Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

20191027. BÀN VỀ KHẨU HIỆU 'NHÀ NƯỚC CỦA DÂN'

ĐIỂM BÁO MẠNG

'NHÀ NƯỚC CỦA DÂN' KHÔNG PHẢI BẰNG KHẨU HIỆU SUÔNG

NHỊ LÊ/ TVN 23-10-2019

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực thực hiện những quyết sách chính trị của Đại hội XII của Đảng - Đại hội tổng kết 30 năm đổi mới đất nước, 25 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó là quyết sách chính trị chiến lược của Đảng đối với đất nước, với dân tộc trong tầm nhìn 2030.
Chuẩn bị khép lại năm 2019, trước thềm Đại hội XIII của Đảng:
Hơn hết lúc nào, chúng ta cần kiên định và lan tỏa hai chữ: Bất biến!
Kiên định và hiện thực hóa độc lập, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nguồn gốc và bài học lịch sử vô giá của Đảng ta.
Đó cũng là lẽ sống còn, là quyết tâm chính trị không gì lay chuyển của Đảng ta; là nhân tố căn bản của bản lĩnh Việt Nam, của nền văn hóa vì sự phát triển bền vững và nhân văn của dân tộc ta, đồng hành cùng nhân loại, trong thời đại ngày nay.
'Nhà nước của dân' không phải bằng khẩu hiệu suông
Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành TƯ Đảng khoá 12. Ảnh: TTXVN 
Chúng ta phải nắm chặt lấy phương pháp luận cách mạng và khoa học, để xác lập tầm nhìn chính trị chiến lược, định vị chiến lược quốc gia, xử lý những thách thức đặt ra trước cách mạng, với phương châm “Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế” (Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ), như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, phải chủ động bác bỏ những luận điệu và thủ đoạn làm vấy bẩn, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng và cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là con đường phát triển tất yếu bất biến của chúng ta.
Để đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp, theo hướng hiện đại, chúng ta phải không ngừng thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết phải lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy tốt nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển lực lượng sản xuất xã hội không chỉ về quy mô, tốc độ mà cả chiều sâu của nó.
Đồng thời, phải chủ động xây dựng một quan hệ sản xuất phù hợp với nó, trọng tâm là thể chế quản lý, cơ chế vận hành nền kinh tế phù hợp, đủ mạnh và có hiệu quả theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ động và tích cực thực hiện hiệu quả hơn nữa tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế làm động lực, để tăng cường sức mạnh và tổng thể động lực phát triển đất nước.
Hơn hết lúc nào, chúng ta cần kiên định một chữ: Đồng!
Trong một thế giới biến động đến khôn lường, với nhiều thách thức to lớn hơn bao giờ hết, truyền thống 89 năm oanh liệt của Đảng phải được không ngừng nâng niu, bảo vệ và phát huy cao độ, nhằm tranh thủ thời cơ, vượt qua nguy cơ, nhân lên thành sức mạnh to lớn và mạnh mẽ trên hành trình đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Đó là trọng trách mà lịch sử giao phó cho Đảng ta, cho toàn thể dân tộc ta, là khát vọng của hơn 96 triệu đồng bào Việt Nam dù ở trong nước hay sinh sống ở nước ngoài, không phân biệt giới tính, giai cấp, tôn giáo, dân tộc...       
Hơn hết lúc nào, chúng ta cần phát huy một chữ: Trí!
Trong bối cảnh mới của thế kỷ XXI, nhằm bảo đảm sự ổn định, phát triển và tiến bộ của đất nước, chúng ta phải xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa song hành với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và con người Việt Nam ngang tầm công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, hướng tới xây dựng và phát triển một nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ngang tầm thời đại. Đây là một nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Và, chưa bao giờ như hôm nay, chúng ta cũng đang sống trong không gian lịch sử của một “thế giới phẳng” và không phẳng. Do đó, sự an nguy dân tộc, lẽ hưng vong đất nước chỉ trong khoảng trở một bàn tay, nên càng phải thận trọng trong mỗi quyết định, tỉnh táo và linh hoạt trên từng chặng đường và mỗi bước đi lên.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần nắm chắc một chữ: Nhân!
Chế độ ta là chế độ do nhân dân lao động nước ta làm chủ, dưới ngọn cờ của Đảng. Theo đó, phải tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trước mắt, chúng ta tiếp tục cải cách toàn diện nền hành chính quốc gia; xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là “công bộc” của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi: hoàn thiện nền pháp chế xã hội chủ nghĩa; không ngừng nâng cao trình độ quản lý mọi mặt từ kinh tế, chính trị, tới văn hóa, tư tưởng và đạo đức... Pháp luật phải thực sự giữ vị trí thượng tôn! Nhà nước chúng ta phải thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và phải dựa vào nhân dân bằng pháp lý, bằng cơ chế, trên nền đạo lý, chứ không phải bằng khẩu hiệu suông.
Bởi lẽ, có nhân dân là chúng ta có tất cả. Cũng bởi lẽ, “Đảng ta là đứa con nòi của nhân dân...”, “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, trọn vẹn “phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Đồng bào ta luôn ghi nhớ lời Người, với tinh thần chở che, bằng tấm lòng khoan hậu bảo vệ Đảng như buổi Đảng mới ra đời, mong cho Đảng xứng đáng hơn với niềm tin của nhân dân, của dân tộc, của Người và sự yêu mến của bè bạn khắp năm châu!
Hơn hết lúc nào, chúng ta cần gìn giữ và tỏa rộng một chữ: Dũng!
Trong bối cảnh mới, trước yêu cầu phát triển mới của cách mạng, Đảng phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, sâu sắc và hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm cho Đảng ta thực sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức với một đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức tốt, liên hệ và gắn bó mật thiết với nhân dân; đồng thời phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Phải tiếp tục xây dựng, gìn giữ và phát huy bầu không khí dân chủ và đoàn kết thống nhất trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, trên nền tảng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Từ các cấp uỷ tới mỗi đảng viên phải xem việc giữ gìn và phát huy dân chủ, tăng cường khối đoàn kết thống nhất của Đảng là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý, là lương tâm và đạo lý sống, là một trong những thước đo căn bản phẩm chất chính trị, đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, sự trong sạch, vững mạnh của mỗi tổ chức đảng.
Tiếp tục xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là một trong những vấn đề quyết định sự thành bại vị trí, vai trò và trách nhiệm lịch sử cầm quyền của Đảng. Đó là trọng trách của Đảng ta trong thế kỷ XXI.
Muốn làm tốt nhiệm vụ đó đòi hỏi các tổ chức đảng thực thi thường xuyên, toàn diện việc lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Bảo đảm đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành có đủ năng lực, phẩm chất, sự tín nhiệm của quần chúng và có sự kế tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ của Đảng.
Đồng thời, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, trung tâm là nâng cao quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao đạo đức cách mạng hết lòng phục vụ Tổ quốc, hết lòng phụng sự nhân dân của cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh, ngăn chăn và loại bỏ những “cục bướu”, “khối u ác tính” trong Đảng và bộ máy nhà nước: tệ tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm, nhóm lợi ích, sự suy thoái tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức...
Phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền và phong cách công tác của mỗi cán bộ, đảng viên. Định vị rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng và mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức của hệ thống chính trị các cấp là điều căn bản. Phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành vô điều kiện kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phải lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết tường tận, cụ thể những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; ngăn chặn và trừng trị những gì làm tổn hại tới Đảng và nhân dân...
Đồng thời không ngừng đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, của nhân dân. Đây là nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng, là một nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng Đảng bởi không kiểm tra, giám sát thì coi như không lãnh đạo.
Hơn hết lúc nào, chúng ta cần làm rạng rỡ hơn hai chữ: Hòa mục!   
Đảng và nhân dân ta với tinh thần cầu thị, học tập, chủ động tiếp thu, thâu hóa những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu trí tuệ cho mình, thủy chung với bạn bè, thực thi những trọng trách mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhịp bước cùng thời đại.
Đồng thời, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế cùng các quốc gia dân tộc xây dựng một thế giới hòa bình, văn minh và tiến bộ không ngừng. Đó chính là bài học kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nhị Lê

TS  VŨ NGỌC HOÀNG: DÂN CHỦ HOÁ ĐỂ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, ĐẤT NƯỚC TRƯỜNG TỒN

THUỴ MY/ RFI/ BVN 26-10-2019

media
Giàn khoan JDC Hakuryu-5 và tàu hộ vệ ở ngoài khơi Vũng Tàu. Suốt ba tháng qua, các tàu Trung Quốc liên tục quấy phá hoạt động giàn khoan này tại bãi Tư Chính. Ảnh tư liệu chụp ngày 29/04/2019.REUTERS/Maxim Shemetov/File Photo
Chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 từ mấy tháng nay vẫn ngang dọc trên bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hôm qua 24/10/2019 đã tạm rời đi, nhưng mối đe dọa xâm lấn Biển Đông vẫn luôn đè nặng.
Vừa qua Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 11, nguyên Phó ban Khoa giáo Trung ương, đã có hai bài viết đầy tâm huyết về tình hình Biển Đông, gây tác động rộng rãi, đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng. RFI hân hạnh được trao đổi với ông Vũ Ngọc Hoàng về vấn đề này.
Kính chào tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, trước hết xin rất cảm ơn ông đã vui lòng dành thì giờ cho thính giả RFI hôm nay. Thưa ông, trong bài viết ông đã phản bác lý lẽ nếu kiện Trung Quốc sẽ tạo cớ cho Bắc Kinh gây chiến với Việt Nam…
http://scd.vi.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_43_large/sites/images.rfi.fr/files/aefimagesnew/aef_image/vungochoang_01.jpg
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Photo courtesy of Thanh Nien)Thanh Niên
Trước đây trong bài viết đầu tiên tôi cũng đã nói về việc này. Quan điểm của tôi là phải kiện, nhưng cũng có những ý kiến khác. Người ta bảo mình và Trung Quốc đang «hữu nghị» với nhau, kiện là tạo cớ cho Trung Quốc lấn tới. Nhưng tôi phản bác, bây giờ họ chẳng cần hữu nghị gì cả, họ cứ đến lấn chiếm biển rồi xâm phạm liên tục như thế, còn mình cứ lệ thuộc vào «tình hữu nghị», không dám kiện người ta.
Mình càng nhân nhượng họ càng lấn tới! Có thể có những lúc nhân nhượng với nhau việc này việc khác, nhưng không thể vi phạm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền. Và việc nhân nhượng cũng phải dựa trên tình hữu nghị thực lòng, chứ không theo cái kiểu để cho một bên cứ lấn tới thì không được. Tôi không đồng ý với quan điểm đó và đã có nêu trong bài viết.
Thưa ông, có nghĩa đây là quyền tự vệ chính đáng của Việt Nam…
Đúng thế, quyền tự vệ chính đáng, chứ đâu ai muốn kiện ai làm gì. Tự vệ thì phải dựa vào luật pháp quốc tế, vào dư luận của cộng đồng quốc tế, có người làm trọng tài một cách khách quan… Chứ chỉ còn giữa hai bên Việt Nam và Trung Quốc với nhau thì không xong.
Họ thì muốn song phương, không muốn đa phương. Nhưng thực tế đã chứng minh là song phương không giải quyết được, mà Trung Quốc thì cứ cưỡng ép. Thế nên phải quốc tế hóa, phải đa phương, chứ song phương không giải quyết được gì.
Nhưng nhiều người lo ngại về hệ quả của việc kiện trong khi Việt Nam đang lệ thuộc Trung Quốc về nhiều mặt?
Tôi nghĩ thế này. Trong quá trình quan hệ, có những mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau, có chuyện đó thật. Nhưng về cơ bản đến nay Việt Nam vẫn là một quốc gia độc lập có chủ quyền, chứ không phải là một thuộc quốc của Trung Quốc. Việt Nam có tự do độc lập của Việt Nam, nên có quyền kiện Trung Quốc chứ.
Thưa ông có ý kiến cho là Philippines đã kiện và đã thắng Trung Quốc, nhưng rốt cuộc Bắc Kinh đâu có chấp hành cho nên đi kiện làm gì, ông nghĩ thế nào?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất của việc kiện là làm cho rõ chân lý, đúng sai thuộc về bên nào, để làm cơ sở cho những cuộc đấu tranh tiếp theo. Trung Quốc cố tình không chấp nhận kết quả xử kiện, đó là việc của họ. Nhưng dư luận thế giới tiến bộ, dư luận loài người sẽ đứng về bên ứng xử có văn hóa, chứ không về phía liều lĩnh, bất chấp, ngang tàng… Đừng nghĩ rằng tòa xử cho thắng, sau đó Trung Quốc chấp hành hết, không có ý kiến gì, chuyện đó không thể có. Chúng ta đã quá biết bản chất của Trung Quốc rồi !
Tôi nghĩ là kiện sớm thì tốt hơn, càng sớm càng tốt, nhưng bây giờ vẫn chưa muộn. Đừng nghĩ là đã trễ nên không đặt vấn đề kiện nữa
Ông có thấy là báo chí và chính quyền Việt Nam rất ít nói về tình hình bãi Tư Chính, người dân Việt Nam không được thông tin về chủ quyền đất nước?
Tôi thấy gần đây báo chính thống đã bắt đầu nói, và thỉnh thoảng Bộ Ngoại giao lên tiếng. Theo quan điểm của tôi, đáng lý báo chí Việt Nam phải đưa tin nhiều hơn, đầy đủ và kịp thời, liên tục hơn. Vừa rồi thì báo chí Việt Nam cũng khá dè dặt. Cho đến bây giờ nhờ các kênh khác, thông tin trên mạng cộng với báo chính thống nên nhân dân Việt Nam cũng hiểu nhiều về tình hình đấy.
Nhưng trên mặt trận tuyên truyền hình như Trung Quốc đang chiếm ưu thế?
Đúng là Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền, không phải mới gần đây mà nhiều năm nay họ đã nói về đường lưỡi bò, nói rằng Biển Đông là của họ… Bây giờ trên thực địa họ đưa tàu thăm dò đến, neo đậu ở đó. Trung Quốc tuyên truyền nhiều hơn Việt Nam.
Có người cho rằng điều quan trọng là lẽ phải thuộc về ta, nhưng tư duy đó không đúng. Cần phải nói cho mọi người hiểu, và cần phải nói nhiều hơn nữa cho rõ thông tin, để cộng đồng, để người dân trong nước, kể cả nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới biết. Nhân dân Trung Quốc nhiều người hiểu không đúng bởi vì lâu nay Bắc Kinh tuyên truyền một chiều. Thế nên tuyên truyền cho họ là điều rất cần. Tôi tiếc là các cơ quan chức năng, báo chí chưa làm thật tốt việc này.
Lúc trước trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 Việt Nam lại tuyên truyền rất tốt, có các cơ quan báo chí quốc tế trong đó có báo chí Pháp đến tận nơi chứng kiến, còn lần này thì không thấy có động tĩnh gì.
Tôi không biết vì sao bây giờ lại không mời báo chí nước ngoài, tôi cũng không rõ lý do. Chứ còn quan điểm của tôi là ngửa bài hết cho báo chí biết càng rộng rãi càng tốt thái độ và hành vi của Trung Quốc. Không việc gì mà phải hạn chế thông tin. Và tôi nghĩ chắc cũng có lý do khách quan nào đó.
Giờ đây Trung Quốc có vẻ lại càng ngang ngược hơn trước. Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Bắc Kinh lại nói rằng thuộc chủ quyền của họ, và mới đây tại diễn đàn Hương Sơn còn tuyên bố là «lãnh thổ cố hữu» của Trung Quốc, «của tổ tiên để lại, không thể để mất một tấc»…
Rất là ngạo mạn, ngang ngược, họ nói không biết ngượng! Những người tự trọng không thể nói như thế được. Trước đây thì ít hơn, bây giờ ngay bãi Tư Chính họ cũng nói là của họ. Tất tần tật Biển Đông là của họ hết, và họ bảo Việt Nam là xâm phạm! Vu cáo Việt Nam như thế mà họ nói một cách tự nhiên được. Tôi coi đó cũng là vấn đề văn hóa.
Thưa ông phải chăng như vậy họ đã quyết liệt hành động, vì họ cảm thấy Việt Nam có vẻ nhu nhược?
Họ quyết liệt, họ thô bạo, liều lĩnh và vô văn hóa. Họ nghĩ rằng như thế là thắng, nhưng tư duy của họ đã sai về chiến lược rồi! Lịch sử nhân loại không thể được dẫn dắt bởi sự hung bạo. Tư duy họ sai, nhưng vì có sức mạnh nên họ cứ làm càn.
Trong tình trạng mạnh được yếu thua như thế này, Việt Nam có vẻ quá cô đơn trong việc bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông?
Cho nên tôi mới đề nghị là phải kiện, phải có liên minh và hợp tác với các nước, với những nước tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Cần phải kiện, phải đưa ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cần phải làm cho cả thế giới biết chính nghĩa thuộc về đâu, kể cả liên minh để khai thác và bảo vệ vùng biển.
Dạ, nhưng người ta vẫn sợ nếu liên minh với một nước nào khác, đặc biệt là Mỹ chẳng hạn, thì Trung Quốc có thể lấy cớ đó để tấn công Việt Nam…
Tôi nghĩ không phải cứ có liên minh thì họ tấn công. Và thật ra liên minh kinh tế có thể tiến hành bất kỳ lúc nào, còn liên minh chiến đấu thì chỉ khi nào có xung đột mới xảy ra. Việc xung đột thì đó là Trung Quốc chủ động mà? Họ muốn dùng sức mạnh quân sự để chiếm biển, còn Việt Nam là tự vệ, chứ không phải do Việt Nam gây ra. Có điều rất vô lý là khi tự vệ chính đáng thì lại bảo là «do anh tạo cớ nên tôi phải tấn công anh». Tự vệ sao lại là tạo cớ? Đó là một lý lẽ chẳng khoa học gì cả.
Trong Đảng Cộng sản Việt Nam liệu có còn tư tưởng Trung Quốc dù sao cũng là nước xã hội chủ nghĩa, trong khi Mỹ là kẻ thù cũ?
Tôi nghĩ rằng cách suy nghĩ đó bây giờ cơ bản hết rồi, nếu có thì cũng cá biệt, ít thôi, chứ mọi người đã hiểu rồi. Mỹ thì đã là đối tác lâu nay. Chiến tranh giữa Việt Nam với Mỹ xảy ra cách đây đã nửa thế kỷ rồi, và còn cũ hơn cuộc chiến tranh với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới còn mới hơn, và sau đó còn kéo dài mười năm nữa.
Với Mỹ thì lâu nay đã gọi nhau là đối tác toàn diện rồi. Từ ngày thiết lập đối tác toàn diện đến nay thì chúng tôi thấy là Mỹ cũng đàng hoàng, và quan hệ ngày càng tốt lên – tới giờ này tôi có nhận xét như vậy.
Như vậy chính Trung Quốc bằng sự hung hăng của mình đã đẩy Việt Nam về phía khác?
Đúng rồi, chính Trung Quốc chứ không ai khác đã đẩy cho Việt Nam xa ra. Họ vừa đẩy Việt Nam ra vì muốn chiếm biển, nhưng họ cũng không muốn xa hẳn mà vẫn trong tầm tay của họ. Tuy nhiên anh không thể muốn đủ thứ như vậy được, rất vô lý.
Tóm lại theo ông hiện tại Việt Nam cần phải làm những gì?
Trong bài viết tôi cũng đã nói. Thứ nhất, Việt Nam phải tiếp tục thông tin cho nhân dân trong nước, nhân dân Trung Quốc và thế giới hiểu rõ. Thứ hai là đưa ra Hội Đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận, rồi kiện lên các tòa án trọng tài quốc tế. Đó là những công việc phải làm trước mắt.
Bên cạnh đó Việt Nam còn phải dân chủ hóa nữa phải không ạ?
À, phải nói như thế này. Dân chủ hóa là vấn đề chiến lược rất quan trọng, tôi cho đó là một trong những vấn đề cốt lõi mà đất nước Việt Nam phải quan tâm.
Từ ngày thành lập nước năm 1945 đã nêu ra khẩu hiệu, hồi đó đã đặt tên nước với từ «dân chủ» rồi mà. «Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa », mục tiêu đã được đưa ra sớm như vậy. Từ đó đến nay trên thực tế cũng có những bước tiến đáng ghi nhận, chứ không phải là không có tiến bộ gì.
Nhưng vẫn chưa xong, còn phải tiếp tục dân chủ hóa. Và chỉ có dân chủ mới tập hợp được cả dân tộc này để bảo vệ Tổ quốc và phát triển quốc gia. Dân chủ quan trọng như vậy đó, vừa là bản chất của một chế độ tốt đẹp, vừa là sức mạnh của dân tộc để giữ nước được trường tồn, vừa để phát triển tiến lên.
Muốn xây dựng xã hội tốt đẹp cũng là do nhân dân xây, và xây cho nhân dân, cho nên dân chủ là vấn đề của hiện tại và của tương lai. Đừng nghĩ chỉ giải quyết mấy bữa, mấy năm là xong. Không, đó là một câu chuyện dài và phải phấn đấu liên tục, tích cực để đạt được mục tiêu dân chủ.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Khoa giáo Trung ương, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
T.M.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét