Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

20191003. PHẢN ỨNG VỚI NGOẠI TRƯỞNG PHẠM BÌNH MINH

ĐIỂM BÁO MẠNG

SAO KHÔNG CHỈ MẶT GỌI TÊN TRUNG QUỐC ?

FB NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 30-9-2019



1. Bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh tại Kỳ họp 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐLHQ) đã làm bao người thất vọng. Không phải chỉ Việt Nam mà cả các nước đang muốn giúp Việt Nam.
Trung quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam, đem tàu đến thăm dò địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển Việt Nam, mà Việt Nam không dám chỉ mặt gọi tên lên án Trung quốc tại ĐHĐLHQ thì ai sẽ lên án Trung quốc giúp Việt Nam?
2. Dù có ca ngợi bao nhiêu về Việt Nam và vai trò Việt Nam tại LHQ, thì sự né tránh gọi đích danh Trung quốc xâm lược đã hạ thấp uy danh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Đương nhiên bạn bè quốc tế biết rõ ai là người sợ Trung quốc – đó hiển nhiên không phải là nhân dân Việt Nam – một Dân tộc đã anh dũng đối mặt và chiến thắng hàng chục cuộc xâm lược của Trung quốc.
3. Bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh trong suốt thời gian hơn 15 phút không nghe được một lần vỗ tay ở giữa!
Bởi vì đó là một bài diễn văn chung chung, nói điều ai cũng biết. Điều mà mọi người chờ đợi là nghe Việt Nam gay gắt lên án Trung quốc ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, xây đảo nhân tạo, đe dọa tự do hàng hải, mưu toan biến Biển Đông Nam Á thành biên giới lãnh hải của Trung quốc – thì lại nhẹ giọng, không chỉ mặt gọi tên.
4. Sau nhân dân Việt Nam, có lẽ TT Donald Trump là người thất vọng nhất về bài phát biểu của Việt Nam. Hóa ra mỗi chỉ có Mỹ lên án kẻ thù của Việt Nam tại ĐHĐLHQ, mà đến lượt mình Việt Nam lại không biết tận dụng!
5. Qua bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh thì ông Donald Trump lại thêm chắc chắn nên giữ quan hệ với chính quyền Việt Nam hiện nay ở mức độ nào!
Mỹ sẽ không chìa tay chân tình cho một người đứng dưới bóng kình địch của Mỹ.

Đó là điều rất bất lợi cho Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.
N.N.C.

LIỆU PHẠM BÌNH MINH CÓ ĐÁNG TRÁCH ?
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 2-10-2019
Gần đây có việc ngày 28 tháng 9 tại Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu 15 phút. Ông Minh nói chung chung về thành tích của Việt Nam, về căng thẳng ở Biển Đông, kêu gọi đa phương hóa quan hệ, không dám đụng đến tên Trung Quốc.
Không biết Bộ Chính trị của Đảng đã bàn bạc và chỉ thị như thế nào, có những mưu lược cao cường gì trong chuyện này, nhưng việc ông Minh không dám nói đến Trung Quốc ở LHQ đã làm cho phần đông dân Việt Nam thất vọng. Không những dân Việt mà chắc rằng Chính phủ nhiều nước cũng thất vọng. Họ chờ đợi sự lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ của Việt Nam để tỏ rõ sự ủng hộ, để thể hiện sự đoàn kết chống bọn bành trướng. Nhưng họ đã không được nghe sau thời gian dài chờ đợi.
Bên cạnh những bài phê phán sự hèn nhát của Phạm Bình Minh, có vài ý kiến khuyên nên thông cảm vì ông không được tự do mà phải chịu sự chỉ đạo của cấp trên.
Tôi không tán thành với sự thông cảm đó. Trước hết phải biết ý kiến cá nhân của ông. Với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ông có thấy cần phải nêu tên Trung Quốc ra không. Nhiều người cho rằng không nêu ra thì toàn thế giới cũng đã biết rõ. Vâng, người ta biết rõ, nhưng việc nêu hay không nêu tên Trung Quốc có tác dụng khác nhau rất lớn.
Khi ông cho rằng không cần nêu, thế thì ông đồng lõa với cấp trên, không thể nói là ông bị người ta ép buộc. Khi ông thấy cần phải nêu, phải chỉ thẳng vào mặt Trung Quốc, vậy ông có đề xuất và trao đổi với cấp trên không, có dám thuyết phục để họ chấp nhận ý kiến của ông không, hay ông chỉ ngoan ngoãn một lòng nghe theo họ, chỉ biết vâng dạ.
Cha của ông là Nguyễn Cơ Thạch, một Bộ trưởng Ngoại giao khá cứng rắn với Trung Quốc, vì thế đã bị Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười loại bỏ. Không biết ông Minh có nghĩ tới cha hay không, có nghĩ rằng gặp trường hợp này Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sẽ hành động như thế nào, giữ nguyên ý kiến để thể hiện, để bảo vệ tinh thần dân tộc và đồng thời giữ khí tiết, hay là chịu rụt cổ cúi đầu, bên ngoài nói là để giữ đoàn kết, thống nhất tư tưởng mà thực ra là che giấu sự tham quyền cố vị, không dám dũng cảm bảo vệ chính nghĩa?
Nếu quả thật ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị là không dám chỉ rõ tên Trung Quốc thí tất cả họ đã nấp sau bức màn đen và đẩy một mình Phạm Bình Minh ra trước công luận để hứng chịu búa rìu của dư luận.
Theo lời khuyên “nên thông cảm với Phạm Bình Minh” tôi tạm đặt vào vị trí của ông và thấy rùng mình. Theo trên thì tạm giữ được địa vị và giàu sang, nhưng… quyết vạch rõ bộ mặt xâm lược của Trung Quốc thì… đúng là tiến lên vướng núi, trở lại gặp sông. Nếu là tôi, tôi sẽ noi theo gương cha, thà bị mất chức tước, mất quyền lợi vật chất, thậm chí bị khai trừ Đảng như Trần Độ. Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà, Trần Xuân Bách v.v… còn hơn ra giữa Liên Hiệp Quốc phơi bày sự hèn kém của cá nhân và của Nhà nước. Phải chăng Phạm Bình Minh đã vì quá sợ cấp trên hay vì ý thức hệ cộng sản mà phản lại cha ông? Liệu những người có lương tri có thể thông cảm? Nếu Phạm Bình Minh bị ép quá mức tại sao không dám tuyên bố từ chức để chống lại?
Khi Bộ trưởng Ngoại giao tuyên bố từ chức để phản đối việc không dám đụng đến Trung Quốc xâm lược thì đó là một quả bom nổ giữa trời quang. Việt Nam đang rất cần những quả bom như thế để thức tỉnh. Xem trong các quan chức cao cấp của ĐCSVN chưa thấy ai có được dũng cảm để làm việc như vậy.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN


NGOẠI TRƯỞNG MINH LÀ ' BÌNH MINH HAY HOÀNG HÔN'

FB LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 2-10-2019


Trên mạng bà con chửi rủa quá giời chuyện Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Diễn đàn LHQ đưa vấn đề Biển Đông trình làng nhưng không nêu đích danh Trung Quốc kẻ gây rối.
Bà con bảo ngài Bộ trưởng hèn và chuyến đi Mỹ của ngài mà bà con trông đợi là thất bại.
Gã xin không bình luận.
Tuy vậy gã để ý đến hai việc mà Ngoại trưởng làm trong chuyến đi Mỹ.
1. Ủng hộ nhiệt thành và kêu gọi các nước tạo nên một thế giới đa phương. Ông cho rằng chiến tranh thế giới Hai xảy ra là do không có thế giới đa phương.
Tại sao ông Minh dành 15 phút của mình lại đề cập chuyện đa phương này và vào lúc này?
Gã xin tán theo cách hiểu vu vơ xưa nay của kẻ thích chéo lề:
Trung Quốc là nước chống lại việc giải quyết Biển Đông theo nguyên tắc đa phương. Bó đũa và chiếc đũa. Trung Quốc thích tách chiếc đũa ra khỏi bó đũa.
Nguy cơ chiến tranh thứ Ba có thể xảy ra khi Trung Quốc đang quá trình hình thành Chinazi như Đức quốc xã của Hitler. Những ngày ở Mỹ gã được nghe các nhà nghiên cứu về an ninh chính trị của Mỹ nói thẳng nguy cơ này và đề xuẩt một mặt trận toàn thế giới ngăn chặn nguy cơ đó.
Vậy thì ông Minh không hề ngờ nghệch cảnh báo thế giới về bài học chiến tranh thế giới thứ Hai vô cùng thảm khốc nếu không hình thành diễn đàn và mặt trận đa phương.
2. Tại Mỹ ông Minh gặp ai? Một dòng tin nhỏ trên báo chính thống thu hút gã.
Rằng:
Tại buổi tiếp Ủy ban Do Thái Mỹ (AJC), Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị AJC tiếp tục phát huy vai trò cầu nối đóng góp cho sự phát triển quan hệ hai nước, nhất là trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ, đồng thời giúp thúc đẩy các vấn đề Việt Nam quan tâm như khắc phục hậu quả chiến tranh.
Nghe ra chẳng có gì quan trọng lắm trong bối cảnh hầu hết bà con Việt mình nôn nóng và bức bách đòi hỏi phải nâng quan hệ Việt – Mỹ lên tầm chiến lược để đối trọng với anh bạn Trung Quốc đang quá ngổ ngáo, thậm chí ngáo đá.
Nhưng đáp lại cái yêu cầu trên thì "Lãnh đạo AJC khẳng định sẽ tiếp tục góp phần đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ đi vào chiều sâu, thực chất”.
Chiều sâu và thực chất mà AjC khẳng định là cái gì?
Và vì sao Uỷ ban Do Thái Mỹ lại dám khẳng định vậy chứ không phải Tổng thống hay Ngoại trưởng hay Chủ tịch Hạ viện hay Chủ tịch Thượng viện?
Nếu ai hiểu chính trường Mỹ thì sẽ hiểu vai trò của Uỷ ban Do Thái Mỹ là thế lực thế nào đối với nước Mỹ.
Tưng tửng vài hàng vậy thôi theo góc nhòm của gã, các nhà bình luận chém thế nào về chuyến đi Mỹ của Ngoại trưởng Minh là "bình minh hay hoàng hôn” gã cũng hồ hởi ba phải… hoan nghênh vì gã sợ nhất là …mất lòng nhau.
L.T.V.
Nguồn: https://www.facebook.com/profile.php?id=100009457401127&epa=SEARCH_BOX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét