Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

20181113. BÀN VỀ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM CHÍNH THỨC THÔNG QUA CPTPP- PHẢI CHÍNH THỨC CÔNG NHẬN CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP !

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 13-11-2018

12 tháng Mười Một năm 2018 cần được ghi vào lịch sử nhân quyền Việt Nam như một trang sử mới: cùng với CPTPP, Công đoàn Độc lập đã đương nhiên và mặc định phải được chính thể độc đảng ở Việt Nam công nhận.

https://1.bp.blogspot.com/-nr2sRk3TdIA/W-lEcmaYyRI/AAAAAAAAc2s/WPp0W1UufBw6TjCusqPgxTaj3-a12GUOwCLcBGAs/s640/hiep_dinh_cptpp_knfb%2B%25281%2529.jpg
Chỉ 5 ngày sau khi được ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng với tờ trình ‘chỉ đạo’ về tính cấp thiết phải phê chuẩn CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), 100% đại biểu Quốc hội đã đồng loạt ‘gật’ cho Hiệp định này vào chiều 12/11/2018, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 trong khối CPTPP thông qua Hiệp định CPTPP, sau 6 nước đã thông qua là New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore, Australia.
Hoàn toàn không giống với các dự thảo luật do Việt Nam soạn thảo và thông qua, CPTPP và một văn kiện mà sau khi đã kết thúc đàm phán vào năm 2017 và ký kết, Quốc hội Việt Nam chỉ hoặc lắc đầu hoặc gật đầu mà không có quyền chỉnh sửa bất kỳ nội dung nào trong Hiệp định này. Theo đó, những điều khoản về Công đoàn Độc lập trong CPTPP cũng đương nhiên giữ vai trò bất di bất dịch mà Việt Nam không có quyền xóa bỏ hay tìm cách hạn chế bớt ảnh hưởng của định chế bảo vệ quyền lợi người lao động đó.
12 tháng Mười Một năm 2018 cần được ghi vào lịch sử nhân quyền Việt Nam như một trang sử mới: cùng với CPTPP, Công đoàn Độc lập đã đương nhiên và mặc định phải được chính thể độc đảng ở Việt Nam công nhận.
Theo những quy định của CPTPP, chính quyền Việt Nam sẽ phải cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là Công đoàn Độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…
Vào lúc này đây, những nhà hoạt động nhân quyền tiền thân của Công đoàn Độc lập, những con người đầu tiên dấn thân đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân Việt Nam - Đoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức, Hoàng Bình… đang có thể mỉm cười rạng rỡ.
Công sức và quá nhiều năm tháng tù đày của họ đã không hề uổng phí. Mục tiêu của cuộc đời họ đã được cộng đồng quốc tế công nhân và khẳng định, bất chấp chính quyền độc trị ở Việt Nam luôn quay quắt trong phản ứng sắc máu và đê tiện.
Trong rất nhiều năm trời, chính quyền Việt Nam đã chỉ trích Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước, gán ghép Công đoàn Độc lập ở Việt Nam với Công đoàn Đoàn kết và coi đó là “một thủ đoạn nguy hiểm của Diễn biến hòa bình”, đồng thời cấm tiệt tất cả các cuộc đình công chính đáng và phù hợp hiến pháp của công nhân Việt Nam.
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của Đảng’ - đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn’ 3% (gồm 2% thu nhập của doanh nghiệp và 1% thu nhập của người lao động) và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.
Ngay giờ đây, ở Việt Nam đã có mặt hai tổ chức về Công đoàn Độc lập: Phong trào Lao động Việt và Liên đoàn Lao động Việt tự do. Theo quy định của CPTPP, Việt Nam sẽ phải chấp nhận cho phép tổ chức cộng đoàn độc lập của người lao động liên kết với nhau theo ngành hoặc theo vùng, trong một khu vực hay cả nước để thành lập tổ chức của ngành hoặc vùng.
Nhưng trong thời gian chờ đợi CPTPP được các nước còn lại ký để bắt đầu triển khai vào tháng Giêng năm 2019, cùng thời gian từ 3-5 năm để luật hóa các quy định của CPTPP về các quy chế lao động theo 3 công ước quốc tế về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chưa có gì đáng gọi là ‘thành tâm’ từ một não trạng đã quá quen độc trị về quyền lực và lợi ích khi phải tạm nhân nhượng cộng đồng quốc tế về nhân quyền để đổi chác lợi ích thương mại.
Hầu như không hoài nghi rằng chiến thuật ưa thích nhất của chính quyền Việt Nam trong ít ra vài năm tới vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về Công đoàn Độc lập, vừa kéo dài lâu đến mức có thể việc luật hóa CPTPP về Công đoàn Độc lập, vừa tung ra chiến dịch ‘Công đoàn Độc lập cuội’.
Một cách đương nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang và sẽ được Đảng lựa chọn để tổ chức chiến dịch ‘Công đoàn Độc lập cuội’. Đó cũng là lý do để tổ chức công đoàn nhà nước này tìm cách tồn tại để vẫn được uống bầu sữa ngân sách và duy trì quyền lực ‘tổ chức chính trị xã hội’ của mình’, trong thời buổi chế độ độc trị phải ‘dân chủ hóa’.
Một trong những kịch bản được Đảng tâm đắc là ‘Quốc doanh hóa Công đoàn Độc lập’: tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc doanh “chủ động tổ chức đình công” cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh hưởng của những tổ chức Công đoàn Độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Nói trắng ra là “đình công cuội”, như lịch sử đương đại của Đảng đã một số lần tổ chức “biểu tình cuội”.
Chẳng những thế, Đảng còn đang đặc biệt chú ý làm sao để gây dựng hình ảnh “thủ lĩnh” cho đình công, và có thể sắp tới là “thủ lĩnh biểu tình”. Đồng thời tăng cường hàng loạt động tác ‘chăm lo quyền lợi người lao động’ để vớt vát điều được coi là ‘uy tín’ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vốn đã trôi dạt băng hoại qua nhiều năm tháng, cố gắng giữ chân số công nhân đoàn viên càng nhiều và càng lâu càng tốt…
Nhưng khác hẳn với dĩ vãng, giờ đây trình độ và nhận thực của giai tầng công nhân Việt Nam đã vượt cao hẳn so với nhiều năm trước, công nhân không còn dễ bị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và giới Tuyên giáo Đảng mị dân phỉnh dụ. Đó chính là những cơ sở then chốt để có thể đặt niềm tin vào giai cấp công nhân Việt Nam - những con người đã được nâng cao hơn hẳn mặt bằng dân trí và nhận thức chính trị lẫn nhân quyền, những người sẽ biết cách tự tạo ra cho mình mô hình nghiệp đoàn độc lập để đấu tranh với giới chủ và với cả những chính sách bất công của chính quyền.
Vai trò và số phận phải tiêu vong của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng bởi thế hầu như là một tương lai không còn hoài nghi, cho dù trong thời gian tới tổ chức này có tính kế ‘ve sầu thoát xác’ nhằm vớt vát một chút niềm tin của công nhân để kéo dài chút này hay chút ấy tuổi thọ tàn tạ của nó.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

CPTPP VÀ VEFTA : TƯƠNG LAI TẠM THỜI CHO NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 13-11-2018

https://2.bp.blogspot.com/-1UtZR30byCk/W-k6TrBq0tI/AAAAAAAAc2g/hNoottfAjiIK_84uRSfHi_yGjutnMsqpQCLcBGAs/s640/PCD_CPTPP.jpg
Các nước tham dự hội nghị CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) (Hình: Getty Images)
Theo logic phát triển của CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Châu Âu), năm 2019 sẽ ra sao với nhân quyền? Liệu có hy vọng nào sáng hơn so với một năm 2017 nhân quyền bị bắt bớ gần ba chục người và một năm 2018 bắt ít hơn trong khi phải thả hai nhà hoạt động nhân quyền gạo cội và tiêu biểu là Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh?
Từ TPP đến EVFTA
Hãy nhìn lại logic của Hiệp định TPP - tiền thân của CPTPP.
Logic của TPP là cùng thời điểm Nguyễn Phương Uyên được trả tự do vào năm 2013, hàng loạt tổ chức xã hội dân sự đã lần đầu tiên đồng loạt ra đời, đánh dấu lần đầu tiên phong trào xã hội dân sự - nhân quyền chính thức hình thành ở Việt Nam và được cộng đồng quốc tế công nhận. Đà ra đời và phát triển của các tổ chức xã hội dân sự còn tiếp nối mạnh mẽ vào năm 2014 và sang tận đầu năm 2016. Cho tới năm 2018, số lượng tổ chức xã hội dân sự đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2013 và gấp gần 3 lần so với năm 2014.
Logic của TPP cũng thể hiện ở việc nếu vào năm 2013 chính quyền Việt Nam chỉ trả tự do cho duy nhất Phương Uyên, đến năm 2014 chính quyền đó đã phải trả tự do cho một số lượng kỷ lục lên đến 12 tù nhân lương tâm, trong đó đặc biệt là cái tên Điếu Cày Nguyễn Văn Hải - sáng lập viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do mà chính quyền Việt Nam sợ hãi và căm ghét đến mức nào. Ngoài ra còn phải trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh - sáng lập viên của tổ chức Lao động Việt - có thể xem là tiền thân cho định chế Công đoàn Độc lập ở Việt Nam trong tương lai không xa, và Tạ Phong Tần - bị tống xuất sang Mỹ một năm sau khi Điều Cày ra khỏi nhà tù.
Bốn năm sau đó, khi TPP chuyển thành CPTPP, Công đoàn Độc lập đã có một bước tiến dài: vào cuối năm 2018, để được tham gia vào CPTPP lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc trị của ông ta đã phải nhượng bộ chấp nhận điều kiện về cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là Công đoàn Độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ Trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…
Còn với EVFTA, Hiệp định này đã được Ủy ban Châu Âu thông qua vào Tháng Mười Năm 2018 để đệ trình lên Hội đồng Châu Âu nhằm quyết định cho việc ký kết chính thức hay không, và nếu được ký thì sẽ trình lần cuối cho Nghị viện Châu Âu để vào Tháng Ba năm 2019 sẽ quyết định có phê chuẩn hay không.
Cũng như TPP, nội dung của EVFTA đề cập đến những công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam phải ký, cùng những vấn đề nhân quyền và môi trường.
Nhưng sự khác biệt khá rõ giữa EVFTA và TPP là nếu trước đây Chính phủ Mỹ chỉ đành hài lòng với “món quà tù nhân lương tâm” mà chính quyền Việt Nam mang ra đổi chác, thì nay khối Liên minh Châu Âu đã thực sự “mở mắt” sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đã tận mắt nhìn ra một “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là như thế nào, và do đó đã trở nên cứng rắn hơn hẳn về các điều kiện cải thiện nhân quyền so với thái độ mềm mỏng thái quá của họ từ năm 2016 trở về trước.
Khác với TPP, trong nội dung của EVFTA có ràng buộc điều kiện “hội và các tổ chức phi chính phủ”, mà thực chất là các tổ hội đoàn xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, được quyền tham vấn cho EU về chính sách và các chương trình, dự án liên quan đến EVFTA, cũng như có quyền tham dự vào việc triển khai những chương trình và dự án đó. Và EVFTA cũng bao gồm cả quy định sẽ đỉnh chỉ Hiệp định này nếu Việt Nam vi phạm trầm trọng nhân quyền.
Đó cũng là hy vọng để trong năm 2019 và những năm sau đó, phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam không chỉ được nâng cao thêm một mức về an toàn hoạt động, có hy vọng đón thêm một số tù nhân lương tâm tự do trước thời hạn, mà còn có thể có những điều kiện mới để hoạt động từ không chính danh đến chính danh, và có thể đóng góp hiệu quả cao hơn trong hoạt động phục vụ các giai tầng nghèo khó trong xã hội, phản biện và phản kháng các chính sách và hành vi bất công của nhà cầm quyền liên quan đến toàn bộ những nội dung thể chế chính trị và thể chế thương mại cùng các hệ quả xã hội nằm trong Hiệp định EVFTA.
Và nếu EVFTA được chính thức ký kết và phê chuẩn, triển vọng của Công đoàn Độc lập sẽ xán lạn hơn bao giờ hết: định chế này được bảo đảm và hỗ trợ bởi không chỉ một mà đến hai cơ chế pháp lý quốc tế mà chính quyền Việt Nam phải tuân thủ: CPTPP và EVFTA.
Nhưng đó chỉ là tương lai tạm thời, cho những hy vọng tạm thời trong thời kỳ cơ chế độc trị buộc phải tạm buông dần quyền lực và tạm thời nhuốm màu sắc nửa dân chủ, nhưng vẫn chủ yếu phô trương thói mị dân và sẵn sàng quay trở lại thói toàn trị bất kỳ lúc nào có cơ hội.
Bài học chuyển tiếp dân chủ nửa vời ở Miến Điện là đắt giá. Thậm chí cả một Aung San Suu Kyi đoạt giải Nobel Hòa bình mà còn bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu thỏa hiệp với thể chế độc tài quân sự thì tương lai dân chủ trọn vẹn của Việt Nam chắc chắn sẽ còn phải chờ đợi nhiều mùa Xuân nữa.
Có xóa được luật “vào trước, bắt sau?”
Dường như đã hình thành một quy luật cho những biến động nối tiếp của Hiệp định thương mại, nhân quyền và bắt bớ: “Vào trước, bắt sau”.
Kể từ năm 2001 khi Việt Nam lần đầu tiên có được Hiệp định thương mại song phương có giá trị với Mỹ, cứ khoảng 5 - 7 năm một lần những hiệp định thương mại mang lại lợi ích chế độ cầm quyền ở Việt Nam lại khiến chế độ này tạm thời chủ động thi hành chính sách ngầm “đổi tù chính trị lấy thương mại”, giảm sức ép đàn áp nhân quyền và cường độ bắt bớ người bất đồng chính kiến. Nhưng khi đã được thỏa mãn về lợi ích thương mại hoặc khi đã không còn hy vọng vào lợi ích thương mại đó nữa, cơ chế bắt bớ lại tái diễn một cách lồng lộn, hung dữ và đặc biệt xấu tính.
Quy luật 5 - 7 năm xảy ra một lần như trên đã được trải nghiệm qua Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ vào năm 2001, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006, Việt Nam vận động TPP vào năm 2013. Còn từ cuối năm 2017 đến năm 2018, Việt Nam đang ráo riết vận động EVFTA.
Theo đó, CPTPP và EVFTA cũng có thể sẽ diễn biến như quy luật đã định hình: vào thời gian đầu khoảng 1 - 1.5 năm - tức từ năm 2019 đến năm 2020 - là thời kỳ êm ái của giấy phép, lợi ích thương mại và khiến cho chính thể Việt Nam hóa thành “sói đội lốt cừu”, tạm thời “vỗ béo” giới đấu tranh dân chủ nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự, chờ tới ngày “ăn thịt”.
Còn sau năm 2020 và có thể kéo dài đến những năm 2013-2014, nếu CPTPP và EVFTA không được thực hiện cơ chế chế tài chặt chẽ và đủ cứng rắn về nhân quyền trong hai Hiệp định này, và nếu chính thể Việt Nam vẫn còn những điều kiện kinh tế - chính trị để duy trì chế độ độc đảng như hiện thời, tình trạng bắt bớ trở lại đối với các nhà hoạt động nhân quyền chắc chắn sẽ tái hiện, xóa đi phần lớn hay toàn bộ công sức thuyết phục và lôi kéo “Việt Nam ngả về phương Tây” của Mỹ và các nước khối Liên Minh Châu Âu.
Quy luật “vào trước, bắt sau” chỉ bị xóa bỏ trong những điều kiện tương đối lý tưởng: chính thể cầm quyền ở Việt Nam suy kiệt hoàn toàn về khả năng trả nợ nước ngoài, ngân sách đổ vỡ, còn nền kinh tế rơi vào khủng hoảng bởi quốc nạn nợ công quốc gia - nợ xấu ngân hàng cùng cảnh nạn suy thoái trầm kha; nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam phân hóa trầm trọng và tự diễn biến theo cách đa số quan chức trung cao cấp - những người có thân nhân và tài sản ngồn ngộn ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Úc… - tìm cách ngả sang phương Tây hoặc tìm lối thoát ở phương Tây; áp lực của Mỹ và Liên minh Châu Âu về cải cách thể chế kinh tế và cả thể chế chính trị đối với Việt Nam là đủ lớn, phong trào dân chủ nhân quyền trong nước dâng lên đủ cao và bắt đầu tích lũy được những tiềm năng chiến lược… Chỉ khi đó, những tù nhân lương tâm thoát khỏi “nhà tù nhỏ” mới không phải sa chân vào một “nhà tù lớn” và mới giảm thiểu nguy cơ bị chính quyền bắt bớ trở lại.
Trong số những điều kiện trên, kịch bản vỡ nợ nước ngoài của ngân sách Việt Nam và kinh tế suy thoái trầm trọng là dễ xảy ra hơn cả, mà thời điểm xảy ra có thể bắt đầu từ năm 2020 hoặc 2021.
Một lần nữa hãy nhìn lại bài học “tự diễn biến” của chế độ quân phiệt ở Miến Điện. Tuy có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phải tự thay đổi sang dân chủ, trong đó nổi bật vai trò cải cách của Tổng thống Thein Sein, nhưng việc Câu lạc bộ Paris chấp nhận xóa $6 tỷ tiền nợ cho Miến Điện vào cuối năm 2012 - trùng với chuyến thăm lịch sử đất nước này của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama - cho thấy chế độ quân phiệt ở Miến Điện đã tích lũy một món nợ quá lớn mà đã mất khả năng chi trả và do đó phải nhượng bộ trước đòi hỏi cải cách chính trị của phương Tây.
Nợ nước ngoài của chính thể độc đảng ở Việt Nam (chưa tính nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp) hiện nay là khoảng $105 tỷ - gấp hàng chục lần nợ nước ngoài vào năm 2012 của Miến Điện.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN.
CHÍNH QUYỀN VN ĐANG TỔ CHỨC 'CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP CUỘI' ?
PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 9-11-2018
‘Đừng tin những gì chính quyền nói, hãy nhìn những gì chính quyền làm’ - rất nhiều công nhân và người dân đã bật ra mối nghi ngờ rất lớn ngay sau khi xuất hiện tin tức về việc chính quyền Việt Nam, để được tham gia vào CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), đã lần đầu tiên phải chấp nhận định chế Công đoàn độc lập - một trong những điều kiện then chốt của CPTPP mà tất cả các quốc gia tham dự bàn tiệc đứng này đều phải có nghĩa vụ tuân thủ chặt chẽ.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình trước Quốc hội về việc phê chuẩn CPTPP
Vì sao nghi ngờ?
Theo những quy định của CPTPP, chính quyền Việt Nam sẽ phải cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…
Đã bị chính quyền mị dân và lừa gạt quá nhiều lần, vào lần này quá ít người lao động còn có thể tin rằng chính quyền sẽ thực tâm hoặc nghiêm túc tuân thủ điều kiện Công đoàn độc lập trong CPTPP mà không tạo ra một thứ ‘Công đoàn độc lập cuội’ để đối phó với hiệp định này. Ngược lại, chính quyền đó sẽ vẫn cố sống cố chết giữ cho mình vai trò độc tôn quyền lực, trong một nỗi sợ hãi đến mức hoang tưởng về tương lai Công đoàn độc lập ở Việt Nam sẽ biến thành Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan và lập ra đảng phái chính trị để nổi sóng thay thế chính quyền hiện tại ở Việt Nam.
Mối nghi ngờ trên là có cơ sở, thậm chí có quá nhiều bằng chứng về tính cơ sở.
Bởi trước đó trong quan điểm và cách hành xử của chính quyền Việt Nam, Công đoàn độc lập luôn bị lên án là ‘một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình’, bị quy chụp động cơ chính trị và khiến nhiều nhà hoạt động công đoàn độc lập như Đoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức, Hoàng Bình… bị công an thẳng tay tống giam và rơi vào nhà tù thăm thẳm nhiều năm.
Thậm chí vào năm 2015, sau chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng và nhận được lời hứa của Tổng thống Mỹ khi đó là Barak Obama về việc sẽ cho Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP cùng cam kết đổi lại của ông Trọng về việc Việt Nam sẽ công nhận Công đoàn độc lập, chính quyền Việt Nam vẫn tìm cách bưng bít mọi thông tin về Công đoàn độc lập.
Chỉ đến giữa năm 2016, tức khoảng hơn hai tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, mới bắt đầu xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam, sau một thời gian cố tình trì hoãn, đang phải thúc đẩy việc “thí điểm” không công khai về định chế Công đoàn độc lập. Khi đó đã lần đầu tiên hiện hình ý đồ và manh nha một chiến dịch tổ chức ‘Công đoàn độc lập cuội’.
Trong lúc giới dư luận viên - mà có thể hiểu phía sau giới này là các cơ quan tuyên giáo và công an - dần chuyển giọng theo cách “Sự xuất hiện của công đoàn độc lập sẽ giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, tuy nhiên không ai có thể khẳng định tất cả các công đoàn độc lập đều hoạt động vì mục đích tốt đẹp như vậy”, dấu hiệu hiện lên rõ nhất đến từ cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng với Liên đoàn Lao Động TP HCM vào ngày 23/8/2016. Tại đây, ông Thăng - quan chức mà khi đó còn chưa phải lãnh hai bản án với 31 năm tù giam và phải thốt lên ‘hãy đối xử với bị cáo như một con người!’ - đã bất ngờ cho rằng yêu cầu đình công của công nhân là chính đáng và còn đặt câu hỏi: “Sao công đoàn không tổ chức đình công theo luật cho công nhân?”. Thậm chí ông Thăng còn phát ra đánh giá “chưa thành công là do tổ chức công đoàn chưa mạnh dạn làm việc đó”, và yêu cầu Liên đoàn Lao động TP HCM nếu chưa tổ chức thành công thì cứ mạnh dạn tổ chức cho thành công.
Hiện tượng chưa từng có nói trên là trái ngược hoàn toàn với toàn bộ những gì mà đảng đã gán ghép Công đoàn độc lập với Công đoàn Đoàn kết và coi đó là “một thủ đoạn nguy hiểm của Diễn biến hòa bình”, đồng thời cấm tiệt tất cả các cuộc đình công của công nhân Việt Nam đúng theo lối trả lời thật thà “Chưa bao giờ!” của Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM Trần Kim Yến trước câu hỏi “Công đoàn đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?” của Đinh La Thăng.
Nhưng đến cuối năm 2016 và sang đầu năm 2017, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã đột ngột giáng một đòn nặng nề vào TPP và cũng khiến tiêu tan hy vọng về ‘Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong TPP’: Tổng thống mới là Donald Trump đã quyết định Mỹ sẽ không tham gia vào hiệp định này.
Kể từ đó, không một cơ quan hay quan chức nào của Việt Nam thèm nhắc đến Công đoàn độc lập hay một thứ gì đó từa tựa như ‘bảo vệ quyền lợi người lao động’. Mọi thông tin về Công đoàn độc lập trong TPP đều bị ém nhẹm. Thay vào đó và ngược lại, các nhà hoạt động công đoàn độc lập bị truy xét, sách nhiễu, đánh đập và bắt bớ, lồng trong bối cảnh một chiến dịch đàn áp ghê gớm đối với nhân quyền được tổ chức bởi Bộ Công an và chỉ tạm ‘giải lao’ vào cuối năm 2017.
Lùi một bước để tiến nhiều bước!
Gần cuối năm 2018, khi nhận ra cơ hội sắp được vào CPTPP, kịch bản cũ đã được giới chóp bu Việt Nam lôi ra dùng lại.
Tương tự chiến dịch tuyên truyền cho việc Việt Nam sắp vào TPP với đủ thứ lợi ích kèm theo vài ẩn ý về việc “sẽ sửa Luật Lao động, đặc biệt là chương về Công đoàn và những cam kết về lao động quốc tế”, một chiến dịch truyền thông cho CPTPP đã một lần nữa được tung lên mặt báo chí nhà nước.
Đã có nhiều biểu hiện và dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam muốn “lấy mỡ nó rán nó” Công đoàn độc lập bằng phương châm ‘Quốc doanh hóa Công đoàn độc lập’. Tức tập dượt càng sớm càng tốt cho các công đoàn quốc doanh “chủ động tổ chức đình công” cho công nhân và hy vọng qua đó sẽ thu hút được số đông công nhân, thay vì để cho công nhân rơi vào tầm ảnh hưởng của những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn không chịu sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.
Nói trắng ra là “đình công cuội”, như lịch sử đương đại của đảng đã một số lần tổ chức “biểu tình cuội”.
Chẳng những thế, đảng còn đang đặc biệt chú ý làm sao để gầy dựng hình ảnh “thủ lĩnh” cho đình công, và có thể sắp tới là “thủ lĩnh biểu tình”. Yếu tố tâm lý mới mẻ này đã thoát thai từ một câu hỏi của Đinh La Thăng vào năm 2016: “Các cuộc đình công đều có thủ lĩnh. Vì sao công nhân lại coi những người công nhân không phải là cán bộ công đoàn là những thủ lĩnh các cuộc đình công mà không coi cán bộ công đoàn là thủ lĩnh? Chúng ta phải suy nghĩ về việc này”.
Lùi một bước để tiến nhiều bước!
Cho tới nay, vẫn không ít quan chức trong chính quyền còn mang ảo vọng về một kịch bản tái lặp như thời Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi Danh sách CPC vào năm 2006 và gia nhập WTO vào năm 2007, để sau đó chính quyền Việt Nam “trở cờ” và “hốt” phần lớn giới đấu tranh dân chủ nhân quyền cứng đầu và a dua với phương Tây. Phương châm tình thế hiện thời vẫn là “lùi một bước, tiến nhiều bước”, cứ tạm nhân nhượng để Việt Nam vào được CPTPP, sau đó sẽ “hốt trọn ổ”.
Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Những người theo đường lối một đảng lợi ích ở Việt Nam chắc chắn vẫn hy vọng kịch bản WTO năm 2007 “được cả hai” sẽ lặp lại vào năm nay: vừa vào được CPTPP, vừa “hồi tố” bắt giam trở lại những kẻ bất đồng chính kiến liều lĩnh nhất.
Còn trong thời gian chờ đợi CPTPP được các nước còn lại ký để bắt đầu triển khai vào tháng Giêng năm 2019, chiến thuật ưa thích nhất của chính quyền Việt Nam vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về công đoàn độc lập, vừa kéo dài lâu đến mức có thể việc luật hóa CPTPP về công đoàn độc lập, vừa tung ra chiến dịch ‘công đoàn độc lập cuội’.
Công đoàn độc lập, cũng bởi thế, sẽ là cuộc chiến đầy cam go gian khổ trên mảnh đất Việt Nam đang lấp ló giao thời từ toàn trị sang “dân chủ nửa mùa”.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét