Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

20190409. PHÂN TÍCH GDP CỦA VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ GDP CỦA VIỆT NAM

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 4-4-2019
Kết quả hình ảnh cho gdp việt nam 2018
Sinh viên Nguyễn Đức Anh từng du học Mỹ hiện đang sống ở Pháp vừa phổ biến video clip tiêu đề: "Chính trị Việt Nam cho người trẻ - Điều cần biết" với nội dung tuổi trẻ cần đọc sách, học hỏi, tham gia chính trị và bớt phàn nàn về tình hình chính trị, xã hội, kinh tế Việt Nam.
Nguyễn Đức Anh nói sau khi du học ở Mỹ và Pháp, anh nhận ra rằng tình hình kinh tế và chính trị ở Việt Nam thật tốt, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trên thế giới về tốc độ gia tăng GDP, lên đến 7% hằng năm.
Tăng trưởng GDP ở Mỹ chỉ chừng 3%, Pháp chưa được 2%, các quốc gia Âu châu tốt lắm mới được 2-3%, nên các quan chức Hà Nội cũng thường lấy con số GDP tăng 7% để ca ngợi kinh tế Việt Nam đang phát triển.
Thử tìm hiểu xem cách lập luận này có chính đáng không? GDP của Việt Nam có thể làm thước đo cho phát triển kinh tế và xã hội được không?

GDP của Việt Nam bị tính sai?

Con số GDP Việt Nam công bố được tính bằng tổng số giá trị hàng hóa sản xuất và phục vụ tại Việt Nam trong 1 quý hay 1 năm.
Có cách tính GDP khác dựa trên tổng giá trị các khoản tiêu dùng tại Việt Nam. Hai cách tính trên nguyên tắc phải cho kết quả tương đương. Nhưng cách tính này lại cho kết quả ít hơn vài % con số GDP được Việt Nam chính thức công bố.
Vì thế nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng con số GDP của Việt Nam nên dựa trên số tiêu dùng, như thế GDP của Việt Nam chỉ chừng 3 đến 4%.
Trả lời báo chí về sai lệch con số, ông Nguyễn Bích Lâm Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho biết sai số tính toán GDP được quốc tế cho phép trong phạm vi 6%.
Sự phi lý trên đã được Chủ tịch quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 10/2017, đặt vấn đề như sau:
“Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3%? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn?… chỗ tăng trưởng đó lấy đâu mà ra?”
Theo bài viết trên BBC tiếng Việt “Chỉ số GDP của Việt Nam bị tính sai?”, các chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam như Tiến sỹ Nguyễn Quang A, kinh tế gia Bùi Trinh, kinh tế gia Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Trần Đình Thiên đều nhìn nhận con số GDP của Việt Nam không đáng tin cậy.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A giải thích Tổng cục Thống kê không độc lập với hệ thống hành chánh, bị tác động bởi những vấn đề chính trị, nên phải tạo ra những con số phục vụ chính trị:
“Chừng nào còn có cái chế độ độc quyền, cái chế độ toàn trị hết tất cả mọi thứ kể cả thông tin, thì những căn bệnh như thế không bao giờ có thể chữa khỏi được”.

Vì sao Trump ca ngợi kinh tế Việt Nam?

Tham dự Thượng đỉnh Trump – Kim, Tổng thống Trump cho biết “hiếm có nơi nào phát triển kinh tế nhanh như ở Việt Nam”, là ông Trump lặp lại những gì Hà Nội ca ngợi để thúc đẩy Việt Nam mua vũ khí và hàng hóa của Mỹ.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có những báo cáo được công bố số liệu cũng thường lấy nguồn từ con số Hà Nội đưa ra. Bên cạnh đó là những phân tích và đánh giá riêng chỉ phổ biến giới hạn không cho báo chí và công chúng.
Cách đây vài năm, Tổng thống Mỹ Obama và các tổ chức quốc tế còn cho rằng kinh tế Trung cộng phát triển nhanh vượt bực và đã trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới.
Giờ đây nhiều tài liệu được phổ biến cho thấy từ lâu Mỹ và các Tổ Chức Quốc Tế đã đánh giá Trung cộng đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội và cả đến chính trị.

So với Trung Cộng

Hai nước có cùng một thể chế chính trị, cùng một mô hình tăng trưởng và cùng một cách tính GDP.
Trung cộng từ năm 1978-2018, tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 9,5%. Nhiều năm đạt trên 10% có năm còn trên 20%. Năm 2018, mặc dầu chiến tranh thương mại, GDP vẫn đạt 6,6%.
Trong khi ấy GDP của Việt Nam từ năm 1986-2018 bình quân chỉ tăng 6,6% và chưa bao giờ vượt quá 10%.
Mức độ thặng dư ngân sách và thặng dư thương mại Trung cộng luôn rất cao.
Ngược lại cán cân ngân sách, thương mãi Việt Nam thường xuyên thiếu hụt, nợ ngân sách, nợ quốc tế Việt Nam rất cao và không ngừng gia tăng.
Áp dụng mô hình Trung cộng, Việt Nam không đạt được những điều cơ bản Trung cộng đạt được cho thấy trình độ quản lý kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa của giới chức Việt Nam.

Phẩm chất GDP của Việt Nam

Vài câu hỏi về GDP của Việt Nam dưới đây sẽ giải thích tại sao Mỹ chỉ cần tăng trưởng 3% thì được xem là quá tốt, còn Việt Nam đến 7%, Trung cộng đến 10% vẫn không so sánh được.
Các hoạt động nhà nước, đảng và hội đoàn về mặt chi phí liên tục gia tăng, làm tăng GDP, như thế có tốt không?
Tiền doanh nghiệp đút lót cho tham nhũng được tính vào giá thành sản phẩm, làm tăng GDP, như thế có tốt không?
Các doanh nghiệp nhà nước lãng phí của công, làm tăng GDP, như thế có tốt không?
Các công trình đầu tư, như Đường Sắt Cát Linh – Hà Đông chưa khánh thành đã xuống cấp phải sửa lại, đội vốn đến 5 lần so với dự kiến, tăng giá thành, tăng GDP, như thế có tốt không?
Khai thác tài nguyên một cách bừa bãi, như boxit Tây Nguyên đầu tư không mang lại lợi nhuận, nhưng lại tăng GDP, như thế có tốt không?
Hạ tầng giao thông tồi, chi phí chuyên chở tăng, tăng giá thành, tăng GDP, như thế có tốt không?
Môi trường bị tàn phá, phải chi tiêu để phục hồi môi trường, cũng làm tăng GDP, như thế có tốt không?
Lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia, như Samsung hằng năm lên đến 5 tỷ Mỹ kim làm tăng GDP của Việt Nam, nhưng là tiền của người Nam Hàn, như thế có tốt không?
Quy định lương thấp để thu hút các công ty nước ngoài, đầu tư tăng, sản xuất tăng, GDP tăng, như thế có tốt không?
Lương thấp người lao động không đủ sống, phải làm thêm giờ, làm 2 việc, GDP tăng, như thế có tốt không?
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ vừa cho biết theo khảo sát 70% cử nhân công nghệ thông tin ra trường muốn có việc làm phải đào tạo lại. Đào tạo, tái đào tạo làm tăng GDP, như thế có tốt không?
Còn hằng trăm hay hằng ngàn các câu hỏi khác để có thể đánh giá phẩm chất của GDP tại Việt Nam.
Ở các nước dân chủ, Mỹ và Âu châu, các đảng chính trị thường xuyên tranh luận đường lối chính sách giúp loại bỏ các GDP xấu, liên tục gia tăng phẩm chất của GDP.
Kinh tế thị trường thực sự cạnh tranh sẽ giúp nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, gia tăng phẩm chất của GDP.
Còn ở Việt Nam tốt xấu không cần thiết cứ con số GDP tăng là giới chức cầm quyền đua nhau vỗ tay ca ngợi.

Mô hình tăng trưởng

Việt Nam học theo mô hình tăng trưởng Trung cộng: thu hút đầu tư nước ngoài, bóc lột sức lao động công nhân, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, phục vụ xuất cảng.
Còn Mỹ và các quốc gia Âu châu phát triển dựa trên giáo dục, nghiên cứu phát triển, kỹ năng lao động, thị trường tự do và phục vụ cho nhu cầu của dân chúng các quốc gia nói trên.
Tự Do và dân chủ còn là thành tố thúc đẩy tăng trưởng cả GDP về số lượng lẫn phẩm chất tăng trưởng.

Phẩm chất của xã hội.

Con số GDP không nói gì đến phẩm chất sức khỏe con người, an sinh xã hội, phẩm chất của giáo dục, đạo đức xã hội, chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch thôn quê và thành thị, phẩm chất môi trường không khí, sông ngòi, biển cả… nói chung là phẩm chất của xã hội.
Vì thế ngày nay GDP không còn được sử dụng làm thước đo cho phát triển kinh tế và xã hội.

Tạm kết

Tuổi trẻ là rường cột của nước nhà, vì thế đọc sách, học hỏi, dấn thân chính trị là những điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là sự hiểu biết để chọn đúng đường dấn thân phục vụ xã hội, phục vụ đất nước.
Vài nét khái quát mong giúp những bạn trẻ như Nguyễn Đức Anh hiểu thêm về GDP của Việt Nam, một đề tài luôn được tranh luận nhất là khi Việt Nam đã có tự do, có dân chủ.
N.Q.D.
03/04/2019
Melbourne, Úc Đại Lợi
Tác giả gửi BVN


TỤT HẬU VÒNG 2, CHÚNG TA CÓ DÁM NHÌN NHẬN ĐỂ VƯƠN LÊN ?

NGUYỄN QUANG THÁI/ TVN 25-4-2019
 - Dù Việt Nam đi nhiều bước nhưng lại bước ngắn nên bị bỏ lại phía sau so với các quốc gia khác bước chậm nhưng bước dài.
Trước hết, tôi rất hoan nghênh các tuyến bài trên Diễn đàn này, đặc biệt là của các tác giả Hải Lộc và Nguyễn Đình Cung về thực trạng của nền kinh tế hiện nay cũng như nhu cầu bức bối để phát triển. Nếu không nhìn nhận đúng thực trạng tụt hậu của đất nước thì chúng ta sẽ khó vươn lên.
Tình trạng tụt hậu là rõ ràng
Nếu nhìn lại cả quá trình phát triển dài hạn từ sau Đổi mới đến nay, chúng ta đã bị tụt hậu và tụt hậu xa hơn trên một số lĩnh vực quan trọng khi tình hình thế giới biến chuyển nhanh.
Cách đây hơn 30 năm, khi phát động Đổi mới và mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì GDP đầu người của thế giới đã hơn 4.000 USD.
Đến nay, khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên 2.500 USD thì GDP bình quân đầu người của thế giới đã vượt 10.000 USD.
Phải ghi nhận rằng, tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, trong đó, có năm GDP thấp nhất 4,8% và có năm GDP cao nhất 9,5%. Chúng ta đã có mức tăng trưởng cao và khá ổn định.
Tuy nhiên, những số liệu GDP ở trên cho thấy một thực tế, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một doãng ra với tốc độ rất nhanh so với GDP của Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP của thế giới hơn của Việt Nam 3.900 USD, nhưng nay đã vọt lên hơn 7.500 USD, gần gấp đôi.

Tụt hậu vòng 2, chúng ta có dám nhìn nhận để vươn lên
Chúng ta có dám nhìn nhận để vươn lên khi tình trạng tụt hậu đã rõ ràng?
Tôi không phủ nhận về nguyên lý, khi tính theo số tương đối, tăng trưởng của Việt Nam cao hơn trong thời gian dài so với một quốc gia nào đó thì sẽ hội tụ về kinh tế trong tương lai.
Song tôi muốn cảnh báo tình trạng Việt Nam đã tụt hậu vòng 1 khi tính GDP bình thường và tất cả các phân tích đều so sánh theo giá hiện hành.  Dù Việt Nam bước nhiều bước, tốc độ nhanh nhưng lại bước ngắn nên bị bỏ lại so với các quốc gia khác bước chậm nhưng bước dài.
Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore chứ chưa nói đến Mỹ và EU họ bước bước chậm nhưng rất dài nên đã vượt rất xa so với Việt Nam bước nhanh nhưng ngắn. So với thế giới, chúng ta đang đối diện với tình trạng ngày càng tụt hậu.
Vấn đề là đến nay chúng ta tiếp tục tụt hậu vòng 2, tức tụt hậu ngay cả với những nước nhỏ bên cạnh mình như Lào. Theo số liệu World Bank 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã thua cả Lào, quốc gia đã đầu tư và tiếp nhận đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, theo WEF năm 2018, Việt Nam xếp hạng cạnh tranh quốc tế về 4.0 tăng 1 điểm nhưng lại tụt 3 hạng, tức là trong cuộc đua này thì chúng ta có tiến lên nhưng các quốc gia khác tiến nhanh hơn.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phát triển con người HDI, chỉ tiêu kinh tế tri thức KEI vẫn đứng thức dưới 100, thậm chí nhiều chỉ tiêu khác thấp hơn. Chỉ số năng lực cạnh tranh nền kinh tế GCI cũng đứng thứ 90. Việt Nam đang đối diện nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp khó thoát ra được.
Chất lượng tăng trưởng thấp
Trong suốt hơn ba thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá mạnh mẽ, nhưng chất lượng thấp. Từ một nước chủ yếu là nông nghiệp, với GDP nông nghiệp chiếm 40-50% sau thống nhất, đến nay trên 80%GDP được sản xuất trong công nghiệp và dịch vụ. Từ đại bộ phận lao động làm nông nghiệp, đến nay đã có hơn nửa lực lượng lao động đã làm trong các ngành nghề phi nông nghiệp.
Chúng ta đã từ một nền kinh tế chủ yếu đơn sở hữu trước Đổi mới, nay khu vực kinh tế tư nhân trong nước và nước ngoài đã đóng góp trên 2/3 GDP.
Chỉ sô TFP cũng giảm nhanh từ 50% năm 1990 xuống dưới 30% đầu năm 2000 và nay là dưới 20%, thậm chí có mấy năm dưới 10% vì ban đầu TFP tăng do chúng ta đơn giản là “cởi trói” cho người dân và doanh nghiệp, nhưng đến gần đây, khi cần đi vào năng suất lao động, chuyển giao công nghệ và quản trị thì không theo kịp. Bên cạnh đó, năng suất lao động của chúng ta rất thấp vì cơ cấu lao động ở nông thôn còn rất đông.
Bên cạnh đó, chúng ta là quốc gia mở cửa thị trường mạnh hàng đầu thế giới, khoảng hơn 200% GDP nhưng người hưởng lợi lại đa số là doanh nghiệp FDI vì họ chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được lợi thế của mở cửa như doanh nghiệp FDI, không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nói một cách tổng quát, những con số sơ bộ trên chứng minh một nghịch lý rất lớn, Việt Nam đã tăng trưởng khá cao nhưng chất lượng tăng trưởng ngày càng có vấn đề, các cơ cấu của nền kinh tế vẫn còn rất lạc hậu và lệch lạc. Mô hình tăng trưởng của chúng ta lệ thuộc vào nhập nguyên liệu, hay mô hình tăng trưởng “xuất khẩu thuê, gia công hộ”, với giá trị gia tăng thấp chỉ 10-20%.
Chọn con đường riêng
Theo tôi, dù đã cải cách và mở cửa hơn 3 thập kỷ, khoảng thời gian để các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc,… phát triển lên thế giới thứ nhất, Việt Nam vẫn đang đối diện với tình trạng lạc hậu và tụt hậu so với các quốc gia ngay trong khu vực chứ chưa nói đến các quốc gia phát triển.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân – khu vực năng động nhất, mang lại sự phồn vinh, thịnh vượng ở các quốc gia khác – vẫn không lớn mạnh ở Việt Nam. Dù đã được coi là một "động lực quan trọng" khu vực kinh tế này vẫn bị phân biệt đối xử, bị chèn ép đến từ trong văn bản đến thực tế cuộc sống.
Có lẽ, lý do cơ bản của tình trạng này bắt nguồn từ tư duy phát triển, chọn sai mô hình phát triển, thậm chí mô hình đó lạc điệu so thế giới. Trong bối cảnh thế giới hội nhập mà ta vẫn tìm con đường riêng!
Chúng ta có xuất phát điểm thấp, có các điều kiện tiền đề rất thấp, gần như chưa có tích lũy nội bộ; đã thế, chúng ta cũng không có nội lực, năng lực để hấp thu một cách hiệu quả trợ giúp quốc tế. 
Bên cạnh đó, chúng ta sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả do chọn sai con đường công nghiệp hóa; do DNNN quá nặng nề, kém hiệu quả; do kỳ thị khu vực tư nhân trong nước, khi ưu đãi FDI “vô lối”; để cuối cùng sa vào con đường lệ thuộc nhập khẩu để xuất khẩu bằng doanh nghiệp FDI không mong muốn khi FDI chiếm 70% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% giá trị xuất khẩu. 
Hơn nữa, bộ máy quá cồng kềnh, chi tiêu cho bộ máy vượt năng lực tài chính trong khi cần khoan sức dân. Rốt cuộc, nội lực của toàn nền kinh tế vẫn yếu kém, không thích ứng với hội nhập thế hệ mới vì chưa muốn chuyển đổi thực sự, kể cả ngoài kinh tế.
Trong thời gian tới đây, muốn thoát khỏi tình trạng này thì cần các giải pháp không thể chắp vá. Chúng ta cần thực hiện kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập. Chúng ta cần tôn trọng các quy luật khách quan. Cần xây dựng nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và có trách nhiệm giải trình, chống nạn tham nhũng, nhũng nhiễu và thiếu hiệu lực của bộ máy.
Chúng ta phải quyết tâm đề cao vai trò của khu vực tư nhân, phải phát triển tối đa kinh tế tư nhân mà đây chính là con em bạn bè mình, gia đình mình, xã hội mình chứ ai! Nếu còn lừng khừng chỗ này thì còn lấn cấn không phát triển được.
Cần xây dựng xã hội công bằng, phát triển hài hòa với vai trò ngày càng tăng lên của xã hội công dân và tầng lớp trung lưu qua thực hiện dân chủ rộng rãi, kể cả dân chủ trực tiếp.
Từ đó, Việt Nam mới có thể “bắt kịp” Malaysia hiện nay vào năm 2035, hay xa hơn là đạt tới khát vọng phát triển vươn lên cùng thời đại, thậm chí thể tiến xa như một số nước OECD vào giữa thế kỳ XXI.
Tiến sỹ Nguyễn Quang Thái
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét