Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

20181121. QUANH VỤ ÁN ĐÁNH BẠC QUA MẠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
LỜI KHAI QUAN TRỌNG CỦA  TƯỚNG VĨNH

BBC /BVN 21-11-2018

Phan Văn Vĩnh
Ảnh: INFONET - Những lời khai của tướng Phan Văn Vĩnh tạo bàn luận nhiều trên mạng xã hội
Phiên tòa xử ông Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cùng tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng C50 và những "đồng phạm" trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ đang diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị cáo buộc tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Khung hình phạt theo quy định cho tội danh này là từ 5-10 năm tù.
Lời khai nhắc đến Đại tướng Trần Đại Quang
Bài báo ngày 19/11 trên tờ Thanh niên nói theo cáo trạng, đầu năm 2016, ông Nguyễn Thanh Hóa trao đổi với Phan Văn Vĩnh về ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) thực hiện.
Ngày 11/1/, Nguyễn Văn Dương, khi đó là Chủ tịch CNC, ký báo cáo gửi Nguyễn Thanh Hóa về "kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng".
Ngày 7/3, Nguyễn Thanh Hoá chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn để Nguyễn Thanh Hoá ký báo cáo Phan Văn Vĩnh về việc đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ trực thuộc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Ngày 17/3, Nguyễn Thanh Hoá tiếp tục chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản để Phan Văn Vĩnh ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát.
Ngày 25/3, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, có bút phê: "Kính gửi anh Vương chỉ đạo, chú ý không trùng chức năng của Cục An ninh mạng".
Ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương có bút phê: "Tổng cục Cảnh sát thực hiện ý kiến của Bộ trưởng".
"Sau đó, theo ý kiến chỉ đạo này, Tổng cục Cảnh sát thực hiện. Ngày 20.5.2016, Cục trưởng C50 là anh Nguyễn Thanh Hóa có tờ trình bị cáo với văn bản 1155. Như vậy, bị cáo khi đó là đang thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an", bị cáo Vĩnh khai trước tòa, theo tờ Thanh niên.
Hôm 20/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế giới Luật pháp, nói với BBC: "Chúng ta không rõ nội dung đầy đủ của bút phê của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang này là gì, nó có bao gồm cả việc đường hướng xử lý vụ việc hay không".
"Nếu bút phê của ông Trần Đại Quang khi đó thể hiện rõ đường hướng xử lý và giao cho Thứ trưởng Lê Quý Vương phụ trách và chỉ đạo thực hiện thì đúng là đã có chỉ đạo của Bộ trưởng Quang."
"Còn nếu bút phê chỉ thể hiện nội dung giao Thứ trưởng Lê Quý Vương chỉ đạo thì cần làm rõ nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Vương".

tướng
Ảnh: INFONET - Các bị cáo tại phiên tòa
'Bỏ lọt tội danh Nhận hối lộ'
Luật sư Phùng Thanh Sơn cũng bình luận thêm: "Tôi thấy có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội danh 'Nhận hối lộ' đối với ông Vĩnh".
"Với lời khai của ông Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch CNC, là đã đưa cho ông Vĩnh hàng chục tỷ đồng và hàng triệu đô la, đồng hồ Rolex trị giá 1,1 tỷ đồng và thực tế ông Vĩnh đang sử dụng đồng hồ Rolex thì ai cũng biết thì vụ việc có dấu hiệu của tội nhận hối lộ".
"Nhưng không rõ vì lý do gì mà tội danh đó không được đưa ra. Cơ quan điều tra phải sử dụng các nghiệp vụ của mình để điều tra, xác minh xem lời khai của ông Dương có đúng sự thật hay không".
"Cơ quan điều tra không thể trông chờ vào sự thừa nhận của bị can nói chung và ông Vĩnh nói riêng".
"Là Tổng cục trưởng Ttổng cục cảnh sát thì ông Vĩnh thừa biết phải làm gì để không để lại dấu vết".
"Và không ai đưa và nhận hối lộ mà có ký nhận cả, nên cơ quan điều tra không thể nói đơn giản là "không có bằng chứng chứng minh việc ông Vĩnh nhận tiền của ông Dương và ông Vĩnh cũng không thừa nhận việc nhận tiền" để không khởi tố ông Vĩnh về tội 'Nhận hối lộ'.
"Cái mà người dân muốn biết là cơ quan điều tra đã làm những gì để đi đến kết luận đó. Bởi thực tế ở Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp có thể sống được mà không chung chi?"
"Nếu nói một doanh nghiệp doanh thu bất hợp pháp hàng ngàn tỷ đồng mà không chung chi cho cơ quan quản lý Nhà nước thì rất khó tin".
"Cái bất cập pháp luật hiện nay của Bộ luật Tố tụng Hình sự là không quy định rõ là trước khi đi đến kết luận có hành vi tội phạm hay không thì cơ quan điều tra phải thực hiện những bước nghiệp vụ cần thiết nào. Nên trên thực tế, chúng ta không biết được việc "không có dấu hiệu tội phạm" là do cơ quan điều tra không tiến hành điều tra hay là đã tiến hành điều tra và thực hiện tất cả các biện pháp nghiệp vụ nhưng vẫn không xác định được hành vi phạm tội".
'Giá trị lời khai'
Cùng ngày, nói với BBC từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng, bình luận: "Lời khai của tướng Vĩnh cho thấy sự bầy hầy, nhem nhuốc của những người tiếm chức tiếm quyền".
"Cho nên, tôi thấy giá trị của những lời khai trong phiên tòa này là làm cho dư luận xã hội thấy và lên án những người lợi dụng chức vụ, quyền lực để tư lợi cho bản thân, gia đình thì nhiều, làm việc lợi cho dân thì ít".
"Những người này có thể tạo nên một công ty vỏ bọc của một tổng cục công an để kiếm chác".
"Và dường như không chỉ những vị phải ra tòa mà còn là những người khác trong hệ thống".
"Phiên tòa còn cho thấy người dân không dám can dự vào công việc của ngành công an".
"Vấn đề là phiên tòa này sẽ kết thúc với phán quyết thế nào, có khiến cho người ta tin rằng Việt Nam có nền tư pháp thật sự, những quan tòa có nhân cách và dũng khí hay không?"
Mạng xã hội nói gì?
Trên Facebook cá nhân, phóng viên Nguyễn Hoài Nam nhận định: "Bị cáo Phan Văn Vĩnh khai thực hiện theo chỉ đạo của đại tướng Trần Đại Quang".
Bị cáo Phan Văn Vĩnh khai thực hiện theo chỉ đạo của đại tướng Trần Đại Quang.
Theo cáo trạng vụ đánh bạc nghìn tỉ do Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ CA bảo kê, đầu năm 2016, cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa, trao đổi với Phan Văn Vĩnh hình thành ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho Công ty đầu tư phát triển an ninh CNC thực hiện.
Ngày 11.1.2016, Nguyễn Văn Dương, ký báo cáo số 6 gửi cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa về “kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.
Tháng 3.2016, Phan Văn Vĩnh chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa về nội dung xây dựng lộ trình phát triển Công ty CNC, mục tiêu chính là xây dựng “Hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”. Nhưng để có điều kiện thực hiện thì Công ty CNC cần tập trung xây dựng hệ thống mạng xã hội, cổng thanh toán trực tuyến để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình tội phạm và có nguồn thu để lấy kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ.
Ngày 7.3.2016, Nguyễn Thanh Hoá chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn 336/C50-P1 để Nguyễn Thanh Hoá ký báo cáo Phan Văn Vĩnh về việc đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ trực thuộc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, có nội dung: “…thông qua cổng thanh toán CNC, công ty đã thâm nhập hệ thống thanh toán trực tuyến, hệ thống chuyển tiền trên thị trường…”, và đề xuất “Lộ trình phát triển Công ty CNC xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.
Ngày 17.3.2016, Nguyễn Thanh Hoá tiếp tục chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản số 712/C41-C50 để Phan Văn Vĩnh ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề xuất lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát.
Nội dung văn bản phản ánh Công ty CNC phục vụ rất hiệu quả trong công tác chuyên môn của C50 và Tổng cục Cảnh sát, nhưng thực tế Công ty CNC đang hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet qua đoạn: “Thông qua cổng thanh toán CNC, Công ty đã thâm nhập hệ thống thanh toán trực tuyến, hệ thống chuyển tiền trên thị trường nhằm nghiên cứu, nắm bắt phương thức, thủ đoạn rửa tiền, kỹ thuật, công nghệ, đặc tính, hành vi và cách tổ chức hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao…”.
Ngày 17.3.2016, đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, có bút phê: “Kính gửi anh Vương chỉ đạo, chú ý không trùng chức năng của Cục An ninh mạng”. Ngày 29.3.2016, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương có bút phê: “Tổng cục Cảnh sát thực hiện ý kiến của Bộ trưởng”.
Khai nhận trước tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết, ngày 17.3.2016, Tổng cục Cảnh sát có văn bản trình Bộ trưởng Trần Đại Quang về lộ trình phát triển Công ty CNC là công ty nghiệp vụ, có đề cập đến hệ thống phòng thủ quốc gia, an ninh mạng, lộ trình phát triển của nó. Sau đó, ngày 25.3.2016, Bộ trưởng có bút phê gửi ông Lê Quý Vương, ngày 29.3.2016 có bút phê gửi Tổng cục Cảnh sát thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an.
“Sau đó, theo ý kiến chỉ đạo này, Tổng cục Cảnh sát thực hiện. Ngày 20.5.2016, Cục trưởng C50 là anh Nguyễn Thanh Hóa có tờ trình bị cáo với văn bản 1155. Như vậy, bị cáo khi đó là đang thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an”, bị cáo Vĩnh khai trước tòa.
Nhà báo Huy Đức nhận xét: "Chỉ sau một ngày thẩm vấn, dân chúng đủ thấy rõ rằng, CNC không phải là "công ty bình phong" cho C50 mà C50 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - là bình phong cho CNC. Tội phạm (đánh bạc nghìn tỷ) cũng không diễn ra bởi sự tha hoá của các cá nhân đơn lẻ. Nó được "báo cáo", "bút phê" từ người lãnh đạo cao nhất của Ngành lúc đó".
Cơ quan phòng chống tội phạm làm "bình phong", tội phạm suýt nữa thống lĩnh không gian mạng
Chỉ sau một ngày thẩm vấn, dân chúng đủ thấy rõ rằng, CNC không phải là "công ty bình phong" cho C50 mà C50 - Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - là bình phong cho CNC. Tội phạm (đánh bạc nghìn tỷ) cũng không diễn ra bởi sự tha hoá của các cá nhân đơn lẻ. Nó được "báo cáo", "bút phê" từ người lãnh đạo cao nhất của Ngành lúc đó.
Điều mà nếu như "cả hệ thống chính trị" suy nghĩ một cách có trách nhiệm sẽ phải rất giật mình là, chính nhà tổ chức sới bạc nghìn tỷ Nguyễn Văn Dương đồng thời lại là người lên “kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.
Kế hoạch này đã được thông qua hoặc “bút phê” từ Cục trưởng Nguyễn Thanh Hoá, cho tới Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh... và cả Bộ trưởng Trần Đại Quang. Nếu không có thay đổi nhân sự và phương thức lãnh đạo ở Bộ Công an ngay sau đó (5-2016), thì rất có khả năng, những tên tội phạm như Dương, Hoá... giờ đây đang kiểm soát không gian mạng mà chúng ta đang sống.
Đại tướng Trần Đại Quang từng viết sách về an ninh mạng và ông chính là người đưa ra sáng kiến làm luật an ninh mạng. Luật cũng được Bộ soạn thảo ngay trong thời gian "sới bạc nghìn tỷ" đang ung dung gây án ngay trong trụ sở của Cục phòng chống tội phạm "trên mạng". Rất nhiều nhà lãnh đạo tới giờ này vẫn còn nghĩ mục tiêu chính của luật này là để bảo vệ các cuộc tấn công trên mạng và đặc biệt là để bảo vệ chế độ.
Trong dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, Bộ Công an đang thiết kế cho mình quyền quyết định việc can thiệp vào công nghệ, dữ liệu, văn phòng... của các doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng internet. Không rõ, Bộ không hề học bài học của vụ CNC hay rút ra bài học lợi ích nếu có quyền "vừa đánh trống, vừa thổi còi" như vụ CNC.
Rõ ràng, nếu Bộ CA tuân thủ luật pháp; nếu CNC không núp bóng Bộ Công an mà phải làm thủ tục trước ở Bộ TTTT và Ngân hàng Nhà nước thì liệu CNC có thể vận hành 2 cổng game và các cổng thanh toán khác. Nếu Bộ Công an tập trung vai trò chống tội phạm thì dù Bộ TTTT hay Ngân hàng nhà nước có cấp phép cho CNC hoạt động, thì liệu CNC có trót lọt ngay từ khi công ty này thanh toán những ván bài đầu tiên.
Bỏ tù tướng Vĩnh, tướng Hoá là cần thiết nhưng nếu Bộ Công an không sửa ngay từ gốc, xác lập trách nhiệm chính với tổ quốc, với nhân dân là giữ gìn an ninh thì trong tương lai không chỉ có một bộ đôi "Hoá - Vĩnh".
Khi thông qua nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, Bộ Tư Pháp và các bộ cần phải rà soát kỹ. Quy phạm nào, thủ tục nào nằm trong phạm vi hành chính nhà nước thì không đặt vào tay Bộ Công an, để cơ quan này không vướng víu quyền lợi với tội phạm khi phải phòng và chống chúng.
Các mốc chính trong vụ này
30/9/2011, ông Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).
10/10/2011, ông Nguyễn Văn Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa CNC và C50 của Bộ Công an. Theo đó, CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 20%.
Giữa năm 2015, hai ông Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT VTC Online) tung ra cổng game Rikvip/Tip.club, thu hút 43.000 người tham gia đánh bạc.
20/5/2016, ông Phan Văn Vĩnh ký công văn gửi Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp phép cho CNC, hợp thức hóa cổng game Rikvip và 23zdo.
11/3/2018, ông Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam và bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.
5/4/2018, ông Vĩnh bị khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng và tước danh hiệu Công an Nhân dân.
9/4/2018, Giám đốc điều hành Châu Nguyên Anh và Giám đốc Kinh doanh Phạm Quang Vinh của Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT Epay bị bắt và khởi tố liên quan đến cung cấp dịch vụ thanh toán và hưởng lợi từ đường dây đánh bạc.
31/8/2018, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ hoàn thành cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, cùng 90 bị can khác.
(*) BVN thay tiêu đề bài viết cho sát hợp hơn
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46257413


BẤT NGỜ TRIỆU TẬP 2 THUỘC CẤP CỦA NGUYỄN VĂN HÓA ĐỂ ĐỐI CHẤT

KIÊN TRUNG-TUYẾT NHUNG/ VNN 20-11-2018

Tại phiên tòa xử vụ đánh bạc ngàn tỷ cuối buổi chiều nay, HĐXX bất ngờ triệu tập 2 thuộc cấp của ông Nguyễn Thanh Hóa để đối chất. 
HĐXX phiên xử vụ đánh bạc ngàn tỷ cho triệu tập ông Hoàng Xuân Phóng (nguyên Trưởng Phòng 2 - C50 cũ) và ông Nguyễn Huy Lục (Trưởng Phòng tham mưu - C50 cũ, đang bị đình chỉ công tác) để đối chất với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.
Đại diện VKS công bố bút lục lời khai của 2 nhân chứng trên, cho thấy cả 2 đã nhiều lần báo cáo với ông Hóa về game bài có dấu hiệu phạm tội nhưng không được chấp nhận.


Bất ngờ triệu tập 2 thuộc cấp của Nguyễn Thanh Hóa để đối chất
Nhân chứng Hoàng Xuân Phóng tại phiên xử vụ đánh bạc ngàn tỷ. Ảnh: Đình Hiếu
Ông Hoàng Xuân Phóng khai, ông là cấp dưới trực tiếp của ông Hoá. Khi CQĐT mời lên, ông đã trình bày lời khai và thực hiện đối chất với ông Hoá. Ông đề nghị được trình chiếu lại lời khai, vì sự việc đã lâu ông không còn nhớ chi tiết.
Theo ông Phóng, ông được ông Nguyễn Xuân Trọng (cán bộ Phòng 2) báo cáo về việc vận hành game bài Rikvip và ông đã báo cáo lại ông Hoá. Ông Hoá nói CNC là công ty bình phong của Cục nên sẽ báo cáo lãnh đạo Tổng cục và Bộ.
“Sau nhiều lần báo cáo bằng miệng, khoảng giữa 2016, tôi có báo cáo bằng văn bản. Tôi nhớ không nhầm khoảng tháng 8/2016, anh Hoá có ký văn bản báo cáo Tổng cục để báo cáo Bộ. Có hàng loạt game trong đó có Rikvip…”- ông Phóng nói trước tòa.
Chủ toạ yêu cầu ông Hoá đối chất. Ông Hoá cho rằng, lời trình bày của ông Phóng không đúng sự thật. “Không có văn bản nào anh Phóng báo cáo tôi. Khi tôi yêu cầu, anh Phóng mới báo cáo bằng văn bản, để tôi gửi lên Tổng cục…”- ông Hoá nói, đồng thời khẳng định ông Phóng không báo cáo miệng với mình.
HĐXX hỏi ông Phóng: “Anh có báo cáo game đó vi phạm pháp luật không?”, ông Phóng đáp: “Có” và cho hay, ông nhớ có lần báo cáo miệng có cả Phó Phòng giúp việc của ông và một Phó cục trưởng.
VKS hỏi: “Khi anh biết có game bài Rikvip đã báo cáo Cục trưởng ở phòng nào, có ai biết?”. Ông Phóng nói báo cáo ở phòng làm việc, nhiều lần báo cáo riêng với ông Hoá, có lần có mặt 2 người khác.
Ông Phóng cho biết, đã được đối chất với ông Hoá tại CQĐT, buổi đối chất được ghi âm, ghi hình và ông giữ nguyên lời khai của mình tại buổi đối chất đó.
Bị Nguyễn Thanh Hóa quát mắng
HĐXX hỏi nhân chứng Nguyễn Huy Lục: Quá trình làm việc tại C50 có bao giờ báo cáo với bị cáo Hoá game bài Rikvip có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật không?


Bất ngờ triệu tập 2 thuộc cấp của Nguyễn Thanh Hóa để đối chất
Nhân chứng Nguyễn Huy Lục. Ảnh: Đình Hiếu
Ông Lục cho hay, khi đọc báo cáo của CNC, ông thấy công ty này có biểu hiện kinh doanh game đổi thưởng. Sau khi tìm hiểu trên mạng, ông biết tên game là Rikvip và đã nhiều lần báo cáo với ông Hoá về việc game này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đề nghị dừng hoạt động. Tuy nhiên, ông Hoá khẳng định hoạt động này không trái pháp luật. “Trong nhiều lần tôi báo cáo, có nhiều người chứng kiến”, ông Lục nhấn mạnh.
Liên quan đến công văn 352 báo cáo lên Tổng cục trưởng, ông Lục khai, do ông Hoá đọc cho ông đánh máy. Nội dung chính của công văn này báo cáo về hoạt động kinh doanh game online của Việt Nam, trong đó có hai cổng trò chơi Rikvip và 23Zdo. Trong văn bản có nội dung 2 cổng trò chơi đã được cấp phép, trong khi thực tế không phải như vậy.
“Tôi đã nhiều lần tham mưu, báo cáo miệng, nói game có dấu hiệu vi phạm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Phòng tham mưu rất nhiều việc, anh ấy nhiều lần gạt đi, lại quát mắng nên tôi không đề xuất tiếp”, ông Lục nói.
VKS hỏi: Quá trình điều tra có đối chất với ông Hoá không? Ông Lục xác nhận có đối chất, hôm đó có đại diện VKS, điều tra viên, luật sư của ông Hoá và ông Hoá. Nội dung có ghi âm, ghi hình và ông Lục giữ nguyên nội dung khai như phiên đối chất đó.
Đối chất tại tòa, ông Nguyễn Thanh Hóa xác nhận ông Lục có báo cáo việc 2 cổng thanh toán không có phép, nhưng không có giải thích nhiều.
Cũng trong chiều nay, luật sư Trần Hồng Phúc hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hóa về việc C50 gửi văn bản kiến nghị Tổng cục Cảnh sát khen thưởng tập thể công ty CNC và 2 cá nhân Nguyễn Văn Dương, Lưu Thị Hồng vì có thành tích đóng góp đối với C50 trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Bị cáo Hóa cho biết, đó là việc ghi nhận những đóng góp, phối hợp trong công tác phòng chống tội phạm chứ không phải đề xuất khen thưởng. Không chỉ CNC mà nhiều tập thể, doanh nghiệp, cá nhân khác cũng được khen thưởng để động viên, khích lệ.

HAI CỰU TƯỚNG CÔNG AN VÀ CUỘC GẶP GỠ ĐỊNH MỆNH

TUYẾT NHUNG-KIÊN TRUNG/ VNN 21-11-2018

Sau cuộc gặp gỡ định mệnh với Nguyễn Văn Dương, hai cựu tướng công an đã 'nhúng chàm".
Tại phiên tòa xét xử vụ đánh bạc ngàn tỷ hôm qua, khai về mối quan hệ với Nguyễn Văn Dương, bị cáo Nguyễn Thanh Hoá cho biết, lần đầu ông ta gặp Dương là vào năm 2010, trong một trường hợp rất đặc biệt.
“Tôi đi lễ hội đền Trần, xe của bạn tôi bị công an Nam Định bắt giữ vì đậu sai chỗ. Mọi người đều báo có anh Dương rất thân với Giám đốc Công an Nam Định, có thể xin được. Và đúng như thế, tôi đã nhờ và cuối cùng xin được xe về”, lời khai của ông Hóa. 

Hai cựu tướng công an và cuộc gặp gỡ định mệnh
Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tại phiên tòa xử vụ đánh bạc ngàn tỷ. Ảnh: Đình Hiếu
Sau lần gặp đó, trong thời gian xin chủ trương thành lập công ty bình phong, ông Hóa lại được cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh giới thiệu gặp Nguyễn Văn Dương để thành lập công ty bình phong cho C50.
Ngày 30/9/2011, Nguyễn Văn Dương thành lập công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và làm Chủ tịch HĐTV. 10 ngày sau, ông Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với Dương...
Đến ngày 3/5/2012, Dương có văn bản gửi hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa báo cáo về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam. Trong đó, đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, C50 "tạo điều kiện hỗ trợ để CNC làm việc với đối tác trong việc xây dựng và tổ chức phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet".
Việc này nhằm tìm hiểu, đưa ra đề xuất từ thực tế để quản lý các hoạt động bất hợp pháp trên, tạo nguồn thu để CNC có nguồn tài chính.
Đầu năm 2015, Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty VTC online), biết CNC của Dương là công ty bình phong thuộc C50 nên đã gặp và đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài Rikvip và Dương đã đồng ý.
Lời khai "cúng" tiền tỷ cho hai cựu tướng công an
Theo lời khai của Nguyễn Văn Dương tại CQĐT, thu được bộn tiền từ việc tổ chức đánh bạc, anh ta chi đậm cho ông Hóa và ông Vĩnh.
Dương khai: Do được C50 và Tổng cục cảnh sát cũng như một số cá nhân của 2 cơ quan này tạo điều kiện thuận lợi cho CNC trong hoạt động kinh doanh nên Dương đã dùng một phần tiền lợi nhuận của công ty và phần lớn tiền thu được do tổ chức đánh bạc để đưa cho hai cựu tướng công an.

Hai cựu tướng công an và cuộc gặp gỡ định mệnh
Ông Phan Văn Vĩnh tại phiên xử vụ đánh bạc ngàn tỷ. Ảnh: Đình Hiếu
Dương khai cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; Cho Phan Văn Vĩnh 27 tỷ và 1,75 triệu USD.
Cụ thể, trong giai đoạn vận hành game bài Rikvip.com Dương cho ông Vĩnh 2 tỷ đồng/tháng, trong 12 tháng. Giai đoạn vận hành game bài Tip.Club cho ông Vĩnh 200.000USD/tháng trong 8 tháng.
Dương khai cho ông Vĩnh tiền Tết 150.000USD (Tết năm 2013: 20.000USSD; Năm 2014: 100.000USD; Năm 2015: 20.000USD; Năm 2016: 10.000USD) kèm 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000USD.
Ngoài ra Dương nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, trong đó đều mang rượu ngoại đến uống (có những chai rượu ngoại Maccalan trị giá 100 triệu đồng).
Rồi những lần đi nước ngoài về Dương mua áo tặng ông Vĩnh, trị giá mỗi chiếc từ 100USD trở lên; Nhiều lần đi tiếp khách có sự tham gia của Phan Văn Vĩnh và chi phí lên tới trên 10 tỷ đồng.
Đến nay, cả ông Hóa và ông Vĩnh đều không thừa nhận và CQĐT chưa có đủ căn cứ chứng minh nên tách ra khi nào đủ căn cứ sẽ xem xét xử lý sau.
Tại tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh cho rằng, bản thân có đam mê chơi cây cảnh từ 30 năm nay, có cây mua tới 10 tỷ đồng. Trong quá trình đó cũng đã giao lưu, mua bán cây cảnh với nhiều người.
Và chiếc đồng hồ trị giá 7.000 USD nhận từ Nguyễn Văn Dương, ông Vĩnh đã trả 1,1 tỷ đồng tiền mặt cho cựu Chủ tịch HĐTV CNC. “Bị cáo không lấy lương để mua đồng hồ. Đó là tiền buôn bán cây cảnh mà có” - bị cáo Phan Văn Vĩnh khẳng định.
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét