Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

20190408. BÌNH LUẬN VỀ VỤ CỰU VIỆN PHÓ KIỂM SÁT ẤU DÂM

ĐIỂM BÁO MẠNG
CẦN XỬ LÝ HÌNH SỰ CỰU PHÓ VIỆN TRƯỞNG SÀM SỠ BÉ GÁI TRONG THANG MÁY

HÀ DUNG/ GDVN 5-4-2019

Nguyên phó Viện trưởng Viện kiểm sát Đà Nẵng có hành vi ôm hôn, sờ soạng bé gái trong thang máy ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: cắt từ clip
Vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh - cựu Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Đà Nẵng có hành vi ôm, hôn, sờ bé gái 7 tuổi trong thang máy khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu các cơ quan tố tụng vận dụng pháp lý rằng: Phải sờ vào bộ phận sinh dục của trẻ thì mới cấu thành tội phạm thì quá khiên cưỡng và chưa thực sự phù hợp với thực tế lẫn pháp luật.
Đó là hành vi tấn công tình dục, không phải là “nựng”
Thời gian gần đây dư luận đã nhiều phen phẫn nộ trước những hành vi “tấn công tình dục”.
Như vụ một chuyên viên ôm hôn, sờ soạng rồi cắn môi một nữ đồng nghiệp hay vụ nam thanh niên cố tình cưỡng hôn một thiếu nữ trong thang máy.
Phẫn nộ hơn khi những hành vi cố tình này chỉ bị xử phạt hành chính 200 ngàn đồng. Một mức phạt ngang bằng với hành vi để vật nuôi phóng uế ngoài đường…
Nay dư luận lại thêm một lần bức xúc khi gã đàn ông hơn 60 tuổi “vồ” lấy đứa bé 7 tuổi để ôm, hôn, sờ soạng. Chắc chắn người xem sẽ dễ dàng thấy ngay được những bất an tâm lý, sợ hãi của nạn nhân trong vụ việc này.
Dù đối tượng này thản nhiên nói rằng mình chỉ “nựng” đứa bé, nhưng bất kỳ ai nhìn thấy đều tin rằng đó là hành vi hành vi tấn công tình dục.
Không một phụ huynh nào chấp nhận và không một đứa bé nào đón nhận kiểu “nựng” thô bỉ như vậy.
Những nhà làm luật cần minh định các hành động liên tiếp: kéo, ghì, ôm, hôn, sờ soạng mặc cho nạn nhân sợ hãi của ông Nguyễn Hữu Linh là hành động tấn công tình dục.
Phải vận dụng luật một cách triệt để
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về hành vi dâm ô. Theo thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ Nôi vụ có hướng dẫn việc áp dụng đối với tội dâm ô như sau:
Hành vi dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người phạm tội, như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em.
Chiếu theo thông tư hướng dẫn này thì không hề có quy định phải sờ vào “bộ phận sinh dục” hay một bộ phận cụ thể nào thì mới được xem là phạm tội.
Đối với hành vi dâm ô, cần phải được vận dụng trên tinh thần: Mọi hành vi, thủ đoạn xâm phạm đến thân thể nhằm thỏa mãn dục vọng, sinh lý thì cấu thành tội dâm ô.
Tức là chỉ cần ôm hôn, sờ vào mông, đùi, ngực, cổ… chứ không nhất thiết phải là bộ phận sinh dục để thỏa mãn dục vọng thì đều cấu thành tội phạm.
Không cần gia đình bị hại yêu cầu mới có thể xử lý hình sự
Những ngày gần đây, dư luận có phần lo lắng vụ án không được xử lý hình sự vì người nhà nạn nhân không muốn tố cáo.
trong vấn đề này Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rất sờ. Đối với tội danh dâm ô với người dưới 16 tuổi thì không cần phải người bị hại hay gia đình người bị hại có yêu cầu khởi tố thì mới khởi tố mà nếu các yếu tố, hành vi cấu thành tội phạm thì sẽ phải khởi tố.
Cụ thể, tại khoản 1 điều 155 Bộ luật tố tụng quy định:
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều sau đây:
Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);
Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh);
Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội);
Điều 138 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);
Điều 139 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính);
Điều 141 (Tội hiếp dâm);
Điều 143 (Tội cưỡng dâm);
Điều 155 (Tội làm nhục người khác);
Điều 156 (Tội vu khống);
Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết)
Theo đó thì việc khởi tố đối với tội dâm ô trẻ dưới 16 tuổi không phụ thuộc vào yếu tố bị hại, gia đình bị hại mà phụ thuộc vào chứng cứ cấu thành tội phạm mà thôi.
Còn khi khởi tố nếu bị hại, gia đình bị hại có bãi nại thì đó chỉ là tình tiết giảm nhẹ chứ không phải là tình tiết miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
HÀ DUNG
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
TẠI SAO XÃ HỘI CÀNG TRỞ NÊN DỄ GIẬN DỮ ?

MẠNH KIM / Blog VOA 5-4-2019

Nhà ông Linh bị khủng bố bằng chất bẩn, xịt sơn sau vụ sàm sỡ bé gái 7 tuổi-2
Dòng chữ được viết trước ngôi nhà của ông Linh ở Đà Nẵng (Ảnh Tin tức online)
Vụ Nguyễn Hữu Linh, cựu phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Nẵng, “có dấu hiệu dâm ô”, đang khiến dư luận phản ứng dữ dội. Ngày 5-4-2019, cổng nhà Nguyễn Hữu Linh đã bị xịt sơn (chữ “ấ.dâm”) và thậm chí bị ném “chất bẩn”. Sự giận dữ đã trở thành cuồng nộ…
Sự giận dữ của đám đông trước nhiều vụ việc khác nhau là hiện tượng xã hội từng được báo chí đề cập. Có thể nói sự cuồng nộ của đám đông, trong không ít trường hợp, là rất kinh khủng. Khi xảy ra vụ một bảo mẫu đánh trẻ, lập tức có người đòi giết luôn người bảo mẫu. “Phải là con tôi thì tôi chém nó tức thì; cái thứ ấy phải đánh cho chết nó mới sợ…” – các phát biểu như vậy không phải cá biệt trong những vụ tương tự, như thể đó là phản ứng xuất phát từ tâm lý “máu phải trả bằng máu”, dù giữa người nói và đối tượng không liên quan trực tiếp gì nhau để mà “vay đền oán trả”. Cách đây ba năm, vụ Nguyễn Thanh Dũng bị phát hiện chích điện vào một bé trai hai tuổi là một trường hợp điển hình nữa. Phản ứng dư luận lúc đó cũng vô cùng kinh khủng. Một hình ảnh dễ liên tưởng đến thời Trung Cổ, khi người phạm tội bị lôi ra quảng trường để bị đám đông cuồng nộ vừa gào thét, vừa ném đá đến chết. Nó cũng giống cảnh man rợ mà Taliban từng gây ra với các trường hợp bị quy kết phạm giáo luật đạo Hồi, khi đám đông giận dữ nhặt ném mọi thứ vào tên “tội đồ” cho đến khi anh ấy/cô ấy chết gục. Và nó cũng giống cảnh cách đây vài chục năm khi người ta lôi nạn nhân ra giữa làng để đấu tố!
Không chỉ ác trên mạng, người ta cũng ác ngoài đời. Không chỉ thịnh nộ bằng lời, đám đông cũng cuồng nộ bằng hành động. Có một clip có thể gây ám ảnh bất kỳ ai. Đó là cảnh một người bị nhốt trong chuồng sắt cùng một con chó đã chết, được cho là quay ở Hưng Yên, và người bị nhốt được cho là kẻ trộm chó. Đầu và mặt bê bết máu, kẻ trộm chó ngồi co rút chân lại trong cái chuồng chật. Anh ta trông hoảng sợ cực độ, mắt lấm lét hết nhìn sang phải lại quay sang trái. Bên ngoài chuồng, một đám đông mạt sát anh ta. Họ nói họ muốn đập chết anh ta. Họ buộc anh ta phải gác chân lên con chó chết đang nằm co quắp trong chuồng. Họ nói, mày cũng phải bị đập chết như thế, con ạ. Giữa những tiếng chửi bới ồn ào, có cả tiếng cười… Và không chỉ hung ác với kẻ trộm, người ta cũng hung ác với cả người chẳng hề quen biết. Chỉ vì “nhìn đểu”, nạn nhân có thể bị chém chết tức thì. Mới đây thôi, ngày 4-4-2019, một thiếu niên 16 tuổi ở Đông Hà (Quảng Trị) đã rút dao đâm chết một người nhắc mình đi xe ẩu!
Trong khi những trường hợp trên cho thấy các “hệ giá trị” đạo đức hỏng nát, như là hậu quả của một nền giáo dục hoàn toàn thất bại, thì những trường hợp như vụ Nguyễn Hữu Linh lại cho thấy sự thất bại tuyệt đối của một nền chính trị. Nó cho thấy, khi công lý đã bị chính quyền chà đạp đến mức chẳng ai còn tin vào sự phán xét và trừng trị của pháp luật thì người dân sẽ có khuynh hướng cho mình quyền phán xét và quyền trừng phạt. Nó hàm chứa sự uất giận dồn nén từ những bất công mà người dân chứng kiến hàng ngày, dù có thể họ không hề trực tiếp liên quan, từ những vụ cướp đất, những vụ đánh đập dã man người biểu tình, các vụ bao che công khai những kẻ thuộc hệ thống đảng trị, đến những vụ chết oan trong đồn công an… Sự uất giận đầy ức chế luôn trạng thái chực chờ nổ tung, cuối cùng, dẫn đến tâm lý oán ghét chế độ và “người” của chế độ.
Chẳng phải tự nhiên mà dư luận “vui mừng” trước cái chết của viên chức cấp cao nào đó. Chẳng phải tự nhiên “dân mạng” có tâm lý hả hê khi nghe tin một công an bị đánh, sau vô số vụ công an “nã tiền” dân, sau những vụ “thanh niên tự đập mặt vào gậy cảnh sát giao thông khiến hốc mắt bị lún” hoặc “thanh niên nhập viện cấp cứu sau khi tự va vào dùi cui và súng của công an”… Trong trường hợp Nguyễn Hữu Linh, nếu tay này không phải quan chức-đảng viên mà chỉ là anh xe ôm thì liệu người dân có đến tận nhà ném “chất bẩn” như vậy?
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho biết, hành động ném chất bẩn vào nhà Nguyễn Hữu Linh là “không nên và pháp luật không cho phép”, rằng “có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167”, rằng “có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo điều 178 Bộ luật hình sự 2015”. Tuy nhiên, có đại diện pháp luật nào đã lên tiếng cho những tiền lệ trước đó: không phải một mà là nhiều lần, nhà riêng của những nhân vật đấu tranh đã từng bị tạt chất bẩn (thậm chí phân pha nhớt!), từng bị khóa trái cửa, từng bị ném đá làm hư hỏng toàn bộ đồ đạc…
Giận dữ là tức thì. Thù ghét thì âm ỉ. Không như sự giận dữ, lòng hận thù không tự nhiên bột phát. Nó là kết quả của một quá trình bị dồn nén. Hận thù không tự nhiên mà đến. Nó phải được nuôi bằng sự căm tức. Bàn tay sắt luôn khiến xã hội sợ hãi nhưng những tác nhân gây ra sợ hãi luôn dắt theo sát sau nó “hiệu ứng phụ” là sự oán thù. Cộng sản từng giành chính quyền bằng lòng hận thù. Bộ máy tuyên truyền cộng sản là bậc thầy trong gieo cấy lòng hận thù. Tuy nhiên, vũ khí hận thù đã không được “giải giáp” sau khi cộng sản giành được quyền lực. Hận thù vẫn được nuôi, và tệ hại hơn, còn được sử dụng trong chính sách cai trị.
Đừng chỉ đơn giản trách tại sao xã hội ngày càng trở nên hung hãn. Đừng chỉ trách “một đám dân mạng” ngày càng trở nên “vô học” hoặc “vô văn hóa” khi dễ dàng “ném đá” vào bất cứ chuyện gì. Hãy thử tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gì khiến “một đám dân mạng” trở nên “bừa bãi” như thế. Chưa bao giờ giá trị công lý bị mờ nhạt như đang thấy nhưng ai là thủ phạm làm cho công lý trở thành trò cười thì chẳng ai dám đối mặt trả lời nhân dân. Trước khi lên án “tâm lý bệnh hoạn” của cái xã hội đảo điên này, cần nên tìm hiểu “virus” thật sự nào gây ra “căn bệnh xã hội” đang hoành hành. Bệnh không phải tự nhiên mà có. Không tìm diệt virus thì mong gì có thể trị bệnh? Mà bản thân thầy thuốc cũng bệnh, cả cái bệnh viện cũng bệnh, còn đòi chữa ai? Đến mức này mà còn chưa nhìn thấy để cấp bách sửa lại những sai lầm thì sẽ đến ngày sự giận dữ không chỉ nhắm vào một hoặc vài cá nhân, và sự cuồng nộ không chỉ giới hạn ở những tiếng chửi rủa hoặc cái cau mày…
MẠNH KIM

THỰC CHẤT VỀ CÁI GỌI LÀ PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

ĐỖ NGÀ/ TD/ BVN 5-4-2019


Mô hình thứ nhất: Bí thư quận sai thì ai ra tay trừng phạt? Chỉ có thể là bí thư tỉnh. Bí thư tỉnh sai thì ai trừng phạt? Là Tổng Bí Thư. Vậy Tổng Bí thư sai thì ai trừng phạt? Thì bó tay thôi.
Như vậy nhìn vào cách điều hành của Đảng CS, chúng ta có thấy bóng dáng của luật pháp trong bộ máy nhà nước không? Không có. Chỉ có quyền cao hơn trừng trị kẻ có quyền thấp hơn.
Trong thứ bậc quyền hành trong xã hội, thường dân có quyền thấp nhất, nên khi dân bị bắt tạm giam, một công an phường cũng có thể giết họ rồi tìm cách đổ lỗi cho người dân “dùng dây thun quần thắt cổ tự vẫn”, hay “họ thấy hối hận về tội lỗi họ đã làm mà tự vẫn”.
Thế thôi, mạng thường dân như mạng một con muỗi, quơ tay đập chết là xong. Đó là hình ảnh một “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” mà 100 triệu người đang cảm thấy rất hài lòng về nó.
Mô hình thứ 2: Một thường dân phạm tội ăn cắp ai trừng phạt? Luật pháp. Thống đốc bang phạm tội ai trừng phạt? Luật pháp. Tổng thống phạm tội, ai trừng phạt? Luật pháp.
Một công tố viên quèn, vô danh tiểu tốt, vẫn có thể kết tội một Tổng thống như thường, bởi vì anh làm đúng luật pháp. Mô hình này thì mới đúng nghĩa là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Ở Hàn Quốc, những công tố viên trong trách nhiệm mình họ vẫn truy tố Tổng Thống Park Geun-hye như thường. Đơn giản, ở đây không có quyền to hay quyền nhỏ mà chỉ có luật pháp.
Trong một nhà nước pháp quyền thì tổng thống làm đúng trách nhiệm tổng thống, quan chức làm đúng trách nhiệm trong phạm vi của mình, công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Đó là một xã hội bình yên.
Ở trong mô hình thứ nhất, mô hình được gọi là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” ấy, đã xảy ra hiện tượng tội hình sự bị đánh tráo thành quan hệ dân sự nhằm vô hiệu luật pháp.
Ở Hà Nội, một thằng đàn ông phạm tội dâm ô cô gái trong thang máy. Đây là tội hình sự rõ ràng, nhưng chính quyền đã thể hiện bản chất “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” bằng cách, chỉ phạt người đàn ông này một số tiền là 200 ngàn – bằng với một suất vào cà phê đèn mờ rờ rẫm các cô tiếp viên. Một cô gái bình thường đã bị nhà nước xã hội chủ nghĩa hóa giá cô ngang bằng với một cô gái xem việc rờ rẫm là một món hàng.
Chính vì tội hình sự được biến thành quan hệ dân sự như vậy, nên trong xã hội này, bản chất cầm thú của bọn này trỗi dậy. Chúng thấy cái xứ “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” này khuyến khích hành động ấu dâm nên chúng không ngần ngại dâm ô với bé gái 12 tuổi trong thang máy.
Thượng tôn pháp luật là luật pháp đã quy định như thế nào thì trừng trị như thế ấy. Chỉ có xứ được gọi là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” này thì chính quyền mới chủ trương dẹp bỏ luật pháp để biến tội thành lỗi mà thôi.
Thủ Thiêm, Chính quyền thành phố Sài Gòn đập phá nhà dân thuộc phạm vi ngoài quy hoạch, làm nhân dân mất nhà mất cửa, sống đòi công lý ròng rã 20 năm không được. Quan chức phạm pháp, luật pháp đâu không xử?
Cuối cùng hậu quả thì dân chịu, còn những tên quan phạm pháp chẳng chịu một chút trừng phạt nào của pháp luật, và được ông Thủ tướng dang chỉ đạo giải quyết thay. Chính ông Thủ tướng mà ý thức về luật pháp như vậy thì xã hội này sao có công bằng? Đấy là bản chất của cái gọi là “Pháp quyền XHCN”.
Đ. Ng.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2019/04/03/thuc-chat-ve-cai-goi-la-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét