Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

20190407. BÌNH LUẬN VỀ VỤ KHÁ 'BẢNH', TUYỀN 'THÁNH CHỬI'

ĐIỂM BÁO MẠNG
TUNG HÔ KHÁ 'BẢNH', DƯƠNG MINH TUYỀN: MỐI LO THỰC TỪ 'GIANG HỒ ẢO'

NGỌC TRANG/VNN 1-4-2019

Thủ thuật của Khá 'bảnh' và những kiểu làm giàu xấu xí
Những video sặc mùi bạo lực, hoặc rất ngây ngô, do Khá Bảnh tạo ra lại thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem
 'Những điều mới lạ, những hành vi khác biệt luôn có sức hấp dẫn hơn, đặc biệt với những người ở độ tuổi chưa phân biệt được cái tốt cái xấu’, chuyên gia tư vấn tâm lý lý giải việc giới trẻ hâm mộ Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh.
Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh là ai?
Dương Minh Tuyền (SN 1986, trú tại phường Kinh Bắc, TP.Bắc Ninh), nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh “thánh chửi”.
Có biệt danh trên bởi Tuyền thường đăng tải những clip bình luận về các sự kiện, nhân vật đang gây chú ý. Tuyền trở thành một hiện tượng của mạng xã hội khi lượng người theo dõi các trang cá nhân của nam thanh niên này tăng liên tục.

Tung hô Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền: Mối lo thực từ 'giang hồ ảo'
Dương Minh Tuyền xuất hiện tại Hưng Yên để động viên nữ sinh bị bạo hành (Ảnh cắt từ video)
Gần đây nhất, 'thánh chửi' Dương Minh Tuyền lại xây xôn xao khi đến Hưng Yên vào ngày 31/3, để thăm hỏi, hỗ trợ nữ sinh bị bạo hành trong lớp học với số tiền 10 triệu đồng. 
Trước đó năm 2017, “thánh chửi” này đã từng phải ‘bóc lịch’ với mức án 32 tháng tù giam, trong đó 26 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, 6 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”.
Mặc dù có quá khứ như vậy, nhưng một bộ phận giới trẻ lại tung hô Dương Minh Tuyền như người hùng. Tháng 9/2018, khi Dương minh Tuyền ra tù, nhiều bạn bè thân thiết đã kéo ô tô đến đón. Trước cảnh tượng trên, Tuyền tay ôm bó hoa gửi lời chào đến bà con và nói: “Tôi đã trở về”, đồng thời hứa hẹn gây xôn xao cộng đồng mạng thời gian tới.

Tung hô Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền: Mối lo thực từ 'giang hồ ảo'
Khá Bảnh đăng tải ảnh dừng xe, dàn hàng ngang chụp ảnh trên cao tốc

Ngoài Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh (tên thật là Ngô Bá Khá, ở Bắc Ninh) cũng là một nhân vật tạo nhiều ‘sóng gió’ trên các diễn đàn mạng. Khá Bảnh nhiều lần vi phạm pháp luật và bị xử lý.
Tháng 4/2019, Khá Bảnh đăng tải một video clip lên trang Youtube với tựa đề: ‘Anh Bảnh đi xe bị ngã, nên bực mình đốt xe luôn’. Trong clip, Khá Bảnh rủ bạn của mình dùng gậy sắt đập nát và đổ xăng đốt xe. Vụ việc này khiến Khá Bảnh bị công an triệu tập lên làm việc.
Trước đó vào 3/2019, Khá Bảnh cũng đăng ảnh dừng xe, dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc nên phải đóng tiền phạt 5,5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thời hạn 2 tháng.
Thanh niên này cũng thường xuyên có những clip, livestream nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc.
Đặc điểm chung của hai nhân vật này là sở hữu lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội. Dưới mỗi video, clip đăng tải không ít bạn trẻ dùng những lời có cánh tung hô các hành vi của họ. Các nhân vật này cũng được chào đón rầm rộ tại một số nơi.
Cụ thể, khi xuất hiện gần một trường THPT ở TP Yên Bái, Khá Bảnh được học sinh, người lớn vây kín xin chụp ảnh, chữ ký và đón tiếp như một 'ngôi sao'.
‘Cái xấu dễ lan truyền hơn điều tốt đẹp'
Lý giải nguyên nhân thay vì hâm mộ những người nổi tiếng hay KOLs (Key Opinion Leader: những người có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó, được nhiều người biết đến), giới trẻ lại thần tượng những thanh niên giang hồ, Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa khẳng định, những điều mới lạ, những hành vi khác biệt luôn có sức hấp dẫn hơn, đặc biệt với những người ở độ tuổi chưa phân biệt được cái tốt, cái xấu.

Tung hô Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền: Mối lo thực từ 'giang hồ ảo'
Khá Bảnh được nhiều học sinh chào đón khi xuất hiện tại một trường THPT ở Yên Bái

‘Quan niệm của một bộ phận giới trẻ về cái đẹp, lý tưởng thẩm mỹ chưa đúng nên họ thấy cái gì lạ thì đều bị hấp dẫn. Đây không phải điều cá biệt bởi trước đó, tôi còn biết có bộ phận giới trẻ còn thần tượng các nhân vật như Lệ Rơi…’, ông Trịnh Trung Hòa nói.
Theo chuyên gia tâm lý này, hiện tượng trên là một điều đáng buồn, đáng lo ngại khi giới trẻ bị sức hút của những điều lệch chuẩn xã hội lôi kéo dẫn đến những hành vi lệch chuẩn.
Chuyên gia Trịnh Trung Hòa khẳng định: ‘Thế hệ trẻ chạy theo thần tượng lệch chuẩn sẽ là điều nguy hại cho xã hội. Không chắc giới trẻ có mô phỏng hành vi không nhưng đáng ra phải lên án lại ngưỡng mộ.
Khi hành vi sai bị lên án, những kẻ làm việc xấu phải dè chừng. Nhưng nếu được tung hô, khuyến khích những hành vi lệch chuẩn đó sẽ bị nhân rộng’.
GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn Hóa - Du lịch, cũng phân tích: Xã hội có nhiều tầng lớp và nhiều cảm xúc, xu hướng khác nhau. Một nhóm người trong xã hội có cảm xúc thần tượng những người liều lĩnh, có hành vi khác biệt.
Nhóm người này thường thích xem phim ảnh, video có tính chất bạo lực, nổi loạn. Nhóm người trẻ khi thấy ngoài đời thực xuất hiện một vài cá nhân giống như vậy nên đem lòng ngưỡng mộ, tung hô.
Phần lớn fan của những 'băng nhóm trên MXH' là những người trẻ đang trong giai đoạn khẳng định bản thân và chưa đủ sự thẩm thấu về giá trị chuẩn mực.
‘Từ sự ngưỡng mộ này xuất hiện 2 trường hợp. Một số bạn trẻ từ đấy rút kinh nghiệm để không rơi vào các hành vi đáng lên án trên. Nhưng cũng có một số bạn trẻ không thoát ra khỏi cảm xúc đó  sẽ mô phỏng theo hành vi như vậy. Đặc biệt lứa tuổi đang lớn khi chưa vũng vàng về nhận thức’, GS.TS Vũ Gia Hiền nói.
‘Thế hệ trẻ cần sự giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình. Nhà trường cũng nên thường xuyên tuyên truyền, định hướng cho các em những điều tốt đẹp. Thay vì những tấm gương xa vời, có thể dẫn chứng cho các em những câu chuyện gần gũi, ngoài đời thực. Sự chân thành, giản dị sẽ dễ dàng đi vào lòng người’, các chuyên gia trên nhận định.
NGỌC TRANG

KHÁ 'BẢNH': CÁO TRẠNG DÀNH CHO CẢ ĐẢNG LẪN ĐOÀN

TRÂN VĂN/ Blog VOA 3-4-2019

Khá "Bảnh". Hình trích xuất từ website tintuc24h.info.
Khá "Bảnh". Hình trích xuất từ website tintuc24h.info.
Cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền Việt Nam đồng loạt phản công Khá “Bảnh”, một You Tuber có khoảng hai triệu người theo dõi.
Hôm 1 tháng 4, Khá “Bảnh”, tên thật là Ngô Bá Khá, 26 tuổi, ngụ tại xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, thành phố Hà Nội, bị tống giam theo hình thức “bắt khẩn cấp”.
Công an – lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật – đã cũng như đang phối hợp chặt chẽ với hệ thống truyền thông chính thức để hạ bệ Khá “Bảnh”.
Ngoài việc loan báo Khá “Bảnh” bị bắt vì có dấu hiệu “tổ chức đánh bạc”, công an cho biết thêm, Khá “Bảnh” còn “dương tính với ma túy”, dường như có liên quan đến “tín dụng đen”, tàng trữ vũ khí thô sơ (côn, kiếm). Công an không quên nhấn mạnh, Khá “Bảnh” vốn nghiện ma túy, từng có tiền án, tiền sự vì “gây rối trật tự công cộng”.
Song song với việc loan báo rộng rãi những thông tin như vừa kể, hệ thống truyền thông chính thức còn khai thác tận tình các chi tiết như Khá “Bảnh”… khóc khi bị công an thẩm vấn, bày tỏ sự hối hận vì đã làm nhiều điều sai trái, kèm theo những cảnh báo giới trẻ về tác hại của mạng xã hội đến lối sống…
Tại sao hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền Việt Nam phải tổ chức phản công Khá “Bảnh”? Đại tá Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, trần tình, đại loại: Không thể để con em chúng ta tung hô Ngô Bá Khá. Nói cách khác, mục tiêu của cuộc phản công là để giành, giựt lại ảnh hưởng trên hàng triệu thanh, thiếu niên.
Tại sao Khá Bảnh, một nhân vật bị cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, lẫn hệ thống truyền thông chính thức miệt thị là “kẻ nghiện ngập, cờ bạc”, một thứ “tội phạm… quèn” lại thu hút lượng thanh, thiếu niên hâm mộ trên You Tube lớn tới mức có tháng kiếm được 20.000 Mỹ kim?
Tại sao những nhân vật na ná Khá “Bảnh” (xuất thân và xuất hiện như du đãng - thân thể vằn vện vì xăm, từ nói năng đến hành xử đều hết sức ngổ ngáo): “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền Dũng Trọc, Quang Rambo, Huấn Hoa Hồng, Khánh Sky,… càng ngày càng nhiều người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ?
Tại sao trong bốn thập niên vừa qua, cho dù hệ thống giáo dục ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cưỡng bức trẻ con làm Đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, suốt từ lớp một đến lớp chín không ngừng nhồi nhét, khuyến khích chúng làm “cháu ngoan bác Hồ nối nghiệp đảng tiên phong”, tại sao bất kể năm nào hệ thống Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Đoàn TNCS HCM) trải dài từ trung ương đến địa phương, vừa ngốn hàng tỉ đồng tiền thuế, vừa thề thốt “làm theo lời bác” nhưng cuối cùng, thanh, thiếu niên Việt Nam thế hệ trước chỉ dành sự ngưỡng mộ cho ca sĩ, diễn viên,… Nam Hàn, còn thế hệ này bám theo xin chữ ký, xin chụp hình với… du đãng?
Liệu nỗ lực khống chế toàn bộ tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, kể cả tôn giáo, nhằm duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN có phải là “nhân”, tạo ra “quả” là thực trạng “nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị” mà ông Nguyễn Phú Trọng, cảnh báo hồi cuối năm 2017, tại Đại hội Đoàn TNCS HCM lần thứ 11 không? Khi hoạt động của tổ chức đặc trách thanh, thiếu niên không nhắm đến lợi ích thật sự của mầm non, cũng như của gia đình, xã hội, chỉ tạo ra bệ, phóng lên thượng tầng những Đinh La Thăng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang,… thì tương quan nhân – quả hẳn nhiên là mầm non “học tập và làm theo” những tấm gương” như… Khá “Bảnh”?
***
Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xem tất cả những phân tích nhược điểm, góp ý để cải sửa phương thức quản lý, điều hành quốc gia là “luận điệu của các thế lực thù địch, phản động” thì còn bao nhiêu người hăm hở trong việc chu toàn trách nhiệm công dân? Khi ông bà, cha mẹ xem bàng quan với thời cuộc, với thực tại là điều tất nhiên để được an lành, con cháu có bao nhiêu kẻ thấy rằng cần hành xử khác? Một dân tộc bị buộc phải nhất trí “chưa bao giờ được như thế này” thì quốc gia đó còn bao nhiêu cơ hội tự hoàn thiện để tiến bộ hơn? Bởi yên thân khác với yên tâm, những cúng sao – gỉai hạn, cúng vong – giải nghiệp,… mới thành vấn nạn!
Cho dù ông bà, cha mẹ rồi hệ thống truyền thông chính thức giả mù, giả điếc, giả câm thì hậu bối vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn cảm nhận được những bất toàn của xã hội, khi hiện tại đáng chán, còn trăn trở không được khuyến khích, khao khát thay đổi bị xem là cấm kỵ, thanh, thiếu niên tìm những cái mới vô hại. Những Khá “Bảnh” thành công vì lạ và vô hại. Khá “Bảnh” thật ra không phải là nhân vật mới. Khá “Bảnh” đã trở thành tiêu điểm cho thanh, thiếu niên nhìn vào, dõi theo từ năm 2017. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cũng từng xem những nhân vật như Khá “Bảnh” là vô hại đối với tham vọng và nỗ lực duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình.
Mãi tới tháng rồi, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mới giật mình khi chứng kiến những nhân vật như Khá “Bảnh” được đám đông, đặc biệt là giới trẻ săn đón, bày tỏ sự ngưỡng mộ mà chân thành, nồng nhiệt vượt xa mức độ dành cho ông Lê Quốc Phong (Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS HCM). Sự chân thành, nồng nhiệt ấy còn có thể làm cho những lãnh đạo cao cấp như ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tích Quốc hội), ông Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng),… cảm thấy tủi thân.
Tuyên bố của Đại tá Nguyễn Văn Long: Không thể để con em chúng ta tung hô Ngô Bá Khá! – là sự thú nhận rất đáng ngẫm nghĩ. Tại sao cúng sao – giải hạn, cúng vong – giải nghiệp và những thanh niên nghiện ngập, cờ bạc, du đãng nửa mùa như Khá “Bảnh”,… lại có thể tập hợp, dẫn dắt được đám đông, đặc biệt là thanh thiếu niên? Những viên chức hữu trách như Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh có thể vô hiệu hóa một vài cá nhân như Khá “Bảnh”song không thể chặn được những “giá trị” mà con cháu họ đang ngưỡng mộ và tung hô. Đó cũng là một khía cạnh khác mà đại tá Long và các đồng chí bị xem là đắc tội với xứ sở và dân tộc này.

NHÂN ĐẠO...NỬA MÙA

XUÂN DƯƠNG/ GD 7-4-2019
Vì sao những nhân vật xăm trổ đầy mình, vào tù ra tội như Tuyền “thánh chửi”, Khá “bảnh” lại thu hút được khá nhiều người hâm mộ trên mạng xã hội như vậy?
Phải chăng đó là sự phá cách đến mức cuồng loạn của một bộ phận người trẻ mất phương hướng, không biết thần tượng ai, thần tượng cái gì hay cũng còn nguyên nhân từ những khiếm khuyết của thể chế kinh tế, chính trị và một phần lỗi đến từ chính truyền thông?
Khá “bảnh” đã nhiều lần bị bắt vào tù, ra tù vẫn chứng nào tật ấy, bản tính ngông cuồng, coi thường kỷ cương của Khá đã được cổ nhân đúc kết: “Núi sông dễ đổi, bản tính khó dời”.
Bản tính khó dời như con khỉ đá Tôn Ngộ Không thì phải có vòng kim cô gắn trên đầu.
Trong khi đó Khá “bảnh” là kẻ có lai lịch bất hảo, khi còn vị thành niên đã bị đưa vào trại giáo dưỡng vì việc gây gổ đánh người, bị bắt mới ra tù vào năm 2017 vì tội đánh người gây thương tích,…  Lần bị bắt mới nhất vẫn tỏ ra cợt nhả, xem chuyện vào tù là bình thường.
Trước mặt công an Khá khóc, xin lỗi nhưng có chắc sau mấy lần ngồi tù, lần này Khá sẽ hoàn lương hay tiếp tục nhờn luật. Nói đúng hơn, những chế tài đã áp dụng với loại người như Khá liệu đã đủ sức răn đe?
Khá “bảnh” bị bắt không mang lại niềm vui mà là nhiều tiếng thở dài.

Vì sao Khá "bảnh" lại thu hút sự quan tâm của nhiều người trên mạng xã hội đến vậy? Ảnh: VTV
Nói đến “giang hồ mạng”, không thể không nói đến vai trò của Youtube, một trang web thành lập năm 2005 và chỉ một năm sau, Google đã mua lại trang web này với giá 1,65 tỷ đô la.
Một thống kê cho thấy những người truy cập trang web này 44% là nữ giới, 56% nam giới, và độ tuổi từ 12 đến 28 chiếm ưu thế. [1]
Với bản tính lì lợm cộng thêm chút yêng hùng của kẻ mới tí tuổi đầu đã vào tù ra tội, chuyện Khá trở thành thần tượng cho lứa tuổi học trò là hiện tượng đáng báo động.
Đây thực sự là mối nguy hại cho xã hội đương đại và cho cả tương lai nếu không kịp thời chấn chỉnh.
Phải chăng việc để hình ảnh kẻ bất hảo này “chiếm sóng” mạng xã hội là một trong những nhân tố tạo “cảm hứng” cho sự gia tăng bạo lực học đường ở không ít địa phương như Trà Vinh, Hưng Yên, Nghệ An,…?
Người viết cho rằng cần phải đặt hiện tượng “giang hồ mạng” trong cách nhìn tổng thể, trong tình trạng được Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
“Dân giảm lòng tin với Đảng vì nhiều cán bộ thoái hóa” (Thanhtra.com.vn 28/05/2016).
Không ít ý kiến cho rằng, nhân đạo với Khá “bảnh”, Tuyền “thánh chửi” hay những người gian lận điểm trong kỳ thi quốc gia 2018 là “nhân đạo dở hơi”, nhân đạo với thiểu số nhưng mang lại hệ lụy cho đa số.
Và đến đây, không thể không nêu câu hỏi: “Đâu là “ngưỡng” nhân đạo với kẻ phạm tội  ở lứa tuổi thanh thiếu niên” mà dư luận không nên và luật pháp không được phép du di thêm?
Khoảng 400 clip “bẩn” của Khá từ văng tục đến mô tả hành động bạo lực, kích động bạo lực,… thu hút lượng người xem chủ yếu là lứa tuổi học sinh cho thấy sự tò mò, nông nổi của lớp trẻ nhưng cũng phần nào chứng tỏ sự thờ ơ của người lớn và cơ quan quản lý.
Nếu clip đốt xe máy được tới triệu lượt theo dõi và thu về khá nhiều tiền biết đâu kẻ côn đồ này lần sau sẽ đốt những thứ “hoành tráng” hơn để tiếp tục kiếm tiền.
Có hai lý do khiến cho “giang hồ mạng” tồn tại và phát triển:
Thứ nhất, một số thanh thiếu niên trở nên hư hỏng vì thiếu sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội hoặc giáo dục một cách nửa vời, không đến nơi đến chốn.
Thứ hai, Youtube trở thành công cụ kiếm tiền một cách dễ dàng qua việc đăng các clip nhảm nhí nhưng chưa bị xử phạt cho thấy lỗ hổng quản lý của pháp luật Việt Nam.
Không phải Google gỡ bỏ các clip này là xong chuyện, cần phải có chế tài xử phạt định chế này vì đã góp phần cổ xúy bạo lực, phát tán sự độc hại cho giới trẻ.
Khi các biện pháp cách ly ngắn hạn với Khá “bảnh”, Tuyền “thánh chửi” không mang lại hiệu quả, cần phải dùng các biện pháp mạnh mẽ hơn, không thể để đến mức không ít thanh thiếu niên tung hô, xin chụp ảnh chung, xin chữ ký,… những đối tượng giang hồ chính hiệu này mới tiến hành bắt giữ?
Giới trẻ bị lạc lối là lỗi của người lớn, nói thế không sai song “Người lớn” ở đây là ai?
Nhà nước không hề thiếu công cụ quản lý cả về luật pháp lẫn kỹ thuật.
Thông tin từ một vị lãnh đạo bộ cho hay cơ quan chức năng của Việt Nam đã xây dựng một trung tâm quốc gia giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, có thể đọc, phân tích, đánh giá, phân loại 100 triệu tin mỗi ngày.
Như vậy không có chuyện cơ quan chức năng không biết được những thông tin nhảm nhí, dung tục, kích động bạo lực mà một số đối tượng được liệt vào nhóm “Giang hồ mạng” như Khá “bảnh”, Tuyền “thánh chửi” vung vãi trên mạng xã hội.
Nhóm bạn bè cùng Khá “bảnh” dừng xe dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc bị phạt hơn 5 triệu đồng, trong khi đoàn siêu xe xuyên Việt “Car & Passion” chạy đua trên đường cao tốc bất chấp biển báo tốc độ và làn đường được xử lý thế nào không thấy công bố?
“Dạy con từ thủa còn thơ” là nhiệm vụ của cha mẹ, nhà trường và xã hội. Thực trạng bạo lực học đường xảy ra trong hệ thống trường phổ thông cho thấy cả ba đối tượng liên quan đến việc “dạy con” đều chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Chừng nào còn xuất hiện trên truyền thông quan điểm chống lại “Tiên học lễ hậu học văn” thì chừng đó đạo đức học đường còn bị xem nhẹ.
Tiếc rằng không ít tiếng nói từ những người trong ngành giáo dục lại vẫn biện minh cho quan điểm đó là “nét nhân văn” của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa chống lại “sự cổ hủ” của nền giáo dục truyền thống.
Và chừng nào sự nhảm nhí, bậy bạ lại giúp mỗi tháng kiếm được hàng trăm triệu đồng thì chừng đó con em chúng ta sẽ còn bị mê hoặc, bị biến thành giá thể cho mầm độc phát triển.
Út Trọc và Vũ Nhôm đều chưa học hết cấp 3, nhưng đều trở thành trung tá, thượng tá trong lực lượng vũ trang. Nhờ “anh em xã hội” mà Út Trọc có bằng đại học, phải chăng đó là “hình tượng lý tưởng” cho không ít thanh thiếu niên trong đó có nhóm “giang hồ mạng”?
Chuyện gian lận điểm thi năm 2018 tại ba tỉnh miền núi cho thấy một “triết lý”: “Cái gì bằng năng lực bản thân, bằng cách hợp pháp không đạt được được thì nhờ “anh em xã hội” sẽ làm được, miễn là trả tiền sòng phẳng”.
Con số 550 triệu đồng mà đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông-Trung học cơ sở Lạc Thủy khai nhận tại cơ quan điều tra để sửa điểm 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh cho thấy đây là tội đưa và nhận hối lộ nhưng những kẻ đưa hối lộ cho đến nay vì sao vẫn chưa bị khởi tố?
Để những kẻ ngổ ngáo, vô học biến thành thần tượng cho giới trẻ chỉ là một trong các lỗi hệ thống bởi không ít người trước khi vào tù lại là nhân vật đức cao vọng trọng, luôn đi dạy người khác đạo đức và lối sống.
Một khi nhân nghĩa không cảm hóa được cái ác thì phải trừng phạt, trừng phạt mấy trăm kẻ gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 chính là nhân đạo với số đông còn lại.
Nhân đạo nửa mùa chỉ làm cho cái xấu sinh sôi nhiều thêm./.
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét