Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

20191029. VỤ 39 NGƯỜI NHẬP CƯ CHẾT TẠI ANH

 ĐIỂM BÁO MẠNG
CÁI CHẾT ĐẾN GẦN CỦA MỘT QUỐC GIA

MẠNH KIM/ BVN 28-10-2019

https://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2019/10/dianh2.jpg?resize=438%2C438

Có chết cũng đi!” đã trở thành một lời nguyền kinh khủng ám ảnh gần như tất cả người Việt. Vì sao không nội chiến tang thương, không cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng nào khiến cả nước bị đói, không bị đe dọa thường trực bởi khủng bố…, vậy mà người ta phải đi, “chết cũng đi”? Đằng sau hình ảnh đất nước “yên bình” này đang nổi lên một nỗi bất an kinh khủng. Nó đến từ nhiều nguyên nhân và điểm quy chiếu cuối cùng, khi xét đến hậu quả, có lẽ chẳng gì khác hơn là sự thất bại toàn diện của một nhà nước!
Ở thời mà đất nước chứng kiến giai đoạn “bình yên” có thể nói là lâu dài nhất kể từ thế kỷ 20 đến nay, những giọt nước mắt ly hương vẫn chưa cạn. Nếu không kể những người giàu có đi “tỵ nạn” để mong tương lai con cái tốt hơn, và thành phần quan chức tham nhũng cuốn gói trốn chạy, thì nhóm đối tượng với tỷ lệ đáng kể tìm mọi cách để đi khỏi quê hương lại chính là những người nghèo hoặc cực nghèo. Vừa nghèo vừa ít học. Nhiều trường hợp được khảo sát chi tiết cho thấy họ không còn bất kỳ chọn lựa nào khác là phải đi. Đi với hy vọng đổi đời, qua con đường buôn lậu người, với cái giá không hề rẻ.
Chưa có thống kê chính xác số người Việt bị đẩy vào các đường dây buôn người trên con đường di trú bất hợp pháp nhưng ghi nhận mới của Salvation Army, nơi tiếp xúc trực tiếp các nạn nhân, cho thấy rằng, tỷ lệ người Việt được nhắc đến đối với Salvation Army từ tháng 7-2018 đến tháng 7-2019 là nhiều hơn bất kỳ quốc tịch nào khác. Trong thời gian nói trên, Salvation Army đã làm việc với 209 người đến từ Việt Nam, tăng 248% so với số nạn nhân trước đó 5 năm. Tổ chức từ thiện ECPAT (End Child Prostitution and Trafficking) cũng cho biết có một sự tăng vọt số nạn nhân người Việt, từ 135 người năm 2012 lên 704 người năm 2018 (The Guardian 25-10-2019).
Việt Nam cũng “duy trì” “vị trí” như một trong những “quốc gia nguồn” về nạn nô lệ thời hiện đại tại Anh. Ít nhất 3.187 nạn nhân Việt Nam đã được ghi nhận tại Anh kể từ năm 2009 đến nay. Khoảng 362 nạn nhân trẻ em Việt Nam (được đưa đến bằng đường dây buôn lậu người) đã được phát hiện tại Anh năm 2017, tăng hơn 1/3 so với năm 2016 (Reuters 6-3-2019). “Nạn nhân trẻ em” – chi tiết này cho thấy có không ít người hoặc đã mang theo cả con mình trên con đường di trú lậu hoặc chấp nhận để con mình ra đi không chỉ để cứu chính nó mà còn mang lại sự sống cho những người còn ở lại quê nhà.
Nghèo không là nguyên nhân lớn nhất và duy nhất khiến nhiều người dân tại các vùng “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thuộc các tỉnh cực nghèo như Hà Tĩnh hoặc Quảng Bình phải đi. Thế giới có nhiều nước nghèo. Châu Á có nhiều quốc gia nghèo. Ấn Độ có nhiều bang cực nghèo. Một nước nghèo như Philippines hẳn nhiên cũng có nhiều người “thiếu hiểu biết” đối diện nguy cơ trở thành nạn nhân bị dụ dỗ. Tuy nhiên, Việt Nam – quốc gia được đánh giá “liên tục thoát nghèo” – lại phải chứng kiến tình trạng di cư lậu ngày càng tăng. Họ đi khắp nơi, từ Ukraine đến Đức, từ Pháp đến Ba Lan, từ Anh đến Mỹ, từ Philippines đến Thái Lan…
Báo cáo Precarious Journeys: Mapping Vulnerabilities of Victims of Trafficking from Vietnam to Europe dài 135 trang, do Anti-Slavery International, ECPAT UK và Pacific Links Foundation thực hiện (công bố thượng tuần tháng 3-2019), đã không những thuật chi tiết liên quan các đường dây buôn lậu người mà còn cho thấy tại sao một số người nghèo Việt Nam chọn con đường nghiệt ngã và đau đớn khi rời quê hương. Kinh tế, chính trị, môi trường và văn hóa, tất cả đều trở thành những yếu tố có liên kết với nhau, tạo nên bức tranh phức tạp vẽ lên diện mạo những người ra đi.
Nó đồng thời tạo nên sự tương đồng với một bức tranh khác cũng xảy ra với người dân ở một nước mà Việt Nam theo đuổi mô hình chính trị lẫn kinh tế gần tương tự là Trung Quốc. Dường như sự “thiếu hiểu biết” và “ngây thơ tin vào sự đổi đời bằng cách đi khỏi đất nước” của người Việt không giống người dân quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc? Các tổ chức buôn người dĩ nhiên đáng lên án nhưng tại sao chúng thường nhắm vào người dân Việt Nam và Trung Quốc hơn là dân các nước khác? Chúng tìm thấy ở các “đối tượng” này có điểm gì chung?…
Đừng lấy sự “thiếu hiểu biết” của người dân để biện minh như là lý do hàng đầu khiến họ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn người. Hãy tìm cách trả lời thật chính xác vì sao họ thiếu hiểu biết, nguyên nhân nào khiến họ thiếu hiểu biết, và làm thế nào để chặn đứng những cuộc ra đi khi không thể mang lại công ăn việc làm cho những người khốn cùng này. Không thể xem kiều hối là nguồn tiền đóng góp cho kinh tế quốc gia khi cùng lúc không quan tâm mồ hôi nước mắt của những người gửi tiền về. Không có thái độ nào vô lương tâm bằng việc khước từ trách nhiệm và đổ hết lỗi lên đầu người dân, đặc biệt người nghèo. Điều đó chẳng khác gì như muốn dội lên đầu người nghèo một gáo nước lạnh: “Mày ngu thì mày chết. Không phải lỗi của tao!”.
Với một số địa phương, nghèo thôi chưa đủ. Cuộc sống vốn dĩ khốn khổ của họ còn bị giáng thêm một cú khiến thêm khánh kiệt: ô nhiễm môi trường. Các cuộc ra đi liên tiếp của dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Hải Phòng… không phải mới đây. Hiện tượng này đã xảy ra từ nhiều thập niên trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng đột ngột số nạn nhân có nguyên quán Hà Tĩnh, như được ghi nhận của Mimi Vu – chuyên gia hàng đầu về tình trạng buôn người Việt (khi cô quan sát các trại tỵ nạn tại Bắc nước Pháp vào giữa tháng 10-2019) – cho thấy thêm, cuộc khủng hoảng môi trường đã đẩy nhanh tốc độ “chạy trốn” của người dân những khu vực này.
Chính phủ Việt Nam thừa nhận vụ ô nhiễm Formosa làm chết ít nhất 115 tấn cá, phá hủy 200 hecta san hô, gây ảnh hưởng cuộc sống 200.000 người trong đó có 41.000 ngư dân. Và chính phủ cũng đã “nỗ lực khắc phục”. Hai năm sau vụ Formosa, báo Chính Phủ (17-5-2018) cho biết:
“Thực hiện chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường…, 19.335,374 tấn gạo đã được cấp cho 214.840 người thuộc các hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường biển với mức 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 6 tháng…; hỗ trợ khẩn cấp 101,36 tỷ đồng để người dân mua giống, sửa chữa tàu, thuyền…; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng…, hỗ trợ 70% giá trị hàng hải sản tiêu hủy… Tính đến ngày 10-5-2018, tổng kinh phí các tỉnh đã phê duyệt để chi trả bồi thường thiệt hại là 6.490,2 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 1.748,1 tỷ đồng; Quảng Bình: 2.759 tỷ; Quảng Trị: 1.017,1 tỷ; Thừa Thiên-Huế: 966 tỷ). Đến nay đã chi trả 6.403 tỷ cho người dân, tương đương 98,7% so với số tiền đã phê duyệt…; Quỹ quốc gia về việc làm đã cho 2.384 dự án vay vốn tạo công ăn việc làm cho 3.279 người lao động…”.
Tuy nhiên, việc “khắc phục hậu quả” dường như không giải quyết tận cùng vấn đề. Nó không làm lu mờ một thực tế khác. Báo cáo “Precarious Journeys” cho biết, từ tháng 12-2016 đến tháng 5-2018 – gần bằng thời gian mà chính quyền “khắc phục sự cố” – số di dân bất hợp pháp gốc từ Hà Tĩnh nhập vào Anh đã tăng đột ngột. Cũng cần nhắc lại, ba tháng trước bài báo Chính Phủ, chính quyền đã xử Hoàng Bình, một trong những nhà hoạt động lên tiếng mạnh mẽ vụ khủng hoảng Formosa, với bản án 14 năm tù. Không phải tự nhiên mà yếu tố “tự do bị hạn chế” (“limited freedoms”) đã được “Precarious Journeys” đề cập như một trong những lý do khiến không ít người Việt ra đi. Ngay thời điểm hiện tại, có không ít người Việt, chưa được cơ quan hoặc tổ chức nào ghi nhận con số chính xác, đang trốn tại Thái Lan và Philippines như những nạn nhân tỵ nạn chính trị.
Bất luận thành phần ra đi là ai và đi bằng cách gì, hiện tượng rời bỏ quê hương, “chết cũng đi”, chưa hề dừng lại sau gần nửa thế kỷ “đất nước thống nhất”, cho thấy một điều không thể phủ nhận: chính quyền đang cai trị là một chính quyền thất bại. Để duy trì chế độ, nhà cầm quyền đã phải trả cái giá quá đắt, khi họ “thành công” trong việc áp đặt chính sách giáo dục nhồi sọ nhưng phải lãnh hậu quả và khiến người dân cùng lãnh hậu quả là đất nước ngày càng thiếu hụt nhân tài; khi họ “thành công” trong chính sách xóa đói giảm nghèo nhưng cùng lúc đẩy sự bất công lên đến mức không thể kinh khủng hơn; khi họ “thành công” trong “định hướng” kinh tế và kêu gọi đầu tư nhưng họ thờ ơ hoặc bất lực trong chính sách kiểm soát môi trường; khi họ “thành công” dựng nên những đô thị lộng lẫy nhưng thất bại trong việc ngăn chặn những cái chết tức tưởi của những người tận cùng dưới đáy xã hội; khi họ “thành công” tạo ra được một nhóm thiểu số trung thành nhưng thất bại tuyệt đối trong việc xây dựng niềm tin đối với đa số người dân…
Tương lai nào cho đất nước? Không ai có thể hình dung. Không thể hình dung tương lai một quốc gia cũng như nó sẽ sống và phát triển như thế nào, khi nó dường như đang chết, khi niềm tin dành cho đất nước đã chết.
M.K.

XIN LỖI CON, PHẠM THỊ TRÀ MY !
NGUYỄN THỊ HẬU/ BVN 28-10-2019
Trong khi Quốc hội đang bàn về “tăng hay giảm giờ làm việc”, về “thế nào là người tài và sử dụng người tài”… thì mấy chục công dân VN chết vì lạnh và vì ngạt thở trong một xe container đông lạnh, trên đường vượt biên vào nước Anh tìm việc làm.
Đây không phải là lần đầu tiên công dân VN gặp tai nạn thê thảm như vậy! Đây chắc chắn chưa phải là lần cuối cùng, người Việt vượt biên hoặc ra đi bất hợp pháp để tìm đường sống.
Có thể trách họ vì sao không lập nghiệp ở quê hương với số tiền vay được đến gần một tỷ đồng, nhưng không thể trách họ ra đi vì hy vọng có việc làm thu nhập tốt để sống và phụ giúp gia đình.
Có thể trách họ còn trẻ tuổi sao không tìm kiếm cơ hội ngay trên quê hương, sao lại ra đi với nhiều khả năng phải làm việc bất hợp pháp, nhưng đời sống công nhân ở các khu công nghiệp trong nước là “tấm gương” đen tối vì liên tục tăng ca, vì lương thấp ăn uống kham khổ, ốm đau không dám đi khám chữa bệnh, vì những cặp vợ chồng công nhân có con phải gửi về quê cho ông bà nuôi hoặc gửi vào những nhà trẻ luôn có nguy cơ con bị bạo hành…
Có thể không tán thành sự liều mạng bất chấp hiểm nguy, chấp nhận phạm pháp để ra đi của họ, nhưng vì sao những người trẻ tuổi phải ra đi như thế, lẽ nào người lớn, bậc cha mẹ, chính quyền các cấp… không có trách nhiệm?!
Vài năm trước dấy lên dư luận chê trách các cô gái miền Tây lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc Các cô gái có lỗi gì khi mà trong gia đình, những người cha người mẹ vẫn đành lòng để cho con em mình nhắm mắt đưa chân theo những người đàn ông coi “vợ” như một món hàng? Nhiều làng xóm ở phía Bắc vắng bóng phụ nữ, chỉ có người già và những người đàn ông quanh quẩn với đám trẻ trong ngôi nhà khá khang trang được xây dựng từ đồng tiền của người vợ đi lao động xuất khẩu hoặc đi làm osin ở xứ người gửi về. Những đồng tiền đẫm nước mắt nhớ thương gia đình, nhục nhằn nơi đất khách. Tất cả họ, những người ra đi dù hợp pháp hay bất hợp pháp, đều nhằm bán sức lao động, với hy vọng bán được giá cao! Thậm chí, công việc càng nguy hiểm càng có khả năng thu nhập cao.
Sức lao động – loại “tài nguyên” luôn được trưng ra để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài – chính là tuổi trẻ của đất nước, nhưng là tuổi trẻ chỉ có sức lực mà thiếu tri thức, kỹ năng, thiếu những hiểu biết cơ bản để có thể chọn lựa cho mình một con đường sống. Và họ đã chọn con đường tưởng như có thể nhiều kiếm tiển nhưng cũng nguy hiểm nhất: ra đi theo những đường dây “buôn người”. Chỉ trong vài tháng gần đây đã xảy ra sự việc 152 "du khách" Việt mất tích ở Đài Loan mà thực chất là một đường dây buôn người qua Đài… Thông tin 9 người mất tích sau khi dễ dàng “đi nhờ” chuyên cơ của bà Chủ tịch Quốc hội làm ta có quyền nghi ngờ đó là một đường dây buôn người chuyên nghiệp qua Hàn… Và nay là sự việc có những người Việt trong số 39 người chết ngạt trong container ở Anh. Chưa kể bao nhiêu người qua Lào, Thái Lan lao động chui, các cô gái qua Singapore, qua Malaisia “làm gái”… đã cho thấy mạng lưới rộng khắp đường dây buôn người có tổ chức, có thâm niên đang hoạt động rất táo bạo và tinh vi trên phạm vi quốc tế… Thực trạng này các địa phương có người ra đi đều biết rõ, các bộ, ngành quản lý liên quan cũng không thể không hay biết. Nhưng dường như tất cả đều vô can!
Cô gái Phạm Thị Trà My ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh –  người mà gia đình cho là đã ở trên chiếc xe container định mệnh – đã nhắn về cho cha mẹ những lời đứt ruột đứt gan “con xin lỗi bố mẹ, con đường đi nước ngoài không thành, con chết vì không thở được, con thương bố mẹ nhiều, mẹ ơi con xin lỗi mẹ…”. Trà My xin lỗi cha mẹ vì cô đã không thể giúp cha mẹ trả khoản nợ gần 30 ngàn bảng Anh gia đình đã vay mượn để cô có thể ra đi? Cô xin lỗi cha mẹ vì mong muốn, hy vọng của gia đình đã không thành hiện thực?
Người dân Anh đã thắp nến tưởng niệm, chia sẻ với những người xấu số đã chết trên đất Anh. Còn chúng ta vẫn đang chờ đợi sự lên tiếng của nhà nước trước sự việc bi thảm này. Chúng ta cứ chờ đợi như thế bao nhiêu năm nay, và những dòng người vẫn tiếp tục liều mạng ra đi…
Chính phủ và quốc hội nợ nhân dân một lời xin lỗi vì những thảm cảnh đã xảy ra.
Là một người mẹ, cô xin lỗi con, Phạm Thị Trà My, vì chúng ta đã không thể làm gì khác…
Sài Gòn 26.10.2019
N.T.H.
Hình BVN mượn trên mạng

NHIỀU NGƯỜI VIỆT NAM CHẾT TRONG CHUYẾN XE ĐỊNH MỆNH TRỐN LẬU SANG ANH ?

JB NGUYỄN HỮU VINH/ BVN 28-10-2019

Mấy ngày qua, một thông tin chấn động thế giới khi chuyến xe chở container sang đến Anh phát hiện 39 người đã chết. Trong chiếc container đó có 31 đàn ông và 8 phụ nữ được phát hiện chết ngạt và chết cóng trong xe tải ở Essex, cách thủ đô London 30km về phía đông vào thứ tư tuần này.
https://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2019/10/dianh4.jpg?resize=438%2C438
Thông tin báo chí cho biết rằng đây là những người Trung Quốc. Hôm 25/10, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng bài xã luận, trong đó cho rằng Anh và những nước Châu Âu khác phải nhận một số “trách nhiệm” cho cái chết của 39 người này.
Khi việc điều tra của cảnh sát Anh chưa chấm dứt, thì trên mạng rộ lên thông tin về một tin nhắn của một cô gái nhắn về cho mẹ tại Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh.
Cô gái cho biết tên là Phạm Thị Trà My, ở số nhà 1, Ngõ 2, Đường Đặng Dung, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh.
Trong tin nhắn mà gia đình nhận được, cô gái nói rằng: “Con đi nước ngoài không thành, con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được…”
Trong khi những thông tin về cô gái đang làm xôn xao cộng đồng mạng và báo chí quốc tế lên tiếng, xác minh thì chúng tôi nhận được thông tin rằng không chỉ có một trường hợp đó, mà riêng huyện Can Lộc, Hà Tĩnh hiện đã xác định có 4 trường hợp trong chuyến xe này.
Một thông tin khác về một thanh niên tên Nguyễn Đình Lượng, quê quán tại xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tử vong trong chuyến xe định mệnh này.
https://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2019/10/dianh_nguyendinhluong.jpg?resize=438%2C438
Chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với Nguyễn Đình Tuyên, là em trai con chú ruột của Nguyễn Đình Lượng, Tuyên cho biết:
Hiện nay, gia đình đã nhận được tin dữ báo Nguyễn Đình Lượng đã chết trong chuyến xe đi sang Anh mà báo chí đã loan tin. Đường dây đưa em đi đã gọi điện về báo cho gia đình và xin lỗi về việc này.
Nguyễn Đình Lượng, sinh ngày 20/1/1999. là con trai trong gia đình ông Nguyễn Đình Gia và bà Trần Thị Huân, một gia đình nông dân ở Huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh.
Lượng đã ra đi được 2 năm, sau khi sang Pháp một thời gian làm ở nhà hàng và cách đây mấy ngày đã di chuyển sang Anh trên chuyến xe định mệnh đó.
Trong vài năm qua, kể từ khi thảm họa Formosa xảy ra, nhiều thanh niên ở các vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều nơi khác đã đua nhau theo những đường dây buôn người đi ra nước ngoài bằng mọi cách bất chấp mạng sống của mình.
Những người ra đi bỏ ra hàng chục ngàn euro cho đường dây môi giới này.
https://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2019/10/tinnhan.jpg?resize=438%2C438
Họ đến châu Âu, đến Mỹ, Canada… bằng mọi con đường, mọi cách thức khác nhau.
Một người đã cho chúng tôi biết rằng: Họ quá cảnh ở Hàn Quốc, sang Nga, rồi đi bộ qua Ukraina, sống ở đó một thời gian rồi tìm đường vượt biên vào Đức, sau đó sang Pháp rồi đường dây đưa người sẽ đưa từ Pháp sang Anh. Cả chuyến đi, họ phải trả số tiền khoảng 40.000 euro. Riêng việc di chuyển từ Pháp sang Anh, số tiền cho mỗi người là 14.000 euro.
Khi đến nước Anh, một số người không mang theo hộ chiếu hoặc bất cứ giấy tờ nào tùy thân, một số được cấp những giấy tờ giả hoặc bằng cách nào đó do đường dây lo liệu.
Nhiều trường hợp ra đi không xác định ngày trở về, cuộc “di cư bất đắc dĩ” đó có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm mới đến đích hoặc không bao giờ đến đích.
https://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2019/10/dianh2.jpg?resize=438%2C438
Trên những chặng đường đó, họ đối diện với đủ các nguy hiểm nhất là với phụ nữ, trẻ em.
Hiện tượng này đã diễn ra nhiều năm qua và đã thành một phong trào trong nhiều làng mạc nông thôn nghèo ở những tỉnh miền Trung Việt Nam nghèo đói.
Nhất là khi thảm họa Formosa xảy ra, sau những dự án của các đại gia, nhà nước đã tiếp tay cho các tập đoàn sân sau cướp đất đai, nhà cửa của những nông dân chỉ biết lấy mảnh ruộng làm nguồn sống. Khi nguồn sống bị cắt đứt, họ buộc phải ra đi.
Rất nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra, nhiều người đã ra đi không bao giờ trở lại, thậm chí nhiều gia đình cho đến nay vẫn không biết tin tức về con cái mình.
Khi đến được các nước châu Âu, hoặc Mỹ, Canada… họ lại phải tiếp tục cuộc sống chui nhủi của thân phận kẻ ở lậu, trốn tránh pháp luật nước sở tại để đi làm chui kiếm tiền về trả nợ.
Và hàng năm, số ngoại tệ kiếm được bằng sức lao động, chui nhủi đầy tủi nhục của họ lại được gửi về Việt Nam.
Năm 2018 số ngoại hối chuyển về Việt Nam là hơn 16 tỷ USD, đứng thứ 8 so với các nước trên thế giới.
Những đồng tiền đó được sử dụng để trả thuế, để cho đảng và nhà nước tiêu dùng cho những dự án ngàn tỷ và tham nhũng ngàn tỷ.
Nhưng mấy ai biết được những đồng tiền đó thấm đẫm sự nhục nhằn, máu và nước mắt của những công dân, những người con đất Việt trên khắp thế giới.
Video phỏng vấn người nhà Nguyễn Đình Lượng:
Ngày 25/10/2019
J.B N.H.V.

VỤ 39 NGƯỜI CHẾT, QUỐC HỘI IM LẶNG ĐƯỢC SAO ?
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 29-10-2019

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/10/1-147.jpg
Các ông, bà nghị đang họp. Nguồn: Quang Phúc/ VnEconomy
Quốc hội im lặng được sao khi biết tin phần lớn hoặc toàn bộ 39 người chết thảm trong toa xe đông lạnh ở Anh là người Việt? Xin Quốc hội hãy tạm ngừng một vài việc để thảo luận chuyện này, nhằm tìm ra nguyên nhân cơ bản của tai họa.
Trong một bài trước, tôi đã phản biện ý kiến của nhiều lãnh đạo, họ cho rằng VN có ổn định, tốt về xã hội và chưa bao giờ đất nước đẹp như bây giờ. Thì đây, đất nước ổn định và tốt đẹp nên rất đông người Việt vì nghèo đói, túng quẫn đến mức bị bọn buôn người lừa đảo, người bị chết, gia đình bị nợ ngập đầu.
Rồi đây công an sẽ điều tra, tìm ra một vài manh mối trong đường dây tội phạm, chúng nó bị xét xử và kết tội, còn công an sẽ được ca ngợi và khen thưởng. Rồi những gia đình nạn nhân được thăm hỏi và giúp đỡ cùng với việc họ bị một số kẻ trách cứ là vì tham lam và ngu muội nên mới để xảy ra việc bị lừa. Rồi mọi việc sẽ qua đi.
Trong lúc đó nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bi thảm là từ thể chế chính trị, từ sự vô trách nhiệm và quá yếu kém trong công tác quản trị xã hội của Đảng và chính quyền. Nguyên nhân này không được các cơ quan tuyên tuyền và lý luận chính thống bàn đến. Chỉ trên các trang mạng có vài tác giả nêu ra và phân tích. Thí dụ bài của các tác giả: Dương Quốc Chính (Tị nạn chính trị và kinh tế), Mai Quốc Ấn (Hạnh phúc đâu xa?), Kông Kông (Điều tra tội phạm buôn người dễ không?), Trương Nhân Tuấn (Chế độ này còn tiếp tục thì sẽ còn những người vượt biên), Đào Tăng Đức (Cô gái Trà My và thân phận con người dưới các chế độ cộng sản) v.v…
Các tổ chức tuyên truyền và lý luận chính thống không dám phân tích và tìm nguyên nhân cơ bản của tai họa. Nhưng Quốc hội thì sao, có dám làm không? Có thể khẳng định các quan chức và những nghị gật không bao giờ dám làm việc như vậy. Nó nguy hiểm như việc bóp dái ngựa từ phía sau, vuốt râu hùm từ mặt trước. Với các nghị gật thì dù có cho uống mật gấu cũng không dám.
Nhưng còn những đại biểu còn có kiến thức và lương tri thì sao? Các vị có được dũng cảm, vượt qua nỗi sợ, thắng được những toan tính thấp hèn cá nhân để trình bày tiếng nói đại diện cho dân hay không?
Rất mong ước và yêu cầu có được vài đại biểu đề xuất việc này ra Quốc hội, vạch ra nguyên nhân cơ bản của tai họa mà người ta cố tình che giấu. Rất nhiều khả năng đề xuất của các vị sẽ bị số đông bác bỏ. Nhưng không sao, có tiếng nói, có đề xuất là đã có thắng lợi. Một đề xuất hợp tình, hợp lý bị bác bó chỉ chứng tỏ Quốc hội chưa đại diện được cho nhân dân.
Nhà nước có đội ngũ công an vô cùng hùng hậu, có chính quyền đến từng thôn xóm, lại thêm các tổ chức, các đoàn thể là tay chân của Đảng, thế mà vẫn để cho bọn buôn người hoạt động bình thường. Phải chăng công an, chính quyền còn tập trung sức lực cho những việc khác quan trọng và cấp thiết hơn nhiều. Đó là 2 việc sau: Một là lo kiếm tiền bằng mọi cách đề bù vốn (bỏ ra khi chạy chức quyền) và làm giàu, hai là lo theo dõi, khống chế, trấn áp những người dám dùng quyền tự do ngôn luận để cổ vũ cho dân chủ, dám bày tỏ quan điểm trên Facebook cá nhân.
Vụ nhiều người Việt bị chết thảm khốc ở Anh là một thách thức với Quốc hội. Liệu các vị nỡ lòng nào giữ im lặng?
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

THẢM NẠN ESSEX : QUYỀN VÀ NỢ 
TRÂN VĂN/ BVN 29-10-2019
Một thân nhân cho xem bức hình chụp ở Berlin của người có tên Anna Bui Thi Nhung (phải), có thể trong số nạn nhân vụ chết người thê thảm tại Anh.
Một thân nhân cho xem bức hình chụp ở Berlin của người có tên Anna Bui Thi Nhung (phải), có thể trong số nạn nhân vụ chết người thê thảm tại Anh.
Sự kiện 39 người chết trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, được phát giác vào sáng 23 tháng 10 làm dư luận trên phạm vi toàn cầu rúng động và đặt ra nhiều vấn đề đáng ngẫm nghĩ đối với nhận thức về quyền, cũng như NỢ…
31 người đàn ông và 8 phụ nữ xấu số ấy tử nạn vì muốn nhập cảnh trái phép vào Anh. Không có thảm cảnh bắt nguồn từ nỗ lực phạm pháp của họ, từ giữa tuần trước đến nay, cảnh sát hạt Essex ở Anh – nơi phát giác thảm nạn và vì vậy trở thành cơ quan phải thụ lý vụ án, tổ chức điều tra – không phải làm việc cật lực để truy tìm thủ phạm, xác định sự thật như đang thấy.
Cho dù nỗ lực phạm pháp của 39 người tử nạn khiến cảnh sát hạt Essex bận bịu, căng thẳng hơn nhiều so với bình thường, Pippa Mills – Chỉ huy phó cảnh sát hạt Essex – không lên án 39 người đã chết, bà cũng không chỉ trích gia đình họ. Thậm chí Mills khẳng định, lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật ở hạt Essex nói riêng và của Anh quốc nói chung NỢ họ câu trả lời về nguyên nhân khiến họ mất mạng thê thảm như vậy.
Không chỉ có thế, Mills còn nhắc báo giới và công chúng tôn trọng nhân phẩm của các nạn nhân và thân nhân của họ. Mills thay mặt cảnh sát hạt Essex hứa sẽ điều tra cẩn trọng, không suy đoán vô bằng và dù đang thực thi chức trách trong phạm vi quyền hạn của mình, Mills vẫn xin lỗi các cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra tại Khu công nghiệp Waterglade.
Chẳng phải chỉ có cảnh sát hạt Essex nhận NỢ, tuy không vay, Cơ quan Phòng – Chống Tội phạm Quốc gia, Cục Bảo vệ Biên giới, Cục Thực thi Xuất nhập cảnh, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao Anh,… cũng nhận NỢ và đang cùng nhau trả NỢ kiểu đó (1)…
Trước nay, vì nhiều lý do, Anh quốc đã trở thành đích mà nhiều người thuộc nhiều sắc dân khác nhau nhắm tới như một nơi có thể mưu sinh nuôi thân và nuôi gia đình. Không hội đủ điều kiện nhập cảnh và cư trú, làm việc hợp pháp thì họ tìm những phương thức bất hợp pháp để đạt được mục tiêu. Ở đâu thì di dân bất hợp pháp cũng gây ra nhiều vấn nạn cả về kinh tế lẫn xã hội.
Sau sự kiện 39 ngoại nhân tử nạn trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, dân chúng Anh có quyền yêu cầu chính quyền Anh phải siết chặt hơn nữa việc kiểm soát biên giới và kiểm tra – phòng chống di dân cư trú trái phép trên lãnh thổ Anh. Tuy nhiên nhiều người Anh đã làm ngược lại. Họ không chỉ thắp nến tưởng niệm, cầu nguyện cho 39 cá nhân đã thảm tử…
Ảnh chụp những sinh hoạt ở Anh sau thảm kịch vừa kể cho thấy dân Anh giương cao những tấm bảng, nhắn những người không phải đồng bào nhưng là đồng loại: Di dân và người tị nạn, chúng tôi chào đón các bạn tại đây (2)! Hóa ra dân Anh cũng nhận NỢ!
***
Từ lúc có tin, có thể có một số hoặc tất cả 39 người thảm tử trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, được phát giác vào sáng 23 tháng 10 ở Anh là người… Việt, sự kiện này đã tạo ra một cuộc tranh luận chưa dứt giữa người Việt với nhau.
Giống như nhiều thảm cảnh có liên quan đến người Việt, bên cạnh sự xót xa là các phản biện: Tại sao không tự trọng, cố gắng phạm pháp (tìm cách nhập cảnh trái phép vào Anh) để chết uổng như vậy? Tại sao lại vay mượn khoản tiền lớn đến như thế (30.000 bảng Anh, tương đương 850 triệu đồng), liều mạng một cách dại dột như thế chỉ để được sống tha hương, chui nhủi trên xứ người?
Thậm chí còn có những ý kiến kiểu như những người thảm tử và gia đình họ đáng trách vì… tham giàu, không cố gắng học hành, không bằng cấp lại chẳng có nghề nào độ thân nhưng muốn có tiền nhiều và nhanh nên tìm đường vào Anh tham gia trồng cần sa! Sau sự kiện rúng động dư luận này, xin visa đến Anh du học, du lịch sẽ khó hơn! Có cả những tố cáo về việc ra ngoại quốc tìm cơm áo nhưng khai vống là xin tị nạn…
Dù đồng tình hay không với những phản biện hết sức đa dạng như vừa tạm liệt kê thì cũng cần phải xác định, bất kể phán đoán thế nào, nhận định ra sao, thuận tai hay gai mắt thì đó cũng là quyền của một cá nhân!
Tự do suy nghĩ, phát biểu là một quyền và mưu cầu hạnh phúc là một quyền khác. Tất cả đều là những quyền căn bản của mỗi con người – nhân quyền! Hạnh phúc vốn trừu tượng, không thể định lượng và phụ thuộc hoàn toàn vào cảm nhận của từng cá nhân.
Có thể có ai đó cảm thấy phấn khởi với chương trình phát triển “tam nông” (nông dân, nông thôn, nông nghiệp) nhưng nhiều người tuyệt vọng khi bế tắc, phải ly nông, ly hương. Có thể có ai đó hết sức vừa ý với tiến trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nhưng nhiều người không hài lòng khi công nhân có nghề nghiệp ổn định song “ăn như tu, ở như tù”, sức khỏe suy kiệt, làm quần quật mà lương phạn vẫn không đủ nuôi thân.
Tương tự, có thể có ai đó cảm thấy tự hào khi gia đình, gia tộc có rất nhiều cử nhân, thạc sĩ nhưng nhiều người trăn trở vì cử nhân mà phải… chạy bàn, thạc sĩ phải chạy… xe ôm. Có thể có ai đó cảm thấy may mắn vì xoay sở đủ tiền, “chạy chọt” thành công, tìm được việc làm nhưng nhiều người lại xem học hành tử tế mà phải “chạy chọt” mới được làm việc với mức lương hết sức khiêm tốn là nghịch lý không thể chấp nhận!
Với một số người, hạnh phúc là có đủ cơm ăn, áo mặc nhưng với nhiều người khác, hạnh phúc là được nhìn thấy ông bà, cha mẹ, vơ con, anh chị em, thân bằng quyến thuộc đủ đầy, không phải chui ra, chui vào những nơi mà thiên hạ chỉ xem như “ổ”, không coi là nhà, không âu lo vì ngày mai không biết có gì để ăn (?), nếu bệnh tật làm sao có tiền để chữa chạy (?), làm sao có tiền để trẻ con không phải bỏ học nửa chừng (?)…
Trong mắt một số người, hạnh phúc là mua được xe hơi, xây được nhà lầu, sắm được những thứ người khác còn đang mơ, thỉnh thoảng đến được chỗ này, chỗ kia – những nơi mà nhiều người ao ước nhưng ngoài tầm với… Nhiều người khác lại cho rằng, hạnh phúc chỉ là ra đường không bị trộm cướp, tai nạn giao thông, được ăn, sạch, uống sạch, không mắc các chứng nan y, chết dần, chết mòn vì môi trường sống ô nhiễm,…
Nhận định thế nào về sự kiện 39 người thảm tử trong container chuyên dùng vận chuyển hàng đông lạnh, được phát giác vào sáng 23 tháng 10 ở Anh là quyền của mỗi cá nhân nhưng rõ ràng, lựa chọn của 39 người đó cho thấy họ đã không cảm thấy hạnh phúc ở nơi họ sinh ra, lớn lên. Họ chấp nhận trả giá đắt, chấp nhận đem sinh mạng của mình ra làm vật đặt cược để đạt đến hạnh phúc theo quan niệm của họ.
Có cả triệu người Việt đã và đang mưu cầu hạnh phúc theo kiểu như vậy (rời Việt Nam, bỏ lại cha mẹ, vợ, chồng, con cái, anh em,… để đi làm dâu, làm mướn hợp pháp hoặc bất hợp pháp, kể cả làm điếm, trộm cắp, phạm pháp ở xứ người).
Nhờ vậy, trên khắp Việt Nam, nhiều gia đình, nhiều khu vực mới có cơ hội “thay da, đổi thịt”, những vùng nổi tiếng vì nghèo đói mới có những “xã hàng ngàn tỉ phú”(3). Tuy nhiên cũng vì vậy mà hình thành những khu vực không có đàn ông, hoặc không có phụ nữ, trẻ con có mẹ thì không cha hoặc ngược lại (4). Từ khi nào người Việt phải chấp nhận hoán đổi như thế để có sự ổn định cho tương lai của chính mình và thân nhân?
Trong nhận thức của nhiều người Việt, mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho người khác dường như không phải là một trong những quyền tối thượng. Đó là lý do nhiều người miệt thị di dân là… “tị nạn kinh tế”. Đó cũng là lý do những sắc dân khác tự nhận NỢ khi chứng kiến đồng loại thảm tử trên con đường đi tìm cơm no, áo ấm song người Việt thì không, kể cả khi đồng loại chính là đồng bào của mình.
Rất nhiều người Việt không cảm thấy NỢ tổ tiên – những tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai hoang, NỢ ông bà, cha mẹ, NỢ con cháu khi môi trường sống của dân tộc mình, tương lai của xứ sở mình càng ngày càng bất ổn, bất định!
Không nhận NỢ nên nhiều người Việt dễ dàng đổ ra đường bày tỏ sự tự hào vì đội tuyển bóng đá quốc gia thắng một trận đấu song chẳng có bao nhiêu người muốn thay đổi thực tại: Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á đã có ba quốc gia: Brunei (5), Malaysia (6), Singapore (7) mà công dân muốn đến Anh quốc lúc nào cũng được, không những không cần xin visa mà còn có thể cư trú đến sáu tháng!
Tại sao cũng là con người nhưng công dân của nhiều quốc gia, kể cả công dân nhiều lân bang, có thể đi tới, đi lui gần như bất kỳ đâu, bất cứ khi nào họ muốn, còn người Việt thì không, ngay cả mưu cầu hạnh phúc cũng phải chui nhủi, thậm chí đổi mạng lấy cơ hội?
***
Sự dễ dãi của người Việt, quan niệm của nhiều người Việt về hạnh phúc, sự coi thường quyền mưu cầu hạnh phúc của người khác nơi người Việt, sự thanh thản vì luôn tự thấy chẳng NỢ ai, từ đồng bào tới đồng loại, có tương quan như thế nào với một Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước thường xuyên tự đắc vì đất nước chưa bao giờ “được” như thế này về “tiềm lực, vị thế và uy tín” (8), một Chủ tịch Quốc hội chỉ biết hối thúc đồng bào phải tự vấn “đã làm được gì cho đất nước” (9), một Thủ tướng mà từ nhận thức đến khả năng “kinh bang tế thế” chỉ xoay quanh những chỉ đạo, kiểu như phải thuyết phục được mỗi du khách chịu mua một con… “vịt quay, lợn quay” là đủ đạt đến… phú cường (10)?
T.V.
________
Chú thích

CÒN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG THÌ CÒN VƯỢT BIÊN BẤT HỢP PHÁP

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 29-10-2019

1. Cuối cùng thì đã rõ. Đại đa số trong 39 nạn nhân chết thê thảm trong container đông lạnh là người Nghệ Tĩnh. Dẫu cái chết tang thương của 39 đồng bào còn chưa chôn cất, ứa tràn nước mắt đau đớn mà thừa nhận rằng người Nghệ Tĩnh rồi vẫn còn ra đi.
10 người đi mà 5 người thoát thì người Nghệ Tĩnh vẫn ra đi. Chỉ khi 10 người đi mà chỉ 1 người thoát thì may ra người Nghệ Tĩnh mới dừng!
Sự cực đoan, bướng bỉnh, không cam chịu số phận đã đưa người Nghệ Tĩnh đến những quyết định liều lĩnh. Không phải mù quáng, mà là liều lĩnh đến chấp nhận cái chết để thay đổi.
2. Sống khổ cực cũng là chết. Không thay đổi có nghĩa là cam chịu khổ cực mãi mãi, như vậy thì sống cũng như chết. Hành động tuy có thể chết, nhưng còn có cơ may thay đổi, thế là hơn ngồi mà chờ chết. Ở điểm này, những người vượt biên, bất chấp về văn hóa và địa vị, họ hơn hẳn bao nhiêu kẻ cam chịu. Nếu tất cả đều đồng lòng không cam chịu, thì mọi thứ đã khác!
3. Trong 10 dòng nhắn gửi ở những giây cuối cùng của cuộc đời, cháu Trà My chỉ kịp ghi lại địa chỉ để mọi người biết mình là ai, nói về nguyên nhân cái chết, còn lại là dành yêu thương cho bố mẹ. Không trách móc, không than thân, chỉ dành hết trách nhiệm về phần mình và xin lỗi bố mẹ. Những dòng nhắn gửi cuối cùng này không có chỗ cho sự đắn đo, dàn dựng. Chỉ những suy nghĩ chắt lọc từ tâm can mới vụt sáng ở thời khắc lìa khỏi cõi đời. Tất cả cho thấy đường nét trí tuệ với lòng vị tha ngập tràn trong cháu Trà My.
Ở điểm này, trong đau xót, các bà mẹ Việt Nam có quyền tự an ủi rằng đã sinh ra những người con bản lĩnh và hiếu thảo.
Ở điểm này, ứa nước mắt thắp nén nhang mà ngưỡng mộ cháu Trà My. Cháu vượt xa bao nhiêu kẻ quyền cao giàu có, lúc đương chức thì nghênh ngang, lúc giàu có thì vung vãi tiền bạc, lúc vỡ lở thì chối bỏ trách nhiệm, lúc kết tội thì khóc lóc van xin!
4. Không phải cổ súy cho vượt biên liều lĩnh. Không ủng hộ những hành độ phi pháp. Chỉ muốn nhìn thấy những nét đẹp của đồng bào mình. Chỉ muốn cảm thông chia sẻ với người quá cố. Chỉ muốn đồng cảm với nỗi đau của những gia đình đã mất người thân. Chỉ muốn linh hồn những số phận kém may sẽ siêu thoát.
5. Nhưng còn nữa những số phận kém may đang ở phía trước. Khi mà xuất khẩu lao động còn là chỉ tiêu phấn đấu của quốc gia, thì không bao giờ chấm dứt được dòng người vượt biên bất hợp pháp.
Đơn giản bởi vì xuất khẩu lao động chỉ đưa người lao động đến được ở những lãnh địa khó khăn, độc hại, nguy hiểm, với mức lương bèo bọt trong sự miệt thị rẻ rúng nhân cách.
Đơn giản bởi xuất khẩu lao động không với tay đến được những nơi có nền công nghệ cao với mức lương hậu hĩnh. Bởi nơi đó là lãnh địa của tự do cạnh tranh, chứ không phải ao vườn thừa thẹo dành cho kẻ kém thế.
Bởi thế, chuỗi người vượt biên tới những đất nước có nền kinh tế phát triển nhất, cụ thể là Mỹ và Tây Âu còn là dòng chảy dài lâu. Không chỉ là lương, mà còn là môi trường sống.
Chỉ khi Việt Nam không phải đưa người đi xuất khẩu lao động thì lúc đó dòng người vượt biên bất hợp pháp sẽ tự khắc lịm dần.
Tiếc thay, ngày đó còn rất xa. Và các bà mẹ Nghệ Tĩnh còn phải dấu vào đêm chuỗi dài những vạt nước mắt cay đắng!
D:\Downloads\BVN\28-10\1.jpg
D:\Downloads\BVN\28-10\2.jpg
D:\Downloads\BVN\28-10\3.jpg
N.N.C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét