Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

20191028. BÀN VỀ GÁNH NẶNG NỢ CÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

GÁNH NỢ TRIỆU TỶ

LƯƠNG BẰNG/ TVN 25-10-2019

Những cây cầu xây từ vốn vay
Mấy năm nay tôi thường đi lên sân bay nội bài qua ngả cầu Nhật Tân thay vì qua cầu Thăng Long như trước. Xe đi vù vù, không tắc, không ùn, quả là rất tuyệt vời so với cảnh chen chúc bất kỳ đâu trên các con phố ở Thủ đô.

Gánh nợ triệu tỷ
Cầu Nhật Tân được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Cầu Nhật Tân dài 3,75 km lại được thiết kế rất đẹp, hiện đại mà không nhiều cây cầu ở miền Bắc có được.
Thực tế, Dự án cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Sân bay Quốc tế Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài là những dự án trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam.
Những dự án đó, và nhiều dự án khác bằng vốn vay, hay viện trợ không hoàn lại đang giúp hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng ở nước ta.
Tính riêng giai đoạn 2011-2016, trong lĩnh vực giao thông có Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga hành khách quốc tế T2 Sân bay Nội Bài,…
Trong lĩnh vực năng lượng thì có Dự án điện Phả Lại, Hàm Thuận - Đa Mi, Phú Mỹ, Ô Môn, dự án đường dây truyền tải điện quốc gia, các dự án điện nông thôn, Dự án đường dây 500KV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, các dự án lưới điện góp phần nâng cao năng lực sản xuất, truyền tải, phân phối, quản lý hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.
Những dự án đó đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Đó là những ý nghĩa không thể phủ nhận.
Đến nay, nợ công của Việt Nam đã vượt con số 3 triệu tỷ đồng; trung bình mỗi người dân đang phải gánh trên 30 triệu đồng nợ công.
Trong năm 2020 Chính phủ dự kiến vay thêm 459 nghìn tỷ đồng, cao hơn dự toán của năm 2019, để bù đắp chi tiêu ngân sách. Số tiền 459 nghìn tỷ đồng này, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để nhận nợ Bảo hiểm xã hội 9,1 nghìn tỷ.
Vay nợ, nhất là với lãi suất thấp, là điều bình thường ở nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là số nợ đó được sử dụng hiệu quả ra sao, khả năng trả nợ thế nào để thế hệ hiện tại và tương lai không phải lâm vào cảnh nợ nần của những thế hệ đi trước là điều đáng được đặt lên bàn cân.
Tuy nhiên, tình trạng dự án sử dụng đồng vốn vay kém hiệu quả, thậm chí thất thoát, lãng phí vẫn còn. Đây là điều mà tác giả đã cảnh báo trong bài “Có tăng trưởng mà không có phát triển đi kèm”.
Hàng chục nghìn tỷ đã đổ vào dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông mà dự này sau chục năm trời vẫn nằm phơi mưa nắng. Hàng nghìn tỷ đổ vào đường sắt đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có lối ra… Nhiều dự án được bảo lãnh vay vốn không trả được nợ vì dự án chậm tiến độ, dự án không có hiệu quả, nên Chính phủ phải trả nợ thay; nhiều dự án chậm tiến độ, quy hoạch treo, dang dở là thực tế không thể phớt lờ mà các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng năm.
Hệ số ICOR của chúng ta vẫn luôn cao hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực cũng là lời cảnh báo không thể làm ngơ.

Gánh nợ triệu tỷ
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một ví dụ về sử dụng vốn vay nước ngoài chưa hiệu quả. Ảnh: Lương Bằng
Nỗi lo trả nợ
Có vay có trả. Những năm qua, Chính phủ vẫn đảm bảo trả các khoản vay đúng hạn, được các nhà tài trợ vốn và các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực.
Ngoài ra, nhiều biện pháp để cắt giảm chi tiêu đã được triển khai để dành nguồn tiền cho đầu tư phát triển, trả nợ. Đó là giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện cơ chế thị trường với một số dịch vụ công,…
Việc siết chặt bảo lãnh Chính phủ cho các khoản nợ của doanh nghiệp cũng là một giải pháp quan trọng để giảm bớt áp lực gia tăng nợ công.
Thế nhưng, trong báo cáo thẩm định ngân sách năm 2020, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phải nhận xét rằng “các tồn tại trong chi thường xuyên của ngân sách nhà nước đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để”.
“Vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm”.
Câu chuyện Sóc Trăng chi gần 1 tỷ đồng để lắp camera an ninh tại nhà của cán bộ trong Ban Thường vụ gây xôn xao dư luận vừa qua là điển hình.
Nhưng lãng phí trong những khoản chi kể trên không thấm là bao so với những lãng phí trong lĩnh vực đầu tư. Bỏ nghìn tỷ làm quảng trường, tượng đài, rồi để hoang hóa; xây bệnh viện hàng nghìn tỷ kéo dài từ năm này đến năm khác không hoàn thành; những trụ sở, trung tâm hành chính công hoành tráng trong khi trụ sở cũ vẫn hoạt động tốt… Những câu chuyện đó đã được báo chí chỉ ra nhiều năm nay.
Các vấn đề "kinh niên" như đội vốn đầu tư, chi sai mục đích, thất thoát ngân sách... vẫn được Kiểm toán Nhà nước điểm mặt khi kiểm toán tình hình thu chi ngân sách hàng năm.
Trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019, Chính phủ cho hay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 122.029 tỷ đồng; qua thanh tra phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng và trên 819 ha đất… Những con số đó lẽ ra đã góp phần cho ngân sách đầy đặn lên, giảm áp lực phải vay nợ thêm.
Con số vay nợ của năm 2020 nói lên nhiều vấn đề. Việc phải đi vay để bù đắp bội chi có nghĩa tiền làm ra vẫn chưa đủ đáp ứng chi tiêu, nên phải đi vay để bù đắp vào. Cũng vì tiền làm ra không chi tiêu đủ, nên việc trả nợ vay phải duy trì bằng cách "vay nợ mới trả nợ cũ".
Hệ quả là, số tiền vay nợ liên tục tăng trong các năm gần đây. Năm 2017, số dự toán vay là hơn 340 nghìn tỷ đồng, thì năm 2018 tăng lên 363 nghìn tỷ, năm 2019 tăng tiếp lên 425 nghìn tỷ và năm 2020 dự kiến là 459 nghìn tỷ đồng.
Thu nhiều vẫn không đủ chi
Điều đáng chú ý là, 5 năm gần đây, thu ngân sách liên tục tăng với nhiều con số tích cực. Nếu như năm 2013, thu ngân sách mới chỉ đạt con số hơn 828 nghìn tỷ đồng thì 5 năm sau, kết quả thu ngân sách đã vượt xa con số 1,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, sau 5 năm, thu ngân sách đã tăng thêm 572 nghìn tỷ đồng.
Thế nhưng chi ngân sách vẫn không ngừng tăng lên khiến cho tình trạng “thu không bù nổi chi”, “bóc ngắn cắn dài” cứ kéo dài.
Năm 2013 chi ngân sách là 1,08 triệu tỷ đồng, thì đến năm 2019 dự toán chi ngân sách đã tăng lên con số hơn 1,66 triệu tỷ đồng. Có nghĩa chi ngân sách sau 5 năm đã tăng hơn 600 nghìn tỷ đồng so với năm 2013.
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi nghĩa vụ trả nợ vay của Chính phủ đang tăng lên. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2019 ước khoảng 19,5-20,5%, cao hơn khá nhiều so với mức 15,9% cuối năm 2018. Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020.
Thế nên, việc vay nợ và trả nợ sẽ là thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Hơn 3 triệu tỷ đồng nợ công luôn là sự thúc ép không được phớt lờ. Hơn bao giờ hết, đồng vốn phải được sử dụng hiệu quả, tạo cơ hội cho phát triển vì nếu không là tạo gánh nặng cho con cháu, cho tương lai.
Lương Bằng
BÀI LIÊN QUAN:
NHỮNG DOANH NHÂN 'MỘT NỬA'

LƯƠNG BẰNG/ TVN 22-10-2019


Lời phàn nàn xưa cũ
Tại hội nghị của doanh nghiệp nhà nước hồi đầu tháng 9 vừa rồi, lãnh đạo một tập đoàn kinh tế nhà nước lên bục và than thở rằng, ông và nhiều đồng nghiệp bị kỳ thị, bị nhìn với cái nhìn méo mó do hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước có nhiều chuyện không hay bị phanh phui. “Cũng có những con sâu làm rầu nồi canh tuy nhiên không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng vậy, không phải lĩnh vực nào cũng có chuyện như vậy”, ông cố thanh minh. Tất nhiên, ông cũng không quên phàn nàn: “ưu tiên và ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước giờ không còn như ngày xưa”.
Ông bày tỏ mong muốn xã hội có cái nhìn công tâm hơn về các doanh nghiệp nhà nước; đừng tạo áp lực lên tinh thần, tâm lý lên những người làm ở doanh nghiệp nhà nước mà làm mất nhuệ khí, động lực của họ.
Vấn đề là ở chỗ, liệu con sâu làm rầu nồi canh chỉ là đơn lẻ, hay đã là nhiều con sâu làm cho nồi canh khó ăn được? Liệu xã hội có những định kiến quá đi với những thành tựu, như vị giám đốc nhận?
Góc nhìn đó không hẳn là sai khi hàng trăm nghìn tỷ đã bị nhiều quả đấm thép như Vinashin, Vinalines, PVN… “ném tiền qua cửa sổ”. Con số 86 ngàn tỷ lỗ ở Vinashin liệu đã thành bao nhiêu sau 10 năm? Mà doanh nghiệp nhà nước suy cho cùng là sở hữu toàn dân, tài sản của dân nên dân không thể không được biết, không thể không tỏ ra xót xa khi số tiền lớn như vậy bị lãng phí.
Vấn đề là, ngày nay những “con sâu” đó không chỉ đơn lẻ, như cách đây một thập kỷ, mà đã lan rộng ra thành đàn.

Những doanh nhân 'một nửa'
Doanh nghiệp tư nhân là ai nếu không phải là bố mẹ vợ con bạn bè của ta, rằng sao lại hạn chế họ, những đồng bào của mình, phát triển, giúp xây dựng đất nước này. Ảnh: Lê Anh Dũng
Kết luận kiểm toán Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) của Kiểm toán Nhà nước mới đây cho thấy hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB âm hơn 866 tỷ đồng. Đáng chú ý, lỗ lũy kế của ngân hàng này đến 31/12/2018 là trên 4.800 tỷ đồng; nợ xấu tại 31/12/2018 là trên 46.100 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ.
Báo cáo về tình hình hoạt động của DNNN cho thấy, hiệu quả của khối doanh nghiệp này là đáng âu lo. Có tới 110/855 doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 13% tổng, làm ăn bị thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn, báo cáo hợp nhất có 10 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 9 nghìn tỷ đồng và 4 công ty có lỗ lũy kế là hơn 1.000 tỷ đồng với những cái tên nổi bật như Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty 15,...
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cũng liệt kê môt loạt doanh nghiệp lỗ nặng (tính đến 31/12/2017). Đó là: Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí lỗ 3.377 tỷ đồng; Công ty CP Chế tạo tầu và giàn khoan dầu khí 581 tỷ đồng… Nhiều công ty âm vốn chủ sở hữu như Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí 1.780 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỷ đồng…
Trong văn bản gửi Thủ tướng của Tổng công ty Sông Hồng (Bộ Xây dựng) gần đây, Công ty này cho biết, lỗ lũy kế đến 31/12/2018 là âm 908 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 581 tỷ đồng… "Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một thời gian rất ngắn nữa thì Tổng công ty cổ phần phần Sông Hồng chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản”, Tổng công ty này kêu cứu trong văn bản.
Những con số như trên chỉ là phần nối dài của nhiều doanh nghiêp nhà nước thua lỗ trong hơn một thập kỷ nay như Vinashin, Vinalines, Vinachem,…
Tất nhiên, những câu chuyện trên không phải hàm ý xóa mờ hay thậm chí phủi sạch trơn những đóng góp của DNNN. Ở góc độ khác, cũng có những doanh nghiệp nhà nước cũng đã đóng góp lớn cho nền kinh tế. Những doanh nghiệp nhà nước như VNPT, Viettel đã đi đầu trong việc tạo ra cơ sở hạ tầng số rất quan trọng để phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, cũng như trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bây giờ.
Nhưng, những dẫn chứng đó không thể thay thế cho một sự thật: Doanh nghiệp nhà nước rất khó cạnh tranh được với doanh nghiệp tư nhân trong một nền kinh tế thị trường.
“Hãy gọi chúng tôi là những doanh nhân một nửa”, một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã ví von vậy khi tôi gửi lời chúc mừng Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 vừa qua. “Chúng tôi rất khó để được coi là các doanh nhân thực thụ”, vị này bộc bạch trong ngày dành cho giới doanh nhân.
Điều này xuất phát từ cách vận hành rất rườm rà, rắc rối, thiếu cạnh tranh, thiếu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình mà bất kỳ một doanh nghiệp bình thường nào trong nền kinh tế phải tuân thủ.
Đơn cử như thủ tục trình lên, trình xuống, báo cáo, phê duyệt khiến cho nhiều cơ hội đầu tư, nhiều hoạt động cấp bách bị trôi qua. Trong kinh doanh, thời gian là tiền bạc. Nhưng cơ chế “xin” khiến doanh nghiệp nhà nước khó lòng nắm bắt kịp cơ hội để làm ra tiền. Đơn cử, một dự án đầu tư như sắt Thạch Khê, đã rót cả 1.800 tỷ đồng, đến nay vẫn nằm chờ xin phép để được khai thác sau 10 năm tạm dừng triển khai. Một dự án nhiệt điện của EVN ở Quảng Bình vài năm nay không khởi công được vì chờ thủ tục, chờ sự đồng ý của các bộ ban ngành, địa phương.
Riêng trong vấn đề này, doanh nghiệp tư nhân có lợi hơn doanh nghiệp nhà nước nhiều.
Đó là chưa kể, ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh thuần túy, nhiều doanh nghiệp nhà nước phải “gánh” thêm nhiệm vụ chính trị, công ích. Sự lẫn lộn giữa nhiệm vụ kinh tế và chính trị khiến cho việc đánh giá hoạt động của khối doanh nghiệp này bị méo mó đi ít nhiều.
Điều quan trọng nhất, theo tôi, vì không phải tiền túi của họ nên những vị đại diện phần vốn nhà nước không có lý do gì để có trách nhiệm với nó, như các chủ sở hữu tư nhân. Có người sẵn sàng mua với giá cao nhất, bán với giá rẻ nhất, mà lý do chính là gì, chắc không cần phải nói ra chúng ta cũng hiểu. Đó là một thị trường cực kỳ méo mó, thiếu hiệu quả, thiếu cạnh tranh.
Doanh nghiệp tư nhân cần được đi đường lớn
Tôi rất thích quan điểm của một chuyên gia kinh tế, rằng doanh nghiệp tư nhân là ai nếu không phải là bố mẹ vợ con bạn bè của ta, rằng sao lại hạn chế họ, những đồng bào của mình, phát triển, giúp xây dựng đất nước này.
Đã nhiều lần, các văn kiện, chỉ thị,… của Đảng và Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp nhà nước “không phải cái gì cũng làm”, mà chỉ làm ở lĩnh vực thiết yếu, an ninh, quốc phòng; những lĩnh vực tư nhân không muốn/chưa làm được trong khi xã hội đang rất cần.
Nghị quyết số 12 ngày 03/6/2017 Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII về việc “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” cũng đã quán triệt tinh thần này. Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân cũng nhấn mạnh thêm đường lối phát triển kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, việc rút vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực tư nhân có thể đảm đương nổi là điều phải thúc đẩy, chứ không thể trì trệ, chậm chạp như thời gian qua.
Nhìn sự phát triển của khu vực tư nhân thời gian qua, hoàn toàn có thể khẳng định khu vực này có thể làm được và làm tốt hơn nhiều doanh nghiệp nhà nước trong cùng lĩnh vực.
Giờ đây, tư nhân đã tham gia làm đường cao tốc, kể cả sân bay với tiến độ và chất lượng được đánh giá cao. Chỉ cần có “độ mở” từ Nhà nước, tư nhân hoàn toàn làm được nhiều việc, giảm bớt đi phần doanh nghiệp nhà nước, hay Nhà nước phải “cáng đáng”.
Nhưng sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân cũng đặt ra nhiều vấn đề. Đó là những mối quan hệ thân hữu với người có chức quyền để thu được lợi ích. Nhiều đại án thời gian qua cho thấy, có sự thông đồng giữa lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân và quan chức tha hóa trong hệ thống để thu vén trục lợi trên nền tảng tài sản công.
Lương Bằng
BÀI LIÊN QUAN: 
ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM VỀ CHẶNG ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC

VŨ KHOAN/ viet-studies 26-10-2019


Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001 – 2005, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 với tầm nhìn tới năm 2045, đánh dấu 100 năm kể từ ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Công việc soạn thảo văn kiện đang được khẩn trương triển khai, Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã cho ý kiến lần đầu. Do tầm quan trọng như vậy của sự kiện, thiết nghĩ mỗi người Việt Nam chúng ta đều trăn trở về tương lai của đất nước, vận mệnh của dân tộc trên những chặng đường phía trước. Về phần mình tôi xin chia sẻ đôi điều suy ngẫm, chủ yếu liên quan tới triển vọng phát triển kinh tế - xã hội; còn các lĩnh vực khác, tuy liên quan mật thiết với kinh tế, song cá nhân tôi không có khả năng đề cập.
Trước hết, ta hãy phỏng đoán xem điều gì sẽ đón đợi chúng ta ở phía trước: những gì sẽ kế tiếp, những gì sẽ khác biệt trong sự phát triển của đất nước cũng như trong cục diện thế giới so với hơn 30 năm đổi mới vừa qua?
Liên quan tới tình hình trong nước,có thể khẳng định mạnh mẽ rằng, đất nước ta bước vào chặng đường mới với hành trang rất đáng tự hào. Riêng về kinh tế, thành tựu nổi bật là tốc độ tăng trưởng tương đối cao bất chấp những thách thức phát sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực bùng phát năm 1997, khủng hoảng toàn cầu nổ ra năm 2008 và những trắc trở gần đây trong nền kinh tế thế giới; từ vị trí là một quóc gia ở trình độ phát triển thấp, nay nước ta đã gia nhập hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình (tuy còn ở mức thấp); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tỷ trọng nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ gia tăng; các lĩnh vực xã hội có những bước tiến đáng kể; quan hệ kinh tế đối ngoại mở rộng chưa từng có; đời sống vật chất và tinh thần của  các tầng lớp dân cư được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng……
Tiếng vậy, khi bước vào chặng đường mới, nền kinh tế nước ta sẽ phải đèo bòng một số điểm yếu như chất lượng, hiệu quả và năng suất chưa cao; quá trình chuyển đổi mô hình phát triển chưa như mong muốn, nền công nghiệp mới ở mức gia công là chính; tình bền vững chưa đạt yêu cầu: mặc dầu tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể song khoàng cách giữa nhòm người giầu nhất và nhóm người nghèo nhất có phần roãng ra, môi trương sinh thái bị hủy hoại khá nghiêm trọng; “gien ngoại” chiếm tỷ trọng vượt trội quá mức; tình tạng tụt hậu so với các nước có trình độ phát triển cao trên thế giới và cà ở khu vực chưa thu hẹp được bao nhiêu.
Các động lực tăng trưởng tương đối cao trong thời kỳ trước sẽ có nhiều thay đổi.
Các nhân tố thúc đẩy tăng trường theo chiều rộng như nguồn nhân lực, tài nguyên, vốn đầu tư… sẽ không còn như trước. Lợi thế về lao động dồi dào và rẻ cũng như về tỷ lệ “dân số vàng” sẽ thuyền giảm, nguy cơ già hóa dận số cận kề, đòi hỏi về chất lượng lao động ngày càng cao trong khi tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tự động hóa, người máy, trí tuệ nhân tạo…sẽ tác động đáng kể tới cơ cấu lao động ở nước ta.
Về tài nguyên thiên nhiên, ngay từ bây giờ sản lượng than đá đã không đáp ứng nổi nhu cầu trong nước và phải nhập khẩu, trữ lượng và sản lượng dầu khí không phải là dư dật, ngay tài nguyên đất và nước cũng sẽ không còn sông xênh…Nước ta thuộc loại các quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của tinh trạng biến đổi khí hậu, đó là chưa kể chiều hướng dịch bệnh trên người và động vât gia tăng sẽ gây ra những hệ lụy chưa thể hình dung hết.
Về các nguồn vốn, một mặt sự phát triển kinh tế sẽ tạo ra “cái bánh” to hơn, tầng lớp trung lưu gia tăng sẽ kích thích tiêu dùng, mặt khác nhu cầu đầu tư cả cho các mục tiêu kinh tế, xã hội lẫn an ninh quôc phòng sẽ gia tăng đáng kể trong khi  ODA hầu như sẽ không còn vì theo thông lệ quôc tế, các nước có thu nhập trung bình không được coi là đối tượng hưởng thụ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trước mắt sẽ có thể gia tăng do tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam song cũng ẩn chứa không ít nhân tố bất trắc trong bối cảnh rối ren toàn cầu; trong những năm tới, nhiều khoản nợ sẽ tới hạn chi trả cả gốc lẫn lãi…
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế nhiều thành phần đã tạo sức bật mạnh mẽ cho sự tăng trưởng trong hơn ba mươi năm qua; nay mọi thành phần kinh tế đều đã hiện hữu, trong đó kinh tế tư nhân được coi là một “động lực” phát triển. Thực tế mới này càng đòi hỏi phải đổi mới đáng kể động lực phát triển.
Ba là, chính sách “mở cửa”, hội nhập quốc tế vốn là một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian qua. Với 16 thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do (FTA) đã ký và đang được đàm phán, bao phủ trên ½ dân số, sản lượng và thương mại toàn cầu, có thể nói nền kinh tế nước ta thuộc loại “mở” nhất thế giới. Sắp tới vấn đề không còn là mở rộng hơn nữa các thỏa thuận FTA mà là tận dụng tối đa những mối lợi từ các thỏa thuận đã có, đi đôi với việc thích nghi với những điều chình luật chơi dưới tác động của chủ nghĩa bảo hộ.
Rõ ràng môi trường bên ngoài sẽ diễn ra nhiều thay đổi sâu rộng, trên nhiều mặt mang tính bước ngoặt. Đây là câu chuyện lớn hết sức phức tạp đòi hỏi sự nghiên cứu, dự báo thấu đáo; ở đây chỉ xin lẩy ra đôi ba điều suy ngẫm
Ba thập kỷ qua, kinh tế thế giới vấp phải ba cuộc khủng hoảng bùng phát trong các năm 1986, 1997 và 2008. Tuy trong thập niên này chưa nổ ra khủng hoảng song vài ba năm gần đây tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm sút,quan hệ kinh tế quốc tế rối ren. Vậy trong chặng đường sắp tới có nổ ra một cuộc khủng hoảng kinh tế rộng lớn nữa không? Đó là vấn đề lớn đang được cả thế giới quan tâm theo dõi.
Thứ đến là câu chuyện xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư sẽ đi về đâu; trật tự kinh tế quốc tế sẽ thế nào khi chủ nghĩa bảo hộ đang dâng cao, cuộc chiến tranh thương mại chưa có hồi kết?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa tới những sự thay đổi sâu sắc cả về cơ cấu sản xuất, lao động, tiêu dùng, phân phối lưu thông lẫn lối sống, phương cách quản trị kinh doanh, quản lý nhà nước, giao dịch quốc tế, an ninh – quốc phòng…. Nó vừa mở ra cơ hội chưa từng có đối với sự phát triển, vừa gây ra nhiều thách thức mà loài người chưa từng vấp phải, từ đó sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới chiếu hướng phát triển của thế giới và cả nước ta trong những thập niên tới.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn không phải là điều gì mới mẻ mà nó đã diễn ra suốt hàng nghìn năm nay, liên quan tới sự thịnh – suy và tham vọng của họ. Chỉ có điều ngày nay và sắp tới sự cạnh tranh đó ngày càng gay gắt, toàn diện: cả về sức mạnh và ảnh hưởng chính trị - an ninh lẫn kinh tế, khoa học - công nghệ, trên mặt đất lẫn trên biển, trên không và cả trên vũ trụ, ở cả Bắc lẫn Nam cực, sử dụng cả “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm” và “sức mạnh sắc”! Nói một cách khác, trật tự chính trị quốc tế đang chuyển dịch mạnh mẽ, vị trí, vai trò của các quốc gia không còn như trước, sự cạnh tranh ấy diễn ra trong cả quan hệ song phương lẫn đa phương, sự tập hợp lực lượng đan xen phức tạp, mâu thuẫn bùng phát ngay giữa các nước đồng minh, nhiều luật chơi bị thay đổi hoặc thách thức, các lò lửa căng thẳng âm ỉ hoặc bùng phát ở khắp các châu lục…Cục diện này lúc căng lúc dịu, nơi căng nơi dịu; hy vọng rằng nó sẽ không đưa tới một cuộc chiến tranh hủy diệt toàn cầu!
Tất cả những biểu hiện trên về cả kinh tế lẫn chính trị - an ninh ít nhiều đều ảnh hưởng tới nước ta, cần được theo dõi hết sức chặt chẽ, kịp thới dự báo và có phản ứng chính sách thích hợp.
Liên quan tới mục tiêu trong 5 năm, 10 năm và 25 năm tới, nên chăng gắn với khẩu hiệu “dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Khẩu hiệu này bao quát mọi mặt của cuộc sống, phản ảnh khát vọng cơ bản và lâu dài của mọi người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước; có sức hấp dẫn rất cao đối với dư luân rộng rãi trên thế giới.
Năm nội hàm của mục tiêu cơ bản trên đều có thể định tính, định hình, thậm chí cả định lượng; ngay nội hàm “công bằng”, “văn minh” cũng có thể thể hiện bằng một số chỉ tiêu định lượng. Tuy không đơn giản song có lẽ nên cố gắng phân kỳ: 5 năm đạt tới đâu, 10 năm làm được gì, 25 năm vươn tới bậc thang nào?
 Nếu chiếu theo Cương lĩnh thì nên chăng tính đến việc hình dung xem 9 tiêu chí về xã hội XHCN mà chúng ta muốn xây dưng về đại thể sẽ đạt tới mức nào sau 100 năm lập quốc và  55 năm kể từ khi thông qua Cương lĩnh 1991.
Nhân nói về mục tiêu tôi muốn chia sẻ đôi ba suy ngẫm.
Một là, trong “gói” các chỉ tiêu, bên cạnh những chỉ triêu về “lượng”, rất cần nêu ra một số chỉ tiêu quan trọng về “chất” như năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển con người (HDI), tính bền vững, trong đó có chỉ tiểu  thu hẹp khoảng cách giầu nghèo (GINI), môi trường sinh thái…để phấn đấu và đánh giá.
Mặt khác, rất nên chọn một số chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu thế giới để theo dõi quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nước ta so với các nước khác.
Chỉ có điều trong một thế giới đầy biến động hiện nay, có lẽ không nên chốt cứng các chỉ tiêu mà nên coi chúng là mục tiêu phấn đầu và có thê cơ động linh hoạt điều chnh tùy theo diễn biến tình hình. Riêng chỉ tiêu phổ cập là mức thu nhập trung bình tính theo đầu người trong 5, 10, 25 năm tới sẽ rất khác so với hiện nay. Làm thế nào để có thể gia nhập nhóm nước OECD, đạt trình độ phát triển cao, có lẽ nên có sự nghiên cứu, đánh giá thật thấu đáo vì trong mấy thập kỷ qua rất ít nước đạt được muc tiêu này.
Khi xác định mục tiêu có một vấn đề đáng suy ngẫm; đó là mục tiêu “biến nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Tiếc rằng, mục tiêu này chưa trở thành hiện thực và Đại hội XII chỉ nêu chủ trương “sớm trở thành” nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nên chăng nên đi sâu đánh giá vì sao ý nguyện đó chưa thực hiện được? ngày nay trên thế giới thiên hạ tiếp cận thế nào về câu chuyện này, kể cả các tiêu chí đánh giá? Cá nhân tôi có cảm giác ngày nay đã có nhiều thay đổi so với những năm 60 - 70 thế kỷ trước khi vấn đề công nghiệp hóa được nêu cao với sự xuất hiện của một số nước công nghiệp mới (NIC). Vậy nay chúng ta nên tiếp cận thế nào? Có gì khác so với thời gian qua, chí ít là từ Đại hội VIII (1996) tới nay?
Về phương cách đi tới các mục tiêu mong muốn, thì cục diện mới ở trong và ngoài nước đều đỏi hỏi phải tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu từ chiều rộng sang chiều sâu là chính, tận dụng tối đa những cơ hội mới do cuộc CMCN 4.0 đem lại, bảo đảm tốt hơn nữa yêu cầu phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giầu – nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, gia tăng nội lực…
Những chủ trương này không có gì mới và đã được nêu ra trong các nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước song tiếc rằng, sự chuyển biến trên thực tế còn chưa đáp ứng lòng mong đợi. Tôi rất tâm đắc yêu cầu của TBT, CTN Nguyến Phú Trọng nêu trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 vưa rồi rằng, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết đã có, chỉ ra những nguyên nhân, từ đó xác định những gì cần kế thừa, những gì cần bổ sung, phát triển…
Về các khâu đột phá chiến lược, bên cạnh 3 khâu đã được nêu ra trước đây về “đổi mới thể chế”; ”đổi mới giáo dục, đào tạo” và “xây dựng kết cấu hạ tầng” nên chăng bổ sung thêm khâu “đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học – công nghệ”, một nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của nước ta trên các chặng đường sắp tới.
Thực ra, khoa học – kỹ thuật/công nghệ đã từng được coi là “then chốt”, là “quốc sách hàng đầu”, có thời “kinh tế tri thức” và phương châm “đi tắt đón đầu” đã được đề cao. Mặc dầu trong lĩnh vực này đã có những sự đổi mới và đã đạt được những thành tưu nhất định song xem ra chưa như kỳ vọng. Dường như sự đổi mới thể chế trong lĩnh vực khoa học – công nghệ chưa theo kịp sự đổi mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; hơi hướng cuả cơ chế tập trùng, bao cấp còn đọng lại khá nhiều; việc xử lý các mối quan hệ giữa các tiền đề cần thiết và kỳ vọng, giữa chủ trương chung và cơ chế chính sách cụ thể, giữa điểm và diện, giữa lượng và chất về nguồn nhân lực và bộ máy…chưa thật thỏa đáng.
Trong tình hình và yêu cầu mới, ngày 29/9/2019 BCT đã ban hành hẳn một Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.Chắc răng nội dung cơ bản của Nghị quyết sẽ được phản ánh trong các văn kiện Đại hội. Hy vọng rằng, Đại hội sẽ vạch rõ những biện pháp hữu hiệu mang tính đột phá để khắc phục những trở ngại đối với sự phát triển bứt phá về khoa học – công nghệ.
Còn đối với ba khâu đột phá khác đang được thực hiện, mong Đại hôi chỉ ra những việc trọng yếu đã nêu song chưa làm tốt và nhất là những nhiệm vụ mới do cuộc sống đặt ra.
Ví dụ đồi với khâu “đổi mới thể chế”, nên chăng không bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà nêu nhiệm vụ cụ thể hóa và thể thế hóa chủ trương bao trùm là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” – một chủ đề được thường xuyên bàn thảo suốt từ Đại hội VII (1991) tới nay song vẫn chưa có được nhận thức thống nhất. Về kinh tế - xã hội, các văn bản pháp quy hiện có đã bao quát hầu hết các lĩnh vực; trong thời gian tới đi đôi với việc mở rộng “độ bao phủ” đối với các lĩnh vực cũ hoặc mới phát sinh chưa được điều chỉnh, nên chăng chuyển trọng tâm sang “chiều sâu”, đồng bộ hóa các văn bản pháp quy đã có theo cả “chiều dọc” giữa luật – nghị định – thông tư cũng như “chiều ngang” giữa các văn bản pháp quy liên quan nhằm giải tỏa các điểm chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau. Điều này đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật, hạn chế tình trạng cài cắm lợi ích cục bộ của cơ quan soạn thảo, thậm chí “lợi ích nhóm”.
Ngày nay mọi thành phần kinh tế đều được khuyến khích làm ăn, trong nhiều trường hợp các thành phần hợp tác với nhau, tạo nên nền kinh tế “hỗn hợp”, khó bề phân biệt raqch ròi ai là “nền tảng”, ai là “chủ đạo”, ai là “động lực”. Do đó, việc “cởi trói”, “bung ra” không còn là động lực mạnh mẽ như trước, phải chăng việc tạo dựng sân chơi bình đẳng, tự do làm ăn trong mọi lĩnh vực luật pháp không cấm mới là điều doanh nghiệp mong muốn?
Về khâu đột phá liên quan tới lĩnh vực giáo dục – đào tạo có lẽ cần mở rộng thêm khái niệm. Bên cạnh việc đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới một cách cơ bản và toàn diện nền giáo dục mà hiện nay còn khá ngổn ngang bộn bề, công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế số đòi hỏi phải đào tạo và đào tạo lại mọi người, từ cán bộ tới dân thường. Làm sao “chính phủ điện tử” có thể vận hành thông suốt nếu tất cả cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, kể cả các chức danh lãnh đạo – quản lý không thông thạo công nghệ thông tin? Làm sao các “thành phố thông minh” có thể phát triển nếu mọi công dân không thành thạo công nghệ số?
Và nữa, để có thể cạnh tranh về chất lượng, năng suất với các quốc gia khác thì máy móc, thiết bị hiện đại và kiến thức, kỹ năng nguồn nhân lực mới chỉ là điều kiện “cần” song chưa “đủ” nếu không tạo dựng được “văn hóa làm việc” chỉnh chu, kỷ luật.
Đó là chưa kể ngày nay ai ai cũng lo ngại trước những biểu hiện đáng báo đọng về sự sa sút đạo đức, lối sống, nhiều giá trị quý báu trong bản sắc văn hóa dân tộc bị lãng quên. Kinh tế phát triển nhưng giá trị văn hóa bị hủy hoại thì lấy đâu ra “xã hội công bằng, văn minh”?
Thú thật cá nhân tôi chưa biết nên “đặt tên” cho khâu này ra sao, chỉ muốn mở rộng phạm vi để có thể bao quát mọi lĩnh vực “xây dựng con người” – một nhân tố mangtính quyết định đối với sự phát triển của đất nước.
 Đối với khâu phát triển kết cấu hạ tầng thì ngoài việc hoàn tất những dự án lớn về đường bộ, đường không đã có quyết định thì việc tái cấu trúc hệ thống giao thông,  nâng cao đáng kể ngành vận tải biển và dường sắt cũng như chuyển tải điện, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng mạng sẽ là những đòi hỏi không thể chậm trễ.
Sự phát triển của đất nước trên những chặng đường sắp tới đặt ra muôn vàn vấn đề rộng lớn, phức tạp. Với lượng thông tin và kiến thức hết sức hạn chế, với tư cách là một đảng viên và công dân bình thường, tôi xin mạnh dạn chia sẻ một số suy ngẫm riêng tư với hy vọng các cơ quan soạn thảo văn kiện tìm ra được đôi ba điều hữu ích./.

 Lên trang viet-studies ngày 26-10-19       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét