Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

20190410. PHẠM TỘI CẢ LOẠT VÌ TIN, SỢ CÔNG AN ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

PHẠM TỘI CẢ LOẠT VÌ TIN, SỢ CÔNG AN ?

NGUYỄN ĐÌNH ẤM / BVN 3-4-2019

https://4.bp.blogspot.com/-VXh3IuLDE5Y/XKIhfALrZ2I/AAAAAAAABfE/mptjVzj-KfAiW55rrAzOoiHr7uGNZCzaACLcBGAs/s640/hoinghica1.jpg
Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm - Bộ Trưởng Bộ Công an
Năm 2017 tôi vào Đà Nẵng nghỉ ở khách sạn Mitisa trên đường Nguyễn Văn Linh. Buổi sáng xuống phố, gọi ly cà phê tình cờ ngồi liền bàn với một bác nguyên cán bộ của UBND thành phố, tôi bắt chuyện.
- Lâu lắm tôi mới vào đây, thành phố thay đổi nhanh mà sạch sẽ ngăn nắp, bình yên hơn Hà Nội nhiều...
Bác chậm rãi:
- Cảnh quan thành phố đẹp nhờ thời ông Nguyễn Bá Thanh. Ông tính cách mạnh mẽ, trong quản lý đô thị, ai xây trái quy hoạch là phá ngay nên mới được thế này.
- Chắc ông Thanh phải thanh liêm?
- Ông nào mà chả ăn nhưng ổng xài một thì “đám kia” xài mười, bao nhiêu đất vàng của công họ xài hết...
- Thế  ông Thanh mà cũng sợ “đám kia” à?
- Ông Thanh chống ai chứ cũng không dám chống bọn họ...
- “Bọn họ” là bọn nào mà ông Bá Thanh phải sợ?
- Một phần ổng cũng có “kiếm này, nọ” nhưng chủ yếu ổng sợ - ông đảo mắt xung quanh rồi hạ giọng- “bọn ấy là công an”.
Công an như thế nào thì tôi không lạ và cho đó chỉ là chuyện dông dài nên câu chuyện cũng chỉ đến đấy rồi bị xóa hẳn trong tôi.
Tin vào công an sẽ an toàn (?)
Thế nhưng, thời gian qua một “lô xích xông” ít nhất có 7 quan chức lãnh đạo thành phố, 5 cán bộ sở, ngành, 7 sếp doanh nghiệp (Đà Nẵng và TP HCM) bị đưa ra ánh sáng cùng một tội: Lợi dụng chức, quyền chuyển nhượng cho Vũ nhôm - một anh thợ nhôm kính - chiếm đoạt bao nhiêu nhà cửa đất công không qua đấu thầu với giá bèo, kiếm lợi bất chính từ tài sản quốc gia hàng nghìn tỷ thì tôi lại nhớ tới lời ông già Đà Nẵng hôm nào.
Vậy tại sao chỉ là một tay giám đốc công ty mà khuynh loát được cả một đám quan chức cộm cán ở TPHCM, Đà Nẵng có kiến thức pháp luật sơ đẳng thuộc lĩnh vực họ phụ trách? Họ tin, sợ công an thật sao?
Ở chế độ này, công an là một thế lực mạnh nhất trong xã hội. Từ ai mất cái xe đạp đến người bị chết bất thường đều do công an điều tra phán xét. Tuy về hình thức ngành tư pháp cũng có ba thành phần: Công an, kiểm sát, tòa án độc lập để “kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau nhưng thực chất họ chỉ là một, bởi tất cả họ đều dưới sự lãnh đạo của một đảng do một ông nào đó phụ trách. Vì vậy khi đảng muốn xử vụ A,B,C nhất là những vụ chính trị thì cả ba cơ quan phải nhất trí với “bản án bỏ túi” bởi chủ trương của cấp trên, với những vụ không cần chủ trương chung thì ba cơ quan đó cũng dễ dàng nhất trí với nhau vì “cùng dưới mái nhà của đảng”.
Hơn nữa, do công an có chức năng phát hiện, điều tra, điều tra ban đầu tội phạm nên có uy quyền lớn nhất. Bởi công an có vai trò, quyền uy như thế nên khi họ làm việc gì mọi người phải tin là họ nắm phần thắng. Ví như họ có làm sai thì phần lớn cũng an toàn. Ví dụ vụ clip quay công an đá, tát nhà báo trên cầu Nhật Tân rành rành nhưng đó chỉ là chuyện “Vung tay trúng má, chân giơ hơi cao” hay vụ cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm cả nhiều người nhìn thấy Phó giám đốc công an huyện Mỹ Đức Lê Thanh Tùng đá gẫy chân nhưng công an khẳng định “do con cháu cụ giằng co làm cụ gẫy chân”.
Trong vụ Đồng Tâm dù chính quyền Hà Nội nhận bừa 59 ha đồng Sênh sai hoàn toàn nhưng Viện Kiểm sát Hà Nội vẫn phê duyệt công an Hà Nội khởi tố, triệu tập 70 dân Đồng Tâm. Trong vụ chính quyền huyện Tiên Lãng cướp đầm tôm của anh em Đoàn Văn Vươn, Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đem quân trấn áp, phá nhà cửa công dân ngay giáp tết bị dư luận kịch liệt lên án nhưng ông này không bị kỷ luật gì mà ngay sau đó còn được phong tướng. Có công an đánh chết người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chỉ bị 4 năm tù. Bao nhiêu người khỏe mạnh bị giam chết trong đồn công an nhưng có mấy ai bị xử lý... Quyền uy như thế lại được ưu đãi nhiều mặt nên hiện tại hầu hết tài năng của đất nước muốn gia nhập ngành này, nhiều thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình... dốt nát nhưng cạy cục gian lận điểm để vào công an...
Như thế, việc các quan chức Đà Nẵng, Sài Gòn biết mình chuyển nhượng đất công không qua đấu giá cho Vũ nhôm là sai nhưng vẫn đồng loạt làm vì tin Vũ là công an nên sẽ an toàn.
Sợ công an
Ngoài tin tưởng làm sai với công an thì an toàn, theo tôi giới lãnh đạo hai thành phố kia còn còn rất sợ hãi nếu không làm theo yêu cầu của Vũ nhôm. Đúng như bác bảo vệ già nói ông Nguyễn Bá Thanh còn phải sợ thì các cỡ nhỏ hơn còn sợ đến đâu. Việc sợ Vũ nhôm càng tăng khi các Thứ trưởng Bộ CA Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân còn công văn thẳng cho lãnh đạo thành phố, Chính phủ yêu cầu nhưng không khác gì mệnh lệnh cho họ phải chuyển đất cho Vũ nhôm. Các vị này cũng  thường xuyên vào hai thành phố “công tác” giao lưu với Vũ nhôm chụp nhiều ảnh, video phát tán chuyển đi thông điệp về quyền uy của mình. Trong vụ báo Đại đoàn kết chuyển nhượng trụ sở giá bèo cho Vũ nhôm theo các nhà báo thì có sự “nể, sợ” của không chỉ TBT báo mà còn cả Vũ Trọng Kim Chủ tịch UBTWMTTQVN chứ riêng TBT Đinh Đức Lập “không có gan” làm việc này. Đồng nghiệp của tôi ở Đà Nẵng cũng khẳng định Vũ nhôm là “tình báo nằm vùng”, biết rõ hành vi sai trái của bọn Vũ nhôm, lãnh đạo thành phố, nhưng sợ đến mức không dám đăng gì mà còn không dám chuyển cho ai tài liệu về sai phạm của Vũ nhôm và các cán bộ lãnh đạo ở đây.
Hiện tượng này không chỉ có ở Đà Nẵng. Theo những nơi tôi biết thì ít có nơi nào lãnh đạo địa phương lại trái ý công an, khi địa phương có nguồn lợi nào ví như dự án đất đai, khu đô thị, chung cư... chẳng hạn thì lãnh đạo công an địa phương, công an phụ trách địa bàn thường cũng có phần. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị luôn “hòa thuận” với công an bởi “cộng sinh lợi ích”. Thời buổi mà “tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” (lời ông Nguyễn Phú Trọng) và cán bộ “Ăn của dân không từ cái gì” (Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan) thì có bao nhiêu cán bộ từ xã, phường, quận, huyện, xí nghiệp, công ty, bộ, ngành... thanh liêm? Mà không thanh liêm thì sợ pháp luật mà “pháp luật” cụ thể trước tiên là công an. Vì vậy hầu hết các vụ tham nhũng không phải công an phát hiện (dù dó là một trong các chức năng, nhiệm vụ của họ) mà do dân, báo chí phát hiện.
Hồi tôi làm báo ở ngành hàng không VN đã thấy quá rõ công an kinh tế (A 17) nằm vùng ở ngành này thường xuyên ở, đi khắp các đơn vị, sân bay nhưng không phát hiện được tham nhũng để đến khi dân, báo chí phanh phui thì có hiện tượng họ tham mưu cho lãnh đạo ngành HKVN “hợp lý hóa”, giảm sai phạm. Anh công an địa bàn Nguyễn Văn Lâm thường theo dõi tôi được lãnh đạo HKVN tặng cho một lô đất.
Bản chất quan chức dưới chế độ độc tài là tham nhũng nhưng khi được những thế lực mạnh “đồng hành”  thì họ càng tự tin để bạt mạng làm càn.
Vì vậy cả loạt cán bộ ở Đà Nẵng, TP HCM đều phạm tội với một anh Vũ nhôm là hợp logic.
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN

CHÍNH QUYỀN Ở CHỖ ...TIỀN, THƯA PHÓ THỦ TƯỚNG

NGUYỄN ĐÌNH ẤM/ BVN 9-4-2019

https://4.bp.blogspot.com/--T1uNyFhCjo/XKjd1lPQS4I/AAAAAAAABlk/p3fL7sTFFD8L-6MEHTkM_SfoMBXGubmoACLcBGAs/s640/Ca%25CC%2581t.jpg
Cảnh khai thác cát lậu trên sông Lô
Hôm 3/4/2019, họp Chính phủ, nói về “cát tặc” lộng hành bao nhiêu năm nay không thể nào dẹp được, người dân phải ra sông suối để chống, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình hỏi: “Chính quyền ở đâu mà để dân phải chống cát tặc”?
Xem xong bản tin trên TV tôi giật mình với Phó Thủ tướng.
Đến nay PTT Trương Hòa Bình vẫn tin những đoàn tàu, xà lan dài hàng trăm mét nghênh ngang trên những con sông, tiếng máy nổ, máy xàng sỏi đá vang trời nhân dân lo lắng kêu cứu khắp nơi mà chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh không biết?
Thưa PTT, riêng ông cũng như Chính phủ không biết thôi chứ dân đều biết: Chính quyền với cát tặc là một! Họ là một nên việc kêu cứu, kiện cáo của dân đều vô hiệu. Không thể kêu ai nên người dân phải tự sắm sửa phương tiện, thuyền bè để ngăn cát lậu, nhiều vụ đã chết người, đổ máu như ở một xứ xở vô chính phủ.
Không riêng gì lĩnh vực “cát tặc”, ở nhiều lĩnh vực khác chính quyền không đứng về phía dân và Chính phủ nữa mà họ đứng về phía “tặc” bởi một lý đơn giản: Đứng về phía “tặc” thì có lợi còn đứng về phía dân thì chẳng có gì..
Hôm tôi về thăm quê ở ven sông Lô nơi cát tặc hoành hành hàng chục năm nay. Cảnh dòng sông hiền hòa thơ mộng với những nương ngô xanh ngắt soi bóng xuống dòng sông thấp thoáng bóng thuyền khi xưa không còn nữa, nay bờ sông nham nhở, lòng sông lồi lõm rất thảm hại. Do bị cát tặc hoành hành bờ sông sạt lở khủng khiếp đến mức tỉnh nghèo Vĩnh Phúc vừa phải bỏ ra hàng trăm tỷ để kè bờ sông...Ngồi ở quán nước, một ông khách than với bạn:
- Lãnh đạo xã đòi chia mười lăm phần trăm cát múc được thì cao quá!
-  Bảo họ giảm xuống chứ ở sông Gâm (Tuyên Quang) lúc đầu các “bố” cũng đòi mười lăm phần trăm, bọn tôi định nhổ tàu họ phải giảm xuống mười phần trăm...
-Họ nại đủ lý do nào phải chia cho huyện, bên công an, tài nguyên, tài nghiếc gì ấy...
(Sau hỏi lại mọi người tôi mới biết đó là người của đại gia công ty khai thác cát lậu.)

Năm trước tôi từ Nghệ An ra, tấp xe vào nghỉ ở quán trên QL1A thuộc địa phận Hà Nam. Tại đó, rất nhiều quán xây sát đường lấn vào hành lang an toàn giao thông. Hỏi sao dám xây như thế thì chủ quán nói thật:
- “Danh chính ngôn thuận” không ai cho xây lấn “an toàn” nhưng cứ nộp cho cán bộ xã 5 triệu, 6 triệu, (tùy quán to, nhỏ) là xây, cán bộ phạt qua loa ghi biên lai vài trăm nghìn và giao hẹn: Nếu khi nào “trên” bắt buộc giải tỏa thì phải chịu, đồng ý thì xây, không thì thôi. Chúng tôi không có việc làm phải “phơi” mặt ra đây, sợ lắm...
Việc xây nhà ở các thành phố cũng tương tự. Những ngôi nhà của đại gia xây đến chín, mười tầng thì cán bộ phường, quận không biết nhưng dân xây cái cổng thì lập tức cán bộ thanh tra xây dựng đến lập biên bản xử phạt. Cách đây cỡ 10-15 năm, khu tập thể sân bay Gia Lâm chưa mấy ai có sổ đỏ mà nguyên tắc đất chưa có sổ đỏ thì chưa được xây nhà kiên cố nhưng nay hầu hết đã là nhà kiên cố.
Theo nhiều người, đất chưa có sổ đỏ nhưng vẫn xây được nhà (xin dấu tên) thì “cứ xin phép chiếu lệ rồi xây đại”. Khi cán bộ quản lý xây dựng đến lập biên bản bắt dừng thi công chủ nhà vui vẻ xin phạt theo quy định (200.000 đ) có hóa đơn rồi tức tốc “đi cửa sau” về xây tiếp.Tùy loại đất mà số tiền “cửa sau” nhiều hay ít. Theo chỗ riêng tư, những năm 2010 đến nay mỗi móng nhà 50-70 m2 có giấy tờ khoản “đi cửa sau” biến động khoảng từ 30- 50 triệu đồng ,xây nhà trên đất lấn chiếm riêng cái móng phải hàng trăm triệu, mỗi “vửng” (tầng) xây tiếp 50 triệu...
Theo nguồn tin tôi mới nhận được thì khu nhà bà con xây ở vườn rau Lộc Hưng (P 6 Q.Tân Bình TPHCM) cũng tương tự. Nghe nói nhiều bà con thật thà cứ theo lệ chung của thành phố “đi cửa sau” xây nhà không phép. Nhưng khi chính quyền dở trò phá thì bà con phải chịu. Hiện tượng này được gọi là “phạt cho tồn tại”. Phương pháp này cực kỳ tuyệt vời: Dân xây được nhà không phép, cán bộ nhà chức trách nhanh giàu mà khi có ai thắc mắc, kiện cáo hoặc nhà bị phá thì Chính quyền vẫn cực kỳ an toàn, vì họ đã làm đủ chức trách, phạt đình chỉ xây dựng đàng hoàng... Đã rất nhiều ý kiến bãi bỏ cái lệ “phạt cho tồn tại” phá vỡ quy hoạch thành phố nhưng các thế lực tham nhũng không bao giờ chịu từ bỏ một trong những “nguồn thu” vĩ đại này.
Hiện tượng những đoàn tàu, sà lan nghênh ngang khai thác cát trải kín mặt sông, những kẻ chặt phá cả hàng chục ha rừng, làm cả đường lớn để xe cơ giới vào chở gỗ, hàng trăm phu phen với máy móc, lán trại la liệt đào đất, phá núi khai thác vàng, những ngôi nhà xây cả chục tầng tầng không phép...nhưng chính quyền “không hề biết” diễn ra khắp nơi trên đất nước này chứ không riêng gì cát tặc.
Nhiệm vụ chính quyền các địa phương là duy trì luật pháp, bảo vệ tài nguyên, lợi ích quốc gia...nhưng trước những việc “hái ra tiền” như phá rừng, cát “tặc”, vàng “tặc”, xây nhà “tặc”...thì họ không biết, không có mặt ở địa phương mà đang ở chỗ...TIỀN, thưa Phó Thủ tướng!
N.Đ.Â.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét