Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

20191006. LẠI BÀN VỀ CHỐNG CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN

ĐIỂM BÁO MẠNG

SÀNG LỌC CÁN BỘ VÀ 'TRUYỀN THỐNG' TRÚNG CỬ 90-100% PHIẾU BẦU 

TS ĐINH ĐỨC SINH/ TVN 2-10-2019

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ký ban hành qui định về "Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền" với tổng cộng 15 điều, trong đó 7 điều về Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; 4 điều về Chống chạy chức chạy quyền.
Cùng với nhiều văn bản đã ban hành trước đây như: 19 điều cấm Đảng viên không được làm; Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương… thì văn bản "Kiểm soát quyền lực" trên đây được coi gần như là mắt xích cuối cùng của bộ sàng lọc trong công tác cán bộ.
Nói "gần như là mắt xích cuối cùng" là bởi vì còn một mắt xích nữa mà vị trí của nó mới đích thực là mắt xích cuối cùng, đó là các cuộc bầu cử, dùng lá phiếu để quyết định chọn người vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Đoàn thể chính trị-xã hội.
Mắt xích cuối cùng này đã có một truyền thống mà độ dầy lên tới nhiều thập kỷ, đó là việc tạo ra những cán bộ được trúng cử với tỷ lệ đạt trên 90%, thậm chí  tới 100% tổng phiếu bầu. Nếu cần đặt tên, thì truyền thống đó được gọi là "bao cấp trúng cử".

Sàng lọc cán bộ và ‘truyền thống’ trúng cử 90-100% phiếu bầu

Những sự thực đau lòng đã đặt ra cho những cán bộ chân chính, trung kiên việc phải sàng lọc kỹ lưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước. Ảnh: Lê Anh Dũng
Để có được truyền thống như thế, các ứng cử viên đều được qui hoạch, được đưa vào các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, thử thách, sàng lọc… công phu, sau đó được đưa vào một danh sách gồm những người được đề cử trong các cuộc bầu cử. Những qui hoạch đó là hoàn toàn cần thiết.
Tuy nhiên, việc đặt ra những bảo đảm để những ai đã được qui hoạch thì đều trúng cử với số phiếu tuyệt đối cao. Việc đảm bảo này là đúng trong những thời kỳ chưa có tình trạng cán bộ tự diễn biến, bị thoái hóa, biến chất.
Từ vài thập kỷ qua, tình trạng đó đã xẩy ra, thậm chí ngày càng nghiêm trọng, không những làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với cán bộ mà còn đe dọa tới sự tồn vong của xã hội "Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" mà nhân dân ta đã và đang theo đuổi.
Trong số những người được đề cử theo truyền thống bao cấp trúng cử đó đã để lọt hàng loạt cán bộ từ cấp chiến lược tới các cấp dưới, từ người còn đương chức đến người đã nghỉ hưu, thậm chí trước khi hết nhiệm kỳ còn thực hiện những chuyến tầu vét để thỏa lòng tham nhũng.
Những sự thực đau lòng này đã đặt ra cho những cán bộ chân chính, trung kiên việc phải sàng lọc kỹ lưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước. Chưa bao giờ những biện pháp, những công cụ sàng lọc được thiết kế và đưa vào sử dụng trong công tác cán bộ lại phong phú, đa dạng như vài năm gần đây. Đáng kể nhất là kiểm soát quyền lực, chống suy thoái biến chất, chống chạy chức chạy quyền, 19 điều đảng viên không được làm, và đặc biệt là "đốt lò" chống tham nhũng.
Những sàng lọc trên đây đã làm nức lòng toàn dân. Tuy nhiên, vẫn còn đó một trăn trở, đó là sự sàng lọc ở mắt xích cuối cùng, tức sàng lọc bằng lá phiếu trực tiếp của cử tri, hoặc lá phiếu của người đại biểu. Ở mắt xích cuối cùng này, những gì là khiếm khuyết, là sai sót của công tác cán bộ khiến để lọt lưới những cán bộ suy thoái, biến chất, chạy chức, chạy quyền, vơ vét, tham nhũng…. vào danh sách đề cử thì đều không qua được lá phiếu với tư cách là tai mắt nhân dân.
Hồ Chủ tịch đã nói "dễ nghìn lần dân không cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Hãy để lá phiếu trong các cuộc bầu cử trở về với bản chất vốn có của nó, đó là sự công bằng- dân chủ -văn minh, không bao cấp cho bất cứ ai, chỉ chọn những người "vừa là lãnh đạo, vừa là đày tớ thật trung thành của nhân dân" như Di chúc của Bác Hồ.
Với các cơ quan quyền lực nhà nước, đã có Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân; với các tổ chức Đảng, đã có Qui chế bầu cử trong Đảng; với các tổ chức Đoàn thể chính trị-xã hội, đã có Điều lệ của từng tổ chức. Tất cả đều hoàn chỉnh nếu không bị cài đặt vào đâu đó những "bao cấp trúng cử" cho những ứng viên nào đó.
Tại các văn bản về bầu cử trên đây, về tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, không thấy có qui định nào về việc chỉ được bầu cho những người đã có trong qui hoạch. Tuy nhiên, không thiếu những cuộc bầu cử khi tiến hành, chỉ được đề cử theo công thức "một chọn một". Với công thức này, người được đề cử không thể là ai khác ngoài một người đã nằm trong qui hoạch. Và như vậy, khâu sàng lọc cuối cùng này đã trở thành hình thức đầy tốn kém.
Rất đáng mừng là tại Qui chế bầu cử trong Đảng gần đây, việc bầu Bí thư đảng ủy, Bí thư chi bộ đã được yêu cầu là phải có số dư, tức là công thức "một chọn một" đã được bãi bỏ. Khi "hai chọn một", nếu ai đó trúng cử với 100% phiếu bầu thì đó là sự tín nhiệm thực chất.
Tuy nhiên, nếu ai đó trúng cử chỉ với 51% tổng phiếu bầu thì vẫn cần được xem là bình thường, là đúng với phương châm "bó đũa chọn cột cờ", là đúng với lẽ tự nhiên rằng "người tài trong xã hội thì nhiều, nhưng trúng cử chỉ có một".  
Nếu công thức "hai chọn một" được áp dụng cả vào các cuộc bầu chọn người vào Ban lãnh đạo của các cấp thì danh sách người tài sẽ tăng lên gấp đôi so với danh sách những người trong qui hoạch. Và như vậy, những cử tri hoặc những đại biểu của các cuộc bầu cử sẽ chọn được người xứng đáng nhất trong số những người xứng đáng.
Đây thực sự là cuộc sàng lọc cuối cùng, có tính nhân dân cao. Qua cuộc sàng lọc này, nếu có ai đó tuy được đưa vào qui hoạch mà không trúng cử thì cũng cần được xem là bình thường, bởi công cụ qui hoạch không phải là vạn năng, vẫn có những khiếm khuyết, hạn chế mà người trong cuộc không thấy, nhưng tai mắt nhân dân thì không bỏ qua.
Việc chuyển từ công thức "một chọn một" sang công thức "hai chọn một" tuy đã thấy là lợi nhiều hơn hại, nhưng trên thực tế mới chỉ được thực hiện một cách "rón rén". Trong việc chọn người đứng đầu, có nơi áp dụng "hai chọn một", có nơi không. Trong việc chọn người vào Ban lãnh đạo thì mới chỉ thực hiện "có số dư" ở mức không quá 30%, tức còn khá xa so với mức "hai chọn một".
Thực trạng đó cho thấy truyền thống bao cấp trong công tác cán bộ vẫn còn nặng nề khiến biết bao công sức trong sàng lọc cán bộ đã bỏ ra trong mấy năm qua chỉ thu được những kết quả hạn hẹp so với kỳ vọng. Trong sự hạn hẹp này, dễ thấy nhất là tình trạng suy thoái, biến chất từ chỗ chỉ là nguy cơ đã trở thành một hiện thực trong đội ngũ cán bộ; tình trạng tham nhũng từ một bộ phận nhỏ đã nhanh chóng trở thành không nhỏ, rồi tới chỗ kéo bè, kết cánh trong hàng ngũ cán bộ có chức có quyền; tình trạng chạy chức chạy quyền đã qua mặt ngay cả những cơ quan quản lý cán bộ; Tình trạng phớt lờ những điều đảng viên không được làm đã diễn ra không chỉ với đảng viên thường mà còn cả với đảng viên có chức vụ, thậm chí đảng viên thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị.
Nghị quyết Đảng đã nhiều lần chỉ rõ vai trò quyết định của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công tuy cán bộ chưa nhiều nhưng tất cả đều một quyết tâm giành chính quyền về tay nhân dân.
Kháng chiến chống thực dân và đế quốc thắng lợi tuy cán bộ chưa đông nhưng đều quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Ba thập kỷ Đổi Mới, cán bộ đã nhiều và đông nhưng lại tự biến diễn, suy thoái, biến chất khiến đất nước chưa cất cánh đến thịnh vương.
Đại hội XIII của Đảng đang được chuẩn bị. Qui hoạch cán bộ các cấp đang được lên khuôn. Hệ thống sàng lọc cán bộ đang hoạt động hết công suất. Vấn đề còn lại là Đổi mới hệ thống sàng lọc cán bộ ở khâu bầu cử. Ở khâu này, nếu xóa bỏ được những bao cấp còn đang được cài cắm thì sự nghiệp cách mạng của Việt Nam sẽ có một đội ngũ cán bộ được sàng lọc để tất cả đều là những người "vừa là lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
TS Đinh Đức Sinh

CHỐNG CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN-LIỆU CÓ TÁC DỤNG ?

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG / BVN 6-10-2019

Gần đây rộ lên nhiều bài tuyên truyền và ca ngợi QĐ số 205 QĐ/TƯ, ngày 23/9/2019, về Kiểm soát quyền lực và Chống chạy chức chạy quyền. Người ta tôn xưng nó như một thứ bảo bối để cho Đại hội Đảng các cấp chọn được cán bộ tinh hoa, loại được hết lũ cơ hội. Tôi đọc kỹ QĐ đó và thấy buồn cười, vì ngoài một vài ý răn đe và dọa dẫm ra, phần lớn còn lại là một tập hợp ngôn từ ba hoa, sáo rỗng, mơ hồ, ảo tưởng, huyênh hoang và phản dân chủ. Về Kiểm soát quyền lực và đề bạt cán bộ xin tạm để lại, bài này chỉ mới bàn về chạy chức chạy quyền (CCCQ) trong các cuộc bầu cử.
Điều 10 của QĐ nêu định nghĩa hành vi CCCQ, gồm 6 ý, tóm tắt như sau:
1. Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm;
2. Tranh thủ… tặng quà, tiền, bất động sản… cho cán bộ lãnh đạo;
3. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế… để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền;
4. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ… để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền;
5. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả,… đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
6. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Mới xem qua thì thấy hay, có lý, nhưng chịu khó suy nghĩ một chút mới thấy lòi ra vài việc vô lý.
Các ý đều liên quan đến người có trách nhiệm, cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền. Họ là ai? Phải chăng là bí thư, là cấp ủy? Tại sao để CCCQ lại phải tiếp cận, tặng quà, thân quen v.v… với họ? Vì họ là những “vị vua”, dựa vào dân chủ tập trung để thực hiện quyền sinh, quyền sát. Vì muốn được bầu thì phải lọt được vào danh sách do họ lập và chốt chặt. Ra giữa đại hội đại biểu không ai được ứng cử hoặc đề cử người ngoài danh sách (hình như ở đại hội chi bộ gồm toàn thể đảng viên thì quyền ứng cử và đề cử còn được tôn trọng). Dân chủ ở đâu khi quyền lực tập trung vào trong một vài người, mà là người của nhiệm kỳ cũ, đang được hoặc bị thay thế. Nếu bầu cử thật sự dân chủ, các ứng viên được công khai, minh bạch vận động, cấp ủy cũ chỉ có trách nhiệm lập danh sách (chứ không có quyền chọn lựa) thì những hành vi như trên sẽ không xẩy ra, cần gì phải chống.
Nêu ra cho lắm điều, thật sự chỉ cần một việc là chống các hành động mờ ám, bất chính. Hơn nữa, khi không có việc lạm dụng chức quyền thì cũng sẽ không có chuyện chạy chức chạy quyền. Vì vậy tích cực hơn, sẽ là “chống lạm dụng quyền lực” (điều này tuy có được đề cập trong phần kiểm soát quyền lực nhưng cũng mơ hồ). Chống được lạm dụng quyền lực một cách triệt để thì chẳng cần chống chạy chức chạy quyền. Nhưng để chống triệt để thì phải dùng cách khác chứ không phải ra các QĐ như QQĐ 205.
Trong QĐ 205 không đề cập nguyên nhân sinh ra CCCQ. Tôi cũng chưa tìm thấy văn bản nào tìm ra và phân tích nguyên nhân đó. Có lẽ trước hết phải đặt câu hỏi: Tại sao người ta CCCQ mà không công khai, minh bạch ứng cử, vận động bầu cử? Phải chăng sự độc tài toàn trị của Đảng tạo ra thể chế quyền lực quá lớn, phải chăng đường lối cán bộ của Đảng phạm phải một số sai lầm từ gốc là có nhiều điều phản dân chủ, phản tiên bộ, phản khoa học. Những kẻ cơ hội phát hiện ra những sơ hở mời tìm cách CCCQ, chúng xem như bỏ vốn ra để buôn bán, sẽ kiềm được những nguồn lợi lớn.
Đề ra những QĐ chống CCCQ chỉ là biện pháp vuốt đuôi, hy vọng có thể bịt vài khe hở, trám vài lỗ thủng của cái thùng nhốt quyền lực. Nó không thể nào chống được từ gốc. Mà không chống được, không bịt được từ gốc thì trám được chỗ này sẽ phòi ra chỗ khác.
Vận động người khác ủng hộ một cách minh bạch, công khai trong việc ứng cử vào một chức vụ là quyền chính đáng của các thành viên. Ngoài việc khảo sát, phân tích khách quan, tôi đã hai lần ứng cử cùng vận động tranh cử, thấy được ý nghĩa cùng tác dụng tích cực của nó.
Khi nêu ra những điều cấm chạy chức chạy quyền đồng thời người ta ngầm hiểu là chống luôn sự vận động.
Bạn đang là một đảng viên hoặc CB cấp thấp, có năng lực, trung thực, bạn có điều gì đó làm cấp ủy không vừa lòng, dù rằng bạn đúng còn cấp ủy sai thì bạn vẫn bị loại ra khỏi danh sách đề cử. Thực ra các tổ chức bầu cử hiện tại chỉ nhằm bảo vệ phe cánh, loại bỏ đối thủ ngay vòng đầu.
Nếu cho rằng vận động để được bầu là hình thức chạy chọt cần ngăn cấm, thì tại sao các cán bộ cao cấp của VN đi vận động khắp thế giới bầu cho VN vào UV không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (và xin các nước công nhận nền kinh tế thị trường)?
Khi từ bỏ độc quyền toàn trị, khi tổ chức bầu cử thật sự dân chủ thì chẳng cần ra QĐ chống CCCQ. Còn nếu vẫn giữ đường lối như hiện tại thì dù có ra thêm vài chục QĐ tương tự cũng không thể nào củng cố và làm trong sạch được tổ chức Đảng. Các đại hội chỉ bầu được chủ yếu những kẻ cơ hội, lắm mưu mẹo, nhiều thủ đoạn mà thiếu trí tuệ, thiếu trung thực, phần lớn kẻ được chọn không phải là những nhà hoạt động chính trị, mà là những kẻ đầu cơ quyền lực.
Mặc dầu QĐ 205 về chống CCCQ được ca ngợi hết lời, được phổ biến đến tận mọi chi bộ, được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức của Đảng thực hiện, nhưng chắc rồi nó cũng sẽ chung số phận với nhiều QĐ tương tự, một số được cất kín vào tủ hồ sơ, số khác biến thành hàng hóa cho những người đi thu góp.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

QUYỀN LỰC CHỈ CÓ THỂ KIỂM SOÁT BẰNG THỂ CHẾ
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 4-10-2019
Chống chạy chức, chạy quyền” - một giải pháp chống tham nhũng trong công tác cán bộ” là bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản.
Theo tác giả, một trong những biện pháp chống “chạy chức, chạy quyền” là “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ bằng thể chế, cơ chế”. [1]
Vậy Việt Nam đã có đủ hay vẫn thiếu “thể chế, cơ chế” để kiểm soát quyền lực?
Để trả lời câu hỏi này, cần nói qua một chút về hai khái niệm “Thể chế” và “Cơ chế”.
“Thể chế” được hiểu là tập hợp những quy tắc - cả chính thức và không chính thức - có tác dụng định hướng, thúc đẩy hoặc kìm hãm tương tác giữa các chủ thể chính trị.
Thể chế là nhân tố duy nhất định hướng hoạt động của Nhà nước và các tổ chức phi nhà nước (các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp hoặc các tổ chức độc lập,…).
“Thể chế” vận hành trong mỗi quốc gia được cấu thành bởi ba thành tố: “Thể chế chính trị; Thể chế kinh tế và Thể chế xã hội”.
Tác giả Phùng Hữu Phú trong bài “Một số vấn đề cốt yếu về xây dựng thể chế phát triển nhanh - bền vững” đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 01/05/2019, đưa thêm thành tố thứ tư là “Thể chế hội nhập quốc tế”.
Quyền lực chỉ có thể kiểm soát bằng thể chế (Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn)
Quan điểm này được đón nhận thế nào thì cần không gian thảo luận và thời gian kiểm chứng.
“Cơ chế” là cách thức theo đó một quá trình được thực hiện, cơ chế được dùng rộng rãi trong quản lý xã hội, chẳng hạn cơ chế một cửa trong hoạt động hành chính, cơ chế quản lý nhân sự, cơ chế xin cho trong quản lý kinh tế,…
Hiểu một cách đơn giản, thể chế thiên về định hướng còn cơ chế thiên về quản lý.
Về cơ chế, các chế tài điều chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật được quy định rất rõ trong Luật hình sự, Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Về cơ chế quản lý cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ trong hai năm 2018 – 2019 đã ban hành hai văn bản liên quan:
Ngày 19/05/2018, ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Chính xác thì các quy định của Đảng về công tác cán bộ đã có ngay từ khi cách mạng tháng 8 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong rất nhiều tác phẩm đã đề cập đến công tác cán bộ.
“Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6).
Lấy mốc thời gian từ khi bắt đầu đổi mới, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã xác định “Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng”.
Ngày 18/06/1997 Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; 
Ngày 05/05/1999 Trung ương đã ban hành Quy chế 53-QĐ/TW “Về chế độ kiểm tra cán bộ và công tác cán bộ”.
Ngày 07/05/2007 Quyết định 58-QĐ/TW “Về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ” chính thức được áp dụng thay thế cho Quy chế 53-QĐ/TW…
Có thể thấy “cơ chế” quản lý xã hội, quản lý hoạt động của tổ chức Đảng không thiếu. Các văn bản luôn được cập nhật, bổ sung hoặc thay thế.
Vấn đề còn lại là thể chế.
Gần đây, các ý kiến về “Đổi mới thể chế” được đề cập thường xuyên, tuy nhiên “Vấn đề được quan tâm nhiều về lý luận vẫn là những vấn đề kinh tế. Chúng ta còn đang thiếu một tư duy lý luận tổng hợp, bao quát nhất về sự phát triển”. [2]
Nhận định “chúng ta còn đang thiếu một tư duy lý luận tổng hợp” đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 01/05/2019 liệu có phải là chỉ dấu cho thấy những nghiên cứu, đóng góp nhằm vào đổi mới “Thể chế chính trị” và “Thể chế xã hội” chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng sự phát triển của xã hội.
Phải chăng nguyên nhân nằm ở vai trò bộ tham mưu mà chủ yếu là những rào cản về tư duy chưa được mạnh dạn gỡ bỏ?
Đổi mới thể chế chính trị và thể chế xã hội liên quan mật thiết đến đội ngũ giữ vai trò hoạch định đường lối, chính sách tức là những người có vị thế cao trong bộ máy quyền lực.
Sau hơn ba mươi năm tính từ 1986, rất nhiều văn bản về công tác cán bộ được ban hành cho thấy tình trạng chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, bè cánh trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn phải được đặt ra như là nhiệm vụ bức thiết, liên quan đến sự sống còn của thể chế.
Cơ thể của “Cơ chế” đã lớn mạnh nhưng chiếc áo “Thể chế” lại quá chật, liệu điều này có cho thấy vai trò định hướng của thể chế với cơ chế có gì đó chưa ổn?
Vì sao chỉ trong nửa đầu của nhiệm kỳ khóa 12, hơn 70 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật, một số phải ngồi tù, trong đó có cả nguyên Ủy viên Bộ chính trị?
Nếu không xác định được vấn đề cốt lõi, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thì mọi văn bản đều chỉ mang tính hình thức, kể cả các đạo luật.
Vậy vấn đề cốt lõi chống chạy chức, chạy quyền là gì?
Thứ nhất, bãi bỏ các “quy trình”
Hầu hết vụ việc liên quan đến chuyện cả họ làm quan, đều được kết luận “đúng quy trình”.
Có thể kể đến vụ bổ nhiệm “giám đốc chơi chim” ở Quảng Nam, chuyện cả họ làm quan tại huyện Kim Thành – Hải Dương, huyện Mỹ Đức – Hà Nội, tại Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh, tại tỉnh Hà Giang,…
Nếu bãi bỏ quy trình thì đương nhiên sẽ không còn chiếc phao “quy trình” để bất kỳ ai có thể bấu víu, đặc biệt là quy trình đề cử, giới thiệu nhân sự mỗi khi có các cuộc bầu cử.
Khi nhân sự được sắp xếp vào các vị trí bởi sự thương thảo của một tập thể chứ không phải “phổ thông đầu phiếu” thì đương nhiên vai trò của “quy trình” sẽ lấn át pháp luật.
Lời bộc bạch của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển “Tôi chỉ là phó nói – Vice Speaker) phải chăng chỉ là băn khoăn của cá nhân vị lãnh đạo Quốc hội hay cũng còn liên quan đến thể chế?
Phát biểu của Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cần phải hiểu như thế nào:
“Tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, uỷ viên thường trực các uỷ ban của Quốc hội họ thường từ chối? Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều xin đừng đưa em vào quy hoạch”. [3]
Vì sao quy hoạch Phó chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội (tương đương Thứ trưởng) người ta lại từ chối chứ đừng nói đến phải chạy để “về” Quốc hội?
Vấn đề liên quan đến quyền lực và lợi ích vật chất hay chỉ đơn thuần là sở thích?
Bãi bỏ “quy trình”, thay bằng thi tuyển hoặc phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp là cách tốt nhất để minh bạch quá trình lựa chọn nhân sự cho hệ thống chính trị và người viết cho rằng đây là nền tảng duy nhất cho thắng lợi của cuộc chiến chống chạy chức, chạy quyền.
Thứ hai, thay đổi nhận thức về đãi ngộ vật chất
Thời kỳ những năm 30 của thế kỷ trước, đất nước chia thành ba miền Bắc kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ nhưng thực chất cả nước đều bị ngoại bang đô hộ.
Những người tham gia cách mạng, gia nhập Việt Minh chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến phần đông không nghĩ đến lợi ích vật chất.
Mục tiêu của họ là giải phóng dân tộc, lý trí và niềm tin vượt trên cám dỗ vật chất. Những người tham gia Việt Minh, trở thành đảng viên hoặc cán bộ không đặt chức tước, địa vị thành lẽ sống của mình.
Người Việt ngày nay đã bước sang thời kỳ khác, nhận thức về lý tưởng và quyền lợi vật chất đã thay đổi nhiều nếu không nói là đối nghịch với thời kỳ kháng chiến cứu nước.
Nhu cầu vật chất không còn bó hẹp trong bát cơm, manh áo mà ngày càng cao cấp hơn khiến mong muốn tích lũy của cải trở thành trào lưu trong mọi tầng lớp dân cư chứ không chỉ trong hàng ngũ cán bộ, công chức hay thành viên các tổ chức chính trị - xã hội.
Lâu nay có một thực tế là cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao ngại công khai nói tới đãi ngộ vật chất.
Dường như có suy nghĩ đãi ngộ cao cho lãnh đạo sẽ là phản cảm, làm giảm niềm tin của dân, làm cán bộ xa dân nên phải quy định mức lương thấp để “hòa đồng” với dân, để cán bộ dễ ăn nói khi xuất hiện trước công chúng!
Tuy nhiên, ngay từ khi đất nước còn chiến tranh, người dân chỉ cần được ăn cơm no chứ chưa cần ngon thì tại Hà Nội đã xuất hiện những cửa hàng đặc biệt như Vân Hồ, Tôn Đản, Ba Đình dành riêng cho một số đối tượng.
Ngại đề cập một cách công khai, chưa coi trọng đúng mức nhu cầu vật chất của tầng lớp tinh hoa, của người lãnh đạo và các thành phần ưu tú khác phải chăng nên xem là một sai lầm mang tính chiến lược?
Lương Bộ trưởng thấp hơn lương nhân viên kế toán trong các doanh nghiệp không cho thấy sự tốt đẹp của chế độ chính trị mà dường như mang màu sắc của sự duy ý chí.
Nếu không gian sinh tồn của một gia đình - thường được gọi là “tế bào của xã hội” -  bao gồm bữa ăn hàng ngày, nhà ở, nhu cầu học tập của con cái, nhu cầu khám chữa bệnh, nhu cầu vui chơi, giải trí,… chỉ trông cậy vào lương nhưng “Lương cán bộ công chức mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu sống tối thiểu” [4]  thì những cố gắng tăng thu nhập bằng cách tham nhũng không chỉ do tư cách, đạo đức xuống cấp mà còn là hệ quả từ cơ chế.
(Còn nữa)
Xuân Dương
VÌ SAO NGƯỜI TA THÍCH 'CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN'?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 5-10-2019
Trong hai mươi năm qua, tính từ khi ban hành Quy chế 53-QĐ/TW, đời sống cán bộ, công chức tuy đã được cải thiện song thu nhập từ lương của một công chức loại A3 (loại cao nhất), hệ số lương kịch khung là 8,00 thì thu nhập một tháng là 11,92 triệu đồng, một năm thu từ lương chưa đến 150 triệu (không kể phụ cấp, thâm niên,…).
Với công chức loại C, nhóm 3, bậc lương kịch khung là bậc 12 thì thu nhập một tháng là 4,96 triệu đồng, một năm chưa đến 60 triệu đồng, mức lương này thấp hơn nếu thuê  người giúp việc gia đình (ăn, ở, sinh hoạt cộng với 4,5 – 5 triệu đồng tiền mặt một tháng).
Chính sách, chế độ tiền lương chậm thay đổi trong khi nền kinh tế sau 30 năm đổi mới đã có những biến chuyển đáng kể, một bộ phận cư dân như doanh nhân, giới biểu diễn, bác sĩ,… có thu nhập gấp nhiều lần công chức, viên chức có phải là một trong những nguyên nhân khiến “người nhà nước” cảm thấy thua thiệt.
“Sự cảm thấy thua thiệt” ấy không chỉ tạo nên sự “phản kháng ngầm” mà ta gọi là “tham nhũng”, mà nó còn phản ánh hậu quả “quy trình” xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo kiểu quy hoạch các “4 C”, “4 ệ” chứ không phải sự sàng lọc minh bạch, công khai bằng các cuộc thi tuyển. 
Muốn chống chạy chức, chạy quyền thì phải triệt “nguồn nuôi” tức là tài sản ngầm của cán bộ, công chức. (Tranh minh họa. Nguồn: hoinhabaovietnam.vn)
Vậy tăng lương cao như công chức Singapore có giảm được tham nhũng, có giảm được chạy chức chạy quyền?
Với những người hưởng lương từ ngân sách – tương quan giữa đãi ngộ vật chất và ý thức phục vụ thường không phải là quan hệ tuyến tính theo kiểu toán học. Lương cao hay thấp thì tình trạng tham nhũng vặt ở cấp thấp và tham nhũng bự ở cấp cao vẫn tồn tại.
Có ý kiến cho rằng số tiền mà cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận từ doanh nhân Phạm Nhật Vũ không phải chỉ là 3 triệu USD – tương đương gần 70 tỷ đồng.
Đã qua rồi thời sử dụng các khẩu hiệu, các câu động viên bằng tinh thần, bằng sự cao quý của “nghề công bộc”, “nghề dạy học” thay thế cho đồng lương “chỉ bảo đảm 40% nhu cầu cuộc sống".
Vậy thì vì sao người ta lại chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu chỉ để kiếm một “suất nhà nước” – như ý kiến một cựu cán bộ Thành ủy Hà Nội - chứ chưa nói giai đoạn sau, tức là từ khi chắc “suất nhà nước” đến khi có chức, có quyền.
Thực sự số tiền phải bỏ ra chạy chức, chạy quyền gấp mấy lần “suất nhà nước”?
Khi chấp nhận nền kinh tế thị trường, nên áp dụng phương thức bỏ một đồng vốn thu lại hai đồng lãi hay tiết kiệm một đồng vốn để mất đi hai đồng lãi?
Áp dụng câu hỏi này vào công tác cán bộ, nếu Hệ thống thực hiện một “thí điểm cấp nhà nước”, mức lương trả cho cán bộ công chức bảo đảm mức sống trung lưu kèm theo kỷ luật nghiêm minh thì tệ tham nhũng, chạy chức, chạy quyền sẽ giảm hay vẫn thế?
Rất nhiều dự án mà doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu đều có giá bỏ thầu rất thấp, cuối cùng thì dự án vốn đội gấp nhiều lần và thời gian thi công kéo dài nhiều năm mà chưa biết đến bao giờ có thể đưa vào sử dụng.
Thiệt hại phải chăng chỉ do cách suy nghĩ thiển cận của người/cơ quan có quyền quyết định hay cũng còn vì những suất “lại quả” khiến họ mờ mắt?
Vậy nên sau khi đã nhận thức (một cách biện chứng) vai trò của các lợi ích vật chất trong công tác cán bộ, việc tiếp theo là phải xác định nguyên nhân nào khiến cán bộ, công chức “thích chạy” như vậy.
Thứ ba, vì sao người ta thích “chạy chức, chạy quyền”?
Điều này đã được cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh lý giải:
“Tôi thấy xu hướng kinh tế khó khăn nên khuyên con thôi bây giờ quay về hướng nhà nước”.
Sau khi “quay về hướng nhà nước”, ở tuổi 30, con trai ông Thanh được bổ nhiệm làm Giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư “tỉnh nhà”.
Có nhiều cách làm giàu: “Làm trang trại, kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ, nghiên cứu, phát minh các công nghệ mới,…”, thế thì vì sao không ít người chạy để làm “công bộc” chứ không dám tự thân vận động ngoài thương trường?
Câu trả lời ngay và luôn là lãi suất của các chuyến “buôn quan” - theo quy luật kinh tế mà Karl Marx đề cập - phải lên tới 300% hoặc hơn thì người ta mới háo hức, ít hơn chẳng bõ.
Tuy nhiên nếu chỉ kiếm được 300% so với số vốn bỏ ra thì vẫn chưa đủ lý giải sự hấp dẫn của chuyện “buôn quan”, còn ít nhất hai lý do nữa:
Một là khi đã được đặt vào ghế thì chẳng cần tài cán gì, thậm chí có người được gọi theo cách dân gian là “đầu đất” nhưng có “ghế cao” thì những “cuộc thăm viếng” của cấp dưới hay các đại gia sẽ phải được lên kế hoạch tỉ mỉ trước nhiều ngày.
Những chuyến công du miễn phí, những suất học bổng cho con cháu du học nước ngoài, những tấm thẻ hội viên câu lạc bộ golf,… chỉ là bề nổi. Những tài khoản nhiều triệu USD ở các thiên đường trốn thuế (mà dư luận râm ran) mới là điều cần nói.
Sự thật này liệu có giống câu ngạn ngữ dân gian tổng kết: “Ngu si hưởng thái bình”?
Có điều, để được “ngu si” như không ít người “mới bị lộ” thì không thể thiếu điều kiện tiên quyết, hoặc là “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” hoặc là thành viên của “nhóm lợi ích”.
Hai là thành công của các chuyến “buôn quan” không chỉ thuần túy vật chất mà còn những “lợi ích phi vật chất” khác mà nhiều khi có tiền chưa chắc đã mua được.
Nếu lợi ích vật chất thường được đương sự giấu kín thì “lợi ích phi vật chất” lại thường được khoe khoang hết mức có thể. Có thời khi giới thiệu chức vụ quan chức, người ta không quên thêm vào cụm từ “Giáo sư – Phó giáo sư” hay “Tiến sĩ”.
Các danh hiệu thi đua khen thưởng và những thứ “vinh hoa, phú quý” mà gia đình, dòng tộc được thơm lây là những cám dỗ khó cưỡng.
Làm Bí thư Tỉnh ủy như ông Hồ Xuân Mãn vẫn chưa đủ vinh hoa vì thế nên ông mới khai man lý lịch để được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Gần đây, chuyện cha đẻ một ông cựu Bộ trưởng được “bạn bè” tổ chức vinh danh như một nhân vật “kiệt xuất thầm lặng” đã khiến mạng xã hội dậy sóng.
Việc xuất bản và tung hô cuốn sách “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay” do cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chủ biên cũng là một ví dụ, có người đã không ngần ngại tung hô:
“Với những đúc kết sâu sắc của tác giả, cuốn sách sẽ là cẩm nang quý giá cho mỗi cán bộ, đảng viên”. [5]
Sau khi ông Trương Minh Tuấn bị bắt tạm giam, nhiều ý kiến cho rằng nên thu hồi cuốn sách này.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) cho rằng:
“Cuốn sách là minh chứng cho thái độ thiếu trung thực, lừa dối của ông Trương Minh Tuấn, bộc lộ trước đảng viên và người dân…
Không cần thiết phải thu hồi, cứ để như vậy bởi chẳng có ai đọc làm gì và tự khắc cuốn sách sẽ chết". [6]
Với những cán bộ, công chức “bao trọn gói” khả năng “Chỉ đi ra, đi vào, không cãi ai, không chửi ai” thì “buôn quan” là con đường duy nhất để có cả tiền tài và danh vọng.
Thương trường là chiến trường, lao vào đó chẳng khác gì lao vào chốn dầu sôi, lửa bỏng thế nên với “Nhóm lợi ích đầu đất”, ngồi phòng mát, tài khoản đầy mới là lý tưởng, mới “xứng đáng” cho người ta dấn thân.
Trong hoàn cảnh đó, những người thực sự tài giỏi, không chen chân được hoặc không muốn chen chân vào “nhà nước” không phải là sự “râm ran” của dư luận mà là sự thật.
Một khi trí tuệ vẫn chưa cải thiện được vị trí trong bảng xếp hạng “tứ ệ”, “ngũ ệ”, vẫn giữ vị trí hạng bét thì “buôn quan” trở thành công cụ, phương tiện cho mục đích “vinh thân phì gia” là chuyện dễ hiểu.
Vậy nhiệm vụ từ nay đến giai đoạn 2030 - 2045 là gì?
Là đổi mới thể chế chính trị đồng bộ với kinh tế và xã hội.
Ban hành các văn bản, luật hóa các chủ trương, nghị quyết, quy định chống tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền là rất cần thiết nhưng tác dụng sẽ thế nào nếu các “nhân tố mới” vẫn song hành với “quy trình cũ”?
Trong một nhà nước pháp quyền, các lực lượng chính trị, kể cả đảng cầm quyền không thể tận dụng nguyên tắc “Sử dụng pháp luật để cai trị” mà phải là “Hoạt động trong khuôn khổ pháp luật” đúng như quy định tại khoản 2, 3 điều 4 Hiến pháp 2013:
“2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
“Đứng ngoài hay đứng trên Hiến pháp và pháp luật, đứng ngoài sự giám sát của nhân dân” là không được phép. [7]
Muốn chống chạy chức, chạy quyền thì phải triệt “nguồn nuôi” tức là tài sản ngầm của cán bộ, công chức.
Muốn triệt “nguồn nuôi” thì một trong các biện pháp là phải công khai tài sản cán bộ cho toàn dân biết.
Nếu bản kê tài sản cán bộ, đảng viên không đến được với dân, nếu danh sách cán bộ quy hoạch trong Đảng nhưng sẽ trở thành lãnh đạo Hệ thống Nhà nước, thành công chức, viên chức trong cơ quan công quyền không công khai cho dân biết thì Nhân dân làm sao có thể “giám sát” hoạt động của Đảng như Hiến pháp quy định?
Những câu hỏi của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thể chế, về Điều lệ Đảng, về chế độ sở hữu,… phải chăng đang là trăn trở lớn nhất mà thế hệ lãnh đạo hôm nay trao cho những người sẽ nắm quyền hoạch định đường lối, chính sách từ năm 2021?
Tài liệu tham khảo:
[1] //www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/52607/Chong-chay-chuc-chay-quyen-mot-giai-phap-chong-tham-nhung.aspx
[2] //www.tapchicongsan.org.vn/home/nghiencuu-traodoi/2019/54825/mot-so-van-de-cot-yeu-ve-xay-dung-the-che-phat.aspx
[3]//www.tienphong.vn/xa-hoi/nhieu-can-bo-xin-rut-khi-duoc-quy-hoach-ve-quoc-hoi-1463978.tpo
[4] //thanhnien.vn/thoi-su/luong-can-bo-cong-chuc-moi-chi-dap-ung-40-nhu-cau-song-toi-thieu-890991.html
[5]//infonet.vn/ra-mat-sach-do-bo-truong-bo-tttt-truong-minh-tuan-chu-bien-post213334.info
[6] //vtc.vn/ong-truong-minh-tuan-nhan-hoi-lo-cuon-sach-phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-do-ong-chu-bien-co-bi-thu-hoi-d496224.html
[7] //vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/ba-giai-phap-lon-tiep-tuc-doi-moi-phuong-thuc-cam-quyen-cua-dang-572617.html
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét