Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

20181106. 'DƯ ÂM' PHIÊN CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
'DƯ ÂM' PHIÊN CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 6-11-2018

Kết quả hình ảnh cho chất vấn quốc hội

Phiên chất vấn 3 ngày vừa qua của Quốc hội đã khép lại nhưng “dư âm” vẫn còn đọng lại trong tâm tư của nhiều cử tri quan tâm đến hoạt động của Quốc hội.
Phương thức chất vấn
Ngoài phương thức chất vấn bằng văn bản, chất vấn trực tiếp trên hội trường lần này tuy vẫn “hỏi 1 phút trả lời 3 phút” nhưng không biết đại biểu sẽ chất vấn ai, và chất vấn những vấn đề gì. 
Như thế, Quốc hội chuyển từ hình thức chỉ chất vấn một số nhóm vấn đề đối với một số Bộ trưởng và Trưởng ngành sang tất cả các vị thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án NDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC, không giới hạn nội dung chất vấn nên “người trong cuộc” phải có ý thức chủ động, nắm chắc công việc theo trách nhiệm của mình. Đó là một chuyển biến tích cực vì những vấn đề cử tri quan tâm, cần chất vấn không bị "thiu" do không thuộc nội dung giới hạn của các phiên chất vấn như ở các kỳ họp trước và nhiều khóa trước.
Nếu không thay đổi hình thức chất vấn thì làm gì có chuyện ông Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Bộ Chính trị cũng được chất vấn và được trả lời chất vấn, thậm chí được nhiều lần tranh luận lại. Trước đây, chỉ có thời ông Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc hội khóa XI, mời được ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an ra trả lời chất vấn 2 lần. Cho đến nay, các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vẫn nằm ngoài vòng quan tâm của các đại biểu Quốc hội!? Không hiểu sao, trong đối tượng chất vấn của Quốc hội lần này, không thấy có Tổng kiểm toán Nhà nước?
Nội dung chất vấn
Nhiều vị đại biểu tận tụy, có trách nhiệm với cử tri, có nghiên cứu sâu vấn đề nên chất vấn trúng, chất vấn hay và bước đầu đem lại kết quả cử tri mong đợi (như trường hợp đại biểu TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy). Một số đại biểu luôn làm nóng hội trưởng, thậm chí còn được Chủ tich Quốc hội điểm đích danh như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) là người hay "châm ngòi" trên hội trường với thái độ thẳng thắn, có trách nhiệm, nêu những vấn đề được nhiều người quan tâm.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều đại biểu thiếu thông tin nên không chất vấn được những vấn đề hệ trọng mà sa đà vào tiểu tiết, về những chuyện bề ngoài, nêu câu hỏi hời hợt, hỏi cho có mặt trên diễn đàn, hỏi mà không hiểu vấn đề (như trường hợp đại biểu Dung ở Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường lẫn lộn chương trình giáo dục phổ thông mới với việc thực nghiệm sách của ông Hồ Ngọc Đại).
Một số đại biểu đóng “nhầm vai”, vi phạm Điều 15 Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội là đi tranh luận với đại biểu khác, bảo vệ, biện luận thay cho sếp của mình theo kiểu “ăn cây nào rào cây ấy”, như đại biểu Lê Thị Thanh Xuân Phó giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Đắc Lắc phản bác đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; đại biểu Nguyễn Quang Dũng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Đà Nẵng tranh luận lại với đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; đại biểu Nguyễn Hữu Cầu Giám đốc công an Tỉnh Nghệ An bùng nổ tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đến 2 lần) về nội dung chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Cuộc tranh luận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu đại tá công an Nguyễn Hữu Cầu ý kiến khác nhau là bình thường. Cử tri không thể kiểm chứng những con số của 2 bên đưa ra vì có thể dựa trên hệ quy chiếu khác nhau. Cụm tù “khủng khiếp” mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng sử dụng hơi dân dã nhưng nếu ngành công an tự nghiêm khắc với bản thân mình thì có thể cũng sẽ thấy không "oan", như các chuyện xảy ra ở trong ngành, chỉ trong vòng 5 tháng của năm 2018 cả chục tướng công an (có cả cấp Thứ trưởng) đã bị bắt giam, phạt tù, cắt hết chức vụ trong Đảng hoặc đang xem xét kỷ luật và nhiều hiện tượng người dân “tự chết” khi bị tam giam, v.v.
Cử tri vẫn nhớ ông đại tá Nguyễn Hữu Cầu hầu như ở kỳ họp nào, cũng chất vấn, phê bình Bộ trưởng Giáo dục rất nhiều nhưng lại đóng vai hành pháp, cãi bằng được cho ngành mình.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lại lấy “cái ghế quyền lực làm gốc” lớn giọng yêu cầu công an xử lý dân nói xấu, xúc phạm Bộ trưởng, bị cư dân mạng phản ứng “ném đá” dữ dội.  
Hầu hết các trưởng đoàn Quốc hội, các đại biểu có chức sắc cao thường im lặng, không tham gia chất vấn?! Họ thường dẫn đầu các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đi tiếp xúc với cử tri, thì trên diễn đàn chất vấn của Quốc hội cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình.
Trả lời chất vấn
Nhìn chung những người trả lời chất vấn “tròn vai” nhưng thường quá giờ quy định 3 phút. Chất vấn trực tiếp hỏi đáp ngắn gọn là tốt, nhưng cũng có những điều hạn chế dễ đi vào dàn trải, không có điều kiện đi sâu vào các vấn đề bức xúc quan trọng nhất và khi thiếu thời gian lại phải "giải vây" cho Bộ trưởng bằng cách trả lời sau bằng văn bản!
Bộ trưởng Bộ KHCN sang ngày thứ hai của phiên chất vấn mới nhận được câu hỏi đầu tiên nên “như mở tấm lòng” nói hơi dài. Sau đó, có lúc dồn dập nhận đến 8 câu hỏi, nhờ nắm chắc chức năng nhiệm vụ của ngành và vấn đề “liên kết các ngành” trong đó có vai trò của KHCN nên trả lời khá trôi chảy, đáng ghi nhận.  
Nhìn chung, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và lĩnh vực tư pháp cần đầu tư thời gian, công sức, cập nhật thông tin, tư liệu, nắm chắc vấn đề mình phụ trách để khi trả lời chất vấn lần sau được thuyết phục hơn.
Trong vòng xoáy “hỏi nhanh, đáp gọn” liên quan nhiều đến vấn đề thời sự nóng bỏng của cuộc sống, các vị tư lệnh ngành Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên & Môi trường… tuy đôi khi trả lời còn hơi dài nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ giải đáp về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Bộ trưởng TNMT may là vẫn còn tỉnh táo chưa bị “tẩu hỏa nhập ma”,  2 lần giải trình yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội: ”Số liệu xử lý về làng nghề gây ô nhiễm tôi vừa mới trả lời rồi hoặc việc trả lời về biên chế công chức là trách nhiệm của Bộ Nội vụ”.
Thời gian dành cho Thủ tướng trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội không tương thích với kỳ vọng của cử tri. Chủ tịch Quốc hội điều hành xứng đáng nhận được nhiều lời khen ngợi về  sự linh hoạt, và điều chỉnh “nhiệt độ nghị trường” ở mức vừa tiết kiệm điện năng vừa đạt hiệu suất cao. “Hạt sạn” có thể thấy là do phải chủ trì 3 ngày liên tục, căng thẳng nên có lúc bị quá tải. Việc “cắt cụp” hay phán quyết của Chủ tịch Quốc hội đôi khi chưa “đúng vai”, còn lẫn lộn giữa người lãnh đạo và người điều hành phiên họp của Quốc hội.     
Lời kết
- Có lẽ đã có điều kiện khách quan để tiến tới xây dựng Quốc hội gồm các đại biểu chuyên trách, tách lập pháp và hành pháp. Các Bộ trưởng và công chức không nên là đại biểu Quốc hội.
- Phát huy các thành quả và rút kinh nghiệm của kỳ họp lần này, cử tri mong muốn phiên chất vấn kỳ sau nên chia thành nhóm nội dung lĩnh vực quản lý để chất vấn. Chia lĩnh vực như vậy vừa không bỏ sót Bộ, Ngành nào, vừa tập trung, không gây ấn tượng tản mạn, từ chuyện nọ nhảy sang chuyện kia. Ngoài ra, cần có nội dung chất vấn Quốc hội về hiệu quả giám sát của mình.
- Đại biểu Quốc hội phải tự tìm hiểu, tiếp xúc với cử tri, cập nhật các thông tin, tư liệu, nhưng các vấn đề về chuyên môn hoặc có liên quan tới hệ thống hành chính quá rắc rối, lằng nhằng …cần tham vấn các chuyên gia để tiếng nói thực sự có trọng lượng trên nghị trường. Khi chất vấn cần truy vấn đến cùng nếu thấy câu trả lời chưa thỏa đáng.
- Có hiện tượng thành viên Quốc hội chưa đóng đúng vai, chỉ nghĩ mình là đại biểu của ngành, chứ không phải là của dân.  Quốc hội nên tổ chức cho đại biểu quán triệt thật đầy đủ trách nhiệm của đại biểu để hạn chế việc đóng nhầm vai. Quốc hội nên có cơ chế nhắc nhở, hoặc phải áp đặt “quota” phát biểu cho cả những vị quan chức là đại biểu Quốc hội.
- Chủ tịch Quốc hội chỉ nên điều hành ngày thứ nhất (khai mạc) và ngày thứ ba (kết thúc) phiên điều trần để tránh quá tải, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của các vị Phó Chủ tịch Quốc hội. 
T.V.T.
Tác giả gửi BVN

CẢNH BÁO NHỮNG KẺ LƯƠN LẸO, 'SỐNG GIẢ' CHUI VÀO VỊ TRÍ LÃNH ĐẠO

THIỆN VĂN / TVN 6-11-2018

 - Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã ví những kẻ cơ hội chính trị như những “con lươn, con chạch”. Vì nói đến “con lươn, con chạch”, người ta hay liên tưởng đến những kẻ ra luồn vào cúi, sống lươn lẹo, uốn oéo, thoắt ẩn thoắt hiện, khó nắm bắt như loài lươn, loài chạch. Một trong những biểu hiện tinh vi nhất của những kẻ cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch” là thái độ “sống giả”.   
Mới đây chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.

Cảnh báo những kẻ lươn lẹo, “sống giả” chui vào vị trí lãnh đạo
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026.
Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta ví những kẻ cơ hội chính trị như những “con lươn, con chạch”. Vì nói đến “con lươn, con chạch”, người ta hay liên tưởng đến những kẻ ra luồn vào cúi, sống lươn lẹo, uốn oéo, giỏi chui luồn, thoắt ẩn thoắt hiện, khó nắm bắt như loài lươn, loài chạch. Một trong những biểu hiện tinh vi nhất của những kẻ cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch” là thái độ “sống giả”.  
Theo từ điển tiếng Việt, thì “giả” không chỉ có nghĩa “không phải là thật”, mà “giả” còn bao hàm nhiều nghĩa như: Giống vật gì nhưng không phải mang bản chất của vật ấy; làm ra để thay thế một vật nào đó; làm giống như thật; bắt chước sự thật.
Chung quy lại, giả là đối lập với thật, là lợi dụng cái thật để làm y như thật nhằm che mắt, lừa dối thiên hạ vì mục đích hẹp hòi, nhỏ nhoi, không chính đáng. Ví như làm hàng hóa giả để kiếm lợi nhuận bất chính. Buôn bán hàng giả nhằm tận thu lời bất hợp pháp. Học hành giả nhằm nâng “khống” kiến thức với động cơ tiến thân không lành mạnh. Chứng chỉ giả nhằm “hợp lý hóa” trình độ nào đó hay “đánh bóng” lý lịch cá nhân hòng vụ lợi.
Thật ra cái giả nào cũng đáng quan ngại. Nhưng thời nay, có một thứ giả đáng quan ngại hơn chính là tình trạng “sống giả”. “Sống giả” không chỉ có nghĩa là sống không thật lòng mình, mà đó là kiểu cách sống bằng mọi giá để “lấy lòng, mua chuộc” người khác.
Ở nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức hiện nay, không ít người kẻ chủ trương “sống giả” để tranh đua chức tước thật, giành giật bổng lộc béo bở. Những người “sống giả” có đặc điểm chung là, với cấp trên cái gì cũng phải, cũng đúng, cũng hay; với thủ trưởng thì bao giờ cũng nhẹ nhàng, mềm mỏng, nhũn nhặn “một dạ, hai vâng”; với mọi người thì “mười lăm cũng ừ, mười tư cũng gật”, “gió chiều nào theo chiều ấy”, “thấy xôi khen xôi ngọt, thấy thịt bảo thịt bùi”, lúc nào cũng ứng xử theo kiểu “dĩ hòa vi quý” để cố gắng không làm mất lòng, phật ý ai cả.
Nhưng còn có một thứ “sống giả” tinh vi hơn, đấy là một số người ứng xử đến mức “siêu khéo”, luôn sử dụng những “lời có cánh”, những mỹ từ để khen ngợi người này, vuốt ve người khác, biết tận dụng thời cơ để “cung kính” cấp trên, “chiều chuộng” cấp dưới, “cưng nựng” đồng nghiệp. Cái sự “sống giả” này thấy rõ nhất ở một số người đang trong thời điểm chuẩn bị quy hoạch, chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội, chuẩn bị bổ nhiệm chức vụ mới.
Những người “sống giả” không dễ phát hiện như hàng giả, chứng chỉ giả, bằng cấp giả. Vì đó là những con người bằng xương bằng thịt hẳn hoi, đôi khi được “khoác” trên mình bằng diện mạo bóng bẩy hào hoa, nhưng họ nhũn nhặn thể hiện “cử chỉ giả” để làm “xiêu lòng” người khác. Những người “sống giả” thường biết “diễn giỏi”, “nói hay”, “giọng ngọt”, lợi dụng tình cảm chân thành, hồn hậu của mọi người nhằm “mua chuộc” nhân tâm.
Như vậy, “sống giả” cũng là một trong những hình thức tạo dựng “uy tín giả” cho cán bộ, đảng viên, một triệu  chứng không thể xem thường trong bộ máy công quyền! Vì thực tế đã có những người tiến thân không phải do tài năng, đức độ, mà đi lên bằng cái “môi mỏng lưỡi mềm” siêu đẳng của họ. Họ hiếm khi gây mất lòng ai, nhưng do tài cán có hạn, lại chỉ khư khư “giữ mình” vì ngại đụng chạm, ngại va vấp, ngại khuyết điểm, thế nên những người này thường không có chính kiến rõ ràng, không có tính quyết đoán, không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nên không góp phần tạo ra động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc cho tập thể, cho bộ máy.
“Sống giả” thực chất là cách sống chủ yếu vì mình mà ít vì mọi người, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận động, phát triển lành mạnh của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đấy là chưa kể có những người “sống giả” đến mức như một “diễn viên có hạng” trong giao tiếp ứng xử, họ sẵn sàng đổi màu như con tắc kè để “mua vui” người này, “lấy lòng” người khác chỉ nhằm mục tiêu tối thượng là “tăng phiếu, lên ghế” cho bản thân mình!
“Sống giả” đâu đó vẫn hiện diện hằng ngày trên những “khuôn mặt thật”, song nó lại được bao bọc tinh vi bởi những cái “mặt nạ” bóng bẩy, hào hoa bên ngoài, thế nên nó rất dễ làm mập mờ, lẫn lộn ranh giới tốt-xấu, đúng-sai, hay-dở trong nội bộ và gây khó khăn thêm cho việc nhận định, đánh giá chuẩn mực nhân cách cán bộ, đảng viên.
Châm ngôn có câu “Lộng giả thành chân”, nó vừa có nghĩa “bỡn quá hóa thật”, vừa mang hàm ý những cái giả để lâu ngày nếu không được “vạch mặt chỉ tên” để uốn nắn, chấn chỉnh và loại trừ khỏi cuộc sống thì sẽ đến lúc người ta tin đó là sự thật. Nếu tổ chức, cơ quan, đơn vị nào đó mà cứ để cho tình trạng “sống giả” vẫn nhơn nhơn, thì không chỉ làm tổn thương những nhân cách trung thực, phương hại những phẩm giá chân chính, mà còn làm thui chột những cán bộ, đảng viên có động cơ phấn đấu lành mạnh.
Hiện nay, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị đang chuẩn bị các bước quy hoạch nhân sự chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy ban thường vụ, cấp ủy, người đứng đầu và các cơ quan chức năng giúp việc càng phải sớm nhận diện, phát hiện, thẩm định, sàng lọc chặt chẽ ngay từ đầu để ngăn chặn không cho những kẻ cơ hội như “con lươn, con chạch”, “sống giả” chui vào vị trí lãnh đạo các cấp. Làm được như vậy, chúng ta sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo và bộ máy công quyền.
Thiện Văn (Đại tá Nguyễn Văn Hải)
TIN BÀI LIÊN QUAN:
LẠI BÀN VỀ CÁN BỘ CẤP CHIẾN LƯỢC

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 6-11-2018

Ngày 4/11/2018 BCT ĐCSVN họp, cử ra Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược giai đoạn 2021-2026, gồm 6 người: Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính, Tòng Thị Phóng,  Trương Hòa Bình, Trần Cẩm Tú. Lại có bộ phận giúp việc 12 người. Họ có nhiệm vụ làm quy hoạch, lập danh sách những người được họ lựa chọn để các Đại hội bầu. Lại xuất hiện một Ban chỉ đạo quái gở, một địa chỉ cho các cuộc chạy chức chạy quyền.
Thời  quân chủ, thường có chuyện chọn thái tử trong các hoàng tử hoặc hoàng thân quốc thích. Khi thái tử còn nhỏ cần phải cử thái phó, làm thầy dạy. Đó là kiểu quy hoạch và bồi dưỡng cán bộ cấp đại chiến lược của chế độ cha truyền con nối đã bị chôn vùi. Ngày nay trong các nước dân chủ văn minh hình như không còn đảng cầm quyền nào làm cái trò quy hoạch và bồi dưỡng cán bộ kiểu như vậy. Nếu đảng cầm quyền mà quy hoạch cán bộ thì Mỹ không có Trump, Pháp không có Macron,  Malaysia không bầu Mahathir, Bonsonaro không thắng cử ở Brazil, v.v.
Mới xem qua cách mà Ban chỉ đạo sẽ làm thấy rất hay. Nào là “phải thận trọng, chặt chẽ, tập trung, dân chủ, công tâm khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, giữ gìn kỷ luật thông tin, bước đi phải chặt chẽ, bởi đây là công việc phức tạp, hệ trọng…, cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng nhiều hơn những cán bộ có trình độ, hiểu biết về xây dựng Đảng, luật pháp, các trí thức tiêu biểu, các nhà văn hóa, nhà khoa học có uy tín… Dứt khoát không đưa vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực,… Nếu phát hiện cán bộ nào có vấn đề sẽ đưa ra khỏi quy hoạch ngay…”.
Chỉ những người có tên trong quy hoạch mới hy vọng được đề cử để bầu bán.
Đã có khá nhiều bài ca tụng việc làm quy hoạch cán bộ, nhưng xem ra chỉ là những lời phụ họa ngây ngô, sáo vẹt. Tôi viết Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ là quái gở vì cách làm là phản tiến bộ. Người ta định thắp đuốc lên giữa ban ngày để tìm người hiền tài trong giới tinh hoa, đưa ra làm lãnh đạo, nhưng cách làm, đặc biệt là tiêu chuẩn lựa chọn chỉ có thể tìm được những kẻ có nhiều mưu ma chước quỷ, là tinh ma chứ không phải tinh hoa. Đã một số lần tôi phát biểu: “ Cách lựa chọn cán bộ của ĐCSVN là sai từ gốc”.  Sẽ có người phê phán: “ Ông bảo người ta sai, sao chỉ biết phê phán mà không nói ra cách làm đúng”. Thưa rằng, tôi đã vài lần góp ý kiến nhưng vì chất kiêu ngạo cộng sản mà họ không nghe. Còn cách làm đúng không phải tìm đâu xa, chỉ cần từ bỏ độc tài toàn trị, tôn trọng quyền của người dân và chịu khó suy nghĩ một chút là sẽ tìm được.
Vì kém trí tuệ, vì bảo thủ mà BCT ĐCSVN lập ra Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược thì xin hãy  quy hoạch riêng cho Đảng mà thôi. Những cán bộ thuộc hệ thống Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng và các thành viên chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các nghị sĩ, Chủ tịch các UBND các cấp… xin hãy để cho Nhân dân được dân chủ bầu chọn. Trước hết là hãy để bầu ra một Quốc hội thực sự đại diện cho dân chứ không phải là bù nhìn của đảng.
Dựa vào điều 4 của Hiến pháp do một Quốc hội bù nhìn thông qua, ĐCSVN cướp quyền của Dân, trong đó có quyền thiêng liêng được chọn người đại diện cho mình trong đời sống chính trị. Quyền ấy bị ĐCS cướp và giao vào tay một nhóm người, gọi là Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ. Bộ chính trị đã công bố địa chỉ để chạy chức chạy quyền. Một cuộc chạy không phát động, không trống giong cờ mở, chỉ ngấm ngầm, nhưng rất quyết liệt đã bắt đầu.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

MỘT NGUY CƠ LỚN XUẤT PHÁT TỪ NHỮNG SỰ TÍNH TOÁN SAI LẦM THIỂN CẬN

PHẠM HƯNG QUỐC/ viet-studies/ BVN 6-11-2018

Trước khi nói về hiện tượng Chu Hảo chúng tôi thấy cần phải nhắc tới một số sự kiện quan trọng liên quan tới Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm bảo thủ của ông ta trong thời gian gần đây:
Cần đánh giá đúng mức những gì mà Nguyễn Phú Trọng và lực lượng bảo thủ của ông ta đã làm được trong thời gian vừa qua tại Việt Nam. Nhìn nhận một cách công bằng Nguyễn Phú Trọng đã làm được những việc vô tiền khoáng hậu trong đời sống chính trị Việt Nam kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII đến nay. Chỉ xin nêu ra một số dấu mốc điển hình của những thành công kỳ tài của Nguyễn Phú Trọng:
· Thứ nhất đã loại bỏ được “con sâu chúa” hay là một “hoàng đế” của chế độ Cộng sản Việt Nam trong Đại hội XII. Nguyễn Tấn Dũng trong suốt hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng đã tạo dựng một đế chế cộng sản giả hiệu một cách bi hài kịch nhất trong lịch sử Việt Nam. Vòng xoáy quyền - tiền - quyền thống trị mọi mặt đời sống kinh tế, chính tri, xã hội, an ninh Quốc phòng. Mối gắn bó chặt chẽ giữa quyền và tiền đã trở thành lẽ sống, là chuẩn mực, thậm chí là chân lý cho mọi hoạt động của nhà nước và xã hội, đặc biệt là trong việc tổ chức bộ máy cầm quyền của nước CHXHCN Việt Nam trong cả một thời gian dài qua nhiều thế hệ lãnh đạo mà cao trào là những năm đầu của thế kỷ XXI dưới thời Nguyễn Tấn Dũng. Phải nói rằng Nguyễn Tấn Dũng là bản sao y chang của hiện tượng Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Mậu… và bè lũ của chúng tại Trung Quốc.
· Thứ hai, giống như Tập Cận Bình, sau Đại hội XII Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong chiến dịch chống tham nhũng qua việc cho Đinh La Thăng vào lò cùng với khá nhiều lãnh đạo cao cấp khác của chính quyền.
· Thứ ba, Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện các biện pháp khá quyết liệt để phong tỏa và vô hiệu hóa được hàng loạt những con hổ to nhất của triều đình như Trần Đại Quang, Nguyễn Văn Bình… cũng như các vây cánh của các con hổ là thành viên của bộ chính trị cũ như Nguyễn Văn Chi, Lê Thanh Hải, Nguyễn Bá Thanh ….
Một dấu ấn đặc biệt và quan trọng khác mà Nguyễn Phú Trọng và phe cánh của ông ta cũng dũng cảm làm được là đã đánh thẳng vào một trong những cơ quan uy nghiêm nhất là chế độ cộng sản là các cơ quan thuộc ngành cảnh sát, an ninh và tình báo thuộc Bộ Công an, qua việc khởi tố, bắt giữ và xét xử hàng loạt tướng lĩnh cốt cán của các cơ quan này. Quả thực đây là một trong những việc khó khăn nhất mà Nguyễn Phú Trọng đã làm được.  Khách quan mà nói ngoài Tập Cận Bình ra thì rất ít nước trên thế giới có thể làm được những việc tương tự kể cả các nước dân chủ, tự do. Rõ ràng việc làm này đã thể hiện sự quyết tâm, khôn khéo, quyết liệt của ngài Tổng bí thư nước CHXHCN Việt Nam. Chỉ cần thiếu một trong những yếu tố trên thì không thể động vào được những cơ quan “nhà nước trong nhà nước” loại này. Việc thay máu gần như toàn bộ ban lãnh đạo của Tổng cục tình báo thuộc Bộ Công an cũng là một viêc ít quốc gia nào dám làm, vì đây là một trong những huyệt đạo trọng yếu và nhạy cảm nhất của chế độ.
· Thứ tư, một việc làm khác cũng rất ấn tượng mà Nguyễn Phú Trọng đã ghi dấu ấn trong thời gian qua là phơi bày ra công chúng vụ AVG. Việc dám đánh thẳng vào vụ AVG là một đòn đánh vỗ mặt vào bộ máy cầm quyền nói chung của chế độ Cộng sản Việt Nam và sự tham tàn của thế hệ lãnh đạo Nguyễn Tấn Dũng nói riêng. Câu chuyện AVG không chỉ là câu chuyện một nhóm “tinh hoa” của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cướp đoạt của nhà nước của chính mình vài nghìn tỷ mà cái chính là Nguyễn Phú Trọng đã dám phơi bày sự trắng trợn của nguyên lý Tiền - Quyền - Tiền ngồi trên pháp luật, đạo lý của nhiều thế hệ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam trong những năm gần đây mà đặc biệt là giới chức quyền cao chức trọng  thời Nguyễn Tấn Dũng. Phải nói rằng vụ AVG có thể coi là một mẫu hình tiêu biểu nhất của sự sa đọa về quyền lực. Người ta đã dùng quyền lực để hợp pháp hóa việc trộm tiền của nhà nước. Trương Minh Tuấn, một “hạt giống đỏ” được tổ chức Cộng sản sàng lọc, rèn luyện trong rất nhiều năm nhưng trước khi muốn được lên Bộ trưởng Bộ TT TT thì phải biết vâng lời lãnh đạo cấp trên của mình là Nguyễn Bắc Son: chấp nhận nhúng chàm, trực tiếp tiếp tay cho việc trộm tiền công quỹ. Nguyễn Bắc Son không chỉ là một Bộ trưởng, một Ủy viên TW của Đảng bình thường như các Ủy viên TW khác mà còn là một cận thần của Lê Đức Anh một vị khai quốc công thần đã từng nắm toàn bộ hệ thống an ninh của đất nước. Vụ việc AVG lại được dàn dựng và đạo diễn bởi Nguyễn Thanh Phượng, cô con gái rượu của đương kim “hoàng đế” Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ. Thật thương thay cho hạt giống đỏ Trương Minh Tuấn lúc bấy giờ chỉ còn cách nhắm mắt làm liều theo sự chỉ đạo của quyền lực tuyệt đối, “chân lý” tuyệt đối một thời của triều đại Nguyễn Tấn Dũng. Nay Nguyễn Phú Trọng đã dám động đến vụ AVG là đã dám phơi bày môt sự tha hóa quyền lực một cách trắng trợn nhất của chính quyền Cộng sản. Việc làm này của Nguyễn Phú Trọng có thể được ví như là một việc làm của một bác sĩ dám thông báo với bệnh nhân của mình là tế bào ung thư đã di căn lên tận não bộ….
Sẽ không ngoa khi ví Nguyễn Phú Trọng như là một Gorbachop trong một lĩnh vực nào đó của chế độ Cộng sản Việt Nam. Trước kia Gorbachop làm tan rã chế độ cộng sản của nhà nước Liên Xô thì ngày nay Nguyễn Phú Trọng đã dám đánh thẳng và phơi bày sự tha hóa Quyền - Tiền của đội ngũ lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Nhận định này không phải chỉ là đánh giá chủ quan của một nhóm người mà đa số người Việt Nam đều ghi nhận được những thành tích vô tiền khoáng hậu này của Nguyễn Phú Trọng. Chính điều này đã làm cho dư luận nhân dân khoan dung hơn đối với các quan điểm giáo điều, cổ hủ thậm chí lú lẫn của ông ta. Nguyễn Phú Trọng vẫn nhận được sự trân trọng của người dân. Nhưng là một lãnh tụ, ông ta cần phải hiểu một nguyên lý bất di bất dịch là muốn xóa bỏ một cái gì tồi tệ thì phải tìm cách xây cái mới tốt đẹp hơn. Tập Cận Bình cùng với chiến dịch đả hổ diệt ruồi thì cũng phải tìm cách xây “giấc mơ Trung Hoa”. Cho đến nay, người dân Việt Nam chưa thấy lãnh tụ Nguyễn Phú Trọng hứa hẹn mang lại điều gì cụ thể cho sự phát triển của đất nước ngoài thuật ngữ “chủ nghĩa Mác - Lê Nin“ cũ rích. Nếu Mác, Lê Nin mà sống lại trong thế kỷ 21 này thì chắc chắn người học trò Nguyễn Phú Trọng sẽ bị hai ông này xử phạt đầu tiên vì ông là một người học trò rất tồi, đã không biết cách phát triển lý luận kinh điển của người thầy đã viết ra từ thế kỷ 19 mà còn làm mất đi một nguyên lý cơ bản của luận thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học của thầy là tính biện chứng và tính lịch sử trong việc nhìn nhận và đánh giá sự phát triển của vạn vật.
Việc Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước khi vẫn đảm nhiệm vị trí số một của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó cũng không ít người nuôi hy vọng rằng khi đã tập trung được quyền lực trong tay thì ông ta phải khoan dung hơn, phải cải cách, đổi mới hơn. Nhưng việc để ban Kiểm Tra Trung Ương tiến hành kỷ luật Giáo sư Chu Hảo đã dập tắt hy vọng mong manh này. Tại sao vậy? Khi mà Giáo sư Chu Hảo không phải là loại người chống đối chế độ, không đi theo phe cánh nào cả? Chu Hảo chỉ là một trí thức dám nói lên ý kiến độc lập của mình nhiều khi không đồng điệu với đường lối của Đảng do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu! Việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo chắc chắn mang lại nhiều cái mất hơn là được cho Đảng của Nguyễn Phú Trọng và chế độ Cộng sản rất rất nhiều. Tại thời điểm này người ta thật khó xác định chính xác nguyên nhân của hành động dị thường, phi chính trị này.
Hiện nay người ta chỉ có thể phỏng đoán các nguyên nhân chính dẫn đến quyết định kỷ luật Giáo sư Chu Hảo như sau:
- Xuất phát từ tư duy mong muốn duy trì và củng cố sự ổn định về chính trị bằng những biện pháp thiển cận, ấu trĩ, Nguyễn Phú Trọng lại rơi trở lại trạng thái lú lẫn vốn có của mình?
- Giới lãnh đạo chóp bu có tư tưởng bảo thủ và thiển cận nghĩ rằng việc Nguyễn Phú Trọng được bầu chức Chủ tịch nước với tỷ lệ phiếu bầu rất cao thể hiện sự thắng thế của tư tưởng bảo thủ trong giới lãnh đạo. Họ nhận định rằng đây là thời cơ để củng cố quyền lực cho giới lãnh đạo theo hướng bảo thủ để chuẩn bị cho Đại hội 13 trong công tác nhân sự. Thời gian từ nay đến Đại hội không còn nhiều. Nguyễn Phú Trọng tuổi đã cao, sức đã yếu, năng lực lại hạn chế đang rất muốn chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ trẻ hơn. Do vậy rất cần phải tạo môi trường chính trị thuận lợi nhất cho những hậu duệ mà ông ta tin cậy trong Ban lãnh đạo hiện nay nhằm củng cố thanh thế, quyền lực và ảnh hưởng cho bước chuyển tiếp trong Đại hội 13. Việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo chỉ là một hành động thể hiện cái uy của Nguyễn Phú Trọng nhằm răn đe những kẻ không biết nghe lời.
- Các phe phái trên chính trường luôn có một đội ngũ rất đông đảo những kẻ ăn theo, nói leo, hay còn gọi là cơ hội chính trị. Sau sự kiện Nguyễn Phú Trọng được bầu Chủ tịch nước với số phiếu cao gần tuyệt đối, cũng như sau những thắng lợi thu được của phe bảo thủ trong cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua, các lực lượng cơ hội chính trị đi theo hướng bảo thủ đã chớp thời cơ đàn áp giới trí thức phản biện. Qua việc này họ muốn chứng minh lòng “trung thành” của họ với tân Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.
- Một khả năng khác là chính các lực lượng đang bị phe bảo thủ mà đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng đã, đang, và sẽ bị “cho vào lò” muốn qua việc Chu Hảo để tạo cớ lật ngược tình thế nhằm triệt hạ lực lượng chính trị đang “hành hạ” họ. Lực lượng này rất hiểu rằng họ chỉ có thể lật ngược được tình thế khi tìm được những cái cớ mang tính chính danh để kiềm chế hay loại bỏ Nguyễn Phú Trọng. Rõ ràng việc kỷ luật Chu Hảo là một hình thức đàn áp ngớ ngẩn theo kiểu “cách mạng văn hóa” của thế kỷ 21 sẽ là cái cớ chính danh rất thích hợp để phe tham nhũng núp danh đổi mới sẽ tổ chức phản đòn đối với phe bảo thủ của Nguyễn Phú Trọng. Nên nhớ rằng lực lượng này chiếm đa số trong bộ máy chính quyền hiện nay. Họ nắm trong tay mọi nguồn lực mạnh có thể chi phối đời sống chính trị của đất nước, đồng thời họ là những bậc thầy về các thủ đoạn chính trị thâm độc.
- Một khả năng cuối cùng là Nguyễn Phú Trọng muốn rập khuôn họ Tập bên Trung Quốc một cách thiếu suy nghĩ.
Cho dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào thì hậu quả của việc làm này sẽ là:
- Làm suy yếu hình ảnh của chính quyền Cộng sản Việt Nam trước con mắt của người dân, mà đặc biệt là tầng lớp trí thức. Tước bỏ triệt để cơ hội cho Đảng Cộng sản trở thành lực lượng chính trị tiên phong của xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vỗ ngực.
- Làm suy yếu sự đoàn kết gắn bó giữa những lực lượng đang mong muốn kiến quốc bằng con đường hòa giải dân tộc khôi phục sức mạnh đoàn kết dân tộc, đưa đất nước vượt qua những thử thách và tranh thủ được cơ hội mà đất nước đang đối mặt.
- Tạo những kẽ hở để những lực lượng ngoại bang tận dụng nhằm giảm đi vị thế độc lập và tự quyết trong mối bang giao giữa Việt Nam với Quốc tế hiện nay. Rõ ràng vị thế độc lập tự quyết mà Việt Nam đang có và phải cố gắng duy trì và củng cố là cái phao cứu sinh hữu hiệu nhất cho con thuyền Việt Nam trong phong ba bão táp.
- Đưa nền chính trị quốc gia đi vào sự bế tắc tăm tối. Tạo tiền đề cho những sự đổ vỡ tiềm tàng tương lai trong lòng đất nước.
- Trước mắt sẽ ảnh hưởng tới uy tin của Nguyễn Phú Trọng và tính chính danh của chiến dịch chống tham nhũng của ông ta.
Một vài lời nhắn gửi ông Nguyễn Phú Trọng:
Thưa ông, theo chúng tôi nghĩ chủ nghĩa Mác - Lê Nin vốn dĩ là một trong những sản phẩm lý luận đáng khâm phục của loài người vào thời điểm thế kỷ thứ 19. Tiếc thay qua năm tháng chủ nghĩa Mác - Lê nin  đã bị con người làm sai lệch, xuyên tạc và bôi xấu. Trớ trêu thay những kẻ tự nhận là môn đồ trung thành của chủ nghĩa Mác lại chính là những thủ phạm đã tàn phá Chủ nghĩa Mác - Lê nin một cách điên cuồng và triệt để nhất  bằng chính những việc làm tán ác, xấu xa, kém cỏi của họ. Đối với người Việt Nam, trong quá khứ khi đất nước trầm luân dưới ách thực dân phát xít thì 99% những người tự nguyện đi theo chủ nghĩa cộng sản trước đây đều chỉ hiểu một cách đơn giản rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ đánh đuổi mọi kẻ xâm lược, mang lại độc lập, thống nhất cho đất nước, hòa bình ấm no cho người dân, công bằng bác ái cho xã hội. Vậy nếu ai đó tự nhận là Cộng sản thì trước tiên hãy làm việc này cho đất nước, dân tộc. Hãy đừng dùng những lý luận đao to búa lớn, rối rắm để ngụy biện, để lòe bịp nhau, quy chụp và triệt hạ nhau.
Ông thường răn dạy mọi người “đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Nhưng chính ông đang làm vậy. Thành tích lớn nhất mà ông đạt được trong thời gian qua là chống tham nhũng. Xin ông hãy tỉnh táo nhìn lại và lắng nghe. Cái mà ông đạt được vẫn chỉ có tính tượng trưng, vì hơn ai hết chính ông biết rằng, tham nhũng đã ăn sâu vào toàn bộ hệ thống cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tốc độ này thì 100 năm nữa vẫn không xử lý hết  những vụ việc xảy ra trong quá khứ và những vụ việc mới lại nảy nở! Ngay cả những việc mà ông đã cho là thành công trong thời gian qua cũng mắc quá nhiều khiếm khuyết rất cơ bản. Đành rằng đối với các vụ án như Đinh La Thăng, ngân hàng Đại Dương, PVN, ngân hàng Xây Dựng…. được biết chủ trương của ông là đập chuột không làm vỡ bình nhưng những tội danh mà các cơ quan công tố  giành cho các bị cáo không có tính thuyết phục. Cách xử lý của các cơ quan tố tụng lại rất tắc trách, chiếu lệ, phản cảm nên đã không gây được hiệu ứng tích cực lẽ ra phải có cho xã hội, ngược lại đã gây hoài nghi trong dư luận về tính công minh của pháp luật. Đối với những chính sách vĩ mô mà ông Nguyễn Xuân Phúc với mục tiêu  xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo và bà Nguyễn Thị Kim Ngân với mục tiêu xây dựng  Quốc hội dân chủ, đổi mới… chỉ có thể trở thành hiện thực khi đảng của ông phải có những bước đi tương xứng. Nếu ông không chuyển hóa được Đảng của ông trở thành lực lượng chính trị tiên phong thực sự thì chắc chắn Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bị xã hội Việt Nam đào thải. Ông sẽ là kẻ tội đồ của tương lai và cả của quá khứ trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Nếu ông thực sự muốn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê nin thì hãy đừng biến chủ nghĩa Mác - Lê nin trở thành kẻ thù của sự phát triển, của dân chủ, tự do, đi ngược lại với xu hướng phát triển của văn minh nhân loại.
P.H.Q.
Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/PHungQuoc_HienTuongChuHao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét