Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

20190428. ẢNH HƯỞNG CỦA THAM NHŨNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
THAM NHŨNG DÙ LỚN HAY NHỎ ĐỀU LÀ KẺ THÙ CỦA TĂNG TRƯỞNG

BÙI TRINH/ TBKTSG 26-4-2019

(TBKTSG) - Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố, cho thấy bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại.
Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.

Tỷ lệ doanh nghiệp có trả chi phí không chính thức, theo khảo sát từ năm 2006 - 2018.
Khi đọc báo cáo của VCCI trong hai năm 2017 và 2018, người ta có cảm tưởng nó cũng giống như báo cáo của Tổng cục Thống kê hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tức là năm nào cũng có “chuyển biến tích cực”. Nhưng phải khẳng định rằng 58% số doanh nghiệp trong nước bị nhũng nhiễu và 54% doanh nghiệp trong nước vẫn phải trả chi phí bôi trơn là con số rất lớn.
Trong khi đó, theo VCCI, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có “Cảm nhận tích cực về triển vọng phát triển còn rõ rệt hơn ở các doanh nghiệp trong nước, có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011”. Điều này phải chăng phản ánh sự nhũng nhiễu, bôi trơn chỉ phổ biến đối với doanh nghiệp trong nước?
Bản báo cáo cho rằng chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước và môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Nhưng, cũng theo báo cáo này, vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân.
Đối với doanh nghiệp, việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn; thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, quản lý thị trường, giao thông vận tải. Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp, còn ít được cải thiện...
Nhận định chi phí không chính thức giảm, đặc biệt tham nhũng vặt giảm rõ rệt, dù đó là sự so sánh giữa các kết quả khảo sát, nhưng cũng chưa thể lấy đó làm mừng, vì tình trạng doanh nghiệp phải bôi trơn, bị nhũng nhiễu khiến họ phải kêu than còn nhiều lắm, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa có giải pháp, hành động quyết liệt để giải quyết.
Những con số thực tế trên cũng cho thấy vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức cố tình hành doanh nghiệp để buộc họ phải “lót tay” - đưa phong bì. Khi nào bộ máy còn những cán bộ như vậy thì nền kinh tế còn bị ngáng chân, doanh nghiệp, người dân còn phải khổ sở.
Chính phủ nói nhiều về điều kiện kinh doanh được cắt bỏ hoặc đơn giản hóa, nhưng vì sao chưa tạo được nhiều tác động tích cực đến doanh nghiệp? Phải chăng, các thủ tục được cắt giảm, nhưng thực chất chỉ là thu gọn đầu mối, hình thức giảm nhưng nội dung không giảm?
Hơn nữa, dù thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa, cắt giảm nhưng một khi những người thực thi còn cố tình tìm ra những kẽ hở để gây khó, nhũng nhiễu thì doanh nghiệp vẫn không được hưởng lợi mà còn bị thiệt thòi hơn. Con số trên 50% doanh nghiệp vẫn bị nhũng nhiễu, bị vòi vĩnh phải bôi trơn là điều khó chấp nhận và không thể chấp nhận trong khi chúng ta đang hội nhập kinh tế một cách sâu rộng. Tham nhũng vẫn còn ngang nhiên hoành hành thì đừng vội bàn đến 4.0.
Phải thấy rằng, những khoản trả phí bôi trơn một phần là tiền túi của doanh nghiệp bỏ ra, một phần sẽ phân bổ, tính vào giá thành sản phẩm vật chất và dịch vụ. Như vậy, cuối cùng vẫn là người dân và Nhà nước thiệt hại (vì phải chịu giá cao và thất thu thuế).
Hoặc nếu không đưa vào giá thành thì lợi nhuận trước thuế sẽ giảm, kéo theo tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế giảm, kéo theo GDP giảm. Còn nếu các khoản lót tay, bôi trơn từ lợi nhuận sau thuế thì sẽ khiến nguồn lực để tái đầu tư ở chu kỳ sản xuất sau sụt giảm. Như vậy có thể nói tham nhũng dù lớn hay nhỏ đều là kẻ thù của tăng trưởng.
Báo cáo chỉ số cạnh tranh của VCCI là cần thiết để đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Nhưng không phải báo cáo xong để đấy, báo cáo cho có. Điều quan trọng là qua báo cáo đó để có những hành động cụ thể tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Phải giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, bôi trơn một cách triệt để, như thế doanh nghiệp mới có thể phát triển và hướng đến một nền công vụ minh bạch. 
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN: Chi phí không chính thức của doanh nghiệp vẫn còn cao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét