Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

20191016. BÀN VỀ CHỦ NGHĨA 'QUAN TUÝ' Ở VN

ĐIỂM BÁO MẠNG

DÂN TUÝ, QUAN TUÝ VÀ THUẬT 'NÓI VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY

LÊ NGỌC SƠN */ NĐT 11-10-2019


Công cuộc “đốt lò” của Đảng nhằm chặn đứng cuộc khủng hoảng niềm tin đã có những chỉ dấu tích cực, những con sâu mọt cộm cán từng khoác lên mình những chức vụ cao cấp bị lôi ra ánh sáng. Những con sâu mọt này khi còn đương chức từng biến hóa, nguỵ trang, khoác lên mình đủ thứ tuyên ngôn hùng hồn tỏ vẻ cần kiệm, sạch sẽ. Khi phanh phui các vụ tham nhũng của những con sâu cộm cán này, tiết lộ một bức tranh đa chiều kích: Nếu như trước đây rộ lên chủ nghĩa “dân túy”, thì song song với nó, chủ nghĩa “quan túy” cũng thịnh hành. Quan túy hay dân túy, tiền đều vào túi quan, và người dân là nạn nhân của họ.
Trong tiếng Việt, tôi cực kỳ ưng một từ mà các tiền nhân đã dịch: từ “populism” được dịch thành “chủ nghĩa dân túy”. Nôm na đại khái là lừa mị đám đông, dân chúng; đánh vào điểm yếu tâm lý của họ để chiều chuộng cảm xúc nhất thời, để lấy lòng hay chiếm cảm tình của họ. Tôi thích được hiểu “dân túy” là chuốc rượu cho dân say (“túy” trong Hán Việt nghĩa là uống rượu say).
Vậy “quan túy” là gì? Nó là một chiều kích khác của việc “làm say” người đồng hàng ngũ nhằm trục lợi. Nếu dân túy là chọn DÂN làm đối tượng để mị, tìm cách “làm màu”, làm cho dân “say” để lấy được lòng tin của quần chúng, thì quan túy lại chọn QUAN là đối tượng để mị, tìm cách “làm màu”, làm “say” nhằm lấy được lòng tin của đồng chí, đồng đội, cấp trên. Một bên đánh bả lòng tin của đám đông quần chúng, một bên rắc bả mê lú đối với đồng chí, đồng đội, cấp trên.
Tất cả đều toát lên đặc điểm nổi trội của thuật “nói vậy mà không phải vậy”. Trên cùng một trận tuyến, quan chức theo chủ nghĩa quan túy hô hào ủng hộ đồng đội về đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp, nhưng kỳ thực lại thọc tay vào túi công sản để tư lợi cho mình. 
Ngay sau sự cố Formosa, ông Trương Minh Tuấn (áo đỏ, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xuất hiện trước ống kính phóng viên bằng hình ảnh mua cá và ăn cá ở Quảng Bình. Một thời gian sau, cơ quan chức năng cảnh báo người dân về tình trạng cá nhiễm độc. Ảnh: Ngô Huyền

Ở Việt Nam, nếu bậc thầy của chủ nghĩa dân túy là Đinh La Thăng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải), thì bậc thầy chủ nghĩa quan túy ắt hẳn phải kể đến Nguyễn Bắc Son hay Trương Minh Tuấn (cả hai đều là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông).
Chẳng biết từ bao giờ, không ít chính trị gia có xu hướng làm hình ảnh bằng các tuyên ngôn. “Nổ” rằng mình vì dân, “nổ” rằng mình vì Đảng. Nếu như “tín đồ” chủ nghĩa dân túy hô hào rằng “trảm tướng” để chiều chuộng, làm hài lòng đám đông trong phút chốc, thì những “tín đồ” chủ nghĩa quan túy viết sách “chống diễn biến hòa bình”, “chống nói xấu Đảng và Nhà nước” để thu nhận niềm tin của cấp trên, đồng chí, đồng đội. Dù nhắm đến mê mị dân, hay mê mị quan, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là rải thảm hoa hồng bằng ngôn từ ngon ngọt trên thảm sự nghiệp chính trị của quan tham.
Ông Nguyễn Bắc Son, khi còn là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đang lúc dư luận râm ran câu chuyện mắc mớ của ông trong thương vụ AVG, ông hùng hồn tuyên bố trên truyền thông, đại loại: Nói xấu quan chức lãnh đạo thì sẽ phải xử lý hình sự. Hay các diễn ngôn về chống lá cải hóa báo chí… vân vân và vân vân. Điều đó hoàn toàn đúng, nếu như nói đi đôi với làm, thay vì nói vậy nhằm tạo lá chắn để ông đút hàng triệu đô-la vào túi cá nhân mình. Nói theo lối “quan túy” thuyết phục và “tài” đến mức khiến tổ chức và đồng chí của mình phải trao cả Huân chương Độc lập hạng Nhì cho ông Son lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” chuẩn bị “hạ cánh”. 
Về quan túy, ông viết sách dạy đồng chí, đồng đội, thuộc cấp... về “chống diễn biến hoà bình”, lên báo phát biểu “không cho phép ai đến nhà tặng quà Tết”, tỏ ra mình trong sạch, nhưng kỳ thực với sự tham nhũng của mình, ông ta tự lộ ra chân dung là một kẻ “diễn biến” cộm cán, phá tổ chức mạnh mẽ nhất. Ông Tuấn nổi tiếng là “sát thủ” làng báo: mạnh tay phạt, đóng cửa các tờ báo và thu hồi thẻ của các nhà báo. Điều mà chưa Bộ trưởng nào trước đó làm vậy.Còn “đệ” của ông Son, ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, là một ví dụ điển hình của mẫu quan chức vừa theo chủ nghĩa quan túy lẫn chủ nghĩa dân túy.
Về dân túy, còn nhớ vụ chất độc từ khu công nghiệp Formosa đổ ra biển, dù chưa có điều tra khảo sát mang tính khoa học nào, ông Tuấn dẫn đoàn tùy tùng và các nhà báo thân cận nhiệt thành đi ăn cá để dụ người dân làm theo. Bằng việc này, ông Tuấn muốn thể hiện cho cả quan chức (cấp trên lẫn cấp dưới) và người dân thấy rằng ông là cán bộ mẫn cán, năng nổ. Hành động dân túy này, xui thay, đưa người dân vào vòng nguy hiểm, khi sau đó cơ quan y tế đã xác nhận cá biển thực sự nhiễm độc và nguy hại không được ăn.
Rõ ràng, dân túy hay quan túy đều nguy hiểm như nhau, việc “làm say” quá trớn người khác thực ra là việc “đánh bả niềm tin” với thuật “nói vậy mà không phải vậy”. 
Công cuộc “đốt lò” của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư đang gặt hái được những thành tựu lớn, và cần được đồng sức, đồng lòng hơn nữa của cả hệ thống chính trị, để ngăn chặn những kẻ mê “chuốc rượu cho dân/quan say” phải ngừng diễn trò ma quái tinh ranh. Quan chức đích thực luôn phụng sự dân, nói đi đôi với làm, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, thay vì diễn trò mồm miệng để “làm màu”, kiếm chác. Không ai dám chắc bao giờ mới hết những quan chức mê “chuốc rượu” cho người khác “say” để đút tiền vào túi tư lợi; nhưng có một điều chắc chắn, chẳng ai dại dột chìa mãi niềm tin ra để người khác lường gạt. 
Lê Ngọc Sơn
(Chuyên gia truyền thông chiến lược và xử lý khủng hoảng, Nhóm nghiên cứu quốc tế về truyền thông trong khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức)

SỐ LIỆU MÔI TRƯỜNG 'DỎM' VÀ TINH THẦN LIẾN TẠO 

NGUYỄN DUY XUÂN/ TVN 14-10-2019



Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô ngày 19/7/2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký vừa được gửi đến Quốc hội, cho biết: “Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”.
Sẽ chẳng có chuyện gì nếu như báo chí và dư luận không phát hiện ra một sự thật động trời qua những con số thống kê nói trên.
Cái gọi là “thống kê gần đây nhất” của Bộ Tư pháp không phải cách ngày Bộ trưởng Lê Thành Long ký báo cáo dăm bữa nửa tháng, hay cùng lắm là nửa năm. “Gần đây nhất” của Bộ cách đây những 14 năm! Số liệu này đã từng được công bố rộng rãi trên báo chí từ cuối năm 2005, trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực 8 năm.Một báo cáo trình Quốc hội về một vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự phát triển của thủ đô nói riêng và đất nước nói chung; liên quan đến sinh mệnh của hàng triệu người dân; liên quan đến việc đề ra những quyết sách lớn của Chính phủ và Quốc hội, vậy mà Bộ lại sử dụng số liệu thống kê cũ rích, phi thực tế cho việc đánh giá môi trường không khí thành phố Hà Nội hiện nay.

Số liệu môi trường 'dỏm' và tinh thần kiến tạo
Tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm là không thể chối cãi, biện minh.
Tuy nhiên, trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho hay báo cáo này mới chỉ là dự thảo và chưa qua thẩm định, khi thẩm định xong Bộ sẽ chỉnh lý các số liệu.
Bảo là “dự thảo” nhưng ngay sau đó Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu lại khẳng định, “Vì Quốc hội yêu cầu gửi báo cáo là báo cáo chính thức”? [1]
Ông Hiếu thừa nhận, bộ phận làm báo cáo của Bộ đã chủ quan trong khâu tổng hợp số liệu: “Khi Bộ Tư pháp thực hiện báo cáo gửi Quốc hội, báo cáo của Bộ Tài Nguyên - Môi trường và báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi đến Bộ không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên anh em tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí. Trong đó, một báo số ra năm 2018 đưa nội dung này nhưng bài báo không dẫn nguồn từ năm nào nên anh em hơi chủ quan đưa vào”.
Một báo cáo ra Quốc hội, tức là báo cáo trước nhân dân, có tầm quan trọng như thế sao lại dùng số liệu trôi nổi trên mạng, rồi đổ lỗi do “anh em chủ quan”?
Dư luận bức xúc thêm thêm một lần nữa với bản Thông cáo báo chí ngày 11/10/2019 của Bộ do ông Nguyễn Quốc Hoàn, phó Văn phòng Bộ ký. Bản thông cáo không hề có một chữ nhắc đến vụ việc, không một lời nhận lỗi, nhận trách nhiệm từ lãnh đạo Bộ. Lời lẽ trong thông cáo cho hay, báo cáo trình Quốc hội không có chuyện gian dối về số liệu thống kê môi trường không khí Hà Nội mà chỉ là “chưa được cập nhật”(!?).[2]
Xin hỏi lãnh, sẽ như thế nào nếu báo chí và dư luận không kịp thời lên tiếng, báo cáo của Bộ được Quốc hội thông qua; những số liệu gian dối về môi trường không khí Hà Nội nêu trong báo cáo sẽ trở thành căn cứ để Nhà nước, Quốc hội chỉ đạo, đưa ra những quyết sách?
Đây là minh chứng điển hình về các cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về; là thói quen làm việc quan liêu, xa rời thực tế của lãnh đạo và cán bộ công chức dưới quyền.
Ý thức, trách nhiệm của họ trước công việc, trước Chính phủ, trước Quốc hội, trước nhân dân ở đâu?
Với tinh thần của một Chính phủ minh bạch, kiến tạo và hành động, những người có trách nhiệm ở bộ nên nhìn thẳng vào sự thật, coi đây là sai lầm nghiêm trọng, nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội và nhân dân để sửa sai, để lấy lại niềm tin của dân, để tiền thuế của dân không bị lãng phí.
Nguyễn Duy Xuân
[1]. https://nguyenduyxuan. net/ca-phe-sang/bao-cao-moi- truong-ha-noi-2019-su-dung-so- lieu-2005-nguyen-nhan-do-dau- 7090.html
[2]. https://moj.gov.vn/qt/ thongbao/Lists/ThongBao/ Attachments/1552/TCBC%20cua% 20Bo%20Tu%20phap.pdf

QUAN GIAN, MÔI TRƯỜNG BẨN HAY...VĂN BẢN BỊ Ô NHIỄM NHẰM CHE MẮT QUỐC HỘI ?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 14-10-2019

Thông tin trên báo Vneconomy.vn đăng ngày 10/10/2019 đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô cho biết:
“Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô (Báo cáo), vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Báo cáo hoàn thành ngày 19/7/2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký”. [1]
Nội dung Báo cáo có đoạn: 
“Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”.
Điều khiến cộng đồng mạng dậy sóng là ba trong bốn số liệu nêu trong Báo cáo trùng khớp với số liệu đã được đăng tải trên “Bản tin trên Tuổi trẻ Online” từ ngày 30/11/2005, nghĩa là 14 năm trước. [1]
Tuổi trẻ Online viết: “Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, mỗi năm thành phố tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 46.000 tấn khí CO từ hơn 400 cơ sở công nghiệp" (không có 19.000 tấn khí NO2)!
Ngoài ra, số liệu trong Báo cáo mà Bộ Tư pháp soạn thảo trùng khớp 100% với số liệu trên Báo Nhân Dân điện tử xuất bản ngày 17/09/2010: 
“Sau hàng loạt đợt quan trắc phối hợp giữa sở Khoa học – Công nghệ thành phố Hà Nội và Viện Hóa học, các nhà khoa học cho biết, mỗi năm, bầu không khí tiếp nhận 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”. [1]
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: Báo Thanh tra)
Liên quan đến sự việc trên, ngày 11/10/2019 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trả lời báo chí đã thừa nhận bộ phận làm báo cáo của Bộ đã chủ quan trong khâu tổng hợp số liệu để làm báo cáo gửi Quốc hội, cụ thể:
“Khi Bộ Tư pháp thực hiện báo cáo gửi Quốc hội, báo cáo của Bộ Tài Nguyên - Môi trường và báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gửi đến Bộ không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên anh em tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí.
Trong đó, một báo số ra năm 2018 đưa nội dung này nhưng bài báo không dẫn nguồn từ năm nào nên anh em hơi chủ quan đưa vào”.[2]
Phát biểu của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và của báo chí cho thấy số liệu của Tuổi trẻ Online ít nhất đã được “xào lại” ba lần vào các năm 2010, 2018, 2019!
Cụm từ “Anh em” trong biện luận của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu “Anh em hơi chủ quan đưa vào” khiến công chúng không khỏi liên tưởng đến câu nói của “Út Trọc” – Đinh Ngọc Hệ trước tòa về việc mua bằng đại học đưa vào hồ sơ để nâng lương, bổ nhiệm, phong quân hàm,…:
“Bị cáo là nông dân, học hành ít nên khi nghe anh em xã hội nói rằng không học vẫn lấy được bằng, bị cáo nghĩ đơn giản như ở ngoài quê bị cáo, nên làm theo”.
Việc làm phi pháp của Út Trọc là do “anh em xã hội” đạo diễn, còn việc “đạo số liệu” trong báo cáo của Bộ Tư pháp lại do “anh em trong bộ” chủ trì!
Nếu vụ việc không bị báo chí phát hiện thì khả năng Quốc hội nhận được số liệu ô nhiễm môi trường  thủ đô từ 14 năm trước là gần như chắc chắn.
Liệu có xảy ra nguy cơ dựa vào những số liệu giả dối này, những đánh giá của Quốc hội đối với tình trạng ô nhiễm môi trường tại thủ đô Hà Nội sẽ bị sai lệch?
Vậy những “anh em hơi chủ quan” ở “bộ phận làm báo cáo” của Bộ Tư pháp là ai?
Nếu không kể đến nhân viên đánh máy, lao công,… những người chắp bút gần như chắc chắn phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc chuyên viên cao cấp.
Theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV, được sửa chữa bổ sung bởi Thông tư số 05/2017/TT-BNV thì những người thuộc một trong ba ngạch chuyên viên kể trên đều phải thỏa mãn tiêu chuẩn:
“Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin”.
Có thể cho rằng việc tra cứu thông tin mà báo chí đã đăng tải chắc không vượt quá khả năng của của các chuyên viên nếu trình độ tin học của họ đúng như quy định và nếu họ đề cao trách nhiệm trước những số liệu báo cáo Quốc hội.
Trẻ con tiểu học ngày nay cũng biết vào Google tra cứu thông tin, mấy cô “sồn sồn” ngồi sau sạp hàng trong chợ cũng dán mắt vào di động lùng chuyện hot, vậy sao các bậc chuyên viên bằng cấp đầy mình lại không biết kiểm tra tính chính xác của dữ liệu?
Không động não tìm hiểu, không cảm thấy phải chịu trách nhiệm về báo cáo mà Bộ trưởng thay mặt Chính phủ sẽ trình bày trước Quốc hội liệu có phải chỉ là biểu hiện cá biệt của “anh em thuộc bộ phận làm báo cáo” trong bộ Tư pháp hay cũng đã xuất hiện tại không ít bộ, ngành khác?
Dư luận hẳn chưa quên đề xuất “Ngực lép không được lái xe”, quy định “Ôtô từ 4 chỗ phải được trang bị bình cứu hoả” của Bộ Công an, quy định trong Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ" hay “Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học”...
Những “phát kiến vĩ đại” này đều bắt nguồn từ đội ngũ chuyên viên của các bộ và không thể không đặt câu hỏi có hay không các “chuyên viên chỉ đi ra đi vào, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi việc”?
Tuy nhiên nếu quả thật tồn tại “Nhóm lợi ích chuyên viên” chỉ đi ra đi vào, không cãi ai, không chửi ai đồng thời “không nói, không viết” bất kỳ điều gì thì “hồng phúc” của dân tộc vẫn chưa bị mất hoàn toàn.
Để cho họ chắp bút các văn bản sẽ thành Nghị định, Thông tư hay đạo luật thì dân Việt mới quả là “vô phúc”.
Báo cáo của Bộ Tư pháp nếu chính thức đưa ra Quốc hội thì liệu các vị thay mặt dân có đủ thời gian tìm hiểu, phản biện hay sẽ bấm nút thông qua?
Nếu Quốc hội còn không biết được sự thật về nạn ô nhiễm xung quanh phòng họp của mình ở Ba Đình thì cơ quan nào sẽ được biết sự thật? 
Và câu chuyện “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” có phải chỉ là khẩu hiệu cho vui?
Liệu người dân có quyền đặt câu hỏi “Phải chăng anh em bộ phận soạn thảo báo cáo” trong Bộ Tư pháp (và không ít cơ quan khác) được trả lương chỉ để … đi ra đi vào?
Học cấp 2 (trung học cơ sở) rồi mượn bằng, rồi “tại chức, từ xa, đại học mở” là thành thạc sĩ, trưởng phòng ngay tại cơ quan tỉnh ủy; Nhờ “anh em xã hội mua bằng” là thành Thượng tá, Phó Tổng giám đốc như “Út Trọc”… thì chuyện trở thành chuyên viên tại văn phòng bộ với lý lịch “ngũ ệ” không có gì là khó hiểu.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhắc rất nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0), vậy thì những chuyên viên thế hệ 0.4 với chuyên môn “vẽ chuyện” có nên để tồn tại trong hệ thống, đặc biệt là cơ quan cấp bộ?
Cóp nhặt một cách vô trách nhiệm số liệu ô nhiễm không khí đã là rất nguy hiểm, song nguy hiểm hơn là những người đó cóp nhặt luôn cả sự giả dối, dốt nát từ “anh em xã hội” vào báo cáo đề trình Quốc hội.
Và cuối cùng thì vẫn là câu hỏi dân chúng mong đợi, vụ việc tại Bộ Tư pháp sẽ được giải quyết thế nào?
Liệu có xảy ra chuyện những người lười biếng, không đủ trình độ nhưng giỏi dối trá sẽ được yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, cần phải kiểm điểm sâu sắc và … chấm hết?
Tài liệu tham khảo:
[1] //vneconomy.vn/moi-truong-ha-noi-bao-cao-2019-su-dung-so-lieu-2005-20191010093928039.htm
[2]//vtc.vn/bao-cao-moi-truong-ha-noi-2019-su-dung-so-lieu-2005-bo-tu-phap-lay-nguon-tren-mang-d503687.html
Xuân Dương
TIN LIÊN QUAN:

KHI CÁN BỘ 'PHÒNG THÂN' ĐỂ CÁC DỰ ÁN 'TREO LƠ LỬNG'

LƯƠNG BẰNG/ TVN 7-10-2019

Tư tưởng tròn vo, sợ trách nhiệm, không dám quyết định… giúp những người có thẩm quyền an toàn, nhưng không giúp cho kinh tế đất nước phát triển.

Gần đây tôi có cuộc trao đổi với lãnh đạo một doanh nghiệp có vốn nhà nước và câu chuyện xoay quanh 1 dự án đang bế tắc. Dự án đã được rót hàng nghìn tỷ đồng, nhưng vì nhiều lý do vẫn treo lơ lửng ở đó. Vài năm trước, doanh nghiệp muốn khởi động lại dự án nhưng tỉnh, nơi dự án đặt địa điểm, phản đối; còn trên trung ương thì có bộ đồng tình, có bộ phản ứng cho triển khai.
“Trong suốt 3 năm nay, tôi không biết đã ngồi biết bao cuộc họp ở các cấp”, ông nói, “Hôm qua tôi cũng vừa họp, và lại được yêu cầu về nghiên cứu, xem xét, báo cáo lại”. “Là doanh nghiệp, chúng tôi muốn triển khai dự án. Nhưng nếu không thể triển khai được nữa thì chúng tôi cũng cần biết có phương án đền bù thế nào đó. Tiếc là thời gian cứ thế trôi đi mà tôi không biết gì cả. Không ai quyết gì”, ông nói với tôi.
“Liệu bao giờ thì có quyết định cuối cùng về dự án của bên anh”, tôi hỏi. Đáp lại, vị này chỉ cười buồn và lắc đầu.
Câu chuyện của vị lãnh đạo doanh nghiệp nói trên không phải là đơn lẻ hiện nay.
Khi cán bộ ‘phòng thân’ để các dự án ‘treo lơ lửng’
Đã hơn 39.000 tỷ đồng đổ vào Nhiệt điện Thái Bình 2.
Đã và đang có rất nhiều dự án có vốn liên quan đến ngân sách lâm vào tình trạng lơ lửng. Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án đã nhận 32 nghìn tỷ đồng, vẫn chưa thể hoàn thành vì tắc dòng tiền. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã lên tiếng muốn rót vốn của Tập đoàn này vào để hoàn thành dự án, nhưng điều này lại vượt thẩm quyền của PVN nên phải báo cáo lên cấp cao hơn.
Hồi cuối tháng 7/2019, 4 Ủy viên Trung ương có mặt tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2 bàn cách giải cứu cho dự án. Chủ tịch PVN đã khẳng khái: "Hội đồng thành viên mỗi người đã ký một chữ ký, nhưng bộ ngành cấp trên lại chần chừ, không có quyết sách cụ thể ngay. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng đồng tiền, nhưng phải bật đèn xanh cho chúng tôi đi".
Chưa rõ đến nay, PVN đã được bật đèn xanh để tiếp tục làm hay chưa. Chỉ biết, 32 nghìn tỷ đồng vẫn nằm đó, bao nhiêu sắt thép, công trình dang dở vẫn đang phơi mưa phơi nắng.
Không thể phủ nhận là dự án này bị đình trệ là do có lỗi của những người thực hiện trong quá trình triển khai, có người đã phải đi tù. Không ít trong số 12 dự án yếu kém ngành Công Thương (nay chuyển sang cho Ủy ban quản lý vốn) cũng bị “đắp chiếu” nhiều năm, nhiều tài sản đang trở thành đống sắt vụn theo đúng nghĩa.
Bên cạnh đó, nhiều dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cũng án binh bất động nhiều năm nay. Có dự án nhiệt điện không thể triển khai được vì vướng thủ tục trong khi nguy cơ thiếu điện ngày càng cận kề. Nhiều năm nay, không một dự án nguồn điện lớn nào khởi công ngoại trừ các dự án điện mặt trời.
Các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng lâm cảnh “đóng băng” vì quy trình thủ tục và các vấn đề khác.
Con số giải ngân vốn vay nước ngoài, vốn đầu tư công thấp đến báo động, là vấn đề nóng bỏng thời gian qua, đến mức lãnh đạo Chính phủ phải triệu tập nhiều cuộc họp để tháo gỡ.
Luật lệ chồng chéo, thủ tục rối rắm khiến không ít cán bộ sợ sai, sợ bị truy trách nhiệm. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp khi gửi văn bản kiến nghị lên cấp trên, thì sau đó chỉ nhận được những văn bản hướng dẫn chung chung “làm theo đúng quy định của pháp luật”.
Một lãnh đạo doanh nghiệp nói với tôi: Việc chỉ đạo làm đúng quy định pháp luật là đúng, không có gì phải bàn cãi. Nhưng luật pháp của chúng ta chưa hoàn thiện. Khi đối chiếu dự án với quy định của luật này, chúng tôi thấy đúng nhưng chiếu sang luật khác, thì lại sai. Do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau như vậy nên chúng tôi mới phải gửi văn bản xin ý kiến.
Luật là do chính bộ máy xây dựng và nay chính bộ máy lại trở thành nạn nhân cho chính cái quy trình, thủ tục rối rắm của luật đó. Hệ quả là, một bộ phận lãnh đạo “thủ thế phòng thân”, nên các dự án cứ treo lơ lửng đó. Vấn đề này không được giải quyết thì ảnh hưởng cho tăng trưởng không chỉ hiện nay mà còn sau này.
Nếu không có các dự án đầu tư mới giai đoạn hiện nay thì lấy gì để kích thích tăng trưởng tới đây?
Tư tưởng tròn vo, sợ trách nhiệm, không dám quyết định… giúp những người có thẩm quyền an toàn, nhưng không giúp cho kinh tế đất nước phát triển.
Lương Bằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét