân Thủ Thiêm muốn chờ Cang thì phải chờ ít nhất 5 năm nữa, nhiều nhất thì 20- 30 năm nữa.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao không khởi tố Cang với nhóm hành vi xảy ra tại Thủ Thiêm (nặng nhất), mà lại khởi tố nhóm hành vi xảy ra ở SADECO (nhẹ nhất)? Phải chăng đây là nước cờ giúp Cang giữ mạng cũng như đẩy Thủ Thiêm vào đường cụt để giải quyết mang tính cho êm rồi thôi?

Vui chưa? Vui đi nha! Tôi đang rầu lắm không vui nổi đâu.

***

Vui không? Đêm qua, tôi đọc thấy có anh nhà báo vui Cang bị bắt khoe mười mấy năm trước từng đụng đầu nhóm Hải, Đua, Tài ở Thủ Thiêm toét đầu… Anh đụng cho công danh sự nghiệp của anh chứ anh đụng cho ai? Anh đụng cho dân thì anh thấy khởi tố hành vi quản lý, anh buồn cho dân mới đúng.

Sớm không bắt Cang, muộn không bắt. Mới xong vụ nghệ sĩ, giờ bắt Cang, thời điểm này đang có sự kiện gì xảy ra? Tôi lờ mờ nhận thấy, hình như đang có một nước cờ về nhân sự sắp hoặc diễn ra cùng thời điểm Cang bị bắt?

Sẽ có người tắc mắc tại sao Đinh La Thăng bị khởi tố liên tục. Có hai yếu tố để khởi tố liên tục khi không cùng vụ là cùng một nhóm hành vi phạm tội. Và kịch khung của nhóm hành vi phạm tội ban đầu, ông Thăng kịch khung 30 năm.

Còn một khả năng cho việc khởi tố liên tục khi không cùng nhóm hành vi, không kịch khung là Ý CHÍ CHÍNH TRỊ. Cái đó thì mình miễn bàn.

CANG ƠI THẤY QUEN KHÔNG ?

LƯU TRỌNG VĂN/ TD 17-12-2020

Cang làm bí thư quận 2 gây bao đau khổ cho dân Thủ Thiêm, bị dân nguyền rủa, vậy mà vẫn được cất nhắc làm giám đốc sở GTVT, tiếp tục bị kỷ luật, vậy mà vào được trung ương và leo lên phó bí thư thành uỷ TP lớn nhất nước.

Cang hiện 49 tuổi nếu không bị soi thì cái chức bí thư thành uỷ và uỷ viên BCT sẽ rất đúng… “quy trình”. Cuối cùng thì Cang cũng bị khởi tố.

Tại sao tội đầy trời Dân oán giận ngút trời đến giờ mới bị khởi tố? Có lý do đó. Câu hỏi đặt ra là:

Tại sao với sự cương quyết của chính TBT Nguyễn Phú Trọng kỷ luật Cang rất nặng, cách chức phó bí thư, loại khỏi trung ương đảng ấy vậy mà thành uỷ TP.HCM – nơi nhiều năm Lê Thanh Hải là chúa tể đúng nghĩa đã biểu quyết đa số áp đảo chỉ khiển trách Cang và vẫn một mực giữ Cang là thành uỷ viên?

Đó là tín hiệu khá rõ về thế lực nào đó còn chi phối rất mạnh chống lưng cho Cang. Những người còn sáng suốt trong đảng hiểu rằng cần hành động nếu không sẽ quá muộn.

Đột nhiên bí thư Tây Ninh Trần Lưu Quang người có uy tín về đạo đức và không dính lợi ích nhóm được điều về làm phó bí thư trực thành uỷ TP.HCM.

Tiếp theo bộ CA bất ngờ công bố quyết định điều động đại tá Lê Hồng Nam, giám đốc Công an tỉnh Long An giữ chức vụ giám đốc Công an TP.HCM.

Tiếp theo nữa, Nguyễn Văn Nên từng là cấp trên của Trần Lưu Quang, chánh văn phòng trung ương, người nổi tiếng về sự trong sạch, được TBT Nguyễn Phú Trọng tin cẩn, được điều về làm bí thư thành uỷ TP.HCM.

Bầy binh bố trận xong. Khởi tố Tất Thành Cang. Toàn dân Sài Gòn và dân cả nước vỡ oà niềm vui.

Đặc biệt hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm trào nước mắt vì thoả cái điều mong chờ qua bao năm dằng dặc có lúc chả còn chút hy vọng nào…

Tuy vậy ngay lúc này nhiều nơi vẫn dồn dập các thông tin:

1. Nguyễn Mạnh Quyền hiện tròn 45 tuổi, khi là bí thư và chủ tịch huyện Quốc Oai đã vi phạm điều cấm của đảng viên là để cho mẹ và chị ruột được cấp đất sai pháp luật. Nhưng vẫn “đúng quy trình” được chuyển qua làm giám đốc sở KHĐT để rồi vừa được chủ tịch Chu Ngọc Anh khen là “lãnh đạo có phẩm chất” khi trúng cử phó chủ tịch Hà Nội.

Cang ơi, thấy quen quen không?

2. Nguyễn Phong ở Quảng Ngãi bị kỷ luật khi là giám đốc sở Xây dựng được chủ tịch Đặng Văn Minh ngợi khen và điều qua làm giám đốc sở GTVT, và một ngày nào đó rất có thể theo “đúng quy trình” cũng lên phó chủ tịch…

Cang ơi thấy quen quen không?

ĐỪNG BẮT NHÂN DÂN

NGUYỄN THÙY DƯƠNG/ TD 16-12-2020

Sau hai năm lấp lửng, cuối cùng, Tất Thành Cang chính thức bị khởi tố, bắt giam. Ông Cang bị khởi tố vụ SADECO chứ không phải vụ Thủ Thiêm. Theo nhận định cá nhân tôi, rất khó định tội Cang ở Thủ Thiêm với dân vì nếu định tội ông Cang với dân Thủ Thiêm, sẽ mặc định nỗi oan uất của dân là có thật.

Thẳng thắn nhìn nhận, tôi cho rằng “thượng tầng” chưa đủ can đảm để nhận định những lỗi chủ quan do quan chức sai phạm trực tiếp với dân. Ông Cang bị bắt, món nợ Thủ Thiêm vẫn còn đó. Tuy nhiên, một sự thật không thể phủ nhận đó là “nỗi đau Thủ Thiêm” đã mở đường cho công cuộc đốt lò phương Nam bởi nó phản ánh nỗi đau cùng phẫn của người dân Thủ Thiêm.

Ông Cang bị khởi tố đúng quy trình của cơ quan Cảnh sát điều tra, tuy nhiên, lại không đúng quy trình với nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đơn giản vì ông Cang bị khởi tố khi chưa được bãi miễn chức danh Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM. Mà Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Chưa lột tấm áo nhân dân của ông Cang mà bắt ông Cang thì khác nào dân TP cũng bị bắt? Tôi không biết có thiếu sót gì trong lúc đưa tin hay không? Vì đáng ra, tin bãi miễn chức danh Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM phải đi trước tin bị bắt mới đúng. Đừng để kẻ vẫn đang mặc áo giáp bảo vệ nhân dân bị bắt, làm như thế khác nào bắt nhân dân?

Nếu ông Cang chưa bị bãi miễn chức danh Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM cần cho người dân Thành phố một lời xin lỗi. Tại sao kể từ bê bối Thủ Thiêm, bê bối Phước Kiểng Nhà Bè, bê bối SADECO… ông Cang vẫn yên vị chức danh Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM? Thường trực Hội đồng nhân dân TP làm gì?

Các đại biểu khác nghĩ sao khi có thể dung dưỡng một con người như thế vào đội ngũ bảo vệ và đại diện dân? Ông Cang có thể bảo vệ dân nào mà ngồi đó? Trong lần lấy ý kiến thành lập TP. Thủ Đức có cánh tay của ông Tất Thành Cang đồng thuận không? HĐND TP.HCM còn bao nhiêu “Tất Thành Cang” ngồi lẫn vào đó nữa?

Công cuộc đốt lò phương Nam đi vào giai đoạn rực lửa, trong khi thân phận những người dân được dùng mở đường Nam tiến đốt lò, khoáy đảo đồng cảm dư luận vẫn vật vờ lạnh lẽo bên rìa cuộc sống mong manh.

Rồi có gì để vui khi một người bị bắt, một dân tộc tổn thương?

_____

Một số báo đưa tin Tất Thành Cang bị bắt đã sửa lại ‘bị khởi tố’. Nên nhớ, tấm áo nhân dân có giá trị rất lớn.

Cập nhật thêm: Vào lúc 20h23 phút, cổng thông tin điện tử của Bộ Công An đưa tin khởi tố, bắt tạm giam Tất Thành Cang.

'LỬA LÒ' Ở THÀNH HỒ RỰC CHÁY

BTV/ TD 16-12-2020

Nhân vật mà nhiều người tưởng đã “miễn nhiễm” với “cái lò” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cuối cùng đã bị khởi tố. Chiều nay, Cơ quan Điều tra Công an TP HCM (PC03) đã chính thức khởi tố ông Tất Thành Cang, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” ở Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), không phải vụ “ăn đất” ở Thủ Thiêm. Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Phạm Nhật Vinh và ông Nguyễn Hữu Thành, đều là cổ đông của SADECO. Cùng với Tất Thành Cang, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 20 bị can.

Kèm theo quyết định khởi tố, VKSND TP HCM phê chuẩn lệnh bắt ông Tất Thành Cang, theo báo Người Lao Động. Tin cho biết VKSND TP HCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ông Tất Thành Cang. Thời hạn tạm giam ông Cang để điều tra các hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật.

Báo Thanh Niên có clip: Khởi tố ông Tất Thành Cang vì gây thiệt hại hàng trăm tỉ ở SADECO.

VOV đặt câu hỏi: Sai phạm gì khiến ông Tất Thành Cang bị khởi tố? Theo tin từ cơ quan điều tra, trong thời gian giữ chức GĐ Sở Giao thông vận tải TPHCM, ông Cang đã vi phạm quy định trong việc ký quyết định phê duyệt dự án, ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm. Ông Cang còn có dấu hiệu sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng nhiều lô đất của doanh nghiệp thuộc Thành uỷ quản lý, gây thiệt hại lớn cho ngân sách.

VTC có bài: Những sai phạm của ông Tất Thành Cang trước khi bị khởi tố. Ngoài việc giúp Công ty Nguyễn Kim thu tóm SADECO, cùng với vụ ký tắt hợp đồng 4 tuyến đường Thủ Thiêm, Tất Thành Cang còn có sai phạm liên quan đến Dự án khu dân cư Phước Kiển do Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai, đã bị Thành ủy thành Hồ phát hiện từ tháng 6/2018.

Trong vụ bán rẻ “đất vàng” ở khu Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai, quy trình chuyển nhượng đất không qua đấu thầu mà dựa trên chỉ định hợp tác, dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận đã không họp bàn để thống nhất chủ trương chuyển nhượng và giá chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển, khiến giá bán thấp hơn giá thị trường và giá do Hội đồng thẩm định giá thành phố đưa ra.

Ngay sau khi có thông tin khởi tố Sáu Cang, Thường trực HĐND TP HCM đã tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND đối với ông Tất Thành Cang, theo báo Pháp Luật TP HCM. Ông Cang bị tạm đình chỉ tư cách đại biểu theo khoản 2, Điều 101, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật này quy định, nếu đại biểu HĐND bị khởi tố, thì Thường trực HĐND quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND đó. Trường hợp bị kết tội bằng bản án, thì mất quyền đại biểu HĐND kể từ ngày bản án có hiệu lực.

Facebooker Nguyễn Thùy Dương, một dân oan Thủ Thiêm, viết: Đừng bắt nhân dân. Cô Dương bình luận: “Chưa lột tấm áo Nhân Dân của ông Cang mà bắt ông Cang thì khác nào Dân Tp cũng bị bắt? Tôi không biết có thiếu sót gì trong lúc đưa tin hay không? Vì đáng ra, tin bãi miễn chức danh Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân TP.HCM phải đi trước tin bị bắt mới đúng. Đừng để kẻ vẫn đang mặc áo giáp bảo vệ Nhân Dân bị bắt, làm như thế khác nào bắt Nhân Dân?”

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu cho rằng, vụ ông Nguyễn Thiện Nhân mất ghế Bí thư thành Hồ vào tay ông Nguyễn Văn Nên, dẫn tới diễn biến “đốt lò” đột ngột trong chiều nay: “TP.HCM có Bí thư mới, tiến trình củi lò liên quan đến Tất Thành Cang được đẩy nhanh hơn. Bí thư Nguyễn Văn Nên hẳn nhiên đã nắm đầy đủ nội tình của thành phố, và có rất nhiều cơ hội để Bí thư Nên ghi điểm, chứng minh cho thị dân thấy giữa nói và làm song hành. Giải quyết dứt điểm Thủ Thiêm với những bằng chứng đã được kết luận, Bí thư Nguyễn Văn Nên sẽ làm được điều mà không chỉ nhân dân thành phố mong chờ”.

***

Công an TP HCM cũng vừa khởi tố, bắt tạm giam nguyên chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, VOV đưa tin. Trưa nay, lãnh đạo Công an TP HCM xác nhận Cơ quan an ninh điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can Diệp Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) để điều tra về tội “Lạm quyền trong thi hành công vụ”.

Công an TP HCM cũng đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Diệp Dũng và thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam. Các Quyết định, Lệnh nói trên của Cơ quan điều tra đều đã được VKSND TP HCM phê chuẩn. Sau khi khám xét, Cơ quan ANĐT đã thu giữ một số tài liệu phục vụ điều tra.

Ông Diệp Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op. Ảnh: VOV

Báo Pháp Luật TP HCM có clip: Công an bắt ông Diệp Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co-op.

Báo Tiền Phong có bài: Tiết lộ lí do khiến nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op bị bắt. Thanh tra TP HCM cho biết, có 6 HTX thành viên của Saigon Co.op kinh doanh không hiệu quả trong năm 2018 và 2019. Một số HTX có lợi nhuận sau thuế dưới 6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn các HTX lợi nhuận đạt được sau thuế chỉ từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp với số vốn lên tới hàng trăm tỉ đồng, rõ ràng đó là điều bất thường.

Sai phạm ở Saigon Co.op còn có dấu hiệu thu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của liên doanh này từ khi thành lập đến nay, như “xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”.

Báo Dân Việt có bài: Những sai phạm nghiêm trọng khiến ông Diệp Dũng vướng lao lý. Bên cạnh các sai phạm nói trên, còn có sai phạm này: Ngày 24/7, Thanh tra thành Hồ đã có văn bản đề nghị Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op tạm đình chỉ việc tiến hành đại hội thành viên cho đến khi có kết luận chính thức và ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền. Nhưng “Saigon Co.op không chấp hành, vẫn tiến hành đại hội, biểu quyết các vấn đề liên quan”.

Ngoài ra, TGĐ Saigon Co.op là ông Nguyễn Anh Đức đã không thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên về việc huy động vốn, khiến đại hội thành viên phải bãi nhiệm chức vụ Ủy viên HĐQT và đề nghị cách chức TGĐ của ông Đức. Theo nhận định của Ban Thường vụ Thành ủy thành Hồ, công tác cán bộ như trên là trái quy định của đảng.

Trước đó, báo Tiếng Dân có bài viết độc quyền về ông Diệp Dũng, một trùm “tư bản đỏ” ở thành Hồ và mối liên hệ đã giúp ông này tạm thời thoát nạn. Theo đó, sai phạm ở Saigon Co.op đã bị để ý từ cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 và bị “khui” ra từ cuối tháng 7/2020. Diệp Dũng đã lên phương án “thoát thân” từ lúc đó, nhưng nhờ mối quan hệ với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, nên Dũng tạm thoát nạn. Nay cái ghế của ông Nhân đã qua đít ông Nguyễn Văn Nên, nên không ai che chở Dũng nữa.

Mời đọc thêm: Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh (KTĐT). – Phê chuẩn khởi tố ông Tất Thành Cang (BVPL). – Tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND đối với ông Tất Thành Cang (VNN). – Ông Tất Thành Cang liên quan đến sai phạm gì trước khi bị bắt? (TP). – Sai phạm nào khiến ông Tất Thành Cang bị khởi tố? (KT). – Loạt sai phạm nghiêm trọng của ông Tất Thành Cang (Zing). – Quá trình công tác của ông Tất Thành Cang cho tới khi bị khởi tố (VTC). – Ông Tất Thành Cang bị bắt, Thủ Thiêm về…Thủ Đức. Còn số phận dân oan sẽ ra sao? (FB Hoàng Nguyên Vũ).

– Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op (TTXVN). – Khởi tố, bắt giam ông Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op (VTC). – Khởi tố, bắt giam ông Diệp Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op (GT). – Vì sao ông Diệp Dũng – cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op – bị bắt? (KT). Mời đọc lại: Đại gia người Hoa – Diệp Dũng: Từ Tổng giám đốc ‘SCIC’ Tp.HCM đến ông trùm bán lẻ (Nhà Đầu Tư). – Kiến nghị công an điều tra sai phạm của Saigon Co.op (VNE).

TỪ CÂU CHUYỆN SÁU CANG

LÊ NGỌC THỊNH/ TD 17-12-2020

Tầm 6 năm nay mình chủ động không liên hệ với Cang, lý do đơn giản: mình không thích. Còn Cang thì nghĩ mình là cái đinh gì, nên hắn cũng chả thèm điện mình. Nhiều người anh em lúc còn chức nhỏ rất dễ thương, đến khi to to một tí thì thay đổi 180 độ.

Cùng hệ thống trung ương đoàn, xưa mình cũng có qua lại với Cang. Cang là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn, trước khi rời thành đoàn, anh em có ngồi với vài người nữa, cân nhắc xem nên về làm bí thư quận 2 hay quận 9. Lúc đó Cang chọn (sau này mình biết là được anh 2 Japan biệt phái) về quận 2, kiêm luôn chủ tịch để làm vụ Thủ Thiêm.

Cuối năm 2010, lúc đó mình công tác ở Hà Nội, trong một ngày ngồi chung với vài vị tiền bối (giờ đã là Ủy viên BCT), mình có nghe tin Cang được cơ cấu vào trung ương, dù mấy vị này không thích Cang vì “thằng Cang sao nó nịnh quá”. Tối mình bay vào Sài Gòn, tầm 9 giờ, mình gọi điện cho Cang báo tin. Không thấy nghe máy, mình nghĩ chắc hắn xỉn sớm (Cang rất mê rượu) nên nhắn tin.

Hôm sau, mới 5g30 sáng Cang dựng mình dậy, hỏi dồn dập về thông tin đó. Hỏi “anh ở đâu, xíu ăn sáng cafe”. Mình nói có hẹn ăn mì quảng ở Đồng Khởi. 7g sáng, Cang và cậu con trai chạy bộ ra, bận quần short, mồ hôi nhễ nhại vì vừa tập thể dục, leo lên lầu 1 ngồi hóng chuyện mình.

Đại hội 11 năm đó căng thẳng dữ dội. Hôm bỏ phiếu xong nhân sự là 11 giờ đêm, Cang nhắn tin cảm ơn mình. Do nhà mình ở quận 2 nên thi thoảng Cang rủ đi nhậu với … nguyên cả Ban Thường vụ Quận uỷ.

Cho đến tầm năm 2014, lúc Cang đang là phó chủ tịch UB TP, mình có việc cần xác minh nên gọi điện cho Cang. Đầu dây bên kia trả lời là 1 giọng đầy lạ lẫm. Mình nghĩ “hổng lẽ thằng này mất số điện thoại của mình” nên mới nói “Ngọc Thịnh đây, Tất Thành Cang ơi”. Đáp lại là một giọng cộc lốc: “Biết rồi, anh nói lẹ đi!”. Mình nghe và bị sốc. Từ đó mình không bao giờ liên hệ với Cang nữa.

Trước đại hội 12, mình đọc được một bài viết của vị phó thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (nếu không nhầm), trong đó có đoạn: “Nhiều đồng chí vừa có kết quả bỏ phiếu xong dáng đi đã khác, cái bắt tay đã khác”. Cang không ngoài tuýp người này.

Một cán bộ đoàn trưởng thành từ bộ đội, bước vào chính quyền được chừng chục năm, giàu nứt vách, đến khi bị bắt thì cả đất nước hoan hỉ.

Hệ thống đoàn của mình rất nhiều anh chị trưởng thành đều nắm giữ những trọng trách rất cao. Nhiều người tánh tình vẫn như xưa, nhưng cũng có người thành chủ tịch, bí thư tỉnh, tính tình thay đổi rất nhanh. Buồn là ở chỗ đó. Bạn bè còn xa chớ nói gì dân.

Mình nhớ có lần ăn cơm chung với chú Vũ Mão và chú Sáu Phong. Chú Vũ Mão chìa ra tấm ảnh trong cái iPad chụp chung ở Trung ương Đoàn hồi xưa, chú thì đứng ở giữa, chỉ tay cười chọc chú Sáu Phong là, “hồi đó Sáu Phong còn đứng tít ngoài xa”, tức là tít ngoài góc ảnh. Chú Sáu cười hiền: “Hồi đó mấy giả giành đứng ở giữa hết, mình phải đứng ngoài xa thôi, chớ ai muốn đứng ở đó”.

Tôi được ăn sáng, uống cà phê, ăn trưa, ăn tối với chú Sáu Phong tầm 1 chục lần. Con người chú nhẹ nhàng, dễ gần. Còn thím thì tuyệt vời. Cứ khách đến là thím lo cơm nước, ai thím cũng quý như nhau. Lãnh đạo xuất thân từ Đoàn như chú Sáu Phong, mình cảm thấy thật đáng trân trọng!

Không hiểu Sáu Cang có bao giờ nghĩ là mình sống sao mà đến lúc bị bắt cả đất nước hoan hỉ không nhỉ!

Đời, nghĩ cũng buồn thật chớ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét