Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

20190419. BÀN VỀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG
CẢI CÁCH THỂ CHẾ ĐỂ ĐẤT NƯỚC CẤT CÁNH HÓA RỒNG

NGUYỄN HUY VIỆN/ TVN 18-4-2019

Cải cách thể chế để đất nước cất cánh hóa rồng
Đổi mới tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân giúp mở đường cho kinh tế đất nước phát triển.
 - Báo cáo chính trị Đại hội XII chỉ rõ: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ". Điều này tác động ra sao đến phát triển kinh tế?
Doanh nghiệp trong nước còi cọc
Trong những năm vừa qua sau Đổi mới xuất hiện một vài doanh nhân tỷ phú người Việt Nam như Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Trần Bá Dương (Thaco), Nguyễn Thị PhươngThảo (VietJet Air),… không ít người nghĩ rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thông thoáng và đây là thời phất lên của các doanh nghiệp tư nhân. 
Nhưng những doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân phất lên nhanh chóng như kể trên vô cùng ít, hơn nữa đó là những doanh nghiệp được ưu đãi đặc biệt. 
Còn lại hầu hết các doanh nghiệp khác vẫn bị hành với không biết bao nhiêu rào cản như đủ các loại giấy phép, đủ các loại phí bôi trơn nên không thể lớn nổi. Đã hơn 30 năm Đổi mới mà khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước mới chỉ chiếm 8-9% GDP cho thấy sức sống của họ vẫn bị èo uột như thế nào. 
Phát biểu tại Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vẫn còn 58% doanh nghiệp trong nước bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn. 
Những con số trên đây cho thấy, dù các bộ ngành và các địa phương đã có chuyển biến trong cải cách thủ thục hành chính, tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Nhưng so với kỳ vọng của doanh nghiệp, của xã hội thì đó cũng chỉ mới là sự nới ra của khe cửa hẹp mà thôi. 
Hơn nữa, những con số đó chưa hẳn đã phản ánh đúng thực trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu. Vì một bộ phận tương đối lớn doanh nghiệp được xem là “sân sau” thì quan hệ giữa doanh nghiệp với công chức, viên chức là quan hệ làm ăn, là lợi ích nhóm nên họ không coi tiền chia chác sau mỗi phi vụ làm ăn là phí bôi trơn. 
Tình trạng “sân sau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước 21/11/2018: "Có ông không chỉ một sân sau mà còn 2, 3 thậm chí là 13 - 14 sân sau”. 
Tình trạng “sân sau”, dẫn đến vấn nạn doanh nghiêp chui cửa trước, luồn cửa sau, cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh. Đây cũng là lực cản rất lớn đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. 
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII) đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế” và trong mấy năm qua, Chính phủ đã hành động với phương châm “xây dựng chính phủ kiến tạo, chính phủ liêm chính”. 
Thủ tướng đã rất rốt ráo, quyết liệt trong chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương xóa bỏ các rào cản nhằm mở đường cho doanh nghiệp phát triển nhưng cho đến nay, khoảng cách giữa quan điểm với thực tế, giữa quyết tâm với hiện thực còn rất xa. 
Mặc dù vậy, tình trạng không công bằng về chủ trương chính sách đối với các loại hình doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản. 
Theo ông Vũ Tiến Lộc: "Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân". 
Thực trạng trên đây cho thấy việc xóa bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn rất chậm chạp và vô cùng gian nan. 
Đây là nguyên nhân, làm cho hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn cứ còi cọc.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp quy mô lớn ở Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 1,9%; doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 98,1%.
Ba rào cản lớn
Nguyên nhân của thực trạng này tập trung ở ba vấn đề dưới đây. 
Thứ nhất, sự chai lỳ của một bộ phận quan chức ở các bộ ngành và các điạ phương. Dẫu các doanh nghiệp đã thống thiết kiến nghị, dẫu Thủ tướng Chính phủ đã rất rốt ráo, quyết liệt chỉ đạo trong mấy năm qua nhưng vẫn chưa phá bỏ được bức “tường thành” chai lỳ của bộ phận công chức, viên chức này. 
Vì lợi ích cá nhân, loại công chức, viên chức này quyết giữ bức “tường thành” chai lỳ. Họ không hề quan tâm tới liêm sỉ và lại càng không quan tâm tới lợi ích doanh nghiệp, lợi ích quốc gia mà chỉ biết vơ vét cho bản thân và gia đình. 
Thứ hai, dư địa của hệ thống văn bản pháp luật để cải cách thủ tục hành chính mở đường cho doanh nghiệp phát triển nhiều lĩnh vực đã kịch trần. 
Hiện nay, các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Ngân hàng, các Luật về Thuế… nhiều nội dung không còn phù hợp, không đảm bảo thông thoáng cho đầu tư cũng như phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là phát triển theo quy mô lớn. 
Những hạn chế của hệ thống văn bản pháp luật không chỉ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp mà còn là lỗ hổng để các bộ ngành, địa phương sản sinh ra các loại “giấy phép con”; để công chức, viên chức định ra các loại phí “bôi trơn” hành doanh nghiệp.  
Thứ ba, cần đổi mới những lĩnh vực khác để đồng bộ với đổi mới kinh tế. 
Từ Đại hội Đảng VI (1986), thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế, nước ta đã có một bước tiến dài và đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đổi mới về tư duy, về hệ thống chưa gắn liền với đổi mới kinh tế. 
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII đã nêu: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ". 
Cũng với quan điểm này, tại Đại hội Đảng XII, ông Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư (nhiệm kỳ 2011 - 2016) đã thẳng thắn đánh giá: "Bao năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp gần như không thay đổi. Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển”. 
Thực tế trên có phải là nguyên nhân làm cho khu vực doanh nghiệp trong nước không lớn lên được trong khi các nguồn lực khác cho phát triển không được phân bổ, sử dụng hiệu quả như mong muốn?
Để đất nước hóa rồng
Bởi vậy, trước Đại hội Đảng XII, nhiều cán bộ lão thành, nhiều chuyên gia và nhà khoa học tâm huyết với tiền đồ quốc gia cũng đã đề xuất có cuộc Đổi mới lần thứ hai. 
Nguyện vọng chung của toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước, cũng thiết tha với điều đó. 
Xét về lý luận, nguyện vọng đó hoàn toàn phù hợp với quy luật “Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng”; và “Mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, trong đó kinh tế giữ vai trò quyết định chính trị còn chính trị tác động mạnh mẽ trở lại kinh tế” như Marx đã chỉ ra. 
Có thể khẳng định, làm theo những nguyên lý trên vừa hợp quy luật vừa giúp giải quyết nhu cầu bức thiết trước yêu cầu phát triển của đất nước. 
Trước hết phải đổi mới tư duy về xây dựng nhà nước pháp quyền; về thể chế kinh tế, nhất là quan điểm phát triển kinh tế tư nhân. 
Trong phạm vi bài này, người viết bài chỉ đề cập đến một vài khía cạnh đổi mới tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân và giải pháp mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển. 
Để nhận thức được vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, hãy nhìn ra thế giới sẽ thấy, tất cả các quốc gia trở thành những nước công nghiệp hiện đại đều lấy kinh tế tư nhân làm chủ thể xương sống của nền kinh tế. 
Nhờ vậy, ở các quốc gia đó đã ra đời các tập đoàn, công ty kinh tế tư nhân hùng mạnh trở thành đầu tàu của nền kinh tế, có giá trị thương hiệu toàn cầu và trở thành niềm tự hào của đất nước. 
Chẳng hạn như ở Mỹ có các tập đoàn Walmart, Exxon Mobil, Berkshire Hathaway, Apple, Amazon, General Motors. Nhật Bản có Toyota Motor, Nippon Telegraph and Tel, Mitsubishi UFJ Financial Group, Honda Motor, Sony. Hay Hàn Quốc có Samsung, Hyundai Motor, POSCO, Kia Motor, LG … 
Không những vậy, ở tất cả các nước phát triển, yếu tố đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững là thành phần kinh tế tư nhân trong nước chứ không phải các doanh nghiệp kinh tế nhà nước hay các doanh nghiệp FDI. 
Ngược lại, hầu hết các quốc gia lấy các doanh nghiệp kinh tế nhà nước làm chủ đạo hoặc quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, hay phụ thuộc vào nguồn vốn vay mượn trong và ngoài nước sớm muộn đều rơi vào tình trạng vỡ nợ như đã từng diễn ra ở Brazin, Achentina, Hy Lap… Hay hiện tại như Venezuela đang bên bờ vực sụp đổ. 
Qua đó có thể khẳng định, khi kinh tế tư nhân trong nước chưa phát triển lành mạnh, bền vững thì nền kinh tế quốc gia khó có thể đứng vững trên đôi chân của mình. 
Bởi vậy, Việt Nam không thể chậm trễ hơn nữa trong việc cải cách thể chế phù hợp với phát triển kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. 
Trước hết hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế, loại bỏ mọi rào cản, phát huy tối đa quyền tự chủ của địa phương và cơ sở, phát huy tính năng động sáng tạo của doanh nghiệp, mở đường cho những nỗ lực cải cách ở tất cả các cấp. 
Đây là một nhu cầu cấp thiết đặt ra cho làn sóng cải cách lần thứ hai của nền kinh tế nước ta. Chỉ có như vậy Việt Nam mới thoát khỏi tụt hậu và phát triển bứt phá, cất cánh hóa rồng. 
Nguyễn Huy Viện
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
THỂ CHẾ VÀ LỢI ÍCH NHÓM: NGUYÊN DO TRÌ HOÃN SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI ?

DIỄM THI/ RFA/ BVN 18-4-2019

Cảnh sát chống bạo động đụng độ với người dân trong một vụ cưỡng chế đất ở tỉnh Nam Định, Hà Nội ngày 9 tháng 5 năm 2012.
Cảnh sát chống bạo động đụng độ với người dân trong một vụ cưỡng chế đất ở tỉnh Nam Định, Hà Nội ngày 9 tháng 5 năm 2012. Reuters
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai lại một lần nữa bị rút khỏi chương trình nghị sự tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới. Như vậy là qua hai lần sửa đổi, luật vẫn quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”.
Luật Đất đai của Việt Nam lần đầu tiên được ban hành ngày 8 tháng 1 năm 1988 do Chủ tịch Hội đồng nhà nước lúc đó là ông Võ Chí Công ký, sau đó được thay thế bằng Luật Đất đai năm 1993, có hiệu lực từ giữa tháng 10 cùng năm. Luật Đất đai năm 1993 đã được sửa đổi 2 lần vào năm 2003 và năm 2013.
Bà Cấn Thị Thêu, người phụ nữ Dương Nội từng bị tù vì lên tiếng đấu tranh về đất đai cho rằng Luật Đất đai cũ điều kiện có các quan chức cướp đất, chiếm đất của dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam:
Luật Đất đai cũ là một luật gây rất nhiều oan sai, tạo điều kiện có các quan chức cướp đất, chiếm đất của dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Luật này còn tồn tại ngày nào thì bà con còn đau thương ngày nấy, còn khổ ngày nấy. Hôm nay bà con cũng lên tiếng với ban tiếp dân của trung ương là phải mau chóng sửa đổi Luật Đất đai để bảo đảm quyền lợi của dân, chứ bây giờ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý thì họ cứ nhân danh Nhà nước thích cướp của ai thì cướp, thích thu của ai thì thu rồi tự định ra mức giá bồi thường, hỗ trợ gần như là cướp trắng của người dân.
Ví dụ đất Dương Nội có chỗ họ bán hàng trăm triệu một mét vuông nhưng họ trả cho dân có 201.600 đồng một mét vuông.”
Chuyện thu hồi đất của dân rồi bồi thường với giá rẻ mạt gây ra là sóng phản đối, biểu tình khắp nơi từ Bắc tới Nam hàng chục năm qua.
Luật Đất đai cũ là một luật gây rất nhiều oan sai, tạo điều kiện có các quan chức cướp đất, chiếm đất của dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Luật này còn tồn tại ngày nào thì bà con còn đau thương ngày nấy, còn khổ ngày nấy. - Bà Cấn Thị Thêu
Vụ biểu tình ở Tây Nguyên đòi đất, đòi tự do tôn giáo năm 2004 với gần 10.000 người tham gia đồng loạt ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông.
Đến năm 2012, nông dân các huyện Văn Giang, Hưng Yên, Dương Nội, Hà Đông, và xã Vân Hà huyện Đông Anh đã kéo về tập trung trước trụ sở tiếp dân của Mặt trận tổ quốc ở số 46, Tràng Thi, Hà Nội biểu tình khiếu kiện đất đai bị nhà cầm quyền địa phương trưng thu.
Tháng 10 năm 2016, hơn 60 hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội đòi hỏi quyền lợi khi đất đai của họ bị trưng thu và đền bù với giá rẻ mạt.
Mọi chuyện chưa được giải quyết thì xảy ra vụ cưỡng phá hàng trăm căn nhà tại vườn rau Lộc Hưng, TP.HCM ngay trước Tết Nguyên đán 2019.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội chiều ngày 25 tháng 5 năm 2018, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nhấn mạnh “Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng, thậm chí đất không thể canh tác được, nhưng sau khi được đền bù thì người dân không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống”.
Người dân Nam Định phản đối cưỡng chế đất bị cảnh sát cơ động đàn áp hôm 9/5/2012.
Người dân Nam Định phản đối cưỡng chế đất bị cảnh sát cơ động đàn áp hôm 9/5/2012. Reuters
Năm 2013, cùng với đợt sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đưa ra dự thảo sửa đổi về Luật Đất đai với những tranh luận sôi nổi về việc đất đai thuộc sở hữu của ai, và thu hồi đất đai như thế nào. Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2014.
Trao đổi với RFA vào thời điểm đó, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ nhận định rằng, muốn phát triển kinh tế và ổn định xã hội thì nên chấp nhận hình thức đa sở hữu, bao gồm phần của Nhà nước, phần của tư nhân, của doanh nghiệp, đoàn thể, hoặc tôn giáo. Bà nói thêm:
Tôi rất tiếc về việc cho đến bản dự thảo hiện nay Nhà nước vẫn còn muốn thiên về hướng duy trì quyền sở hữu Nhà nước về đất đai. Tôi ở trong số những người có đề xuất khi tiến tới sửa đổi Luật Đất đai, theo đó nên công nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau.”
Cho đến bây giờ Nhà nước Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì đất đai là sở hữu toàn dân như một cách khẳng định quyền sở hữu này thuộc về Nhà nước cho dù người dân mong muốn cải cách. Thêm vào đó, luật này một lần nữa không được xem xét vào kỳ họp Quốc hội sắp tới. Bà Cấn Thị Thêu nêu ý kiến về việc này:
Chính phủ Việt Nam là một chính phủ tham nhũng và không vì dân, cho nên nếu trì hoãn sửa đổi Luật Đất đai ngày nào thì họ còn có cơ hội cướp đất của dân ngày nấy.”
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai bị lùi lại giữa lúc tình hình đất đai trong nước đang nóng khiến cho dư luận đặt vấn đề liệu sự chậm trễ có liên quan gì đến “nhóm lợi ích” đang thao túng nguồn tài nguyên đất đai hay không? - LS. Trịnh Vĩnh Phúc
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một luật sư hỗ trợ pháp lý cho người dân Lộc Hưng ở Sài Gòn cho rằng chương trình xây dựng luật do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết và việc thay đổi lịch trình thảo luận và thông qua các dự án luật là chuyện thường xảy ra, và ông đưa ra nhận định:
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai bị lùi lại giữa lúc tình hình đất đai trong nước đang nóng khiến cho dư luận đặt vấn đề liệu sự chậm trễ có liên quan gì đến “nhóm lợi ích” đang thao túng nguồn tài nguyên đất đai hay không?
Theo chúng tôi, trong tình hình hiện nay Quốc hội cần nỗ lực và khẩn trương hoàn thiện Luật Đất đai, một đạo luật đặc biệt quan trọng chi phối toàn bộ đời sống xã hội, khắc phục nhiều điều khoản bất hợp lý, thậm chí gây ra bất công, phát sinh môi trường thuận lợi cho tham nhũng, gia tăng khiếu kiện, tạo mầm mống bất ổn xã hội...
Tuy nhiên, hoàn thiện Luật Đất đai ở Việt Nam là chuyện quá khó khăn, thậm chí là không thể, bởi nó vướng đến yếu tố thể chế và thiết chế xã hội, đến tương quan lực lượng chống tham nhũng và tham nhũng... Chính vì thế, Luật Đất đai là đạo luật được sửa đổi và bổ sung nhiều lần nhưng cũng là đạo luật có nhiều lỗ hổng và bất cập.
Theo số liệu Tổng Cục Quản Lý Đất Đai thuộc Bộ Tài Nguyên - Môi trường thì năm 2016 có hơn 2.000 vụ khiếu kiện đất đai; năm 2017 có trên 3.500 đơn khiếu nại về đất đai.
Tại buổi báo cáo trước Quốc hội công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.
D.T.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/delayed-the-correction-of-land-rule-to-rob-land-dt-04172019124916.html


'NHỮNG SỰ THẬT BÊN TRONG' VỤ ÁN TRẦN VĨNH BÌNH

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 18-4-2019

Đài VOA vừa đưa tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, Hà Nội phải bồi thường 37,5 triệu Mỹ Kim thiệt hại và 7,9 triệu án phí.
Ông Bình rời phiên tòa với khuôn mặt tươi cười hai tay giơ cao ra dấu chiến thắng (V=Victoria) nên không cần phải bàn tới.
Lạ là Bộ Tư pháp Việt Nam ngay lập tức xác nhận thông tin, nhưng cho biết theo quy định Tòa “các bên có trách nhiệm phải giữ bí mật”.
Việc chi trả bồi thường “phải giữ bí mật” là Hà Nội chính thức xác nhận không theo tiêu chuẩn hạch toán ngân sách quốc tế và không muốn cho dân biết vụ việc.
Tại sao Hà Nội phải che dấu kỹ vụ án này?

… “những sự thật bên trong”…

Trên Facebook, ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, cho biết từng cung cấp “những sự thật bên trong” cho bà Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Bình để phát biểu tại Quốc hội:
“…bắt nguồn từ việc một cán bộ an ninh kinh tế có tên Ngô Chí Đan ở Vũng Tàu. Ngô Chí Đan là em rể của Phương Vicarent. Họ cùng nhau áp lực với Trịnh Vĩnh Bình để đòi chia chát. Những người này có thế lực rất mạnh ở địa phương và cả một số cán bộ then chốt ở Trung ương.”
Ông Khế cho biết: “Thủ tướng Phan Văn Khải biết hết vụ việc và cũng rất xót xa nhưng khi tôi hỏi việc này, ông cũng lắc đầu bất lực.”
Ông cho biết thêm: “…bạn tôi, anh Nguyễn Trọng Minh lúc đó bức xúc quá viết một tâm thư gởi Bộ Chính trị. Sau đó, anh cũng bị kỷ luật, tôi cũng không nắm rõ, việc kỷ luật anh có dính dáng gì đến nội dung bức thư này hay không?”
Ông Khế kết luận: “Trường hợp Trịnh Vĩnh Bình là vì, có những người ở cấp trên đã nghe báo cáo không trung thực từ những người cấp dưới không minh bạch và tham nhũng…”
Ông Khế không cho biết cấp trên là ai? Cấp dưới là ai? Và tại sao chỉ vì một cán bộ an ninh cấp địa phương mà ông Phan Văn Khải và bà Nguyễn Thị Bình đành phải lắc đầu bất lực?

Ngô Chí Đan và Phương Vicarent là ai?

Trong một vụ án khác xử đầu tháng 12/2003, Trung tá công an Ngô Chí Đan bị kỷ luật và bị cách chức Trưởng phòng an ninh điều tra công an Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), còn Phạm Văn Phương thì chịu bản án 27 năm tù giam.
VnExpress ngày 4/12/2003 đưa tin, Nguyễn Minh Hoàng khai trước tòa Phương Vicarrent đã nhận 200 triệu đồng để đưa vào "tổ chức" ở Vũng Tàu:
“Bây giờ chủ trương của lãnh đạo ta thoáng lắm, sắp tới sẽ thí điểm cơ cấu phó chủ tịch tỉnh không cần đảng viên. Nếu chú thích anh sẽ tác động để cơ cấu chú làm phó chủ tịch”.
Cũng VnExpress ngày 3/12/2003 đưa tin, Nguyễn Minh Hoàng khai trong một lần đi nhậu có mặt Trung tá công an Ngô Chí Đan, Phương Vicarrent nói:
"Nguyễn Trọng Minh không nghe lời tao nên bị trị, còn Tuấn Minh nếu không nghe cũng giống như Trọng Minh vậy".
Nguyễn Trọng Minh nguyên Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT người được Nguyễn Công Khế nhắc tới bên trên, còn Tuấn Minh đương kim Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT thời ấy, mà Phương Vicarrent còn coi không ra gì. Nhưng có thật thế lực đằng sau Phương Vicarrent mạnh như vậy?

Trịnh Vĩnh Bình bị bắt.
Năm 1987, Vua chả giò Hòa Lan Trịnh Vĩnh Bình sang công ty chả giò, đem 2,3 triệu Mỹ kim tiền mặt và 96 ký vàng về Việt Nam đầu tư, chỉ sau 8 năm tài sản ông tăng lên 30 triệu Mỹ kim gấp gần 8 lần tiền vốn.
Làm giàu mau chóng nhưng ông Bình không đút lót Phương Vicarent nên ngày 5/12/1996 ông Bình bị Ngô Chí Đan, khi ấy là Thiếu tá công an, ra lệnh bắt, điều tra và đưa ra tòa xét xử.
Trước sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ Hòa Lan, ngày 13/5/1998, Thủ tướng Phan Văn Khải gửi thư cho Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương đề nghị xem xét trường hợp vì ông Bình “không có lỗi đến mức phải xử”.
Nhưng chỉ thị Thủ Tướng Khải không được thi hành, tháng 8/1998 ông Bình bị Toà án Nhân Dân tỉnh BR-VT kết án 13 năm tù, đóng phạt 400 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tài sản về tội sang nhượng bất hợp pháp để trốn thuế và tội hối lộ.

3 văn bản vụ án…
Đài VOA có phổ biến 3 văn bản liên quan đến vụ án:
Văn bản thứ 1 về cuộc họp ngày 3/5/1998 với sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Khánh Toàn và nhiều viên chức cao cấp.
Theo văn bản này “hoạt động của ông Trịnh Vĩnh Bình từ năm 1990 đến khi bị bắt là vi phạm pháp luật Việt Nam rất nghiêm trọng” và việc “xử lý Trịnh Vĩnh Bình đúng pháp luật vừa đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ chủ quyền Việt Nam và giải quyết được vấn đề đối ngoại”.
Văn bản thứ 2 ký ngày 12/6/1998, Ban Thường vụ Đảng tỉnh BR-VT gửi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải để xin ý kiến chỉ đạo.
Theo văn bản này Ban Thường vụ tỉnh đề nghị tòa án xét xử ngay vì “... đã có kết luận tội của Bình. Sau khi có bản án thi hành, sẽ thực hiện chính sách khoan hồng của ta. Như vậy Bình sẽ không nói xấu ta được vì đã tuyên án. (Phương án này ta nắm đằng chuôi)”
Văn bản thứ 3 được đóng dấu “Mật” do Trưởng ban Thường vụ tỉnh BR-VT, Trần Đình Hoan, gửi Trung ương Đảng và các cơ quan thuộc Đảng ủy BR-VT ký ngày 23/6/1998.
Văn bản này chỉ đạo “việc tổ chức xét xử cần được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ,… giải quyết vụ án theo ý kiến chỉ đạo trên và báo cáo kết quả với Thường vụ Bộ Chính trị… có thể cho [ông Bình được] tại ngoại theo yêu cầu của Đại sứ quán Hà Lan và sau khi Bình được xét xử thì trục xuất khỏi nước ta.”
Đài VOA cho biết đã liên lạc với giới chức có thẩm quyền để xác minh 3 văn bản nói trên nhưng đều bị từ chối cộng tác.
Ông Trịnh Vĩnh Bình kháng án, được giảm còn 11 năm tù, xong “trốn” về Hòa Lan. Ông Bình chưa cho biết cách thức ông rời khỏi Việt Nam.
Có tin đồn Thủ Tướng Phan Văn Khải đã âm thầm thu xếp để ông đi, nhưng theo hai văn bản Đài VOA có được thì ông có thể đã bị trục xuất.

Vụ án kinh tế?
Đại tá, Luật sư Lê Mai Anh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng Hội Luật gia Việt Nam, cho Đài VOA biết qua 1 cuộc phỏng vấn là “hồ sơ không có chứng cứ cụ thể, chính xác”, bản án chỉ dựa vào lời cung của các nhân chứng:
“[Họ] trọng cung hơn là trọng chứng. Mà cung cũng là ép cung, mớm cung hoặc dọa cung là có. [Họ] sử dụng cung nhiều quá mà chứng lại không có”.
Theo ông Anh: “Ông ấy đứng tên người khác là theo đúng hướng dẫn của chính phủ Việt Nam. Vì lúc ấy, họ không cho người có quốc tịch nước ngoài mua (đất đai, nhà xưởng…) nên ông ấy phải nhờ người khác đứng tên. Ông đã thực hiện đúng như ý của họ. Sau đấy họ lại cho là ông ấy mua đất đai, nhà xưởng… là không hợp pháp. Thì chẳng hiểu thế nào là hợp pháp nữa. Bảo ông ấy thế nào thì ông ấy làm đúng như thế. Chứ ông ấy có làm sai đâu”.
Chủ tịch Bà rịa - Vũng tàu ăn hối lộ?
Theo thông tin đưa lên trên mạng vào tháng 5 và 6/2005 của một người tự xưng là người trong cuộc ký tên Trần Quốc Hoàn, Tổng cục II có chứng cứ Trịnh Vĩnh Bình đã hối lộ Nguyễn Trọng Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh BR – VT để được giới thiệu với Thủ Tướng Phan Văn Khải.
Nguyễn Trọng Minh đã phải làm bản tường trình với thường vụ Bộ chính trị về việc nhận tiền Trịnh Vĩnh Bình "biếu". Ông Minh bị mất chức Chủ tịch vì vụ việc này.
Ông Minh chính là bạn và là người được Nguyễn Công Khế nhắc tới bên trên.
Còn ông Trịnh Vĩnh Bình luôn phủ nhận ông đã dùng tiền mua chuộc giới chức cộng sản.

Vụ án chính trị?
Cũng theo Trần Quốc Hoàn thì mọi công dân nước ngoài khi vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều bị các cơ quan an ninh âm thầm giám sát.
Trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình, một thành viên của Ðảng dân chủ tự do Hòa Lan, nên bị cả Bộ công an và Tổng cục II, Bộ quốc phòng theo dõi.
Khi Trịnh Vĩnh Bình bị Thiếu tá công an Ngô Chí Đan bắt, Tổng cục II ra mặt, vụ án vượt khỏi tầm kiểm soát Bộ Công An, Bộ Công An buộc phải cộng tác với Tổng cục II.
Bị truy tố trước tòa có ông Lê (Tạ?) Quang Luyện bị tội nhận hối lộ của Trịnh Vĩnh Bình 510 triệu đồng.
Ông Luyện từng là thư ký riêng của Chủ tịch tỉnh BR-VT Nguyễn Trọng Minh.
Ông Luyện giới thiệu ông Bình với ông Nguyễn Trọng Minh, để ông Bình mua chuộc ông Minh giới thiệu với Thủ Tướng Phan Văn Khải, lũng đoạn tầng lớp lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Gia đình vợ ông Luyện, có quan hệ với Phó chủ tịch nước bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Mạnh Cầm Bộ trưởng Bộ ngoại giao lúc đó.

Bộ Chính Trị trực tiếp chỉ đạo
Cũng theo Trần Quốc Hoàn Thường vụ Bộ chính trị đã phải họp mở rộng về vụ án Trịnh Vĩnh Bình.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị đình chỉ vụ án và giải oan cho Trịnh Vĩnh Bình.
Tổng cục II công bố tội trạng của ông Luyện và mối quan hệ giữa gia đình ông Luyện với bà Bình và ông Cầm. Ông Khải và bà Bình đành bất lực.
Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, Bộ Trưởng Công An Lê Minh Hương, Bí thư Trung ương Đảng Phạm Thế Duyệt, Giám đốc công an tỉnh BR-VT Châu Văn Mẫn và bí thư tỉnh ủy BR-VT Lê Văn Dỹ cho ý kiến là phải kiên quyết xử lý vụ án.
Nhưng từng ý kiến của các vị Ủy viên Bộ chính trị đều không có tính quyết định bằng các chứng cứ của Tổng cục II đưa ra, khẳng định rằng Trịnh Vĩnh Bình vào Việt Nam là để hoạt động gián điệp, núp dưới cái "vỏ" doanh nhân.
Từ một âm mưu tống tiền do Thiếu tá công an Ngô Chí Đan và Phương Vicarent dàn dựng, chuyển thành một vụ án kinh tế, rồi biến ra thành một vụ án chính trị và Bộ chính trị phải trực tiếp chỉ đạo vụ án.
Cả phía an ninh quân đội và công an đều cho rằng họ đã "bắt non" Trịnh Vĩnh Bình, nên phải xử theo một vụ án kinh tế.
Phá vỡ vụ án “gián điệp”, Thiếu tá Ngô Chí Đan, nguyên Trưởng phòng PA 24 Công an BR-VT được thăng thưởng cấp Trung tá.
Trung tá Ngô Chí Đan bị kỷ luật và cách chức Trưởng phòng trong vụ án khác nói đến bên trên và hiện ông đang là luật sư, thành viên Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT, cho thấy hệ thống pháp quyền của đảng Cộng sản Việt Nam.
Các thông tin bên trên có thể chưa hoàn hảo nhưng phần nào giúp chúng ta thấy rõ hơn vụ án Trịnh Vĩnh Bình không đơn giản như “những sự thật bên trong” ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, đã báo cho bà Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Bình để phát biểu tại Quốc hội.
Trịnh Vĩnh Bình Kiện Hà Nội…
Bộ Chính Trị không ngờ ông Trịnh Vĩnh Bình khi về được Hòa Lan đã đâm đơn kiện Hà Nội trước Tòa Án Quốc Tế.
Vụ kiện trước tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Stockholm, Hà Nội đã phải âm thầm bồi thường cho ông Bình 15 triệu Mỹ Kim, lần này lại thua kiện phải bồi thường lên đến 45,4 triệu Mỹ Kim.
Đáng nói là ông Bình kỳ vọng tiền bồi thường lên tới 1,2 tỷ Mỹ Kim vì thế biết đâu ông Bình sẽ tiếp tục kiện Hà Nội đòi thêm.

Phán quyết lịch sử…
Tháng Tư Đen 1975, Hà Nội xé Hiệp Định Đình Chiến Paris ký với sự chứng kiến của Liên Hiệp Quốc để “giải phóng” miền Nam.
Binh sỹ và công chức miền Nam bị bắt tù, không hề được đối xử theo luật “tù nhân chiến tranh”, nhiều người chết trong tù.
Dân miền Nam bị cướp nhà, cướp đất, cướp tài sản, bị đuổi đi kinh tế mới, phải bỏ nước ra đi, nhiều người chết trên đường tìm tự do.
Hà Nội coi thường Luật Pháp Quốc Tế đến độ vừa rồi cho gián điệp sang tận Đức bắt Trịnh Xuân Thanh và có thể đã bắt Trương Duy Nhất tại Thái Lan.
Tháng Tư Đen 2019, Hà Nội phải chính thức nhìn nhận thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình, một công dân Hòa Lan gốc Việt, thì quả thật phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế là một phán quyết lịch sử đối với người Việt Nam.
Hà Nội tìm mọi cách “giữ bí mật” nhưng càng muốn “giữ bí mật” thì người Việt càng mong tìm ra sự thật, để từ từ lộ ra những thâm cung bí sử của đảng Cộng sản Việt Nam.
N.Q.D.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 17/04/2019
Tác giả gửi BVN
Bài liên quan:
Trần Quốc Hoàn, Tổng Cục II - Vai Quyết Định Trong Vụ Án Trịnh Vĩnh Bình
https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://vietbao.com/a12991/tong-cuc-ii-vai-quyet-dinh-trong-vu-an-trinh-vinh-binh
Trần Quốc Hoàn, Sự Thật Về "vụ Án Phương Vicarrent"
https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://vietbao.com/a14177/su-that-ve-vu-an-phuong-vicarrent

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét