Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

20181129. NHÌN LẠI CÁC CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÌN LẠI CÁC CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP

NGUYỄN NGỌC TRÂN/ ĐẤT VIỆT 26-11-2018

(Diễn đàn trí thức) - 250 năm, bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Đâu là động lực, những đặc trưng nổi bật, những tác động lên sản xuất, giao thương, môi trường, xã hội?

Bài viết dưới đây nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp đã và đang diễn ra để thử trả lời các câu hỏi trên.
Nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp
Cho tới hiện nay nhân loại đã chứng kiến bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng lần thư tư được đề cập tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2016 với chủ đề “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và kể từ đó được nói đến nhiều.
250 năm, bốn cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN). Bài viết này nhìn lại bốn cuộc cách mạng đó với ý định thấy được chúng đã diễn ra như thế nào và rút ra những gì cần thiết để chuẩn bị việc đáp ứng những yêu cầu, thời cơ và thách thức mà cuộc cách mạng lần thứ tư đặt ra.
Mỗi cuộc CMCN được nhìn lại từ các góc độ (1) động lực; (2) thời điểm khởi đầu [1]; (3) đặc trưng; các tác động lên (4) sản xuất, (5) giao thông vận tải, (6) thương mại và dịch vụ, (7) môi trường, (8) về mặt xã hội; và (9) quan hệ với giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Kết quả nhìn lại các cuộc CMCN được trình bày trong Bảng 1 mà cột là các cuộc CMCN từ lần thứ nhất đến lần thứ tư, và dòng là 9 đề mục nêu trên đây.
Các ô đọc theo cột liên quan đến một cuộc CMCN. Một ô tại một cột của một đề mục từ (4) đến (8) là tác động của cuộc CMCN tương ứng với cột lên đề mục đó. Có thể có nhiều tác động vì vậy các nội dung được ghi trong ô là những nội dung quan trọng nhất được tác giả chọn ra.
Khi đọc nội dung các ô cần nhớ hai điều: (a) cuộc CMCN tương ứng không phải là tác nhân duy nhất lên đề mục; (b) nội dung của các đề mục dọc theo một cột không độc lập với nhau mà có liên quan với nhau.
Đọc các ô theo dòng là theo dõi diễn tiến của một đề mục qua các cuộc CMCN theo thời gian. Khi đọc cũng cần nhớ hai điều (a) và (b) nói trên.
Bảng 1.
Nhin lai cac cuoc cach mang cong nghiep

Mặc dù trong mỗi ô chỉ ghi những ý chính, có rất nhiều điều để nói về các tác động của các cuộc CMCN. Dưới đây, chỉ bình luận một số tác động mà tác giả cho rằng cần được nhấn mạnh.Nhìn nhận và bình luận về một số tác động của các cuộc CMCN
(1) Cột CMCN lần thứ nhất cho thấy nền sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển đã tới hạn nếu chỉ dựa vào sức người, tính cả sức của nô lệ. Máy hơi nước, mà James Watt đã phát minh mở ra thời kỳ cơ giới hóa sản xuất, mạnh nhất ở hai ngành dệt và in, và giao thông vận tải đường sắt và đường thủy. Thương mại và dịch vụ phát triển mạnh là kết quả tất yếu. Sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chuyển dần sang nền sản xuẩt công nghiệp và thương mại. Tầng lớp những người tư sản công nghiệp và tầng lớp những lao động công nghiệp được hình thành. Nhờ công nghiệp in phát triển, nạn mù chữ bị xóa dần. Rõ ràng gọi cuộc cách mạng lần thứ nhất là CM công nghiệp là chính xác.
(2) Đọc cột kế tiếp, gọi cuộc cách mạng lần thứ hai là CM công nghiệpcũng chính xác. Khác lần thứ nhất là ở quy mô. Quy mô phát triển đến mức phải đi tìm thuộc địa để cung ứng nguồn nhân lực và nguyên liệu, phải tranh giành thị trường bằng chiến tranh, kể cả hai cuộc thế chiến (1914-1918) và (1939-1945). Giai cấp công nhân được tổ chức để đấu tranh chống bóc lột và bảo vệ quyền lợi của mình. Cách mạng Tháng 10 bùng nổ trong bối cảnh kinh tế, xã hội toàn cầu như vậy.
(3) Cuộc CMCN lần thứ ba khởi đầu nhằm vào tự động hóa quá trình sản xuất. Phát minh của Alan Turing về thuật toán cho bài toán quyết định (decidability), máy Turing, và số hóa (digitalisation) các thông tin, trên nền của đại số Boole, khiến cho các tác động vượt xa mục tiêu tự động hóa sản xuất ban đầu, và mở ra một lĩnh vực khoa học mới, Tin học, khoa học xử lý tự động thông tin [2].
Tầm tác động của cuộc CMCN lần thứ ba không còn giới hạn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Khoảng cách không gian được rút ngắn với tiến bộ công nghệ trong giao thông vận tải và truyền thông. Internet ra đời vào những năm 1980 càng rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian.
Giao thông vận tải và thương mại toàn cầu phát triển. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời để quy định về thương mại toàn cầu nhưng còn nhiều tranh cải. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực vẫn tồn tại.
Cuộc CMCN lần thứ ba xuất phát từ tin học và số hóa thông tin. Tầm tác động của nó vượt ra xa lĩnh vực công nghiệp. Vì vậy nó còn được gọi là cuộc cách mạng tin học hay cách mạng số với khởi điểm là sự ra đời của máy tính điện tử vào các năm 1947 – 1950.
(4) Cột kế tiếp cho thấy cuộc CMCN lần thứ ba ra đời được khoảng 40 năm thì cuộc CMCN lần thứ tư đã tới. Nhiều ý kiến cho rằng CMCN lần thứ tư bắt đầu vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI với sự ra đời của internet đám mâyinternet kết nối vạn vật và điện thoại thông minh.
Các ô trong Bảng 1, cột CMCN lần thứ tư cho thấy tầm tác động của cuộc CM lần này còn vượt xa hơn cả cuộc CMCN lần thứ ba, cả về đối tượng, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Sự khác biệt cơ bản nhất đó là đối tượng của cuộc CM lần thứ tư là các loại hình hệ thống rất đa dạng được điều khiển và đối thoại.
Chính vì lẽ này, nhiều ý kiến cho rằng cuộc CMCN lần thứ tư là cuộc CM điều khiển học (cybernetic). Từ này đã được Norbert Wiener sáng tác để đặt tên cho một lĩnh vực khoa học mới, cybernetics, “khảo cứu khoa học về điều khiển và giao tiếp trong động vật và máy” [3], [4].
(5) Các cuộc CMCN tiếp nối nhau với nhịp điệu ngày càng nhặt. Cuộc cách mạng lần thứ hai nối tiếp cuộc CMCN lần thứ nhất sau 110 năm [5], và được tiếp nối bởi cuộc CMCN lần thứ ba sau 70 năm. Cuộc CMCN lần thứ tư chỉ sau bốn thập kỷ đã tới, “gối đầu” lên cuộc CMCN lần thứ ba trong khi cuộc CM này vẫn đang tiếp diễn. Klaus Schwab cho rằng “Một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được xây dựng trên cuộc cách mạng lần thứ ba, nhưng không phải là sự nối dài của cuộc cách mạng lần thứ ba” [6].
(6) Không chỉ có nhặt hơn mà tính chất công nghiệp của các cuộc cách mạng ngày càng bị vượt quá và hầu như chỉ còn trong tên gọi. Với số hóa và khả năng xử lý thông tin, tác động của cuộc cách mạng lần thứ ba đã thâm nhập vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân văn. Các công nghệ được tích hợp với nhau để giải quyết các bài toán của cuộc sống, của vật chất ở quy mô ngày càng vi mô và vĩ mô. Xu thế này càng được khẳng định và vượt quá khi mà đối tượng của cuộc cách mạng lần thứ tư là các hệ thống có thể điều khiển và đối thoại.
(7) Đọc đề mục “Thương mại và Dịch vụ” ta thấy rõ tác động của các cuộc CMCN. Sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành hàng hóa được đặc biệt bảo vệ trong các quy định của WTO và trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thê hệ mới. Thậm chí các “ý tưởng” cũng đã được đăng ký bảo hộ. Tài sản công (public goods), dịch vụ công (public services) ngày càng được tư hữu hóa.
(8) Về mặt xã hội, ở các nước phương Tây nhiều đảng phái chính trị truyền thống mất nhiều ảnh hưởng đối với cử tri và trên chính trường, khi không trả lời được bóc lột, công nhân, vô sản là gì ngày nay? K.Schwab còn tiên liệu CMCN lần thứ tư sẽ “thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ với nhau”.
(9) Về “Môi trường” qua các cuộc CMCN môi trường ngày càng xấu đi. Có phải là hậu quả của các cuộc CMCN, hay là hậu quả của việc chạy tìm lợi nhuận tối đa, sử dụng lãng phí tài nguyên, từ chối áp dụng tiến bộ KHvCN để giảm phát thải khí nhà kính, … Một nhà kinh tế học người Mỹ, Jeremy Rifkin, cho rằng cuộc CMCN lần thứ ba phải kết hợp tin học và các nguồn năng lượng tái tạo để giảm bớt sự tăng tốc của biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững [7].
(10) Quan hệ giữa các cuộc CMCN với giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học là một nội dung vô cùng quan trọng. Xin được đề cập trong một bài viết tiếp theo.
Nhận xét và khuyến nghị
Những thay đổi từ CMCN lần thứ ba diễn ra ngày càng nhiều và càng dồn dập. Những đột phá của CMCN lần thứ tư và những vấn đề toàn cầu nảy sinh, được dự báo sẽ diễn ra còn nhanh, rộng và sâu hơn nữa.
Không chỉ có thách thức. Còn có thời cơ nếu biết nắm bắt. Khiêm tốn và không ngừng học hỏi, sẵn sàng tiếp thu và áp dụng cái mới sao cho có lợi nhất là thái độ cần có để đồng hành cùng với CMCN lần thứ tư.
Tốc độ và gia tốc của quá trình diễn ra các đột phá sẽ nhanh đến mức lực ly tâm sẽ gạt ra bên lề những quán tính, nếp tư duy lỗi thời và sự tự mãn về kiến thức.
Chú thích:
[1] được ước lệ là năm mà phát minh hay sự kiện nhận biết cuộc CMCN đã diễn ra. Khi nói một cuộc CMCN bắt đầu vào một thời điểm, đó là nhìn vĩ mô trên bình diện thế giới. Trên thực tế, các cuộc CMCN bắt đầu tại những địa bàn và thời điểm khác nhau, trên thế giới cũng như tại mỗi nước, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể ở mỗi nơi.
[2] Năm 1962, Viện Hàn Lâm khoa học Pháp công nhận từ Informatique với định nghĩa là khoa học về xử lý tự động thông tin. (Traitement automatique de l’Information). Trước đó chỉ có từ tiếng Anh computer science.
[3] Norbert Wiener, Cybernetics or Control and Communication in the Animal and the Machine, Librairie Hermann & Cie (Paris) (1948)
[4] Hiện nay có định nghĩa mở rộng là “một tiếp cận xuyên ngành nhằm khám phá các hệ thống điều tiết - các cấu trúc, các ràng buộc, và các khả năng của chúng”. https://en.wikipedia.org/wiki/Cybernetics.
[5] Nếu lấy năm 1880, năm phát minh ra điện năng.
[6] Klaus Schwab, 2016, The Fourth Industrial Revolution, World Economic Forum.
[7] Jeremy Rifkin, 2011, The Third Industrial Revolution, St Martin’s Press, New York
GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại Quốc hội.

CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP VÀ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

NGUYỄN NGỌC TRÂN/ ĐẤT VIỆT 27-11-2018

(Diễn đàn trí thức) - Việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là sống còn đối với mọi quốc gia trong thời đại CMCN lần thứ tư.

Nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp cho thấy vai trò mở đường của giáo dục, đào tạo, và nghiên cứu khoa học đối với CMCN và ngược lại CMCN tạo điều kiện cho đổi mới công tác đào tạo, và mở ra những lĩnh vực mới cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Trong bối cảnh mới của CMCN lần thứ tư và hội nhập quốc tế, đào tạo con người có tinh thần làm chủ, năng động, có tư duy độc lập, và sáng tạo, và Nhà nước có chiến lược, chính sách để vun đắp nguồn nhân lực quốc gia là hai yêu cầu bức thiết để đất nước đi lên trong một thế giới nhiều đột phá.
Quan hệ giữa các cuộc cách mạng công nghiệp với GD, ĐT và NCKH

Cach mang cong nghiep va giao duc, dao tao, nghien cuu KH



Cach mang cong nghiep va giao duc, dao tao, nghien cuu KH

Bảng trên đây được trích ra từ Bảng 1 trong một bài viết trước [1]. Đọc bảng trên đây chúng ta sẽ thấy một mối quan hệ kép hết sức thú vị: vai trò mở đường của giáo dục, đào tạo, và nghiên cứu khoa học đối với cách mạng công nghiệp (CMCN) và ngược lại, CMCN tạo điều kiện cho đổi mới công tác đào tạo, và mở ra những lĩnh vực mới cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
1. Quan hệ kép giữa GD, ĐT và NCKH với CMCN
Chính sự tương tác này đã thúc đẩy hai đối tác GD, ĐT và NCKH và CMCN cùng tiến rất nhanh kể từ cuộc CMCN lần thứ ba.
Vào cuối thế kỷ XVII, Gottfried W. Leibniz (1646-1716), từ kết quả khảo sát với công cụ mà ông sáng tác, đã phát biểu:
Dấu hiệu là quan hệ: nó thiết lập một mối liên hệ giữa đối tượng và thế giới của thực nghiệm, thực hay ảo”, và “sự phổ cập hóa và đại chúng hóa tri thức cần đến các sơ đồ”.
Năm 1642, Blaise Pascal (1623-1662) tạo ra một hộp bánh răng cho phép ông đếm bằng số răng của một bánh xe, và đi xa hơn: khi mà bánh xe răng đã hoàn thành một vòng, nó giữ lại dấu vết và chuyển thông tin này đến bánh xe bên cạnh. Nói cách khác, B. Pascal là người đầu tiên đã vật chất hóa ký ức và truyền thông tin.
Có thể nói, Gottfried W. Leibniz và Blaise Pascal đã tạo ra những công cụ có tính khai phá của tư duy và cho xử lý thông tin thời bấy giờ.
Cach mang cong nghiep va giao duc, dao tao, nghien cuu KH
Thiết bị sáng tác của G.W.Leibniz
Cach mang cong nghiep va giao duc, dao tao, nghien cuu KH
Hộp bánh xe răng của B. Pascal



George Boole (1815-1864) đã phát triển lôgic nhị nguyên và năm 1854 ra đời đại số Boole, một nền tảng của tin học một thế kỷ về sau.
Công trình của Boole đã mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo của Alan Turing. Năm 1936 Alan Turing (1912-1954) cho rằng có thể giải bài toán về tính có thể quyết định (decidability) bằng một thuật toán (algorithm) chỉ dựa trên hai giá trị 0 và 1, và chứng minh điều này bằng máy Turing. Một máy Turing gồm có một chương trình thuật toán, một bộ nhớ, một bộ điều khiển, và các bộ phận đọc và viết. Máy Turing như vậy là tiền thân của máy tính điện tử ra đời lần đầu tiên vào khoảng 1947 – 1950.
Các thành tựu của A. Turing, cùng với điện tử, vi điện tử và tự động hóa là những động lực để CMCN lần thứ ba ra đời mà các đặc trưng chính là số hóa thông tin, máy tính điện tử, vi điện tử và tốc độ xử lý thông tin ngày càng nhanh. Chúng mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới: truyền thông.

Cach mang cong nghiep va giao duc, dao tao, nghien cuu KH


Claude Shannon (1916-2001) và một cộng sự, W. Weaver, có nhiệm vụ lọc nhiễu trong điện thoại. Ông đã thiết lập sơ đồ Shannon. Năm 1948 ông đã xuất bản “A Mathematical Theory of Communication” (Một lý thuyết toán về truyền thông), một tài liệu cơ bản về lý thuyết và thực hành về truyền thông cho tới hiện nay.
Hầu như cùng lúc, năm 1942, Norbert Wiener (1894-1964) đã lập nên một sơ đồ tương tự với sơ đồ Shannon có thêm vòng phản hồi (feedback) khi được giao nhiệm vụ “theo dõi đối tượng trên quỹ đạo bay của nó”. Chính vòng phản hồi đã cho phép Wiener đã đặt nền móng cho ngành điều khiển học (cybernetics), mở ra khả năng điều khiển và kết nối Người – Máy, đã được đề cập trong bài báo đã dẫn.
Cach mang cong nghiep va giao duc, dao tao, nghien cuu KH


Điều khiển học và lý thuyết truyền thông là động lực chính dẫn đến CMCN lần thứ tư cùng với sự lan tỏa nhanh của số hóa thông tin, tiến bộ về độ phủ và tốc độ truyền số liệu.
Các đặc trưng chính của CMCN lần thứ tư là sự xóa mờ ranh giới giữa các khoa học, sự tích hợp (integration) hay hợp nhất (fusion) công nghệ, lưu trữ và xử lý “dữ liệu lớn” (big data) về các hệ thống điều tiết (regulatory systems).
Với những tri thức tích lũy được từ các cuộc CMCN trước, CMCN lần thứ tư chấp cánh cho toán học rời rạc (Discrete Mathematics), lý thuyết về mô phỏng số các hiện tượng vật lý ngày càng phức tạp, thực sự phát triển.
Tuy nhiên một thuật toán cho dù có tinh vi đến mấy, nhưng nếu số liệu đầu vào (input data) về điều kiện ban đầu, về điều kiện biên không chính xác, kết quả mô phỏng (output data) khó mà sát với thực tế và được chấp nhận.
Trong các bài toán từ thế giới tự nhiên chúng ta thiếu rất nhiều thông tin, mà nếu có cũng không thể “chính xác”. Những nghiên cứu trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, về biến đổi khí hậu là những ví dụ.
Vì vậy từ đầu thập kỷ của thế kỷ XXI, nhiều nhà khoa học tìm cách xây dựng các thuật toán trong điều kiện thông tin như thế, kết hợp lý thuyết về sự phức tạp [2] với thống kê học, những thuật toán mà họ gọi là thuật toán trong thế giới thiên nhiên (ecorithm) [3], [4]. Một ngành học mới, một lĩnh vực nghiên cứu mới ra đời.
Cybernetics (điều khiển học) là một ví dụ CMCN lần thứ tư làm mờ ranh giới giữa các khoa học, hình thành những môn học “xuyên ngành”. Lĩnh vực đào tạo mới này, cơ bản và các “chân rết” trong toán học, tin học, trong các ngành kỹ thuật, trong sinh học, trong khoa quản lý, tâm lý học, xã hội học, luật học, trong kiến trúc, và trong hệ thống khoa học về trái đất [5].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét