Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

20201209. QUANH NGHỊ ĐỊNH 119/2020 VỀ XỬ PHẠT BÁO CHÍ

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TỪ 01/12, CHỦ TỊCH XÃ CÓ QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BÁO CHÍ
TÙNG DƯƠNG/GDVN 2-12-2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020.

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Nghị định này thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, trừ trường hợp quy định tại Điều 43 Nghị định này.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020. Ảnh minh họa: TD.

Đối tượng áp dụng gồm

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức có liên quan.

Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: Cơ quan báo chí, nhà xuất bản được thành lập theo quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản; Cơ quan nhà nước; Tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của pháp luật; Tổ chức nước ngoài, văn phòng thường trú của cơ quan báo chí nước ngoài, văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam; Các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định pháp luật tham gia hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 đến 12 tháng, bao gồm:

Giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm, phụ trương, giấy phép xuất bản chuyên trang, giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh giấy phép sản xuất kênh chương trình, giấy phép nhập khẩu báo in, tạp chí in.

Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, giấy phép xuất bản bản tin, giấy phép xuất bản đặc san, giấy phép thành lập nhà xuất bản, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam.

Giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 đến 12 tháng.

Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

Buộc cải chính, xin lỗi

Buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp.

Buộc gỡ bỏ chương trình phát thanh, chương trình truyền hình; buộc gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng, ứng dụng phát thanh truyền hình trên mạng; buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử vi phạm các quy định của pháp luật; buộc gỡ bỏ nội dung giới thiệu, quảng bá, đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm pháp luật.

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Buộc thực hiện đăng, phát lại nội dung cải chính, xin lỗi; Buộc đăng, phát đầy đủ nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Buộc xin lỗi công khai; Buộc thực hiện lưu chiểu báo chí theo quy định của pháp luật.

Buộc nộp lưu chiểu sản phẩm báo chí đúng địa điểm, số lượng; Buộc nộp lưu chiểu hoặc nộp xuất bản phẩm cho Thư viện quốc gia Việt Nam theo quy định; Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép của nhà báo, phóng viên; Buộc tái xuất xuất bản phẩm nhập khẩu là tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế tại Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tổ chức hoặc là tài sản của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để sử dụng riêng.

Buộc tái xuất đối với báo in, tạp chí in mà không đăng ký danh mục báo chí nhập khẩu với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi nhập khẩu; Buộc tiêu thụ sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm quy định của pháp luật.

Buộc gỡ bỏ tin, bài trên báo điện tử, tạp chí điện tử, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; buộc gỡ bỏ tin, bài đăng tải không đúng nội dung thông tin ghi trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; Buộc thu hồi tên miền, địa chỉ Internet (IP).

Các nhà Báo đang tác nghiệp. Ảnh minh họa: TD.

Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt

Phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản

Về mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm là 200.000.000 đồng đối với tổ chức và 100.000.000 đồng đối với cá nhân.

Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Chương II và Chương III Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, trừ các hành vi vi phạm quy định về hoạt động báo chí, sử dụng thẻ nhà báo tại Điều 6 Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Tăng mức phạt đối với hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên

Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, các hành vi: Mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Theo quy định hiện hành tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi tương tự chỉ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Như vậy, mức phạt theo quy định mới đã tăng gấp đôi so với quy định hiện nay.

Ngoài ra, hành vi sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí cũng có cùng mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Riêng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi thì mức phạt theo quy định mới tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tăng hơn nhiều so với mức phạt hiện nay là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Những hành vi vi phạm khác, như: Sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; phóng viên nước ngoài, trợ lý báo chí của phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam mà không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp; nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác;… có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt lên đến 60 triệu đồng

Đối với người có hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, Điều 7 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định mức phạt khác nhau cho từng loại hành vi. Cụ thể:

- Cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

- Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

- Đặc biệt, có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ảnh minh họa: TD.

Đăng, phát tin, bài, ảnh kích động bạo lực bị phạt đến 100 triệu đồng

Cụ thể, tại Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định: Hành vi đăng, phát tin, bài, ảnh kích động bạo lực hoặc thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Hành vi này hiện nay được áp dụng mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (theo điểm b khoản 5 Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP).

Ngoài ra, những cơ quan, tổ chức có hành vi nêu trên còn bị tịch thu tang vật, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 - 12 tháng.

Đồng thời, áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cơ quan báo chí cải chính, xin lỗi, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, báo nói, báo hình.

Không chỉ vậy, Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP còn quy định một số mức phạt hành chính đáng chú ý khác như:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng: Minh họa, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin; đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó;…

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng: Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó; thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam;…

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng: Miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh; quy kết tội danh khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang xã hội;…

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, đồi trụy;…

- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng: Đăng, phát thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; đăng, phát thông tin xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;…

Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động xuất bản điện tử và phát hành xuất bản phẩm điện tử Điều 31 quy định

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi : Xuất bản điện tử hoặc phát hành xuất bản phẩm điện tử nhưng không đảm bảo đủ năng lực về thiết bị, công nghệ và nhân lực kỹ thuật để điều hành, quản lý quá trình xuất bản điện tử.

Không có biện pháp kỹ thuật theo quy định để ngăn chặn sao chép, can thiệp trái pháp luật vào nội dung xuất bản phẩm điện tử;Xuất bản điện tử hoặc phát hành xuất bản phẩm điện tử trên mạng Internet không có tên miền Internet Việt Nam.

Phát hành xuất bản phẩm điện tử nhưng không có văn bản hợp pháp chứng minh đã được tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả chấp thuận đối với từng tên xuất bản phẩm.

Không thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc can thiệp vào nội dung xuất bản phẩm hoặc loại bỏ xuất bản phẩm vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phát hành xuất bản phẩm điện tử không đúng nội dung bản thảo hoàn chỉnh đã được duyệt hoặc cấp giấy phép xuất bản đối với từng tên xuất bản phẩm.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi : Xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử kèm ứng dụng kỹ thuật, công nghệ gây mất an toàn, an ninh thông tin đối với phương tiện điện tử; Bổ sung thông tin mà người sử dụng xuất bản phẩm điện tử không yêu cầu, trừ các thông tin được phép theo quy định của pháp luật hoặc có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.

Can thiệp trái phép vào nội dung, hình thức của xuất bản phẩm điện tử để làm sai lệch nội dung hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật đối với từng tên xuất bản phẩm.

Không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc dừng xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử hoặc loại bỏ, ngăn chặn người sử dụng tiếp cận một phần nội dung hoặc toàn bộ xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật; Phát hành xuất bản phẩm điện tử nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Phát hành trên phương tiện điện tử xuất bản phẩm đã có quyết định đình chỉ phát hành, thu hồi, cấm lưu hành, tiêu hủy đối với từng tên xuất bản phẩm;Thực hiện xuất bản điện tử nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đăng ký hoạt động bằng văn bản.

Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động phát hành điện tử từ 01 đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 3 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 1; các điểm b, d và đ khoản 2; khoản 3 Điều này.

Đặc biệt, có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ảnh minh họa: TD.

Nghiêm cấm hành vi để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành

Theo Điều 23 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, người nào để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đây cũng là mức phạt đối với hành vi xuất bản xuất bản phẩm không đúng với nội dung xác nhận đăng ký xuất bản về tên xuất bản phẩm, tên tác giả, tên dịch giả (nếu có), thể loại, ngữ xuất bản, đối tác liên kết đối với từng xuất bản phẩm.

Ngoài ra, các hành vi vi phạm quy định về nội dung xuất bản phẩm khác như: Xuất bản xuất bản phẩm có nội dung dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, mê tín dị đoan hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

Xuất bản xuất bản phẩm có nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; phương hại đến lợi ích quốc gia; gây mất đoàn kết dân tộc đối với từng tên xuất bản phẩm bị phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 tháng.

Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản thuộc về nhiều cơ quan, đơn vị.

Điển hình như: Thanh tra, người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông; thanh tra ngoại giao; Hải quan; Quản lý thị trường; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm n khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Tùng Dương
TỘI LÀM LỘ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
ĐẶNG ĐÌNH MẠNH/ TD 3-12-2020

Thời gian gần đây, nhân dịp cơ quan tiến hành tố tụng tại Hà Nội truy tố ông Nguyễn Đức Chung, đương kim chủ tịch UBND TP.Hà Nội về “Tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, khiến công chúng chú ý hơn về tội danh này.

Theo điều 337 Bộ luật hình sự hiện hành, tên đầy đủ của tội danh là “Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước”, có hình phạt nặng nhất lên đến 15 năm tù.

Thông thường, người phạm tội này là cán bộ, công chức nhà nước. Vì lẽ, do đặc điểm công vụ, nên họ có khả năng tiếp cận với các tài liệu mật. Tuy vậy, với nhiều người không phải là cán bộ, công chức nhà nước thì cũng không nên chủ quan. Nhất là những người tham gia các mạng xã hội hoặc các giao thức liên lạc qua mạng.

Cứ thử tưởng tượng vào một ngày xấu trời, chúng ta chợt nhận được file hình ảnh chụp tài liệu của nhà nước qua vài chục giao thức giao tiếp như Facebook, Messenger, Twitter, Weibo, Email, Viber, Skype, Tango, WhatsApp, Telegram, Signal, Line, Zalo, Wechat, Zoom … mà vô tình, ở góc bên trái, phía trên hình ảnh văn bản có đóng dấu “Mật”, “Tối mật” hoặc “Tuyệt mật” trong một khung nhỏ hình chữ nhật. Cho dù, chúng ta vô tình không ý thức được có sự tồn tại của con dấu “Mật”, “Tối mật” hoặc “Tuyệt mật” đi nữa, hoặc ý nghĩa của nó là gì, thì ẩn họa đã bắt đầu từ đó và liệu chúng ta có phải đối diện với sự triệu tập của cơ quan điều tra hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào hành xử của chúng ta ngay sau khi ấy.

Hành xử có thể là:

1. Xóa file ảnh;

2. Cứ để yên đấy;

3. Chuyển cho người (hay nhiều người) khác;

Chọn cách hành xử thứ 1 và thứ 2, chúng ta tạm thời an toàn về phương diện pháp lý. Nhưng nếu vô tình hay hữu ý chọn cách hành xử thứ 3: “Chuyển cho người khác”, thì ẩn họa đã thành tai họa. Hầu như, đối với quan điểm của cơ quan điều tra hiện nay, hành vi ấy đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý (hay vô ý) làm lộ bí mật nhà nước để khởi tố thành vụ án hình sự.

Do đó, đừng tự đánh giá chủ quan cho rằng văn bản chúng ta nhận được chỉ là một file hình ảnh, một bản photocopy trắng đen hoặc văn bản ấy đã phát tán đầy rẫy trên mạng … thì không còn giá trị mật nữa. Vì lẽ, mật không chỉ vì con dấu mật, mà mật còn vì nội dung văn bản nữa. Theo đó, việc phát tán chúng “giúp” chúng ta trở thành “khách mời” làm việc với cơ quan điều tra chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thế nên, với đặc điểm hiện nay của các trang mạng xã hội hoặc các giao thức giao tiếp qua mạng tương tự, thì việc ai đó trong số những người đã kết bạn gởi đến cho chúng ta các file hình ảnh là điều hết sức bình thường và không thể ngăn chặn được. Nhưng nếu file hình ảnh ấy là văn bản tài liệu của cơ quan nhà nước có đóng dấu “Mật”, “Tối mật” hay “Tuyệt mật” thì phải hết sức cẩn thận và dĩ nhiên, chúng ta phải chọn cách hành xử an toàn về phương diện pháp lý cho chính mình nhất.

Ngày viếng linh hồn của một người bạn.

RA MẮT TRANG THÔNG TIN VỀ ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

CP/TBKTSG 3-12-2020

(TBKTSG Online) - Ngày 3-12, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chính thức khai trương Trang thông tin đặc biệt, đa loại hình và đa ngôn ngữ, phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại địa chỉ: http://daihoidang.vn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa), lãnh đạo TTXVN và một số bộ ngành thực hiện nghi thức khai trương Trang thông tin. Ảnh: Chinhphu.vn

Trang thông tin đặc biệt kết hợp 5 loại hình báo chí, văn bản, ảnh, video, đồ họa, dữ liệu, giúp các cơ quan báo chí, công chúng trong và ngoài nước có thể dễ dàng theo dõi toàn bộ lịch sử các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, bằng cách thức trực quan, lượng thông tin vô cùng lớn nhưng được sắp xếp logic, kết hợp giữa thông tin tư liệu và thông tin thời sự, thuận tiện cho tiếp cận và tra cứu.

Thông tin tư liệu bao gồm những tài liệu, văn kiện qua các kỳ đại hội Đảng, chân dung các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng từ Đại hội Đảng đầu tiên, cũng như danh sách đầy đủ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, danh sách Ban Thường vụ nhiệm kỳ 2020-2025 của tất cả các Đảng bộ tỉnh, thành phố, bộ, ngành, cơ quan Trung ương…

Nhiều năm qua, TTXVN đã xây dựng nhiều trang thông tin chuyên đề nhân các ngày các sự kiện lớn, vấn đề thời sự của Việt Nam và thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên, một chuyên trang thông tin đặc biệt được thực hiện công phu với sự kết hợp nhiều loại hình báo chí.

Trang thông tin có 6 phiên bản ngôn ngữ gồm: Việt, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Hoa.

Trong thời gian tới, TTXVN sẽ tiếp tục bổ sung nhiều nội dung thời sự và tính năng mới cho trang thông tin nhằm mang tới cho công chúng trong và ngoài nước thông tin toàn diện, khách quan, sinh động về sự kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2021.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của TTXVN đã xây dựng và ra mắt Trang thông tin chuyên biệt về Đại hội lần thứ XIII của Đảng một cách chuyên nghiệp, có nhiều điểm mới.

Trong tất cả sự kiện lớn, trọng đại của đất nước, việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ nhất có thể, luôn là yêu cầu không thể thiếu. Ông đề nghị TTXVN tiếp tục cập nhật, bổ sung thêm các tính năng trên Trang thông tin để công tác thông tin về Đại hội Đảng các cấp, Đại hội lần thứ XIII của Đảng bảo đảm các yêu cầu đề ra.

Phó Thủ tướng mong muốn đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần báo chí cách mạng Việt Nam cùng chung tay, góp sức để Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, tạo khí thế mới trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Theo Chinhphu.vn

CÓ CẦN YÊU CẦU BÁO CHÍ GÓP SỨC ĐỂ ĐẠI HỘI ĐẢNG THÀNH CÔNG ?

RFA 4-12-2020

Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam mong muốn báo chí góp sức để Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công. Ông nhấn mạnh kêu gọi này tại lễ khai trương một trang thông tin đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam hôm 3 tháng 12 năm 2020, tại Hà Nội.

Tại sao phải yêu cầu báo chí góp sức để Đại hội Đảng thành công và vai trò của báo chí nhà nước với Đại hội Đảng như thế nào khi chính quyền độc đảng Việt Nam đã kiểm soát hoàn toàn báo chí?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trao đổi liên quan vấn đề này với Đài Á Châu Tự Do từ Hà Nội hôm 4 tháng 12 năm 2020, nhận định:

“Tôi chắc bởi vì ông Phó Thủ tướng ổng phụ trách lãnh vực đó cho nên ổng nói như thế cho phải đạo mà thôi. Chứ còn thực sự thì báo chí của Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay của đảng cộng sản. Ở trên đấy ông Trọng và ông Thưởng là hai ông Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập mà nói gì thì hệ thống 800 tờ báo nghe răm rắp...”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết, ông không hiểu tại sao ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại kêu gọi như vậy, vì dù có báo chí hay không thì đảng cộng sản Việt Nam lúc nào cũng cho rằng đại hội thành công:

“Thành công hay không của đảng cộng sản Việt Nam trong đại hội thì chỉ có họ biết với nhau. Mà cái chính có lẽ là thông quan được những đường lối mà họ đã vạch ra rồi. Tất cả đảng viên thuộc 61 đơn vị dưới trung ương đã đại hội xong xuôi rồi, giờ chỉ còn đại hội trên cùng vào tháng giêng sang năm, thì chẳng cần báo chí gì thì họ vẫn cứ gọi là “thành công rực rỡ”... thì việc hô hào báo chí là việc hơi vô duyên, nhưng người ta vẫn phải làm ra vẻ như vậy. Tôi nghĩ báo chí ở Việt Nam, đặc biệt báo chí của đảng chẳng có một vai trò gì trong sự thành công hay thất bại của đại hội đảng cộng sản cả, vì đằng nào thì họ cũng đã vào hùa nói là ‘thành công rực rỡ’...”

Tôi nghĩ báo chí ở Việt Nam, đặc biệt báo chí của đảng chẳng có một vai trò gì trong sự thành công hay thất bại của đại hội đảng cộng sản cả, vì đằng nào thì họ cũng đã vào hùa nói là ‘thành công rực rỡ’...
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong quy hoạch báo chí đến năm 2025, chính phủ Việt Nam cũng đã một lần nữa khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của đảng và nhà nước. Vậy tại sao vẫn phải kêu gọi?

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 12 năm 2020, liên quan vấn đề này, từ Việt Nam Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng làm việc gần 10 năm tại Tạp chí Cộng sản, nhận định:

“Vai trò tuyên truyền, nhiệm vụ báo chí nhà nước thì từ xưa đến nay đã vậy rồi. Còn việc ông phó thủ tướng yêu cầu giúp sức thì thật ra nó cũng bình thường thôi, chứ nó cũng không có gì đặc biệt, mình nghĩ là trong hội nghị thì thường thường lãnh đạo hay có những câu nói như vậy. Thật ra thì vai trò của báo chí nhà nước thì họ vẫn nói vậy, người dân nào tin thì vẫn tin, còn không tin thì vẫn không tin. Người nào yêu đảng thì vẫn cứ yêu, còn ai không yêu đảng thì vẫn không yêu... nên đó chỉ là chuyện họ hay nói trong các hội nghị.”

191fc5f3-3b8a-4128-825e-a7fdf653a3c7.jpeg
Ảnh minh họa: Một sạp bán báo tại Việt Nam. Photo RFA .

Tại Việt Nam không có báo chí tư nhân, báo chí nhà nước nói chung phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhà nước định hướng dư luận xã hội… những việc như vậy, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Nhưng nếu so với cách đây khoảng 3 hay 4 thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có thay đổi... Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin - Truyền thông ở các tỉnh thành... các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này...

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, một ngòi bút phản biện, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua email về vấn đề này, hôm 4 tháng 12 năm 2020 nhận định:

“Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn với tinh thần của báo chí Cách mạng Việt Nam và sự trung thành, góp sức của đội ngũ báo chí sẽ góp phần để Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công tốt đẹp, tạo khí thế mới trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Ông Đam nói vậy là để động viên báo chí chứ ở Việt Nam có truyền thống là người ta khẳng định trước mọi đại hội Đảng sẽ thành công tốt đẹp ngay cả khi chưa họp. Người ta cần báo chí để tuyên truyền chứ chắc chẳng có ai, ngoài ông Đam, nghĩ đến sự góp phần của báo chí. Nhưng ngoài việc động viên thì phát biểu của ông Đam có một vài điều cần bàn. Trước hết ông Đam chỉ nói đến báo chí cách mạng chứ không phải báo chí nói chung. Và ông nhấn vào sự trung thành chứ không phải sự khách quan và trung thực.”

Ông Đam chỉ nói đến báo chí cách mạng chứ không phải báo chí nói chung. Và ông nhấn vào sự trung thành chứ không phải sự khách quan và trung thực.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Sau khi đại hội thành công tốt đẹp, báo chí sẽ góp phần tạo khí thế mới trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho biết, điều này là khá rõ và các báo chí cách mạng đang chờ để lập công. Còn nói rằng “góp sức của đội ngũ báo chí sẽ góp phần để Đại hội thành công tốt đẹp”. thì theo ông hơi bị khiên cưỡng. Nếu cứ suy luận theo kiểu “Vạn vật tương quan” thì mọi hoạt động của người Việt chịu sự kiểm soát của Đảng, trong thời gian chuẩn bị và tiến hành đại hội đều có góp phần cho sự thành công của đại hội. Còn nếu mong ước báo chí góp sức, góp phần có ý nghĩa vào sự thành công của đại hội thì đó là một mong ước không hiện thực. Vì theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, đó là báo chí cách mạng và cần phải trung thành. Ông viết tiếp:

“Đại hội có vấn đề quan trọng là văn kiện và nhân sự. Theo dõi báo chí cách mạng viết về đại hội Đảng trong mấy chục năm gần đây tôi thấy về văn kiện báo chỉ chủ yếu làm việc phụ họa, ca ngợi chứ chẳng đóng góp được gì về nội dung cũng như cách trình bày. Riêng về nhân sự thì hình như các phe nhóm đã lợi dụng được một vài tờ báo để tố cáo chuyện xấu của ông nọ bà kia với mục đích cá nhân chứ chủ yếu chẳng phải vì thành công của đại hội.

Không biết ông Phó thủ tướng nói với báo chí về đại hội Đảng là do bất chợt, nói theo thói quen hay dựa vào suy nghĩ cẩn trọng. Điều này người ngoài khó biết được, chỉ biết rằng đem phân tích kỹ thì thấy khó mà chấp nhận nội dung.”

Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia toàn thế giới về Chỉ Số Tự Do Báo Chí năm 2020, tức là không có tự do báo chí. Đây là xếp hạng do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới –RSF công bố vào ngày 21 tháng 4 năm 2020.

CHỐNG 'XUYÊN TẠC, BÔI NHỌ' LÀ TỰ ... BÔI CHO THÊM ...NHỌ ?

 TRÂN VĂN/ VOA 5-12-2020


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng. Photo VTC.

Nhiều cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã đồng loạt giới thiệu infographic do tạp chí Xây dựng đảng (XDĐ) thực hiện để hiệu triệu: Chống các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ trước Đại hội XIII của Đảng (1)…

Xin thử nhặt một số, từ vô số ví dụ trong thực tế để đặt bên cạnh các nhận định của nhiều viên chức cao cấp trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mà tạp chí XDĐ lựa chọn – giới thiệu để ngẫm nghĩ về… xuyên tạc và bôi nhọ!

***

Trong Chống các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ trước Đại hội XIII của Đảng, tạp chí XDĐ chọn - giới thiệu chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, trước tiên: …Cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn phá hoại, gây rối nội bộ của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị… Bây giờ họ tìm mọi cách chia rẽ, tung tin, nói xấu người này, nói xấu người khác, phe nọ, cánh kia, họ tung tin rất là bậy bạ, chúng ta phải hết sức cảnh giác cái đó...

Về nguyên tắc, tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Tại sao bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể nhận định, cán bộ đảng viên các cấp ăn của dân không từ thứ gì (2)… ngay cả ông Trọng cũng lớn tiếng cảnh báo về tình trạng ‘cua cậy càng, cá cậy vây’, tự cao tự đại, coi thường người khác (3)… mà một số đồng chí, đồng bào cũng nhận định, cảnh báo kiểu như thế lại bị xem là… cơ hội chính trị hoặc trở thành… thù địch? Đối chiếu những nhận định, cảnh báo của bà Doan, ông Trọng với nhận định, cảnh báo của những đồng chí đã bị kỷ luật đảng, bị xử lý hành chính và đồng bào đã bị xử lý hình sự thì những cá nhân nào… bậy bạ, cần cảnh giác hơn vì càn rỡ tới mức giành – giữ quyền chê trách cho riêng mình?

***

Nhân vật kế tiếp mà tạp chí XDĐ chọn – giới thiệu ý kiến để hiệu triệu chống các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ trước Đại hội XIII của Đảng là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TTTT): …Bào mòn niềm tin của người dân vào đảng chính là đích tấn công của kẻ địch… Chúng ta linh hoạt khi xử lý tình huống nhưng khi động chạm đến những vấn đề mang tính nguyên tắc thì kiên định không nhượng bộ

Nhận định của ông Hùng bôi nhọ, xuyên tạc điều mà trước nay đảng vẫn tuyên bố: Đảng là tổ chức chính trị duy nhất mà nhân dân luôn tin yêu, ủng hộ, kiên trì đi theo (4). Nếu đảng thật sự là… sự lựa chọn tự giác của nhân dân và dân tộc thì sẽ chẳng kẻ thù nào có thể bào mòn niềm tin vào đảng (5). Niềm tin chỉ có thể bị bào mòn khi và chỉ khi những gì đảng tự nhận không… chính đáng và thiếu chính xác!

Chính sự linh hoạt khi xử lý tính huống và kiên định không nhượng bộ khi đụng chạm đến những vấn đề mang tính nguyên tắc đã tạo ra những thảm nạn như việc thực thi Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM)… và những thảm án như Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội)… Linh hoạt và kiên định kiểu đó mà vẫn bảo tình trạng niềm tin bị bào mòn là tại… địch… tấn công - nếu không phải do… ngây ngô thì đích thị là… trâng tráo!

***

Nhân vật thứ ba được tạp chí XDĐ chọn – giới thiệu nhằm chống các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ trước Đại hội XIII của Đảng là Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng.

Ông tướng này cho rằng, muốn chống các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ trước Đại hội XIII của Đảng thì phải… thông tin định hướng tư tưởng tạo sự đồng thuận trong cán bộ đảng viên và toàn xã hội… đẩy mạnh tuyên truyền về thành tựu của đảng ta, của cách mạng Việt Nam trong 30 năm đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh, 10 năm cương lĩnh bổ sung phát triển và thành tựu 5 năm qua.

Kế mà tướng Nghĩa… hiến không những không… mới mà còn… không đúng. Trừ khi hàng trăm triệu người Việt đột nhiên… đui, … điếc,… bại não, không thấy, không nghe, không ngẫm nghĩ về hiện trạng kinh tế - xã hội Việt Nam, không so sánh với thiên hạ thì… thông tin định hướng mới có thể tạo sự đồng thuận trong cán bộ đảng viên và toàn xã hội.

Ai? Làm sao đẩy mạnh tuyên truyền về thành tựu của đảng ta, của cách mạng Việt Nam trong 30 năm đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh, 10 năm cương lĩnh bổ sung phát triển và thành tựu 5 năm qua khi hiện trạng kinh tế - xã hội như đang thấy, khi cách nay vài tháng, chính đảng thú nhận, không thể hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020, toàn đảng, toàn quân, toàn dân phải tiếp tục phấn đấu… ít nhất mười năm nữa (6)?

***

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng TTTT là nhân vật thứ tư được tạp chí XDĐ chọn – giới thiệu nhận định và đề nghị nhằm chống các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ trước Đại hội XIII của Đảng. Theo ông Dũng: … 80% lượng thông tin xấu, độc trong thời gian vừa qua chủ yếu nhằm công tác cán bộ của đảng… Bài học là phải tăng cường thông tin chính thống, kịp thời hơn…

Nhận định của ông Dũng tương tự nhận định của Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng - Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an – nhân vật cuối cùng được tạp chí XDĐ lựa chọn – giới thiệu: Các thế lực công kích trực tiếp vào các đồng chí lãnh đạo cấp cao của đảng, nhà nước để tuyên truyền, xuyên tạc làm người dân mất lòng tin, xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của đảng

Khoan bàn đến các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đương nhiệm bị xử lý kỷ luật, chỉ tính thành viên Bộ Chính trị đương nhiệm bị chính đảng xử lý kỷ luật đã là 3/19. Ai chọn những Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình? Nếu đảng giành quyền qui hoạch – sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, tại sao đảng không nhận trách nhiệm khi chọn… nhầm cả ba, cuối cùng phải kỷ luật, thậm chí phải tống giam, phạt tù vì họ… từng có những… sai phạm nghiêm trọng trước khi được chọn? Khi song hành với tâm linh là quyền tự do lựa chọn, có thể theo hoặc không theo tôn giáo nào, có thể tin hoặc không tin vào vị nào được người khác xem là Đấng Tối cao, tại sao công dân không có quyền thắc mắc, góp ý về qui hoạch – sắp đặt nhân sự lãnh đạo, về các cá nhân là lãnh đạo cao cấp?

Chẳng lẽ các cá nhân là lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam thiêng liêng, cao quý hơn toàn bộ thần thánh của nhân loại?.. Khi quy kết những người vì thể diện quốc gia mà đòi xác định trách nhiệm của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trong vụ hàng chục người quá giang… chuyên cơ đến Nam Hàn cư trú trái phép, hoặc yêu cầu điều tra – trả lời cáo buộc của thiên hạ rằng Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Việt Nam tổ chức một vụ bắt cóc trên lãnh thổ Đức - là… xuyên tạc, bôi nhọ,… Khi hệ thống cùng ngậm tăm không thèm trả lời, chỉ trừng phạt, răn đe những cá nhân dám thắc mắc, góp ý thì lúc nào mới thực thi tăng cường thông tin chính thống, kịp thời hơn? Như thế đã là điển hình của tình trạng ‘cua cậy càng, cá cậy vây’, tự cao tự đại, coi thường nhân dân… làm người dân mất lòng tin, xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của đảng để… xử lý chưa?

***

Tạp chí XDĐ còn trích dẫn ý kiền của một số người khác như ông Nguyễn Túc, cựu Ủy viên Thường trực (UVTT) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lên án luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ bằng nhiều… chiêu trò rất khác nhau… Đại hội 6 thì họ tung tin nhiều về vấn đề cán bộ phía Nam, phía Bắc. Đại hội 7 thì họ đi nhiều vấn đề về nội bộ Bộ Chính trị. những chuyện mà họ tự bày vẽ ra, hoặc những chuyện có ít thì xít ra nhiều… Hay ý kiến của ông Nguyễn Viết Chúc, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Gíao dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, về thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ: …Những người chống đối thì tìm mọi cách để đưa ra những thông tin giật gân nhất, thu hút nhất sự tò mò,.. công nghệ để cắt ghép, để nối cái nọ vào cái kia thì bây giờ quá siêu đẳng rồi…

Ông Túc, ông Chúc hoặc không màng, hoặc cố tình phớt lờ thế sự. Đại hội 6 diễn ra năm 1986 trong khi chỉ cách nay hai tháng, khi thảo luận với VietNamNet về lựa chọn – sắp đặt nhân sự cho BCH TƯ đảng khóa này, ông Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký kiêm UVTT Hội đồng Lý luận của BCH TƯ đảng, mới tái xác nhận về dư luận vùng miền: Cơ cấu miền Bắc, miền Nam, miền Trung thì trước đây phải cân đối… Trước đây, đúng là có tư tưởng vùng miền,… nhưng bây giờ có thế đâu (7)! Tương tự, thông tin giật gân, thu hút sự tò mò, cắt ghép, nối cái nọ vào cái kia không phải từ những người chống đối mà đều từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Ví dụ gần nhất là nỗ lực tách Luật Giao thông đường bộ thành hai để gia tăng quyền lực cho Bộ Công an vừa bị Quốc hội bác bỏ (8), thậm chí có đại biểu còn đề nghị truy cứu trách nhiệm ‘sáng kiến’ táo tợn này (9).

***

Nếu… xây dựng đảng vẫn tiếp tục là… nói lấy được, bất chấp thực tế, tiếp tục xem đồng chí, đồng bào như đui, điếc, không não thì càng đả kích cái gọi là luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, càng giống như đảng tự… bôi cho… nhọ hơn dù đã rất… khó coi!

Chú thích

(1) http://www.xaydungdang.org.vn/Home/thoisu/2020/14444/Infographic-Chong-cac-luan-dieu-xuyen-tac-boi-nho-truoc-Dai-hoi.aspx

(2) https://tuoitre.vn/an-cua-dan-khong-tu-mot-cai-gi-568432.htm

(3) http://baochinhphu.vn/Tieu-diem/Mot-so-van-de-can-duoc-dac-biet-quan-tam-trong-cong-tac-chuan-bi-nhan-su-Dai-hoi-XIII-cua-Dang/394094.vgp

(4) https://nhandan.com.vn/xa-luan/tu-hao-90-nam-co-dang-448604

(5) http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/dang-cong-san-viet-nam-va-su-doi-hoi-tat-yeu-cua-lich-su-73068

(6) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/den-nam-2030-viet-nam-hoan-thanh-muc-tieu-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-477588.html

(7) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/media/cach-thuc-gioi-thieu-truong-hop-dac-biet-vao-bo-chinh-tri-bch-trung-uong-654936.html

(8) https://tuoitre.vn/302-dai-bieu-quoc-hoi-khong-dong-y-tach-luat-giao-thong-duong-bo-2020111711381887.htm

(9) https://tuoitre.vn/thieu-tuong-nguyen-thanh-hong-toi-phat-bieu-khong-phai-la-an-cay-nao-rao-cay-ay-20201117172550305.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét