Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

20190415. BÌNH LUẬN VỀ VỤ KIỆN CỦA TRỊNH VĨNH BÌNH

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHIỀU THÔNG TIN VỤ ÔNG TRỊNH VĨNH BÌNH LÀ KHÔNG CHÍNH XÁC

BAOCHINHPHU/ GDVN 13-4-2019

Nội dung thông cáo cho biết: Ngày 10/4/2019, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ban hành Phán quyết về Vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam trên cơ sở Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan. 
Theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết.
Tuy nhiên, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận. 
Bộ Tư pháp đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và Công ty Luật đại diện cho Chính phủ Việt Nam nghiên cứu kỹ nội dung Phán quyết để thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của Chính phủ Việt Nam. 
Theo Baochinhphu.v
VỤ ÁN TRỊNH VĨNH BÌNH: PHẢN ỨNG CỦA BỘ TƯ PHÁP CÓ HỢP LÝ ?
TRUNG KHANG /RFA/ BVN 13-4-2019
Ông Trịnh Vĩnh Bình trước Tòa án Quốc tế năm 2017. (Ảnh minh họa) RFA PHOTO / Tường An
Mắt xích ít bí mật nhất là ai?
Tòa trọng tài quốc tế Paris - nơi xử vụ án doanh nhân người Hà Lan gốc Việt Nam, ông Trịnh Vĩnh Bình, là một tòa dân sự. Có nghĩa là việc công khai hay bảo đảm bí mật của phán quyết là do thỏa thuận của các đương sự. Khi một bên đương sự nhận thấy mình có thể thua, bên đương sự ấy ra lời đề nghị tất cả các bên phải bảo đảm bí mật của phán quyết. Dĩ nhiên, là phải chấp nhận trả thêm một số tiền cho đương sự khác.
Việc giữ bí mật là việc của các bên, còn việc săn tin là việc của các nhà báo. Và các nhà báo của Đài phát thanh quốc tế Hoa Kỳ đã làm rất tốt công việc săn tin và điều tra của họ. Một nhà báo giỏi, một cơ quan báo chí có uy tín là phá tan các bí mật.
Chính phủ Việt Nam không có chứng cứ về việc bên nào, ai đã cung cấp thông tin phán quyết cho VOA. Việc VOA loan tin phán quyết rõ ràng là một thất bại lớn đối với chính phủ Việt Nam, nhưng là một thành công lớn của VOA, đến độ VOA gắn bảng Tin Độc Quyền trước bản tin. Chính phủ Việt Nam nên kiện VOA ra một tòa quốc tế nào đó nếu tự tin chiến thắng. Ra khơi xa bôn ba bể lớn, hội nhập với luật pháp minh bạch và công tâm, tiến bộ của thế giới là việc mà Chính phủ Việt Nam nên làm. Nhưng, nếu khởi kiện, chính phủ Việt Nam nên nhớ rằng, các nhà báo, các tòa báo quốc tế sẽ không bao giờ công khai nguồn tin đã cung cấp thông tin cho họ. Và luật pháp quốc tế bảo đảm cho họ quyền ấy. Nó khác với luật pháp Việt Nam ở chỗ, ở Việt Nam Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân từ cấp tỉnh trở lên có quyền yêu cầu nhà báo, cơ quan báo chí cung khai nguồn tin đã cung cấp thông tin.
Xung quanh vụ án Trịnh Vĩnh Bình, hai nhà báo Nguyễn Công Khế và Hoàng Hải Vân từng làm việc ở báo Thanh Niên trên FB của mình đều viết rằng, chính các thế lực ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã gây nên án oan này. Điều này hoàn toàn không đúng, điều này là vu khống đối với đa phần quan chức tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào thời điểm vụ án diễn ra.
Vào thời điểm diễn ra vụ án Trịnh Vĩnh Bình, rất nhiều quan chức tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cực lực phản đối việc bắt giữ ông Trịnh Vĩnh Bình, đặc biệt là Chủ tịch UNND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Trọng Minh. Chẳng lẽ, ông Nguyễn Trọng Minh, đường đường là chủ tịch tỉnh lại thua ông Ngô Chí Đan, một sĩ quan cấp trưởng phòng ở Công an tỉnh BR-VT? Trong vụ án này, ông Nguyễn Trọng Minh còn bị gán ghép nhận hối lộ của ông Trịnh Vĩnh Bình, dĩ nhiên là hoàn toàn không có chứng cứ. Chỉ riêng việc phó thủ tướng thường trực, phó chủ tịch nước, một bộ trưởng can ngăn đừng để vụ án xảy ra (nhưng không được) cũng đã đủ sức phản bác quan điểm của hai nhà báo Nguyễn Công Khế và Hoàng Hải Vân. Chẳng lẽ nào Phó chủ tịch nước, phó thủ tướng thường trực, bộ trưởng yêu cầu đình chỉ vụ án mà lãnh đạo BR-VT không nghe?
Hệ thống công an, viện kiểm sát, tòa án ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo các quan chức tỉnh BR-VT thời ấy, đã bị một thế lực cực kỳ bí mật thúc ép trong vụ Trịnh Vĩnh Bình. Bản thân họ không muốn. Một nhân vật tên là T, thường được các quan chức BR-VT gọi là T "thọt" là mắt xích ít bí ẩn nhất trong một hệ thống đầy bí ẩn.
Vậy nên nhìn về hướng nào để xác định lực lượng bí ẩn? Đó chính là thế lực không chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình mà còn thực hiện nghiệp vụ an ninh của công an.
***
TIỀN TỪ NGUỒN NÀO TRẢ CHO ÔNG TRỊNH VĨNH BÌNH
Sau sự phát tán thông tin về vụ kiện ông Trịnh Vĩnh Bình, mà theo đó, số tiền mà chính phủ Việt Nam bị thiệt hại trong vụ kiện lên đến 45 triệu USD. Nhiều người đã ta thán rằng mình phải đưa vai gánh chịu một phần thiệt hại này cho dù mình không có liên quan và cũng chẳng làm gì hại đến ông Trịnh Vĩnh Bình. Rất nhanh nhẩu, công chúng đã chia đều số tiền mà chính phủ thua kiện cho từng đầu dân, từ ông cụ chân đi run lẩy bẩy cho đến cháu bé mới oe oe chào đời chưa từng biết đến mặt ngang mày dọc tờ VND, đều phải gánh chịu ngang nhau số tiền là 11.500 đồng/dân.
Thật ra, lời ta thán này sai mà lại đúng!
SAI:
Sai vì lẽ, theo nguyên tắc chung thì công chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Theo đó, dù nhân danh công sở hay nhân danh quốc gia, nhưng nếu họ thực hiện hành vi trái pháp luật gây nên sự tổn thất cho công chúng, phát sinh trách nhiệm bồi thường thì họ phải gánh chịu phần bồi thường ấy.
Thế nhưng, như thông lệ quốc tế, thì luật pháp nước ta cũng quy định sự bồi thường thiệt hại sẽ được công sở đứng ra đảm nhận chi trả cho người bị thiệt hại bằng nguồn tài chính từ công quỹ. Sau đó, buộc công chức có lỗi bồi hoàn lại.
Như trong trường hợp vụ ông Trịnh Vĩnh Bình chẳng hạn. Tuy sự thiệt hại vật chất, tinh thần của ông là do công chức thuộc các cơ quan tố tụng, thi hành án, UBND tỉnh ở tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM gây nên. Nhưng bằng bản án của cơ quan tài phán quốc tế thì chính phủ đã phải đứng ra gánh lấy trách nhiệm bồi thường vì lẽ đã không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của ông ấy theo hiệp ước bảo hộ thương mại giữa hai chính phủ Hà Lan-VN.
Sau đó, việc truy trách nhiệm và phân định lỗi của các công chức của các cơ quan kể trên sẽ phải được tiến hành. Nếu tính chất, mức độ nghiêm trọng thì có thể phải khởi tố hình sự vụ án. Số tiền 45 triệu USD mà chính phủ VN phải trả không chỉ là tiền, mà còn bao gồm cả uy tín quốc gia thì quá thừa để gọi là cực kỳ nghiêm trọng. Theo đó, khi xử lý trách nhiệm hình sự, sẽ phải xử lý cả trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền mà chính phủ đã ứng ra thi hành án chi trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình.
Điều đó cho thấy về lời ta thán rằng công chúng phải gánh chung với nhau về số nợ là sai về phương diện pháp lý. 90 triệu dân VN sẽ không phải mất một đồng bạc nào để góp trả cho khoản thi hành án ấy cả! Mà số tiền ấy phải do số cá nhân công chức thuộc các công sở hữu quan có trách nhiệm chi trả.
ĐÚNG:
Tuy vậy, xét về phương diện thực tế, lời ta thán của công chúng cũng không phải là không có cơ sở, nếu không nói rằng họ đúng.
Bởi lẽ, đã từng có nhiều vụ việc công sở phải đứng ra bồi thường thiệt hại cho người bị kết tội oan sai. Cũng theo đó, đã từng có công chức phải ngồi tù vì đã có hành vi trái pháp luật tác động vào những vụ việc oan sai như vậy. Nhưng điều đáng nói nhất là công chúng chưa từng nghe vụ nào có công chức phải móc hầu bao của mình để bồi hoàn lại cho công sở khoản bồi thường mà công sở đã ứng trả cho người bị thiệt hại.
Trách nhiệm của công chức, từ nguyên tắc do pháp luật quy định đến thực tiễn áp dụng vẫn còn khoảng cách xa diệu vợi và cứ thế, công chúng vốn vô can với những hành vi trái pháp luật của công chức nhưng vẫn cứ phải góp thuế để bồi thường cho những khoản thiệt hại không phải do lỗi của mình.
Suy cho cùng, điều đó cũng đáng khi mà phần đông công chúng xứ này vẫn vô tư chấp nhận những công chức tham lam, bất tài … ngồi trên đầu, cưỡi trên cổ của mình như bao nhiêu năm qua.
Riêng đối với ông Trịnh Vĩnh Bình. Công lý đã mỉm cười với ông khi cơ quan tài phán quốc tế tuyên ông thắng kiện. Điều đó là tất nhiên khi ông đã chọn khởi kiện tại một nơi chỉ biết tôn trọng lẽ công bằng. Ông đã thắng trong vụ kiện đòi bồi thường với tư cách là người tự do. Nhưng trớ trêu, tại quê hương ông, thì luật pháp vẫn xem ông là tội phạm nợ hình phạt 11 năm tù giam, mà trong đó, ông chỉ mới thụ án 18 tháng nếu như bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật vẫn chưa bị hủy.
Có vẻ như món nợ 11.500 đồng/dân góp trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình khó tránh khỏi. Nhưng xem ra, tuy phàn nàn, nhưng công chúng lại rất sẵn sàng hả hê cất lời chúc mừng cho ông ấy.
Tôi đoán, bạn biết rõ lý do của sự hả hê ấy nhỉ)

Vào ngày 10 tháng 4 năm 2019, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ban hành Phán quyết về Vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam, mà theo đó ông Trịnh Vĩnh Bình đã chiến thắng trong vụ kiện.
Đây là vụ kiện được mệnh danh là vụ kiện “thế kỷ” giữa triệu phú Trịnh Vĩnh Bình, công dân Hà Lan, với chính phủ Việt Nam.
Ông Bình kiện chính phủ Việt Nam đã vi phạm Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Hà Lan và Việt Nam, cũng như bắt giam ông bất hợp pháp. Theo đơn kiện, ông đòi chính phủ Việt Nam phải trả tiền bồi thường là 1,25 tỷ đô la.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/4, Ông Trịnh Vĩnh Bình không muốn công bố cụ thể số tiền mà chính phủ Việt Nam sẽ phải trả ông là bao nhiêu và bao giờ sẽ phải thực hiện. Tuy nhiên bản tin của VOA vào ngày 11/4 trích phán quyết của tòa cho biết chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Bình tổng cộng 37.581.596 đô la thiệt hại và gần 7,9 triệu đô la án phí. Trong số này có 10 triệu đô la tiền tổn thất về tinh thần.
Vào ngày12/4/2019, Bộ Tư pháp ra thông báo chính thức liên quan vụ kiện này. Bộ Tư pháp Việt Nam cho rằng, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận.
Trong thông cáo của mình, Bộ Tư pháp cũng cho biết, theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết.

Bộ Tư Pháp Việt Nam có ra một thông báo, rằng thông tin trên mạng xã hội liên quan vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình chưa chính xác. Nhưng mà nói thì nói thế thôi, chứ nếu việc như chính ông Trịnh Vĩnh Bình công bố ra thì phía Việt Nam cũng không cần phải thông báo như thế.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Trao đổi với chúng tôi hôm 12/4, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nhận định:
“Bộ Tư pháp Việt Nam có ra một thông báo, rằng thông tin trên mạng xã hội liên quan vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình chưa chính xác, và họ có nói thêm một số thông tin khác nữa như đảm bảo bí mật giữa các bên thêm gia vụ kiện, rồi các xu thế khác nhau. Nhưng mà nói thì nói thế thôi, chứ nếu việc như chính ông Trịnh Vĩnh Bình công bố ra thì phía Việt Nam cũng không cần phải thông báo như thế”.
Sau thông cáo của Bộ Tư pháp, ông Trịnh Vĩnh Bình vẫn khẳng định thông tin ông chiến thắng là đúng và cũng khẳng định rằng ông không cung cấp số tiền phải bồi thường cũng như giấy tờ liên quan đến phán quyết của tòa cho bất cứ ai.
Theo Tiến sĩ Hợp, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội… trên một nền pháp lý hoàn thiện hơn, vì vậy, Việt Nam nên có một cách cởi mở, thân thiện, công bằng hơn, sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ tất cả các phía, để làm sao Việt Nam là một đất nước hưởng lợi bởi đầu tư nước ngoài có một hình ảnh tích cực về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Còn theo Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập thì vụ kiện này đáng lý ra là chính phủ Việt Nam phải biết trước là họ thua, có lẽ là trước đây họ quá chủ quan, không đề phòng chuyện này, và cuối cùng ông Trịnh Vĩnh Bình đã thắng. Theo ông, đây có thể nói đây là một tiền đề, khi Việt Nam ra quốc tế hay đi vào các vụ kiện quốc tế, thì khả năng rất lớn là chính phủ Việt Nam sẽ thua.
“Đó là bài học rất lớn đối với chính phủ Việt Nam, họ không thể hành xử ở quốc tế giống như ở trong nước được. Ở trong nước thì luôn luôn có những cái án bỏ túi, đặc biệt là những cái án chính trị xử lý những người đấu tranh dân chủ, bất đồng chính kiến, phản biện, bằng án bỏ túi. Nhưng mà ra quốc tế thì mọi chuyện phải bình đẳng, sòng phẳng, và không thể có chuyện Việt Nam đi cửa trong cửa ngoài, đi đêm, thỏa thuận ngầm… để có những bản án bỏ túi như vậy”.

Công ty Bình Châu của ông Trịnh Vĩnh Bình trước khi bị tịch thu. Photo courtesy of Trịnh Vĩnh Bình
Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình từng đem 3 triệu đô la Mỹ về đầu tư ở Việt Nam vào cuối năm 1987. Tuy nhiên vào năm 1998, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt ông với cáo buộc hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý - bảo vệ đất đai. Ông bị giam 18 tháng 20 ngày và 1 năm 6 tháng quản chế. Năm 1999, ông bị tuyên án tù 11 năm và bị tịch thu toàn bộ tài sản.
Năm 2000 ông trốn tù, vượt biên lần nữa trở lại Hà Lan. Năm 2003 ông kiện chính phủ Việt Nam tại một tòa án ở Thụy Điển. Để tránh vụ kiện này chính phủ Việt Nam đã ký một thỏa thuận với ông ở Singapore vào năm 2006, theo đó thì ông sẽ giữ bí mật thỏa thuận này, không kiện nữa, và đổi lại chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông số tiền là 15 triệu đô la Mỹ, trả lại tất cả các tài sản đã bị tịch thu của ông. Nhưng ông nói với thông tín viên Tường An của đài RFA tại châu Âu rằng chính phủ Việt Nam đã không giữ lời hứa nên một lần nữa ông đã kiện chính phủ Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi hôm 12/4, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:
“Tôi thấy đấy là một sự việc rất đáng tiếc. Những người khi đó xử lý vụ việc của ông Trịnh Vĩnh Bình đã không tính đến, không tôn trọng các quy định pháp luật ở trong nước, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài. Lúc bấy giờ, người ta coi ông Trịnh Vĩnh Bình là người Việt Nam, một Việt Kiều quay trở về nước đầu tư hơn là một nhà đầu tư nước ngoài. Chính sự nhầm lẫn đó dẫn đến các quyết định không phù hợp dẫn đến các diễn biến và các hệ quả đáng tiếc. Tôi nghĩ đây là bài học đau xót và Việt Nam phải rút kinh nghiệm. Mặc dù báo chí trong nước có thể là không đăng nhưng tôi nghĩ các quan chức có liên quan nhà đầu tư nước ngoài, liên quan Việt Kiều cần xem xét kỹ, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Để tránh không lập lại các sai sót như đã diễn ra”.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình xảy ra vào khoảng thời gian Việt Nam còn mới mở cửa, hệ thống văn bản pháp luật còn kém:
“Chính phủ chỉ có một văn bản nhỏ, một văn bản mập mờ. Cũng may là vào năm 1994 Việt Nam có ký một thỏa thuận liên quan đầu tư với chính phủ Hà Lan. Thì bây giờ trên cơ sở ấy Tòa quốc tế phán quyết ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện”.
Đổi mới là một chương trình cải cách toàn diện bao gồm kinh tế và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng vào thập niên 1980. Đổi mới về kinh tế được chính thức thực hiện từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam năm 1987 được xây dựng từ văn bản pháp quy đầu tiên quy định về đầu tư nước ngoài 1977. Được sửa đổi, bổ sung vào năm 1990 và năm 1992; và đến năm 1996 Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cũng trong những năm này, Việt Nam bắt đầu ký các hiệp định khuyến khích đầu tư với các nước, trong số đó có Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan được ký kết năm 1994.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến ngày 20/9/2018, tại Việt Nam có 26.646 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD. Trong giai đoạn 1994-2000 đầu tư nước ngoài đóng góp vào nguồn thu ngân sách 1,8 tỷ USD, trong khi giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 23,7 tỷ USD.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình cho thấy một thất bại chính trị và ngoại giao của chính phủ Việt Nam, và cảnh báo nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ còn phải nhận thêm các vụ tương tự:
Đây là một bài học rất lớn cho chính phủ Việt Nam, và nếu không rút ra được bài học lớn như thế này, thì số tiền phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình tính luôn án phí khoảng 45 triệu USD chỉ là chuyện nhỏ, mà sẽ còn những thất bại rất lớn.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
“Qua vụ này thì có thể thấy thêm một thất bại chính trị, thất bại ngoại giao của chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế. Tôi không nghĩ sau vụ này thì môi trường đầu tư bị ảnh hưởng nhiều, chỉ có điều sau vụ Trịnh Vĩnh Bình thì sẽ có một số vụ kiện ở trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kiện chính phủ Việt Nam, kiện chính quyền địa phương ở Việt Nam, đem ra tòa quốc tế thay vì đem ra tòa ở Việt Nam. Thì lúc đó Việt Nam sẽ phải lãnh nhận hàng loạt các vụ thất bại mới”.
Ngoài vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, trang tin The Guardian hôm 15/8/2018, trích thông tin điều tra của Finance Uncovered cho biết, hai tập đoàn dầu khí đa quốc gia là ConocoPhillips và Perenco đã đệ đơn lên tòa án thuộc Liên Hiệp Quốc để được phân xử không phải trả thuế cho Chính phủ Việt Nam trong thương vụ giao dịch của hai công ty này theo Luật Thương mại Quốc tế.
Tin cho biết ConocoPhillips đã bán hai công ty con nằm ở Việt Nam cho Tập đoàn Perenco. Thương vụ được bán với giá 1,3 tỷ đô la Mỹ và ConocoPhillips thu về lợi nhuận 896 triệu USD. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ thu khoảng 179 triệu USD tiền thuế lợi nhuận trong thương vụ này.
Người phát ngôn của ConocoPhillips giải thích rằng việc mua bán giữa hai công ty cư trú ở Anh nên không phải trả tiền thuế cho Chính phủ Việt Nam, và ConocoPhillips sẽ tìm kiếm tất cả các biện pháp pháp lý để chống lại việc thu thuế của Chính phủ Việt Nam trong giao dịch đó.
Cho đến nay, phía Tập đoàn ConocoPhillips và Hội đồng trọng tài vẫn chưa cung cấp các thông tin về địa điểm và thời gian phiên tòa sẽ diễn ra.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:
“Đây là một bài học rất lớn cho chính phủ Việt Nam, và nếu không rút ra được bài học lớn như thế này, thì số tiền phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình tính luôn án phí khoảng 45 triệu USD chỉ là chuyện nhỏ, mà sẽ còn những thất bại rất lớn. Ví dụ như Việt Nam muốn kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc tế The Hague, về vấn đề biển Đông. Ngay cả có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, nếu Việt Nam không chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về pháp lý cần thiết thì vẫn có thể thua như thường. Mặc dù về lý là Việt Nam đúng nếu kiện về vấn đề chủ quyền biển Đông thuộc về Việt Nam. Do quá trình chuẩn bị quá tồi tệ nên Việt Nam vẫn có thể thua như thường”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, phía Việt Nam phải có sự chuẩn bị để có thể đáp ứng các yêu cầu kiện cáo, điều quan trọng phải chuẩn bị hồ sơ và có các luật sư am hiểu luật quốc tế, am hiểu tình tiết để tránh lập lại các trường hợp như vụ Trịnh Vĩnh Bình.
T.K.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trinh-vinh-binh-case-and-the-behavior-of-the-vietnamese-government-04122019143747.html

TIN NÓNG: CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CHÍNH THỨC THUA KIỆN ÔNG TRỊNH VĨNH BÌNH TẠI TÒA ÁN QUỐC TẾ
KHÁNH AN/ VOA/ BVN 12-4-2019
Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình là một trong những Việt kiều đầu tiên trở về nước đầu tư sau khi Việt Nam mở cửa.
Tòa án Quốc tế vừa gửi thông báo thắng kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình, người đã theo đuổi vụ kiện xuyên thế kỷ đối với chính phủ Việt Nam. Theo đó, chính phủ Việt Nam buộc phải bồi thường cho triệu phú người Hà Lan gốc Việt tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí.
Đây được xem là một sự kiện chưa từng có đối với chính phủ Việt Nam khi phải bồi thường số tiền lớn như vậy cho một doanh nhân gốc Việt vì đã chiếm đoạt sai trái tài sản đầu tư của họ tại Việt Nam.
Trong thông báo kèm theo phán quyết dài gần 200 trang gửi cho ông Trịnh Vĩnh Bình mà VOA đọc được, Tòa án Quốc tế yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường cho ông Bình 27.518.596 đôla cho phần tài sản đã chiếm của ông, 10 triệu đôla cho "thiệt hại tinh thần", 786.672,71 đôla cho án phí ở Tòa án Quốc tế và 7.111.170,94 đôla cho chi phí pháp lý, luật sư.
Trả lời VOA ngay sau khi nhận được thông báo thắng kiện từ Tòa án Quốc tế, triệu phú đã hơn 70 tuổi xúc động nói: “Qua hơn 20 năm tranh đấu để đòi lại công lý, tôi thấy con đường Tòa án Quốc tế là rất tốt. Họ rất công tâm. Họ xử trắng ra trắng, đen ra đen. Cho nên về mặt luật pháp, công lý thì vụ này là rất rõ ràng. Tòa án đã cho mình thấy là những gì mình trông đợi ở Tòa án để cảnh báo chính phủ Việt Nam về những việc làm sai trái của họ, những gì đang xảy ra hằng ngày ở Việt Nam và vẫn đang tiếp tục xảy ra, thì họ phải điều chỉnh lại”.
Triệu phú gốc Việt nói rằng ông hy vọng vụ kiện của ông sẽ mở ra một con đường cho những người dân khác mất đất đai, tài sản tại Việt Nam muốn giành lại công lý.
“Đây có thể là một dấu hiệu cho chính phủ Việt Nam thấy rằng những ngày tới đây, họ không nên khinh xuất bắt bớ người vô tội hoặc để cho con ông cháu cha, những người có thế lực, vây cánh chiếm đoạt tài sản một cách vô tội vạ, chiếm đoạt một cách hợp pháp bằng cách ‘cưỡng chế’ theo luật pháp Việt Nam, nhưng dĩ nhiên, theo luật pháp quốc tế thì đây là một sự vi phạm trắng trợn”.
Ông cảnh báo chính phủ Việt Nam “hãy coi chừng” vì từ vụ kiện của ông, người dân Việt Nam sẽ “có cơ sở” để tiếp tục khởi kiện trong tương lai.
Xuất phát của vụ kiện xuyên thế kỷ bắt đầu từ những năm thập niên 1990, khi ông Trịnh Vĩnh Bình, khi đó là triệu phú rất thành công ở Hà Lan với biệt danh “Vua Chả Giò”, trở về Việt Nam đầu tư theo tiếng gọi “Về nước đầu tư” của Hà Nội.

Ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định trở về nước đầu tư.
Sau khi quyết định bán cơ sở kinh doanh tại Hà Lan, ông Bình đã mang về nước 2.338.250 đôla và 96 ký vàng sau 60 lần nhập cảnh, bắt đầu từ năm 1990, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Tổng cục hải quan Việt Nam và Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.
Về nước, ông bắt tay vào kinh doanh trong nhiều lĩnh vực: khách sạn, thủy hải sản, xuất khẩu, nông sản, rau quả, trồng rừng… Nhưng chiến lược nhất, có lẽ là lãnh vực đất đai, vì theo như lời ông, “tôi có những bài toán lâu dài chứ không phải như Việt Nam nói là kinh doanh địa ốc”. Cứ như thế, trong vòng hơn 6 năm, giá trị số vốn ban đầu ông Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần.
Theo lời cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nói với VOA, ông Bình đã trở nên “thành công và khá nổi tiếng ở Việt Nam” vào thời điểm đó nhờ tính năng động, chủ động và nhạy bén trong kinh doanh.
Tuy nhiên, sự thành công quá nhanh của ông Bình tại Việt Nam đã gây ra “sức cuốn hút không bình thường”, theo lời của cựu Đại sứ Việt Nam. Ông bị rơi vào những cái “bẫy” của các thế lực “đục nước béo cò”.

Bộ sưu tập xe - một trong số rất nhiều tài sản của ông Bình tại Việt Nam.
Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế”. Cáo buộc ban đầu này sau đó nhanh chóng được chuyển đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ” vì thiếu căn cứ.
Ông Trịnh Vĩnh Bình bị tạm giam hơn 18 tháng trước khi được đưa ra xét xử. Trong thời gian này, ông Bình cho biết ông không được phép tự ý chọn luật sư, mà PA 24 chỉ định luật sư cho ông và buộc ông phải trả 50 triệu đồng cho luật sư này.
Ông Bình kể với VOA rằng điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong thời gian này đã khiến ông suy sụp hoàn toàn và từng nghĩ đến chuyện tự tử.
Tháng 8/1998, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án 13 năm tù đối với ông Trịnh Vĩnh Bình về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ, phạt 400 triệu đồng, tịch thu tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”.
Báo Công an Nhân dân ngày 6/6/2005 cho biết đến ngày ông Bình bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt giữ (5/12/1996), ông nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745 m2 đất.

Ông Bình tham quan địa điểm đầu tư tiềm năng tại Việt Nam vào tháng 4/1990.
Ngày 25/2/1999, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan có thư khẩn gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu chính phủ Việt Nam hoãn thi hành án cho trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình cho đến khi các chính sách mới về chính sách đầu tư tại Việt Nam được làm rõ.
Sau bản án sơ thẩm, ông Bình đã kháng cáo, gửi đơn thư khiếu nại, cầu cứu lên khắp các cơ quan nhà nước, thậm chí lên các quan chức cấp cao ở trung ương và cũng đã có những chỉ đạo can thiệp từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và một số giới chức khác.
Tuy nhiên, nỗ lực của ông Bình và một số quan chức Việt Nam, lẫn phía Hà Lan đều không mang lại hiệu quả. Lý do, theo lời cựu Đại sứ Việt Nam Đinh Hoàng Thắng nói với VOA rằng “Việt Nam có câu ‘đục nước béo cò’ có lẽ khá đúng trong trường hợp này. Mà ‘cò’ ở đây lại là những con cò lớn và nhiều khi không xuất đầu lộ diện”.
Vị cựu Đại sứ này thừa nhận rằng vụ án Trịnh Vĩnh Bình đã gây ra rất nhiều căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan vào thời điểm đó.
Sau phiên phúc thẩm, bản án của ông Trịnh Vĩnh Bình giảm từ 13 năm xuống thành 11 năm tù (năm 1999). Báo Thanh Niên ngày 14/7/2012 cho hay nhiều tài sản (nhà và đất) của ông Bình được tòa phúc thẩm giao cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai tịch thu. Hai cơ sở sản xuất (diện tích gần 40.000 m2) cùng 9 căn nhà trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao cho Cục Thi hành án dân sự bán đấu giá.
“Phiên xử sơ thẩm đến phúc thẩm không thay đổi gì mấy. Tôi thấy tình hình không êm rồi. Họ có giấy triệu tập tôi trở lại trại tù. Họ cho tôi thời gian 7 ngày. Trong thời gian đó, tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại, nhưng thấy không êm rồi. Tới giờ chót, tức ngày hôm sau đi trình diện thì tôi trốn,” ông Bình nói với VOA.
Sau khi ra khỏi Việt Nam, ông Bình đã nộp đơn kiện chính phủ Việt Nam ra tòa trọng tài quốc tế. Hai bên “dàn xếp” ngoài tòa vào năm 2005 và Việt Nam đền ông Bình 15 triệu đôla, miễn án, tạo điều kiện cho ông Bình trở lại Việt Nam, đồng thời hoàn trả tài sản đã tịch biên.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tin tức về vụ kiện đã bị cắt đứt hoàn toàn, cả trong nước lẫn quốc tế. Nguyên nhân, theo lời ông Bình, là vì đây là điều kiện phía Việt Nam đưa ra trong Thỏa thuận: Không tiết lộ thông tin cho truyền thông, báo chí.
Tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế lần thứ hai vì theo lời ông Bình, người cho là mình đã “bị lừa”, thì chính phủ Việt Nam đã lần lữa không trả lại bất kỳ tài sản nào cho ông ngoài số tiền bồi thường trên.
K.A.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/tin-nong-vn-thua-kien-trinh-vinh-binh/4871491.html



TRAO ĐỔI VỚI TIẾN SĨ LÊ ĐĂNG DOANH

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 16-4-2019

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế. Ông khá nổi tiếng vì có nhiều ý kiến chính xác và chân thực. Tuy vậy, trong “Vụ việc Trịnh Vĩnh Bình” ông có một phát biểu mà tôi thấy cần bàn luận.  Ngày 12/4/2019, trao đổi với RFA, ông Doanh nói:
Tôi thấy đấy là một sự việc rất đáng tiếc. Những người khi đó xử lý vụ việc của ông Trịnh Vĩnh Bình đã không tính đến, không tôn trọng các quy định pháp luật ở trong nước, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài. Lúc bấy giờ, người ta coi ông Trịnh Vĩnh Bình là người Việt Nam, một Việt Kiều quay trở về nước đầu tư hơn là một nhà đầu tư nước ngoài. Chính sự nhầm lẫn đó dẫn đến các quyết định không phù hợp dẫn đến các diễn biến và các hệ quả đáng tiếc. Tôi nghĩ đây là bài học đau xót và Việt Nam phải rút kinh nghiệm. Mặc dù báo chí trong nước có thể là không đăng nhưng tôi nghĩ các quan chức có liên quan nhà đầu tư nước ngoài, liên quan Việt Kiều cần xem xét kỹ, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Để tránh không lập lại các sai sót như đã diễn ra”.
Thực chất vụ việc Trịnh Vĩnh Bình là một tội ác mà chính quyền phối hợp với tòa án cộng sản tạo ra, một vụ cướp đoạt, có âm mưu thâm hiểm, với thủ đoạn đê hèn, gian xảo, để lại tai họa to lớn. Đó không phải chỉ là “Sự việc rất đáng tiếc…, là bài học đau xót…” mà  là việc rất đáng phẫn nộ, cần kết án nghiêm khắc. Cũng không phải “ Chính sự nhầm lẫn đó dẫn đến quyết định không phù hợp…”; khi mà đã có những nhân vật như Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng và vài cán bộ cao cấp khác đã cảnh báo sự vi phạm luật pháp. Không phải nhầm lẫn mà cố tình cướp đoạt với sự ngu muội và kiêu ngạo cộng sản, cho rằng không ai làm gì được khi có đảng lãnh đạo, khi chính quyền và tòa án đã móc ngoặc với nhau. Ông Doanh nói đến “Sự không tôn trọng pháp luật...” một cách nhẹ nhàng của những cán bộ cộng sản vẫn có thói trịch thượng, xem ý kiến của một vài cá nhân cấp ủy đảng cao hơn mọi luật pháp.
Nhầm lẫn thế nào khi hai cấp tòa án xét xử, khi không chịu thi hành cam kết trả lại tài sản được viết thành văn bản rõ ràng.
Ông Doanh cho rằng “ Đây là bài học đau xót và VN phải  rút kinh nghiệm…”, tôi nghĩ rằng không thể chỉ dừng lại ở chỗ rút kinh nghiệm mà phải “Truy cứu trách nhiệm hình sự, điều tra, xét xử, kết tội “ những kẻ  đã lợi dụng chức quyền để cướp đoạt và chia nhau tài sản, đã không thực hiện cam kết việc đền bù, đến nổi Chính phủ phải mất mặt vì hầu kiện, chịu nhục vì thua kiện, đến nổi nhân dân phải è cổ đóng thuế để lấy tiền cho CP nộp phạt và theo đuổi vụ kiện, tốn kém nhiều ngàn tỷ đồng…
Phải lôi ra ánh sáng để nhân dân thấy mặt và trừng trị thích đáng những kẻ tham nhũng quyền lực trong vụ cướp đoạt có tổ chức, có tòa án và nhà tù này. Nếu lãnh đạo cố tình giấu nhẹm chuyện  thì chỉ thể hiện đồng lõa với bọn ăn cướp có tổ chức, bọn phản dân hại nước.
N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN


'NHỮNG SỰ THẬT BÊN TRONG' VỤ ÁN TRỊNH VĨNH BÌNH

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 18-4-2019

Đài VOA vừa đưa tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, Hà Nội phải bồi thường 37,5 triệu Mỹ Kim thiệt hại và 7,9 triệu án phí.
Ông Bình rời phiên tòa với khuôn mặt tươi cười hai tay giơ cao ra dấu chiến thắng (V=Victoria) nên không cần phải bàn tới.
Lạ là Bộ Tư pháp Việt Nam ngay lập tức xác nhận thông tin, nhưng cho biết theo quy định Tòa “các bên có trách nhiệm phải giữ bí mật”.
Việc chi trả bồi thường “phải giữ bí mật” là Hà Nội chính thức xác nhận không theo tiêu chuẩn hạch toán ngân sách quốc tế và không muốn cho dân biết vụ việc.
Tại sao Hà Nội phải che dấu kỹ vụ án này?

… “những sự thật bên trong”…

Trên Facebook, ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, cho biết từng cung cấp “những sự thật bên trong” cho bà Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Bình để phát biểu tại Quốc hội:
“…bắt nguồn từ việc một cán bộ an ninh kinh tế có tên Ngô Chí Đan ở Vũng Tàu. Ngô Chí Đan là em rể của Phương Vicarent. Họ cùng nhau áp lực với Trịnh Vĩnh Bình để đòi chia chát. Những người này có thế lực rất mạnh ở địa phương và cả một số cán bộ then chốt ở Trung ương.”
Ông Khế cho biết: “Thủ tướng Phan Văn Khải biết hết vụ việc và cũng rất xót xa nhưng khi tôi hỏi việc này, ông cũng lắc đầu bất lực.”
Ông cho biết thêm: “…bạn tôi, anh Nguyễn Trọng Minh lúc đó bức xúc quá viết một tâm thư gởi Bộ Chính trị. Sau đó, anh cũng bị kỷ luật, tôi cũng không nắm rõ, việc kỷ luật anh có dính dáng gì đến nội dung bức thư này hay không?”
Ông Khế kết luận: “Trường hợp Trịnh Vĩnh Bình là vì, có những người ở cấp trên đã nghe báo cáo không trung thực từ những người cấp dưới không minh bạch và tham nhũng…”
Ông Khế không cho biết cấp trên là ai? Cấp dưới là ai? Và tại sao chỉ vì một cán bộ an ninh cấp địa phương mà ông Phan Văn Khải và bà Nguyễn Thị Bình đành phải lắc đầu bất lực?

Ngô Chí Đan và Phương Vicarent là ai?

Trong một vụ án khác xử đầu tháng 12/2003, Trung tá công an Ngô Chí Đan bị kỷ luật và bị cách chức Trưởng phòng an ninh điều tra công an Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), còn Phạm Văn Phương thì chịu bản án 27 năm tù giam.
VnExpress ngày 4/12/2003 đưa tin, Nguyễn Minh Hoàng khai trước tòa Phương Vicarrent đã nhận 200 triệu đồng để đưa vào "tổ chức" ở Vũng Tàu:
“Bây giờ chủ trương của lãnh đạo ta thoáng lắm, sắp tới sẽ thí điểm cơ cấu phó chủ tịch tỉnh không cần đảng viên. Nếu chú thích anh sẽ tác động để cơ cấu chú làm phó chủ tịch”.
Cũng VnExpress ngày 3/12/2003 đưa tin, Nguyễn Minh Hoàng khai trong một lần đi nhậu có mặt Trung tá công an Ngô Chí Đan, Phương Vicarrent nói:
"Nguyễn Trọng Minh không nghe lời tao nên bị trị, còn Tuấn Minh nếu không nghe cũng giống như Trọng Minh vậy".
Nguyễn Trọng Minh nguyên Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT người được Nguyễn Công Khế nhắc tới bên trên, còn Tuấn Minh đương kim Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT thời ấy, mà Phương Vicarrent còn coi không ra gì. Nhưng có thật thế lực đằng sau Phương Vicarrent mạnh như vậy?
Trịnh Vĩnh Bình bị bắt.
Năm 1987, Vua chả giò Hòa Lan Trịnh Vĩnh Bình sang công ty chả giò, đem 2,3 triệu Mỹ kim tiền mặt và 96 ký vàng về Việt Nam đầu tư, chỉ sau 8 năm tài sản ông tăng lên 30 triệu Mỹ kim gấp gần 8 lần tiền vốn.
Làm giàu mau chóng nhưng ông Bình không đút lót Phương Vicarent nên ngày 5/12/1996 ông Bình bị Ngô Chí Đan, khi ấy là Thiếu tá công an, ra lệnh bắt, điều tra và đưa ra tòa xét xử.
Trước sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ Hòa Lan, ngày 13/5/1998, Thủ tướng Phan Văn Khải gửi thư cho Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương đề nghị xem xét trường hợp vì ông Bình “không có lỗi đến mức phải xử”.
Nhưng chỉ thị Thủ Tướng Khải không được thi hành, tháng 8/1998 ông Bình bị Toà án Nhân Dân tỉnh BR-VT kết án 13 năm tù, đóng phạt 400 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tài sản về tội sang nhượng bất hợp pháp để trốn thuế và tội hối lộ.
3 văn bản vụ án…
Đài VOA có phổ biến 3 văn bản liên quan đến vụ án:
Văn bản thứ 1 về cuộc họp ngày 3/5/1998 với sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Khánh Toàn và nhiều viên chức cao cấp.
Theo văn bản này “hoạt động của ông Trịnh Vĩnh Bình từ năm 1990 đến khi bị bắt là vi phạm pháp luật Việt Nam rất nghiêm trọng” và việc “xử lý Trịnh Vĩnh Bình đúng pháp luật vừa đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ chủ quyền Việt Nam và giải quyết được vấn đề đối ngoại”.
Văn bản thứ 2 ký ngày 12/6/1998, Ban Thường vụ Đảng tỉnh BR-VT gửi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải để xin ý kiến chỉ đạo.
Theo văn bản này Ban Thường vụ tỉnh đề nghị tòa án xét xử ngay vì “... đã có kết luận tội của Bình. Sau khi có bản án thi hành, sẽ thực hiện chính sách khoan hồng của ta. Như vậy Bình sẽ không nói xấu ta được vì đã tuyên án. (Phương án này ta nắm đằng chuôi)”
Văn bản thứ 3 được đóng dấu “Mật” do Trưởng ban Thường vụ tỉnh BR-VT, Trần Đình Hoan, gửi Trung ương Đảng và các cơ quan thuộc Đảng ủy BR-VT ký ngày 23/6/1998.
Văn bản này chỉ đạo “việc tổ chức xét xử cần được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ,… giải quyết vụ án theo ý kiến chỉ đạo trên và báo cáo kết quả với Thường vụ Bộ Chính trị… có thể cho [ông Bình được] tại ngoại theo yêu cầu của Đại sứ quán Hà Lan và sau khi Bình được xét xử thì trục xuất khỏi nước ta.”
Đài VOA cho biết đã liên lạc với giới chức có thẩm quyền để xác minh 3 văn bản nói trên nhưng đều bị từ chối cộng tác.
Ông Trịnh Vĩnh Bình kháng án, được giảm còn 11 năm tù, xong “trốn” về Hòa Lan. Ông Bình chưa cho biết cách thức ông rời khỏi Việt Nam.
Có tin đồn Thủ Tướng Phan Văn Khải đã âm thầm thu xếp để ông đi, nhưng theo hai văn bản Đài VOA có được thì ông có thể đã bị trục xuất.
Vụ án kinh tế?
Đại tá, Luật sư Lê Mai Anh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng Hội Luật gia Việt Nam, cho Đài VOA biết qua 1 cuộc phỏng vấn là “hồ sơ không có chứng cứ cụ thể, chính xác”, bản án chỉ dựa vào lời cung của các nhân chứng:
“[Họ] trọng cung hơn là trọng chứng. Mà cung cũng là ép cung, mớm cung hoặc dọa cung là có. [Họ] sử dụng cung nhiều quá mà chứng lại không có”.
Theo ông Anh: “Ông ấy đứng tên người khác là theo đúng hướng dẫn của chính phủ Việt Nam. Vì lúc ấy, họ không cho người có quốc tịch nước ngoài mua (đất đai, nhà xưởng…) nên ông ấy phải nhờ người khác đứng tên. Ông đã thực hiện đúng như ý của họ. Sau đấy họ lại cho là ông ấy mua đất đai, nhà xưởng… là không hợp pháp. Thì chẳng hiểu thế nào là hợp pháp nữa. Bảo ông ấy thế nào thì ông ấy làm đúng như thế. Chứ ông ấy có làm sai đâu”.
Chủ tịch Bà rịa - Vũng tàu ăn hối lộ?
Theo thông tin đưa lên trên mạng vào tháng 5 và 6/2005 của một người tự xưng là người trong cuộc ký tên Trần Quốc Hoàn, Tổng cục II có chứng cứ Trịnh Vĩnh Bình đã hối lộ Nguyễn Trọng Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh BR – VT để được giới thiệu với Thủ Tướng Phan Văn Khải.
Nguyễn Trọng Minh đã phải làm bản tường trình với thường vụ Bộ chính trị về việc nhận tiền Trịnh Vĩnh Bình "biếu". Ông Minh bị mất chức Chủ tịch vì vụ việc này.
Ông Minh chính là bạn và là người được Nguyễn Công Khế nhắc tới bên trên.
Còn ông Trịnh Vĩnh Bình luôn phủ nhận ông đã dùng tiền mua chuộc giới chức cộng sản.
Vụ án chính trị?
Cũng theo Trần Quốc Hoàn thì mọi công dân nước ngoài khi vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều bị các cơ quan an ninh âm thầm giám sát.
Trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình, một thành viên của Ðảng dân chủ tự do Hòa Lan, nên bị cả Bộ công an và Tổng cục II, Bộ quốc phòng theo dõi.
Khi Trịnh Vĩnh Bình bị Thiếu tá công an Ngô Chí Đan bắt, Tổng cục II ra mặt, vụ án vượt khỏi tầm kiểm soát Bộ Công An, Bộ Công An buộc phải cộng tác với Tổng cục II.
Bị truy tố trước tòa có ông Lê (Tạ?) Quang Luyện bị tội nhận hối lộ của Trịnh Vĩnh Bình 510 triệu đồng.
Ông Luyện từng là thư ký riêng của Chủ tịch tỉnh BR-VT Nguyễn Trọng Minh.
Ông Luyện giới thiệu ông Bình với ông Nguyễn Trọng Minh, để ông Bình mua chuộc ông Minh giới thiệu với Thủ Tướng Phan Văn Khải, lũng đoạn tầng lớp lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Gia đình vợ ông Luyện, có quan hệ với Phó chủ tịch nước bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Mạnh Cầm Bộ trưởng Bộ ngoại giao lúc đó.
Bộ Chính Trị trực tiếp chỉ đạo
Cũng theo Trần Quốc Hoàn Thường vụ Bộ chính trị đã phải họp mở rộng về vụ án Trịnh Vĩnh Bình.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị đình chỉ vụ án và giải oan cho Trịnh Vĩnh Bình.
Tổng cục II công bố tội trạng của ông Luyện và mối quan hệ giữa gia đình ông Luyện với bà Bình và ông Cầm. Ông Khải và bà Bình đành bất lực.
Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, Bộ Trưởng Công An Lê Minh Hương, Bí thư Trung ương Đảng Phạm Thế Duyệt, Giám đốc công an tỉnh BR-VT Châu Văn Mẫn và bí thư tỉnh ủy BR-VT Lê Văn Dỹ cho ý kiến là phải kiên quyết xử lý vụ án.
Nhưng từng ý kiến của các vị Ủy viên Bộ chính trị đều không có tính quyết định bằng các chứng cứ của Tổng cục II đưa ra, khẳng định rằng Trịnh Vĩnh Bình vào Việt Nam là để hoạt động gián điệp, núp dưới cái "vỏ" doanh nhân.
Từ một âm mưu tống tiền do Thiếu tá công an Ngô Chí Đan và Phương Vicarent dàn dựng, chuyển thành một vụ án kinh tế, rồi biến ra thành một vụ án chính trị và Bộ chính trị phải trực tiếp chỉ đạo vụ án.
Cả phía an ninh quân đội và công an đều cho rằng họ đã "bắt non" Trịnh Vĩnh Bình, nên phải xử theo một vụ án kinh tế.
Phá vỡ vụ án “gián điệp”, Thiếu tá Ngô Chí Đan, nguyên Trưởng phòng PA 24 Công an BR-VT được thăng thưởng cấp Trung tá.
Trung tá Ngô Chí Đan bị kỷ luật và cách chức Trưởng phòng trong vụ án khác nói đến bên trên và hiện ông đang là luật sư, thành viên Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT, cho thấy hệ thống pháp quyền của đảng Cộng sản Việt Nam.
Các thông tin bên trên có thể chưa hoàn hảo nhưng phần nào giúp chúng ta thấy rõ hơn vụ án Trịnh Vĩnh Bình không đơn giản như “những sự thật bên trong” ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, đã báo cho bà Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Bình để phát biểu tại Quốc hội.
Trịnh Vĩnh Bình Kiện Hà Nội…
Bộ Chính Trị không ngờ ông Trịnh Vĩnh Bình khi về được Hòa Lan đã đâm đơn kiện Hà Nội trước Tòa Án Quốc Tế.
Vụ kiện trước tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Stockholm, Hà Nội đã phải âm thầm bồi thường cho ông Bình 15 triệu Mỹ Kim, lần này lại thua kiện phải bồi thường lên đến 45,4 triệu Mỹ Kim.
Đáng nói là ông Bình kỳ vọng tiền bồi thường lên tới 1,2 tỷ Mỹ Kim vì thế biết đâu ông Bình sẽ tiếp tục kiện Hà Nội đòi thêm.
Phán quyết lịch sử…
Tháng Tư Đen 1975, Hà Nội xé Hiệp Định Đình Chiến Paris ký với sự chứng kiến của Liên Hiệp Quốc để “giải phóng” miền Nam.
Binh sỹ và công chức miền Nam bị bắt tù, không hề được đối xử theo luật “tù nhân chiến tranh”, nhiều người chết trong tù.
Dân miền Nam bị cướp nhà, cướp đất, cướp tài sản, bị đuổi đi kinh tế mới, phải bỏ nước ra đi, nhiều người chết trên đường tìm tự do.
Hà Nội coi thường Luật Pháp Quốc Tế đến độ vừa rồi cho gián điệp sang tận Đức bắt Trịnh Xuân Thanh và có thể đã bắt Trương Duy Nhất tại Thái Lan.
Tháng Tư Đen 2019, Hà Nội phải chính thức nhìn nhận thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình, một công dân Hòa Lan gốc Việt, thì quả thật phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế là một phán quyết lịch sử đối với người Việt Nam.
Hà Nội tìm mọi cách “giữ bí mật” nhưng càng muốn “giữ bí mật” thì người Việt càng mong tìm ra sự thật, để từ từ lộ ra những thâm cung bí sử của đảng Cộng sản Việt Nam.
N.Q.D.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 17/04/2019
Tác giả gửi BVN
Bài liên quan:
Trần Quốc Hoàn, Tổng Cục II - Vai Quyết Định Trong Vụ Án Trịnh Vĩnh Bình
https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://vietbao.com/a12991/tong-cuc-ii-vai-quyet-dinh-trong-vu-an-trinh-vinh-binh
Trần Quốc Hoàn, Sự Thật Về "vụ Án Phương Vicarrent"
https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgxwCgLldqNbBVbMJZLlFjhdblhprhttps://vietbao.com/a14177/su-that-ve-vu-an-phuong-vicarrent


ÔNG TRỊNH VĨNH BÌNH THẮNG KIỆN: KHÔNG CÓ CON ĐƯỜNG CHO DÂN OAN Ở VIỆT NAM

NGUYỄN TƯỜNG THỤY/ VNTB/ BVN 20-4-2019

(VNTB) - Ở VN, không có sở hữu tư nhân về đất đai và luật đất đai vẫn tiếp tục bị lợi dụng để cướp đất phá nhà của người dân một cách trắng trợn, đẩy hàng vạn nông dân vào cảnh cùng quẫn…
 
https://2.bp.blogspot.com/-V7GfcBDYWg8/XLgq27PXDkI/AAAAAAAAeHM/Ao9wOfNmu0Qhz7XBirw_ds5YXYjOg7pmgCLcBGAs/s640/download.jpg
 
Sau nhiều chục năm lao đao trong kinh doanh, bị tịch thu tài sản, chịu tù tội và theo kiện, ông Trịnh Vĩnh Bình đã giành thắng lợi bằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Ngoài số tiền 37.518.596 đô la Mỹ phải bồi thường cho ông Bình, phía Việt Nam phải chịu 7.897.843,65 đô la án phí, chi phí pháp lý, luật sư.
Chia sẻ với VOA về thắng lợi này, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết “ông hy vọng vụ kiện của ông sẽ mở ra một con đường cho những người dân khác mất đất đai, tài sản tại Việt Nam muốn giành lại công lý” (theo VOA).
Trước hy vọng của ông Trịnh Vĩnh Bình về những khả quan cho người dân mất đất đai, tài sản, theo tôi, chỉ nên chúc mừng thắng lợi của ông, và nếu có hy vọng thì hy vọng cho những người như ông, tức là những doanh nhân nước ngoài đầu tư vào VN, chứ không hy vọng điều gì sáng sủa cho những người dân trong nước bị cướp đất đai, tài sản.
Phải khẳng định rằng, nếu ông không phải là công dân Hà Lan thì ông không thể thắng kiện mà phải chịu mất tài sản và chịu tù đày cho hết án. Ông nói, có lúc ông từng nghĩ đến chuyện tự tử. Nếu từng có ý nghĩ ấy, mà ông chỉ ở vị thế một người VN bình thường, có lẽ ông đã tự tử thật. Nhưng vì ông là công dân Hà Lan nên ông còn nuôi hy vọng. Dù sao thì sự kiên trì, gan góc của ông phải nói là hiếm thấy. Sự kiên trì ấy cộng với yếu tố Việt Kiều cuối cùng đã đem lại cho ông thắng lợi.
Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng phía VN “đã không tính đến, không tôn trọng các quy định pháp luật ở trong nước, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài. Lúc bấy giờ, người ta coi ông Trịnh Vĩnh Bình là người Việt Nam, một Việt Kiều quay trở về nước đầu tư hơn là một nhà đầu tư nước ngoài. Chính sự nhầm lẫn đó dẫn đến các quyết định không phù hợp dẫn đến các diễn biến và các hệ quả đáng tiếc”. (VOA)
Nhận định của ông Lê Đăng Doanh là có cơ sở. Trong vụ việc này, phía VN vừa nhầm lẫn, vừa chủ quan và vừa đánh giá sai đối phương. Họ chủ quan tới mức, phớt lờ cả thỏa thuận bồi thường cho ông Bình 15 triệu đô la Mỹ và trả lại tài sản đã tịch thu của ông để ông rút đơn kiện, theo kiểu “tao không trả làm gì được tao”. Nếu không chầy cối như thế, làm gì có kết cục thua bẽ bàng như vậy. Đương nhiên, về mặt pháp lý thì dù là người Việt hay là người nước ngoài đều phải được đối xử theo đúng qui định của luật pháp, nhưng ở đây, ông Doanh nói là căn cứ vào tình hình thực tế về thực thi pháp luật ở VN. Họ giải quyết việc đối với ông Bình quen theo kiểu ở VN nên mới dẫn đến thua kiện. Người dân thường bị oan ức không kêu được ai, nhưng với ông Trịnh Vĩnh Bình thì khác.Vì vậy, việc thắng kiện của ông Bình có thể đem lại sự cổ vũ cho các nhà đầu tư nước ngoài nếu bị đối xử tùy tiện, trái luật. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có kinh nghiệm từ vụ kiện của ông Bình còn phía VN cũng phải cẩn thận hơn, tôn trọng họ hơn. Cái đau của phía VN là cái đau về tinh thần, là sự bẽ bàng, là hình ảnh không mấy hay ho trong con mắt quốc tế. Chứ còn 45 triệu đô la với họ cũng chỉ là số tiền rơi vãi.
Nhưng đấy là chuyện của ông Trịnh Vĩnh Bình. Còn với dân oan ở VN thì sao? Việc ông Bình thắng kiện chẳng đem lại hy vọng gì cho họ. Có chăng là họ vui thích vì có người đã chiến thắng kẻ đã gây ra bao nỗi oan khiên cho họ.
Ở VN, không có sở hữu tư nhân về đất đai và luật đất đai vẫn tiếp tục bị lợi dụng để cướp đất phá nhà của người dân một cách trắng trợn, đẩy hàng vạn nông dân vào cảnh cùng quẫn. Người nông dân có thể bị mất đất bất cứ lúc nào, dưới danh nghĩa “thu hồi” đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng thực chất là cướp để thỏa mãn cơn khát làm giàu của những nhóm lợi ích. Nhiều vụ “thu hồi” đất trái luật và tàn bạo như đánh đập, đẩy người dân vào vòng tù tội.
Lẽ thường, bị oan sai thì khiếu kiện. VN cũng có đủ luật về khiếu nại tố cáo, cũng qui định thời hạn, trình tự giải quyết. Nhưng vấn đề ở chỗ, chẳng ai giải quyết đơn thư của họ. Việc làm sai trái của nhà cầm quyền được bảo kê chặt chẽ, từ cấp cơ sở đến trung ương. Vì thế chúng rất tự tin thách thức: “Tôi giải quyết thế đấy, muốn kiện đâu thì kiện”.
Nếu sòng phẳng về pháp luật, sẽ không có chuyện dân oan VN ngày càng đông hơn, kêu kiện từ năm này qua năm khác, từ chục năm này đến chục năm khác. Khác với các nhà đầu tư nước ngoài, dân oan bị cướp đất đai tài sản vẫn là thân phận con sau cái kiến, bị đối xử sao phải chịu vậy. Nói không ngoa rằng, VN là cường quốc dân oan. Vấn đề dân oan ở VN thực sự bế tắc.
Cho nên việc ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, tôi cũng chỉ biết chúc mừng ông. Tuyệt nhiên tôi không hy vọng sự kiện này sẽ mở ra một con đường cho những người dân oan ở Việt Nam muốn giành lại công lý.
N.T.T.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét