Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

20191026. QUANH CHUYỆN QUỐC HỘI BÀN VỀ NHÂN TÀI

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÀN VỀ NHÂN TÀI

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 26-10-2019

Quốc hội hết việc rồi hay sao? đó là đầu đề bài báo của Nguyễn Như Phong (Báo Tiếng Dân, ngày 25/10/2019). Bài báo viết: “Có lẽ Quốc hội không còn việc gì để làm nữa hay sao mà lại định bàn thảo, đưa ra “tiêu chí” về “thế nào là người Tài”.
Phê phán QH là đúng, nhưng việc này có liên quan đến Quy hoạch cán bộ của ĐCS và chiến lược quốc gia về thu hút trọng dụng nhân tài” (gọi tắt là “Chiến lược nhân tài”).
Ngày 5/6/2019, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 470/QĐ-BNV 2019 về “Chiến lược nhân tài”
Ngày 17/7- tổ chức Hội thảo khoa học về “Chiến lươc nhân tài”, công bố thành lập Ban chỉ đạo, gồm 12 thành viên do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân làm trưởng ban. Dự kiến tháng 10/2019 sẽ trình dự thảo lên Thủ tướng. Kế hoạch thực hiện từ năm 2020 đến 2025.
Tôi theo dõi hội thảo và cuộc thảo luận tại QH qua VTV, ghi nhận ý kiến các vị như Lê Vĩnh Tân, Nguyễn Trọng Thừa, Lê Minh Hương, Dương Quang Tung, Phạm Hồng Thái, Lê Minh Thông, Tăng Thị Ngọc Mai, Tô Văn Tám, Nguyễn Quang Tuấn, trong đó ý kiến có vẻ được nhiều người tán đồng là “Ở VN không có người tài vì không có môi trường phát triển tài năng”. Ý kiến này không sai, nhưng chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ, nhận thức như vậy dễ dẫn đến lệch lạc
Người tài trước hết phải được cha mẹ sinh ra nhờ hấp thụ khí thiêng sông núi và được di truyền, đó là phần Tiên Thiên, rồi phải gặp được môi trường phù hợp để phát triển, đó là phần Hậu Thiên. Trong phần Hậu Thiên có giáo dục gia đình và nhà trường, có môi trường xã hội và chính trị, có điều kiện về kinh tế, khoa học v.v… Có người tài là một chuyện, có dùng được người tài hay không lại là chuyện khác, nó phụ thuộc vào tiêu chuẩn, cách tuyển dụng và cách đối xử. Người tài có phát huy được năng lực hay không lại là chuyện khác nữa.
Phải chăng trong nhân dân Việt Nam không có nhân tài. Không phải! Không những có mà có nhiều, nhưng phần lớn trẻ em tài năng đã bị nền giáo dục làm cho trí tuệ bị méo mó, lệch lạch, khả năng sáng tạo bị thui chột, người lớn tài năng chân chính đã bị quy hoạch của Đảng loại bỏ ngay từ vòng đầu tiên. Họ bị loại vì không đạt được tiêu chuẩn cơ bản nhất của Đảng là “Tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác Lê”. Một số ra nước ngoài, số khác bị bắt nhốt vào tù hoặc bị trừ khử, số nữa bị quy là thế lực thù địch, là phần tử “Tự diễn biến”, bị chống đối kịch liệt. Riêng những người có bằng cấp cao, có kiến thức sâu rộng, nhưng bưng tai, bịt mắt, ngậm miệng, buông tay trước thế sự thì cũng chưa phải là nhân tài chân chính.
Dân tộc Việt hiện nay, tuy lâm vào môi trường xã hội và chính trị khá bất lợi, tinh hoa bị hủy hoại, nhân tài chân chính bị vùi dập, nhưng khí thiêng sông núi vẫn còn, di truyền tốt vẫn còn, vì vậy nhân tài vẫn tiếp tục được sinh ra, vấn đề là làm sao thay đổi được môi trường để nhân tài phát triển mà không bị hủy hoại
Đảng CS và Nhà nước VN, về hình thức rất quan tâm đến đào tạo nhân tài, nhưng vì sai lầm về đường lối, vì lãnh đạo kém trí tuệ nên chủ yếu đào tạo được một số người có bằng cấp, nhưng hữu danh vô thực.
Về nhân tài TS Phan Hồng Giang có bài “Đừng để tiểu nhân trà trộn hãm hại người tài” (GD 30-7-19). Khổ thay cho Nhà nước VN, không phải tiểu nhân trà trộn mà là giữ địa vị then chốt, quyết định. Về hình thức người ta ra nghị quyết, lập chiến lược tìm người tài để sử dụng, nhưng trong thực tế, khi phát hiện được người có thực tài thì họ tìm cách khuất phục, bắt quỳ gối khom lưng, cúi đầu, nếu không khuất phục được thì tìm cách vô hiệu hóa. Một trong những tội ác của đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản là loại bỏ, hủy diệt tầng lớp tinh hoa của dân tộc. Tầng lớp đó phản biện sự độc tài toàn trị chuyên chính vô sản.
Quốc hội hết việc rồi hay sao mà lại đem thảo luận tiêu chí và thế nào là người tài. Mà lại toàn đưa ra các ý kiến vụn vặt. Khi chưa cải cách thể chế chính trị để dân chủ hóa đất nước, khi vẫn cố níu giữ độc quyền đảng trị thì không có cách nào dùng được người thật sự tài năng trong hệ thống công quyền. Hội thảo của Bộ Nội vụ hoặc tranh luận ở Quốc hội chỉ tốn công vô ích theo kiểu “con kiến mà leo cành đa”.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Phụ lục:

Quốc hội hết việc rồi hay sao?

Nguyễn Như Phong
Tôi thấy tại kỳ họp lần này, một số đại biểu tranh luận về ” thế nào là người tài” và thực sự ngạc nhiên, và nghĩ: Có lẽ Quốc hội không còn việc gì để làm nữa hay sao mà lại định bàn thảo, đưa ra ” tiêu chí” về “thế nào là người Tài”.
Lạ thật, từ xửa từ xưa, khái niệm người tài, thì ai cũng hiểu đó là người có trí tuệ, có những phẩm chất mà người thường không có… Và nôm na đó là người: Làm giỏi công việc của mình và có sự sáng tạo…
Còn muốn biết người đó có tài hay bất tài, hay bình thường, thì chỉ có người lãnh đạo có Tài, có Đức mới cảm nhận được, phát hiện được, và muốn có người Tài thì cũng phải có cách chăm bón, rèn rũa và quan trọng hơn cả là: Phải tạo điều kiện cho người Tài phát triển.
Có một thực tế là hiện nay, với các cơ quan Nhà nước, Doanh nghiệp Nhà nước… Người Tài không có đất “dụng võ”, không được tạo điều kiện phát triển, bởi lẽ: Chúng ta đang làm công tác cán bộ theo…” quy trình”. Cái gì cũng phải đúng quy trình, đúng quy hoạch… tài ở đâu không biết, nhưng nếu không đúng quy trình thì “hãy đợi đấy”. Một vấn đề nữa là chúng ta đang thực hiện nguyên tắc “lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách”. Chính nguyên tắc này đã “góp phần” quan trọng vào triệt tiêu óc sáng tạo, tư duy độc đáo cũng những người Tài.
Khi thành công thì đó là “trí tuệ tập thể”, còn khi thất bại, thì chả mấy khi Tập thể chịu trách nhiệm, mà lúc đó cá nhân giơ đầu chịu báng.
Khoảng 5 năm trở lại đây, câu khẩu hiệu “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” đã biến mất trong hệ thống chính quyền và doanh nghiệp Nhà nước. Và hiện nay, có câu rất hay: “Không làm lãnh đạo không chết. Nhưng không có quyền công dân là… chết!”, cho nên, chẳng việc gì phải hăng hái? Bởi lẽ, làm mười việc, đúng 9 thì được tờ giấy khen A4, còn sai một tý là coi như… đứt! Cho nên “an toàn là…bạn!”.
Cũng tại kỳ họp này, đã có những ý kiến là phải “cắt lương hưu”; phải cắt chữ ” nguyên…” với những cán bộ bị kỷ luật.
Tôi thấy hình như những người nêu ra ý kiến này, hoặc là dốt nát về luật pháp, hoặc là cay cú, hằn học với những người bị kỷ luật, bị xử lý hình sự…
Còn thưa các vị! Khi các vị đang ngồi ghế “nghị sĩ”, các vị nói như Thánh, giọng điệu cao đạo, dạy dỗ… Nhưng ai dám đảm bảo rằng, ngày mai, ngày kia, không có vị lại phải đến cơ quan điều tra, khai “Tên tôi là…”
Cho nên “Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ! Các đồng chí nên bớt mồm đi… Hãy tự đốt đuốc mà soi chân mình trước đã”
N.N.P.

QUỐC HỘI VIỆT NAM ĐANG BỊ CHO LÀ ĐANG BÀN NHỮNG CHUYỆN 'MÂY GIÓ'
BBC 25-10-2019
Đại biểu Quốc hội VN thảo luận tại hội trường sáng 24/10.

"Đừng mây gió nữa" là nhận xét của Facebooker Tinh Vuong Xuan khi nói về những thảo luận trên diễn đàn quốc hội hôm qua.
Ý kiến này cho rằng thay vì thảo luận về những chuyện thiết thực và hiệu quả thì các đại biểu lại dành thời gian để thảo luận những chuyện như cắt lương hưu với những người bị xóa tư cách chức vụ hay định nghĩa thế nào là người tài.

Cắt lương hưu không hợp lý

Chuyện cắt lương hưu những người bị xóa tư cách chức vụ được đưa ra bàn thảo vào hôm qua, 24/10, khi quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.
Dự thảo này bổ sung nguyên tắc, gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng. Theo đó, với từng hình thức xử lý kỷ luật "cảnh cáo", "khiển trách", "xóa tư cách" thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, ví dụ cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng.
Nhưng như thế nào là tư cách chức vụ, một khái niệm khá mơ hồ và theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đại biểu tỉnh Lâm Đồng) thì trong văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có văn bản nào dùng khái niệm là 'tư cách chức vụ.'
Mà tư cách chức vụ nào bởi thời gian qua, có những trường hợp vi phạm ở giai đoạn họ giữ chức vụ cuối cùng của quá trình làm việc trước khi nghỉ hưu.
Chẳng hạn, ông Vũ Huy Hoàng (bị đảng CSVN cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, cuối cùng Thủ tướng quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 -2016); ông Lê Phước Thanh (bị đảng cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam giai đoạn 2010-2015).
Như trường hợp Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, vừa bị Bộ Chính trị của Đảng CSVN quyết định kỷ luật bằng hình thức cách các chức vụ trong Đảng gồm: Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 2005-2010, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010. Đây đều không phải là chức vụ cuối cùng của ông Hiến trước khi nghỉ hưu, vậy thì xử lý kỷ luật sẽ như thế nào?
Đáng chú ý‎, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị rằng, với các cán bộ đã nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật, cần có thêm hình thức kỷ luật là giảm, truất lương hưu vĩnh viễn, kèm theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng, theo báo Lao động.
Đề xuất cắt lương hưu với cán bộ có sai phạm đã tạo ra một cuộc tranh luận trong dư luận, nhất là trên mạng xã hội.
Bởi thực ra, Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) là quỹ độc lập với ngân sách nhà nước, do người lao động đóng góp. Tiền lương hưu là khoản mà người lao động đã đóng góp khi họ đi làm vào quỹ hưu bổng. Bây giờ, khi về hưu, quỹ BHXH sẽ trả lại khoản tiền đó, để họ bảo đảm cuộc sống.
Ngay cả với những người có sai phạm dẫn đến phải chấp hành án phạt tù, họ vẫn có quyền nhận lương hưu vì Luật BHXH năm 2014 không quy định cắt hay tạm dừng lương hưu của người đang chấp hành án tù, theo phân tích của luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật Hừng Đông, đoàn Luật sư TP Hà Nội, trên tờ Infonet.
Bởi vậy, điều dễ hiểu là đề xuất cắt lương hưu như một hệ quả kèm theo của các hình thức xử lý kỷ luật 'cảnh cáo,' 'khiển trách,' 'xóa tư cách' đã nhận được nhiều ‎chỉ trích.
Nhà báo Ngọc Vinh viết trên facebook:
"Lương hưu là tiền của chính đương sự đóng cho BHXH khi còn làm việc cùng một phần hỗ trợ bắt buộc từ đơn vị sử dụng đương sự. Cơ quan BHXH được giao trách nhiệm giữ dùm và trả lại cho đương sự khi nghỉ hưu theo tỷ lệ % đã được quy định bởi luật lao động. Tiền hưu đó ko phải của đảng hay của nhà nước mà là của cá nhân đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có. Đương sự có tội thì cứ trị, còn lương hưu của người ta thì bất khả cắt giảm. Cái gì ra cái đó, hiểu chưa đồ ngu? Lương hưu không phải là thứ mà các đại biểu quốc hội cũng như đảng, nhà nước có thể cư xử, quyết định tùy tiện, muốn làm gì thì làm, muốn cắt thì cắt. Có thể lôi ai đó ra bắn nếu không thích, nhưng lương hưu vẫn phải trả cho họ nếu họ có lương hưu."
Bàn về người tài bị cho là bàn chuyện 'mây gió'
"Câu đối dán hai bên cửa hội trường Diên Hồng: Quốc hội bàn sâu người tài. Người tài đứng ngoài quốc hội" là một dòng trạng thái được nhà báo Nguyễn Thông đưa lên Facebook cá nhân về chuyện đại biểu Quốc hội bàn về chính sách với người có tài năng, cũng được quy định trong dự thảo luật trên.
Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội Việt Nam hôm 24/10 có thể thấy, các đại biểu Quốc hội Việt Nam mất rất nhiều thời gian vào chuyện 'người tài.'
Trong khi bản thân văn bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng thừa nhận, người có tài năng nói chung là một khái niệm rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau.
Vậy nhưng, các đại biểu lại sa đà vào thảo luận về tiêu chí nhận diện người tài, rồi sa đà vào chuyện tâm và tài, công chức yêu nước hay người đánh máy… trong khi vấn đề đáng nói hơn là phải khắc phục tình trạng 'con ông cháu cha' trong hệ thống cơ quan công quyền Việt Nam, cơ chế bảo đảm sự công bằng về cơ hội, cũng như tạo điều kiện để công chức yên tâm cống hiến.
Bởi nếu không khắc phục được tình trạng, mà như một đại biểu quốc hội đưa ra là 'Cán bộ trẻ hay được hỏi 'là con đồng chí nào'," thì người tài kiếm đâu ra cơ hội để được nhận vào bộ máy đó.
Như một Facebooker nhận xét, "Cái chính là con ông cháu cha ở mức độ cao quá nó làm tăng tính 'bất định' của tổ chức, vì sẽ có quá nhiều biến số ngoài lề tác động tới khả năng thăng tiến của cá nhân. Từ đó, thay vì đầu tư vào chuyên môn và công việc thì họ phải đi nhậu, tạo quan hệ với sếp, tạo phe cánh."
Nạn con ông cháu cha triệt tiêu sự cố gắng của những người làm việc thực sự. Và chính những 'hồng phúc dân tộc' này đang triệt tiêu khát vọng phấn đấu của những người trẻ.
Bởi vậy, thay vì mất thời gian bàn luận về nhân tài, hãy quan tâm đến việc bảo đảm cơ hội công bằng và minh bạch trong bộ máy công quyền.
Hơn thế, với cơ chế như ở Việt Nam hiện nay, liệu có bảo đảm rằng, sẽ không có sự trục lợi chính sách với những người đứng đầu trong trách nhiệm nhận diện người tài?
Bởi thế, nhà báo Nguyễn Như Phong trên facebook đã tự hỏi, "Có lẽ quốc hội không còn việc gì để làm nữa hay sao mà lại định bàn thảo, đưa ra " tiêu chí" về " thế nào là người tài"..."
NẾU CÒN TRỌNG CHỮ TÍN THÌ HÃY TUYÊN BỐ TỪ CHỨC!
TRÂN VĂN /VOA 24-10-2019
Người mẫu Thủy Hương, vợ Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, cũng từng gây lúng túng cho chồng trong vụ đưa đón tận chân máy bay.
Người mẫu Thủy Hương, vợ Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, cũng từng gây lúng túng cho chồng trong vụ đưa đón tận chân máy bay
Nếu ông Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng Công Thương) là một người trọng chữ tín, công chúng sắp thấy ông tuyên bố từ chức! Còn không thì sao?..
***
Khoảng giữa năm 2016, dù sự kiện nước thải của nhà máy thép thuộc Tập đoàn Formosa hủy diệt vùng biển phía Bắc miền Trung vẫn còn rất nóng, chính phủ Việt Nam tiếp tục làm dân chúng bàng hoàng khi bổ sung dự án xây dựng nhà máy thép tại khu vực Cà Ná (Ninh Thuận) của Tập đoàn tôn Hoa Sen vào qui hoạch ngành thép.
Tuy Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen hứa với Thủ tướng Việt Nam sẽ “giao hết tài sản nếu để xảy ra sai phạm về môi trường” nhưng tháng 11 năm đó, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ sự bất an về quy hoạch ngành thép. Họ nhấn mạnh, quy hoạch ấy vi phạm điều mà ông Phúc đã cam kết với dân chúng: Không đổi môi trường lấy dự án!..
Ông Trần Tuấn Anh đã bác bỏ tất cả các khuyến nghị vì: Việt Nam thiếu… thép. Phải phát triển các doanh nghiệp tầm vóc quốc gia. Quy hoạch ngành thép được soạn – lập một cách khoa học, cẩn trọng. Ngoài Tập đoàn tôn Hoa Sen, sắp tới sẽ có Tập đoàn Hòa Phát xây dựng một nhà máy thép ở Dung Quất (Quảng Ngãi)…
Bất lực trong việc khuyên can, một đại biểu Quốc hội tên là Lưu Bình Nhưỡng ráng vớt vát: Các đại biểu Quốc hội khuyến nghị vì không muốn có bất cứ hệ luỵ nào đối với nhân dân, với đất nước. Liệu ông Trần Tuấn Anh có dám cam kết, nếu có hệ luỵ nào xảy ra, ông sẽ nhận trách nhiệm và xin từ chức hay không (1)?
Vào thời điểm đó, ông Trần Tuấn Anh không trả lời yêu cầu của ông Lưu Bình Nhưỡng vì… hết giờ, song sau đó, qua báo chí, ông tuyên bố, ông không ngại từ chức (2)! Nếu hệ luỵ xảy ra ở một dự án và liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương, ông sẵn sàng chịu trách nhiệm, thậm chí vì là Bộ trưởng ông sẽ chịu trách nhiệm cao hơn.
Tuy ông Trần Tuấn Anh tỏ ra rất khẳng khái trong việc sẵn sành nhận trách nhiệm nhưng ông Phúc vẫn ra lệnh tạm dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy thép tại khu vực Cà Ná của Tập đoàn tôn Hoa Sen. Các chuyên gia kinh tế và môi trường đã chỉ ra nhiều yếu tố đáng ngại cho cả kinh tế lẫn môi trường mà chính phủ không dám bỏ qua (3)!..
***
Đầu tuần này, hôm 22 tháng 10 năm 2019, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức một buổi đối thoại giữa dân chúng xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn với đại diện Tập đoàn Hòa Phát, chủ đầu tư “siêu dự án thép”, tọa lạc trong Khu Kinh tế Dung Quất. Đại diện Hòa Phát đã chính thức nhận lỗi, hi vọng dân chúng hạ hỏa…
Phân tích, khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, môi trường, phản ứng của dân chúng, đại biểu Quốc hội về qui hoạch ngành thép chỉ cản được dự án xây dựng nhà máy thép ở Cà Ná. Đầu năm 2017, chính phủ Việt Nam vẫn gật đầu cho Hòa Phát xây dựng “Khu liên hợp sản xuất gang thép” ở Dung Quất, trị giá 60.000 tỉ, công suất 4 triệu tấn/năm (4).
Từ cuối năm 2017 đến nay, “Khu liên hợp sản xuất gang thép” của Tập đoàn Hòa Phát ở Dung Quất đã trở thành ác mộng của dân chúng địa phương. Hết vì “đá chạy, cát bay” do dùng mìn phá núi sát các khu dân cư, đường sá nát bấy vì xe vận tải ra vào liên tục, mùa khô thì bụi mịt mù, mùa mưa thì lầy lội…
Đó là chưa kể đến chuyện chưa bồi thường, dân chưa giao đất nhưng Tập đoàn Hòa Phát đã tổ chức đào xới, san ủi, kể cả san ủi mồ mả… Từ đầu tháng 8 đến nay, dân chúng xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn đã bao vây “Khu liên hợp sản xuất gang thép” của Tập đoàn Hòa Phát ở Dung Quất… bốn lần!
Chẳng riêng dân, ở buổi đối thoại vừa kể, ngay cả Bí thư huyện Bình Sơn cũng sẵng giọng, yêu cầu Hòa Phát đừng hứa suông và phải tự xét xem vì sao dân chúng chỉ chống Hòa Phát chứ không cản trở những doanh nghiệp khác cũng đầu tư vào Khu Kinh tế Dung Quất như Hòa Phát (5)?..
Dẫu đang trong giai đoạn xây dựng, chưa sản xuất được mẻ thép nào nhưng hai năm vừa qua, rõ ràng “siêu dự án thép” của Hòa Phát ở Khu Kinh tế Dung Quất đã gây ra nhiều chứ không phải một… hệ lụy. Cuộc đối thoại giữa đại diện Hòa Phát với dân chúng xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giống như buổi… tổng kết các… hệ lụy!
***
Cứ như những gì ông Trần Tuấn Anh đã tuyên bố hồi cuối năm 2016. Nào là: Không riêng dự án thép của Tập đoàn tôn Hoa Sen ở Cà Ná, nhiệm vụ của một Bộ trưởng là phải bảo đảm không để xảy ra bất kỳ thiệt hại và hệ lụy nào! Nào là: Sẵn sàng chịu trách nhiệm cao hơn!... Có lẽ chỉ nay mai, nội các của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ khuyết một Bộ trưởng đang điều hành Bộ Công Thương?
Chưa hết, ngoài vai trò Bộ trưởng Công Thương, ông Trần Tuấn Anh còn là đại diện cho dân chúng Quảng Ngãi tại Quốc hội. Để dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn bị Hòa Phát đẩy đến chỗ chưa đến ba tháng phải bao vây “Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát – Dung Quất” bốn lần, dám ông Anh sẽ xin thôi làm đại diện của dân Quảng Ngãi ở Quốc hội?
Nếu ông Anh tự thấy không xứng đáng làm Bộ trưởng và từ nhiệm, rồi tự vấn và xấu hổ mà xin thôi làm người đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của dân Quảng Ngãi ở Quốc hội, sẽ chẳng ai ngăn được ông xin rút ra khỏi BCH TƯ đảng CSVN khóa 12! Quy hoạch nhân sự chủ chốt cho BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 chắc chắn sẽ bị xáo trộn!
Còn ông Trần Tuấn Anh không từ chức thì sao? Chẳng sao cả! Cách nay ba năm, bên cạnh tuyên bố sẵn sàng từ chức, sẵn sàng nhận trách nhiệm cao hơn vì là Bộ trưởng, ông Trần Tuấn Anh có đính kèm điều này: Tôi là đảng viên của đảng, tôi thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là theo sự phân công của đảng (6)!
Nói cách khác, tuy ông Trần Tuấn Anh sẵn sàng từ chức, không ngại nhận trách nhiệm khi các dự án nói chung và dự án thép nói riêng có… hệ lụy nhưng ông không hành động như ông đã tuyên bố, không phải vì ông không tôn trọng chữ tín mà là vì đảng không… phân công ông đứng ra nhận trách nhiệm hay từ chức!
Tương tự, những tuyên bố kiểu như: Không đánh đổi môi trường lấy dự án! Không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông!... Không thế này… không thế kia… không bao giờ đúng nhưng không ai xấu hổ, không ai bận tâm và tiếp tục đưa ra vô số tuyên bố khác là vì đảng ta chỉ thạo lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối chứ chưa… thí điểm nhận sai!
Chú thích

ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC HỎI GĐ VIỆN TIM CÓ DÁM NHƯỜNG CHỨC CHO NGƯỜI TÀI HƠN

THU HẰNG/ VNN 25-10-2019

Trao đổi với báo chí bên lề QH sáng nay liên quan đến cuộc tranh luận về nhân tài hôm qua, ông Dương Trung Quốc cho rằng ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc BV Tim Hà Nội) có lẽ giống rất nhiều người, hiểu về quan điểm học tập Bác Hồ cái gì là cứ nguyên vẹn như thế.
“Thời đại thay đổi nhiều. Tôi cứ đặt câu hỏi đơn giản, anh Tuấn thấy có người rất yêu nước, giỏi hơn có dám nhường chức không. Kể cả anh dám nhường chức cho người khác nhưng trong cơ chế hiện nay họ có bổ nhiệm không nếu người đó là ông Việt kiều yêu nước rất giỏi”, ĐB kỳ cựu đặt vấn đề.

Ông Dương Trung Quốc hỏi GĐ viện Tim có dám nhường chức cho người tài hơn
Ông Dương Trung Quốc: Thời đại bây giờ khác rồi, ngay cả yêu nước cũng đã khác
Theo ông Quốc, nếu có bổ nhiệm đi chăng nữa thì người đó có làm việc được trong cơ chế này không.
“Ở đây, phải hiểu rõ, thời kỳ cụ Hồ có những đặc thù, chúng ta vừa mới giành được độc lập, phần lớn các trí thức tài năng đều được đào tạo ở chế độ cũ nên phải đặt đại nghĩa lên trên và thu hút vào. Giá trị quan trọng không phải là đãi ngộ và lòng yêu nước”, ĐB Dương Trung Quốc phân tích.
Ông cho rằng, thời đại bây giờ khác rồi và ngay cả yêu nước cũng đã khác nên đừng lấy chuẩn cũ làm cho bây giờ, quan trọng nhất, sâu sắc nhất của cụ Hồ là “dùng đúng người, đúng lúc, đúng chỗ”.
Người rất giỏi ở nước ngoài về thì đừng đề bạt họ làm lãnh đạo
“Bây giờ một người rất giỏi ở nước ngoài về thì đừng đề bạt họ làm lãnh đạo mà hãy sắp xếp một công việc phù hợp, môi trường hoạt động tốt để họ phát triển, một chế độ đãi ngộ, sự tôn trọng là đủ”, ông Quốc nói.
Ông cho rằng, muốn sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi thì cũng phải để tư tưởng đó phát triển theo thời đại chứ không thể như cũ.
ĐB Dương Trung Quốc cũng bày tỏ không bằng lòng lắm ở chỗ: “Có thể khác biệt nhau trong lúc tranh luận nhưng đừng quy kết những chuyện xa rời tư tưởng. Quan trọng là tìm ra cốt lõi”.
Theo quan điểm của ông, công chức là đặc thù và quan trọng nhất với công chức là tính kỷ luật công vụ, làm cho tốt chức trách của mình, quan hệ với trên, với dưới, với dân.
Thứ 2, kỷ luật về chính trị tức là phải trung thành với chế độ. Không phải người này yêu nước hay không mà đã ở trong hệ thống anh phải trung thành với đất nước, quốc gia, với Đảng.
Đấy là tiêu chí còn đừng đòi hỏi tài năng của hệ thống công chức là cái gì đột phá vì anh phải làm đúng quy chuẩn, quy chế và anh phải làm tốt công việc của mình.
Ông cũng phân tích thêm, bây giờ cái gì cũng chức vụ, bằng cấp. Điều đó không phải không quan trọng và nó vẫn kích thích tâm lý ngày xưa là thích làm quan. Trong khi đó, bộ máy cần các công chức có tính chuyên nghiệp rất cao.
“Tại sao đội bóng đá Việt Nam chỉ cần có 2 nhân tố là người dẫn dắt giỏi và đá chuyên nghiệp, trung thực là thay đổi ngay”, ông so sánh.
Giải thích thêm về câu nói “công chức tài năng là phải đánh máy giỏi”, trong cuộc tranh luận hôm qua, ông Quốc cho hay: “Ở đây tôi nói, người đánh máy thì phải đánh máy giỏi, đừng để nhầm cách diễn đạt không đúng thôi. Cũng như bác sĩ công phải là bác sĩ giỏi. Bác sĩ giỏi không phải chỉ thực hiện chức trách nghề nghiệp mà làm tăng giá trị của bệnh viện công. Hay thầy giáo cũng như vậy”.
Theo ông, chữ công chức là ở nghĩa đó, nó tạo ra một chuẩn mực để có thể một hệ quy chiếu, hệ thống giá trị cho toàn xã hội.
ĐB tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm, không phải tài năng là người xuất chúng mà nhân tài ngày xưa là anh nào dùng đúng việc anh đấy và điều đó mới phát huy được sức mạnh của xã hội.
Còn xuất chúng là chuyện khác chứ không phải chỉ công chức. Tư nhân họ cũng tranh thủ, mua chất xám và cái đó nên để luật khác làm còn luật Công chức rất chung, đừng đòi hỏi xuất chúng, còn nếu xuất chúng đã làm lãnh đạo rồi.
Thu Hằng

TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI, TRANH LUẬN MÃI

LÊ KIÊN/ TTO 25-10-2019

TTO - Nghe các ĐBQH tranh luận về chính sách trọng dụng nhân tài, lại nhớ hồi đầu nhiệm kỳ này, cuối năm 2016, nhiều đại biểu đã chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và công tác tuyển dụng nhân tài.

Thủ tướng đã khẳng định: "Tìm người tài chứ không phải tìm người nhà"; "Người tài ở bìa rừng góc bể cũng phải được trọng dụng".
Nhưng qua phiên thảo luận ở Quốc hội (ngày 24-10) cho thấy đây là vấn đề khó, gai góc. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng thời Hồ Chủ tịch sử dụng nhân tài cách đây hơn 70 năm, khi đó, do bối cảnh lịch sử đặc biệt, "lòng yêu nước" lớn hơn cả tiền bạc, nay tình hình có khác.
Phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc được bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn tranh luận: "Cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị cho dù 70 năm trôi qua". Ông Quốc tranh biện lại: "Tôi xin hỏi đại biểu Tuấn, bây giờ có thể bổ nhiệm giám đốc sở chứ đừng nói là một phó chủ tịch nước hay một chủ tịch Quốc hội ngoài Đảng không? Chắc chắn là không".
Đúng là việc bổ nhiệm một người ngoài Đảng nắm giữ chức vụ như giám đốc sở trở lên thì rất khó. Thực tế vừa qua TP.HCM từng bổ nhiệm một người như vậy, mang theo bao kỳ vọng, nhưng sau một thời gian người đó xin nghỉ, dù trước đó ông đã sẵn sàng từ bỏ công việc tốt ở doanh nghiệp nước ngoài với lương cao hơn nhiều lần vị trí mới trong bộ máy nhà nước.
"Người tốt, người giỏi được bổ nhiệm, lãnh đạo là hồng phúc cho quốc gia. Người xấu, người thiếu năng lực mà không bị thải loại ra khỏi vị trí lãnh đạo là nguy cơ cho đất nước" - GS.TS. đại biểu Nguyễn Anh Trí từng bày tỏ khi nêu chất vấn Thủ tướng. Ai cũng hiểu là như vậy, nhưng cơ chế, giải pháp nào để thực hiện cho hiệu quả đến nay Quốc hội vẫn còn tranh luận.
Nhiệm kỳ trước, có lần phát biểu tại Quốc hội, ông Bùi Quang Vinh (nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư) từng than là cơ chế hiện tại rất bó buộc. 

Ông Vinh kể có thể tìm được người tài giỏi ở bên ngoài làm thay và làm tốt hơn việc của 7-8 công chức đang có trong bộ máy, nhưng điều bất khả thi thứ nhất là ông không thể trả cho người giỏi này mức lương cao gấp 7-8 lần những người công chức kia, và điều bất khả thi thứ hai là ông không thể cho 7-8 công chức thôi việc. Vậy nên trong bao năm, khoảng 30% công chức trong bộ máy cứ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Nhưng để thu hút người tài vào bộ máy nhà nước, tiền không phải là tất cả. Nhà nước cũng chi nhiều tiền, thực hiện nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thậm chí đưa cán bộ đi nước ngoài học tập hết đợt này đến đợt khác, nhưng bộ máy vẫn khan hiếm người tài. 
Nhớ chuyện cố nhà báo Hữu Thọ từng kể cách đây đã vài chục năm rằng ở một tỉnh nọ, lúc đầu với chính sách thu hút nhân tài qua mức lương hậu hĩnh, chính sách cấp đất cấp nhà cũng thu hút được 8 tiến sĩ vào bộ máy nhà nước. Nhưng chỉ sau vài năm, 7/8 nhân tài ấy xin nghỉ việc. Ông Hữu Thọ kết luận rằng nhân tài cần môi trường để làm việc, để thể hiện, để cống hiến, chứ không chỉ cần tiền.
Tóm lại, trọng dụng nhân tài không khó, nhưng tạo môi trường cho nhân tài phát huy năng lực, cống hiến mới khó. Việc đó tiền không thể mua được. Mà không tạo ra môi trường làm việc tốt, nhân tài rồi cũng ra đi...
LÊ KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét