Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

20190423. BÀN VỀ THAM NHŨNG 'ĐI CÔNG TÁC NƯỚC NGOÀI'

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHIỀU CÁN BỘ THANH TRA CHÍNH PHỦ ĐI CÔNG TÁC NƯỚC NGOÀI... RỒI VỀ HƯU

LÊ KIÊN ghi/ TTO 8-4-2019

TTO - Thanh tra Chính phủ đã tổ chức cho nhiều đoàn cán bộ đi thăm và làm việc tại nước ngoài chủ yếu bằng nguồn ngân sách. Điều đáng nói là trong số những người đi học tập đó, có nhiều cán bộ thuộc diện đang "chờ hưu".

Nhiều cán bộ Thanh tra Chính phủ đi công tác nước ngoài… rồi về hưu - Ảnh 1.

Nhiều cán bộ ở TTCP được cử đi công tác nước ngoài khi đang chờ hưu - Ảnh: THÂN HOÀNG

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ tháng 8-2018 đến tháng 3-2019, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức các đoàn cán bộ đi dự hội nghị, làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng tại các nước Đan Mạch, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc khu Hong Kong...
Trong những đoàn công tác này đều có cán bộ là lãnh đạo cấp phòng, vụ sắp nghỉ hưu.
Quyết định đi nước ngoài và nghỉ hưu ký cùng 1 ngày
Ngày 13-9-2018, Phó tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh ký quyết định cử đoàn đại biểu cấp cao đi thăm và làm việc tại Liên bang Nga. Đoàn có 9 thành viên, do một phó tổng TTCP làm trưởng đoàn. Thời gian công tác tại Nga từ ngày 18 đến 26-9.
Theo quyết định này, TTCP chịu chi phí tiền vé máy bay khứ hồi quốc tế, chi phí vé máy bay hoặc vé tàu đi lại giữa các địa phương ở Nga; tiền ăn tiêu, ở, tiền đi lại, tiền điện thoại, bảo hiểm và tiền thuê phiên dịch, các chi phí khác cho đoàn công tác theo quy định của Bộ Tài chính.
Trong thành phần đoàn công tác có ông Nguyễn Thanh Hải, tổng biên tập báo Thanh Tra, đang trong diện "chờ hưu".
Đáng chú ý, trong cùng ngày ký quyết định cho đoàn đi nước ngoài thì ông Lê Minh Khái, tổng TTCP, cũng ký quyết định về việc nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm với ông Hải. Theo đó, ông Hải sẽ nghỉ hưu từ ngày 1-12-2018.
Trước đó, ngày 6-6, TTCP có thông báo cho phó chánh văn phòng Lê Khả Thanh nghỉ hưu từ ngày 1-10. Đến ngày 19-7, Tổng TTCP Lê Minh Khái ký quyết định nghỉ hưu với ông Thanh.
Tuy nhiên, trước khi nghỉ hưu 2 tháng, ngày 6-8 Phó tổng thanh tra Nguyễn Văn Thanh lại ký quyết định cử phó chánh văn phòng đi công tác nước ngoài tại Nhật Bản. Đoàn công tác này gồm 8 người, toàn bộ chi phí do TTCP cấp.
Mới đây nhất, ngày 27-2, TTCP tổ chức cho đoàn công tác đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng tại Hong Kong từ ngày 19 đến 28-3. Đoàn gồm 15 thành viên, chi phí công tác do TTCP cấp.
Theo tìm hiểu, trong đoàn có 2 cán bộ đang trong diện "chờ hưu". Trong đó có ông Đặng Quang Trọng, Vụ Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra, được TTCP ký quyết định nghỉ hưu trước khi đi công tác.
Ngày ký quyết định với ông Trọng là 1-3 và ngày nghỉ hưu từ 1-6.
"Sẽ rà soát"
Ngoài những trường hợp nêu trên, TTCP còn ký quyết định cử một số cán bộ thuộc diện chỉ còn vài tháng nghỉ hưu đi công tác tại các nước thuộc châu Âu, châu Á. Hầu hết chi phí cho các đoàn công tác này đều do TTCP cấp bằng tiền ngân sách.
Mặc dù không có quy định nào "cấm" cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi công tác nước ngoài, tuy nhiên dư luận đặt ra câu hỏi việc "đi nước ngoài học tập rồi về hưu" liệu có đem lại hiệu quả trong công việc, có gây lãng phí ngân sách nhà nước?
Ông Lê Hồng Lĩnh - vụ trưởng Vụ Kế hoạch, tài chính, tổng hợp kiêm người phát ngôn của TTCP - cho biết cơ quan này đang vào cuộc kiểm tra vấn đề trên và sẽ thông tin khi có kết quả.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Tổng TTCP Lê Minh Khái cảm ơn báo chí đã phản ánh vụ việc, ông cho biết sẽ cho rà soát và sớm có trả lời công khai trước dư luận.
"Tôi về nhận nhiệm vụ tổng TTCP thời gian chưa phải là dài, công việc rất nhiều, nếu có điều gì đó thiếu sót, chưa thật sự chuẩn mực, được báo chí, nhân dân phản ảnh, góp ý thì xin được tiếp thu với tinh thần rất là cầu thị, thẳng thắn.
Nếu có khuyết điểm, cá nhân tôi và tập thể lãnh đạo TTCP sẽ có đánh giá, khắc phục. Nếu các quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ, chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung" - ông Khái nói.
Cán bộ sắp về hưu không nên đi nước ngoài học tập

nguyễn văn pha

Ông Nguyễn Văn Pha - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Đó là quan điểm của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội NGUYỄN VĂN PHA khi trả lời phóng viên Tuổi Trẻnhân chuyện xảy ra ở Thanh tra Chính phủ.
Theo ông Pha, để bố trí đoàn đi công tác (dù nước ngoài hay trong nước), người có thẩm quyền phải xác định mục đích, yêu cầu chuyến công tác, trên cơ sở đó quyết định thành phần tham gia, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu nhiệm vụ chuyến công tác.
Việc tổ chức đoàn công tác phải đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm ngân sách, tránh việc lạm dụng danh nghĩa đi công tác nhưng chủ yếu là đi tham quan, du lịch.
* Ông phân tích như thế nào về tính hợp pháp, hợp lý của việc cử cán bộ đã có thông báo nghỉ hưu tham gia các đoàn công tác nước ngoài ?
- Thông thường, cán bộ sẽ nhận được thông báo bằng văn bản trước 6 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu (theo Nghị định số 46 năm 2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức).
Về mặt pháp lý, tuy chuẩn bị nghỉ hưu, nhưng cán bộ, công chức, viên chức đó vẫn phải thực hiện đúng, đầy đủ chức trách nhiệm vụ, công vụ được giao, có các quyền và nghĩa vụ lao động theo quy định của pháp luật cho đến ngày chính thức được nghỉ hưu.
Văn bản "thông báo nghỉ hưu" không làm hạn chế quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức.
Đến nay cũng chưa có quy định nào cấm những người chuẩn bị nghỉ hưu thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ và cấm cơ quan chủ quản cử cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi công tác trong nước, ngoài nước.
Mặt khác, người được cử đi công tác cũng không có quyền từ chối, kể cả những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hoặc từ chối đi công tác ở nước ngoài, kể cả những nước đang xảy ra chiến sự, dịch bệnh…, trừ khi có lý do chính đáng.
Tôi thấy rằng dư luận chỉ bức xúc về những trường hợp cử cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi công tác nước ngoài không đúng đối tượng, thành phần, làm việc không hiệu quả, lạm dụng để đi tham quan, du lịch, coi việc cử cán bộ đi nước ngoài như là một hành động tri ân, gây lãng phí ngân sách.
Không ai lên án những người dù chỉ còn một thời gian công tác ngắn hoặc những năm cuối của nhiệm kỳ, đi công tác nước ngoài vẫn làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả, đặc biệt là những đoàn cấp cao, những cán bộ làm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, các chuyên gia đàm phán các điều ước đang còn dang dở...
Nói như vậy để thấy chúng ta cần đánh giá, nhìn nhận nhiều chiều, xem xét tính hợp pháp và hợp lý, để tới đây những tồn tại do tổ chức thực hiện thì phải chấn chỉnh, nếu do khoảng trống của pháp luật thì phải sửa đổi, bổ sung.

img_3354

Trụ sở Thanh tra Chính phủ - Ảnh: TTO

* Vậy theo ông những trường hợp cán bộ sắp nhận sổ hưu đi công tác nước ngoài theo dạng nào thì hợp lý; pháp luật cần sửa đổi, bổ sung như thế nào để "bịt kẽ hở", tránh gây bức xúc dư luận?

- Việc thành lập đoàn công tác nước ngoài có hai trường hợp, một là đi làm việc theo chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế hoặc đàm phán về điều ước quốc tế… Hai là đi nghiên cứu, khảo sát, học tập để phục vụ công tác lâu dài.
Trong trường hợp thứ nhất, bất kỳ cán bộ nào kể cả còn thời gian công tác dài hay chuẩn bị nghỉ hưu thì vẫn phải có trách nhiệm và có quyền đi để thực thi nhiệm vụ.
Người có thẩm quyền cử phải đảm bảo cử người đúng đối tượng, thành phần, trình độ năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của chuyến đi, người được cử đi không được thoái thác nhiệm vụ.
Việc pháp luật không cấm những người chuẩn bị nghỉ hưu đi công tác nước ngoài vừa đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động theo pháp luật cũng như đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức vì thực tế có những công việc liên quan đến đối tác mà người đó đang làm dang dở, các điều ước đang đàm phán.
Trường hợp thứ hai, cử người chuẩn bị nghỉ hưu đi nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài thì theo tôi là không hợp lý.
Đi khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài là để về nghiên cứu để xem có thể áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, phục vụ trực tiếp, lâu dài cho công việc sau này.
Cử người chuẩn bị nghỉ hưu đi nước ngoài trong trường hợp này thì không những không đạt được mục đích nêu trên, mà còn gây dư luận xấu trong xã hội, dễ bị lạm dụng.
Để xử lý tình trạng này, theo tôi cần có quy định của pháp luật, ít nhất ở tầm nghị định của Chính phủ về việc không được cử cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu (kể từ khi có thông báo nghỉ hưu hoặc thậm chí là một năm trước khi nghỉ hưu) đi công tác nước ngoài với mục đích nghiên cứu, đi học, học tập kinh nghiệm.
Còn với những mục đích khác như đã nêu ở phần trên thì cần phải bảo đảm nguyên tắc đúng người, đúng mục đích, yêu cầu của chuyến công tác, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Người có thẩm quyền cử cán bộ đi nước ngoài phải hoàn toàn chịu trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu này.
LÊ KIÊN ghi

DẤU CHỈ HUY HOÀNG CỦA THAM NHŨNG

TRÂN VĂN / Blog VOA 17-4-2019


Thông qua báo chí, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa bảo với đồng bào rằng, lực lượng Thanh tra của chính phủ sẽ “rà soát” chuyện giới lãnh đạo của lực lượng này lũ lượt dắt díu nhau đi ngoại quốc bằng công quỹ để “làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng”, trước khi… đồng loạt nghỉ hưu (1).
Cho dù hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang ra sức chứng minh nỗ lực phòng – chống tham nhũng là hết sức… quyết liệt, không hề có… vùng cấm nhưng chuyện Thanh tra thuộc chính phủ từ cao cấp đến trung cấp, lũ lượt dắt díu nhau đi ngoại quốc trong lúc “chờ hưu”, chính là ví dụ minh họa mới nhất, rõ ràng nhất cho thấy thời đại tham nhũng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sẽ còn… huy hoàng.
***
Đầu tuần trước, tờ Tuổi Trẻ công bố một thống kê, theo đó, từ tháng 8 năm ngoái đến tháng ba năm nay, lực lượng Thanh tra của chính phủ Việt Nam liên tục thành lập các “Đoàn công tác”, cử đến Đan Mạch, Nga, Nam Hàn, Nhật, Hồng Kông. Thành viên trong các “Đoàn công tác” này bao gồm viên chức Thanh tra đủ cấp, từ những cá nhân cao cấp nhất đến lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng, kể cả nhà báo của cơ quan ngôn luận thuộc ngành Thanh tra.
Tờ Tuổi Trẻ không cho biết tổng chi phí cho các “Đoàn công tác” là bao nhiêu mà chỉ kể rằng, tất cả thành viên của các “Đoàn công tác” đều được ngân sách đài thọ từ tiền mua vé máy bay khứ hồi quốc tế, tiền mua vé máy bay, vé tàu, thuê phương tiện đi lại ở các quốc gia mà họ đến trong thời gian công tác, đến chi phí khách sạn, ăn uống, điện thoại, kể cả tiền… tiêu vặt, cùng với đủ thứ chi phí khác (bảo hiểm, thuê phiên dịch,…), theo đúng qui định chi tiêu cho công vụ ở ngoại quốc mà Bộ Tài chính ban hành.
Điểm đáng chú ý là cho dù mục tiêu của các đợt công tác tại ngoại quốc được minh định nhằm “làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng” nhưng “Đoàn công tác” nào cũng có các viên chức đã nhận được quyết định cho nghỉ hưu như: Ông Lê Khả Thanh (Phó Văn phòng của lực lượng Thanh tra thuộc chính phủ Việt Nam), ông Nguyễn Thanh Hải (Tổng Biên tập báo Thanh tra), ông Đặng Quang Trọng (cán bộ Vụ Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra),…
Cũng vì vậy, sau khi cùng với các “Đoàn công tác” ra ngoại quốc “làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng”, những viên chức có tên như vừa kể đều đã nghỉ hưu ngay sau đó. Dù muốn những Lê Khả Thanh, Nguyễn Thanh Hải, Đặng Quang Trọng,… cũng chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng kiến thức đã thu thập được từ châu Âu, châu Á với… vợ con, cháu chắt, rộng hơn là với các đồng chí đang sinh hoạt trong… tổ hưu!
***
Tham nhũng không đơn thuần là lạm dụng công quyền để thu đoạt các lợi ích vật chất có thể định danh, định tính, định lượng một cách dễ dàng. Tham nhũng còn là lạm dụng công quyền để thủ đắc lợi ích dưới những hình thức hết sức đa dạng khác. Không phải tự nhiên mà phòng ngừa tham nhũng luôn luôn song hành với chống lãng phí. Lãng phí không chỉ tạo tiền đề thuận lợi cho tham nhũng. Lãng phí là một trong các dạng thức tham nhũng.
Không phải tự nhiên mà Thanh tra của chính phủ Việt Nam – lực lượng chính trong công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam – liên tục tổ chức thanh tra việc sử dụng công quĩ, cử các đoàn đi công tác ở ngoại quốc. Năm ngoái, lực lượng này từng làm công chúng bàng hoàng khi công bố kết quả thanh tra chuyện lập đoàn, cử người đi công tác ở ngoại quốc của bốn bộ và sáu tỉnh: Chỉ trong bốn năm, từ 2012 đến 2016, bốn bộ và sáu tỉnh này đã chi hơn 1.000 tỉ, lập 17.500 “Đoàn công tác” ở ngoại quốc.
Kết luận thanh tra vừa kể được công bố vào tháng 7 năm 2018. Lúc đó, Thanh tra của chính phủ Việt Nam từng dõng dạc đề nghị Thủ tướng Việt Nam yêu cầu các bộ, địa phương có liên quan tổ chức kiểm điểm, xác định hình thức xử lý tương xứng với vi phạm. Trong đủ loại vi phạm các qui định hiện hành về thành lập “Đoàn công tác” cử người đi ngoại quốc, có cả vi phạm sử dụng danh nghĩa công tác, lấy công quỹ đưa các viên chức sắp, thậm chí đã nghỉ hưu đi du lịch ở ngoại quốc (3).
Giờ, người ta mới biết, vào đúng thời điểm công bố Kết luận thanh tra việc các bộ: Tài chính, Công Thương, Thông tin - Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang thành lập 17.500 “Đoàn công tác”, cử 53.000 lượt viên chức đi ngoại quốc trong bốn năm từ 2012 đến 2016, giới lãnh đạo lực lượng Thanh tra của chính phủ Việt Nam còn thản nhiên phê duyệt kế hoạch thành lập các “Đoàn công tác”… tương tự!
Thanh tra của chính phủ Việt Nam, lực lượng chuyên trách, được giao đảm nhận vai trò “tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, tổ chức kiểm tra việc chấp hành, thực thi các qui định pháp luật trong hệ thống công quyền, thông qua đó xác định nguyên nhân tham ô, lãng phí để khuyến nghị các cấp có thẩm quyền đặt định những giải pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa, giải quyết tận gốc tệ nạn tham nhũng, lãng phí” (4)mà cũng ô trọc, trâng tráo như thế thì còn bàn tay nào đủ sạch để phòng – chống tham nhũng?
***
Chuyện lực lượng Thanh tra của chính phủ Việt Nam cũng thành lập các “Đoàn công tác”, rồi chọn – cử những thành viên từ cao cấp đến trung cấp đi châu Âu, châu Á “làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng”, trước khi… họ đồng loạt nghỉ hưu cho thấy, dù tệ nạn đã trở thành quốc nạn, tham nhũng vẫn đang trong giai đoạn… huy hoàng.
Sự huy hoàng đó được chính lực lượng thanh tra tham gia tô điểm không chỉ bằng scandal vừa kể mà còn bằng những khối tài sản khổng lồ ai cũng biết từ đâu mà ra của những Tổng Thanh tra như: Trần Văn Truyền (5), Huỳnh Phong Tranh (6),… những Phó Tổng Thanh tra như Ngô Văn Khánh (7),… Khi không phải Thanh tra viên, chỉ là nhân viên cấp thấp như Hoàng Đức Cần mà cũng có thể khai thác cả uy thế lẫn ưu thế của lực lượng chuyên trách phòng – chống tham nhũng để bóp cổ cả mẹ liệt sĩ lấy thù lao giải quyết khiếu nại, tố cáo (8)thì thay vì chỉ “hưởng dương” tham nhũng dư điều kiện để “hưởng thọ”.
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/tong-thanh-tra-nhan-trach-nhiem-vu-nhieu-can-bo-di-nuoc-ngoai-roi-huu-20190410114725259.htm
(2) https://tuoitre.vn/nhieu-can-bo-thanh-tra-chinh-phu-di-cong-tac-nuoc-ngoai-roi-ve-huu-20190408075420985.htm
(3) https://vnexpress.net/thoi-su/bon-bo-nganh-chi-hon-1-000-ty-di-nuoc-ngoai-mot-nhiem-ky-3775172.html
(4) http://www1.napa.vn/tcqlnn/vai-tro-cua-thanh-tra-nha-nuoc-trong-phong-ngua-tham-nhung.htm
(5) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Văn_Truyền
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Huỳnh_Phong_Tranh
(7) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/pho-tong-thanh-tra-cp-len-tieng-ve-tai-san-khung-164399.html
(8) https://news.zing.vn/can-bo-thanh-tra-chinh-phu-tra-lai-hang-tram-trieu-dong-cho-me-liet-si-post925915.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét