Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

20190420. BÌNH LUẬN TIẾP VỀ GIAN LẬN ĐIỂM THI 2018

ĐIỂM BÁO MẠNG
AI BỊT MẮT CÁC GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC HÀ GIANG, SƠN LA, HÒA BÌNH ?

TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 18-4-2019

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang khẳng định mình với 2 cấp phó không liên quan nhưng sau đó 2 cấp phó của ông đều nhúng chàm (Ảnh: LC)

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, vụ sai phạm trong công tác tổ chức, chấm thi ở Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Thật nguy hiểm khi những kẻ trực tiếp gây ta vụ gian lận điểm thi năm 2018 chủ yếu là người trong ngành giáo dục.
Đáng lưu ý khi hàng loạt các cấp phó, cấp trưởng phòng của các Sở Giáo dục và Đào tạo bị bắt, dư luận đã và đang đặt ra câu hỏi trách nhiệm của các Giám đốc Sở các tỉnh này là gì khi để cấp dưới sai phạm.
Vai trò của người đứng đầu tại các Sở này có được thể hiện hay không hay đã hoàn toàn bị “tê liệt” và bị cấp dưới "bịt mắt"?
Tại Hà Giang là Vũ Trọng Lương (41 tuổi, Phó phòng khảo thí và quản lý chất lượng và Nguyễn Thanh Hoài (50 tuổi, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng.
Đặc biệt là 2 Phó Giám đốc của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là Triệu Thị Chính (Sinh năm 1968) và Phạm Văn Khuông (Sinh năm 1959) đều là những đồng phạm gây ra bê bối trấn động ngành giáo dục.
Cần phải chú ý rằng trước đó, ông Vũ Văn Sử, lúc đó là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang khẳng định: “Chuyện tiêu cực, tôi và 2 phó giám đốc sở trong hội đồng thi tuyệt nhiên không. Tôi đã báo cáo lãnh đạo cao nhất của ngành và các đồng chí lãnh đạo tỉnh như vậy. Tôi biết mình và hai phó giám đốc nên tôi mới nói là không”.[1]
Nhưng cuối cùng cả 2 cấp Phó của ông đều “nhúng chàm”.
Lúc này, ông Sử chỉ còn hơn 70 ngày nữa ông Sử nghỉ hưu. Lúc đó, dư luận tại tỉnh này còn cho rằng có một “chuyến tàu vét” trong hoàng hôn nhiệm kỳ của ông Sử.
Tại Sơn La, khi xảy ra nghi vấn về điểm thi, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Sơn La đã nêu: “Kết quả thi của những thí sinh điểm cao ở Sơn La là do sự cố gắng nỗ lực của thầy cô, của bản thân các em, và cũng khó mà nói (giải thích) được việc cao, thấp. Anh em chấm theo đúng quy trình, quy định và cho ra kết quả như thế, còn làm sao tôi biết được!”.[2]
Nhưng sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, tiêu cực bị phanh phui, có tới 6 cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La bị Công an tỉnh Sơn La khởi tố bị can.

Ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho rằng: "Anh em chấm theo đúng quy trình, quy định và cho ra kết quả như thế, còn làm sao tôi biết được!" (Ảnh: Báo Lao động)
Trong đó có 1 Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là bị can Trần Xuân Yến, các bị can còn lại là Lò Văn Huynh - Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Nguyễn Thanh Nhàn - Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, bà Cầm Thị Bun Sọn - Phó trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng và Đặng Hữu Thủy - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu.
Tại Hòa Bình, trước khi tiêu cực gian lận điểm thi bị phanh phui, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình , khẳng định bài thi của học sinh trên địa bàn là khách quan, trung thực, không có gì bất thường cả và sẵn sàng mời Bộ Giáo dục và Đào tạo về thanh, kiểm tra, chấm lại toàn bộ bài thi.
Thế nhưng, cơ quan điều tra đã phát hiện ra hàng loạt các sai phạm về gian lận điểm thi tại tỉnh này.
Cho đến nay Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an đã chuyển kết luận, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 3 bị can:
Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi) - nguyên Trưởng phòng khảo thí và Quản lý giáo dục; Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi) - Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông – Trung học cơ sở huyện Lạc Thủy và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi) - chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục.
Các bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Lý giải về phát ngôn trước khi phanh phui tiêu cực, ông Đắc cho rằng: “…Với trực quan của mình lúc đó, tôi nghĩ tôi có thể nói như thế được vì tôi tin tưởng vào anh em…”.[3 ]

Ông Bùi Trọng Đắc từng rất tin tưởng cấp dưới và cho rằng Hòa Bình không có sai phạm gian lận điểm thi. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm. (Ảnh: TTXVN)
Khác với 2 vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La và Hà Giang, ông Bùi Trọng Đắc, đã gửi lời xin lỗi tới các bậc phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo và các em học sinh vì đã để xảy ra điều đáng tiếc này.
Ông Bùi Trọng Đắc xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về những nội dung có liên quan đến công tác quản lý.[4]
Tuy nhiên, đến nay, việc chịu trách nhiệm của ông Đắc như thế nào dư luận chưa được biết tới.
Có thể thấy, trước khi cơ quan chức năng vào cuộc, các vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh có sai phạm đã hoàn toàn bị “bịt mắt” và đều cho rằng cơ quan mình hoàn toàn không tiêu cực.
Và cũng không ít câu hỏi đặt ra, các vị có còn xứng đáng ngồi ghế Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nữa hay không.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Trung Ương cho biết:
“Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã đặt rõ trách nhiệm người đứng đầu là một trong những vấn đề cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Như vậy, chúng ta cũng đã có những quy định về trách nhiệm của người đứng đầu rồi.
Cấp trên để cho cấp dưới sai phạm như vậy thì các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc, thẩm tra, xác minh làm rõ.
Những người đứng đầu không thể đứng ngoài cuộc được. Nhưng cần phải kiểm điểm rõ xem trách nhiệm họ đến đâu. Nếu trách nhiệm họ đến mức phải xử lý thì phải xử lý.
Không thể nói anh là cấp trên mà cấp dưới anh sai phạm mà anh lại không liên quan được. Anh cũng phải chịu trách nhiệm trước những việc làm của cấp dưới.
Dù anh không tòng phạm, dù anh không ủng hộ việc đó nhưng ít ra anh cũng là quan liêu. Không kiểm tra, không giám sát là khuyết điểm là vi phạm và là sai phạm rồi.
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chúng ta đã có các quy định rồi, tùy theo mức độ để mà xử lý”, ông Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, ông Vũ Quốc Hùng cũng lưu ý: “Trước tình hình như hiện nay, các cấp các ngành, các cơ quan chức năng cần làm hết sức cẩn trọng, tránh gây ra những vấn đề làm phức tạp thêm tình hình.
Phải khẳng định rằng việc làm gian dối trong thi cử là việc làm xấu xa. Không thể chấp nhận được.
Các phụ huynh phải chịu trách nhiệm với các con cái của mình.
 Các cơ quan quản lý về giáo dục cũng cần phải làm cho rõ ràng minh bạch nhằm trách lặp lại những điều tương tự sau này”.
*  Tài liệu tham khảo:
[1] https://news.zing.vn/giam-doc-so-gd-dt-ha-giang-tieu-cuc-toi-tuyet-nhien-khong-post862155.html
[2] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nghi-van-diem-cao-bat-thuong-o-son-la-giam-doc-so-gddt-noi-gi-20180719225622052.htm
[3] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giam-doc-so-gd-dt-hoa-binh-ly-giai-ve-phat-ngon-moi-bo-gd-dt-cham-lai-toan-bo-bai-thi-20180803180553503.htm
[4] https://baotintuc.vn/tuyen-sinh/giam-doc-so-gddt-hoa-binh-xin-loi-va-nhan-trach-nhiem-20180803193840387.htm
Trần Phương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
Ô, THẾ TOÀN NHÀ TRÂM ANH THẾ PHIỆT MÀ LẠI ĐI LÀM TRÒ MÈO

TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 20-4-2019
Việc công khai hay không công khai thí sinh gian lận điểm thi đã gây nhiều ý kiến dư luận trái chiều trong suốt một thời gian dài.
Trong khi các cơ quan chức năng còn đang lúng túng trong việc xử lý việc có công bố hay không thì danh sách các thí sinh được nâng điểm vẫn đang xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngày 17/4, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải một bản danh sách “Thí sinh gian lận là con đồng chí nào”.
Bản danh sách đã gây xôn xao dự luận của cả nước khi nghề nghiệp, vị trí việc làm của bố mẹ cùng với các điểm số của các thí sinh được liệt kê rất đầy đủ.
Nhìn vào bản danh sách mà báo Tuổi trẻ đăng tải dễ thấy các thí sinh được nâng điểm toàn “trâm anh, thế phiệt cả”, chẳng thấy con nhà nông dân, công nhân đâu cả.
Báo Tuổi trẻ cũng liệt kê đầy đủ, cụ thể từng trường hợp một.

Bản danh sách "Con đồng chí nào" của Báo Tuổi trẻ đăng tải. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Đáng lưu ý là trong các trường hợp thí sinh là con em cán bộ, công chức tại tỉnh Sơn La, có ít nhất ba trường hợp là con cán bộ chủ chốt Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.
Đó là trường hợp thí sinh số báo danh 14001319 - là con ông Nguyễn Duy Hoàng - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La. Thí sinh này được nâng tổng cộng 3 điểm.
Thí sinh số báo danh 14001415 là con ông Phan Ngọc Sơn - chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La. Thí sinh này được nâng tổng cộng 8,7 điểm.
Thí sinh số báo danh 14001479 là con ông Nguyễn Ngọc Hà - trưởng Phòng giáo dục trung học Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La. Em này được nâng tổng cộng 4,8 điểm.[1]
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã từng đặt câu hỏi:
“Có con em nông dân được nâng đỡ như vậy không? hay chỉ những người được nâng điểm đa phần là con đại gia hoặc con em của những người có quyền lực?”.[2]
Có lẽ nhìn vào bản danh sách do báo Tuổi trẻ đăng tải thì có lẽ câu trả lời không chỉ cho ông Lê Văn Cuông và cho dư luận cả nước biết:
Không có những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, những người làm nông nghiệp trong điệp khúc “được mùa mất giá”.
Không có con em công nhân trong các khu công nghiệp nhu nhập dăm bảy triệu đồng mỗi tháng.
Toàn con cán bộ, con “quan” cấp phòng, cấp sở, cấp huyện cả. Nghĩa là toàn người có điều kiện, toàn nhà trâm anh, thế phiệt cả.
Nói về danh sách này, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhận xét rằng: “Quá thảm hại và không còn gì để nói. Gian lận điểm thi càng ngày càng lộ ra sự hư hỏng, suy đồi của nhiều cán bộ.
Những người được báo chí đề cập đều là các cán bộ cốt cán, ở những vị trí quan trọng trong hệ thống bộ máy nhà nước”.[3]
Nhìn vào bản danh sách các thí sinh là “con đồng chí nào” có lẽ dư luận sẽ cảm thấy tiếc cho các em.
Bởi, nhà có điều kiện như thế, cơ hội được tiếp xúc với các điều kiện học tập của các em sẽ tốt hơn rất nhiều bạn khác.
Và với xuất thân “thượng lưu” như các em sẽ là một điều kiện tốt để tạo đà cho tài năng phát triển toàn diện và đạt đến những thành công nhất định.
Những điều kiện mà các bạn đồng trang lứa với các em có mơ cũng khó mà đạt được bởi những gánh nặng cơm áo, gạo tiền.

Ngành Giáo dục quyết tâm xử lý sai phạm để tránh lặp lại hay Trăm ngàn đổ một trận cười xót xa? (Ảnh: Vietnamnet)
Tuy nhiên, thay vì tận dụng những lợi thế gia đình để vươn lên trong học tập, các em lại nằm trong danh sách gian lận nâng điểm.
Càng đáng buồn hơn khi từ là “niềm tự hào của gia đình”, các việc nâng điểm của các em đã khiến bố mẹ các em mất hết danh dự.
Đã có những lời giải thích đã được đưa ra, nhiều phụ huynh tại Sơn La có con bị nâng điểm đã lên tiếng giải thích rằng họ không hề biết việc con mình bị nâng điểm.
Thế nhưng, cho dù có giải thích thế nào đi chăng nữa khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, dư luận dễ tính nhất cũng không thể tin các vị phụ huynh này hoàn toàn “trong sáng” trong việc con họ bị nâng điểm được.
Bây giờ, dù muộn...
Nhưng, đã đến lúc, cần công khai và xử lý nghiêm những quan ông, quan bà có những hành vi tiêu cực để tác động đến điểm thi của các con.
Tuy vậy, việc này phụ thuộc vào độ quyết liệt, cần công khai minh bạch, dám đối diện với sự thật của các cơ quan chức năng và ngành Giáo dục.
Bởi, chỉ có công khai, minh bạch chính là biện pháp hữu hiệu trong công cuộc ngăn chặn tham nhũng tiêu cực.
Ngược lại, sự bao che, mập mờ chính là mảnh đất ươm mầm cho cái xấu, cái ác nảy sinh lúc đó chẳng tích... cũng dịch nên tuồng, nhân dân sẽ mất niềm tin vào sự quyết tâm của ngành giáo dục.
Để rồi những khẩu hiệu, quyết tâm ngăn chặn tiêu cực của ngành Giáo dục lại thành ra “trăm ngàn đổ một trận cười xót xa”.
Tài liệu tham khảo
[1] https://tuoitre.vn/diem-danh-lanh-dao-co-con-duoc-nang-diem-20190417185906389.htm
[2] https://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Co-em-nao-con-nha-ngheo-o-Ha-Giang-duoc-nang-diem-khong-post188208.gd?
[3] https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Gian-lan-diem-thi-ngay-cang-lo-ra-su-hu-hong-suy-doi-cua-nhieu-can-bo-post197556.gd
Trần Phương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
KHÔNG CÔNG KHAI DANH SÁCH GIAN LẬN ĐIỂM THI LÀ BAO CHE, ĐỒNG LÕA

NGUYỄN HUY VIỆN/ TVN 20-4-2019

Vụ sửa điểm, gian dối nghiêm trọng trong Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình ngày càng lộ mặt, thách thức dư luận và làm xói mòn niềm tin của người dân. 
Hàng trăm thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình được sửa điểm để vào học đại học một cách gian lận có nghĩa, họ đã trắn trợn cướp chỗ, cướp cơ hội vào đời của hàng trăm thí sinh khác lẽ ra giờ đây đang ngồi trên giảng đường đại học. Đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. 
Việc sửa điểm, gian lận trong Kỳ thi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả của Kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục, của nền giáo dục Việt Nam, tức là làm ảnh hưởng lớn tới danh dự, lợi ích của quốc gia. 
Thủ phạm gây ra vụ việc và để lại hậu quả nghiêm trọng trên đây không chỉ những cán bộ trong các ngành giáo dục, công an Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã bị khởi tố bị can, mà còn có hàng trăm người khác. 
Theo danh sách báo chí đã công bố, những người này toàn là cán bộ, công chức nhà nước, có nghĩa họ đã hoặc dùng quyền lực công vụ hoặc là dùng tiền hối lộ, chi phối việc sửa điểm cho con em mình. 
Không công khai danh sách gian lận điểm thi là bao che, đồng lõa
Không công khai danh sách gian lận điểm thi là bao che, đồng lõa
Ngay cả các thí sinh được sửa điểm cũng là những người không trung thực. Họ phải đánh dấu bài, phải thông đồng cùng đường dây sửa điểm nên họ cũng là những đồng phạm. 
Có thí sinh có môn thi được sửa và nâng thêm trên 9 điểm; có thí sinh cả 3 môn thi được sửa và nâng thêm trên 26 điểm nhưng không có một ai tự giác thừa nhận hay phản ánh với cơ quan chức năng về sự bất thường này. 
Không những vậy, theo Thượng tá, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Đào tạo, Bộ Công an: “Có nhiều thí sinh trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình đã nhập học tại các trường Công an nhân dân.” 
Như vậy, một bộ phận thí sinh được nâng điểm khi biết vụ việc đã bại lộ nhưng vẫn điềm nhiên vào học đại học ở các trường quân đội, công an. 
Ở đó, những thí sinh này được bao cấp hoàn toàn từ cơm ăn, áo mặc, dày dép, sách vở, nhà ở, tài liệu, giấy bút, đồ dùng học tập, tiền phụ cấp và các chế độ đãi ngộ khác hơn nửa năm qua. Mỗi người mỗi tháng ngót hàng chục triệu đồng với số lượng hàng trăm người. Tất cả đều từ tiền đóng thuế của nhân dân. 
Cho nên không thể nói những thí sinh được sửa điểm là vô can. 
Những “sinh viên” đó đã cướp cơ hội học đại học, đồng nghĩa cướp tương lai của những thí sinh khác.  Hơn nữa, những thí sinh được sửa điểm vào học các trường công an, quân đội mỗi người đã ăn gian của nhà nước ngót hàng trăm triệu đồng. 
Bản chất và hệ lụy của việc sửa điểm để những thí sinh yếu kém về học lực ở Hòa Bình, Sơn La vào học đại học cho thấy, cả những người trực tiếp sửa điểm, cả các phụ huynh là cán bộ, công chức đã tác động, cả các thí sinh liên quan đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 
Họ đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi cử và quy chế tuyển sinh đại học; vi phạm quyền và lợi ích của người khác; đưa hối lộ, tham nhũng; vi phạm đạo đức xã hội. 
Cho nên không thể không làm rõ ràng và cũng không thể không công khai, minh bạch trước công luận những người tham gia và đồng lõa trong vụ việc này. 
Thật đáng bất bình khi một số quan chức Bộ Giáo dục & Đào tạo và lãnh đạo Sở Giáo dục & đào tạo Hòa Bình, Sơn La nói một cách đầy “nhân văn” đối với những thí sinh gian lận: “…chúng tôi muốn làm sao để tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn”; rằng “chúng ta không thể không tính đến những tác động tiêu cực đến các cháu”, và rằng “các em còn có cả một tương lai phía trước.” 
Ông Mai Văn Chinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định: “Quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, và xử lý đến cùng”. 
Song thử hỏi, một khi đã có “lòng thương người”, “sự nhân văn” thì làm sao có thể xử lý sai phạm đến cùng? Thực hành “nhân văn” với ai đây, với những kẻ vi phạm pháp luật chăng? 
Thể hiện “lòng thương” với các công chức, viên chức là phụ huynh liên quan chăng? Ưu ái hành vi của họ thì thực hành “nêu gương” với ai?   
Xin hỏi, hàng trăm thí sinh bị đánh cắp cơ hội học đại học, đồng nghĩa bị đánh cắp tương lai sẽ được xử lý thế nào? 
Xin hỏi, vụ gian lận này đánh động lương tri của bao nhiêu người tử tế, trung thực; làm xói mòn lòng tin của dân chúng thì ai sẽ trả giá? Sao lại có sự vô lý đến ngược đời như vậy? 
Cho nên, nếu không công khai danh tính những thí sinh không trung thực; những phụ huynh gian dối dùng quyền lực hoặc tiền bạc, vật chất để tác động sửa điểm cho con là bao che, đồng lõa, khuyến khích các hành vi gian dối, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội. 
Những kẻ sửa điểm gian dối, tham nhũng, móc ngoặc, vi phạm pháp luật, cướp đi cơ hội của bao nhiêu người khác như phải bị xử lý nghiêm minh, đúng luật pháp thì mới xác lập lại công bằng, lương tri và lấy lại niềm tin nơi dân chúng. 
Nguyễn Huy Viện

NÂNG ĐIỂM KHỦNG, KHÔNG THỂ 'NHÂN VĂN GIẢ HIỆU' TRƯỚC SAI PHẠM

TRÚC NGUYỄN /TVN 20-4-2019

Nâng điểm khủng: Không thể ‘nhân văn giả hiệu’ trước sai phạm
Ngẫu nhiên các trường hợp được nâng điểm toàn rơi vào nhà có chức, quyền, tiền?
Ảnh minh họa: TTO
Vụ gian lận kỳ thi THPT Quốc gia 2018 bị phát hiện đã phơi bày chân tướng một đường dây nâng điểm và thêm một lần bộc lộ tiêu cực trong thi cử. Nhưng đó chỉ là “giọt nước làm tràn ly” dư luận, còn thực tế những gian dối dai dẳng trong lĩnh vực giáo dục đã trở nên phổ biến, từ việc chạy theo bệnh thành tích mà nâng điểm, “làm đẹp” học bạ cho học sinh, che giấu yếu kém cho đến nạn đạo văn.
Phải chăng vì luật pháp chưa nghiêm, vì sự bao che, sợ mất uy tín trong ngành, cũng có thể là do ”đồng chí chưa bị lộ” đi giải quyết ”đồng chí bị lộ”… mà bệnh giả dối đâm “lờn thuốc”, thành mãn tính?
Môi trường nhà trường đáng ra phải là nơi trong sáng, đạo đức, công bằng, yêu thương lại liên tiếp xảy ra nhiều tệ nạn. Những vấn nạn có tính "tái lại" cho thấy chúng không còn thuộc phạm vi cá nhân, tự phát... mà là có một lỗ hổng đạo đức của thiết chế, chính sách.
Ngành giáo dục từ cấp trung ương tới địa phương có đầy đủ lực lượng Thanh tra, Giám sát, Khảo thí... Các kỳ thi quan trọng thì có tăng cường cán bộ an ninh công an phối hợp làm nhiệm vụ. Nếu tất cả làm việc công tâm và trách nhiệm thì đã giăng được một mẻ lưới lớn, nhưng trên thực tế thì vụ gian lận điểm thi là do cá nhân ngoài những ngành này phát hiện, còn cán bộ, công an đã có những người dính dáng vào đường dây. 
Những phụ huynh không thể vô can thì nhanh chóng đưa ra "bằng chứng ngoại phạm": con tôi học giỏi, không ai nhờ, chẳng rõ lý do, không nâng điểm vẫn đậu... Thật khó lý giải tại sao thí sinh được nâng điểm không phải con cái công nhân, nông dân… mà ngẫu nhiên toàn rơi vào nhà có chức, quyền, tiền?
Một thí sinh nếu bị phát hiện mang điện thoại vào phòng thi cho dù không sử dụng thì ngay lập tức bị lập biên bản, đình chỉ thi… Còn một em được nâng gần 15 điểm thành thủ khoa "kép" Đại học Sư phạm Hà Nội lại đã từng lên báo rao giảng về lòng trung thực trên báo chí.
Một thiết chế minh bạch và khoa học cũng giống như một dây chuyền sản xuất công nghiệp vận hành trơn tru. Một hạt cát lẫn vào sẽ tự động văng ra, nếu hạt cát lớn thì máy sẽ tự động dừng để bộ phận kỹ thuật vào sửa chữa... chứ không có chuyện tùm lum cát hòa chung vào nguồn máy đang chạy. Một dây chuyền máy móc như thế chỉ sản xuất ra những phiên bản lỗi, sản phẩm kém chất lượng.
Vụ điểm thi nếu không bị phát hiện thì không thể hình dung sự đảo điên nào sẽ đến với đất nước trong tương lai gần, khi số "nhân tài sửa điểm" lên tới 222 người tốt nghiệp ra trường rồi được cơ cấu làm nhân sự nòng cốt. Một phụ huynh có con đang học thi nói: Nhìn những điểm số ăn gian được báo chí bôi đậm, rồi nhìn con mình đêm đêm chong đèn lần mò từng con chữ con số ôn thi... tôi không thể kiềm chế lòng phẫn nộ, khinh bỉ!
Cách giải quyết vụ gian lận điểm thi đang gây sôi sục dư luận hiện nay là thước đo sự thực tâm cải cách của ngành giáo dục. Nếu lấp liếm bao che, nhân văn giả hiệu... thì ung nhọt lại tiếp tục ủ bệnh, còn người dân có quyền đặt câu hỏi: trong hệ thống hiện hành có hay không những kẻ trở thành "nhân tài", cán bộ... sau một đêm ngủ dậy! Không có một chuẩn nhân văn nào mà bao che cho những sai phạm liên tục, dai dẳng trong môi trường giáo dục cả.
Phát biểu mới đây của một lãnh đạo cấp cao "xót ruột khi đạo đức xuống cấp"có thể coi như một lời cảnh báo có tính dự báo. Lực cản phát triển đất nước những năm tới ngoài hạn chế nguồn vốn, năng suất lao động thấp, môi trường luật pháp lạc hậu... còn là đạo đức công dân xuống cấp. Nếu cho rằng đạo đức là thứ không ăn được rồi bỏ bê quả là sai lầm.
Khi các trường của Bộ Công an yêu cầu tất cả thí sinh trúng tuyển, nhập học đều phải viết giấy cam đoan điểm trúng tuyển là điểm thực thì cơ sở của lòng tin vào thể chế cũng lung lay. Niềm tin đã rạn nứt, bệnh giả dối đang lan tràn... cần kíp một cuộc chấn hưng đạo đức xã hội, bắt đầu từ nhà trường. Làm bây giờ là đã muộn nhưng chưa phải là quá muộn!
Giữa lúc những vụ việc chấn động này được sôi sục bàn luận khắp nơi, tôi liên tưởng đến sách dạy Đạo đức cho học sinh đầu cấp 2 của Nhật Bản. Trong đó có một câu: "Khi hành động và ứng xử với lòng trung thực thì bầu trời trong xanh lồng lộng hiện ra trước mắt"... Điều đó cũng đồng nghĩa rằng khi có hành vi, ứng xử không trung thực, nhất là ở lứa tuổi học sinh, các em đã đóng bớt một cánh cửa trên con đường tương lai của mình.
Sinh sống, làm việc, tiếp xúc với người Nhật tôi học hỏi họ nhiều điều, bao gồm lòng trung thực. Tôi từng thầm trách sao họ trung thực có lúc đến mức cực đoan như vậy? Nhưng thời gian trôi qua đã xác thực: dù dưới góc độ nào thì hành vi ứng xử trung thực cũng luôn luôn đúng và một xã hội chỉ có thể vận hành lành mạnh trên cơ sở đó.
Có thể nói, những quốc gia nghèo tài nguyên như Nhật Bản và Singapore trở thành cường quốc một phần chính là do được kiến tạo trên nền tảng lòng trung thực của công dân và sự minh bạch của thể chế!
Trúc Nguyễn
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
NGUYỄN QUANG A/ BVN 20-4-2019
Tham nhũng tràn lan. Không chỉ tại các doanh nghiệp nhà nước mà ở khắp mọi nơi, lan sang đến giáo dục mà vụ "nâng điểm" chính xác là một dạng tham nhũng chẳng kém việc mua quan bán chức ở mọi mức của hệ thống hiện hành.
Tham nhũng nếu không được giải quyết sẽ góp phần đắc lực để kéo toàn bộ nền chính trị vào cái BẪY CHÍNH QUYỀN: chính quyền tồi ->tham nhũng tăng->chính quyền tồi->...tham nhũng tăng->.... một vòng luẩn quẩn vô tận (một vòng luẩn quẩn, một vòng phản hồi dương tự tăng cường với kết cục ngày càng tồi tệ).
Nếu người dân đành chấp nhận thì cả dân tộc sẽ mắc vào cái bẫy này vì nó trở thành "văn hoá" và mọt đời đất nước không thể ngóc đầu dậy.
Nếu người dân không chấp nhận thì phải dẹp cái hệ thống ấy đi, nhưng lúc đó giới cầm quyền và nhân dân sẽ ở tình trạng đối đầu và cuộc chiến sẽ rất có thể tàn khốc và đầy bạo lực. Không người có lương tri nào muốn kết cục đó.
Vì thế chống tham nhũng phải là một việc rất quan trọng. Nhưng chống thế nào?
Nếu Ông chủ lò (và các vị kế nghiệp) chăm chỉ đốt lò bằng quăng các thanh củi mục hay củi tươi (kẻ bị cho là tham nhũng) vào để đốt. Nếu đốt đúng bọn tham nhũng, thì rất tốt, nhưng đó chỉ là HẠ SÁCH ông ạ.
Ông có đốt hết được tất cả các đồng chí của ông không? Các vị có dám đốt từng phần cái hệ thống đẻ ra ngày càng nhiều đồng chí tham nhũng không? Không đụng đến cái LÒ ĐÚC RA tham nhũng thì muôn đời các vị đốt không xong.
THƯỢNG SÁCH là phải cải cách thể chế (đừng sợ tôi khuyên ông dân chủ điều mà Đảng của ông sợ):
  1. Xây dựng luật trị (rule of law), tức là cái cũng được gọi là nhà nước pháp quyền, luật là cao nhất, ai, tổ chức nào cũng phải theo và bị nó trừng trị nếu vi phạm (kể cả các vị);
  2. Tư pháp độc lập (chứ chưa phải tam quyền phân lập hoàn toàn đâu mà quý vị phải sợ);
3) Tự do ngôn luận và báo chí.
Hãy làm mấy việc đơn giản ấy thôi (hoàn toàn hợp với hiến pháp hiện hành còn khá tồi và với đường lối trên giấy của ĐCSVN), làm thế tham nhũng sẽ bớt dần và chính quyền sẽ sạch dần để tránh xa cái bẫy chính quyền. Ngược lại, sẽ tạo ra một vòng thiện: chính quyền sạch hơn -> ít tham nhũng hơn -> chính quyền sạch hơn -> ít tham nhũng hơn ->.... cứ thế mãi (Lưu ý tham nhũng sẽ không triệt được nhưng ở mức không gây ra tai hoạ).
Chắc Ông hiểu điều trên mà, vì ông đã nói ông muốn "nhốt quyền lực vào lồng cơ chế" cơ mà. Hãy làm đi chứ đừng chỉ nói, hay câu trước đá câu sau, và quan trọng nhất để dân thấy các vị đi đúng hướng.
Chưa có dân chủ đâu, đừng sợ. Bộ ba Luật Trị, Tư pháp độc lập, Tự do ngôn luận chưa dẫn đến dân chủ đâu mà các vị sợ.
Như thế với 3 biện pháp THƯỢNG SÁCH trên phải ĐỐT CÁI LÒ đẻ ra tham hơn là quăng những người mà ông cho là tham nhũng vào cái lò hiện hành ông đang cố đốt vì nó chỉ có tác dụng thực khi đi cùng ba điều 1), 2), 3) ở trên, nếu không thì người ta hoàn toàn có thể nghi ông cũng chỉ nhóm lò đốt củi đối phương chả khác gì cách "đả hổ diệt ruồi" của Tập.
N.Q.A.
Nguồn: https://www.facebook.com/a.nguyenquang.16?__tn__=%2CdCH-R-R&eid=ARBO45YRYp5_Kq72VEFPgjQ0fM7xrUsaVx0oLVDMegWqG3cq5oJsbC2ULZ7oV1EpVGw7bmSXLUkUAPFp&hc_ref=ARR1JvxLlKKXSPO3lUw22yKZ_3UWhLaZzZnFzIHmehxoMy8ePCY05Y4dSxnBv4Y_QtI&fref=nf
NẾU TRÓT LỌT, ĐỜI 'CON ĐỒNG CHÍ NÀO' ĐƯỢC SỬA ĐIỂM NHƯ MƠ?
NGUYỄN DUY XUÂN/ TVN 19-4-2019
 - Khi ra trường họ lại được đảm bảo việc làm như mơ và sẽ là những cán bộ viên chức “hạt giống” trong các cơ quan quyền lực nhà nước?
Cần “gọi tên” các phụ huynh chạy điểm
Vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 đang ngày càng khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ bởi những sự thật động trời tiếp tục được hé lộ.
Về pháp lý, đây không phải là một vụ gian lận thi cử thông thường như vẫn xảy ra bấy lâu nay trong ngành giáo dục, bởi kết quả của nó quyết định tương lai của những học sinh là đối tượng được hưởng lợi.
Tương lai đó là gì? Họ sẽ vào học trường tốp trên, dù không đáng được hưởng bởi năng lực học tập yếu kém. Khi ra trường họ lại được đảm bảo việc làm như mơ và sẽ là những cán bộ viên chức “hạt giống” trong các cơ quan quyền lực nhà nước nhờ sự “bảo trợ” của người thân và tiền bạc.
Bố mẹ họ thừa biết, với năng lực học hành của những cậu ấm, cô chiêu như họ, nếu để tự thân vận động thì đa phần có nằm mơ cũng không thể vào được giảng đường đại học danh giá như các trường thuộc ngành công an, quân đội hay y dược, thương mại,…
“Có bột mới gột nên hồ”, nhưng bột ở đây không phải là kiến thức mà là quyền lực của bố mẹ, người thân; là năng lực “súng đạn” của gia đình. Và như thế chẳng khác nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa nhận hối lộ để thực hiện hành vi tham nhũng (gian lận đưa người không đủ năng lực vào học các trường đại học danh tiếng để chiếm việc làm tốt trong tương lai). 

Nếu trót lọt, đời ‘con đồng chí nào’ được sửa điểm như mơ?
Nếu chót lọt, khi ra trường họ lại được đảm bảo việc làm như mơ? Ảnh minh họa
Thí sinh N.A.T ở Sơn La có môn thi 0 (không) điểm biến thành 9 đã khiến dư luận không thể tin nổi. Chấn động hơn, thí sinh N.H.Q. ở Hòa Bình có hai môn (Lý và Hóa) đều 0 điểm nhưng được “hô biến” thành 9 và 9,25. Tổng điểm chênh lệch cả 3 môn của thí sinh này lên tới gần 27 điểm.
Đó là những minh chứng cho hành vi “ăn cướp” điểm số trắng trợn vượt quá sức tưởng tượng của dư luận.
Cho nên, trong vụ án này, ngoài các nghi phạm đã bị khởi tố là những cán bộ gián tiếp hoặc trực tiếp can thiệp vào điểm số của thí sinh thì cần phải “gọi tên” các phụ huynh tham gia đường dây chạy điểm.
Đối với các thí sinh “bị” nâng điểm, việc xử lý có thể “nhân văn” hơn nhưng cũng phải minh bạch, nghiêm minh thì mới có tác dụng răn đe, giáo dục.
Rất tiếc là đối với loại vi phạm này, quy chế hiện hành của Bộ GD-ĐT quy định chưa chặt chẽ, đầy đủ.
Trong 54 điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp năm 2018 chỉ có điều 49 quy định chế tài xử lý thí sinh vi phạm trực tiếp trong kỳ thi. Trong đó, không thấy có mục nào ở điều 49 nói về việc thí sinh dính đến gian lận thi ở khâu chấm thi.
Đây có lẽ là điểm bất cập của quy chế khiến việc xử lý thí sinh rơi vào tình trạng lúng túng, gây tranh cãi sau khi vụ việc bị phanh phui.
Không hiểu sao trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (thông tư 03/2019/TT-BGDĐT) ban hành ngày 18/3/2019, nghĩa là sau khi vụ gian lận thi 2018 “lộ sáng” đã 6 tháng, điều 49 vẫn được giữ nguyên.
Sẽ ra sao nếu trót lọt?
Nếu hành vi gian lận thi cử trót lọt thì hậu quả để lại sẽ như thế nào?
Những thí sinh được phù phép điểm số, biến 0 thành 9, biến 1 thành 27 ấy đã là tân sinh viên của các trường đại học danh giá, thậm chí có người còn là thủ khoa, á khoa.
Ai đó nghĩ đơn giản, dù chạy điểm để được vào trường nhưng năng lực học tập kém cỏi thì sớm muộn chi cũng sẽ bị loại. Điều đó có thể xảy ra nhưng không phải là tất cả khi “cơ chế thị trường” đang ngạo nghễ nơi trường học.
Các phụ huynh chạy điểm đã tính kỹ đường đi nước bước, đâu dễ để con mình giữa đường đứt gánh.
Chuyện chạy điểm cũng không chỉ xảy ra ở mùa tuyển sinh mà thực chất ở đâu có thi cử, ở đó có tiêu cực. Giảng đường đại học cũng không nằm ngoài vòng “phủ sóng” của vấn đề nhức nhối này.
Và rồi cứ thế, những thí sinh năng lực học tập kém cỏi lại sớm nhiễm thói gian dối sẽ tiếp tục hành vi đáng lên án của mình ở môi trường giáo dục đại học, trở thành những “sinh viên giỏi” rồi tốt nghiệp “xuất sắc”? Công việc như mơ ở địa phương, ở bộ, ban, ngành được sắp sẵn chờ họ sau khi tốt nghiệp ra trường.
Tương lai, họ sẽ là những công chức, viên chức “gương mẫu”, “trong sạch”, thăng tiến vù vù.
Hẳn mọi người chưa quên, hồi đầu tháng 9 năm ngoái, T.P.T. (quê Hòa Bình) thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn, khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã từng tự tin phản bác sự nghi ngờ, bàn tán của dư luận bằng những lời có cánh: “mong sớm làm rõ vụ tiêu cực sớm có kết quả cuối cùng để những người học thật, thi thật được đối xử công bằng”.
Có lẽ khi trả lời báo chí như thế, cô tân “thủ khoa” không ngờ rằng, chỉ mấy tháng sau, điều “tâm nguyện” của em “mong sớm làm rõ vụ tiêu cực” đã thành hiện thực.
“Những người giỏi thực sự” của Hòa Bình như em không còn cơ hội để chứng tỏ. Nhưng nếu như mọi việc trót lọt, 4 năm sau T.P.T. sẽ là cô giáo dạy Văn. Và biết đâu, với “bảng vàng” rực rỡ ngay từ kỳ thi này, em lại đứng trên bục giảng trường chuyên nơi mình từng theo học để răn dạy các thế hệ đàn em bài học về lòng trung thực và tự trọng?
Từ trường hợp của T.P.T. cũng như hàng trăm thí sinh được nâng điểm đã bị lộ, vấn đề không chỉ là bao nhiêu cán bộ bị xử lý, bao nhiêu thí sinh bị ngưng học trả về địa phương, bao nhiêu em lẽ ra đường hoàng vào đại học nhưng lại bị đánh trượt một cách oan uổng… mà là hậu quả tác động xã hội: Sự tha hóa con người bởi dối trá, lừa lọc.
Không thể không suy ngẫm: Tương lai đất nước sẽ ra sao khi tuổi trẻ hôm nay sớm nhiễm thói gian lận, dối trá?
Nguyễn Duy Xuân
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
NÂNG ĐIỂM VÌ 'HỒNG PHÚC CỦA DÂN TỘC'
TUẤN KHANH/ BVN 18-4-2019
Trong các vụ nâng điểm gần đây (không chỉ năm 2019) có 3 điều đáng chú ý: Một. Con cái quan chức; Hai. Các vùng xa của miền Bắc; cuối cùng là việc nâng điểm thường dùng để học ở trường đào tạo cán bộ lãnh đạo hoặc chủ yếu là ngành công an.
Miền Bắc cũng là một trong nhưng nơi bùng phát nhiều, tình trạng mê đắm thi, xin học, mơ ước vào trường của ngành công an. Hiện tượng này cũng cho thấy quan điểm của giới phụ huynh về xã hội và quốc gia của mình không còn mưu cầu tìm kiếm cho con cái hành trang vào đời là khoa học hay tri thức tiến bộ, mà đi tìm kiếm một vị trí quyền lực xã hội.
Hoặc ở góc nhìn khác là tìm kiếm sự an toàn và bảo đảm sống còn trong một xã hội ngày càng lộ rõ hình thức công an trị.
Đây không phải là một nhận định chủ quan. Mà trong Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phát đi ngày 13/03/19, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo tại buổi họp báo tuyên bố tình trạng nhân quyền tồi tệ trong chế độ CSVN. Trong đó, Hoa Kỳ chính thức cáo buộc Việt Nam duy trì chế độ “công an trị.”
Nhưng cáo buộc này, khá chậm trễ so với các nhà bình luận thời sự quốc tế ghi nhận. từ năm 2013, giáo sư Adam Fford của Đại học Victoria, Australia đã từng phát đi nghiên cứu của mình về chính trị Việt Nam, nhận định rằng Việt Nam ngày càng công an trị.
Năm 2017, giáo sư Carl Thayer cũng viết trên blog của mình, nhận định về sự bùng phát của ngành công an Việt Nam, với ước tính, cứ 15 người dân là có một công an.
Dĩ nhiên, trong việc bùng nổ về nhân lực và ngân sách của ngành công an, tác động không ít đến xã hội, kể cả trong suy nghĩ về giáo dục và tiến thân của giới trẻ hôm nay. Trên các chiếc xe đẩy bán trang phục vui chơi của trẻ em, nhiều năm nay người ta nhìn các bộ trang phục công an, dùi cui giả, súng ngắn… đang thay thế dần các nhân vật có sức mạnh truyền thống như Batman, Spiderman… Giá trị anh hùng cá nhân trong trí tưởng tượng đang chuyển đổi qua các giá trị quyền lực thực tế mà trẻ em Việt Nam nhìn thấy hàng ngày, và thậm chí được nghe cha mẹ chúng trò chuyện. Bao gồm cả những chuyện người dân bị bắt và đồn công an và chết bất thường.
https://media.tinmoi.vn/2013/07/08/7-20130705161649-q8.jpg
(ảnh: từ internet)
Những vụ nâng điểm để học, và trở thành công an, hay cán bộ ở các vùng xa Hà Nội, cho thấy tâm lý muốn đứng trên kẻ khác vẫn còn rất mạnh. Con cái của quan chức thi muốn tiếp tục cai trị, có quyền thế. Còn con cái của dân thường thì mang tâm lý quyết chí đổi đời, muốn không bị là kẻ thấp cổ bé miệng. Dĩ nhiên, trong các xu hướng thầm kín đó, kiểu nói hoặc suy nghĩ vô giáo dục như của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, cựu chủ tịch HĐND TP Sài Gòn “Con cái lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc dân tộc” cũng cổ vũ không ít tình trạng nối ngôi của các gia đình quan chức tỉnh.
Cần phải nói thêm, án oan, ép cung, đánh chết dân… trong ngành công an, cũng thường xuất phát từ giới ít học, ham hố vị trí và khen thưởng. Việc học dốt, chạy điểm, vốn có từ cả thập niên nay, ắt hẳn cũng đã tạo ra một tầng lớp cán bộ, đặc biệt là những công an viên không có thực lực và sẵn sàng tuân lệnh mù quáng vì bản thân luôn có tỳ vết là vô học, được nâng điểm. Và từ các yếu tố thiếu thực tế tri thức và tố chất văn minh tiến bộ trong người, tầng lớp ấy sẽ hủy hoại quốc gia, khi đứng trong guồng máy được coi là quan trọng bậc nhất của Việt Nam hiện nay.
Đó là một phần của bộ mặt thế hệ mới của Việt Nam. Được gọi là hậu duệ của người Việt hôm nay và tương lai. Và trong đó, có không ít "hồng phúc của dân tộc".
Chợt nhớ, Năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng có câu nói gây nhiều tranh cãi “Đời tôi và các bạn chưa đòi được Hoàng Sa thì đời con cháu sẽ làm được”. Hãy tự hỏi, con cháu chúng ta là những kẻ nâng điểm, được cha mẹ là quan chức hậu thuẫn cho sự lừa dối. Những đứa trẻ lớn lên trong giấc mơ quyền hành và chạy theo danh lợi ấy sẽ làm được chuyện đòi Hoàng Sa?
Bài viết của tôi là câu trả lời phần mình. Còn bạn, bạn có tin vào điều ấy không?
T.K.
Nguồn: https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/10156279752898181 
Phụ lục:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét