Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

20181118. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐAU KHỔ CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI

ĐIỂM BÁO MẠNG
THỦ THIÊM, GIỌT NƯỚC TRÀN LY

FB TRẦN QUANG VŨ/ BVN 16-11-2018

Kết quả hình ảnh cho THỦ THIÊM
Thủ Thiêm, Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm... và rất nhiều nơi khác đã tạo nên một tầng lớp mới của xã hội, gọi là “dân oan”. Mỗi năm, các cơ quan nhà nước (NN) nhận được khoảng 20.000 đơn thư khiếu kiện, trong đó có 70 đến 80% là đất đai.
Có lẽ, sự kiện Thủ Thiêm gợi ý những người có trách nhiệm cho nghiên cứu thấu đáo hơn về vấn đề đất đai.
Thông qua đất đai để tham nhũng là phổ biến nhất, tràn lan nhất, khủng khiếp nhất. Đảng đang chống tham nhũng, lấy lại lòng tin của nhân dân mà không giải quyết vấn đề đất đai cả về lý luận và thực tiễn thì khó đạt được điều mong muốn.
Tôi viết về nó như một góp ý có trách nhiệm.
Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Đảng và Nhà nước làm Cải cách Ruộng đất với khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, lấy đất công điền, tịch thu ruộng đất của địa chủ, cường hào chia cho dân nghèo. Việc này được Đảng nâng lên tầm lý luận là: cuộc cách mạng dân chủ (CMDC).
Lứa chúng tôi và nhiều lứa khác được dạy dỗ: cách mạng dân tộc là giải phóng đất nước khỏi ngoại xâm và cách mạng dân chủ là người cày có ruộng (không phải khái niệm dân chủ như hiện nay - xin người đọc đừng hiểu lầm).
Tổng quan lại, cuộc CMDC của nước ta đã đi một vòng tròn và khó giải thích về lý luận. Từ tịch thu ruộng của địa chủ chia cho dân nghèo đến thu hồi ruộng của dân để giao cho tầng lớp tư sản mới (các chủ doanh nghiệp).
Hành trình đó được khép kín như sau:
* 1953-1954 tịch thu ruộng đất địa chủ, lấy đất công điền chia cho nông dân.
* 1958-1960, hợp tác hoá nông nghiệp, người dân góp ruộng thuộc sở hữu của mình vào làm ăn tập thể. Ban đầu vẫn được chia hoa lợi. Nhưng tâm lý đã chuyển dần sang là đất của hợp tác xã (HTX).
* 1980 thay đổi Hiến pháp, chỉ một nhóm từ “đất đai thuộc sở hữu nhà nước”, tự dưng dân toàn quốc mất đất mà NN không thông qua trưng thu, trưng mua. Không nơi đâu có sự phản đối vì hai lý: 1. Tuyệt đối tin vào Đảng và Nhà nước, và 2. Tâm lý không phải đất của mình mà là của HTX.
* Trước đó, 1979, toàn dân đói kém khi mọi nguồn viện trợ bị cắt, Đảng ban hành NQ6 với đường lối sản xuất lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Các cơ quan Trung ương cũng tìm đất phá hoang để sản xuất lương thực. Ngoài làm cho HTX, các xã viên được khai hoang mọi diện tích làm kinh tế riêng. Bắt đầu xuất hiện các diện tích đất tư.
* 1981, Chính phủ ban hành QĐ201Ttg, văn bản quản lý đất đai đầu tiên cho cả nước với tư tưởng đất đai là tư liệu sản xuất thuộc sở hữu nhà nước nên: “cấm mọi hành vi mua bán đất đai”. Đất khai hoang nói ở 1979 không đưa vào diện quản lý.
* 1986, khi nền kinh tế suy sụp, dân đói triền miên, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 100 cho khoán thử và sau đó Trung ương ban hành NQTW10 cho khoán ruộng trong toàn quốc, đất đai của HTX nhưng giao khoán cho từng hộ (sau này gọi là Khoán 10).
* 1987, tư tưởng của Đảng và Nhà nước là biến ruộng khoán sẽ chuyển từ HTX sang cho hộ nông dân nên Quốc hội xây dựng Luật Đất đai để áp dụng từ 1988. Để có bản đồ làm cơ sở quản lý, Chính phủ cho đo đạc và xây dựng bản đồ, sổ mục kê theo QĐ299. Sau này giải quyết tranh chấp đất NN căn cứ vào Bản đồ 299 là nguồn gốc từ đây. Luật 1987 đã bắt đầu có quy định về NN thu hồi đất của nông dân nhưng: thu hồi đất loại nào (loại theo chế định kiểu nông nghiệp, thổ cư, chuyên dùng chứ không phải hạng điền) thì trả lại đất ấy và trả đủ diện tích đã thu hồi. Không biết tại sao luật này không áp dụng, đến nay không ai nhắc đến, như nó chưa từng có.
* 1993 Quốc hội làm luật khác, luật này có hiệu lực từ 15/10/1993. Trong đó có mấy điểm sau đây cần chú ý: cấp đất, thu hồi đất phải trên quy hoạch, kế hoạch; Thủ tướng cấp thu hồi từ 1 ha trở lên, Chủ tịch tỉnh dưới 1 ha; Chỉ thu hồi đất có đền bù cho 4 loại công trình: an ninh, quốc phòng, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng; các doanh nghiệp chỉ được thuê đất (NĐ18CP). Cũng cần nói thêm, hồi đó ông Kiệt làm Thủ tướng, tư tưởng pháp quyền trong đất đai rất rõ. Ông còn có văn bản pháp luật hẳn hoi về đất doanh trại, gia binh, đất làm kinh tế quân đội không thuộc đất quốc phòng... Luật này có nhược điểm là khó khăn trong việc chuyển đất NN sang đất làm kinh tế khác như khu công nghiệp, nhà máy.
* 2003, Luật Đất đai sửa đổi bổ sung có một điều tiến bộ là được thu hồi đất vì mục đích kinh tế, nhưng người được hưởng lợi phải thương lượng với người đang sử dụng đất. Nếu điều này được áp dụng trên hai nguyên tắc là giá thị trường hoặc góp đất quy thành cổ phần thì đất nước không xuất hiện dân oan. Vấn đề không nằm ở luật mà ở áp dụng luật: chính quyền dùng sức mạnh Nhà nước, dùng vũ trang để đồng hành với doanh nghiệp ép dân thu hồi đất tạo ra điều vô lý: doanh nghiệp hưởng lợi còn chính quyền nhân dân thì đàn áp nhân dân tạo ra mâu thuẫn, kể cả đổ máu như Văn Giang, Đồng Tâm, tù đày như Dương Nội, mâu thuẫn kéo dài như Thủ Thiêm... Nếu dừng tại đây và điều chỉnh hai điều như đã nói thì mâu thuẫn được khu trú. Vì sao chính quyền bạo tay với dân, ai cũng đoán ra.
*2013, Quốc hội tiến thêm một bước nữa là không cần doanh nghiệp thoả thuận với người sử dụng đất mà NN đứng ra thu hồi, giải phóng mặt bằng và từ luật 2003 cho chủ tịch cấp huyện có quyền cấp đất thu hồi đất với hạn mức nhất định thì:
Chúng ta đã đi một vòng khép kín từ tước đoạt đất địa chủ chia cho dân cày đến thu hồi đất đai từ nông dân để giao cho tầng lớp tư sản mới.
Lưu ý thêm rằng, dù từ khi chia ruộng Cải cách Ruộng đất đến góp ruộng vào HTX và các luật sau này là cơ sở cấp giấy tờ về đất, nhưng từ 1958, những tờ giấy cấp chủ quyền về đất cuối cùng của thời sở hữu đất đã cách đây 60 năm còn sang thời dân chỉ còn quyền sử dụng vẫn chưa xong cấp giấy tờ. Việc chậm cấp giấy tờ là cửa ăn bẩn của rất nhiều quan chức.
Status này đã quá dài nên phần tham nhũng và hư hỏng từng mảng từ đất đai sẽ viết vào dịp gần đây.
T.Q.V.
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=201432844090751&id=100026721098594
(BBT BVN chuyển chữ viết tắt thành tự dạng đầy đủ khi biên tập bài viết này).
NTB- đầu đề chưa sát với nội dung !


TẠI SAO TẤT THÀNH CANG ?

FB LÊ MINH ĐỨC/ viet-studies 17-11-2018

Trưa nay mấy anh em nguyên là PV, BTV báo TT ngồi nhậu với nhau để bàn chuyện Tất Thành Cang vừa chịu án kỷ luật của UBKT TW. Có mấy lời bàn như thế này:
1/ Tại sao một người như TTC lại có thể thâm nhập vào bộ máy Đảng, công quyền và leo nhanh đến vậy? Có ý kiến cho rằng, TTC hưởng sái từ một nhiệm kỳ đầy dấu vết (hiểu theo nghĩa Đảng) rồi từ đó Thành Đoàn hết người phải gom bi cho đủ thành phần "nịnh bợ" để leo lên. Ý kiến này chưa được kiểm chứng
2/ Khi đã leo lên chức Bí thư Thành Đoàn thì TTC bắt đầu tự thể hiện uy quyền và đã không theo nguyên tắc "tập trung dân chủ" bằng chứng là nhiều cán bộ thành đoàn thời kỳ ấy bất mãn ra đi. Ai là người chống lưng để cho TTC làm điều này. Có ý kiến cho rằng ông LTH, có ý kiến cho rằng ông TTS.
3/ Khi từ Bí thư Thành Đoàn đùng một phát về làm Bí thư kiêm chủ tịch UBND quận 2, một tay cưỡng chế đất quận 2, một tay thể hiện tham quyền, tham ăn. Có cán bộ nói mới về đã rủ một cán bộ Thành đoàn về làm giám đốc Trung tâm TTN quận 2, nhưng ra giá 20 chai. Thông tin này mới kiểm chứng được một nửa.
4/ Khi còn làm Bí thư Thành Đoàn đã can thiệp vào báo Tuổi Trẻ và đã đẩy hai Phó TBT phải rời chức ra đí. Anh em kể còn nhiều chuyện khác can thiệp vào nội dung báo TT trong bầu cử. Chuyện này phải để anh em TT xác nhận
5/Từ quận 2 ông leo lên chức giám đốc sở GTVT TPHCM với nhiền dự án béo bở. Và ông nhanh tay ký tắt với Đại Quang Minh 4 con đường dài gần 12 km dể giao quyền sử đất cho DN này 79 ha, Ông ký với tư cách ủy viên ủy ban, nhưng ý kiến anh em rằng, ủy viên ủy ban không đủ tư cách chứ chưa nói là sai thẩm quyền.
6/ Từ Giám đốc Sở ông nhảy lên chức phó chủ tịch UBND TP, và chẳng bao lâu ông đảm nhận chức phó bí thư thường trực thành ủy và lợi dụng lúc ông Đinh La Thăng đang lâm nạn ông ký bán 32 ha đất cho công ty của Cường đô la mà không thông qua tập thể.
7/ Ông TTC là ai mà con đường quan lộ của ông rộng mở dữ vậy? Nếu không có người chống lưng thì thật khó để ông trèo lên trong niềm phẫn uất của nhân dân. Người thì nói ông chỉ là con chốt thí của một đấng cao hơn, người thì cho rằng không phải chống lưng mà là người đứng trước mặt. Người đó là ai?
Cuộc nhậu tan sòng và có ai đó thốt lên, đó chính là LTH?

HIỆP ĐỊNH CPTPP CÓ GIÚP NÔNG DÂN THOÁT CẢNH ĐÓI NGHÈO ?

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 18-11-2018

Muốn biết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có giúp được 23 triệu nông dân, đặc biệt là 15 triệu nông dân trồng lúa thoát khỏi cảnh đói nghèo cần hiểu rõ lý do làm nông dân nghèo đói.
Tại sao nông dân lại nghèo?
Giảm giá đồng tiền giúp hàng hóa xuất cảng rẻ hơn, xuất cảng nhiều hơn, thu được nhiều ngoại tệ hơn, nhưng việc giảm giá gạo và lương thực xuất cảng lại làm giảm thu nhập của nông dân.
Giảm giá đồng tiền lại làm tăng giá phân bón, giá nhiên liệu, thuốc trừ sâu, máy móc nhập cảng, làm tăng giá thành gạo và lương thực xuất cảng, và giảm xa hơn lợi nhuận nông dân có thể thu vào.
Chính phủ Thái Lan trợ giá gạo bằng cách mua lúa của nông dân, sau đó sẽ bán lại cho các công ty xuất cảng.
Trong vụ mùa 2018-19, Chính phủ Thái hỗ trợ chừng 3 tỷ Mỹ kim cho cho ngành lúa gạo, gồm những khoản cho vay, khoản trợ cấp trực tiếp cho nông dân, nếu họ đồng ý giữ lúa trong kho và bán ra khi được giá.
Mức trợ giá thường được định tính ra cao hơn mức giá thị trường toàn cầu từ 40 đến 50%.
Trung cộng, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân và các quốc gia nhập cảng gạo bảo vệ sản xuất gạo nội địa bằng cách đánh thuế và quy định số gạo được nhập cảng.
Ngày 1/7/2018, Trung cộng điều chỉnh mức thuế nhập cảng gạo từ 40% tăng lên 50%.
Từ con số Thái Lan và Trung cộng bảo trợ nông dân, ước tính nông dân Việt đã hy sinh đến 50% lợi nhuận do sách lược tăng trưởng dựa vào xuất cảng mà nông dân Việt Nam lại không hề được bồi hoàn hay bảo trợ.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam một tổ chức được Hà Nội thành lập nhằm mục đích quản lý thị trường gạo và bảo đảm số gạo xuất cảng theo kế hoạch đề ra.
Hiệp hội này đại diện cho một số doanh nghiệp nhà nước, hội đủ các quy định về kinh doanh xuất cảng gạo là phải có kho trữ gạo lớn, nhà máy xay xát thóc lớn và có vốn nhiều.
Thị trường gạo vì thế vẫn như thời bao cấp, doanh nghiệp nhà nước độc quyền thu mua và xuất cảng.
Các doanh nghiệp nhà nước thường ký những hợp đồng với giá gạo rẻ hơn giá thị trường có khi lên tới cả 100 Mỹ Kim rẻ hơn giá gạo Thái Lan.
Người nông dân Việt Nam ít ruộng, không vốn để giữ lúa, không chỗ chứa lúa khi giá rẻ, ít thông tin về giá cả và mất quyền thương lượng nên bị doanh nghiệp nhà nước ép phải bán theo giá nhà nước đưa ra nên lợi nhuận còn lại rất thấp.
Tính trung bình nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long thu nhập không quá 100 Mỹ Kim mỗi tháng, thấp hơn lợi tức nông dân trồng lúa Thái Lan 2,7 lần và 1,5 lần thấp hơn so với Nam Dương và Phi Luật Tân.
Hội Nông dân bất lực vì…
Được VnEconomy ngày 23/1/2016 phỏng vấn tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường trả lời nguyên văn như sau:
“…Những biện pháp trợ giúp cho nông dân, tôi nói một việc cụ thể là trợ giá hoặc mua tạm trữ, nông dân không được gì cả, doanh nghiệp được hết, ở giữa ăn chặn hết.
Nhà nước có chính sách mục đích là giúp nông dân, là để cho nông dân lãi 30%. Được mùa rớt giá thì mua tạm trữ, nhưng tất cả cái lợi đó vào túi doanh nghiệp hết, cái đó người ta chứng minh rất rõ rồi, trợ giúp không đến được với nông dân”.
Ông Nguyễn Quốc Cường tiếp tục cho biết:
Hội Nông dân không có sức mạnh kinh tế, bởi không phải là các tập đoàn, chỉ là đoàn thể, nên kiến nghị cao nhất là tại Đại hội Đảng toàn quốc. Vì Đại hội Đảng là cao nhất, nên tôi phải đưa ra kiến nghị ở đây, mặc dù đã kiến nghị rất nhiều lần với Chính phủ, trong Trung ương, Quốc hội rồi”.
Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường trả lời khá rõ 23 triệu nông dân không có sức mạnh kinh tế và sức mạnh chính trị vì thế nông dân mãi vẫn nghèo.

Quyền tư hữu đất đai

Đến nay nông dân Việt vẫn chưa được hưởng quyền tư hữu đất đai, bao gồm quyền sử dụng đất, quyền hưởng lợi và quyền mua bán.
Có quyền tư hữu người dân mới yên tâm mua thêm đất, mở rộng cơ nghiệp, mới chí thú và mạnh dạn phát triển kinh tế nông thôn, mới đầu tư vào máy móc trang thiết bị nhằm tăng năng suất và sản lượng sản xuất.
Nông thôn có phát triển mới thu hút được đầu tư vào hạ tầng cơ sở, thu hút nhân tài về phát triển nông thôn, thu hút đầu tư vào công nghiệp nhẹ sản xuất ngay tại nông thôn…
Nông thôn có phát triển thì đời sống nông dân mới khá hơn, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị mới thu hẹp, người trẻ không rời lên đô thị kiếm sống, giảm gánh nặng cho đô thị, đất nước mới thực sự phát triển.
Mất quyền tư hữu đất đai và không sức mạnh chính trị, nông dân liên tục bị mất đất cho việc phát triển công nghiệp và phát triển đô thị. Mất đất người nông dân không còn phương tiện trồng trọt và sinh sống.
Các yếu tố khác như các đập thủy điện đầu nguồn ngăn chặn lượng nước phù sa, gây lụt lội, nước mặn xâm nhập, việc lạm dụng nước giếng cho sản xuất và tiêu dùng, việc khai thác cát trên sông, nguồn nước và đất đai bị ô nhiễm… đều ảnh hưởng đến môi trường sống và lợi tức của người dân nông thôn.
Không chỉ 23 triệu nông dân mà gần 70 triệu dân sống ở nông thôn vì bị hệ thống chính trị kềm hãm không phát triển được nên mãi vẫn đói nghèo.
Việc thông qua CPTPP buộc nhà cầm quyền Hà Nội chấp nhận nghiệp đoàn với 23 triệu thành viên nông dân, nhưng lại “không làm chính trị” thì thật khó mà nông dân có thể thoát được đói nghèo.
SunRice mua nhà máy chế biến gạo…
Ngay khi Úc và Việt Nam chính thức thông qua CPTPP, công ty SunRice cũng hoàn tất việc mua lại nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.
SunRice được thành lập năm 1950 do các nông dân trồng lúa hùn vốn và cho tới năm 1987 thì được cổ phần hóa.
Với chỉ chừng 1500 nông gia trồng lúa mức độ sản xuất gạo tại Úc đã lên tới hằng triệu tấn hằng năm và trên một nửa được xuất cảng.
Lúa Úc trồng theo cách luân canh hai năm trồng lúa, hai năm trồng cỏ nuôi cừu, hai năm trồng lúa mì, xong lại xoay qua trồng lúa.
Nhờ thế sản lượng sản xuất rất cao tính trung bình 10 tấn/ha và được xem là gạo sạch vì sử dụng rất ít phân bón hóa học và rất ít dùng thuốc trừ sâu.
Ngoại trừ những năm thiên tai hạn hán, còn thường xuyên ngành nông nghiệp tại Úc không được trợ giúp gì từ cả chính phủ liên bang lẫn chính phủ tiểu bang.
SunRice trong vòng ba năm gần đây đã mua 200 triệu Mỹ Kim, khoảng 5% lượng gạo Việt Nam xuất cảng. Việc SunRice gia nhập thị trường Việt Nam có 3 điểm đáng ghi nhận:
Thứ nhất, phá vỡ thế độc quyền, tạo ra cạnh tranh trong thu mua và xuất cảng gạo với các doanh nghiệp nhà nước.
Hiện còn quá sớm để thấy được liệu việc này và CPTPP nói chung có giúp ích được gì cho nông dân Việt Nam.
Kinh nghiệm cho thấy đổi mới và toàn cầu hóa đã không mang lại lợi ích như đã kỳ vọng cho tầng lớp nông dân được trình bày bên trên.
Thứ hai, SunRice có thể sẽ thu mua lúa sạch, dùng ít phân hóa học sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn, như thế giúp nông dân giảm bớt bị nhiễm độc hóa chất và bớt ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, mọi trợ giúp nông dân trực tiếp từ Chính phủ có thể vi phạm vào các điều khoản CPTPP và có thể bị SunRice kiện tụng, vì thế việc trợ giúp nông dân vốn đã ít nay lại còn ít hơn.
Nghiệp đoàn “không làm chính Trị
Cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa đã thắng tại các tiểu bang nông nghiệp và các vùng nông thôn, trong khi Đảng Dân chủ được ủng hộ tại các đô thị, các vùng ngoại ô.
Cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ từ đó phải đưa ra những chính sách y tế đại chúng, giáo dục, phát triển đường xá, … và thậm chí trợ giá để bảo đảm quyền lợi nông dân không thua thiệt so với thành thị.
Nông gia Mỹ và các nghiệp đoàn nông gia không làm chính trị nhưng họ có quyền lực chính trị, bằng lá phiếu họ buộc hai đảng chính trị phải bảo vệ quyền lợi của họ và gia đình.
Ở Mỹ các nghiệp đoàn không là “sân sau” của lưỡng Đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Mỗi nghiệp đoàn thường xuyên tìm hiểu và vận động các đảng phái mang đến quyền lợi thiết thực nhất cho thành viên nghiệp đoàn.
Bởi thế chỉ ba thập niên trước đây thành phần cử tri ở nông thôn và những người làm trong khu vực kỹ nghệ thường bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ, nhưng nay lại bầu ngược lại.
Cũng là lưỡng đảng tranh quyền nhưng tại Úc một số các nghiệp đoàn lớn lại là “sân sau” của Đảng Lao động.
Trong khi đó giới nông gia lại thường bỏ phiếu cho Đảng Quốc gia thường liên minh với Đảng Tự do.
Các nghiệp đoàn làm “sân sau” cho đảng chính trị nên bị chính trị hóa dần dần bị suy yếu. Vì thế, nhiều nghiệp đoàn, 3 thập niên qua, liên tục giảm về số lượng thành viên, giảm sức mạnh chính trị để bảo vệ quyền lợi thiết thực của thành viên.
Hệ thống chính trị Úc thì bị các phe cánh trong Đảng thao túng, tranh giành quyền lực chỉ trong vòng 11 năm đã 6 lần thay đổi thủ tướng và không thủ tướng nào giữ trọn nhiệm kỳ 3 năm.
Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản vẫn nắm độc quyền chính trị, như ông Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường đã nói rõ mặc dầu Hội Nông Dân đại diện 23 triệu nông dân nhưng lại không có sức mạnh kinh tế lẫn sức mạnh chính trị nên nông dân mãi vẫn nghèo.
Bởi thế việc Việt Nam tham gia CPTPP hay ký Hiệp định thương mại với Liên Minh Âu Châu nhưng vẫn chưa có tự do chính trị thì thật khó để 23 triệu nông dân và nông thôn thoát cảnh đói nghèo.
Có tự do bầu cử, tự do ứng cử, tự do chính trị thì nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị mới có cơ hội để tiếng nói của họ được lắng nghe, quyền lợi của họ mới được các đảng chính trị và được chính phủ bảo đảm thực thi, như thế đời sống của họ mới thực sự thoát khỏi đói nghèo.
Melbourne, Úc Đại Lợi
16/11/2018
N.Q.D.
Tác giả gửi BVN

CHÍNH PHỦ TRỐN TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ?

PHẠM CHÍ DŨNG / BVN 18-11-2018

clip_image002
Hình minh họa.
Khi con số vay nợ nước ngoài của Việt Nam - bao gồm nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của các doanh nghiệp - đã vọt lên ngang bằng với toàn bộ GDP một năm, tức hơn 200 tỷ USD, đã quá muộn để Bộ Chính trị và hai cơ quan được Đảng cầm tay chỉ việc - Quốc hội cùng Chính phủ - ra tay ‘siết chặt bảo lãnh cho vay’.
Ai sẽ trả nợ cho nợ nước ngoài của doanh nghiệp?
Kỳ họp Quốc hội tháng 10 - 11 năm 2018 đã một lần nữa, trong nhiều lần kể từ sau thời ‘ăn ốc’ của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cuống cuồng tìm cách chạy làng khỏi nạn ‘đổ vỏ’ bằng chủ trương được ‘gật toàn diện’ ở các cấp trung ương nhưng chưa hề được thông não bởi các tập đoàn kinh tế nhà nước: siết bảo lãnh cho vay.
Vào năm 2017, Chính phủ của Thủ tướng ‘đổ vỏ’ Nguyễn Xuân Phúc đã phải đề ra hạn ngạch bảo lãnh cho vay chỉ 1 tỷ USD - con số thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Nhưng sang năm 2018, hạn ngạch này thậm chí không còn tồn tại.
“Doanh nghiệp nhà nước vay nước ngoài tăng vọt, ai sẽ trả nợ?” - giới chuyên gia, báo chí và cả quan chức cùng hốt hoảng kêu lên. “Nếu các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối không có khả năng trả nợ thì nợ này ai trả, bởi đây đều là các doanh nghiệp nhà nước?”.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Thắt Cổ (một tục danh mà dân gian đặt cho Bộ Tài chính - địa chỉ chính yếu ‘kiến tạo’ vô số sắc thuế và đè đầu dân để siết thuế nhằm cứu vãn cho ngân sách Đảng sắp vào hồi rỗng ruột và cho cả tỷ lệ chi thường xuyên cho bộ máy gần 3 triệu công chức viên chức chiếm hơn 70% tổng chi ngân sách) - Đinh Tiến Dũng - đã phải thừa nhận đúng là nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây: năm 2016 tăng 25,7% so với 2015; năm 2017 tăng 39,6% so với 2016. Nếu năm 2015, nợ nước ngoài của quốc gia là 42% thì đến cuối năm 2018 đã tăng lên mức 49,7%, sát với ngưỡng 50%.
“Riêng năm 2017, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp tăng tới 42%, trong đó có khoản vay của công ty Việt Nam Beverage trị giá 4,8 tỉ USD để mua cổ phần của Sabeco, chúng ta lại cộng vào nợ nước ngoài quốc gia” - cho đến giờ Đinh Tiến Dũng mới thừa nhận và tiết lộ ‘bí mật’.
Nhưng ông Dũng lại cho rằng nợ nước ngoài của doanh nghiệp mới là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, trong khi không thừa nhận nợ của Chính phủ, mà đứng đằng sau là ‘Đảng ta’, cũng cống hiến một phần không nhỏ vào gánh nặng nợ nước ngoài, nợ công quốc gia và khiến dân Việt sẽ không biết phải tính bao nhiêu đời con cháu mới trả xong.
Vậy làm thế nào để trả núi nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp, chưa tính đến nợ nước ngoài của Chính phủ?
“Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Chính phủ cũng sẽ không bảo lãnh cho doanh nghiệp để vay vốn nước ngoài và không sử dụng nguồn Chính phủ vay về để cho doanh nghiệp vay lại; không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của ngân hàng và cấp vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng thương mại” - Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng ‘kiến tạo’ giải pháp.
Còn trước câu hỏi “nếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay không trả được thì ai sẽ trả nợ”, ông Dũng trả lời gọn lỏn: người vay sẽ là người trả.
Theo đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội là không dùng ngân sách để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, theo quy định hiện nay, nợ nước ngoài của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức tín dụng theo cơ chế tự vay tự trả do bên vay có trách nhiệm tích lũy để trả nợ…
Hết dám bảo lãnh cho vay!
Cần nhắc lại, Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) được Thủ tướng Phúc phê duyệt vào cuối tháng 4/2017 đã tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước. Điều đó có nghĩa là Chính phủ sẽ không còn chịu trách nhiệm gì về những khoản nợ vay của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, cho dù là vay từ các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước.
Trước đó vào đầu tháng 3/2017, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã phát ra thông tin Chính phủ chỉ bảo lãnh vay 1 tỷ USD cho doanh nghiệp trong năm 2017.
Mức bảo lãnh chỉ có 1 tỷ USD trên là giảm mạnh so với những năm trước (năm 2015 là 2,5 tỉ USD và 2016 là 1,5 tỉ USD), và giảm rất mạnh so với mức 6,6 tỷ USD của năm 2014.
Nhưng cho đến nay, có vẻ ngay cả con số 1 tỷ USD bảo lãnh cho năm 2017 cũng không còn nữa. Vào lúc này, Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ còn biết cắm đầu trả nợ.
Những năm trước, hiện tượng nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay nợ tràn lan, đã cho thấy tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm. Và thậm chí một số doanh nghiệp còn có biểu hiện “xù nợ” khi làm ăn lỗ lã.
Có đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ lã, và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái. Con số cập nhật nhất vào đầu năm 2017 là từ một nhà nghiên cứu độc lập là Tiến sĩ Vũ Quang Việt - cựu Vụ trưởng Vụ Thống kê Liên Hiệp Quốc - ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho biết các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đang gánh một khoản nợ công lên đến 231 tỷ USD - vượt hơn rất nhiều số “dự tính” khoảng 25 tỷ USD do một số cơ quan nghiên cứu của chính quyền Việt Nam đưa ra vào thời điểm đó.
Chỉ riêng năm 2016, một số dự án “khủng” như Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam (ước toán đầu tư đến hơn 50 tỷ USD), Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam (hơn 10 tỷ USD), Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (20 tỷ USD) đã bị Chính phủ và Quốc hội “dũng cảm” đình hoãn vô thời hạn, nhưng ai cũng hiểu lý do thực chất là… hết tiền. Ngay cả dự án xây dựng sân bay Long Thành có ước toán đầu tư đến 15 tỷ USD (khoảng 60- 80% là vay ODA) cũng chưa biết làm cách nào để “xoay” ra tiền…
Nhưng nhiều doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước - vốn đã quen ‘ăn’, không thể nhịn và do đó vẫn tiếp tục tống ra các yêu cầu cần được bão lãnh vay đối với Chính phủ.
Vào năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phát ra một đề nghị hoàn toàn mất “thiên thời”: muốn được Chính phủ bảo lãnh vay trong khi chính giới quan chức lãnh đạo của PVN đang lũ lượt tra tay vào còng.
Những đề nghị bảo lãnh trên vẫn được PVN nêu ra như một não trạng cùng thói quen không mấy thay đổi dù “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” đã trôi qua từ khá lâu. Trong giai đoạn 2011-2015 của “triều đại” này, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình dự án với tổng số vốn khoảng 15,6 tỉ USD, trong đó vay nước ngoài lên đến 14 tỉ USD.
Một nửa nợ sẽ đáo hạn trong 3 năm tới!
Khách quan mà xét, Nguyễn Xuân Phúc lại là đời Thủ tướng “cực hình” nhất trong lịch sử tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trả nợ nhiều nhất, kinh tế be bét nhất, xã hội hỗn tạp nhất, chính trị “tan nát” nhất… Nhưng phải sau nửa năm kế thừa chức Thủ tướng từ Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc mới nhận ra được cảnh nạn đó để chính ông phải than “Nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và cảnh báo về nguy cơ “sụp đổ tài khóa quốc gia”.
Còn bây giờ, hẳn nhiên ông Phúc không hề mong muốn mình phải trở thành nạn nhân “đổ vỏ” cho quá nhiều hậu quả gầy dựng bởi đời Thủ tướng trước.
Trong bối cảnh giật gấu vá vai như thế, Ngân hàng Thế giới lại đưa ra một cảnh báo giật mình: trong 3 năm tới, có đến 50% nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn, tức chính phủ này phải đối mặt với nguy cơ rất lớn là không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ, trừ việc… in tiền ồ ạt.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN.

CON MÈO ĐEN CỦA TẬP CẬN BÌNH

NGÔ NHÂN DỤNG/ BVN 18-11-2018

Ngày Thứ Ba vừa rồi, có nhà kinh tế gây rắc rối cho ông Tập Cận Bình. Ông ta đặt câu hỏi: Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc còn tin ở chủ nghĩa Mác xít thì phải tìm ra một cách giải thích tại sao họ đang dung chứa kinh tế tư nhân?
Ông Cổ Khang (贾康, Jia Kang) từng làm việc trong Bộ Tài chánh, nhắc lại bản Tuyên ngôn Cộng sản năm 1848 của Karl Marx và Frederick Engels nói rằng phải xóa bỏ quyền tư hữu các phương tiện sản xuất. Trung Cộng đang làm ngược lại chủ trương đó. Kinh tế tư nhân là động cơ chính giúp nước Tàu tăng trưởng trong gần 40 năm. Hiện nay tư doanh đóng góp 60 phần trăm vào Tổng sản lượng Nội địa (GDP), và cung cấp việc làm cho 80% giới lao động.
Trung Cộng tách rời Marx Engels từ thời Đặng Tiểu Bình. Khi các đồng chí hỏi tại sao cho phép sản xuất tư nhân, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, Đặng Tiểu Bình lý luận rất thực tế: Mèo trắng, mèo đen không quan trọng; miễn là nó bắt chuột. Con mèo trắng “tư bản chủ nghĩa” của Đặng Tiểu Bình chứng tỏ hữu ích. Những công ty tư như Alibaba, Tencent đang đưa kinh tế Trung Hoa vào thời kỳ tin học. Các công ty nhỏ của tư nhân cũng cho thấy người Trung Hoa được tự do đã có rất nhiều cách thích ứng rất nhanh, khi họ áp dụng kỹ thuật của phương Tây. Trong việc mua bán và trả tiền qua mạng internet, số người dùng ở Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ. Ngay một chuyện tầm thường như dùng xe đạp chung, bắt chước các thành phố ở Âu Mỹ, cũng phát triển nhanh chóng. Tất cả đều do tư nhân đóng vai chủ động, không hề có trong kế hoạch ngũ niên của nhà nước!
Tập Cận Bình vẫn vuốt ve con mèo trắng. Cuối tháng Mười, bản danh sách 100 nhà kinh doanh lớn nhất được công bố sau nửa năm sưu tầm và đánh giá, để nêu công trạng. Đứng đầu sổ là hai người sáng lập công ty Alibaba (Jack Ma) và Tencent (Pony Ma). Chủ tịch các công ty có tiếng trên thế giới như Lenovo, Evergrande, Huawei cũng được vinh danh. Một thương gia đã bị tố “tư bản phản động” trong thời Cách mạng Văn hóa, may thoát chết, nay được nằm trong danh bảng danh dự. Một người khác, đã được Đặng Tiểu Bình cứu sau khi bị đưa ra tòa trong thời gian đó chỉ vì đi bán hạt dưa, nay lại được hoan nghênh.
Ngày đầu tháng Mười Một, 2018, Tập đã mời 54 nhà kinh doanh tới để chính thức hứa sẽ hỗ trợ tư doanh. Không những thế, các ngân hàng nhà nước còn được lệnh tăng gấp rưỡi số tiền cho tư doanh vay trong ba năm tới.
Nhưng thói quen chỉ huy kinh tế của người cộng sản không thể nào bỏ được! Năm 2015, Tập Cận Bình vẫn muốn sử dụng “con mèo đen” trong việc phát động chương trình “Made in China 2025”. Mục tiêu là dùng tiền nhà nước làm động cơ thúc đẩy khoa học, kỹ thuật tân tiến. Trung Cộng đã liệt kê 100 ngành công nghiệp được nâng đỡ. Bắc Kinh đã bỏ tiền trợ cấp sản xuất xe hơi chạy bằng điện, EV, với kết quả nổi bật. Trong năm 2017, chính quyền các cấp bỏ ra 7.7 tỷ mỹ kim vào vụ này để trợ cấp các nhà sản xuất và cả người mua xe; số xe điện bán trong năm lên tới 770,000 chiếc. Trung bình mỗi chiếc xe được nhà nước bù lỗ $10,000 đô la Mỹ.
Hướng về tương lai, Trung Cộng đang nỗ lực giúp cho ngành Trí khôn Nhân tạo (AI, người Trung Hoa gọi là Nhân công Trí năng, 人工智能), với mục tiêu sẽ đứng đầu thế giới trong năm 2030. Hiện nay, AI đang được công an mật vụ Trung Cộng tận dụng trong nghề nhận mặt, điểm chỉ và bắt giữ dân. Nhưng giáo dục về AI và sử dụng AI cũng được cổ võ và trợ cấp. Wang Yi, một nhà kinh doanh 38 tuổi, từng làm cho Google ở Mỹ, khi về nước đã thành công dùng AI lập ra một mạng xã hội dạy tiếng tiếng Anh tên là Lưu Lợi Thuyết (Liulishuo, 流利说网易). Trong sáu năm, công ty của Wang từ 3 người sáng lập đã lên với 2,000 nhân viên. Vương hãnh diện nói rằng ở Trung Quốc từ trẻ em 7 tuổi đến người 70 tuổi ai cũng biết đến Nhân công Trí năng!
Tây phương chứng kiến chính quyền Trung Cộng bỏ tiền vào các ngành kỹ thuật tiên tiến đã phản ứng. Các nước Châu Âu và Mỹ đều lên tiếng phản đối Trung Cộng giúp các xí nghiệp của họ cạnh tranh bất bình đẳng với các xí nghiệp ngoại quốc. Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng cũng nhắm vào chuyện này
Cuộc thí nghiệm sử dụng mèo đen của Tập Cận Bình sẽ thành công hay không?
Kinh nghiệm cho thấy kinh tế chỉ huy có thể thành công trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở, như xa lộ, đường xe lửa cao tốc. Họ cũng thành công khi áp dụng các kỹ thuật và hiểu biết đã được người khác tìm ra, chỉ cần bắt chước làm cho nhanh, cho rẻ hơn. Nhật Bản đã dùng các phát minh từ các nước Âu Mỹ để phát triển mạnh thời 1970-80. Các kế hoạch do hệ thống ngân hàng, các đại xí nghiệp và nhà nước hợp tác với nhau đặt ra. Nhưng từ thập niên 1990, Nhật Bản đã đứng lại.
Trong kinh tế học có một định luật là “năng suất tiệm giảm”. Một đồng tiền bỏ vô đầu tư có thể đạt một lợi suất cao, những đồng tiền bỏ vô sau đó sẽ thấy lợi suất giảm dần. Cho đến khi một đồng tiền bỏ thêm không sinh lợi nữa mà có thể tác hại.
Đổ tiền giúp các kỹ thuật tiên tiến đem từ ngoài vào thì sẽ phát triển nhanh, đuổi kịp các nước đi trước. Nhưng sau đó, muốn tiến thêm, thì phải tạo được những điều kiện kích thích các phát minh mới tự động ra đời. Thị trường tự do cạnh tranh có các điều kiện như thế; nhà nước và kế hoạch xưa nay chưa thành công.
Nước Mỹ đã đứng đầu thế giới về sáng chế, phát minh ra các kỹ thuật mới làm đảo lộn cả cuộc sống kinh tế (disruptive technologies), tất cả đều do sáng kiến tư nhân. Có khi công việc nghiên cứu của nhà nước giúp phát minh những kỹ thuật mới, như internet, nhưng chính thị trường tư nhân đã đem các kỹ thuật đó vào đời sống tất cả mọi người. Nhờ cuộc cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh mà những ý kiến mới, hiểu biết mới được dùng cải thiện cuộc sống.
Giáo sư George Magnus, Đại học Oxford nhận xét: Theo kinh nghiệm, chưa một chế độ độc tài nào nào thành công, trên toàn diện và lâu dài, trong việc khai thác các phát minh kỹ thuật mới.
Một thí dụ gần đây nhất là chuyện công ty ZTE của Trung Quốc. Công ty này vi phạm chính sách cấm vận Iran của Chính phủ Mỹ, nên bị phạt. Các công ty Mỹ được lệnh cấm không cung cấp “chất bán dẫn” cho ZTE. Công ty công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc bị tê liệt, suýt nữa sập tiệm nếu không được Tập Cận Bình can thiệp xin Donald Trump tha tội!
Vì mua chất bán dẫn (semiconductor) thì dễ, làm ra mới khó. Chính quyền Trung Cộng đã đổ ra bao nhiêu tỷ mỹ kim vào ngành chất bán dẫn trong mấy chục năm qua. Nhưng muốn sản xuất được loại semiconductor đủ tiêu chuẩn quốc tế thì phải trải qua kinh nghiệm ba tới bốn đời thay đổi kỹ thuật trong nghề. Những kinh nghiệm đó rất phức tạp, không thể mua về, mở ra coi trong có cái gì rồi bắt chước làm giống hệt!
Nhưng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn ghiền con mèo đen của kinh tế chỉ huy. Một giáo sư triết lý Mác Xít mới viết trên mạng của Bộ Thông tin Tuyên truyền, nhắc nhở Đảng Cộng sản phải xóa bỏ kinh tế tư nhân! Ông Chu Hân Thành (Zhou Xincheng, 周欣诚), dạy môn Triết học Mác xít ở Đại học Nhân dân, nhấn mạnh: Lý thuyết cộng sản có thể tóm tắt trong một câu: Xóa bỏ quyền tư hữu!
Một nhân viên ngân hàng trẻ tuổi, Ngô Tiểu Bình (Wu Xiaoping, 吴小平) cũng viết trên mạng một bài lý luận nói rằng kinh tế tư nhân đã “làm xong sứ mạng lịch sử” giúp kinh tế nhà nước tiến bước; bây giờ có thể xóa đi dần dần. Các lời hai người này trích dẫn từ bản Tuyên ngôn Cộng sản khiến giới kinh doanh nghe mà lạnh xương sống.
Nhưng kinh tế tư nhân thời nay khác với thời cải cách ruộng đất và đánh tư sản ở bên Tàu hồi thập niên 1950. Con mèo trắng tư bản đã lớn khôn, lớn và khôn, khó lòng giết nó được, dù giết từ từ bằng thuốc độc! Nếu giết con mèo trắng, kinh tế nước Tàu sẽ chết theo!
N.N.D.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét