Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

20191010. LỀ DÂN VỚI HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 11

ĐIỂM BÁO MẠNG
XIN KÊU GỌI CÁC UV BCHTƯ ĐCSVN

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 10-10-2019

Image result for hội nghị trung ương 11 khóa 12

Kính thưa các vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN,
Các vị đang họp  Hội nghị 11 để bàn nhiều việc quan trọng. Vậy xin hỏi, các vị có biết không việc Trung Quốc đem tàu khảo sát và vài chục tàu chiến vào quần thảo ở Bãi Tư Chính và rất gần bờ biển VN liên tiếp trong 3 tháng nay? Các vị có cho rằng đây là việc quan trọng, liên quan đến vận mệnh đát nước không?
Theo chương trình dự kiến, HN 11 không có mục thảo luận về tình hình Biển Đông. Tuy rằng TBT Nguyễn Phú Trong có nói tới 2 chữ Biển Đông nhưng hoàn toàn không phải nói về tình hình căng thẳng mà là về khía cạnh kinh tế. Vậy trong các vị dự HN, có vị nào dám đề xuất tình hình căng thẳng ở Biển Đông để thảo luận ở Hội nghị 11 hay không?
Về dã tâm của Trung Quốc đã có rất nhiều bài phân tích. Gần đây có các bài đáng quan tâm như “Thư ngỏ” của GS Tương Lai gửi HN 11, như bài “Dã tâm của TQ và thực tâm của Đảng ta” của Quách Hạo Nhiên, như “Tọa đàm Khoa học vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế” ( Ngày 6 tháng 10,  do Viện Chính sách Pháp luât và Phát triển tổ chức. Đây là một tổ chức có tư cách pháp nhân, trực thuộc Liên hiệp Các Tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Xin hỏi, là UV BCH TƯ Đảng, các vị có theo dõi tình hình, có quan tâm đến các sự kiện trên hay không?
Các vị đọc báo lề Đảng và biết ngày 28 tháng 9 Phó TT Phạm Bình Minh đọc phát biểu ở Liên Hiệp Quốc, có nói đến đa phương hóa quan hệ ở Biển Đông mà không dám đụng đến Trung Quốc. Xin hỏi có vị nào vào mạng xã hội để xem cho biết quang cảnh hội trường và thái độ ông Bình Minh hôm đó. Hội trường gần như vắng tanh, trên các hàng ghế chỉ còn lơ thơ vài người, còn ông Bình Minh nhìn vào giấy, đọc với giọng không có sinh khí. Nhiều người xem xong bình luận, không biết là Bình minh hay Hoàng hôn đây. Nhiều người cảm thấy nhục nhã khi chứng kiến cảnh ông Bình Minh đọc lời phát biểu ở Liên Hiệp Quốc mà nhiều người không muốn nghe, nói gì tới việc hưởng ứng, ủng hộ.
Các vị sẽ thảo luận về hạn chế quyền lực, chống chạy chức chạy quyền nhằm làm trong sạch và củng cố Đảng, nhưng các vị nhắm mắt làm ngơ tai họa bị tình báo TQ cài cắm nhiều gián điệp vào tổ chức (theo tướng công an Trương Giang Long), các vị chủ trương đưa cán bộ sang TQ để họ đào tạo thành một lũ Việt gian, nằm sẵn trong mọi cấp mọi ngành.
Bộ Chính trị, vì một lý do nào đó mà không dám tỏ thái độ kiên quyết, cứng rắn, công khai với bọn xâm lược Trung Quốc. Phải chăng đấy là thể hiện sự hèn yếu, sự run sợ. Còn trong số 180 UV thì sao? Xin hỏi có vị nào hiểu được vấn đề, có được dũng cảm  để đề xuất và yêu cầu Hội nghị thảo luận. Tôi đặt hy vọng vào các vị, cầu xin Thượng Đế hỗ trợ quý vị.
Tôi xin kêu gọi quý vị hãy tìm hiểu kỹ nguy cơ do Trung Quốc gây ra, nguy cơ do sự hèn yếu của một số lãnh đạo bị dọa dẫm, bị mua chuộc, bị khống chế,  nguy cơ do bọn Việt gian, bọn gián điệp phá hoại từ bên trong. Tìm hiểu rồi trăn trở , suy nghĩ, chọn cách hành động dũng cảm với lòng yêu nước thiết tha, trước mối nguy Trung Quốc xâm lược. Cách hành động kịp thời là đề xuất để Hội nghị Trung ương thảo luận và công khai cho toàn dân biết.
Trước tình hình nguy nan của Đất Nước, đã có rất nhiều lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, nhưng chưa thấy ai vạch ra đoàn kết như thế nào. Theo tôi chỉ có thể đoàn kết chung quanh một Hạt Nhân có chính nghĩa, có được niềm tin của Dân.  Hiện nay chưa có một tổ chức nào, chưa có được những con người tạo ra hạt nhân như vậy. Sẽ là tốt khi từ Trung ương Đảng có một số người hợp với nhau để tạo ra Hạt Nhân đó.
Nếu như ở cuộc Hội nghị 11 này không có một tiếng nói nào công khai bàn về đối sách với Trung Quốc, bàn về loại bỏ bọn Việt gian, gián điệp thì cái Đảng này đã thực sự thối rữa, rất khó khôi phục sức mạnh và Đất Nước  đứng trước nguy cơ bị Đảng dâng hiến cho bọn bành trướng.
Hỡi các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Xin hãy sáng suốt, đừng mắc mưu bọn tay sai của Trung Quốc, hãy dũng cảm, phát huy lòng yêu nước để tìm cách cứu Nước, cứu Dân tộc trong lúc này.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
NHÂN HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 11: ĐỪNG SỢ SỰ PHÔ DIỄN CỦA TRUNG QUỐC CỘNG SẢN
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 10-10-2019
1. Ngày 01/10/2019 vừa qua, mang trên mình ngàn mũi tên từ cuộc Thương chiến Mỹ – Trung, trong tâm can thì nhức nhối vì ngọn lửa dân chủ Hong Kong đang bùng phát và sự kháng cự thầm lặng can trường cả triệu người Duy Ngô Nhĩ không lùi bước, thò ra thế giới trên con đường một vành đai thì bị ghẻ lạnh, Tập Cận Bình gồng mình dồn sức cho cuộc diễu binh 70 năm quốc khánh thể chế quái dị Cộng hòa Nhân dân Trung hoa.
Vì thế nên cuộc diễu binh tập trung đến 15.000 lính, phô diễn 580 thiết bị quân sự, trong đó có tên lửa đạn đạo Đông Phương DF – 41 là vũ khí mới nhất được đưa vào biên chế. Nhưng sự hùng tráng bề ngoài không che dấu được bệnh tật bên trong. Dẫu truyền thông Trung Quốc từ ngàn đời là kẻ khoác lác một tấc lên mây.
Ngoài bí mật ăn cắp sáng chế quân sự và copy công nghệ đã được thương mại hóa từ Mỹ và châu Âu, Trung Quốc đã bỏ ra hàng chục tỷ USD để mua máy bay, tên lửa, xe tăng và các khí tài khác của Nga. Cho nên Trung quốc có hùng hồn, rằng tất cả là do Trung Quốc chế tạo, thì vũ khí của Trung Quốc cũng chỉ là hạng hai – Nhái.
Tên lửa Đông Phương DF – 41 được Trung Quốc tô vẽ có tầm bắn 14.000 km, để ba hoa vượt trội tên lửa LGM-30 Minuteman của Mỹ có tầm bắn 13.000 km, và RS-24 Yars của Nga có tầm bắn 12.000 km. Điều này chỉ lừa được một bộ phận người Trung Quốc, mà không làm Mỹ, Nga phải sợ.
Thứ nhất là không ai tin về tầm bắn 14.000 km do Trung quốc tự kê khai. Nhưng quan trọng hơn, thứ hai, là độ chính xác; thứ ba là sức công phá; thứ tư là công nghệ tàng hình sống sót, thứ năm là công nghệ đánh chặn; thứ sáu là khả năng tiếp cận gần mục tiêu. Tất cả thì người Nga và người Mỹ đều vượt trội, nhất là Mỹ.
Đối với Mỹ, nếu Trung Quốc chưa có được lực lượng tàu ngầm và các căn cứ quân sự đồng minh gần nước Mỹ – Điều mà Mỹ có lợi thế hơn hẳn Trung Quốc, thì tầm bắn xa của Đông Phương DF – 41 chỉ là kéo dài thời gian đánh chặn của hệ thống phòng thủ. Nói hơi nhiều về Đông Phương DF – 41 vì Đông Phương DF – 41 là con át chủ bài của Trung Quốc.
Cho đến thời điểm hiện nay và vài chục năm nữa, công nghệ của vũ khí Trung quốc mãi còn là vũ khí hạng hai. Số lượng đông chỉ là lợi thế của một cuộc chiến trên bộ với nước có cùng biên giới. Nhưng công nghệ hạng hai sẽ là tử huyệt thảm bại trên không và trên biển.
Số lượng đông trên bộ cũng chỉ phát huy được một góc độ về ưu thế số lượng. Còn lại là vũ khí chính xác, uy lực, cùng với sự mưu trí và lòng dũng cảm. Điều đó lý giải tại sao, trên bộ, 1 tiểu đội có thể cản phá được 1 đại đội với sự chênh lệch quân số cả hơn chục lần. Minh chứng lịch sử là sự thất bại của Trung quốc trong cuộc chiến tranh tháng 2/1979 mà Đặng Tiểu Bình phải thốt lên “5 đánh 1, 7 đánh 1”. Thời đại ngày nay là của công nghệ. Sự vượt trội công nghệ có giá trị thắng thế đầu tiên trước số lượng. Minh chứng nhãn tiền là sự thắng thế áp đảo của Israel ở Trung Đông mà đến Nga cũng phải né tránh.
Từ vài điều cốt lõi nêu trên để thấy Trung Quốc của Tập Cận Bình không mạnh như Tập Cận Bình phô diễn tại cuộc duyệt binh vừa qua. Chỉ kẻ nhát gan kém hiểu biết mới không đánh giá đúng Trung Quốc – Tập Cận Bình mà vội giơ tay đầu hàng.
2. Việt Nam là quốc gia đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tang thương khốc liệt chống sự xâm lược từ nước ngoài. Ngoài 3 cuộc chiến gần đây với Pháp, Mỹ, Campuchia, còn lại tất cả hơn 15 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thì giặc đều đến từ Trung Quốc. Gần nhất là cuộc kháng chiến chống 60 vạn quân xâm lược Trung quốc vào tháng 2/1979 và cuộc chiến cục bộ biên giới ròng rã 10 năm trời 1979 – 1989 chống lại sự xâm lược của Trung Quốc tại biên giới phía Bắc.
Nêu điều này ra để thấy, Việt Nam đã phải chịu quá nhiều đau thương vì chiến tranh, nên Việt Nam khát khao hoa bình đến cháy bỏng, mà căm thù tất cả những kẻ gây ra chiến tranh.
Nêu điều này ra còn để thấy, dù rất ghét chiến tranh, dù cố gắng né tránh chiến tranh, nhưng để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc, thì Việt Nam sẵn sàng đối mặt với mọi quân thù xâm lược.
Từ ngàn xưa, khi đơn độc mà Việt Nam còn chiến thắng các đế chế xâm lược đến từ Trung Quốc, thì ngày nay trong thế giới tiến bộ văn minh kết nối, Việt Nam lại càng có nhiều phương tiện hơn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là việc của toàn dân. Chỉ có toàn dân mới đủ khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Đây là thời khắc chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc bị Trung Quốc Cộng sản mưu toan xâm lấn. Phải bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc. Để làm được điều này phải hỏi Nhân Dân. Nhân Dân sẽ bảo cho phải làm gì!
3. Tứ bề thọ địch – Trung Quốc Cộng sản thời Tập Cận Bình đang bước dần đến nấm mồ mà lịch sử đã yên định. Người kết liễu thể chế Cộng hòa Nhân dân Trung hoa là nhân dân Trung Quốc chứ không phải ai khác. Hong Kong đang là một trong những điểm xuất phát. Từ đám lửa sẽ bùng lên biển lửa.
N.N.C.

THƯ NGỎ GỬI HỘI NGHỊ LẦN THỨ 11 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHOÁ XII
TƯƠNG LAI/ BVN 9-10-2019
Kính gửi: Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
Tôi là Tương Lai, đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, vào Đảng ngày 6.1.1959 và ngày 2.9. 2017 tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Đảng bị Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, Đảng của Hồ Chí Minh như đã từng giữ đúng phẩm chất và nhân cách của một đảng viên trong suốt 58 năm qua, kính gửi đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN lần thứ 11 những ý kiến dưới đây:
1. Hội nghị TƯ lần thứ 11 họp đúng vào lúc đất nước ta đang đối diện với những nguy cơ lớn do bọn xâm lược Trung Quốc với những toan tính nham hiểm của Tập Cận Bình gây ra. Sự kiện “Bãi Tư Chính” đã phơi bày rõ toan tính nguy hiểm đó: một mặt nhằm mục tiêu lợi dụng tình hình quốc tế đang có nhiều biến động rối ren hiện nay để đẩy tiếp chiến lược độc chiếm Biển Đông, mặt khác muốn lợi dụng thế mạnh áp đảo tại chỗ nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác trong lúc Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn trong đối nối nội và đối ngoại mà giai đoạn đầu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung với những hệ lụy kinh tế và chính trị đối với nội trị Trung Quốc, lò thuốc súng ở Hồng Kông và tác động mạnh đến Đài Loan đang quyết tâm thoát khỏi mưu toan của giải pháp “một quốc gia hai chế độ” của Bắc Kinh.
Không chỉ thế, tờ International Business Times của Mỹ ngày 5.10.2019 đã chỉ rõ hai yếu tố giải thích hành động lần này của Trung Quốc. Thứ nhất là Bắc Kinh muốn tranh giành nguồn dầu khí tại Biển Đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này. Thứ hai, là Bắc Kinh không bao giờ tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng như Việt Nam, thậm chí đã bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc… Việc điều giàn khoan Hải Dương 982 đến Biển Đông cũng nhằm gửi một thông điệp đến Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đang củng cố sự kiểm soát của họ trên các vùng biển tranh chấp, xem đây là “mặt trận thứ hai trong cuộc đối đầu với Mỹ. Lựa chọn mục tiêu Bãi Tư Chính lúc này, Trung Quốc coi đây là hướng duy nhất có thể giành thế chủ động trong đối kháng Mỹ – Trung hiện nay. Nhưng lại cần phải thấy cho rõ, đó là sự lựa chọn trên thế yếu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho dù là sự lựa chọn trên thế yếu về tổng thể, Bắc Kinh lại biết khai thác cái thế mạnh của chúng trước một thể chế độ toàn trị phản dân chủ của Việt Nam đang phải dồn sức vào cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa những nhóm lợi ích, khiến lòng dân ly tán, bộ máy quản lý đất nước rệu rã vì bị chi phối bởi kiểu tư duy nhiệm kỳ tranh thủ “ngoạm một miếng rồi chuồn” mà Lê Nin đã từng chỉ ra từ năm 1918. Kẻ thù đã hiểu được rằng, khi mà bằng cái chiêu bài “ý thức hệ XHCN” với phương châm mười sáu chữ bịp bợm “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan”, chúng đã thao túng được một bộ phận cầm quyền chóp bu khao khát quyền lực bằng những thủ đoạn cực kỳ thâm độc và quen thuộc như xưa kia cha ông chúng đã làm. Chúng nghĩ Việt Nam đang là một miếng mồi ngon dễ nuốt.
2. Phải đau đớn mà nói rằng, lũ hậu duệ của những Minh Thành Tổ với cái “gen di truyền bành trướng Đại Hán” của Đặng, Giang, Hồ, Tập đã thực hiện thành công mưu ma chước quỷ xưa kia bằng cách “hiện đại hoá” những thủ đoạn nham hiểm của cha ông chúng. Gần ba thập kỷ qua, tính từ cái bẫy “Hội nghị Thành Đô” nhục nhã, đặc biệt là từ nhiệm kỳ Đại hội X, qua XI, XII đến nay, chưa lúc nào mà sự thao túng và áp đặt của Bắc Kinh lại trắng trợn và nham hiểm đã được phơi bày trên mọi lĩnh vực rõ đến thế!
Bàn tay lông lá của Cục tình báo Hoa Nam đã thò sâu vào từng ngóc ngách quyền lực từ cơ sở cho đến trung ương, đến cấp cao nhất. Một tướng công an, từng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân chỉ rõ: “Họ tìm cách làm suy yếu nước ta từ bên trong, cài cắm, móc ngoặc, lôi kéo. Hồi xưa chỉ một vài người đã chết, bây giờ con số đã hàng trăm mà không dừng lại, trăm này cộng với trăm kia…”.[1]
Vạch trần bộ mặt ghê tởm của bọn bành trướng Đại Hán, trong cuộc Hội thảo khoa học Vùng Biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế ở Hà Nội ngày 6.10. 2019 vừa rồi, một tướng công an khác đã gợi lên hình ảnh “từng lỗ chân lông của Đặng Tiểu Bình thấm máu người Việt Nam” [2]. Phải chăng đó là lời cảnh tỉnh cho những kẻ ngoan cố quyết bám chặt vào sự bảo kê của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” nhằm giữ bằng được cái ghế quyền lực cho riêng mình và phe nhóm.
Cũng tại cuộc “Hội thảo” này, một nhà văn cảnh báo “Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ mất nước, mà cái tội này là tội ác không thể tha thứ. Lịch sử không thể tha thứ cho bọn bán nước...”[3]. Ấy vậy mà, “mất bãi Tư Chính là mất hết tất cả các đảo còn lại” như nhận định của tướng Lê Mã Lương trong cuộc Hội thảo nói trên. Ấy vậy mà, nếu để “mất bãi Tư Chính là có thể dẫn đến mất Trường Sa và mất biển đảo sẽ dẫn đến mất nước” như đài BBC ngày 6.10.2019 dẫn lời TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách Pháp Luật và Phát triển.
Chắc là các vị Uỷ viên Trung ương dự Hội nghị đều biết được Hội nghị họp trong một bối cảnh vận nước đang chao đảo với lớp lớp sóng triều Biển Đông. Nơi ấy, các chiến sĩ hải quân của chúng ta đang can trường đối phó với các chiến hạm hung dữ của kẻ thù, kỹ sư và công nhân ta trên các “nhà giàn” với các giàn khoan đang ngày đêm hoạt động, ngư dân ta bồng bềnh trên những con thuyền bám biển trước họng súng của bọn cướp biển cắm cờ Trung Quốc.
Lòng dân đang sục sôi trước thế nước trực diện với nạn xâm lăng! Liệu Hội nghị Trung ương của các vị kỳ này có chút vang bóng nào của “Hội nghị Diên Hồng” trong dư âm lời cảnh báo của Trần Hưng Đạo: “Trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng mà phải hầu quân giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến nguỵ sứ mà không biết căm”…. “giặc Nguyên là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ đế việc diệt thù, lại không biết dạy dỗ quân sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc… khiến phải chịu tiếng xấu muôn đời, còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa”. Tôi tin chắc rằng đang có nhiều Uỷ viên Trung ương, kể cả một vài người trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư vẫn lưu chảy trong huyết quản của mình tâm huyết và khí phách của Trần Hưng Đạo, của truyền thống yêu nước và ý chí quật cường của ông cha ta, không chấp nhận đường lối quy phục, không cam chịu thân phận chư hầu của “thiên triều” để giữ cái ghế quyền lực đang bị dân xa lánh, phỉ nhổ. Họ đang âm thầm nhẫn nại đợi thời cơ để không hổ thẹn với dân, với nước, với con em mình và với chính mình.
Trong tuyên bố từ bỏ đảng của Nguyễn Phú Trọng thao túng, tôi cũng đã từng viết ra điều ấy: “…Sự phân hoá trong nội bộ các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất, các nhân tố cấp tiến chống lại sự bảo thủ giáo điều nhằm bám chặt cái ghế quyền lực được bảo kê bởi Bắc Kinh là một thực tế. Đó là một tất yếu của mọi thực thể sống luôn diễn ra “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” mà Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc… Tôi hiểu rõ tôi không đơn độc. Trong Đảng còn nhiều đảng viên vẫn còn giữ được lý tưởng và phẩm cách đảng viên Đảng của Hồ Chí Minh, họ đang thầm lặng nung nấu ý chí chiến đấu bằng những cách riêng của mỗi người. Khát vọng xây dựng lại đất nước của lớp người đã ngoài 80, lớp người lót đường như tôi, sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ và đang lớn lên… Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm, và họ sẽ biết cần phải làm như thế nào”. Đây cũng là những điều tôi đã viết trong Tiểu luận “Chân lý là cụ thể” tháng 8.2005, vừa in thành sách năm 2019 đã nhờ một vị thiếu tướng Công an trong dịp đến “thân tình thăm hỏi” gần đây, nhờ chuyển cho ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên Giáo, và cũng bằng nhiều người quen khác nhờ gửi đến một vài vị trong Bộ Chính trị.
3. Vậy thì, để chuẩn bị cho sự xuất hiện ấy, giờ đây, phải dứt khoát loại bỏ những kẻ quyết đẩy đất nước vào con đường lệ thuộc vào Bắc Kinh, đang ngoan cố duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ nhằm vớt vát chút quyền uy đã mục ruỗng nhờ vào sự hà hơi tiếp sức của kẻ thù mang mặt nạ “cùng chung ý thức hệ XHCN”. Không thể trông chờ gì một chuyển đổi theo hướng dân chủ hoá, tiền đề của việc tạo ra sức mạnh nội sinh để đủ lực chống chọi lại với quân xâm lược đang lăm le thực hiện tham vọng trắng trợn của chúng. Đó cũng là điều Bắc Kinh lo sợ và ra sức ngăn chặn nên chúng sẵn sàng loại bỏ những kẻ mà chúng đã dựng lên để tiện bề thực hiện tham vọng bành trướng của chúng. Bởi vây, những kẻ đã bị Tập Cận Bình khống chế không bao giờ dám trái lệnh người nắm vận mệnh của mình. Chuyện thay ngựa giữa dòng đang là cơn ác mộng của những người trót đã bán mình cho quỷ dữ. Đã đến lúc mà những người mang danh là gánh vác trọng trách với dân cần thấy thật rõ điều mà một người dân bình thường với đầu óc không quá lú lẫn cũng thấy được. Nếu dân chủ hoá là điều tối kỵ đối với mọi chế độ toàn trị phản dân chủ thì với “hoàng đế Tập Cận Bình” và những kẻ do hắn tạo dựng nên càng là nỗi ám ảnh khủng khiếp. Đối với những não trạng đã đặc kín mớ giáo điều cũ kỹ nhưng lại là bùa hộ mệnh để có thể giữ được cái ngai vàng trong cuộc tranh giành quyền lực thì lại càng khủng khiếp hơn với ám ảnh ấy. Cho nên, chuyện “kiểm soát quyền lực” chỉ là trò chơi ngôn từ nhằm che dấu những toan tính tranh giành quyền lực ấy mà thôi . Khi mà “tam quyền phân lập”, một thành tựu của quá trình lịch sử dài lâu mà nhân loại có thể đạt được trong việc chế ngự và kiểm soát được phần nào sự tiếm quyền và lũng đoạn quyền được dân trao cho lại bị coi là suy thoái về tư tưởng và đạo đức như Nguyễn Phú Trọng từng công khai tuyên bố để giữ bằng được chế độ toàn trị phản dân chủ thì người kiểm soát quyền lực là ai nếu không phải là Trọng và phe nhóm của ông ta? Không chấp nhận con đường dân chủ hoá để huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức và thế hệ trẻ của thời đại công nghiệp 4.0 thì không thể giữ được độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân, kế tục được truyền thống bất khuất quật cường của dân tộc Việt Nam từng đánh tan quân xâm lược Trung Quốc cho dù chúng hung bạo đến đâu, càng không thể tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế trên quá trình hội nhập với thế giới văn minh.
Sẽ là quá muộn nếu các vị Uỷ viên Trung ương đang họp Hội nghị 11 không đưa vấn đề chống Trung Quốc xâm lược thành đòi hỏi cấp bách nhất trong tình hình kẻ thù ngang ngược và trắng trợn thực hiện mưu toan thâm hiểm tại Bãi Tư Chính. Nhằm tạo dựng được một quyết sách đúng trong bối cảnh thế nước chênh vênh hiện nay, để chống xâm lược, việc lựa chọn bạn đồng minh để tiếp thêm sức mạnh phòng thủ đất nước chống lại quân xâm lược gắn liền với việc đẩy tới quá trình dân chủ hoá nhằm tạo ra động lực mới là hai mặt của một vấn đề. Sẽ không thể có bạn đồng minh đúng nghĩa nếu không có quyết tâm đẩy mạnh dân chủ hoá đất nước, gọi dậy những tiềm năng đang còn ấp ủ, khởi động những sức mạnh đang còn nung nấu không phân biệt chính kiến, tín ngưỡng, ý thức hệ để hướng về mục tiêu giữ nước và xây dựng đất nước bao đời ông cha để lại.
Tôi tin chắc rằng và cũng hy vọng rằng niềm tin ấy không là ảo tưởng, các vị Uỷ viên Trung ương sẽ biết cách hành động phù hợp với lương tri, lương năng của một người Việt Nam yêu nước, thương nòi, không nấn ná đợi chờ khi thời gian đang trôi đi rất nhanh để không phải hổ thẹn với con em mình khi đối diện với ánh mắt trông chờ của chúng. Kính chúc sức khoẻ quý vị, chúc Hội nghị có những bước đột phá mà dân mong đợi.
_____
1. Trương Giang Long.Wikipedia Tiếng Việt . 2. “Tiếng Dân” ngày 6.10.2019 dẫn lời TS Nguyễn Xuân Diện Diện: “Thiếu tướng Lê Văn Cương trình bày tham luận tại hội thảo, mở đầu tham luận, tướng Cương lên án Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông. Ông Cương nói: “Từng lỗ chân lông của Đặng Tiểu Bình thấm máu người Việt Nam“. 3. Nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu tại Hội thảo.
Ngày 7.10.2019
T.L.
Tác giả gửi BVN
QUỐC PHÒNG VIỆT NAM: CHÍNH SÁCH 'KHÔNG LIÊN MINH QUÂN SỰ ' ĐANG GÂY NGUY CƠ GÌ ?
CÙ HUY HÀ VŨ/ BBC/ BVN 9-10-2019
Vào tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Obama đã tung ra chiến lược mới:”Xoay trục sang châu Á” (Pivot to Asia) để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trong khu vực nói chung, Biển Đông nói riêng.
Để triển khai, Báo cáo Chiến lược Quân sự Quốc gia của Mỹ năm 2012 nhấn mạnh nước này phải phát triển quan hệ quân sự với Việt Nam, xây dựng Việt Nam trở thành đối tác chiến lược mới.
Bằng chứng ngoạn mục nhất của quyết tâm “biến cựu thù thành đồng minh” của Tổng thống Obama là việc ông đón tiếp chính thức tại Nhà Trắng Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015. Thực vậy, đây là lần đầu tiên một người đứng đầu một đảng Cộng sản được Mỹ tiếp đón cấp Nhà nước.
Tổng thống Trump, về phần mình, tiếp tục chiến lược “Xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm nhưng với cái tên mới: “Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Nếu như Chính quyền Obama để lại dấu ấn với việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam thì Chính quyền Trump năm 2018 đưa ra Chiến lược Quốc phòng (NDS) coi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất”, được minh họa một cách ấn tượng bằng việc tàu sân bay USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng, sự kiện chưa từng có thuộc loại này kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm 1975.
Tóm lại, theo quan điểm của tôi, người đã có nhiều cuộc trao đổi với giới quan sát chính sách đối ngoại của Washington, Mỹ nay đã sẵn sàng cho một liên minh quân sự với Việt Nam để chống Trung Quốc độc chiếm Biển Đông cho dù vẫn luôn quan ngại về dân chủ và nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này.
Sập bẫy Trung Quốc
Về phần mình, ban lãnh đạo Việt Nam cho đến nay giữ một thái độ tiêu cực với một ý tưởng quốc phòng như vậy khi theo đuổi chính sách “Ba Không”.
Hồi thăm Trung Quốc tháng 10/2010, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Việt Nam không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia, gọi đó là chính sách “Ba Không”.
Ngày 24-9-2014, bốn tháng sau khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc Hoàng Sa, sự kiện gây ra một làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc trên cả nước với quy mô lớn chưa từng có, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tái khẳng định chính sách “Ba Không”.
Chính sách này mới đây đã được luật hóa bằng Khoản 3 Điều 4 Luật Quốc phòng 2018, có hiệu lực từ 01/01/2019.
Nhưng lý do đằng sau chính sách “Ba Không” xuất phát từ sự kiện Hà Nội mất đồng minh Liên Xô.
Khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu bắt đầu sụp đổ vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước (1), một cách bản năng ban lãnh đạo Việt Nam xác định bảo vệ chế độ cộng sản trong nước là ưu tiên hàng đầu trong khi Việt Nam không còn nhận được viện trợ từ đồng minh quân sự Liên Xô để duy trì cuộc chiến chống Khmer Đỏ được Trung Quốc chống lưng ở Campuchia.
Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, vốn bị cắt đứt bởi cuộc chiến tranh xâm lược do chính láng giềng phương Bắc này phát động vào năm 1979, vì vậy được đặt ra một cách khẩn cấp. Điều này không những tạo điều kiện cho việc đạt thỏa thuận với Trung Quốc về việc Khmer Đỏ không quay trở lại cầm quyền một khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, mà quan trọng hơn, giúp chính quyền cộng sản Việt Nam đối phó thành công với những cuộc phản loạn tiềm tàng được “các thế lực thù địch quốc tế” yểm trợ.
Thực vậy, Trung Quốc không chỉ có cùng chế độ chính trị mà còn chung biên giới, rất thuận tiện cho việc trở thành “hậu phương lớn” cho Đảng cộng sản Việt Nam trong tình huống chống lật đổ nói trên, như nước lớn này đã từng là trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đây.
Lẽ dĩ nhiên Trung Quốc nắm ngay cái “thóp” này của ban lãnh đạo Việt Nam để đẩy mạnh hơn nữa xâm lược đảo và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, Đặng Tiểu Bình đã mời ban lãnh đạo Việt Nam đến Thành Đô, Trung Quốc vào tháng 9/1990 để thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, điều này đã được thực hiện một năm sau đó, vào tháng 11/1991. Tuy nhiên, Trung Quốc hiểu toan tính của họ chỉ có thể được thực hiện trót lọt chừng nào Việt Nam còn đơn độc về quân sự, cụ thể không phải là đồng minh quân sự của bất cứ nước nào, nhất là Mỹ.
Do đó, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, từ Giang Trạch Dân cho đến Tập Cận Bình, đều ra sức khoét sâu nỗi lo “mất Đảng”, “mất chế độ xã hội chủ nghĩa” của ban lãnh đạo Việt Nam và nêu cao tương đồng chế độ chính trị hai nước. Họ đưa ra những khẩu hiệu “lý tưởng tương đồng”, “vận mệnh tương quan”, “đồng chí tốt” với kết cục là ban lãnh đạo Việt Nam đã mắc bẫy “dương Đông kích Tây” của Trung Quốc khi đồng ý lấy đó làm phương châm để xử lý quan hệ giữa hai nước.
Nói cách khác, sẽ không có chuyện Việt Nam tìm kiếm ủng hộ quân sự từ cường quốc khác, nhất là với Mỹ, vốn được coi là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản. Chính sách “Ba Không” mà cốt lõi là “không liên minh quân sự” từ đó mà ra.
Điều cần lưu ý là chính sách “không liên minh quân sự” không chỉ dẫn đến mất lãnh thổ và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông vào tay Trung Quốc mà còn đe dọa an ninh tổng thể của Việt Nam trong trường hợp chiến tranh xâm lược năm 1979 được lặp lại.
Thực vậy, so với cách đây 4 thập kỷ sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã có bước nhảy vọt với chi phí quốc phòng lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ, mà cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hôm 1/10 đã cho thấy rõ, và nhất là người Trung Quốc đã chiếm cứ dưới vỏ bọc kinh doanh hầu hết các khu vực xung yếu về an ninh – quốc phòng của Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là trong tình huống “mất Nước” như vậy liệu quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam có còn tồn tại?
Tôi khẳng định là “KHÔNG” vì lịch sử của chính đảng này cho thấy cho thấy khi một chính quyền để mất Nước thì nhân dân tất đứng lên để thay thế chính quyền ấy bằng một chính quyền cứu Nước. Thực vậy, Cách mạng Tháng 8 năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (tên gọi lúc đó của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã phế bỏ Nhà Nguyễn, một chính quyền đã để mất Nước vào tay Pháp rồi Nhật, để thiết lập nền Dân chủ Cộng hòa và tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9 cùng năm.
Tóm lại, chính sách “không liên minh quân sự” chẳng những không giữ được Nước trước xâm lược Trung Quốc mà cũng không giữ nổi chế độ cộng sản, hay làm Đảng cộng sản Việt Nam “mất cả chì lẫn chài” như cách nói của người xưa.
‘Đi với Mỹ không mất Đảng’
Câu hỏi tiếp theo là liệu liên minh quân sự với Mỹ có dẫn đến “mất Đảng”? Câu trả lời của tôi tiếp tục là “KHÔNG”.
Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt cùng với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, Mỹ không còn coi chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ. Ngược lại, chủ nghĩa bành trướng bằng vũ lực của Trung Quốc, cụ thể là mưu toan biến Biển Đông thành “ao nhà” của nước này đe dọa trực tiếp quyền tự do đi lại trên biển nói riêng, lợi ích của Mỹ với tư cách cường quốc toàn cầu nói chung.
Do đó, Mỹ sẽ không tự bắn vào chân mình khi đánh đổi đồng minh đầy tiềm năng và hơn thế nữa, chủ chốt, trong chiến lược của mình chống bành trướng Trung Quốc để lấy thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Nhưng Mỹ sẽ không tìm kiếm liên minh quân sự với Việt Nam bằng mọi giá, mà phải trên cơ sở nước này cải thiện nhân quyền và dân chủ cũng như thúc đẩy Nhà nước pháp quyền theo một lộ trình có thể kiểm chứng.
Câu hỏi còn lại là liệu Mỹ có “hy sinh” Việt Nam với tư cách đồng minh quân sự cho quan hệ Mỹ – Trung như Mỹ đã từng “bỏ rơi” Việt Nam Cộng hòa? Câu trả lời của tôi là “KHÔNG” vì tình hình Việt Nam và quốc tế đã khác hẳn.
Từ năm 1972 Mỹ đã quyết định rút khỏi cuộc chiến ở Việt Nam vì địch thủ – Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lực lượng cộng sản miền Nam, là người Việt Nam, khiến Mỹ không có sự chính danh ngay từ trong nước như khi chống các nước xâm lăng Đức, Ý, Nhật hồi Thế Chiến 2.
Tiếp theo, rút quân khỏi Việt Nam, đồng nhất với loại bỏ nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp với Trung Quốc, đã mang lại cho Mỹ một sự hòa hoãn đáng kể với Trung Quốc để từ đó dùng nước này cho mặt trận phá Liên Xô, trụ cột của chủ nghĩa cộng sản thế giới. Mục tiêu này đã được hoàn thành với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, đồng nhất với sự kết thúc chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản của Mỹ và các nước phương Tây khác được biết dưới cái tên “Chiến tranh lạnh”.
Nay, chiến lược của Hoa Kỳ là chống Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực ở Biển Đông, và ở đây Việt Nam đóng vai trò then chốt nên Washington sẵn sàng sát cánh với Việt Nam về quân sự. Như vậy, chỉ khi nào Trung Quốc từ bỏ tham vọng của mình ở biển Đông thì Mỹ mới có thể thôi là đồng minh của Việt Nam.
Bài học từ Cuộc chiến 1979 cho thấy nếu Việt Nam có được quan hệ ngoại giao với Mỹ ngay sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975 thì đã không bị Bắc Kinh tấn công. Do đó, Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ sớm ngày nào thì nguy cơ tiếp tục mất đảo, mất quyền chủ quyền trên Biển Đông vào tay Trung Quốc cũng như nguy cơ hứng chịu một cuộc chiến tranh trên biển lẫn đất liền bị đẩy lùi ngày ấy.
Hy vọng dưới sự điều hành Tổng bí thư, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người mới đây kêu gọi “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên tối cao” trong bối cảnh đội tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục tiến sâu vào bãi Tư Chính (Vanguard Bank) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hội nghị Trung ương Đảng CSVN lần thứ 11 (khoá XII), đang diễn ra tại Hà Nội, sẽ tạo đột phá với việc từ bỏ chính sách ‘Ba Không” để hướng tới một liên minh vì an ninh chung của hai nước Việt – Mỹ.
C.H.H.V.
Ghi chú: Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, hiện sống tại Washington DC. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân.
Tác giả gửi BVN. Bài cũng đã đăng BBC tiếng Việt

ÔNG TRỌNG NÓI TỚI BIỂN ĐÔNG ĐỂ LÀM GÌ ?
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 9-10-2019
Trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị 11 – Trung ương ĐCSVN, ông TBT Nguyễn Phú Trọng có đề cập đến 2 từ Biển Đông trong mục 4. Về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 – 2020, nội dung như sau : Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua. Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế – xã hội nước ta trong năm 2020.
Một vài người mới nghe qua, vội vàng hưởng ứng, cho rằng sau 3 tháng im lặng, bây giờ người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã nói tới Biển Đông. Nhưng xin hãy nghe cho kỹ ông ta nói cái gì. Ông ta không nói riêng về Biển Đông và đặc biệt là về sự kiện Bãi Tư Chính mà chỉ ngụeo vào một chút để xác định mục tiêu kinh tế năm 2020.
Nói tới Biển Đông, trước mắt phải đề cập đên Bãi Tư Chính, đến  nguy cơ xâm lược của Tàu Cộng, nguy cơ mất biển, mất đảo, dẫn tới nguy cơ mất nước. Còn ông Trọng nói tới Biển Đông là để :“Từ đó xác định mục tiêu tổng quát….cho kinh tế năm 2020”
Như vậy về sự kiện Bãi Tư Chính thì cho đến nay ông Trọng vẫn ngậm miệng. Xin bà con chớ vội nghe hơi nồi chõ, rằng ông Trọng đã mở mồm về Biển Đông mà vội đánh giá sai tình hình.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
DÃ TÂM CỦA TRUNG QUỐC VÀ THỰC TÂM CỦA 'ĐẢNG TA'
QUÁCH HẠO NHIÊN/ viet-studies 8-10-2019
Ngay khi vừa kết thúc lễ kỷ niệm 70 năm lập quốc, nhất là sau khi nhận được thư chúc mừng của Đảng, Chính Phủ và Nhà nước Việt Nam, Tập Cận Bình đã “đáp lễ” lại bằng việc đưa giàn khoan 982 ra biển Đông cùng với đó là tiếp tục cho tàu Hải Dương 8 xâm phạm Bãi Tư Chính của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế. Hội nghị Trung ương 11, khoá 12 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước vừa được khai mạc trong bối cảnh và tình hình như thế. Với khoảng 1 tuần làm việc, liệu “Đảng ta” sẽ sáng suốt để đưa ra những quyết sách tối ưu (cả trước mắt lẫn lâu dài) để đối phó với người “bạn vàng” này? Phải chăng đã đến lúc ông Trọng và những đồng chí của mình cần phải đưa ra sự lựa chọn như là một mệnh lệnh bắt buộc không thể khác: giữ Đảng hay giữ Đảo, tiếp tục nhúng nhường hay thậm chí chấp nhận đánh đổi chủ quyền quốc gia để đổi lấy “tình hữu nghị viển vông” với Trung Quốc?
Một sự “ngây thơ” cố hữu của đám đông dân chúng?
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị sáng ngày 7/10/2019, ông Nguyễn Phú Trọng có đề cập đến vấn đề “đề nghị Trung ương phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học tình hình trong nước và thế giới, nhất là tình hình Biển Đông, để có chính sách, biện pháp phù hợp” [1]. Phát biểu này ngay lập tức đã trở đề tài bàn tán khá sôi nổi trên các diễn đàn mạng với khá nhiều ý kiến thể hiện sự “kỳ vọng’, “tin tưởng” vào “tấm lòng” và “tài thao lược’ của ông Trọng đặc biệt phải kể không ít facebooker tên tuổi hiện nay. Tôn trọng quan điểm và ý kiến đa chiều của mọi người, tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng phải chăng có một sự nóng vội và cảm tính trong tâm lý tiếp nhận và phân tích thông tin trên của không ít người? Hay nói khác đi, trước những “nước cờ” chính trị của “Đảng ta” một lần nữa đám đông dân chúng lại tiếp tục cho thấy sự “ngây thơ” và cả tin rất… “trẻ con” (chữ dùng của cố GS Hoàng Ngọc Hiến) - một đặc điểm có tính “truyền thống” cố hữu của người Việt xưa nay. Bởi nếu bếu bình tĩnh quan sát, sẽ thấy ý kiến của ông Trọng ở trên là rất bình thường vì nó đơn giản chỉ là cách nói quen thuộc, thường thấy của những người đứng đầu tại bất kỳ hội nghị, hội thảo lớn nhỏ nào ở Việt Nam lâu nay. Có 3 dữ kiện quan trọng để tôi khẳng định điều này là:
Thứ nhất, như có bàn tay ai đó đã “đạo diễn” và chuẩn bị từ trước, nên ngay sau phát biểu trên của ông Trọng, lập tức tất cả các cơ quan truyền thông trên cả nước đều đồng loạt đăng tải (thậm chí giống nhau cả về tít bài). Phải chăng đây chính là kế sách và động thái tuyên truyền của “Đảng ta” nhằm mục đích trấn an dân chúng trong bối cảnh tình hình Bãi Tư Chính đang rất phức tạp và thông tin về cuộc biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh của người dân Hồng Kông lan tỏa chóng mặt trên không gian mạng?
Thứ hai, nhiều người tỏ vẻ hân hoan và “tin tưởng” ông Trọng với chi tiết ông “đề nghị Trung ương phân tích, dự báo về tình hình biển Đông…” nhưng tiếc thay lại không chịu bình tâm đọc hết bài phát biểu của ông ấy do các cơ quan truyền thông thuật lại. Thực ra, đó chỉ là một chi tiết rất nhỏ được các cơ quan truyền thông tách ra khỏi văn bản rồi giật thành tít bài mà thôi. Và tất cả đều nằm trong nội dung và chương trình được chuẩn bị trước đó là: đánh giá “kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tập trung vào 10 năm gần đây; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước); định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển...” [2]
Cuối cùng, nếu tính từ sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam năm 2014 đến nay nhìn chung ông Trọng và “Đảng ta” vẫn chưa có một động thái nào cho thấy sự quyết liệt, mạnh mẽ gửi đến chính quyền Tập Cận Bình. Trái lại, từ sau sự kiện ấy là sự tăng cường cảnh giác và sẵn sàng đàn áp, dập tắt ngay những cuộc biểu tình ôn hòa của dân chúng trong nước. Không những vậy, sau sự kiện giàn khoan 981 một năm, dưới thời ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội, họ Tập còn được ông Trọn và “Đảng ta” mời qua phát biểu ngay giữa Hội trường Diên Hồng trước hàng trăm đại biểu quốc hội và toàn thể dân chúng – một sự kiện có lẽ là “có một không ai” trong lịch sử lập quốc của dân tộc khi kẻ vừa xâm phạm chủ quyền quốc gia lại được đón tiếp ân cần, trọng thị như thế (như thể minh chứng cho sự chung thủy, sắt son của “Đảng ta” với người “bạn vàng” của mình) [3]. Có thế nói, chính sự nhún nhường nếu không muốn nói là nhu nhược này đã tạo cơ hội cho họ Tập được “đằng chân lân đằng đầu”. Sự kiện Bãi Tư Chính hiện nay là minh chứng rõ ràng nhất. “Đảng ta” càng nhân nhượng thì “bạn vàng” của Đảng càng lấn tới.
Ai đủ năng lực và dũng khí để phân tích và dự báo khách quan, khoa học và trung thực về tình hình biển Đông hiện nay?
Khi ông Trọng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị lần này phải “phân tích và dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua” có một vấn đề lớn không thể không đặt ra là: có bao nhiêu đại biểu trong khoảng 180 ủy viên Trung ương có đủ trình độ, năng lực và dũng khí để làm việc trên?
Trước hết, dù ông Trọng đề nghị tất cả các đại biểu dự Hội nghị phải thảo luận phân tích nhưng thử hỏi liệu ai sẽ là người dám “tử vì đạo” để công khai phát biểu một cách khách quan và trung thực vấn đề trên trong bối cảnh tất cả đều đang rất thận trọng “thu mình”, “giữ mồm, giữ miệng, giữ ghế” nhằm chuẩn bị cho việc bầu bán trong kỳ Đại hội sắp tới?
Quan trọng hơn, để có thể “phân tích và “dự báo” thật khoa học và căn cơ các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo trên biển Đông hiện nay nhất định phải là những chuyên gia thực thụ, có uy tín cả trong lẫn ngoài nước. Cụ thể, phải là người thật sự có những hiểu biết chuyên sâu, có trình độ ngoại ngữ; có khả năng đọc và hiểu được tư liệu và các bản đồ cổ về chủ quyền trên biển; phải có kiến thức và nắm vững luật pháp quốc tế; phải có sự nghiên cứu sâu rộng để hiểu được những âm mưu thủ đoạn, chiến lược, sách lược của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam… Với những yêu cầu như vậy thì liệu có bao nhiêu ủy viên Trung ương hiện nay đảm đương nổi?
Nhân đây cũng xin nói thêm, hiện nay ở Việt Nam những chuyên gia thực thụ trong vấn đề này tuy phải là không hiếm nhưng đa phần đều bị “Đảng ta” đã và đang tìm mọi cách “gạt ra bên lề”. Thậm chí nhiều người trong số họ còn bị những người có trách nhiệm trong bộ máy tuyên truyền “cẩm cửa”, không cho xuất hiện trước công chúng hoặc trên các phương tiện truyền thông. Tệ hơn nữa tất cả đều bị Đại tá – nhà báo thuộc báo Quân Đội nhân dân Nguyễn Văn Minh chụp cho cái mũ phản động và thù địch lên đầu trong chuyên mục “chống diễn biến biến hòa bình” do anh ta trực tiếp phụ trách. Tuy vậy, một cách nghiêm túc nhất, theo tôi, lẽ ra ông Trọng và “Đảng ta” cần phải chân thành nói lời cảm ơn chuyên gia này mới phải. Vì thời gian qua tuy bị “gạt ra bên lề” nhưng trong tư cách của những nhà nghiên cứu tự đo, độc lập, nhiều người (cả trong lẫn ngoài nước) vẫn có những công trình, bài viết, ý kiến rất sâu sắc và có giá trị góp phần vào việc phản bác các lập luận ngang ngược của Trung Quốc trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế. Trong chuyện này, có thể thấy, “Đảng ta” một mặt cấm cửa họ, tìm mọi cách ngăn cản đám đông dân chúng tiếp xúc với các bài viết và quan điểm của họ trên các trang mạng trong và ngoài nước nhưng lại âm thầm theo dõi, nghiên cứu lấy đó làm tư liệu để đối phó với dã tâm của Trung Quốc. Cách hành xử này theo tôi là rất không đẹp.

Đảng hay Đảo, chủ quyền quốc gia hay tình hữu nghị giả tạo, viển vông?
Có một sự trùng hợp này khá thú vị là ngay ngày khai mạc Hội nghị 11, báo Thanh Niên (đặc biệt là báo giấy) đã cho lên trang nhất bài viết nhan đề:“Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở biển Đông” [4]. Với tôi, dù vô tình hay cố ý thì trước hết cũng phải khen ngợi báo Thanh Niên với tít bài này. Chưa bàn đến những nội dung cụ thể, chỉ riêng tít bài đã cho thấy quan điểm và thái độ khá quyết liệt và mạnh mẽ của báo Thanh niên. Nếu xem báo chí là diễn đàn ghi nhận và phản ánh tiếng nói của người dân thì đây có thể xem là một thông điệp rất cụ thể và rõ ràng mà đân chúng hôm nay gửi đến cá nhân ông Trọng và “Đảng ta”. Nghĩa là, lâu nay nói về cái dã tâm của Trung Quốc thì gần như không một người dân Việt Nam nào là không biết. Với trí tuệ “sáng suốt” của mình, “Đảng ta” chắc chắn cũng đã nhìn thấy sự bất bình dân chúng mỗi khi có những sự kiện nào đó dính dáng tới họ. Hay nói khác đi, “lòng dân” đã quá rõ ràng rồi vấn đề còn lại là “ý Đảng” hiện nay như thế nào mà thôi. Quyết tâm giữ gìn biển đảo của cha ông bằng cách dũng cảm thoát ra khỏi cái “bẫy ý thức hệ” cũng như quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong đối ngoại nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế hay tiếp tục duy trì cái “tình hữu nghị viển vông” như hiện nay để rồi chủ quyền quốc gia dân tộc từng bước bị họ Tập lấn chiếm và thôn tính? Có một điều thuộc về quy luật của cuộc sống đó là đôi khi anh phải biết dừng lại đúng lúc để giữ gìn phẩm giá và sự kính trọng ghi nhớ của người khác thay vì cứ cố níu kéo chút hào quang xưa cũ để rồi sai lại càng sai. Hay nói khác đi đó là quy luật “biết buông sẽ còn, cố giữ sẽ mất”.
Ông Trọng đã nhiều lần phát biểu trước quốc dân đồng bào về những thành tựu trong việc xây dựng đất nước suốt mấy mươi năm qua do Đảng của ông lãnh đạo và bản thân ông cũng hơn hai nhiệm kỳ nắm quyền điều hành tuyệt đối. Thậm chí ông từng bảo đất nước này “chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay”. Tôn trọng quyền tự do ngôn luận của ông, tôi cho rằng, với cương vị của mình, ông Trọng hoàn toàn có quyền nói và tự hào như thế với các đồng chí cũng là cấp dưới trong Đảng của ông (trên dưới 4 triệu người). Thế nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ thuyết phục 90 triệu dân chúng ngoài Đảng trong đó có cá nhân tôi. Bởi vì “cơ đồ của dân tộc”, của đất nước hoàn toàn khác với cái “cơ đồ của Đảng” hiện nay do ông đứng đầu. Mọi sự đánh đồng hai khái niệm, hai vấn đề này theo tôi đều là cố tình ngụy biện và dối trá.
Đất nước hiện đang bị thao túng bởi một nhóm lợi ích thân hữu, ông Trọng đang phải rất vất vả xử lý để niềm tin của người dân. Ngoài ra, sự suy đồi và xuống cấp của đạo đức xã hội cũng đang bắt đầu “chạm đáy”. Trong khi đó, ngoài biển Đông thì người “bạn vàng” của ông vẫn đang ngày đêm gây hấn và lần đầu tiên giữa Hội nghị Trung ương ông đã lên tiếng yêu cầu các đồng chí của mình phải“phân tích và dự báo” … Chỉ 3 vấn đề lớn này thôi đã cho thấy ông đã tự mâu thuẫn với chính mình khi luôn miệng tự hào về những “thành tựu to lớn” hay cái “cơ đồ” sáng lạn của đất nước chưa thời nào sánh bằng.

Thay lời kết
Tóm lại, bàn về những kế sách chiến lược nhằm để xây dựng và phát triển đất nước trong đó có vấn đề về biển Đông, ông Trọng và “Đảng ta” nếu muốn và thấy cần thiết thì cứ tiếp tục duy trì tình hữu nghị với ĐCS Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ mong ông hãy tỉnh táo và sáng suốt đừng nên nhập nhằng, đánh đồng giữa chế độ và dân tộc; hay nhân danh 90 triệu người dân ngoài Đảng bảo rằng đó là “ý chí và nguyện vọng của toàn dân ta”. Bất kỳ người dân Việt nào cũng có quyền và nghĩa vụ đóng góp và xây dựng quê hương, quốc gia Việt Nam dưới những hình thức và những cách làm khác nhau và chắc chắn không một người dân nào có thể làm ngơ trước nguy cơ quốc gia dân tộc bị ngoại bang xâm lấn. Ông Trọng và “Đảng ta” cứ tiếp tục mối quan hệ truyền thống với ĐCS Trung Quốc nhưng xin đừng tạo cơ hội cho họ bắt cả dân tộc này làm con tin vì sự duy ý chí và sai lầm của mình. Nếu không lịch sử và cháu con đời sau chắc chắn sẽ ghi lại và nguyền rủa đến muôn đời.
CT, 8/10/2019
Q.H.N
---------
Chú thích nguồn tham khảo:

[1], [2]: Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Phân tích có căn cứ, cơ sở tình hình Biển Đông”. https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-phan-tich-co-can-cu-co-so-tinh-hinh-bien-dong-1134310.html

 [3]:“Ông Tập Cận Bình phát biểu 20 phút tại Quốc hội Việt Nam”.
[4]: “Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở biển Đông”. https://thanhnien.vn/thoi-su/da-tam-bat-tan-cua-trung-quoc-o-bien-dong-1134047.html

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 8-10-19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét