Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

20191013. CHỐNG BỆNH 'CÔNG THẦN, KIÊU NGẠO CỘNG SẢN'

ĐIỂM BÁO MẠNG
CẢNH GIÁC VỚI BỆNH CÔNG THẦN VÀ KIÊU NGẠO CỘNG SẢN 

CÔNG MINH, NGUYÊN MINH/ QĐND 10-10-2019

QĐND - Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản là những thói hư tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã từng được V.I Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh ấy, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt cuộc đời, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu. Thế nhưng, vẫn có những người xao nhãng, để những căn bệnh ấy không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân, đồng đội...

Họ đã và đang tự đánh mất chính mình
Chúng ta hẳn có nhớ một sự việc gần đây, từng có cựu Ủy viên Trung ương Đảng tuổi đời còn trẻ, tương lai đang rộng mở thì “dính chàm”, bị cách hết mọi chức vụ. Nguyên nhân do nhiều sai phạm, trong đó một phần do thói độc đoán, chuyên quyền, kiêu ngạo, không biết lắng nghe, không tôn trọng cả cấp trên và cấp dưới.
Lại có cán bộ cấp cao lúc nghỉ hưu vẫn không giữ được mình, có nhiều sai phạm ảnh hưởng đến thanh danh họ, như cựu quan chức mạt sát cảnh sát giao thông; cựu bộ trưởng đòi đặc quyền đặc lợi... Đáng buồn hơn, có cả cán bộ kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không đúng đường lối quan điểm của Đảng; tiếp xúc với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, thậm chí cả đối tượng phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát nhiều thông tin xấu, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Trước góp ý chân thành của đồng chí đồng đội, những người này lại không tiếp thu, sửa chữa, cho rằng cách nghĩ, cách làm của họ mới là cấp tiến, là “trở về với nhân dân”.
Họ còn tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm tổ chức gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Rồi còn tham gia ký các đơn, tâm thư, thỉnh nguyện tập thể có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước, quân đội nhưng họ lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng... Ngay trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn hóa văn nghệ, nhiều năm qua, chúng ta không khỏi đau xót khi thấy có những nhà văn, nhà báo, nhà quản lý từng dạn dày kinh nghiệm, có tên tuổi nhưng khi nghỉ hưu đã đánh mất chính mình, đăng đàn nói, viết những điều sai trái, đi ngược với lý tưởng cả một đời theo đuổi. Có người còn tham gia thường xuyên viết bài, cộng tác cả cho những trang mạng phản động, có người bị kích động và bị lợi dụng để rồi xuất hiện trong những clip với nhiều nội dung sai sự thật, có cả thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận. Có người để lại lời nói, việc làm thiếu trách nhiệm, tùy tiện đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội...
Những căn bệnh cần tránh của người cộng sản
Cuộc sống luôn cần sự phản biện đa chiều nhưng nếu sự chỉ trích đi kèm bệnh kiêu ngạo cộng sản và công thần thì hậu quả vô cùng nguy hiểm.
Năm 1919, nhà văn Maxim Gorki đã viết thư đề nghị V.I Lênin ngừng “khủng bố” những trí thức bị bắt vì phản loạn. V.I Lênin đã viết bức thư trả lời, phân tích rằng không nên trộn lẫn “các lực lượng trí tuệ” của nhân dân với “lực lượng” trí thức tư sản. Ông còn lấy trường hợp tác giả cuốn sách với những mỹ từ “Chiến tranh, Tổ quốc và Nhân loại” nhưng thực ra là kẻ dùng lời đường mật đánh tráo khái niệm yêu nước đích thực; ông cho rằng những trí thức phản loạn, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia “bọn chúng không phải là bộ não ...”. Sau này, trong bài viết vào năm 1921, V.I Lênin đã vạch ra một trong 3 thứ kẻ thù chính-kẻ thù “nội xâm” mà những người cộng sản Nga phải kiên quyết đấu tranh tiêu diệt, kẻ thù đầu tiên, chính là “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”.
Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
               Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2-1961. Nguồn: Ảnh tư liệu.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến bệnh công thần: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Theo Người: “… Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng...”. Người cũng chỉ ra nhiều thứ “bệnh” của cán bộ, trong đó có bệnh kiêu ngạo với những biểu hiện: “Tự cao, tự đại, hay lên mặt. Ưa người ta khen ngợi, tâng bốc mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo... Việc gì cũng muốn làm thày người khác”. Cùng với đó là bệnh hiếu danh, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Rồi bệnh óc lãnh tụ: “Đánh được vài trận, hoặc làm được vài việc gì ở địa phương đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ rồi. Nào có biết so với công cuộc giải phóng cả dân tộc thì những thành công đó chỉ là một chút cỏn con, đã thấm vào đâu!”.
Vi phạm cả pháp lý, đạo lý, xa rời nhân tâm, tự vùi danh dự
Soi rọi những lời căn dặn trên vào các biểu hiện mắc bệnh của một số cán bộ mà chúng tôi nêu ở phần đầu bài viết, có thể thấy rất rõ những điều các bậc tiền bối cách mạng căn dặn dường như đã nói đúng, nói trúng tim đen của ai đó xa rời đạo đức, danh dự người cộng sản chân chính. Người cộng sản cần có dũng khí để đấu tranh với những điều sai trái, những thói hư tật xấu trong xã hội nhưng phê bình phải trên tinh thần xây dựng, phải có cái tâm. Cuộc sống xấu đi bởi sự im lặng nhưng cuộc sống cũng xấu đi và tồi tệ hơn bởi những tiếng nói sai sự thật, phán xét hồ đồ, tùy tiện, vô trách nhiệm, giật gân, đao to búa lớn để nâng mình lên bằng cách bôi nhọ người khác, gắp lửa bỏ tay người. Đó là thói phê bình nói lấy được của kẻ không biết mình là ai, thậm chí “Chân mình thì lấm mê mê/Lại đi cầm đuốc mà rê chân người” như cha ông ta đã dạy. Đó là thói phê bình vơi tình cạn nghĩa, không thể chấp nhận đối với những người từng chung đội ngũ, từng thuộc lời thề thứ 7 về tình đồng đội.
Đã là người cộng sản, là đồng chí, đồng đội, thì khi góp ý, phê bình phải với tinh thần người cộng sản, đồng chí, đồng đội chứ không thể bịa đặt thông tin, đổi trắng thay đen, gây hoang mang, suy giảm niềm tin của nhân dân. Càng không thể phê phán khi chính mình chưa đủ tâm, đủ tầm, đủ thông tin và nhận thức về những lĩnh vực mình còn nông cạn, chưa trải nghiệm. Không thể chấp nhận những kiểu phê bình tùy tiện như biến người từng trải nghiệm, kinh qua chiến đấu, được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực chỉ huy quân sự cao thành người “không hiểu quân sự, không qua chiến tranh”. Không thể phê bình kiểu thầy bói xem voi phủ nhận cả thành tích, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bằng ý kiến chủ quan, lệch lạc.
Đây cũng là vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề cập, chỉ rõ để mỗi cán bộ, đảng viên không sai phạm. Nghị quyết chỉ rõ, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống có việc nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu... Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước, quân đội; Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội.
Nghị quyết cũng không cho phép “kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước...”.
Vậy thì rõ ràng, một vài hiện tượng cán bộ nghỉ hưu gần đây giao lưu, cấu kết với các thế lực phản động hoặc bị chúng lợi dụng để xuyên tạc, chống phá, tán phát thông tin sai sự thật trên mạng xã hội là điều không thể chấp nhận, chính là việc vi phạm Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng.
Nhìn ở góc độ pháp lý, những hành vi xuyên tạc, vu khống người khác thông qua cái gọi là phê bình, đấu tranh, bày tỏ chính kiến với nhiều trường hợp đã vi phạm Điều 155, Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, người vu khống, nói xấu, bôi nhọ danh dự, tuy tín của người khác còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống...
Đấu tranh và xử lý, không để tạo những tiền lệ xấu
Những hành vi vi phạm cả về pháp lý và đạo lý như vậy cần phải được đấu tranh, phê phán, lên án, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh. Tổ chức đảng, đoàn thể nơi quản lý những cán bộ đó phải tăng cường giáo dục, rèn luyện họ chấp hành đúng kỷ luật và các quy định của Đảng, đề cao lương tâm, trách nhiệm, danh dự của người đảng viên chân chính.
Đối với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước, phải có thái độ và biện pháp xử lý nghiêm minh, công bằng, không để nương nhẹ, hóa mù ra mưa với những trường hợp công thần, kiêu ngạo cộng sản dẫn đến những lời nói, việc làm sai phạm. Chúng ta từng có bài học kinh nghiệm sâu sắc về một số trường hợp tướng lĩnh quân đội, công an từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân nhưng vi phạm kỷ luật, pháp luật vẫn bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.
Bác Hồ từng căn dặn: “Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, là lãnh tụ”. Nhưng nhân dân và tổ chức cũng luôn rộng mở với những người biết khắc phục sửa sai. Thực tế đã có cán bộ tướng lĩnh có biểu hiện kiêu ngạo, được Bác Hồ nhắc nhở, rèn luyện sau trở thành vị tướng tài năng, đức độ, đảm nhiệm các chức vụ cao cấp của quân đội, sau đó ông tiếp tục sống cuộc sống khiêm nhường, cống hiến theo đạo đức cách mạng cho đến lúc nghỉ hưu, qua đời. Theo Người, để phòng trị bệnh kiêu ngạo, công thần, mỗi cán bộ, đảng viên phải: Rèn luyện đức khiêm tốn; thật thà tự phê bình và tiếp thu ý kiến phê bình của người khác; kịp thời phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm...
Với cán bộ cao cấp, càng đòi hỏi khi đương chức cũng như nghỉ hưu phải có sự tỉnh táo, cẩn trọng khi nói và làm, nhất là phát ngôn trên truyền thông và mạng xã hội, đặt lợi ích của đất nước, của cộng đồng lên trên; giữ gìn bản lĩnh, danh dự và uy tín người quân nhân cách mạng. Sinh thời, Bác Hồ từng gửi cho Thiếu tướng Nguyễn Sơn 12 chữ: “Đảm dục đại” (Gan phải to); “Tâm dục tế” (tấm lòng, tâm hồn phải trong sáng); “Trí dục viên” (Suy nghĩ trọn vẹn, toàn diện, chu đáo); “Hạnh dục phương” (Hành động đúng đắn, ngay thẳng, phân minh, đàng hoàng). Sau này, nói chuyện với các tướng lĩnh, Bác nói đến 6 đức tính cần phải có, gồm: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung nhưng phẩm chất đầu tiên phải có là Trí. Người chỉ rõ Trí là phải có đầu óc sáng suốt, nhìn mọi việc để suy xét, rồi quyết định cho đúng. Suy nghĩ thấu suốt, nhìn xa trông rộng, phát ngôn rạch ròi, có thể định hướng dư luận, thế mới xứng tầm của những người từng ở vị trí lãnh đạo, chỉ huy.
Để tán phát những thông tin xấu, tiếp tay cho những căn bệnh kiêu ngạo, công thần, những điều sai trái có “cánh tay vô hình” của kênh truyền thông mạng xã hội và thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng xấu, cơ hội chính trị thường lợi dụng những cán bộ nghỉ hưu, có tinh thần đấu tranh cao nhưng trong nhiều trường hợp lại thiếu thông tin; không sử dụng hoặc ít cập nhật mạng xã hội, internet... Vì thế, cũng cần có biện pháp thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, ngăn ngừa các đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng.
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý hiệu quả mạng xã hội, để các nhà cung cấp của Google, Facebook, YouTube... chấp hành nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam; buộc họ chủ động và có biện pháp ngăn chặn, xử lý những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh lăng mạ, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội...
CÔNG MINH - NGUYÊN MINH

CẦN PHƯƠNG THUỐC ĐẶC TRỊ BỆNH CÔNG THẦN  VÀ KIÊU NGẠO CỘNG SẢN

 QĐND 11-10-2019

QĐND - Ngay sau khi Báo Quân đội nhân dân (QĐND) ngày 10-10-2019 đăng bài viết “Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản”, tòa soạn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bạn đọc. Nhiều ý kiến phản hồi về tòa soạn cho rằng phải đấu tranh kiên quyết với hiện tượng công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng những phương thuốc đặc trị; đồng thời cũng khẳng định những lời nói, việc làm sai trái của các cá nhân mắc bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản ấy không thể làm thay đổi niềm tin cậy, yêu mến của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ta với Đảng, Nhà nước, quân đội. Báo QĐND xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc.


 Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản

Tin tưởng, vun đắp thế hệ sau tiến bộ mới là đạo của người làm tướng
Tôi đồng tình với quan điểm Báo QĐND nêu về bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản. Tôi cũng rất đau lòng khi biết vừa có thông tin trên mạng xã hội (MXH) về những cán bộ phát biểu tùy tiện, có dấu hiệu kiêu ngạo, công thần, trong đó có cả một sĩ quan cấp tướng đã nghỉ hưu. Những tướng lĩnh như chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nhưng chúng tôi nhận thức rằng: Những gì chúng tôi đã làm được là rất nhỏ bé đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc. Đóng góp cho Tổ quốc là nghĩa vụ, khi đã đi làm nghĩa vụ, làm cách mạng thì không được kể công.
Càng những người mang quân hàm tướng, những người đi trước là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước lại càng phải nhận thức như trên. Những gì chúng ta đã cống hiến chỉ là hạt cát nhỏ giữa biển cát mênh mông của cuộc cách mạng mà thôi. Bác Hồ cũng không tự nhận xét mình là người có công nhất. Chỉ có nhân dân công nhận và vinh danh Bác Hồ.
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Tướng lĩnh ngày xưa là những tướng lĩnh qua đánh giặc mà trưởng thành, nhưng mà cũng nhờ sự giáo dục của Đảng, sự rèn luyện của quân đội. Tập thể người ta đưa mình lên, không phải tự nhiên một mình cá nhân anh mà lên được như vậy. Quân không đánh giỏi thì làm sao anh có thể lên tướng được? Cho nên cái tướng của anh có công của nhiều cán bộ, nhiều chiến sĩ mà trước hết là những người đã hy sinh.
Tư tưởng chê bai thế hệ đi sau một cách vô lý tôi cho là thiển cận. Ngày hôm nay mà không tiến bộ hơn ngày hôm qua thì anh làm cách mạng làm gì? Anh làm được một ông tướng trong đánh giặc để mục đích sau này, thế hệ đi sau tiến bộ, gánh vác trách nhiệm mà lịch sử giao lại. Trước hết những người đi trước phải là những “bà đỡ”, điểm tựa cho những người đi sau tiến lên.
Một vị tướng anh hùng, trong kháng chiến chống Mỹ được phong anh hùng ở cấp trung cấp và sơ cấp thôi, sau này được làm công tác về lịch sử, lẽ ra phải là con người trung thực với lịch sử, bảo vệ lịch sử. Thế mà lại nói một câu ngao ngán rằng: Tướng bây giờ chưa biết chiến tranh! Thế thì đồng chí muốn đất nước này tiếp tục có chiến tranh để có tướng đánh giặc à? Không có tướng đánh giặc mà quân đội vẫn vững mạnh, đất nước vẫn độc lập, giữ được chủ quyền, hòa bình, vẫn giàu mạnh tiến lên đó mới là mục tiêu của Quân đội ta.
Nếu như 45 năm vừa qua, không phải là hòa bình mà phải đánh giặc để có những người tướng có kinh nghiệm trận mạc thì có cần không? Chúng ta mong cho đất nước này vĩnh viễn hòa bình, để xây dựng một quân đội hùng mạnh trong hòa bình, mà quân đội đó từ người cán bộ cao nhất trở xuống không ai phải kinh qua chiến tranh. Đó mới là hạnh phúc to lớn nhất của quân đội và cũng là của nhân dân.
Tôi cũng không đồng tình với tư tưởng công thần ở khía cạnh không tin tưởng, khích lệ thế hệ đi sau. Mình đi trước nếu là người đứng đắn, thấy thế hệ đi sau họ tiến bộ thì mình phải cảm thấy hạnh phúc. Như bản thân tôi, có đồng chí trước đây chức vụ thấp hơn tôi, sau tiến bộ hơn tôi, chức vụ, quân hàm cao hơn tôi. Tôi rất hạnh phúc bởi lớp đi sau được chúng tôi bồi dưỡng, giúp đỡ và kế thừa rất tốt. Chúng tôi phải là những người giỏi mới bồi dưỡng, rèn luyện giúp được cấp dưới trưởng thành vượt qua chúng tôi. Đó chính là hạnh phúc của tôi, của những người đi trước. 
Rồi, công thần đến mức nghĩ mình là giỏi, chê bai cả công tác đối ngoại quốc phòng theo tôi cũng là sai. Chưa bao giờ hoạt động công tác đối ngoại quốc phòng được như hiệu quả lúc này. Khi mà các thế lực thù địch chống phá đất nước, không riêng gì các nước khối ASEAN, mà kể cả các nước đối đầu, thù địch với nước ta trước kia nay đều có quan hệ ngày càng tốt hơn. Tất cả các mối quan hệ trong công tác đối ngoại đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, thêm bạn bớt thù…
Trong điều kiện đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh, các thế lực thù địch còn điên cuồng chống phá, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc còn nhiều thách thức thì đây là lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có những tướng lĩnh về hưu phải chung sức, chung lòng, chia sẻ với quân đội. Những tướng lĩnh đã về hưu phải là điểm tựa cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước, quân đội vượt qua khó khăn, thách thức. Đó mới là đạo của người làm tướng.
Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 4)
------------------
Không thể thay đổi niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với quân đội
Tôi hoan nghênh Báo QĐND đã có bài viết kịp thời phê phán căn bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản. Bài viết đã nêu trúng hiện tượng mà gần đây một số cán bộ đã mắc phải, như việc có người đã phát ngôn trong một hội thảo gần đây, tùy tiện bịa đặt thông tin, phê phán một số đồng chí cán bộ cao cấp của Quân đội ta chưa qua chiến tranh, trình độ quân sự hạn chế... Thậm chí, họ còn hồ đồ nêu phán xét những mặt công tác của quân đội ta, như công tác đối ngoại quốc phòng.
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Trung tướng Nguyễn Long Cáng.
Tôi lên án những luận điệu xuyên tạc, nói xấu cán bộ cao cấp trong quân đội và biểu hiện công thần, kiêu ngạo cộng sản đó. Những việc làm này, mới đầu, chúng ta tưởng họ chỉ tập trung nói về một vài cá nhân nào đó, nhưng hậu quả khôn lường, chính là xuyên tạc, hạ thấp chủ trương, đường lối, thành tích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân ta; gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, suy giảm niềm tin của nhân dân.
Thế nên, để đấu tranh, ngăn ngừa với loại thông tin này, chúng ta cần phải tỉnh táo, phân biệt rõ đúng, sai, để từ đó tỏ rõ thái độ kiên quyết đấu tranh. Những trường hợp nào vi phạm phải xử lý nghiêm minh.
Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương; tin tưởng vào phẩm chất, năng lực của các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Đứng chân trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên rộng lớn, những năm gần đây, dù tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng chúng tôi luôn gắn bó mật thiết với nhân dân và cũng luôn được lắng nghe sự tin cậy, yêu mến của nhân dân đối với Quân đội ta, sự đồng tình, ủng hộ các chủ trương, biện pháp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo quân khu đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi nghĩ rằng, những ý kiến xuyên tạc, lệch lạc đó chỉ là cá biệt, không làm thay đổi niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với Quân đội ta.
Trung tướng NGUYỄN LONG CÁNG (Tư lệnh Quân khu 5)
---------------
Cán bộ cao cấp nghỉ hưu càng phải nêu gương
Thời gian gần đây, như Báo QĐND đề cập, có nhiều thông tin về một vài cán bộ cao cấp, tướng nghỉ hưu có những phát biểu và bài viết không đúng trên MXH. Điều đó không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân, đồng đội, làm tổn hại đến danh dự của Đảng, Nhà nước, quân đội.
Theo bản thân tôi, các đồng chí khi đã về hưu, đặc biệt là những đồng chí có chức, có quyền trước đây cần phải làm như thế nào để các em, các cháu học tập và noi gương; vận dụng những kinh nghiệm quý báu của mình để tham mưu, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển…
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Trung tướng Nguyễn Việt Quân.
Thời gian gần đây, chúng ta đều thấy tấm gương của đồng chí Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, phi công Nguyễn Văn Bảy-một con người uy dũng, hiên ngang khi chiến đấu nhưng về với đời thường lại có lối sống giản dị. Đến lúc cuối đời, khi nằm xuống thì không chỉ cả hệ thống chính trị nói chung, nhân dân ta mà cả đối phương cũng khâm phục. Đó là tấm gương sáng về sự khiêm tốn, giản dị để chúng ta noi theo.
Tôi mong rằng các đồng chí về hưu hiện nay, dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng. Trước đây, chúng ta đã cống hiến, phục vụ cho đất nước, cho nhân dân rồi thì về những năm tháng cuối đời đừng để xảy ra những điều đáng tiếc mà nên tiếp tục phát huy những phẩm chất cao quý, những kinh nghiệm hay để đóng góp cho đất nước. Hãy thật sự là những tấm gương soi sáng cho các thế hệ sau noi theo.
Trung tướng NGUYỄN VIỆT QUÂN (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân khu 9)
---------------
Sửa sai là việc nên làm của người biết phê bình chân chính
Tôi đọc bài báo về bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản trên Báo QĐND đúng lúc các cựu chiến binh cũng đang xôn xao trước thông tin về một cựu chiến binh có phát biểu gây bức xúc dư luận trong một clip liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Là người lính đã kinh qua kháng chiến chống Mỹ và có 10 năm xây dựng, bảo vệ Trường Sa, nhiều năm xây dựng đường tuần tra biên giới, tôi rất bất bình trước hiện tượng công thần dẫn đến… loạn ngôn xảy ra với không ít người gần đây.
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Thiếu tướng Hoàng Kiền. 
Tôi thực sự ngỡ ngàng trước những thông tin bịa đặt, xúc phạm các tướng lĩnh cao cấp của Quân đội ta. Điều đó thể hiện tư tưởng công thần, đề cao cá nhân mình, coi thường các thế hệ cán bộ kế tiếp của quân đội. Đó đúng là căn bệnh rất xấu mà Bác Hồ đã phê phán, chỉ rõ từ rất sớm. Nhưng xấu xa hơn đó lại là thông tin hoàn toàn sai vì thực tế các đồng chí cán bộ mà họ nhắc đến đều đã trải qua chiến đấu, có người tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, có người nhập ngũ năm 1975 sau tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc.
Tôi nghĩ rằng, mỗi người, ở bất cứ cương vị nào, kể cả khi về hưu, cần luôn luôn học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để rèn luyện và giữ gìn cho bản thân. Có trường hợp dẫn đến sai phạm như tôi nói ở trên còn do người nghỉ hưu không tham gia đoàn thể, không tham gia sinh hoạt hội cựu chiến binh, không gắn bó với địa phương, đó là điều đáng chê trách. Còn với người có sai phạm, bịa đặt để xúc phạm người khác đâu có nâng được mình lên. Nếu anh biết quay đầu là bờ, sửa sai, thậm chí dám nhận sai lầm, xin lỗi thì đó mới là cách tốt nhất để giữ gìn danh dự. Đó là điều nên làm.
Thiếu tướng HOÀNG KIỀN (Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Đường tuần tra biên giới)
----------------
Bản chất của người cộng sản là khiêm tốn, công tâm
Đọc bài “Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản” đăng trên Báo QĐND, tôi thực sự tâm đắc, bởi tác giả đã mạnh dạn chỉ ra căn bệnh đáng lo ngại hiện nay... Căn bệnh này không phải bây giờ mới phát sinh mà nó đã xuất hiện từ lâu, nhưng nay xuất hiện ở một số cán bộ, trong đó có những người đã nghỉ hưu. Họ tự cho mình cái quyền phát ngôn tùy tiện, bỏ ngoài tai sự góp ý của đồng đội.
Mới đây, tôi được nghe một số cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu phán xét lịch sử một cách hồ đồ, vô trách nhiệm; coi mình như một vĩ nhân để phán xét những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước. Trên MXH có clip một người phán xét tùy tiện, chê bai lãnh đạo Bộ Quốc phòng, công tác đối ngoại quốc phòng nhưng thông tin lại không đúng sự thật. Là cựu chiến binh, là người từng làm lãnh đạo chỉ huy sao lại đổi trắng thay đen, nói những tướng lĩnh từng kinh qua trận mạc, tham gia các cuộc chiến tranh nay giữ những trọng trách là không qua chiến đấu, không hiểu quân sự? Tung tin bịa đặt như vậy nhằm mục đích gì? Rồi lại còn nói sẽ dẫn đầu nhóm người tụ tập thì có khác gì kích động, gây rối? Đó không phải là cách hành xử đúng đắn của người cán bộ, đảng viên. 
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Ông Nguyễn Văn Lẽ. 
Sự lộng ngôn, xem thường kỷ cương, phép nước, xuyên tạc sự hy sinh, mất mát của đồng đội, của đồng bào, chiến sĩ là một tội lỗi không thể tha thứ. Nhiều người đặt câu hỏi, khi còn đương chức, đương quyền tại sao họ không hề phát biểu, nêu chính kiến, chỉ đến khi về hưu họ mới lộng ngôn, nói năng tùy tiện, phán xét lung tung?
Là một thương binh từng cống hiến máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tôi rất bất bình với những người như vậy. Những cán bộ dù nghỉ hưu hay còn đương chức khi nói gì, làm gì phải nghĩ đến lợi ích quốc gia, dân tộc, nghĩ đến cái chung. Bản chất của người cộng sản là khiêm tốn, đặt cái chung lên trên cái riêng, góp ý phê bình phải công tâm. Chớ nên kiêu ngạo, hãy biết mình là ai để có hành động đúng đắn, giữ gìn thanh danh, uy tín người cán bộ của Đảng, của quân đội anh hùng!
NGUYỄN VĂN LẼ (xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh)
-------------------
Những lời nói, việc làm không xứng tầm, đáng phê phán
Tôi thấy bài viết về bệnh công thần, kiêu ngạo của Báo QĐND rất kịp thời, rất hay. Đã hơn 60 tuổi và là đảng viên hơn 30 năm tuổi Đảng, tôi tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chi bộ chúng tôi luôn luôn bình tĩnh, lắng nghe và theo dõi tình hình thời sự của đất nước, quân đội.
Quân đội ta hiện nay ngày càng phát triển, ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chúng tôi luôn tin tưởng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và của quân đội. Các đồng chí đã nhận trọng trách trước Đảng và nhân dân thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng thực sự cũng nhiều khó khăn đặc thù so với đánh địch ngày xưa. Làm sao để hài hòa giữa phát triển với bảo vệ vững chắc Tổ quốc và để quân đội phát triển hùng mạnh, vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Bà Mạc Thu Hương. 
 Gần đây, khi có clip một cựu chiến binh nói về tình hình biển, đảo gây sự chú ý của dư luận, không ít đồng chí trong chi bộ đã gặp và hỏi tôi. Chi bộ mời ngay một báo cáo viên của Tạp chí Tuyên giáo đến nói chuyện, giúp sáng tỏ nhiều vấn đề. Qua đó, chúng tôi càng bức xúc và phê phán vị cán bộ phát ngôn thiếu trách nhiệm trong clip. Là một cán bộ cấp cao nghỉ hưu, sao lại tùy tiện, đánh giá sai về những đồng chí tiếp bước mình để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Lẽ ra, họ phải đủ bản lĩnh chính trị để nhận thức tình hình thời cuộc.
Những người như vậy, khi phê phán tùy tiện người khác có nghĩ đến việc trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nếu không có cả một cộng đồng hoặc có sự ưu ái, tôn vinh thì họ có ngày hôm nay, có được hưởng vinh quang đó không? Họ đang dùng chính những gì đất nước, Tổ quốc, quân đội mang đến cho họ, một sự ưu đãi hơn rất nhiều để rồi phán xét, bịa đặt? Chúng tôi không đồng tình, đó là việc làm không xứng tầm, đáng phê phán đối với một người từng được tôn vinh.
MẠC THU HƯƠNG (Bí thư chi bộ 16A Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)

KIÊN QUYẾT NGĂN NGỪA, XỬ LÝ, KHÔNG ĐỂ BỆNH CÔNG THẦN, KIÊU NGẠO CỘNG SẢN LỘNG HÀNH, GÂY HẠI
QĐND 12-10-2019

QĐND - Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc sau bài viết “Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản”. Hồi âm của bạn đọc đồng tình với nội dung báo nêu và đưa dẫn chứng việc một cán bộ cấp tướng nghỉ hưu có biểu hiện mắc căn bệnh trên; đồng thời phân tích, kiến nghị phải kiên quyết ngăn ngừa, xử lý để giữ gìn kỷ luật đảng, kỷ cương phép nước, danh dự quân đội. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến dưới đây:


 Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản


 Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản

Làm tướng phải có tâm và có tầm
Kiên quyết ngăn ngừa, xử lý, không để bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản lộng hành, gây hại
Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân PHẠM VĂN TRÀ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có biết bao tấm gương về sự cống hiến, hy sinh, nhiều người được phong tặng danh hiệu anh hùng. Nhưng tôi cho rằng sự hy sinh của nhân dân mới là sự hy sinh lớn nhất và cao quý nhất. Vì vậy, không ai được phép dùng công trạng nhỏ bé của mình để tâng bốc bản thân, có những hành động và phát ngôn bừa bãi. Bài viết trên Báo QĐND về bệnh công thần đã góp phần phê phán kịp thời hiện tượng đó.
Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi người có một sứ mệnh của mình. Có người có thể lập chiến công trong một giai đoạn nhất định, nhưng lợi dụng để vỗ ngực, kể công thì không nên. "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Trong cuộc sống, nếu không giữ được phẩm chất, giữ được truyền thống thì người đó sẽ tự xóa bỏ danh dự của mình.
Làm tướng, khi còn đương chức hay đã về hưu, thì trước hết cũng là một người dân. Hãy làm tròn bổn phận của một người dân đi đã. Anh có quyền đóng góp, có quyền phát ngôn nhưng không được hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ, bóp méo hình ảnh đồng chí, đồng đội của mình. Ở tầm của một vị tướng khi phát biểu thì phải đặt lợi ích của quân đội, của nhân dân lên trên, đừng để bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Mình phải giữ được truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, đó là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân.
Là một người từng kinh qua trận mạc, tôi không bao giờ mong muốn thế hệ hôm nay phải ra trận. Vì vậy, tôi luôn ủng hộ quan điểm và đường lối ngoại giao của Đảng, của quân đội. Và tôi thấy chúng ta đã làm rất tốt công tác đối ngoại quốc phòng. Chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế và đặc biệt là phải dựa vào căn cứ pháp lý, vào luật pháp quốc tế. Các nước dù có là nước lớn đến mấy cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, và hơn ai hết chúng ta hiểu cái giá của mất mát hy sinh khi đất nước có chiến tranh. Vậy tại sao phải hô hào đánh nhau, không đánh mà thắng mới là thượng sách. Tướng cầm quân là phải biết tránh những tổn thất không đáng có cho bộ đội, cho nhân dân.
Cũng không nên vì công thần mà xem thường cán bộ lãnh đạo thế hệ sau. Tướng giỏi về chính trị và có tố chất về quân sự, lại được đào tạo qua trường lớp bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn thì được giao trọng trách lãnh đạo, chỉ huy trong lĩnh vực quân sự càng tốt chứ sao? Dù đất nước có khó khăn, tôi vẫn tin là các đồng chí sẽ vượt qua. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng là một thầy giáo dạy lịch sử đó chứ, nhưng đã chỉ huy quân đội xuất sắc. Quan trọng của người cầm quân là lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Làm tướng nếu xây dựng được chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chăm lo xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, phát huy nhân tài, xây dựng được mối đoàn kết, trên dưới đồng lòng, quân với dân một ý chí thì khó khăn mấy cũng vượt qua.
Quân đội có mạnh đến mấy mà nhân dân không tin yêu thì làm việc gì cũng khó, bài học của Liên Xô là một ví dụ. Vì vậy, tôi rất mừng là thế hệ hôm nay các đồng chí vẫn giữ gìn và phát huy được truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng vì dân mà phục vụ. Tôi luôn tin tưởng các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng hiện nay sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.      
Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân PHẠM VĂN TRÀ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
-------------------
Phải xử lý nghiêm minh
Kiên quyết ngăn ngừa, xử lý, không để bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản lộng hành, gây hại
Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng).
Bệnh công thần rất nguy hiểm, thường đi đôi với kèn cựa địa vị và bất mãn. Kẻ địch thường xuyên lợi dụng triệt để vấn đề này để lôi kéo khiến cán bộ quay lưng, “chuyển hóa” và “trở giáo” với lý tưởng mình đã từng đi theo.
Tiếc rằng lâu nay trong chống “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” chúng ta tập trung nhiều vào các vấn đề như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí mà ít nhắc đến bệnh công thần. Đáng buồn là công thần xuất hiện cả với những người là tướng lĩnh quân đội. Người cán bộ hư hỏng đó là nỗi đau rất lớn với chúng tôi khi nhắc đến. Trong chiến tranh, đồng đội, chiến sĩ của tôi hy sinh, chúng tôi rất đau đớn, nhưng chúng tôi vẫn được an ủi bởi đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do. Tổ quốc, nhân dân sẽ ghi công họ. Nhưng bây giờ có người “chuyển hóa” như thế là mất đi một người tướng, mất mát này là rất đau đớn.
Tôi cũng xin nhắc lại chuyện đồng chí cán bộ nghỉ hưu liên quan đến việc đứng chủ biên một cuốn sách viết xuyên tạc lịch sử, bóp méo lịch sử về biển, đảo, trở thành tài liệu để kẻ thù lợi dụng, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội, gây dư luận xấu, phân tán lòng dân... Rồi những phát ngôn rất hàm hồ đối với các đồng chí cán bộ cao cấp của quân đội. Trước hết là không chính xác bởi đó đều là những đồng chí đã tham gia chiến đấu. Do bệnh công thần mà người ta rất tức tối với thế hệ sau, nhất là những người ấy trước đây là cấp dưới, là thế hệ sau nhưng phát triển lên cao hơn. Bởi bệnh công thần nên nghĩ mình là người có công lao to lớn, mình thông minh, dẫn đến chê bai, kèn cựa thế hệ sau mình. Họ không hiểu được rằng: Những phát ngôn hàm hồ ấy sẽ bị kẻ thù lợi dụng để chống phá quân đội, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín, hình ảnh của quân đội...
Nói vậy là vô ơn bạc nghĩa với quân đội. Quân đội đã rèn luyện, giáo dục, nâng đỡ để ông ta trưởng thành và chính quân đội tôn vinh ông ta để toàn dân, toàn quân biết ông ta là ai.
Tôi nghĩ hành động đó vi phạm nghiêm trọng về luật pháp, bóp méo lịch sử, xúc phạm đến danh dự cá nhân và tổ chức, đặc biệt là xúc phạm cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội; xúc phạm danh dự quân đội. Vì vậy phải xử lý nghiêm minh với trường hợp này.
Cũng vì công thần mà dẫn đến bị các phần tử xấu lôi kéo, lợi dụng và kích động ông nói những vấn đề chưa ai nói, viết những vấn đề chưa ai viết, để các thế lực thù địch tôn ông thành người cấp tiến, đổi mới. Cứ như vậy ông lún sâu vào hư hỏng, sai phạm; thậm chí kết giao với những phần tử cơ hội, phản động, chống phá chế độ, Nhà nước, Quân đội ta.
Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng)
--------------------
Các tổ chức, đoàn thể liên quan nêu cao trách nhiệm quản lý, xử lý
Kiên quyết ngăn ngừa, xử lý, không để bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản lộng hành, gây hại
Đại tá HOÀNG THÁI HIỀN (nguyên cán bộ Bộ Tổng tham mưu, CCB Sư đoàn 304 và một số đồng đội  là CCB Sư đoàn 304).
Để bệnh công thần gia tăng ở một số cán bộ cao cấp nghỉ hưu, theo tôi một phần có lý do đáng trách từ các cơ quan, đơn vị đã mời những nhân vật này làm cử tọa, dự một số hội nghị, hoạt động mà không xem xét kỹ lưỡng uy tín, nhân cách và khả năng của họ.
Họ nhận thức về chính trị và xã hội rất hời hợt khi nhắc đi nhắc lại một số vấn đề mà bọn phản động tung hô; lợi dụng các vấn đề về bảo vệ chủ quyền biển, đảo để xuyên tạc, chống phá.
Là những cựu chiến binh (CCB) từng công tác tại Sư đoàn 304, đơn vị đã trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt, chúng tôi rất đau lòng khi có hiện tượng một người từng được đơn vị mình xây dựng, vinh danh, nay trở nên công thần, có nhiều lời nói, việc làm khiến chúng tôi phải xấu hổ.
Cách đây vài hôm, khi tôi bày tỏ chính kiến của mình về sự việc này trên mạng xã hội về sự việc trên, rất nhiều CCB, đồng đội đã vào chia sẻ, bày tỏ sự bức xúc, bất bình. Có nhiều góp ý chân thành với người làm sai rằng hãy tỉnh táo, khiêm tốn, phát ngôn cho chuẩn mực, cho xứng với sự hy sinh của gia đình và với đồng đội đã ngã xuống. Thế nhưng người đó vẫn không nhận thức được sai lầm, vẫn tỏ ra công thần, phách lối, xem thường đồng đội. Những người như thế, uy tín với đồng đội, đơn vị cũ còn rất thấp thì lấy tư cách gì lên mặt dạy đời chuyện quốc gia đại sự; tư cách gì mà đòi “cầm đầu các CCB” đi hỏi bộ nọ, ngành kia. Đúng ra, chỉ có những CCB chúng tôi mới thấy cần phải hỏi anh ta về nhiều việc làm không có lợi cho đất nước mấy năm qua.
Tôi cũng không hiểu sao một người như thế mà vẫn được tham gia làm chủ tịch hội nọ, hội kia, thậm chí vẫn là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Một người với nhân cách, lời nói, việc làm ảnh hưởng xấu đến Đảng, Nhà nước, quân đội, đến quan hệ ngoại giao như vậy thì sao có thể tham gia vào khối đại đoàn kết dân tộc hay chỉ gây thêm chia rẽ, thiệt hại cho cộng đồng, cho đất nước? Có lẽ đã đến lúc tổ chức đảng ở địa phương và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phải xem xét việc về việc phát ngôn không đúng đường lối, quan điểm của Đảng, giao du với những đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước, vô hình trung tiếp tay cho những đối tượng này.
Đại tá HOÀNG THÁI HIỀN (nguyên cán bộ Bộ Tổng tham mưu, CCB Sư đoàn 304 và một số đồng đội  là CCB Sư đoàn 304)
-------------------
Hãy tự soi, tự sửa để không đánh mất chính mình
Kiên quyết ngăn ngừa, xử lý, không để bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản lộng hành, gây hại
Thiếu tá VŨ VĂN QUỲNH (Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 29, Quân khu 9).
Thời gian gần đây, có một vài cán bộ lãnh đạo trước đã từng kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng khi nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không đúng đường lối, quan điểm của Đảng. Có người tiếp xúc với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát nhiều thông tin xấu; thậm chí bịa đặt, xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội... gây bức xúc trong dư luận.
Quả thực cán bộ, chiến sĩ đang tại ngũ chúng tôi hết sức buồn và thất vọng khi trong số những người mắc bệnh công thần , kiêu ngạo lại có cả sĩ quan nghỉ hưu cấp tướng, người từng được chúng tôi yêu mến, tôn vinh qua những bài báo, trang sách.
Ai cũng có thể mắc sai lầm và cũng có thể sửa chữa được. Mấy ngày qua, chúng tôi được đọc, theo dõi nhiều ý kiến phản hồi, có cả bức xúc, cả tâm tình, khuyên nhủ của nhiều tướng lĩnh, người dân trên mạng xã hội. Tôi hy vọng những đồng chí từng mắc sai lầm sẽ đọc được các ý kiến ấy, cũng là những lời tâm huyết của đồng chí, đồng đội, của nhân dân. Mong họ sẽ tự soi, tự sửa để khắc phục sai lầm và không đánh mất chính mình.
Thiếu tá VŨ VĂN QUỲNH (Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 29, Quân khu 9)
-------------------
Không để họ tiếp tục coi thường dư luận
Kiên quyết ngăn ngừa, xử lý, không để bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản lộng hành, gây hại
NGUYỄN MINH THÀNH (Bí thư Đoàn Thanh niên phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh).
Tôi rất quan tâm đến thông tin nêu hiện tượng hành xử chưa chuẩn mực của một số cán bộ đã nghỉ hưu. Họ không đại diện cho ai nhưng lại lộng ngôn trước những vấn đề quốc gia đại sự, tán phát thông tin trên mạng xã hội, tạo nên những luồng thông tin không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, quân đội.
Thực tế ở địa bàn tôi, đội ngũ cán bộ nghỉ hưu, CCB chính là những người có uy tín cao, thường xuyên “đi trước, làm trước”, tạo sự tin tưởng, tín nhiệm với nhân dân. Họ cũng rất bất bình trước hiện tượng trên.
Tìm hiểu trên mạng xã hội, tôi được biết có sĩ quan cấp tướng nghỉ hưu có những lời nói, việc làm sai trái, đến nay vẫn chưa nhận thức được sai lầm, tiếp tục có biểu hiện công thần, coi thường góp ý của đồng chí đồng đội. Chính những người ở đơn vị năm xưa từng vinh danh họ, nay cũng thất vọng, phẫn nộ với cách hành xử công thần, ích kỷ, không còn xứng đáng với những danh hiệu cao quý. Chúng tôi theo dõi thấy không ít CCB đã lên tiếng đòi hỏi phải có biện pháp thích đáng, thậm chí phải thu hồi danh hiệu cao quý đối với những người “tự chuyển hóa”. Trong lịch sử, chúng ta đã có bài học về những vị tướng, những lãnh đạo cấp cao làm điều sai trái, bị xử lý nghiêm minh, tước mọi danh hiệu. Phải xử lý là cực chẳng đã, nhưng cũng không thể mãi để họ tùy tiện làm hại cộng đồng, đất nước và quân đội.
Cùng với đòi hỏi phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng thường xuyên, rất cần phải duy trì nghiêm kỷ luật của Đảng cả với cán bộ đã nghỉ hưu, không nên buông lỏng, nương nhẹ.
NGUYỄN MINH THÀNH (Bí thư Đoàn Thanh niên phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh)
-------------------
Họ có xứng đáng với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước?
Kiên quyết ngăn ngừa, xử lý, không để bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản lộng hành, gây hại
MAI THỊ HIỀN (giáo viên Trường Tiểu học số 1, Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình).
Chồng tôi là Thượng úy QNCN Phạm Hữu Huyên, là y sĩ công tác tại Bệnh xá 24 Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Đêm 7-8-2007, chồng tôi đã cùng đồng đội cứu được nhiều người dân trong lũ dữ và hy sinh. Anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày chồng tôi hy sinh, con trai lớn của tôi chưa tròn 3 tuổi, con gái thứ hai mới chào đời được 3 tháng, bố mẹ hai bên nội ngoại đều già yếu, neo đơn. Tuy rất đau xót nhưng tôi và gia đình luôn tự hào về anh, bởi anh đã hy sinh cuộc sống của mình vì nhân dân. Tôi và các con luôn xác định phải sống thật tốt để xứng đáng là vợ, là con của người anh hùng.
Vừa qua, có một cán bộ cao cấp của quân đội đã nghỉ hưu có lời nói và việc làm thể hiện bệnh công thần, kiêu ngạo, gây dư luận không tốt trong cộng đồng. Tôi nghĩ những người công thần, kiêu ngạo như vậy cần phải khiêm tốn, suy nghĩ lại để sửa chữa sai lầm của mình. Nếu cứ tiếp tục những lời nói, việc làm sai như vậy thì họ có xứng là đồng đội của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước không?
MAI THỊ HIỀN (giáo viên Trường Tiểu học số 1, Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình)

ĐẤU TRANH MẠNH MẼ VỚI BỆNH CÔNG THẦN, KIÊU NGẠO CÔNG SẢN BẰNG  SỨC MẠNH CỦA CẢ CỘNG ĐỒNG
QĐND 13-10-2019

QĐND - Những ngày vừa qua, bài báo “Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản” và những ý kiến phản hồi của các tướng lĩnh, cán bộ, đảng viên tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của dư luận xã hội; được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Cùng với tiếp tục phê phán, chỉ ra hậu quả, nguyên nhân của những sai phạm , dư luận chung cho rằng để đẩy lùi căn bệnh trên, cần phải xử lý cả bằng kỷ luật và pháp luật, sự vào cuộc và sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng. Báo Quân đội nhân dân xin tiếp tục trích đăng một số ý kiến.


 Kiên quyết ngăn ngừa, xử lý, không để bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản lộng hành, gây hại

Toàn Đảng, toàn dân chủ động, kiên quyết nhận diện, đấu tranh
Bệnh công thần là vô cùng nguy hiểm. Người ta tự cho mình là công thần rồi nói năng bất chấp đúng sai. Mấy hôm nay, các đồng chí của tôi đến chơi đều không đồng tình về việc một vị tướng được phong danh hiệu anh hùng nhưng lại lên mạng xã hội nói về vấn đề Biển Đông, nói về các tướng lĩnh quân đội không đúng sự thật.
Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến.
Đồng chí đó được tìm hiểu nhiều về lịch sử, có nhiều thông tin, đáng nhẽ phải phát biểu có tính xây dựng thì lại đưa ra những quan điểm sai trái, không đúng sự thật. Mà giả sử có đúng là tướng không qua chiến tranh thì đã sao, đó là một điều đáng mừng cho dân tộc, cho đất nước. Bây giờ anh em được đào tạo qua Học viện Quốc phòng, tiếp thu các kiến thức đã được đúc kết qua các cuộc kháng chiến cả trong nước và thế giới. Thời chúng tôi ra trận kẻ địch đối kháng trực tiếp, còn bây giờ trong thế giới hội nhập, xu thế đối thoại hơn đối đầu ,vì vậy cần phải có đối sách mềm dẻo, linh hoạt để vẫn giữ được độc lập chủ quyền trong hòa bình, phát triển. Đối ngoại quốc phòng thời gian qua là rất hay. Ta vẫn rèn luyện, sẵn sàng lực lượng để chỉ dùng khi bất đắc dĩ, nhưng chưa cần thiết thì dùng giải pháp thảo luận, trao đổi, đối thoại.
Bây giờ nói đến giải quyết xung đột mà cứ nói là đánh đi thì là tướng hiếu chiến. Không đánh mà vẫn giữ được độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ thì mới hay. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngày xưa có câu nói nổi tiếng: “Bám thắt lưng địch mà đánh”. Tướng làm chính trị ra trận đấy! Rồi biết bao anh hùng từ nông dân mà ra như Hoàng Cầm, Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn... Cái “Trí” của người làm tướng là phải hiểu đúng thời cuộc, biết tận dụng được sức mạnh hiện có. Thế hệ bây giờ rất thông minh, bản lĩnh. Nhìn vào sự phát triển, lớn mạnh của quân đội bây giờ, thử hỏi Bộ Quốc phòng chỉ đạo có gì là sai? Lực lượng lớn mạnh về mọi phương diện. Chúng ta tham gia có trách nhiệm với quốc tế về gìn giữ hòa bình, trung thành với Đảng, với nhân dân, vậy thì phải mừng, phải hoan nghênh ủng hộ chứ. Tôi có 50 năm trong quân ngũ, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Nhìn vào thế hệ lãnh đạo quân đội hôm nay, vào tương lai đất nước, tôi rất vững tin. Tôi đề nghị không chỉ những cựu chiến binh mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nhận diện, đấu tranh với bệnh công thần, kiêu ngạo. Chính Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cần vào cuộc, có những ý kiến chính thức để đấu tranh với những hiện tượng công thần, kiêu ngạo, gây hại cho Đảng, cho đất nước, quân đội và nhân dân.            
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân KHUẤT DUY TIẾN (Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1)
----------------------
Không để những người công thần khoe khoang, ngụy biện, làm hại đất nước và quân đội
Tôi từng tham gia suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rồi chiến đấu tại chiến trường Campuchia, chứng kiến bao hy sinh, mất mát của đồng đội, của nhân dân. Cho nên, nói đến công lao thì hãy dành sự tôn vinh ấy cho các anh hùng liệt sĩ và sự hy sinh to lớn của đồng bào ta trong các cuộc chiến tranh giữ nước.
Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng
Trung tướng Lê Nam Phong.
Thế hệ chúng tôi chỉ biết hiến dâng hết thảy cho Tổ quốc với khát vọng mãnh liệt và niềm tin cháy bỏng là độc lập, tự do, là hòa bình, hạnh phúc. Trở về với đời thường đã mấy chục năm qua, tôi và nhiều đồng đội, nhiều tướng lĩnh trận mạc vẫn dõi theo bước tiến của thế hệ hôm nay và đặt niềm tin vào tài năng, trí tuệ của họ sẽ phát huy tốt vai trò, sức mạnh của quân đội dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Thời gian qua, tôi có nghe thông tin về một vài cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu có những phát ngôn thiếu chuẩn xác, mắc bệnh công thần. Khi có dư luận phản đối thì họ ngụy biện rằng: “Đó là sự thật, tôi chỉ nói lên sự thật”. Đây là cách mà một số người cố bào chữa cho tính khoe khoang, tự cho mình là người có công lao lớn trong lịch sử, biết hết mọi việc. Sự cao ngạo, tự đánh giá thường hay phiến diện, chủ quan. Điều mà anh nhận thấy đã chắc gì là sự thật? Anh biết được mấy phần trong “sự thật” đó mà đã vội chỉ trích, phán xét theo suy nghĩ chủ quan?... Ở đời, càng ra sức khoe khoang về cái gì thì sẽ càng thất bại về cái đó. Người có công lao thực sự không cần thiết phải nói ra mà hãy để lịch sử soi xét, hãy để thế hệ hôm nay đánh giá, tôn vinh.
Sự kiêu ngạo đi trước, ắt sự bại hoại theo sau! Chớ nên ngụy biện, tự huyễn hoặc mình, bởi điều mình biết, mình đã làm rất bé nhỏ chẳng đáng khoe khoang. Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, không để những công thần khoe khoang, ngụy biện, làm hại đất nước và quân đội
Trung tướng LÊ NAM PHONG (Nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng)
----------------------
Trái về đạo lý thì phải đấu tranh, trái về pháp lý thì phải xử lý
Đọc các bài báo trên Báo Quân đội nhân dân phê phán căn bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản đúng dịp có nhiều thông tin trên mạng cũng như dư luận xã hội về một cán bộ quân đội nghỉ hưu gần đây, tôi rất bức xúc.
Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn.
Việc làm của vị cán bộ đó là hoàn toàn sai trái, trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, trái pháp luật. Cán bộ, đảng viên trở về với đời thường việc gì biết hãy phát biểu. Nội dung phát biểu phải đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; không được kích động chiến tranh.
Người cán bộ, đảng viên phát ngôn phải tôn trọng sự thật, không được xuyên tạc, bịa đặt, vu khống. Việc cố tình nói xấu, bịa đặt, vu khống người khác là sai trái cả về đạo lý và pháp lý. Trái về đạo lý thì phải đấu tranh, trái về pháp lý thì phải xử lý.
Tôi là người từng học chung một khóa với cán bộ lãnh đạo bị họ xuyên tạc nên rất biết thông tin cụ thể. Chúng tôi học tập quân sự, chính trị toàn diện, trong đó môn bản đồ địa hình là một trong những nội dung chúng tôi được học tập kỹ. Hồi đó chúng tôi học có 40% chính trị, 45% quân sự, 15% các lĩnh vực khác. Sau này lên cao hơn, các đồng chí này được học thêm tại Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, được trải qua thực tiễn từ các cấp chiến dịch, chiến lược; đã qua chiến đấu, trưởng thành từ chiến sĩ. Các đồng chí đã được Đảng và Nhà nước, nhân dân tín nhiệm giao trọng trách là những người đứng đầu trong quân đội. Việc xét bổ nhiệm của các đồng chí ấy là việc của tổ chức, của tập thể và đã có đánh giá đúng đắn. Tôi cho rằng, một cán bộ chính trị sang làm công tác quân sự hoàn toàn phù hợp. Thực chất đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không đơn thuần chỉ là cán bộ quân sự, bởi đồng chí giữ chức Phó bí thư Quân ủy Trung ương...
Trung tướng NGUYỄN THANH TUẤN (nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam)
----------------------
Xem xét các danh hiệu, tư cách hội viên với người không còn xứng đáng
Cách đây hai năm, tôi đã phải lên tiếng về việc kẻ xấu lợi dụng, mạo danh tôi để xuyên tạc lãnh đạo của Đảng, của quân đội. Giờ đây lại xảy ra chuyện chính cán bộ cao cấp của quân đội nghỉ hưu vì bệnh công thần, kiêu ngạo mà nói xấu quân đội, làm cái việc trước đây chỉ từng xảy ra với những kẻ xấu chống phá Đảng, Nhà nước, tôi thấy rất đáng buồn.
Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương.
Chúng ta, ai cũng chịu trách nhiệm một phần với lịch sử của đất nước, là người mang nợ với đất nước và quân đội. Nguyên nhân của bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản là do chưa rèn luyện vững vàng, chưa suy nghĩ đúng đắn về trách nhiệm với dân tộc, Tổ quốc, nhân dân và quân đội.
Quân đội ta có hàng triệu người có những người được rèn luyện lâu dài trong một lĩnh vực nào đó, có những cán bộ trong thời gian ngắn hơn. Mình chưa được rèn luyện nhiều trong cuộc sống thì luôn luôn phải kiêm tốn, như Bác Hồ nói đại ý: Việc học tập là quyển vở, không có trang cuối cùng.
Có cán bộ không làm theo lời Bác, tự cho mình là đúng nhất, phủ nhận tất cả mọi ý kiến khác, nhất là ý kiến của tổ chức. Như ông cán bộ nói trên có lẽ không phải là người thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nên nhận xét vội vàng, hồ đồ, phủ nhận quyết định của Nhà nước đối với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của quân đội. Khi ông có một chút công lao với đất nước lại tự kiêu ngạo và cho rằng ý kiến của mình có thể đứng trên ý kiến của người khác, như thế là thiếu khiêm tốn. Chúng ta cần phê phán bệnh công thần, bệnh kiêu ngạo cộng sản, không thể để một người phủ nhận công lao, thành tựu chung của đất nước, của quân đội.
Có thể họ muốn bôi nhọ cán bộ thì tìm cách viện nhiều lý do. Phê bình phải mang tính xây dựng, không nên đả phá. Ý kiến như vậy là không tốt, chúng ta phải nghiêm khắc phê phán. Và với trường hợp có nhiều vi phạm như vừa qua, cần xem xét rút lại một số danh hiệu, thậm chí có thể cho ra khỏi Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Thiếu tướng HUỲNH ĐẮC HƯƠNG (Nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trưởng ban đại diện các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày TP Hà Nội)
----------------------
Không có nương nhẹ, không có vùng cấm trong xử phạt
Trong thực tế, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta rất tôn trọng và đánh giá cao những công lao, đóng góp của những người đã từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc và được ghi nhận, phong tướng... nhưng nay khi nghỉ hưu, một số cá biệt lại có phát ngôn xuyên tạc, đưa thông tin sai đến công chúng, tạo bức xúc trong xã hội là không thể ủng hộ được nữa, nói đúng hơn là phải kỷ luật.
Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng
Tiến sĩ Trần Công Trục.
Như vừa rồi, có một vị tướng nghỉ hưu phát ngôn tại cuộc tọa đàm khoa học về Biển Đông, người cán bộ đó phải tự xem lại rằng cái nơi mà ông ta phát biểu đã được cấp phép chưa, đã đúng chưa. Tôi nghĩ là không đúng, không phù hợp. Thứ hai là trong thời điểm hiện nay, những phát ngôn của cán bộ trên có phù hợp không, hay chỉ góp phần gây hoang mang dư luận. Thứ ba là nội dung phát biểu đó, tôi cho rằng đấy chỉ là ý kiến chủ quan cá nhân, không có tác dụng trong việc đưa ra ý kiến đóng góp tích cực cho Đảng, Nhà nước, quân đội trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông. Tôi cho rằng, vị tướng này không nắm rõ được luật pháp quốc tế. Dưới góc độ nhà nghiên cứu, tôi thấy Đảng, Nhà nước đang rất sáng suốt trong việc giải quyết vấn đề biển Đông để bảo đảm lợi ích hợp pháp của quốc gia; đồng thời cũng bảo đảm cho việc không tạo cớ cho những thế lực muốn áp đặt, lợi dụng để gây rối.
Đây cũng không phải lần đầu vị tướng nghỉ hưu này xuyên tạc về đối ngoại quốc phòng. Ông ấy đã từng đưa ý kiến vào sách những phát ngôn gây hại cho quân sự quốc phòng. Tôi là nhân chứng trong sự kiện năm 1988, tôi khẳng định rằng những phát ngôn của ông ấy hoàn toàn sai, gây tác hại nghiêm trọng, bị các thế lực chống phá, thù địch lợi dụng, làm hại cho quốc gia, dân tộc.
Thậm chí ông ấy còn nói xấu lãnh đạo đang đảm đương vị trí rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước, hoặc nói ra những thông tin bí mật quốc gia... là không có động cơ trong sáng. Đây là một sự kèn cựa của những người được gọi là công thần của đất nước và vi phạm vào tội để lộ bí mật quốc phòng. Tôi đề nghị cần phải xem xét, xử lý nghiêm túc, cho dù người đó có thể từng có công, thậm chí là anh hùng, có nhiều danh hiệu. Vừa rồi cũng có sĩ quan cấp tướng của công an từng là anh hùng bị xử lý theo pháp luật. Không thể nương nhẹ mãi được, làm những điều bất lợi cho đất nước, để lộ bí mật quốc gia là phải nghiêm trị. Về những hội thảo mang danh khoa học được tập thể hoặc cá nhân tự tổ chức ra, chưa được cấp phép thì cũng cần được làm rõ và xử lý.  
Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC (Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ)
----------------------
Nhân dân luôn tin tưởng vào lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ quân đội
75 năm qua, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn được in đậm trong con tim của mỗi người Việt Nam với sự tin yêu, trân trọng. Tinh thần vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân mà chiến đấu hy sinh của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ mãi mãi là truyền thống, bản chất tốt đẹp, là nét đẹp văn hóa mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tự hào. Tình đoàn kết quân dân là thiêng liêng, cao quý, không gì, không ai có thể phá vỡ được.
Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng
Đồng chí Nguyễn Đức Sơn.
Thời gian vừa qua, bên cạnh các thế lực thù địch chống phá đã xuất hiện một số người, trong đó có cả cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu mắc bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản, hẹp hòi, ích kỷ, có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, cố tình xuyên tạc, nói xấu  Đảng, Nhà nước và quân đội. Những người này đã có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, vì vậy chúng ta phải tích cực đấu tranh, phê bình, góp ý để họ nhìn ra sai phạm và khắc phục, sửa chữa. Còn những ai cố tình vi phạm, gây hậu quả xấu cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội thì chúng ta cũng phải cương quyết xử lý để giữ gìn kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước và uy tín, danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Khoái Châu chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đoàn kết thống nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong đó, có công tác quốc phòng, an ninh để góp phần thiết thực xây dựng quê hương Khoái Châu ngày càng giàu mạnh và phát triển.
NGUYỄN ĐỨC SƠN (Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên)
----------------------
Đẩy lùi bệnh công thần, kiêu ngạo
Là một sĩ quan trẻ, một giảng viên đang đi thực tế ở đơn vị cơ sở, những ngày qua, tôi đọc rất kỹ loạt bài về bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản trên Báo Quân đội nhân dân, nhất là ý kiến của các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp. Tôi cảm thấy rất tâm đắc nhưng cũng rất trăn trở không hiểu vì sao có cán bộ quân đội cao cấp nghỉ hưu, từng là tấm gương truyền cảm hứng cho chúng tôi nay lại làm những việc mà chính chúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ, khó trả lời khi nhân dân thắc mắc.
Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng
Trung tá TS Hà Sơn Thái.
Từ thực tế ấy, càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…”. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi vì sao đồng chí ấy am hiểu lịch sử, từng viết bài giới thiệu câu chuyện về Bác Hồ và Thiếu tướng Nguyễn Sơn trên báo mà lại không làm theo lời Bác? Có giai thoại là với việc tặng Thiếu tướng Nguyễn Sơn 12 chữ Hán: “Đảm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hạnh dục phương” (Đại ý: Gan cần lớn, Tâm cần tinh tế, Trí cần vẹn toàn, Hạnh phải thẳng ngay), Bác ngầm giáo dục, nhắc nhở khi đồng chí chưa muốn nhận quân hàm Thiếu tướng và có một số biểu hiện chưa phù hợp khác. Lời gửi gắm ấy khiến vị tướng hiểu ra, ngày càng tiến bộ.
Bác Hồ cũng từng cảnh báo những người vì bệnh công thần mà có thái độ kèn cựa đối với cán bộ kế thừa mình. Năm 1961, khi về thăm quê lần thứ hai, Người đã có cuộc nói chuyện chỉ ra nhiều điều thấm thía. Người nói: “Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên… đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”. Người còn phân tích những điều mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị: “Không thể nạnh kẹ: chúng tôi vác cuốc, vác cào làm đường, già rồi mà chưa được đi xe, các anh mới lớn lên đã được đi xe… Sau này đến chủ nghĩa cộng sản, bọn trẻ còn đi xe sướng hơn nữa kia… Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm…”.
Chúng ta cần thực hiện tốt hơn những lời dạy của Bác Hồ, dùng sức mạnh của tổ chức đảng, đoàn thể, của xã hội và cộng đồng để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Mặt khác, cũng phải duy trì nghiêm túc kỷ luật của Đảng. Gần đây, có một cựu thứ trưởng có những bài viết, phát ngôn biểu hiện rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và đã bị khai trừ khỏi Đảng, dư luận rất đồng tình. Những trường hợp cán bộ quân đội nghỉ hưu nếu có vi phạm tương tự cũng cần được xem xét, xử lý nghiêm minh.
Trung tá TS HÀ SƠN THÁI (Giảng viên Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)
----------------------
Cần sự vào cuộc của Đảng, quân đội, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cơ quan pháp luật
Tôi có theo dõi những sự việc một số cán bộ nghỉ hưu mắc bệnh công thần vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng khiến dư luận bức xúc mấy năm gần đây. Có trường hợp đã bị xử lý nhưng cũng còn trường hợp có nhiều lời nói, việc làm sai bị cộng đồng lên án vẫn chưa thấy xử lý. Hiện tượng này làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội.
Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng
 Luật sư Bùi Quang Thu.
Các ý kiến mà bạn đọc nêu vừa qua rất xác đáng, nhiều ý kiến vô cùng sâu sắc nhưng tôi nhận thấy chưa có nhiều ý kiến phân tích, xử lý về mặt pháp luật để đấu tranh hiệu quả với các căn bệnh trên. Vì vậy, với góc nhìn của một luật sư, tôi xin nêu kiến nghị một số vấn đề sau:
Hiện tượng cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu có biểu hiện công thần, phát ngôn, hành động nhiều sai trái như vừa qua nếu xét về kỷ luật của Đảng thì đã vi phạm khoản 2 và khoản 4, Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, khoản 2 có nêu quy định vi phạm:  “…tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Khoản 4 nêu rõ: “Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với người khác…”.
Ngoài ra, họ cũng đã vi phạm khoản 1, Điều 10, Quy định số 102-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Cụ thể, nếu vi phạm các trường hợp dưới đây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật hình thức khiển trách: Tuyên truyền, sao chép, tán phát, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung xấu. Tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và các phương tiện truyền thông khác, vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản và những quy định khác của Đảng và Nhà nước về phát ngôn, cung cấp thông tin, tuyên truyền, xuất bản. Khoản 2 của Điều 10 quy định nếu tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): a) Phát ngôn trái với quan điểm, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước; loan truyền những thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. g) Lợi dụng việc phát ngôn, chất vấn, trả lời chất vấn, nhân danh việc phản ánh, góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng, dự thảo Hiến pháp, pháp luật, thư ngỏ, hồi ký để đưa ra các quan điểm, thông tin gây tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước hoặc đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện có dụng ý xấu đối với tổ chức, cá nhân...
Về mặt pháp luật, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Với những dấu hiệu sai phạm của một số người như vừa qua, tôi nghĩ đã có đủ cơ sở để các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các cơ quan pháp luật, cấp ủy Đảng các cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các đoàn thể liên quan vào cuộc xác minh, làm rõ, nếu xác định có vi phạm đến mức xử lý thì phải xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của đoàn thể liên quan. 
Tôi rất đồng tình với ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: "...Như vậy, kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý... Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta". 
Luật sư BÙI QUANG THU (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
----------------------
Đừng để những “tấm gương mờ” làm giảm niềm tin của thế hệ sau
Những ngày vừa qua, theo dõi thông tin về bệnh công thần, kiêu ngạo xảy ra với hiện tượng một số cán bộ nghỉ hưu, trong đó có cả một vị tướng khiến cháu rất buồn.
Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng
Sinh viên Lưu Thị Phương Anh.
Là thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước hòa bình, ổn định và ngày càng phát triển, chúng cháu nhận thức rằng, để có nền độc lập, tự do như hôm nay, các thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng những hy sinh, gian khổ. Từ các cuộc chiến tranh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc cũng đã xuất hiện những tấm gương anh hùng chiến đấu dũng cảm, quên mình, hy sinh dâng hiến cả tuổi thanh xuân, thậm chí xương máu, tính mạng của mình cho nền độc lập, tự do của nước nhà. Có người từng được tôn vinh, báo chí, phim ảnh nhắc nhiều và trở thành thần tượng của chúng cháu. Thế mà không hiểu tại sao những người đó lại có thể thay đổi đến  như vậy?
Cháu cũng đã được nghe lời căn dặn của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Nhiều người đã vươn lên, tiếp tục đóng góp, dựng xây đất nước nhưng thật đáng buồn lại có một số ít thương binh công thần, lợi dụng danh nghĩa thương binh để tham gia vào những việc như đòi nợ thuê, gây sức ép ở những nơi cần giải phóng mặt bằng. Hay như vừa rồi, có nhóm người tự xưng là thương binh quậy phá đòi đặc quyền nhận vé vào xem bóng đá. Thậm chí có chủ tịch một hội liên quan đến thương binh mà lại tiếp xúc, tham gia các hoạt động do những đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước tổ chức… thì phải chăng họ đã bị “phế” về tư tưởng, về nhân cách?
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chiến công, hy sinh của cha ông, thế hệ trẻ chúng cháu luôn trân trọng và biết ơn. Nhưng chúng cháu thật sự cảm thấy thất vọng khi có trường hợp nhân vật là thần tượng của mình một thời bỗng dưng sụp đổ. Chúng cháu không muốn xảy ra điều đó. Ai vấp ngã cũng có thể đứng dậy. Những năm chiến tranh, từ phong trào thi đua, các đơn vị quân đội, các tập thể và toàn quân, toàn dân đã người người thi đua, xây dựng nên hình ảnh những người anh hùng. Vậy thì thời bình, khi họ mắc sai lầm, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, của toàn xã hội để phê bình, đấu tranh, giúp họ nhận thức, sửa sai, tiến bộ. Còn với những người không còn xứng đáng nữa thì cũng cần có kết luận rõ ràng, không để tốt xấu lẫn lộn, không để những tấm gương mờ làm giảm niềm tin của thế hệ đi sau.
LƯU THỊ PHƯƠNG ANH (Sinh viên Lớp Báo mạng điện tử K36A1 - Học  viện Báo chí và Tuyên truyền)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét