Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

20190426. BÌNH LUẬN VỀ ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHÚT GẶP RIÊNG GIỮA ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH VÀ ÔNG GIANG TRẠCH DÂN*

ĐT LÊ ĐỨC ANH /VNN 24-4-2019

Tiêu đề do VietNamNet đặt, giới thiệu các trích đoạn của chương 11: "Tham gia lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN"  trong hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh.
...Cuối tháng 7/1991, Bộ Chính trị cử tôi làm phái viên của Bộ Chính trị sang bàn bạc những vấn đề cụ thể về việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Cùng đi với tôi có đồng chí Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương. Sáng ngày 28/7, chúng tôi bắt đầu khởi hành. Trên đường đi Bắc Kinh, chúng tôi dừng chân ở Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây...
...Sau khi ăn cơm trưa ở Quảng Tây, chúng tôi đi máy bay lên Bắc Kinh. Ra sân bay Bắc Kinh đón chúng tôi có đồng chí Chu Lương, ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, nữ đồng chí Chu Sĩ Cầm, Cục trưởng Cục 2 châu Á và một số cán bộ Ban Đối ngoại. Đồng chí Chu Lương chủ yếu giới thiệu về cải cách kinh tế của Trung Quốc những năm vừa qua. 

Phút gặp riêng giữa Đại tướng Lê Đức Anh và ông Giang Trạch Dân
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân tiếp Đại tướng Lê Đức Anh - ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 7/1991. Ảnh tư liệu
Sáng hôm sau (29/7) từ 9 giờ đến 12 giờ, đồng chí Kiều Thạch, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc làm việc với chúng tôi tại Đại lễ đường. Cùng dự, về phía Trung Quốc còn có các đồng chí: Chu Lương và Chu Thiện Khanh, Trưởng và Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Chu Sĩ Cầm, Trịnh Quốc Tài là Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục 2 châu Á, Ban Đối ngoại; Trương Đức Duy, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Từ Đôn Tín, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Cuộc hội đàm này để chuẩn bị cho cuộc hội kiến chính thức với Tổng bí thư Giang Trạch Dân sau đó.

Sáng ngày 30/7, đồng chí Chu Thiện Khanh và một số cán bộ Ban Đối ngoại Trung Quốc đưa chúng tôi tới thăm xã Tứ Quý Thanh (tức bốn mùa xanh) ở ngoại ô Bắc Kinh. Buổi chiều, Thủ tướng Lý Bằng tiếp đoàn chúng tôi tại Tử Quang Cáo trong Trung Nam Hải.

Cuộc hội kiến chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31/7/1991, phía Trung Quốc do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân làm trưởng đoàn. Trước khi hội đàm, có ít phút gặp riêng giữa Tổng bí thư Giang Trạch Dân và tôi, có hai phiên dịch của hai Ban Đối ngoại Trung ương Việt Nam và Trung Quốc. Đồng chí Giang Trạch Dân nêu một vấn đề khá "hóc búa":

- Tới đây lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung - Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải bàn riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng bí thư. Trước chưa biết, nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết Nam Sa (tức Trường Sa) là của Trung Quốc.

Nghe vậy tôi liền nói:

- Tôi cũng như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về Trung ương, có dịp nghiên cứu lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể.

Nghe vậy, đồng chí Giang Trạch Dân không nói gì nữa, chỉ cười thôi. Rồi ông bảo:

- Tới giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm!

Nói chung cuộc hội đàm đạt kết quả tốt, mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thỏa thuận, nhất trí. Trung Quốc cũng thấy rằng quan hệ hữu nghị với Việt Nam để phát triển là một nhu cầu của cải cách, mở cửa của họ. Họ đang có nhu cầu phát triển, ta cũng có nhu cầu bình thường hóa quan hệ để ổn định và phát triển.

Tôi còn nhớ một số đoạn trong lời phát biểu của hai trưởng đoàn tại cuộc hội đàm này. Đồng chí Tổng bí thư Giang Trạch Dân đứng dậy trịnh trọng nói:

- Tôi nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Hồng Hà. Hôm nay, được dịp quen biết đồng chí Lê Đức Anh - phái viên đặc biệt của Việt Nam, chúng tôi rất phấn khởi. Đồng chí đã hội đàm rất tốt với đồng chí Kiều Thạch và đồng chí Lý Bằng. Một giờ sáng nay, tôi mới ở địa phương về đến Bắc Kinh. Theo tập quán của chúng tôi, xin mời đồng chí nói trước.

Tôi đứng lên nói:

- Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí Tổng bí thư - Chủ tịch nước. Tôi biết đồng chí rất bận, nhưng vẫn dành thì giờ tiếp chúng tôi. Cảm ơn đồng chí. Chúng tôi rất phấn khởi thấy được thành tựu 10 năm cải cách của các đồng chí. Điều đó cổ vũ rất lớn đối với Đảng và nhân dân Việt Nam chúng tôi. Về công việc, chúng tôi đã thông báo kết quả Đại hội 7. Hôm qua, tôi đã nêu tất cả những ý này với đồng chí Kiều Thạch và đồng chí Lý Bằng. Hôm nay, gặp đồng chí Tổng bí thư, xin đề nghị đồng chí cho ý kiến về việc đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc sẽ được thực hiện trong năm 1991 này.

Từ nay đến khi có cuộc gặp cấp cao đó, đề nghị đồng chí Tổng bí thư chỉ đạo các ban gặp nhau trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hết, chúng tôi mời đoàn Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sang làm việc với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi đề nghị các đoàn thể, các hội hữu nghị Việt - Trung và Trung - Việt trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Tôi có mấy ý kiến như thế, mong đồng chí cho ý kiến.

Đồng chí Giang Trạch Dân nói:

- Hôm qua tôi đã đọc thư đồng chí Đỗ Mười gửi cho chúng tôi. Hôm nay tôi xin nói thẳng thắn. Sáng nay tôi gặp đồng chí Lý Bằng, đồng chí Kiều Thạch và nhiều đồng chí ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác, chúng tôi đã bàn với nhau và chúng tôi hoan nghênh đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc năm nay. Tôi rất đồng ý với ý kiến của đồng chí Lê Đức Anh, các cơ quan của hai Đảng qua lại trao đổi ý kiến với nhau. Ban Đối ngoại Trung Quốc sang thăm Việt Nam trước. Hôm qua đồng chí Lý Bằng đã trao đổi ý kiến với các đồng chí rất tốt. Ý kiến chúng ta nhất trí với nhau. Tình hình thế giới bây giờ rất phức tạp. Tôi biết đồng chí Lê Đức Anh hiểu biết hơn tôi về quân sự. Đồng chí là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi là Chủ tịch Quân ủy Trung ương... Tôi giữ chức Tổng bí thư từ ngày 24/6/1989, từ đó đến nay, tôi không ngờ tình hình Đông Âu biến động và Liên Xô rối ren đến như vậy.

Chúng ta là những người cộng sản, phải thực sự cầu thị. Hiện nay chủ nghĩa xã hội đang thoái trào. Tình hình ngày nay khác tình hình khi nước chúng tôi giải phóng và khi nước các đồng chí được giải phóng. Nhưng chúng ta là những nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải khẳng định chủ nghĩa xã hội sẽ thắng lợi. Chúng ta phải thấy đây là quá trình đấu tranh hết sức gian khổ. Cho nên chúng ta là hai nước láng giềng, hai Đảng Cộng sản cầm quyền, không có lý do gì không xây dựng quan hệ láng giềng hữu hảo với nhau.
Từ sự đột biến ở Đông Âu và qua 25 tháng tôi công tác ở Trung ương, tôi nhận thức được rằng kiên trì chủ nghĩa xã hội là rất quan trọng. Các nước phương Tây lúc nào cũng muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội khỏi trái đất này. Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đánh đổ chính quyền Quốc dân Đảng, giành chính quyền. Chúng tôi xây dựng đất nước, không bao lâu, chúng tôi phải chống Mỹ viện Triều. Cho nên phương Tây, nhất là Mỹ qua hai lần đọ sức bằng phương thức chiến tranh, chúng không xóa được chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Họ dùng biện pháp "diễn biến hòa bình" của Ngoại trưởng Mỹ Dulles (Đalét), để đối phó với chủ nghĩa xã hội, đối phó với bức màn sắt - như Nixon đã viết cuốn 1999 - chiến thắng không cần chiến tranh...

Đối với âm mưu lật đổ, chúng có pháp bảo: dùng chế độ đa đảng để lật đổ Đảng Cộng sản. Chúng tôi rất cảnh giác chế độ đa đảng. Về mặt này chúng tôi kiên quyết chống hoạt động đa đảng. Quả thật như thế, Yeltsin (Enxin) vừa lên làm Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga liền thủ tiêu các cơ sở đảng ở cơ quan, xí nghiệp. Yeltsin đã từng là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô.
Nghe tin này, như người Trung Quốc nói "Xúc mục kinh tâm" - Những điều trông thấy khiến ta giật mình. Hiện nay các nước phương Tây muốn dùng chiêu bài dân chủ, tự do, nhân quyền để thực hiện "diễn biến hòa bình". Mỗi năm chúng tôi triệu tập đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc một lần. Tôi đã dự hội nghị đó hai lần. Quan điểm của tôi là, đại hội đại biểu nhân dân là của dân, không đi theo con đường nghị viện kiểu phương Tây. Chúng tôi cũng có tám đảng nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không cho phép có đảng đối lập... Chúng tôi bây giờ hết sức cảnh giác với tư tưởng luân phiên nắm chính quyền. Điều đáng sợ không phải là có tồn tại hay không tồn tại vấn đề đó mà là ở chỗ Đảng có kiên quyết chống tư tưởng đó, có cảnh giác với âm mưu đó hay không. Nếu biết cảnh giác, có biện pháp, thì không sợ gì cả...

Tôi nhận thức được quân đội nhân dân phải tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân đội là cây súng, hình thái ý thức là cây bút. Với tư cách quân đội, đồng chí Lê Đức Anh lâu năm hơn tôi. Tôi vừa đi hơn 20 tỉnh và thành phố trong tổng số 30 tỉnh, thành. Tôi đã đi 18 quân khu. Trước đây tôi chưa được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau khi được bầu tôi thường xuyên đi thăm các quân khu. Đồng chí Lê Đức Anh hiểu tầm quan trọng của cây súng hơn tôi. Cây bút cũng rất quan trọng.
Về tuyên truyền quả thật phải không ngừng cải tiến phương pháp tuyên truyền. Mục đích của tuyên truyền là đi sâu vào lòng người. Nếu ta chỉ theo cách cũ cứng nhắc là không được. Tuyên truyền phải sống động, hoạt bát, không thế sẽ không có kết quả tốt. Về phương thức, về công tác tư tưởng, phải tính đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Hiện nay ti vi rất phổ biến ở thành phố. Hằng ngày dân chúng cứ nghe, nhìn, rồi qua tai, mắt, nếu chúng ta không có năng lực phân tích thì dân chúng sẽ hấp thụ những điều dở...
Chúng ta chống tư sản không chỉ chống văn hóa màu vàng. Phải chống cả tự do hóa tư sản. Đứng về góc độ phiên dịch chắc khó diễn đạt hết hàm ý của nội dung này. Nội dung chống này bao gồm việc chống lại tất cả những tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản, chống chủ nghĩa xã hội, chống những sự thối tha đồi trụy của tư sản.
Còn đối với những kỹ thuật tiên tiến, cách quản lý khoa học, văn hóa ưu tú của tư sản chúng ta lại phải học tập. Chúng tôi có chuyển hướng cải cách mở cửa, khuyến khích nước ngoài đầu tư nhưng phải tôn trọng pháp luật... Trên đây tôi đã giới thiệu tóm tắt nhận thức của cá nhân. Tôi tin rằng chuyến đi thăm của đồng chí thúc đẩy việc tiến tới bình thường hóa quan hệ hai Đảng, hai nước. Qua đồng chí, xin gửi lời thăm tốt đẹp tới đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí. Hôm nay là bước mở đầu tốt đẹp của chúng ta.

Cuộc đàm đạo được nối tiếp trong buổi chiêu đãi ngay tối hôm đó tại Trung Nam Hải. Đồng chí Giang Trạch Dân nói tiếp:

- Fucik (Phu xích) viết trong tác phẩm Viết dưới giá treo cổ có một câu nói tôi mãi mãi không quên: "Nhân dân ơi! Tôi yêu nhân dân, nhưng nhân dân đừng quên cảnh giác!". Ý này rất hay, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác. Tôi hiểu rằng kinh nghiệm của đồng chí Lê Đức Anh rất phong phú. Các nước phương Tây bắt đầu tính toán đến vấn đề rất nghiêm trọng đối với chúng ta là vấn đề giáo dục thanh niên. Thanh niên dễ tiếp thu văn minh phương Tây. Tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của phương Tây, chúng ta không phản đối. Tôi thường xuyên có quan điểm tiếp thu những văn hóa ưu tú phương Tây. Nhưng phải làm cho thanh niên thấy nhân dân ta đã từng bị áp bức của các cường quốc...
Bắt đầu từ năm nay, chương trình giáo dục cấp I của chúng tôi có phần giáo dục tình hình đất nước, có phần lịch sử cận đại, vì thế hệ chúng tôi sớm muộn cũng đi gặp Các Mác, nên chính quyền sau này rơi vào tay ai không thể không suy nghĩ. Tôi xin nói thẳng với đồng chí và nói nhiều vì lần đầu gặp đồng chí nhưng cảm thấy như người bạn lâu năm.

Tôi nói:

- Khi ở chiến trường, tôi thấy rõ sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tất nhiên có cả Liên Xô. Sự giúp đỡ của Trung Quốc cụ thể, thiết thực như: súng B40, lương khô, mũ cối, giày, dép, quần áo, thuốc xoa chống muỗi, chống vắt, v.v., rồi giúp cả tiền chuyển vào chiến trường để mua gạo... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đồng chí đã viện trợ toàn diện cho Việt Nam.

- Đó là việc cần làm - Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

- Bây giờ Trung Quốc hơn một tỷ dân, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đó là viện trợ to lớn nhất, không thể đánh giá hết được - Tôi nói.

- Tôi nghe thông báo về Đại hội 7, thấy các đồng chí kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tự đáy lòng tôi thấy rất phấn khởi - Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

- Về quốc tế, đồng chí nói gọn, đủ, tôi rất phấn khởi trước lập trường quan điểm của đồng chí, điều đó làm tăng niềm tin ở tương lai xã hội chủ nghĩa đối với chúng tôi. Trong thời điểm này, Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi. Về phía Việt Nam, chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế - Tôi nói.

- Quan hệ quốc tế với quốc gia, chúng tôi theo năm nguyên tắc chung sống hòa bình, mấu chốt nhất là không can thiệp vào nội bộ của nhau. Còn giải quyết quan hệ Đảng với Đảng, chúng tôi theo bốn nguyên tắc, mấu chốt cũng là không can thiệp vào nội bộ nhau. Người ta ai cũng mong muốn người trong họ hàng của mình tốt lên. Láng giềng cũng muốn láng giềng của mình tốt hơn. Như tôi đã nói, trước tình hình quốc tế hiện nay, chủ nghĩa xã hội đang thoái trào, những nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền không còn bao nhiêu, nên tôi hết sức tán thưởng đường lối Đại hội 7 của Việt Nam... Đối với chúng ta phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng. Trong kinh tế, sở hữu nhiều thành phần nhưng phải lấy công hữu làm cơ sở. Đó là những điều tâm huyết của tôi. Lần đầu tiên được gặp đồng chí, tôi rất thú vị - Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

Phút gặp riêng giữa Đại tướng Lê Đức Anh và ông Giang Trạch Dân
Ngày 9/11/1993 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân tổ chức lễ đón, chào mừng Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh
- Lần đầu tiên được gặp đồng chí Tổng bí thư Giang Trạch Dân, tôi thấy rất thân tình. Những lời từ đáy lòng đồng chí nói ra được thể hiện cụ thể ở những nơi tôi đến tham quan: xã Tứ Quý Thanh, công ty gang thép Thủ Đô,... - Tôi nói.
- Đồng chí lớn tuổi hơn tôi, làm việc lâu năm hơn tôi, kinh nghiệm phong phú hơn tôi - Đồng chí Giang Trạch Dân nói.

- Chúng tôi ở nước nhỏ, tầm nhìn hạn chế trong phạm vi độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia - Tôi khiêm tốn nói.

Đồng chí Giang Trạch Dân cười, vui vẻ nói:

- Trung Quốc có câu nói "Con chim chích tuy nhỏ, nhưng gan mật đều có". Tôi chủ trương bố trí cho cán bộ công tác cơ sở rồi mới điều lên trên, như vậy mới tốt... Chúng tôi phải quyết tâm phát triển kinh tế. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải do một mình chúng tôi quyết định được. Chúng tôi phải hết sức cố gắng. Trời không chiều ý người nên chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, như thế tốt hơn chỉ nghĩ tới một mặt.

Tối hôm nay, tôi rất phấn khởi được làm quen và được tâm sự nhiều với đồng chí, một lần lạ, lần sau quen. Chuyến đi của đồng chí là một chuyến đi tốt, "bon voyage" - Đồng chí Giang Trạch Dân nói tiếng Pháp.

Chúng tôi trở về Việt Nam. Ngày 3/8/1991, tại cuộc họp Bộ Chính trị, sau khi tôi báo cáo kết quả chuyến đi Trung Quốc, các thành viên dự họp phát biểu sôi nổi và thống nhất đánh giá chuyến đi đạt kết quả tốt và nhất trí mấy việc cần làm là:

- Thông báo kết quả chuyến đi này với Lào và Campuchia. Thông báo về chuyến đi trong nội bộ Đảng và báo cáo với Quốc hội.

- Triển khai các công việc cần thiết trước mắt, nhất là các cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và Thủ tướng Chính phủ để xúc tiến các bước trong tiến trình thực hiện bình thường hóa quan hệ Việt - Trung.

Tiếp đó là những cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa hai Ban Đối ngoại Trung ương của hai Đảng, giữa Bộ Ngoại giao hai nước và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm với Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy.

Tháng 11/1991, nhận lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 5 đến 10. Sau lễ đón tiếp và hội đàm, hai bên ra Thông cáo chung và ký Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Trung - Việt trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình, đồng thời ký kết quan hệ bình thường giữa hai Đảng, mở đầu trang sử mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước sau hơn 10 năm trắc trở.
Đại tướng Lê Đức Anh
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

LÊ ĐỨC ANH: LÀM TƯỚNG GIỎI, LÀM CHÍNH TRỊ TỒI ?

NGỌC LỄ/ VOA 23-4-2019

Cựu Chủ tịch Lê Đức Anh trong bài diễn văn cuối cùng trước Quốc hội vào năm 1997
Cựu Chủ tịch Lê Đức Anh trong bài diễn văn cuối cùng trước Quốc hội vào năm 1997
Ông Lê Đức Anh, người vừa qua đời ở Hà Nội ở tuổi 99, được nhận định là ‘vị chỉ huy quân sự tài giỏi’ của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng cũng được cho là ‘đã phạm sai lầm chính trị nghiêm trọng’, một người từng sống trong lòng chế độ sau trở thành nhà hoạt động lưu vong ở Mỹ nói.
Trong cuộc đời trải gần một thế kỷ của mình, ông Anh đã kinh qua những vị trí cao cấp nhất trong bộ máy Đảng và Nhà nước Việt Nam: Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch nước rồi Cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng.
Với sự ra đi của ông Anh sau cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi năm 2013 rồi cựu Tổng bí thư Đỗ Mười hồi năm 2018, thế hệ các lãnh đạo Việt Nam xuất thân từ những ngày đầu của Đảng Cộng sản, trải qua cả hai cuộc chiến với người Pháp và người Mỹ, giờ không còn một ai.
Cuộc đời hoạt động của ông Anh được nhớ đến với thời kỳ ông làm phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh của quân đội Bắc Việt tiến về Sài Gòn hồi năm 1975, Tư lệnh quân đội Việt Nam ở Campuchia trong cuộc chiến với Khmer Đỏ vào năm 1980, Chủ tịch nước trong giai đoạn cải cách mở cửa, bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1995) sau khi đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1990). Ông cũng là vị nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam đi Mỹ vào năm 1995 để dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hiệp Quốc.
Trên vai trò Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, ông Anh được nhớ đến trong việc cùng với cố Tổng bí thư Đỗ Mười, khi đó cũng là cố vấn, đã lật đổ được ông Lê Khả Phiêu khỏi chiếc ghế tổng bí thư tại Đại hội 9 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2001.
Tuy nhiên, xung quanh cuộc đời của Anh cũng có nhiều điều tiếng không hay như khai man lý lịch để vào Đảng, theo phe cánh của Lê Duẩn-Lê ĐứcThọ để trù dập Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ra lệnh binh sỹ không nổ súng khi Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma vào năm 1988, nằm trong phe bảo thủ cùng với Đỗ Mười hiềm khích với phe cấp tiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và được cho là người bảo trợ chính cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trao đổi với VOA, luật sư Cù Huy Hà Vũ, con trai của một ‘khai quốc công thần’ của chế độ Hà Nội và hiện là một nhà bất đồng chính kiến sống tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, đã bày tỏ những tình cảm tốt đẹp dành cho ông Lê Đức Anh.
Tài năng quân sự?
Ông Vũ nói với VOA rằng ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Dương Hà đã từng gặp trực tiếp và trò chuyện vợ chồng ông Lê Đức Anh ở nhà riêng của ông Anh tại khu Hoàng Diệu của Bộ Quốc phòng vào năm 2007.
Đánh giá về công trạng của ông Anh đối với Đảng Cộng sản và chính quyền của Đảng, ông Vũ cho rằng ông Anh là ‘nhân vật lịch sử’, nhất là trong cuộc chiến của quân đội miền Bắc với người Mỹ.
“Tướng Lê Đức Anh là một hiện tượng có thể nói là khác lạ và nổi bật so với toàn quân của cộng sản Việt Nam,” ông Vũ nói và dẫn lại việc sau khi ký kết Hiệp định Paris vào năm 1973 ông Anh, khi đó là đại tá, tư lệnh Quân khu 9, đã chủ trương là ‘phải tấn công, chiếm được lãnh thổ đối phương càng nhiều càng tốt’ để chống lại kế hoạch ‘tràn ngập lãnh thổ’ của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, khác với ban lãnh đạo lúc đó vốn yêu cầu quân đội ở nguyên tại chỗ.
Về vai trò của ông Anh trong cuộc chiến chống lại quân Khmer Đỏ ở Campuchia, ông Vũ nói với vai trò là tư lệnh Chiến trường K (tức Campuchia), ông Anh thực hiện sứ mạng truy quét tàn quân Khmer Đỏ và ‘giúp người Campuchia xây dựng chính quyền của mình’.
“Khó khăn nhất là làm thế nào để xây dựng chính quyền Campuchia,” ông Vũ nói và cho rằng thành công chính trị của ông Anh ở Campuchia ‘có ý nghĩa quan trọng hơn về quân sự’.
Nhưng ông Anh cũng đã ‘phạm những sai lầm’ khi trong giai đoạn này khi đã để xảy ra những vụ oan sai do Khmer Đỏ làm công tác phản giác gây chia rẽ khiến quân đội Việt Nam ‘bắt nhầm những lãnh đạo cao cấp của Campuchia thân với Việt Nam khiến họ phải tự sát’, ông Vũ nói.
Thân Trung Quốc?
Về vụ thảm sát Gạc Ma do Giải phóng quân Trung Quốc gây ra vào năm 1988 khiến Việt Nam mất một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa và hơn 60 quân nhân tử trận – vụ việc mà Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh bị quy trách nhiệm khi ra lệnh không nổ súng – ông Cù Huy Hà Vũ nói phải nhìn nhận sự việc này trong hoàn cảnh tổng thể lúc đó là Việt Nam ‘buộc phải hòa hoãn với Trung Quốc’.
“Vào năm 1987-1988, Tổng thống Liên Xô Gorbachev khi đó đã quyết định cắt viện trợ cho Việt Nam nên Việt Nam phải tính đến việc rút quân đội ở Campuchia về nước và tìm giải pháp chính trị cho Campuchia trên cơ sở đàm quán với Trung Quốc,” ông Vũ giải thích.
“Trung Quốc đã lợi dụng sự kiềm chế của Việt Nam để tổ chức cuộc tập kích ở Gạc Ma,” ông Vũ nói và cho biết ông tin rằng lệnh không nổ súng lúc đó ông Lê Đức Anh chỉ ‘nhân danh Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị’ mà thôi vì lúc đó Bộ Chính trị ra lệnh là ‘không thể làm căng thẳng hơn quan hệ với Trung Quốc’.
Trong giai đoạn ông Lê Đức Anh làm chủ tịch nước là sau khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền Việt Nam chịu sức ép càng phải hòa hoãn với Trung Quốc hơn nữa để ngăn cho làn sóng tan rã của chủ nghĩa xã hội trên thế giới lan tới Việt Nam. Các lãnh đạo lúc đó, trong đó có ông Anh, ‘buộc phải giảm xung đột với Trung Quốc về lãnh thổ’, ông Vũ cho biết. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã đàm phán hiệp định biên giới trên bộ và hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc.
Khi được hỏi có phải ông Lê Đức Anh cùng với ông Đỗ Mười tạo thành phái bảo thủ trong Đảng vốn chủ trương dựa vào Trung Quốc để giữ vững chế độ, trong khi ông cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lập trường cấp tiến hơn và chủ trương xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây hay không, ông Cù Huy Hà Vũ khẳng định rằng ‘không bao giờ có chuyện đó’.
“Tuyệt đại đa số các nhà lãnh đạo Việt Nam không theo Trung Quốc, thậm chí chống lại Trung Quốc, kể cả Đỗ Mười hay Lê Đức Anh. Họ chỉ hòa hoãn với Trung Quốc để giữ vững chế độ cộng sản. Hòa hoãn không có nghĩa là nghe theo Trung Quốc về đường lối, chính sách,” ông nói.
“Ông Võ Văn Kiệt là người miền Nam nên đầu óc kinh tế tốt hơn hẳn các nhà lãnh đạo miền bắc và có tư duy kinh tế thị trường,” ông Vũ nói thêm. “Võ Văn Kiệt chủ trương đổi mới tư duy kinh tế. Chứ còn về mặt chính trị thì cả ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt cũng như tuyệt đại đa số các lãnh đạo Việt Nam đều có chung lập trường trong quan hệ với Trung Quốc.”
Còn về lập trường đối với Mỹ với tư cách là nguyên thủ đầu tiên của nước Việt Nam cộng sản đến Mỹ, ông Vũ cho rằng theo truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam thì đường lối đối ngoại ‘không phải là lập trường của cá nhân bất cứ ai mà là của tập thể Bộ Chính trị’.
Ông Vũ dẫn chứng là trong gần gặp trực tiếp ông Lê Đức Anh, ông đã đưa ra kiến nghị là Việt Nam nên ‘cùng với Mỹ lập quan hệ thật sự, thậm chí là liên minh quân sự chống lại Trung Quốc’. Khi đó, theo lời ông Vũ, ông Anh đã hứa sẽ ‘trình bày ký kiến này của tôi với ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Bộ Chính trị)’.
“Khi đó, ông Lê Đức Anh không thể hiện sự quan tâm mãnh liệt (đến đề xuất liên minh với Mỹ) dù có cam kết tích cực,” ông Vũ cho biết.
Bảo trợ Nguyễn Tấn Dũng
Về sự ra đi của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Đại hội 9 của Đảng, ông Vũ thừa nhận rằng đó kết quả sự vận động của ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười khi đó là các cố vấn Ban chấp hành trung ương.
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng điều đó là do những sai lầm của ông Lê Khả Phiêu trong việc ‘ưu ái đặc biệt cho các đồng hương Thanh Hóa với ông lên nắm các vị trí chủ chốt’; ‘muốn nắm các cơ quan an ninh, tình báo’ và ‘đặt ra một cục để bí mật theo dõi các lãnh đạo cao cấp trong đó có Đỗ Mười, Lê Đức Anh’.
“Ông Phiêu đã bị mất tín nhiệm với hai ông Mười, Anh. Hai ông này bực tức nên đã có một cuộc vận động đến khắp các tỉnh thành từ Bắc đến Nam để kêu gọi các ủy viên trung ương ủng hộ phế truất ông Lê Khả Phiêu,” ông Vũ nói. Kết quả là ông Phiêu mất chức tổng bí thư nhưng để đổi lại, ông Phiêu cũng buộc hai ông Mười, Anh thôi chức cố vấn Ban chấp trung hành trung ương và do đó bãi bỏ luôn cơ chế ‘Thái thượng hoàng’ trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một điều mà ông Vũ cho là ‘sai lầm nghiêm trọng’ trong cuộc đời hoạt động chính trị của ông Lê Đức Anh là bảo trợ cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng leo cao trong bộ máy Nhà nước Việt Nam mà kết quả là, theo lời ông Vũ, ‘ông Dũng đã phá nát nền kinh tế Việt Nam’.
Nguyên nhân ông Anh đứng ra bảo trợ cho ông Dũng quyết liệt như vậy, theo ông Vũ, là ‘ân tình chính trị’ từ thời chiến tranh.
“Bố Nguyễn Tấn Dũng là chính trị viên phó của tỉnh đội thuộc Quân khu 9 do Lê Đức Anh làm tư lệnh, Võ Văn Kiệt làm chính ủy. Ông ấy bị bom Mỹ giết chết trong chiến tranh,” ông Vũ nói. “Dường như có sự cam kết nào đó từ phía các ông Anh, ông Kiệt đối với người đã chết để cho Nguyễn Tấn Dũng nắm những cương vị ngày càng cao trong Đảng và Nhà nước để rồi ông Dũng được đề bạt hết sức nhanh chóng một cách vô tổ chức, vô kế hoạch.”
“Ông Lê Đức Anh phải chịu trách nhiệm chính (về sự phá hoại của Nguyễn Tấn Dũng),” ông nói thêm và cho biết mặc dù ông Anh ‘cũng thấy sự phá hoại của ông Dũng’ nhưng vì ông ‘đã trót là người bảo trợ cho Nguyễn Tấn Dũng nên không thể lên tiếng’.
“Đó là chưa kể Nguyễn Tấn Dũng đã tạo những ưu ái cho con trai ông Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà lên làm phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rồi phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của ông Dũng nên ông Lê Đức Anh càng không thể nói gì về ông Dũng,” ông Vũ, người từng kiện ông Dũng và bị bỏ tù về tội Tuyên truyền chống Nhà nước khi ông Dũng đang làm thủ tướng, nói.
Khi được hỏi có phải ông Lê Đức Anh ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng tranh giành chiếc ghế tổng bí thư với ông Nguyễn Phú Trọng trước Đại hội 12 hồi năm 2016 hay không, ông Vũ nói rằng khi đó, mặc dù ông Dũng đã đến tuổi nghỉ hưu như ông Trọng nhưng ông Anh đã đề nghị Trung ương Đảng không nên quyết định trường hợp của ông Dũng mà ‘hãy để Đại hội quyết định’.
“Trong sự ganh đua quyết liệt giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, Lê Đức Anh với tư cách bảo trợ Nguyễn Tấn Dũng đã ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng nhưng cũng không có hành động gì tấn công Nguyễn Phú Trọng quyết liệt,” ông Vũ cho biết.
Kỵ Võ Nguyên Giáp?
Về mối quan hệ giữa Đại tướng Lê Đức Anh với người Bộ trưởng Quốc phòng tiền nhiệm là cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Vũ cho là ‘phức tạp’.
Ông Lê Đức Anh là người được hai ông Lê Duẩn-Lê Đức Thọ bảo trợ và đưa lên trong khi giữa các ông Duẩn-Thọ và ông Giáp có sự hiềm khích. Hồi Quốc tang của ông Giáp hồi năm 2013, ông Lê Đức Anh đã không đến viếng mặc dù ông Đỗ Mười khi đó tuổi cao còn hơn ông Anh có đến.
“Ông Lê Duẩn là người Quảng Trị nên do tính chất vùng miền đã thể hiện sự ưu ái với ông Lê Đức Anh là người Thừa Thiên-Huế (hai ông được coi là đồng hương vì hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế lúc đó nằm chung trong tỉnh Bình Trị Thiên).
“Ông Lê Đức Anh ở hoàn cảnh là người bảo trợ cho mình là Lê Duẩn-Lê Đức Thọ có sự khác biệt thậm chí xung đột với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên tương đối dễ hiểu ông không có quan điểm ủng hộ ông Võ Nguyên Giáp,” ông Vũ nói.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng ông đã từng hỏi trực tiếp ông Anh nghĩ thế nào về Đại tướng Giáp, thì khi đó ông Anh đã trả lời ông Vũ rằng: “Tôi luôn coi Võ Nguyên Giáp là một người anh, một nhà lãnh đạo tài giỏi của Việt Nam.” Ông Vũ nói rằng ông Anh ‘bị giằng xé giữa phe phái chính trị và sự thật trong đời sống’.
Về thân thế của ông Lê Đức Anh vốn từng bị cáo buộc là ‘man trá’ (ông Anh bị cáo buộc là từng làm cai đồn điền cho Pháp và khai man về việc được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam), ông Vũ nói rằng ‘theo nghiên cứu của ông, việc ông Anh tham gia Việt Minh là có thật’ nhưng trong giai đoạn 1936-1938, việc kết nạp đảng còn đại khái nên hồ sơ lưu trữ về ông Anh không còn nữa. Tuy nhiên, ông Vũ cũng không loại trừ ông Anh ‘chỉ dự vào sự tiếp xúc, liên hệ hay chỉ đạo của một vài đảng viên Cộng sản nào đó mà nói rằng ông đã được kết nạp’.
“Dù thế nào đi nữa thì nếu theo dõi toàn bộ tuyến hoạt động của ông ấy sẽ thấy rằng ông ấy hoàn toàn theo Đảng Cộng sản,” ông Vũ lý giải.
Khi được hỏi về cảm nhận cá nhân trong lần gặp trực tiếp, ông Vũ mô tả ông Anh ‘là người tiết kiệm và chân thành’.
“Khi tôi gặp ông ấy vào mùa đông trong căn nhà lạnh, tôi đã hỏi vợ ông Anh là ‘Tại sao lạnh thế này mà Đại tướng không để sưởi’ thì tôi được trả lời rằng ‘Bác ấy tiết kiệm lắm cháu ạ’. Ông ấy tiếp chúng tôi trong trang phục Đại tướng rất đẹp mà không có áo khoác ngoài để giữ ấm,” ông Vũ kể.
Khi được yêu cầu đánh giá vai trò của ông với tư cách là tướng lĩnh và với tư cách chính trị gia, vai trò nào nổi bật hơn, ông Vũ trả lời ngay là ‘với tư cách nhà lãnh đạo quân sự’.
“Về chính trị ông ấy mắc sai lầm khi bảo trợ Nguyễn Tấn Dũng lên những vị trí cao nhất trong bộ máy đảng,” ông nói.


NGƯỜI CHẾT ĐỂ TIẾNG...

MẶC LÂM/  Blog VOA 25-4-2019
Trong lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam có lẽ người bị nghi ngờ về hành vi lẫn lý lịch không minh bạch lại leo lên tới chức vụ cao nhất (Chủ Tịch nước) đang có rất nhiều nguồn dư luận tranh cãi là công hay tội so với bề dày hoạt động cách mạng của ông: Đại tướng Lê Đức Anh.
Cuộc tranh luận bắt đầu từ một bài viết ngắn trên trang Facebook của Lê Mạnh Hà, con trai Lê Đức Anh: “44 năm trước đại tướng Lê Đức Anh chỉ huy một cánh quân trong đội quân huyền thoại tiến về Sài Gòn thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc. Ông sẽ là người cuối cùng trong Bộ chỉ huy chiến dịch năm ấy ra đi mãi mãi.”
Bài viết nhận được hàng ngàn phản hồi của người đọc và trong đó câu chuyện Gạc Ma được đem ra làm làm vũ khí chống lại Đại tướng Lê Đức Anh thay vì vinh danh những gì mà con trai ông cố gắng đánh bóng cho cha mình sau khi ông mất.
Trong khi giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc Phòng, Ông Anh là người có công vận động, kết nối, tiếp xúc với các nhân vật trong Bộ chính trị Việt Nam làm cho cuộc gặp gỡ “Hội nghị Thành Đô” hình thành để từ đó lịch sử cận đại Việt Nam lắp thêm một trang bí ẩn về nội dung cuộc gặp gỡ này khiến cho đất nước ngày một dính chặt hơn với Trung Quốc, nơi có một chính phủ luôn muốn Việt Nam thành chư hầu qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt chiều dài lập quốc.
Nếu xét về công thì có lẽ Lê Đức Anh là người có công giữ vững đảng Cộng sản Việt Nam cho tới ngày nay. Ngay khi Liên xô sụp đổ Lê Đức Anh đã chủ động đưa Việt Nam vào gần hơn với Trung Quốc sau cuộc chiến tàn khốc 1979 làm cho hàng trăm ngàn dân quân Việt Nam thiệt mạng. Nhưng nếu xét về tội thì Lê Đức Anh có lẽ cũng không thiếu bằng chứng xác thực cho việc quá lo sợ sức mạnh của Trung Quốc mà ra lệnh cho bộ đội tại Gạc Ma phải nhịn nhục, không được nổ súng đối với người bạn đã giết dân mình tại sáu tỉnh biên giới phía bắc.
Câu chuyện “không được bắn” không phải bây giờ mới kể mà từ nhiều năm trước khi thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói trước cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh triết tổ chức, Tướng Lê Mã Lương cho biết rằng: “Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng! Và sau này nó đã được ghi vào tài liệu mà ta đã rõ rồi là khi trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói là ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?”
Hơn mười năm sau, nhà văn Phan Trí Đỉnh đưa ra bài viết trong đó cho biết TS Lê Đăng Doanh là một trong nhiều người chứng kiến ông Nguyễn Cơ Thạch đập bàn vì cái lệnh phản quốc này do Lê Đức Anh ra lệnh.
Trong một bài phỏng vấn của tôi trên RFA, TS Nguyễn Văn Khải người tham dự buổi hội thảo có phát biểu của tướng Lê Mã Lương cho biết nhận xét của ông về việc tướng Lương công khai điều mà Bộ quốc phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam giấu kín sau sự cố Gạc Ma: “Câu đó của Lê Mã Lương là hoàn toàn đúng bởi vì những năm 80 tôi là TS Thiếu tá và có anh họ là Lê Ngọc Hiền là Thứ trưởng Quốc phòng, Lê Trọng Tấn là Tổng Tham mưu trưởng quân đội cho nên những chuyện này chúng tôi biết cả.”
Cùng lúc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu, am hiểu sâu sắc vấn đề Trung Quốc đánh giá quyết định không nổ súng của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh: “Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc. Ông Lê Đức Anh là cai đồn điền cao su của một người tình báo của Pháp chứ ông ta không phải tham gia cách mạng lâu dài gì đâu. Chẳng qua ông ấy khai man lý lịch rồi thì được lòng ông Lê Đức Thọ, ông Lê Đức Thọ cứ đưa ông ấy lên vù vù trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, sau này thành chủ tịch nước. Cái điều đó những người biết chuyện như tôi lấy làm đau lòng lắm và cho là một nỗi nhục của đất nước”.
Không thể cho là Thiếu tướng Lê Mã Lương, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh hay TS Nguyễn Văn Khải là người vu cáo cho một sự việc tày trời như vậy. Hơn nữa câu chuyện của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng không thể là một chuyện hư cấu khi các nhân vật chứng kiến câu chuyện này vẫn còn sống và làm nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử thương tâm của đất nước.
Đại tướng Lê Đức Anh vừa qua đời hưởng thọ 99 tuổi trong khi ông từng bị đột quỵ nặng nhiều chục năm về trước. Đây là phép lạ mà một người bị tai biến như ông vượt qua được cái chết để tiếp tục tận hưởng thành quả mà ông đã tạo dựng trên đất nước này. Tuy nhiên thành quả ấy bị người dân oán thán hơn là ca tụng vì máu của những người lính Gạc Ma.
Cọp chết để da cho người đời làm thảm lót chân, trong khi người chết để lại tiếng thơm hay bốc mùi tùy vào hành vi lúc còn sống. Lịch sử rất công bằng không ai có thể thay đổi hay bóp méo nó để một kẻ phản quốc lại có thể trở thành anh hùng.
Công trạng của một Đại tướng thường được chính thể mà người ấy phục vụ đẩy lên tới trời, nhưng khi thể chế thay đổi thì hầu như ngay lập tức, tiếng xấu dành cho họ cũng sẽ nổi lên từ nhân dân, những người theo dõi lịch sử bằng đôi mắt không vướng bận lợi lộc hay bè phái.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét