Đánh giá lại quy mô GDP là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi quốc gia
Ông Nguyễn Bích Lâm.

Phóng viên (PV): Thưa ông, tại sao Việt Nam cần phải đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 trong thời điểm này?
Ông Nguyễn Bích Lâm: GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng. Vì vậy, việc đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm tính đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế.
Theo tôi, việc đánh giá lại quy mô GDP là nhiệm vụ cần thiết và lúc này là đúng thời điểm. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Nói thêm rằng, đánh giá lại quy mô GDP là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP, ở bất cứ quốc gia nào cũng luôn có những vấn đề phát sinh cần rà soát, cập nhật bổ sung, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và dài hạn. Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ 2010 đến nay, Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italy, Croatia, Indonesia... đã tiến hành điều chỉnh, công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan. Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Đánh giá lại quy mô GDP là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi quốc gia
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: MINH ĐỨC
PV: Năm 2013, Việt Nam cũng đánh giá lại quy mô GDP. Vậy lần đánh giá này có khác gì so với 6 năm trước, thưa ông?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Trước đó, năm 2013, Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008-2012. Đợt đánh giá cách đây 6 năm chỉ tập trung một số ngành, như: Ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản. Trong lần thu thập thông tin này sẽ đánh giá lại toàn bộ nền kinh tế, "quét" thông tin ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam. Do đó, chưa đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.
PV: Theo ông, nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi lớn nhất về quy mô GDP?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi của quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm làm tăng quy mô GDP, đó là: Bổ sung thông tin từ tổng điều tra; Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; Cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Chỉ duy nhất nhóm cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước, đã làm quy mô GDP theo giá hiện hành giảm.
Đơn cử khi chúng tôi rà soát bổ sung nguồn thông tin từ tổng điều tra, trong dãy số liệu đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017, con số bổ sung thêm là 76.000 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp này, đa phần là số lượng doanh nghiệp bổ sung thêm từ kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và từ hồ sơ hành chính của Tổng cục Thuế. Bên cạnh đó, trong lần rà soát, đánh giá lại quy mô GDP lần này, ngành thống kê cũng thu thập được số liệu của các doanh nghiệp thuộc 2 bộ: Quốc phòng và Công an.
PV: Theo ông, kết quả đánh giá lại quy mô GDP sẽ tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế như thế nào?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Kết quả đánh giá lại quy mô GDP sẽ có tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Cụ thể, tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển KT-XH trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển KT-XH do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.
Bên cạnh đó, đánh giá lại quy mô GDP sẽ nhận thấy làm thay đổi cơ cấu GDP: Tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên. Ngoài ra, đánh giá lại GDP sẽ làm thay đổi nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa: Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ thuế, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP.
PV: Có ý kiến cho rằng, khi quy mô GDP tăng thì sẽ mở rộng dư địa cho chi tiêu và vay của Chính phủ. Vậy quan điểm của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Mục đích quan trọng nhất của hoạt động này là đánh giá xác thực, đầy đủ nhất về quy mô GDP, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là thông tin đầu vào phục vụ việc nghiên cứu, so sánh, điều hành, ra quyết định của cấp quản lý vĩ mô...
Đúng là việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ làm thay đổi hàng loạt những chỉ số vĩ mô quan trọng khác, như: Bội chi, nợ công… Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp, vì thực tế thu ngân sách và thuế được quy định bởi các văn bản pháp luật. Nhiệm vụ của ngành thống kê là phản ánh chính xác quy mô của nền kinh tế, không nhằm tăng GDP để mở rộng dư địa vay nợ của Chính phủ hay chi tiêu thêm ngân sách. Theo đó, dãy số về tăng trưởng GDP mới sẽ được dùng để phục vụ việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
VŨ DUNG (thực hiện)

CÓ TĂNG TRƯỞNG NHƯNG LIỆU CÓ PHÁT TRIỂN ĐI KÈM ?

LƯƠNG BẰNG/ TVN 30-9-2019

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý III/2019 mới đây, phóng viên có hỏi ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê về việc những dự án kiểu như đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã được tính vào GDP hay chưa. Câu trả lời là “đã tính”.
Ông giải thích: “Giá trị thi công của dự án này trong các năm trước đây đã được tính vào GDP rồi. Đây là dự án có vốn đầu tư rất lớn, nên không thể bỏ sót được, và không có chuyện dự án hoàn thành mới tính vào GDP”.
Như vậy, mỗi đồng tiền bỏ vào đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã được tính hết vào GDP. Chỉ có điều, suốt cả chục năm nay hiệu quả của dự án này vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Nhưng Cát Linh – Hà Đông không phải là cá biệt. Từ Bắc chí Nam, có vô vàn các dự án hoành tráng, làm tăng GDP mà không thúc đẩy quá trình phát triển, giúp cải thiện cuộc sống của người dân.
Có tăng trưởng nhưng liệu có phát triển đi kèm?
Nhiều đại dự án đắp chiếu giúp tăng trưởng nhưng liệu có phát triển đi kèm.
Đầu bảng này cần kể đến 12 đại dự án “đắp chiếu” của ngành công thương, nay đã chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn. Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiêu 32 nghìn tỷ đồng vẫn chưa thể vận hành; Dự án nhiệt điện Long Phú 1 thi công dở dang, nằm đắp chiếu không hẹn ngày hoàn thành do nhà thầu Nga bị Mỹ cấm vận; Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 đắp chiếu; hay các dự án của tập đoàn hóa chất cũng đang dang dở. Tất nhiên, các dự án này đã “kịp” đóng góp vào tăng trưởng GDP nhiều năm về trước.
Những con đường vừa làm xong đã hỏng, những công trình nứt toác khi mới hoàn thành, những vỉa hè vừa lát xong lại moi ra lát lại,… tất cả số tiền công bỏ ra đều giúp làm tăng GDP.
Có nghĩa, cứ có hoạt động chi tiền ra cho đầu tư, dù hiệu quả hay không, dù dự án hoàn thành hay chưa, thì số tiền đó cũng đã được cộng ngay vào GDP hàng năm. Nhờ đó, quy mô GDP cứ thế năm sau cao hơn năm trước. Các nhà kinh tế, nhà quản lý không lạ gì điều này. Nó không sai về nguyên tắc thống kê, nhưng khoảng cách giữa con số với đời thực cứ nối dài.
Những dự án công đó “đóng góp” cho tăng trưởng GDP là một một sự tréo ngoe: cứ tung tiền đầu tư là đương nhiên có tăng trưởng nhưng không phải bao giờ cũng có phát triển đi kèm. 
Giờ đây, Tổng cục Thống kê đã hoàn thành việc đánh giá lại GDP, tức tính thêm các dữ liệu mà nhiều năm nay được cho là bị “bỏ sót”. GDP nhờ thế được to ra, bớt nhỏ bé đi khi đem ra so sánh với những nước trong khu vực.
Số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy, sau khi đánh giá lại GDP, quy mô nền kinh tế giai đoạn 2010-2017 tăng thêm khoảng 25,4%. Có nghĩa, quy mô GDP năm 2017 là 220 tỷ USD, thì sau khi đánh giá lại, đã tăng lên thành gần 280 tỷ USD. Kéo theo đó, GDP bình quân đầu người cũng tăng từ mức gần 2.600 USD/người/năm lên con số ấn tượng hơn là 3.000 USD.
Dù còn nhiều tranh cãi về tính hợp lý, tính minh bạch của con số GDP tăng thêm, nhưng việc quy mô GDP tăng lên không có nghĩa số tiền trong ví hàng ngày của người dân tăng lên. Mà đơn giản chỉ là tính thiếu thì bổ sung thêm.
GDP là thước đo của một nền kinh tế. GDP quan trọng, song không phải là tất cả. Còn ở Việt Nam, dường như GDP vẫn được xem là quan trọng hơn cả, là niềm vui – nỗi buồn của 1 năm điều hành, là chỉ số đo lường thịnh vượng của quốc gia.
Còn ở phía người dân, những thước đo khác liên quan mật thiết đến miếng cơm manh áo hàng ngày, môi trường không khí trong lành để hít thở, giáo dục tốt đẹp cho con em họ, là quan trọng hơn nhiều. GDP cứ ngày một tăng cao, mà đồng lương người lao động bao năm nay vẫn không đủ đáp ứng mức sống tối thiểu thì người dân đâu có vui mừng.
Vậy nên, thay vì cứ mải miết chạy theo GDP, mà qua nhiều trường hợp được thúc đẩy bởi những công trình dự án đắp chiếu, kém hiệu quả, chưa chắc đã là điều hay. Cần nhiều thước đo khác để thấy nền kinh tế đang ở đâu, hiệu quả đầu tư như thế nào, đời sống người dân được cải thiện ra sao, họ có đủ việc làm hay không,... Xét cho cùng, dù con số tăng trưởng là bao nhiêu, mà cách đầu tư như “ném tiền qua cửa sổ”, không mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân từ chính những đồng tiền mà họ chắt chiu đóng góp cho ngân sách, thì tăng trưởng đó không nhiều ý nghĩa.
Đầu tư không hiệu quả, dự án ngàn tỷ bị "đắp chiếu" thì có tăng trưởng mà không có phát triển đi kèm. Chúng ta cần nhìn nhận thực tế hệ số đầu tư tăng trưởng (Icor) của Việt Nam luôn lên gần tới 7, mức “đỉnh” của thế giới để nhìn nhận thực chất vấn đề.
Cho nên, khi dùng tiền ngân sách để đầu tư để có tăng trưởng thì không thể làm ngơ chuyện hiệu quả và phát triển vì người dân chứ không ai khác sẽ phải gánh chịu trái đắng khi tiền thuế của họ bị phung phí.
Lương Bằng